trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
19.2.2005
Nguyễn Thế Long
Văn hoá và hôn nhân
 
Tôi đã trò chuyện với khá nhiều giảng viên Việt Nam dạy học ở các trường đại học Pháp. Trong câu chuyện thân tình, họ cho tôi biết có những phụ nữ Việt Nam dạy ở các trường đại học trong nước, có bằng Phó tiến sĩ (chính vì cái bằng này đã làm cho tuổi xuân của họ lần lữa trôi qua và lại gây thêm khó khăn), tuổi đã ngoài 40, mà nhan sắc theo quan niệm thông thường ở ta thì chỉ xếp loại dưới trung bình, nếu cứ ở Việt Nam thì yên trí sống cô đơn cho đến hết đời, nhưng được cử sang đây học làm Tiến sĩ, học xong đều lấy được chồng Tây, sống rất sung sướng và không cần phải đi làm nữa (vì tiền thu nhập cũng chỉ xấp xỉ như thuế thu nhập của chồng, nếu chưa lấy vợ phải nộp)! Nhiều người khi gặp lại đều ngạc nhiên thấy họ lấy được chồng và “đổi đời” nhanh chóng như vậy. Những phụ nữ Việt Nam đã luống tuổi, nhan sắc (theo quan niệm của người Việt Nam) dưới trung bình, lấy được chồng Tây và sống hạnh phúc, đã cho ta thấy quan niệm về hôn nhân và thẩm mĩ của mỗi dân tộc là khác nhau, nhất là giữa phương Tây với chúng ta khác nhau nhiều lắm, nhưng cũng gợi cho ta nhiều suy nghĩ về sự giao lưu văn hoá trong hôn nhân.

Từ sau 1975, khá nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam sinh sống ở nước ngoài do nhiều lí do, đã kết hôn với người bản địa; tiếp đến sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, một số ít người Việt Nam ở các nước này đã kết hôn với người nước sở tại. Ở trong nước, từ sau ngày đổi mới, hội nhập với thế giới, đã có một số ít phụ nữ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài đã có hôn nhân với số ít người đã gặp gỡ. Bên cạnh những cuộc hôn nhân do tình yêu chính đáng cũng có những cuộc hôn nhân chủ yếu do vụ lợi, tính toán mong được đổi đời, thoát khỏi nghèo khổ… Có những cặp đã sống với nhau hạnh phúc và cũng đã có nhiều cặp đổ vỡ nhanh chóng, đơn giản vì những xung đột trong đời sống vợ chồng, nhưng chính là do những va chạm, khác nhau giữa các nền văn hoá trong quá trình tiếp xúc, giao lưu.

Chúng ta có thể gọi các cuộc hôn nhân (theo đúng nghĩa) của những người Việt Nam với người phương Tây là những cuộc “hôn nhân văn hoá”. Hai người đại diện cho hai nền văn hoá gần như hoàn toàn xa lạ gặp nhau, có khi đối lập với nhau trong nhiều giá trị, suy nghĩ và xử sự, cùng nhau chung sống trong nhiều năm tháng dưới một mái nhà. Sự đối diện ấy là rất lớn, bắt đầu từ ngôn ngữ giao tiếp. Không thể tưởng tượng được chồng nói gì, vợ không hiểu, hoặc hiểu rất ít, hay ngược lại, mà hai người có thể yêu nhau, sống chung hạnh phúc mãi với nhau. Cái tinh tế của ngôn ngữ mỗi dân tộc chỉ có những người đã học tập ngôn ngữ đó mới cảm nhận được hết, huống chi với người chỉ học qua truyền khẩu, dù rằng đã được bù đắp bởi cử chỉ thái độ. Hãy kể từ cái tưởng rằng rất nhỏ nhưng lại là liên tục thường xuyên như cái ăn, cách ăn - văn hoá ẩm thực. Trong việc làm dâu hay rể một gia đình Việt Nam với nhau, cách nấu ăn, khẩu vị của mỗi gia đình đã khác nhau, không quen, song cũng không khác nhau lắm nên dần dần rồi cũng chấp nhận. Huống chi người Tây quen ăn bánh mì với súp, đồ hộp, sà lát, không cần nấu nướng có mùi vị thơm bốc lên, uống Coca hay rượu vang trong khi ăn. Người Tây không ăn cơm với nhiều rau như người Việt, họ không ăn mắm, sợ nhất là mùi mắm tôm, chỉ ăn muối, họ không ăn thịt chó và các phủ tạng động vật, họ sợ tiết canh cho là “ăn sống nuốt tươi” mất vệ sinh! Nếu bạn ăn “cơm Tây” một hai bữa thì thấy ngon đấy, nhưng bạn “phải” ăn “cơm Tây” khoảng 3, 4 ngày thôi, bạn sẽ thấy xót ruột không chịu nổi, thì bạn sẽ hiểu người phụ nữ Việt Nam làm vợ Tây, dù chiều chồng nhưng cứ ăn cơm Tây cả năm có chịu đựng được mãi không? Tôi đã có dịp quan sát nhiều cặp vợ chồng Tây-Việt ở châu Âu, thông thường đã xảy ra là nếu chồng Tây thì vợ ta “phải” ăn cơm Tây theo, nếu chồng là Việt thì vợ Tây “phải” ăn cơm ta theo, thỉnh thoảng đôi bên cũng có sự chiếu cố thói quen của nhau, mỗi tuần vài ba bữa ăn theo sở thích của mỗi người – mỗi dân tộc. Trong sống chung, một kiểu ăn dung hoà được cả Tây và Việt là mì sợi Ý Spagetti, có khá nhiều loại, được dùng cho cả Tây và ta đều thích, xào hay chần lên, ta thì ăn với súp gần như ăn phở hay bún sườn, Tây thì ăn với thịt hộp hay cá hộp hoặc các thứ đồ khô…

Mới chỉ nói đến việc ăn trong đời sống chung giữa vợ chồng không cùng nền văn hoá đã phức tạp đến như vậy. Trong đời sống chung vợ chồng Tây và ta còn biết bao nhiêu tiếp xúc, giao lưu nữa như những thói quen khác trong làm việc, ngủ nghê, giải trí, sinh hoạt đời thường (sạch sẽ, ngăn nắp hay luộm thuộm…), việc đi lại, nói chuyện ngoài đường phố hay nơi công cộng, đời tư cá nhân cần được tôn trọng, quan hệ rộng rãi của mỗi người với bạn bè cả nam và nữ, quan niệm về thẩm mĩ trong cách ăn mặc, trang trí phòng, nhà ở… là rất nhiều chuyện với cách suy nghĩ và xử sự khác nhau, những va chạm vô cùng phức tạp.

Trong đời sống vợ chồng - cùng một dân tộc, cùng một nền văn hoá - những quan niệm về giá trị và cách xử sự, hành động thí dụ như trong cách đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em, bè bạn bên chồng hay bên vợ cũng nhiều khi không thống nhất, nếu không thông cảm nhân nhượng, đôi khi cũng gây ra giận hờn, tranh cãi xô xát. Chưa cần nói đến những vấn đề to tát trong cuộc sống của mỗi người như chức vụ, danh dự, của cải tiền nong, con cái và cách giáo dục… nếu không có chung quan niệm thì sẽ nổ ra những xung đột rất khó hàn gắn. Huống chi giữa hai vợ chồng khác nhau về nền văn hoá thì những quan niệm và cách xử sự hàng loạt vấn đề trong đời sống, trong xã hội nêu ở trên sẽ không phải là những việc nhỏ có thể dễ dàng thông cảm chấp nhận lẫn nhau. Tôi đã nghe một nữ Phó giáo sư (maitre de conférence) người Việt dạy đại học ở Paris đã gần 20 năm, phàn nàn về việc khi mình vào bệnh viện sinh nở, chồng là người Pháp cũng coi như một việc bình thường, để vợ tự đi, tự sinh con; khi con đã lớn cho về thăm ông bà nội, ông bà nội cũng không tỏ ra mừng rỡ với cháu đích tôn của mình. Chị hiểu cách xử sự đó là do nền văn hoá phương Tây quy định, tuy đã biết vậy song chị cũng hơi tủi thân, thèm muốn cách cư xử ấm áp, thân mật, mừng rỡ của một người chồng và bố mẹ chồng là Việt Nam.

Người ta thường hay nói đến một câu chuyện thí dụ sau đây và đặt câu hỏi cho nhiều lớp người: “Bạn đang ở trên một chiếc tầu thuỷ với vợ, mẹ và con trai. Tầu bị đắm và bắt đầu chìm. Bạn là người duy nhất biết bơi. Bạn chỉ có thể cứu được một trong ba người. Vậy bạn sẽ cứu ai?” Câu hỏi này đưa ra cho hơn một ngàn nhà quản lí trẻ châu Á và Mỹ thì có khoảng 65% trả lời cứu con mình, số người cứu vợ ít hơn, không có ai chọn cách cứu mẹ cả. Họ giải thích quyết định của mình như sau: “Con tôi còn có tương lai, con tôi còn chưa có cuộc sống. Còn mẹ tôi đã già rồi và đã sống đủ rồi.” Những nhà quản lí châu Á dưới 40 tuổi đều trả lời giống người châu Mỹ. Hỏi những nhà quản lí châu Á trên 40 tuổi thì họ cho biết chọn cách cứu mẹ và giải thích như sau: “Mẹ tôi là người đã sinh ra tôi, chăm sóc tôi, tôi chịu ơn mẹ tôi rất nhiều. Tôi có thể lấy vợ khác và đẻ con khác”. Câu trả lời của những người được hỏi đã cho chúng ta thấy quan niệm giá trị và cách xử sự, hành động của các nền văn hoá khác nhau. Xem thế đủ biết mỗi nền văn hoá dân tộc có những giá trị khác nhau và lối suy nghĩ khác nhau và những hành động khác nhau.

Sự đối diện văn hoá ấy diễn ra hàng giờ, hàng ngày, mọi nơi, mọi chốn khi họ sống chung với nhau trong quan hệ vợ chồng là rất lớn, đã được dung hoà bởi sức mạnh của tình yêu, tình yêu đã san bằng những cách trở của văn hoá hai dân tộc. Nhưng sức mạnh của tình yêu cũng chỉ bồng bột ban đầu dễ giúp họ vượt qua được những khác biệt về văn hoá. Trong đời sống vợ chồng diễn ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nếu sự dung hoà hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hoá thông qua hai cá nhân được duy trì, được tôn trọng, cuộc hôn nhân sẽ bền vững, ngược lại sau một thời gian nếu mỗi bên cứ bám chặt lấy những giá trị và suy nghĩ của mình mà không chấp nhận, thông cảm với bên kia, sự đối diện của hai nền văn hoá trong họ nhịn mãi cũng không dung hoà được, hôn nhân sẽ tan vỡ, thật là đáng buồn. Với các bạn trẻ khi tiếp xúc giao lưu với những người có nền văn hoá khác, một khi đã nảy nở tình yêu “không biên giới” và lại có ý định tiến đến hôn nhân, nhất thiết cần có sự hiểu biết nền văn hoá dân tộc ấy, con người cụ thể của nền văn hoá ấy và phải giàu lòng “dung hoà, chấp nhận” thì mới bền vững. Nếu chỉ toan tính này nọ và không hiểu biết gì về nền văn hoá dân tộc khác, chắng chóng thì chầy tất sẽ xảy ra tình cảnh: “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”!

Văn hoá là một cái gì rất chung, bao trùm lên mọi hoạt động của một dân tộc nhưng đồng thời cũng là những cái rất cụ thể, được biểu hiện trong suy nghĩ và hoạt động của mỗi người trong đời sống hàng ngày. Mỗi người là sản phẩm của nền văn hoá của dân tộc mình, điều đó có nghĩa là phần lớn cách suy nghĩ, cách xử sự và hành động, những thói quen, phong tục, lễ nghi… đều xuất phát từ nền văn hoá dân tộc và mỗi người cũng là đại diện, tiêu biểu cho nền văn hoá dân tộc. Văn hoá dân tộc thấm đượm vào mỗi con người từ hồi bé thơ trong sinh hoạt gia đình, trong quan hệ với cha mẹ, anh chị em, trong tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Khi lớn lên văn hoá ảnh hưởng đến mỗi người thông qua nhà trường, bạn bè và xã hội, qua giao tiếp và các phương tiện truyền thông. Văn hoá dân tộc xác định những giá trị tinh thần theo cách nhìn của dân tộc, gián tiếp và trực tiếp, hướng dẫn mỗi người cách quan sát và tiếp xúc với thế giới và cách xử sự theo cách nhìn của nền văn hoá dân tộc.

Văn hoá mỗi dân tộc có bản sắc riêng của nó mà!

Nguồn: Báo Văn hoá tháng 10.2004