trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt NamTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
25.4.2005
Viên Linh
Hãy làm chủ ngòi bút mình trước đã
Phan Nhiên Hạo thực hiện
 
Phan Nhiên Hạo (PNH): Ba mươi năm kể từ 1975, anh vẫn sống đời sống của một người làm văn chương toàn thời gian: sáng tác và làm báo. Cuộc sống của một người làm văn nghệ hải ngoại như anh có những vui, buồn, phần thưởng và khó khăn gì?

Viên Linh (VL): Cho tôi được trả lời câu hỏi này một cách đại thể, vì câu hỏi nói đến 'cuộc sống của một người làm văn nghệ': từng sống bằng nghề viết ở miền Nam, cả viết báo lẫn viết sách, với một nhà in để in sách in báo cho mình và cho người khác, nên năm 1975, ba tháng sau khi đặt chân tới Hoa Kỳ, tôi đi học nghề-in-ở-nước người, vì biết rằng sớm hay muộn mình sẽ phải viết, phải in như xưa.

Chính từ nhà in của Jimmy Springs và Bob Watson ở hạt Arlington, Virginia mà tôi giúp người bạn đồng nghiệp in tờ Văn Nghệ Tiền Phong ngay khi anh còn ở trong trại Indiantown Gap, (1976) và tôi cũng giữ mục bình thơ (Tiếng xưa) trên tờ báo đó, từ số 1 cho tới số 78. Khác với trong xã hội mình, nơi đây người viết phải trực tiếp đánh máy, in ấn, đóng xén tờ báo. Vào học việc nhà in, nếu mình tự nguyện, phải làm đủ thứ, từ A đến Z: chụp phim phòng tối, stripping âm bản làm bản kẽm (lúc ấy chưa có computer), chạy máy đóng, máy gấp, máy xén... Nghề báo giúp tôi liên lạc trở lại ngay với thân hữu, độc giả cũ trong các trại tị nạn Songklha ở Thái Lan, Subic Bay ở Phi hay Guam, Honolulu..., nên niềm vui nỗi buồn không ra khỏi những liên hệ bút mực và giấy mực ấy. Năm 1988 với nhà in riêng ở Santa Ana, tôi tục bản tờ Thời Tập trước khi tục bản tờ Khởi Hành như bây giờ, nhưng gần đây không còn làm nhà in nữa. Sống như thế, tôi theo dõi khá sát và khá sớm sủa các tin tức liên hệ tới số phận của bằng hữu văn chương nơi quê nhà, trong các trại tập trung,... hay của đồng bào mình đang nổi trôi theo vận nước, phiêu giạt khắp thế giới. Sống với nghề viết nghề in, trong môi trường từ sản xuất tới phổ biến, suốt ba mươi năm qua, nên tôi có một kinh nghiệm bản thân, có thể gọi là 'phần thưởng', như chữ anh dùng trong câu hỏi: đó là làm văn nghệ dù ở đâu, anh không bao giờ có thể xa rời đời sống của đồng bào mình.

Còn khó khăn ư? Có thể nói là vô cùng, chỉ một số rất ít vượt qua được (để tiếp tục cầm bút): khó khăn với gia đình và khó khăn với con người cũ của mình. Gia đình không muốn anh cầm bút nữa, vì đây "không phải Việt Nam, ai mua sách báo Việt ngữ nữa mà viết?". Khó khăn với con người cũ của mình: anh không còn là nhà văn nữa, anh đang sống bằng những nghề không phải của người cầm bút. Tôi may mắn vượt qua được vì nhiều nguyên do: mồ côi cha, tôi sống từ năm 6 tuổi bên ông nội, - ông dạy cháu từ thuở nhi đồng tới khi học sách thuốc rằng Sĩ phu vi bách nghệ, - nên tôi lao động như một người lao động; mà lại lao động ngay trong nghề ấn loát là nghề giúp mình tiếp tục viết được ở xứ người, thì còn gì sung sướng hơn?

PNH: Từ góc nhìn của anh, bức tranh văn chương hải ngoại ba mươi năm qua có thể được khắc hoạ bằng những nét chính nào?

VL: Bức tranh văn chương hải ngoại?" Lùi xa để ngắm: văn chương các nước tôi không biết thế nào, văn chương Việt Nam hầu như bao giờ cũng khởi đầu từ báo chí. Bài 'Tình già' của Phan Khôi xuất hiện trên báo Phụ Nữ Tân Văn, cuộc vận động của Tự Lực Văn Ðoàn xuất hiện trên báo Phong Hoá, bài 'Màu thời gian' của Ðoàn Phú Tứ nhóm Xuân Thu Nhã Tập xuất hiện trên báo Ngày Nay, 'Tôi không còn cô độc' và Thơ Tự Do của Thanh Tâm Tuyền xuất hiện trên tờ Sáng Tạo... Anh hãy tưởng tượng nếu người tị nạn ở Mỹ không ra tờ báo đầu tiên năm 1975 ở California, là tờ Hồn Việt? Không ra tờ báo đầu tiên ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn là tờ Văn Nghệ Tiền Phong? Không ra tờ báo đầu tiên ở Nhật là tờ Việt Nam Tự Do?... Cho nên báo chí văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là cái gì còn lại của người miền Nam sau khi cả miền Nam sụp đổ. Người di dân trên xứ người lúc đầu ở Thái Lan, ở Mã Lai, ở Nam Dương, ở Nhật... ngóng về đâu, trông vào ai? Không phải vào các ông tướng, các ông tổng bộ trưởng, các nhà chính trị dù là đối lập... đang xiêu lạc như mình, mà vào nhà báo, nhà văn, nhà thơ, vào văn nghệ sĩ nói chung, những người còn giữ được tiếng nói. Và dù đó là nhà văn nhà thơ nhà báo lưu vong, tiếng nói lưu vong.

Chính báo chí văn học tị nạn đã gây dựng lại niềm tin Việt Nam ở hải ngoại. Nếu người cộng sản cầm quyền trong nước có sự lo lắng tâm phúc nào, ấy là báo chí văn học tị nạn hải ngoại. Nét khắc hoạ chính của báo chí văn học hải ngoại ba mươi năm qua là sức mạnh của tiếng nói di dân, và tiếng nói ấy ảnh hưởng vào sinh hoạt quốc nội. Ðối với tôi, Thế kỷ XX là thế kỷ di dân toàn cầu, và những người cầm bút lưu vong là lương tâm của thế kỷ đó. Tôi nghĩ với Việt Nam, ba mươi năm văn học hải ngoại là lương tâm người Việt sáng lên từ tăm tối quê hương mà họ mang theo. Hải ngoại là nơi những cây bút lưu vong Việt Nam thu nhận ảnh hưởng sự tiến hoá của các dân tộc tự do, chuyển vào tâm thức lưu lạc riêng của mình, và chuyển về vùng đất cội nguồn họ đã cách xa, nhưng còn thân bằng quyến thuộc, và còn mồ mả ông cha ở đó, trong lòng đất. Dĩ nhiên, còn cả cây cỏ và những cái cột đèn không biết đi, nữa là đời sống trên mặt đất.

Ba mươi năm văn học hải ngoại cũng là ba mươi năm văn học truyền thống dân tộc không bị ngắt quãng dù một ngày, kể từ những Gia Ðịnh Báo, Nam Phong Tạp Chí, Phong Hóa, Ngày Nay, Tao Ðàn thời tiền chiến, chuyển vào Miền Nam qua các báo Tự Do, Ngôn Luận, Sáng Tạo, Văn, Khởi Hành... và chuyển qua hải ngoại.Trong khi đó, nền văn học dân tộc bị ngắt quãng từ 1954 ở miền Bắc bởi đấu tố và vụ đàn áp Nhân Văn-Giai Phẩm-Trăm Hoa, bị ngắt quãng từ 1975 ở miền Nam bởi cuộc phần thư. Trong khi cửa ngõ văn học tị nạn là thế giới, là toàn cầu, thì văn học quốc nội chỉ có hai cửa sổ ngó qua Trung Quốc, và ngó qua Ðông Âu. Cái phi lý là: chính lưu vong mới là quê nhà, chính lưu vong mới là chính thống. Ðài Loan, (và Chợ Lớn trước 1954) "chính thống Tàu" hơn là Bắc Kinh; Sài Gòn (trước 1975) và Little Saigon bây giờ Việt Nam hơn là Hà Nội.

PNH: Tờ Khởi Hành do anh chủ trương vẫn thường xuyên có những bài khảo cứu và giới thiệu các tác giả văn chương miền Nam trước 1975. Tôi nghĩ việc làm này rất quan trọng, nhằm chống lại sự khoả lấp của chính trị đối với những giá trị văn chương một thời, và cung cấp tài liệu cần thiết cho nghiên cứu văn học sau này. Là người trong cuộc, sau ba mươi năm, nhìn lại văn chương miền Nam trước 1975, anh đánh giá nó thế nào trong tiến trình văn học Việt?

VL: Văn chương miền Nam là một phần của sinh hoạt văn hoá văn học nghệ thuật Việt Nam Cộng Hoà, một phần đất trong một thời gian ngắn đã thiết lập đầy đủ các cơ chế hiến định của một quốc gia độc lập: từ trưng cầu dân ý tới Quốc hội Lập hiến, từ Quốc hội Lập pháp tới các ngành phân quyền khác, trong đó có các đảng chính trị đối lập thật sự và những tờ báo chỉ trích chính phủ mạnh chưa từng có trên toàn lãnh thổ Việt Nam, ngược về tới nền Quân chủ cuối cùng là nhà Nguyễn. Miền Nam cũng như Miền Bắc sau 1954 là hai quốc gia cùng được hình thành bởi Hiệp định Quốc tế Genève 1954, cho nên hoặc là cả hai thể chế đều vô giá trị, nếu anh phủ nhận hiệp định, hoặc là cả hai thể chế cùng có giá trị, nếu anh công nhận và chấp hành hiệp định. Dù thế nào, văn chương Miền Nam 1954-1975 là văn chương từ thể chế quốc gia ấy, bao gồm cả những cây bút đối lập hay thiên tả.

Anh nghĩ sao về văn chương kháng chiến chống Pháp từ 1945 tới 1954? Nếu giai đoạn văn chương ấy là của cộng sản, tại sao cộng sản miền Bắc lại cấm phổ biến chính nền văn chương của mình? Có một tờ báo, một nhóm người nào ở miền Bắc công khai phổ biến thơ văn kháng chiến 1945-1954 chăng? Tôi không hề thấy. Trái lại, miền Nam tự do phổ biến văn chương kháng chiến chống Pháp, trong khi chính các tác giả của nó đang sống tại miền Bắc. Người miền Nam thuộc và đọc hầu hết thơ nhạc truyện của Văn Cao, Ðỗ Nhuận, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Thâm Tâm, Nguyễn Tuân,... Miền Bắc thì không. Anh đánh giá văn chương kháng chiến ra sao? Riêng tôi gọi đó là Văn chương Dân tộc.

Văn chương miền Nam giai đoạn 1954-1975 còn quan trọng hơn. Cái quan trọng tiên khởi: đó là nền văn chương duy nhất của Việt Nam mà trong giai đoạn đó tác phẩm hình thành là sản phẩm của sự tự do sáng tác. Nhà văn nhà thơ không ai bị bắt buộc phải viết ra sao, hay viết cái gì. Không ai kiểm soát tư tưởng họ trong khi viết, hay đấu tố họ sau khi viết. Họ được đọc các văn phẩm thế giới tuỳ ý và tuỳ khả năng. Sách báo phim ảnh quốc tế tràn ngập, cho nên nhà văn Miền Nam 54-75 sống hoà đồng với nhân loại như bất cứ nhà văn của một nước tự do nào.

Nhờ viết và xuất bản tự do, miền Nam in khoảng 2.000 đầu sách mỗi tháng. Các trào lưu triết học, văn chương thế giới được giới thiệu ngay trên báo chí Sài Gòn, Huế, từ Hiện-tượng-luận tới Cơ-cấu chủ-nghĩa, từ Lãng-mạn qua Hiện-sinh, tới Siêu-thực Dada. Có cả truyện không nhân vật lẫn thơ Thiền, văn học Thiền. Chính tại miền đất mà Chủ nghiã Nhân-vị Thiên-chúa-giáo được cổ võ thường xuyên thì tinh thần Ðông phương và Ðông phương học trở nên phong phú, tràn ngập qua các Tạp chí Tư Tưởng, Vạn Hạnh, Thời Tập... Cũng không thiếu Hiện-thực hay Hiện-thực phê-phán viết bởi một số tác giả tại Sài Gòn hay tại Huế, Bình Ðịnh, Quảng Nam, Bến Tre.

Cảm ơn anh đã nhắc tới tờ Khởi Hành với những chủ đề quan trọng của nó: giới thiệu và nghiên cứu Văn chương Miền Nam, tác giả và tác phẩm Miền Nam, đặc biệt từ 1954 tới 1975.

[Miền Nam theo chúng tôi gồm cả các tác giả tuy không sống ở Miền Nam, nhưng được in được đọc ở Miền Nam, trong khi bị miền Bắc cấm. Ví dụ Khái Hưng, Trương Tửu, Quang Dũng. Miền Nam trong các trường hợp này đồng nghĩa với dân tộc, chấp nhận các tác giả Văn chương Dân tộc, vì các tác giả này không theo một chủ nghĩa ngoại lai nào, và dù họ sống hay chết, ở đâu.]

Cho tới nay, với 102 số Khởi Hành đã xuất bản hàng tháng trong 9 năm nay, chúng tôi đã thực hiện khoảng 80 chủ đề, chia làm ba địa hạt.

Thứ nhất: "Chiêu niệm văn chương", đây là những số chủ đề viết về các nhà văn nhà thơ, trí thức văn nghệ sĩ đã chết trong các nhà tù tập trung hay chết trên đường vượt biên: Chu Tử, Khái Hưng, Hồ Ðiệp, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương. Các văn nghệ sĩ trí thức dân tộc chết trong thời gian lưu vong hay trong nước là chủ đề của các số Khởi Hành khác: Thanh Nam, Mai Thảo, Trần Trọng San, Bùi Giáng, Quang Dũng, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Thụy Long (vẫn sống ở Sài Gòn) v.v...

Thứ hai: Loạt chủ đề viết về "Các khuynh hướng văn học Miền Nam: nhóm Sáng Tạo (KH 61), vài chân dung giai đoạn 54-63 (KH 62), Bối cảnh Văn học Miền Nam (KH 70), Ba Nhà thơ Miền Nam (KH 74), Nhóm Bách Khoa (KH 94), v.v...

Thứ ba là các chủ đề lịch sử khách quan. Loạt chủ đề này nhằm phơi bày những sai lầm trong các cuốn sử, hoặc vì khoảng cách nhận thức, ý thức hệ, hoặc vì đó là những bài viết theo quan niệm “lịch sử của kẻ chiến thắng, viết bởi kẻ thắng trận."

Tôi vừa kể lại một phần của ba mươi năm hải ngoại của tôi và anh em bằng hữu trong giới cầm bút cùng ý hướng với tôi trong tờ Khởi Hành, trong đó có Mặc Ðỗ, Tuệ Sỹ, Ðỗ Khánh Hoan, Văn Quang, Nguyễn Thuỵ Long, Nguyễn Sỹ Tế, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Hữu Hiệu, Nguyễn Tà Cúc, Trần Lam Giang, Phạm Cao Dương, Phạm Khắc Hàm, Lưu Văn Vịnh, Huỳnh Hữu Ủy, Bùi Ngọc Tuấn,... để nói rằng: văn chương miền Nam 1954-1975 là dòng chính của văn chương hải ngoại ba mươi năm qua. Ðó là nền văn học của một thể chế tự do mà một số tác giả của nó đã bỏ mạng vì những gì đã viết. Với tôi, đó là nền văn học chính thống của Việt Nam trong thời gian ấy, và bây giờ. Từ 1989, các nhà cho thuê truyện mọc lên như nấm tại Việt Nam, và hàng ngàn sách truyện miền Nam đã được tái bản, công khai hay âm thầm, gia dĩ đổi nhan đề và đổi tên tác giả, vì sao? Vì ý dân là ý trời. Nếu dân không muốn, nó đã không trở lại được. Bởi vậy, một lần nữa xin nói: không cần phải sau ba mươi năm lưu vong, ngay khi còn ở Sài Gòn tôi đã tin và biết rằng văn học miền Nam là dòng chính của văn học dân tộc.

PNH: Là một nhà văn sống giữa trung tâm sinh hoạt văn chương miền Nam trước 1975, nắm giữ nhiều tờ báo quan trọng, anh có thể kể lại đôi điều về sinh hoạt văn chương miền Nam trước 1975 được không? Nó có gì giống và khác với sinh hoạt văn chương hiện nay?

VL: Ðôi điều khác và giống giữa hai giai đoạn văn chương? Phải nói là hai thời đại văn chương. Kể thì không biết đâu là cùng, cho nên xin được nói ra những gì lần lượt hiện lên trong tâm trí sau khi anh hỏi. Mà cũng chỉ sơ qua thôi. Trước hết, vì từng làm tổng thư ký và thư ký toà soạn khoảng năm tờ báo khác nhau, cả nhật báo Ðất Tổ (của Phật Giáo), Tiền Tuyến (của Quân Ðội), lẫn tuần báo (Nghệ Thuật, Khởi Hành), nguyệt san (Thời Tập)... nên tôi sống giữa các nhà văn nhà báo sinh quán ở cả ba miền Nam Trung Bắc, chống và thân chính phủ, hay vô chính phủ; tôi lại thân với các nhà văn gốc Nam, gốc Trung hơn là gốc Bắc của tôi, vì tôi trưởng thành ở Sài Gòn, và vào nghề ở Sài Gòn. Chỉ nhận làm tổng thư ký báo nào mà mình được tự do thành lập bộ biên tập, nên các báo tôi làm lúc nào cũng có mấy người bạn, như 'Nam kỳ' thì có Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, CHOÉ; 'Trung kỳ' có Tam Ích, Hoàng Trúc Ly, Tuệ Sỹ; 'Bắc kỳ' có Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long. Ðó là những người bạn thường trực, dù các anh Bình Nguyên Lộc, Tam Ích hơn tôi nhiều tuổi. Họ viết được những gì tôi không viết được.

Sài Gòn có hai mảng báo chí văn học khác nhau, cho nên diện mạo và phong cách cũng khác nhau, không khí toà soạn các báo mà họ qui tụ cũng khác nhau. Mảng 'Bắc kỳ di cư' ồn ào là vì họ vừa từ miền Bắc đổ vào khai phá đất mới, lại nêu khẩu hiệu "chúng ta đi mang theo quê hương", đầy sinh khí. Mảng 'Nam kỳ' hiện diện từ trước, cởi mở và tự tại, phần lớn qui tụ ở diện nhật báo và báo tuần, không thấy hình thành một tạp chí nào nổi bật, nhiều người vẫn tiếp tục viết về kháng chiến. Các nhà văn 'Trung kỳ' khác hẳn hai mảng trên, không có một tạp chí hay một nhật báo riêng nào, ít tiếp xúc với hai mảng trên, hiện diện nhiều nhất trên tờ Bách Khoa. Sự khác biệt về chủ trương hay lề lối sinh hoạt giữa các mảng các nhóm tuy thế chỉ là đề tài khôi hài, không bao giờ là đề tài chia rẽ, hay khinh thường. Ở miền Nam, anh vào được một tờ báo, viết ở đấy, là chuyện vô cùng khó khăn. Ðã leo qua nhiều đồi núi sông rạch mới tới được đó. Cho nên người cầm bút trọng nhau như nhà văn trọng nhà văn, dân giang hồ tứ hải giai huynh đệ với dân giang hồ. Ðó là điều khác với hải ngoại trong mười, mười lăm năm trở lại đây.

Hải ngoại lúc đầu cũng khó, cũng có nề nếp, vì theo lệ cũ của miền Nam, làm báo hay thì mới có độc giả, có độc giả thì mới sống được. Sau thì dễ hơn nhiều, vì có người 'phát minh' ra loại báo biếu. Ở hải ngoại bây giờ báo biếu nhiều hơn báo bán, chủ nhiệm cung kính chủ tiệm, chứ độc giả là ai? Chủ tiệm quảng cáo cửa hàng sản phẩm dịch vụ chi tiền cho tờ báo sống, chứ không phải độc giả nuôi tờ báo ấy, cho nên đa số báo hải ngoại không có một readership rõ rệt.

Báo đã không bán, thì biếu, biếu thì cần gì bài hay. Các tác giả hiện nay 80% là loại tác giả báo biếu, họ cảm thấy văn chương mình xuất sắc vì bài vừa gửi đi tuần trước, tuần này đã thấy in lên báo rồi. Báo hải ngoại đa số cần bài, thấy bài là mừng, có đủ bài đâu mà chọn. Thành ra 'nhà văn nhà thơ' hải ngoại dường như nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ, nụ cười nửa miệng, kiểu như giữa đường hành hiệp tưởng gặp được khách biên đình, (vì khách cũng có gươm có... sách), song lại băn khoăn không biết khách vốn thật là giống giang hồ khí cốt, hay nhiều khi lại là nhà văn biếu nhà thơ biếu, cò mồi hoà giải.

Các báo văn học sống được phần lớn là nhờ các tác giả có bài đăng (và chắc chắn phải đăng) vì cùng góp gạo thổi cơm chung. Ở hải ngoại chỉ cần một ngàn đô la là trở thành thi sĩ, nhà văn: tự xuất bản sách, chỉ cần một ngàn là in được 500 cuốn. Báo chí hải ngoại cũng khác báo trước kia: không hề thấy chuyện cải chính. Có kêu ca, 'nhà báo hải ngoại' cũng không có thói quen cải chính, sai thì thôi, cải chính cái gì. Có gì quan trọng đâu (!)

PNH: Ba mươi năm, anh vẫn chưa một lần về lại Việt Nam. Tờ báo Khởi Hành của anh thể hiện một khuynh hướng văn nghệ đối lập mạnh mẽ với nhà cầm quyền trong nước. Ðiều gì khiến anh giữ một thái độ cứng rắn như vậy suốt ba mươi năm? Anh quan niệm về vấn đề "hoà giải" ý thức hệ giữa văn nghệ trong ngoài hiện nay thế nào?

VL: Vâng, kẻ biệt xứ chưa trở về không phải vì không muốn trở về, mà tại sao lại trở về khi sự trở về có thể bị hiểu lầm là đồng nghĩa với chấp thuận? Tại sao tôi rời Sài Gòn? Nếu tôi không ra đi kịp vào giờ ấy ba mươi năm trước, tôi có ở tù khoảng mười năm như đa số bằng hữu văn chương của tôi không? (Khoảng 90% bằng hữu văn chương của tôi, đó lại chỉ là nhà văn nhà thơ mà không làm báo, và không có báo; trong khi bạn họ lúc nào cũng trông coi ít nhất một tờ báo, xiển dương một niềm tin rõ rệt bất biến). Tôi có thể đã chết trong thống hận như các anh Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, đã tự sát hụt như Tô Thuỳ Yên, đã sống trong đói rét như Lê Xuyên, Phan Nghị, đã vào tù ra khám như Tuệ Sỹ, hay đã khiếp nhược và mang tiếng luồn lọt làm ăng-ten như rất nhiều người... Ðó là tôi chỉ kể tên những người từng viết cho các tờ báo tôi làm chủ nhiệm hay tổng thư ký toà soạn tại Sài gòn trước 1975. Chưa kể đến số phận cảnh huống thân nhân họ, tài sản họ, tác phẩm họ trong khi đó và sau khi đó.

Tôi quan niệm thế nào về sự 'hoà giải' ý thức hệ?

Thứ nhất, chưa bao giờ có một viên chức cán bộ thẩm quyền nào trong nước nói đến hai chữ hoà giải với trí thức văn nghệ sĩ hải ngoại. Một cách chính thức. Mà nếu có chính sách hoà giải, tôi đề nghị hãy hoà giải với những người cùng chí hướng với tôi ở trong nước đi đã. Hãy hoà giải với các nhà văn nhà thơ Tuệ Sỹ, Nguyễn Thuỵ Long, Nguyễn Ðức Sơn, Văn Quang, Viên Ðịnh... Hãy in tác phẩm cho họ, hãy mời họ viết trên các báo lớn, hãy xuất bản sách cho họ để họ sống được bằng ngòi bút như xưa, và cho ra báo nếu họ muốn. Như tôi biết, người ta chỉ muốn hoà giải với những người ở hải ngoại, là những người họ chưa bắt được, không có chuyện họ hoà giải với những kẻ họ đã bắt được rồi. Muốn thảo luận để đi đến một điều gì, phải tuyên bố giải tán thể chế trước. Và bắt đầu thảo luận từ số không. Hay theo đề nghị mới đây của Hoà thượng Quảng Ðộ: cứ giữ Đảng Cộng sản, nhưng lập thêm một đảng đối lập và một đảng thứ ba, đứng giữa; ba đảng cùng ngồi xuống thảo luận. Hãy từ bỏ chủ nghĩa xã hội: muốn mời các nhà văn nhà thơ hải ngoại gửi bài về để đăng trên các báo trong nước trước hết hãy bỏ khẩu hiệu "vì chủ nghĩa xã hội" trên bìa các tờ báo đó đi. Khi thấy cần, ông Hồ Chí Minh đã chả từng tuyên bố giải tán Ðảng Cộng sản đó sao?

Ý thức không thể hoà giải, hệ lại đã biến đổi; để sống với thời đại mới, người ta cần ý thức của thời đại đó. Thời gian ngắn dần ở phiá tây, phía cuả hoàng hôn cuối trào. Người cầm bút lưu vong khắp thế giới không có trào nào để phải phục vụ, ngoài các giá trị nhân phẩm mà họ chọn.

PNH: Chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng khó có thể nói rằng người Việt chúng ta đã được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, anh nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay?

VL: Nhà văn thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nên sống độc lập với nhà nước. Ăn lương nhà nước để viết văn là nhà văn trở thành công-văn-nhân, thành cán bộ, công chức, kẻ thừa hành và phục tùng. Nhà văn là kẻ sĩ, hiểu theo nghĩa nhà văn là người phải có thái độ trung thực trước các vấn đề xã hội, chống sự phi-nhân và bất công đến cùng. Nhà văn không thể đóng vai trò gì khi cả nước không có một nhà văn nào có thực quyền quyết định trong một tờ báo, hay làm chủ một nhà xuất bản. Vai trò của nhà văn Việt nam hiện nay đối với người Việt chúng ta như anh nói, theo tôi là hãy làm chủ ngòi bút mình trước đã.

PNH: Cảm ơn nhà thơ Viên Linh đã chia sẻ với bạn đọc những chi tiết thú vị về văn chương miền Nam trước 1975, văn chương hải ngoại, cũng như đã thẳng thắn trình bày quan điểm văn nghệ và thời cuộc của anh.

4/2005

© 2005 talawas