trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
4.3.2005
Hoằng Danh
Cần thiết và quan trọng đáp lại “Bài phát biểu quan trọng và cần thiết”
 
Tôi đọc Bài phát biểu quan trọng và cần thiết phần vì… giải trí, phần vì tò mò do được biết “quan điểm của người lãnh đạo cao nhất trong lĩnh vực Tư tưởng-Văn hoá bị một nhà nghiên cứu đưa ra phê bình công khai”. Cảm giác của tôi ngay khi còn đang đọc, thú thật, không ngoa, là lợm giọng, buồn nôn!


1. Quan điểm lịch sử

  1. Nguyễn Khoa Điềm: Đúng là lý luận văn học của chúng ta còn nhiều bất cập và thiếu hụt. Do hệ thống lý luận văn học này được sản sinh trong môi trường của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nên nó phải tập trung cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà phần nào bỏ quên hoặc tránh đi những đặc trưng văn học, những vấn đề rộng lớn của văn chương và của con người.

    Trần Thanh Đạm: Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý luận văn học chúng ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ quan, không trên cơ sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng. Và trước đó: Tôi nghĩ vấn đề phức tạp hơn và cần lý giải một cách kỹ càng chu đáo hơn, có quan điểm lịch sử đầy đủ hơn.

    Điều Trần Thanh Đạm đòi hỏi cũng được trình bày: lý luận văn học của chúng ta là lý luận văn học của chủ nghĩa Mác-Lênin và xuất phát từ chính thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ hoạt động văn học phục vụ sự nghiệp giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

  2. Cái lịch sử lý luận văn học đó của Trần Thanh Đạm có gì mới? Chẳng có gì mới! Tôi giả định rằng ông Đạm có thể diễn đạt được như tôi diễn đạt, rằng lịch sử thì vốn không mới cũng không cũ, nó vẫn vậy như nó đã vậy, không thể (viết) khác đi được. Đúng thế. Nhưng, lịch sử không thể mới hoặc cũ, chỉ có nhận thức của con người về lịch sử là mới hoặc cũ mà thôi. Vậy nhận thức về lịch sử lý luận văn học đó của Trần Thanh Đạm có gì mới? Chẳng có gì mới! In nhan nhản trong các tài liệu văn học sử, từ giáo khoa trung học cho đến công trình của các bậc cao kiến.

    Vậy thì, theo cách hiểu của Trần Thanh Đạm, giữ nguyên tất cả những gì đã được viết mấy chục năm nay, từ hồi chưa đổi mới, về lý luận và lịch sử về lý luận văn học (từng là pháp lệnh tuyệt đối), thì đứng trên “nhận thức lịch sử thật chu đáo và thận trọng”; còn có ý kiến gợi mở khác đi, thì không có “quan điểm lịch sử đầy đủ”.

    Đổi mới mà không được thoát ra khỏi cái cũ cần đổi mới, vậy đổi mới cái gì? Nhận thức lịch sử mà không được thoát ra cái người ta từng dùng vũ lực, dưới những hình thức biến tướng, để buộc mình và buộc ngườI khác phải nhận thức, vậy có gì mà phải cần đến nhận thức?

  3. Điều cốt lõi ở đây: loại quan điểm lịch sử gì? Nhưng trước đó lại phải thắc mắc: quan điểm lịch sử là gì?

    Nếu tôi nhớ không lầm (từ cái hồi phải tụng các môn chính trị bên nhà), thì theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin, Trần Thanh Đạm phải nói là “quan điểm lịch sử - cụ thể”. Tôi phải lục lọi trong trí nhớ để hình dung ra, nó là việc xét sự kiện trong mối quan hệ phổ biến, nhưng ở không gian, thời gian cụ thể của nó, ở các liên hệ của bản thân nó.

    Quan điểm lịch sử - cụ thể, vào giai đoạn thúc đẩy đổi mới, đã trở thành lý lẽ hữu hiệu để đòi hỏi có những đổi thay thích hợp. Nó xuất phát ý tưởng rằng không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu được Mác, Ăng-ghen, Lê-nin hình dung từ hồi thế kỷ 19, đầu 20, không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình ít nhiều đã có chủ nghĩa tư bản như các nước Đông Âu, tuyệt đối hóa các tiêu chuẩn của chủ nghĩa xã hội phát triển hay chủ nghĩa cộng sản, quên hẳn các điều kiện hiện thực đương đại của Việt Nam.

    Thế nhưng hiện nay, quan điểm lịch sử - cụ thể lại dường như đang trở thành công cụ lý luận của những người muốn kìm hãm đổi mới, phê phán những quan điểm nhìn nhận những khía cạnh khác với những gì “chính thống” đã được nói đến về lịch sử, về hiện tại đổi thay trên thế giới và Việt Nam. Các khía cạnh, các mặt đa dạng của lịch sử được nói đến thì bị phê phán rằng không thấy tính lịch sử lúc đó, vì như vậy là nhất thiết, là đúng đắn, cho dù có những biểu hiện này nọ nhưng đã là cái đã đưa đến những kỳ tích vang dội. Với những chuyển biến thì họ cho rằng người khác đã không biết nhìn vào lịch sử cụ thể của Việt Nam là không thể có những thay đổi vượt quá điều kiện một xứ nông nghiệp, rằng không thấy những biểu hiện lịch sử, cụ thể trong hành động của các thế lực đế quốc…

  4. Theo cách hiểu quan điểm lịch sử - cụ thể đã nói ở trên, nhận thức một vấn đề cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể của bản thân nó, trong bối cảnh không gian, thời gian mà nhận thức hướng đến, và, cũng không kém quan trọng, cụ thể lịch sử đến mức toàn diện mọi mặt, mọi khía cạnh của nó, tức có thuận lợi có khó khăn, có tốt có xấu, có đúng có sai, có công có tội…, mà không chỉ khuôn vào những cứ liệu được sử dụng cho những mục đích của một thời.

    Cách nhìn của ông Nguyễn Khoa Điềm rằng văn học, lý luận văn học trước đây lo tập trung cho thắng lợi mà bỏ quên hoặc tránh đi những khía cạnh khác của con người, của chính văn học là gì nếu không phải là một khía cạnh khác bên cạnh khía cạnh (hoàn toàn tốt đẹp) đã được nhìn nhận trước nay. Thêm vào một cái nhìn để toàn cảnh trở nên cụ thể hơn, trung thực hơn, tức cũng lịch sử hơn so với cái lịch sử đã được khuôn vào, thì lại là không đầy đủ, là sơ sài; trong khi cái ít hơn về khía cạnh lịch sử, cái cố tình gọt bớt lịch sử, chỉ thấy lịch sử toàn hồng, thì lại là cái lịch sử đầy đủ và “chu đáo”!

    Không thể cho rằng những người như ông Nguyễn Khoa Điềm hay tôi, vốn có cái nhìn “không lịch sử”, hoặc lịch sử không “đầy đủ” nên mới cho rằng nhận định của ông Nguyễn Khoa Điềm là đúng đắn. Xin thưa rằng, cách nhìn này của ông Điềm cũng chẳng có gì là mới mẻ hay xa lạ cả, nó cũng chỉ mở rộng cái nhìn nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đánh giá về những gì xảy ra trước đổi mới, rằng việc tập trung cho chiến tranh, việc không nhận thức đúng về chủ nghĩa xã hội đã đem đến những hạn chế, sai lầm không chỉ trong kinh tế, mà cả ở những phạm vi khác. Việc bỏ quên con người hay nhìn nhận thiếu sót về con người, sinh ra những sai lầm trong chính sách đãi ngộ kinh tế, hưởng thụ văn hóa…, là điều người ta đã nói rất nhiều cả trong văn kiện và từ các nhà lý luận trong nước. Tôi không cần phải bỏ công tìm kiếm trích dẫn ở đây. Đó là công việc mà Trần Thanh Đạm phải tự làm nếu xét thấy mình là nhà lý luận trung thành tuyệt đối và đầy thông thái [1] , và phải tự hổ thẹn vì sự thiếu kiến thức với cái lý luận mà ông trung thành tuyệt đối đó.


2. Chủ nghĩa hiện thực

  1. Khi nói rằng …không thể đem chủ nghĩa duy tâm siêu hình thay cho chủ nghĩa duy vật biện chứng, đem chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại thay cho chủ nghĩa hiện thực tiên tiến và sáng tạo, đậm đà bản sắc Việt Nam, Trần Thanh Đạm đã có một chú thích rằng ông không dùng thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” nhưng “không xuyên tạc nó”, mà xem là một đặc sản Nga và là một phạm trù mở và mềm.

    Ông đã trả lời cho câu hỏi mà theo logic tôi sẽ nêu ở đây: chủ nghĩa hiện thực nào? Và cả câu hỏi câu hỏi có liên quan, là chủ nghĩa hiện thực đó là gì, ông cũng trả lời nốt bằng định nghĩa của Maxim Gorki.

  2. Một mặt ngầm tuyên bố trung thành với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, mặt khác không dùng từ này mà cắt ngắn nó; ở đây, rõ ràng là sự lập lờ, đánh lận con đen. Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thực tế là khác nhau. Kiến thức nông cạn của mình cho tôi biết một điều sơ đẳng nhất, không lầm lẫn rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thì chỉ có ở các nước thuộc khối Sô-viết trước đây, và rơi rớt lại hiện nay. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện thực nghệ thuật, về lịch sử là một khuynh hướng ở Pháp thế kỷ 19, đấu tranh cho sự hiện thực hóa chi tiết và mô tả thực tế; về nghệ thuật, nó ủng hộ đặc tính tiếp nhận những sự kiện cuộc sống, ủng hộ tính thực tế và tính sự thật nguyên nghĩa (nghĩa đen).

    Vì sao Trần Thanh Đạm lại có lại có động thái “đánh bùn sang ao” như vậy? Một điều rõ rệt là trong cuộc tranh luận gần đây trên không gian mạng về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và những chủ trương nghệ thuật khác, chân tướng hiện thực của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã quá rõ. Nó là sản phẩm toàn trị của chủ nghĩa Sta-lin trong văn học nghệ thuật. Với việc cắt đuôi “xã hội chủ nghĩa” và xem là đặc sản Nga, theo tôi giả định, không biết Trần Thanh Đạm có đủ thông thái để chuẩn bị lập thuyết về một “chủ nghĩa hiện thực Việt Nam” không, với nội dung là bản sắc văn hóa Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa hiện thực chung - đầy đủ tính dân tộc và tính hiện đại, bản sắc và hoà nhập! [2]

  3. Chủ nghĩa hiện thực không có gì sai. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không có gì sai. Chủ nghĩa hiện thực… tư bản chủ nghĩa, nếu có, cũng chẳng sai nốt. Vấn đề cốt yếu ở đây là hiện thực trong chủ nghĩa hiện thực đó, là loại hiện thực nào?

    Tôn trọng Trần Thanh Đạm, tôi không nhắc đến “đặc sản Nga” với cảnh nhà văn phải tự vẫn để thoát khỏi “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, cảnh tác giả có Nobel văn chương bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và sống sầu thảm đến cuối đời, tôi muốn nói đến cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

    Định nghĩa mà Trần Thanh Đạm dẫn từ Maxim Gorki là quá hay và quá đẹp! Thế nhưng việc có một định nghĩa hay đẹp là một chuyện, có hiện thực hóa được nó hay không, mà ở đây là hiện thực hóa cái hiện thực trong “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, lại là một chuyện khác. Dưới hiện thực của chủ nghĩa xã hội hiện thực (khác chủ nghĩa xã hội lý thuyết), cái khoảng cách này là thế nào, hẳn không một người Việt Nam nào không được biết.

    Cái hiện thực của cải cách ruộng đất, có tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào nói lên không? Cái hiện thực của hợp tác hóa “tự nguyện” theo sau vũ lực - tuyệt đẹp từ các định nghĩa đầy mỹ từ (như định nghĩa của Gorki vậy), có tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào nói lên không? Cái hiện thực của những năm cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam cùng những thân phận vất vưởng vì lý lịch, vì không hòa nhập vào hiện thực xã hội chủ nghĩa, và cả những linh hồn vất vưởng ngoài biển, có tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào nói lên không? Và đây, những năm đổi mới, có tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa nào đúng ngang tầm thời đại, ngang tầm văn học hiện đại để nói lên không? Đơn giản, những thành tựu thì có đó, nhưng nó gắn liền với những hiện thực suy đồi về chính trị và xã hội, mà việc thể hiện chúng là nằm ngoài chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

    Chưa hết, hiện thực đó là Mầu tím hoa sim của Hữu Loan đầy cảm xúc về phân thận con người bé nhỏ trong kháng chiến đã từng chịu cảnh không được công bố, là Tình trai của Xuân Diệu hay Ngủ chung của Huy Cận mang hiện thực tình cảm nào đấy của các tác giả nhưng các ông cũng không dám nhắc đến, là số phận của Nhân văn-Giai phẩm, là Nỗi buồn chiến tranh gần đây mới công bố trong nước… Còn nữa, là những tác phẩm của Kim Dung hay Quỳnh Giao, đầy tính nhân bản, với những giá trị chân - thiện - mỹ, sự khát khao yêu thương vượt qua những rào cản phong kiến phi lý, cùng những thủ pháp thể hiện riêng của các đại văn sĩ này, đã từng bị đánh là “văn hóa phản động, đồi trụy”…

  4. Tôi không phủ nhận thành quả của “văn học cách mạng” Việt Nam, nhưng điều không ai không thừa nhận là ngoài những tác phẩm được cho là “lớn”, là “ngang tầm thời đại” vào thời chiến tranh, sau này, dù đây đó vẫn nổi lên tác giả nào đó, tác phẩm nào đó vào thời đầu đổi mới (mà thường là tác giả và tác phẩm “tai tiếng”), thì văn học rõ ràng đã và đang tiếp tục khủng hoảng về tầm vóc thời đại. Ai thắc mắc điều này, xin đọc lại về Hội nghị Trung ương đảng gần đây bàn về văn hóa, dù tình trạng này được đảng diễn đạt khác đi về ngôn từ. Khủng hoảng đó, không đâu ra, chính là từ cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (hay “chủ nghĩa hiện thực” mà Trần Thanh Đạm muốn đánh lận con đen), vì cái chủ nghĩa này bắt buộc (bằng những vũ lực biến tướng) nhà văn phải viết rằng “ta thắng địch thua” cho đề tài chiến tranh, “chủ nghĩa xã hội nhất định thắng” cho đề tài xã hội, “con người xã hội chủ nghĩa ưu việt” cho đề tài tâm lý…; và hơn nữa phải viết bằng những thủ pháp của “văn hóa xã hội chủ nghĩa ưu việt, đậm đà bản sắc dân tộc” mà thôi.

    Chiến tranh thì đã trôi qua 30 năm, thực tế xã hội thì ngồn ngộn những vấn đề nhức nhối, tâm tư tình cảm con người, kể cả giới cầm bút, thì đầy những chuyển biến trước thực tế đó, cùng những thay đổi theo thời đại; vậy mà buộc các nhà văn phải “hiện thực xã hội chủ nghĩa” theo những gì trước đây, thì làm sao mà họ “hiện thực” được. Viết “hiện thực” như vậy trở thành gượng ép ở chính bản thân nhà văn, đã là không thể có cảm hứng, rung động thật để ra đời những tác phẩm lớn đã đành, ép buộc những tác phẩm như vậy đến với công chúng càng không thể thành công trong nền kinh tế thị trường… Một nền văn học èo uột là không thể tránh khỏi. [3]

  5. Xét đến tận cùng, không một nền văn học, văn hóa nào lại là văn học, văn hóa, phi hiện thực, kể cả trong chủ nghĩa tư bản. Mọi hoạt động tinh thần của con người, cho dù là ở con người cá nhân, ở xã hội nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều là trên nền hiện thực của xã hội ấy, thời đại ấy. Bài học vỡ lòng này về quan hệ vật chất - ý thức, tôi mong một người trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin như Trần Thanh Đạm cần phải học lại cho thuộc. Cái khác biệt ở đây là loại hiện thực nào được nói đến: hiện thực thực tế hay hiện thực ngôn từ; hiện thực sáng tạo hay hiện thực áp đặt; hiện thực chính trị hóa hay hiện thực nghệ thuật; hiện thực đầy đủ của cuộc sống và hiện thực tự thân của nghệ thuật, hay là cái hiện thực phiến diện “trần tục” của cuộc sống nuốt chửng cái hiện thực riêng có của nghệ thuật; là hiện thực cuộc sống sinh động và nghệ thuật phong phú, hay là cái hiện thực phiến diện của cuộc sống vốn bị nhìn nhận một cách phiến diện lại đi nuốt chửng tất cả…

    Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được khai sinh trong nền toàn trị Sta-lin, được sử dụng như công cụ phục vụ hai cuộc kháng chiến ở Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, nó thực tế là loại hiện thực chính trị hóa, là hiện thực phiến diện, hiện thực áp đặt, hiện thực trên từ ngữ mà con người, xã hội phải khuôn theo nó… Điều đó vẫn không hề được cải thiện là bao từ đổi mới đến nay. Nó là chính là loại hiện thực không hiện thực.

  6. Văn hóa, văn học nào tận cùng cũng mang tính hiện thực, nhưng sao chỉ có dưới chủ nghĩa xã hội là khẳng định tính hiện thực, còn ở chủ nghĩa tư bản lại không? Rất đơn giản, ở xã hội không toàn trị không cần phải khuôn ai cả vào một loại hiện thực được quy định sẵn và bất biến nào, để mà biến nó thành một loại chuẩn mực tối thượng không thể vượt qua (về văn hóa và chính trị) cho toàn xã hội. Hiện thực trở thành cái gì đó rất tự nhiên, đã hòa vào đời sống văn học nghệ thuật, vấn đề còn lại chỉ là thủ pháp thể hiện mà thôi chứ không phải là thước đo ý thức hệ hay chuẩn mực bắt buộc về nội dung. Và từ đây mà sản sinh ra chủ nghĩa hiện thực hay siêu thực, chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại... Và cũng từ đây mà người ta có thể đẩy tới những cảm xúc về cuộc sống hay phát triển những nội dung, thủ pháp của riêng nghệ thuật mà không bị cho rằng “vị nghệ thuật” hay phi hiện thực theo kiểu bị lên án về tư tưởng giai cấp.


3. Văn nghệ và chính trị

  1. Phần này, sau khi mào đầu “ca” Nguyễn Khoa Điềm đã nhận định đúng về việc tránh cả hai khuynh hướng cực đoan khi xét quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, Trần Thanh Đạm lập tức tuôn trào đầy cảm xúc những điều… chẳng mới mẻ gì, về thành quả cách mạng và diễn biến hòa bình. Tuy nhiên, có một câu nên lưu ý: nhiều khi vô chính trị, phi chính trị (hoặc giả vờ, hoặc cố ý) cũng là một thái độ chính trị. Ở đây tôi cũng xin “ca” rằng Trần Thanh Đạm đã hoàn toàn đúng với nhận định như vậy (chỉ có điều, sao với logic đó ông lại không biết thông thái hơn để mà xét như vậy trong quan hệ giữa hiện thực và phi hiện thực như trên nhỉ?).

  2. Chính trị, ngoài phạm vi của sinh hoạt quyền lực, nó còn là sinh hoạt tinh thần của con người. Do đó nó không tách rời các sinh hoạt tinh thần khác, trong đó có văn hóa, văn nghệ, nếu không muốn nói rằng chính trị chi phối những sinh hoạt tinh thần khác. Tuy nhiên, một lần nữa, ở đây vấn đề là loại chính trị nào chi phối văn nghệ, là mức độ gắn kết như thế nào của văn nghệ vào chính trị?

    Chính trị toàn trị buộc văn nghệ phải phục vụ chính trị và chỉ phục vụ chính trị, cho việc phát triển của chính trị, trong khi thực tế văn hóa văn nghệ còn phải phục vụ cho những gì ngoài chính trị hay ít chính trị, và còn cần phục vụ cho sự phát triển của riêng văn hóa, văn nghệ nữa. Chính vì cái “phải” áp đặt đó mới sinh ra chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thống nhất, răm rắp cho hoạt động văn nghệ của toàn xã hội, mà lại không có một chủ nghĩa hiện thực mang tính chế độ nào khác.

  3. Người ta có thể sẽ nói rằng dù không tuyên bố, nhưng văn nghệ dưới chủ nghĩa tư bản bản chất là phục vụ cho chủ nghĩa tư bản, là một “chủ nghĩa hiện thực tư bản chủ nghĩa” không được nói ra. Đúng vậy, nhưng nhờ không được nói ra, đồng nghĩa với việc văn nghệ không phải “nhận thức tự giác” và tuân thủ là phải phục vụ chính trị, mà văn nghệ có được “kẻ hỡ” lớn để phi chính trị, hay nói chính xác hơn, để tự do phi chính trị.

    Khi không bị áp đặt rằng văn nghệ nhất nhất không thoát khỏi chính trị, con người có quyền tự do lựa chọn tính chính trị hay phi chính trị trong hoạt động văn nghệ của mình, người ta có quyền tự do “vị nhân sinh” hay “vị nghệ thuật”, người ta có quyền tự do “hiện thực” hay “hiện đại”, “hậu hiện đại” mà không bị lên án hay chụp mũ.

  4. Nếu là nền chính trị tự do, chủ nghĩa xã hội nên sẵn sàng dành cho văn nghệ, con người hoạt động văn nghệ quyền tự do gắn với chính trị hay không gắn với chính trị, dù có một nguyên tắc mà nó không được tách rời khỏi chính trị, đó chính là quyền tự do của mọi thành viên xã hội trên cơ sở không được xâm phạm đến quyền đó của thành viên khác.

    Nếu là chính trị tự do, chủ nghĩa xã hội nên sẵn sàng để cho văn nghệ, con người hoạt động văn nghệ tự do thể hiện nội dung và nghệ thuật, đồng thời cho hoạt động thưởng thức và phê bình tự do, để xã hội tự động thẩm định sự thể hiện đó; mà không phải là có một thành phần mặc nhiên đứng trên người khác trong uy lực phê bình, phê phán, mà khi họ lên tiếng bằng lập trường giai cấp hay ý thức hệ, viện đến sức nặng của toàn bộ lịch sử cách mạng, toàn bộ “nhân dân lao động”, thì có người bị đè chết về sự nghiệp, công danh, cuộc đời.

  5. Trong nền chính trị tự do, người làm văn nghệ không cần phải giả vờ hay cố ý phi chính trị, đó là chọn lựa tự do và tự nhiên của bất cứ ai. Tự do chọn lựa phi chính trị, đó là một thái độ chính trị. Giả vờ hay cố ý phi chính trị, đó là một thái độ chính trị. Đương nhiên rồi. Nhưng tại sao người ta lại phải giả vờ hay cố ý làm gì? Vì nền chính trị đó không cho phép họ tự do chọn lựa thái độ phi chính trị của mình, mà cũng có thể vì nền chính trị đó là nền chính trị thối nát là mà người ta muốn xa lánh, hoặc đơn giản họ muốn cuộc sống và hoạt động văn nghệ của mình không dính dáng đến tranh đấu quyền lực và tranh đấu xã hội. Ở chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội cũng đều vậy cả, chỉ khác, như đã nói, trong xã hội toàn trị, tự do lựa chọn phi chính trị là cái không được tự do lựa chọn, trong số rất nhiều cái không được tự do lựa chọn.


4. Đổi mới chân chính

  1. Trần Thanh Đạm: Tư duy, nhận thức của một người dù ở cương vị lãnh đạo đi nữa cũng có hạn. Cần có trí tuệ sáng suốt, tri thức phong phú của tập thể các nhà lý luận văn học thiết tha với sự nghiệp đổi mới chân chính của đất nước ta

    Như vậy, Trần Thanh Đạm thuộc nhóm đổi mới chân chính, còn Nguyễn Khoa Điềm có thể là đổi mới không chân chính. Trần Thanh Đạm đã thể hiện những gì để cho rằng mình đổi mới chân chính? Toàn bộ những gì mà ông ta nói đến trong bài viết, cho đến từng câu từng chữ, tuyệt đối không hề, kể cả ở những đoạn về văn học, có bóng dáng của bất kỳ điều mới mẻ nào. Ai muốn kiểm chứng điều tôi vừa khẳng định, với văn học, chỉ cần tìm đọc một tài liệu cơ bản nhất về lý luận phê bình văn học; với chính trị, chỉ cần tìm đọc vài xã luận nào đó có liên quan đến “diễn biến hòa bình”, nhân quyền, dân chủ, thì đầy ra đó những lời như vậy. Đọc bài viết của ông Đạm, tôi tưởng chừng đây là một trong những xã luận tuyên truyền và chửi bới thuần túy, mà không phải là một tiểu luận khoa học hay tiểu luận văn học với tầm vóc của một nhà nghiên cứu. Mới chăng chỉ là ở chỗ ông ta phê phán… những cái mới, là ở chỗ nói văn học mà chỉ toàn là chính trị.

  2. Đọc bài của Trần Thanh Đạm, với những gì phê phán ông Nguyễn Khoa Điềm, tôi không cần phải đọc ngược về bài của ông Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương, vì biết rằng những gợi mở mới ít ỏi mà ông nêu lên đã “được” Trần Thanh Đạm chỉnh huấn lại tất cả, đưa các vấn đề quay về quỹ đạo vốn có của nó từ mấy chục năm nay. Như vậy, theo Trần Thanh Đạm, đổi mới chân chính là “vũ như cẩn”, nếu không thế thì sẽ “diễn biến hòa bình”, sẽ “bạo loạn”.

    Có quá trơ trẽn không, khi tự nhận rằng đổi mới chân chính là thế?

  3. Mặc dù tôi luôn phê phán vấn đề dân chủ ở Việt Nam, đó là do cách nhìn có tính nguyên tắc, từ sự đối lập dân chủ - chuyên chế (chuyên chính), nhưng bằng sự trung dung của mình, căn cứ vào cái nhìn lịch sửhiện thực khi quan sát những chuyển động kinh tế, chính trị, xã hội, dù không trông mong gì nhiều trước một thành phần lãnh đạo còn quá nặng những định kiến ý thức hệ phi hiện thực và không nhiều năng lực, nhưng tôi biết các vị này - những người lãnh đạo cao nhất và bộ máy xung quanh họ, đang phần nào thật tâm có những đổi mới, kể cả đổi mới chính trị. Chính họ, do tiếp xúc nhiều với bên ngoài, do có một bộ máy cung cấp thông tin đầy đủ, đã tiếp cận được với những gì phía bên kia “bức tường tre”, nên đã có một tầm nhìn thoáng hơn, hơn chính guồng máy bên dưới mà đáng ra phải tiếp nhận cái nhìn thoáng và thật tâm đổi mới của lãnh đạo cao nhất. Chỉ có điều là do hạn chế của lịch sử mà từ đó các ông xuất thân và xuất phát, những giới hạn lịch sử trong vai trò chính trị của mỗi thời đại - điều mà các ông không nhìn ra hay không dám nhìn ra - đã là cái ngăn cản những bước tiến nhanh chóng khả dĩ và đáng ra phải có.

    Thực tế, những nỗ lực đổi mới đó đang bị chính guồng máy bên dưới trì kéo, kìm hãm, phá hoại một cách hiệu quả. Cả một thể chế, một cơ chế đã định hình lâu dài, mà sống chết với nó là quyền lực và quyền lợi của giai cấp thư lại toàn trị. Trong thành phần thư lại ấy, có giới thư lại tinh thần trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Trung ương đang ngày càng không khiển được guồng máy bên dưới, vì với những người trong bộ máy này, chủ nghĩa xã hội chỉ còn là ngôn từ, là bình phong cho việc tranh thủ vơ vét tối đa khi còn tại chức. Một bộ phận khác thì không phân biệt được giữa lý luận và hiện thực, đã đi vào tiềm thức những ngu muội, u mê, cũng chống đối những đổi mới mà họ xem là xa rời chủ nghĩa xã hội của trung ương.

  4. Nền chính trị đầy nét cơ hội chủ nghĩa ở Việt Nam có một đặc trưng đấu đá quyền lực hiếm thấy ở những nơi khác: cấp dưới diệt cấp trên chỉ bằng những phê bình được bê nguyên xi trong trong sách vở ra. Đó là khi cấp trên có những phát biểu hơi “chệch hướng”, do vô tình hay do bị “gài”, bị “đốc”, cấp dưới nào nắm bắt được vấn đề sẽ “tố” bằng những lời lẽ nâng cấp đến lập trường giai cấp, đấu tranh ý thức hệ, và đương nhiên người tố là hoàn toàn chuẩn mực vì không ngoài những lập luận, lời lẽ đã qui định cho toàn xã hội. Cơ hội thắng, thay thế vào vị trí người vừa bị hất và tiếp tục và phất là rất cao.

    Với ông Nguyễn Khoa Điềm, tôi không nghĩ ông đã “chệnh hướng”, bị “gài” hay bị “đốc”, mà tôi tin vào thật tâm của một người muốn đổi mới, tin rằng ông phát ngôn không phải với tư cách cá nhân, mà đã có những nhất trí ở những người có thẩm quyền liên quan. Phần Trần Thanh Đạm thì tôi không dám kết luận gì, vì không biết thế lực ông tới đâu, nhưng lại rất ngạc nhiên vì nhận thấy bài của ông hoàn toàn quá mất cân xứng với những gì ông Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương đã phát biểu, thậm chí là một thái độ xem thường và “dạy đời” công khai, với những nội dung mà ở vào cương vị như ông Nguyễn Khoa Điềm, là thừa sức “thiết kế” ra để cho Trần Thanh Đạm phải đi tuyên truyền lại với công chúng.



5. Nói thêm

Do eo hẹp về thời gian, tôi chỉ viết những gì chính yếu nhất cần nói, và chưa hẳn đã trình bày hết những gì cần trình bày trong đó. Còn rất nhiều công việc phải làm để vạch trần sự ngụy biện, dối trá, thiếu kiến thức và chụp mũ của Trần Thanh Đạm. Tôi mong rằng những gì còn chưa nói sẽ được các giới lý luận và văn học trong và ngoài nước nói thay, đặc biệt là giới văn học, lý luận quốc nội đang trực tiếp đối mặt với vấn đề. Người như Trần Thanh Đạm mà nằm trong số những nhà tư tưởng hàng đầu trong lĩnh vực lý luận văn học nói riêng và lý luận nói chung thì sự nghiệp đổi mới sẽ bị đầu độc, bị trì kéo mãnh liệt về tư tưởng, khiến tê liệt trong hành động.

Tôi nghĩ rằng với vị trí của mình, ông Nguyễn Khoa Điềm sẽ không thoải mái khi trả lời “tay đôi” trước sự công kích của Trần Thanh Đạm. Một lần nữa, tôi kêu gọi những người trí thức có hoài bão đổi mới hãy lên tiếng ủng hộ những ý tưởng đổi mới, để những kẻ muốn mãi mãi duy trì đặc quyền thống trị lên tinh thần của người khác biết rằng điều đó cần phải chấm dứt.

© 2005 talawas


[1]Tôi thì nói thẳng như vậy, không cần phải xiên xỏ như Trần Thanh Đạm, rằng: Tôi cho rằng sự lý giải này có lẽ căn cứ vào chính nhận thức và kinh nghiệm, cả điều mà ông gọi là “học vấn” của bản thân mình từ đó suy ra cho cả nền lý luận văn học, cả đội ngũ các nhà lý luận, thậm chí cả các nhà văn và độc giả.
[2]Xin vui lòng, bất kỳ ai, nhất là ông Đạm và những người như ông, sau này đừng sử dụng ý tưởng này bằng cách biến tướng nó bằng một từ ngữ nào khác, hòng xây dựng một chủ trương nghệ thuật mới để thoát khỏi bế tắc định hướng chủ thuyết nghệ thuật!
[3]Những gì tôi vừa viết ở 2c và 2d có thể đối chiếu với nhận định của ông Nguyễn Khoa Điềm được nhắc đến ở 1.