trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
29.3.2004
Nguyễn Hoàng Sơn
Thơ Việt Nam cận kề một cuộc cách mạng mới
 
Mười năm trước (1994?), tôi nhớ đã có một cuộc hội thảo như thế này tại trường Viết văn Nguyễn Du. Không ít nhà thơ, nhà nghiên cứu đã tỏ ra sốt ruột cho tình trạng giẫm chân tại chỗ của thơ ta. Mà sốt ruột là phải! Trong khi kí đã có một cuộc bùng nổ từ những năm 87-88 với những tác phẩm "vang bóng một thời" như Cái đêm hôm ấy … đêm gì? của Phùng Gia Lộc, Người đàn bà quỳ của Trần Khắc (Lê Văn Ba), Chuyện vua lốp của Trần Huy Quang…; truyện ngắn đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bản, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ…; tiểu thuyết đã có Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng… thì thơ có gì?

Bùi Chí Vinh có tập Thơ tình công bố cuối thập kỉ tám mươi gây được chú ý, sau đó thì im luôn. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 tặng cho hai tác giả sinh những năm năm mươi là Hoàng Nhuận Cầm (1952) và Nguyễn Quang Thiều (1957), theo tôi là một trong những giải thưởng hằng năm mạnh dạn và ấn tượng nhất, trong đó về phần Hoàng Nhuận Cầm là sự ghi nhận một phong cách đã định hình, đã chín (thậm chí là "chín rũ" như nhận xét của nhà thơ Vân Long); còn về phần Nguyễn Quang Thiều có thể coi như một phát hiện, hay dở xin tùy mỗi người nhưng rõ ràng là một giọng thơ như Nguyễn Quang Thiều trước đó chưa có hoặc nếu có cũng rất khó được khẳng định. Sau giải thưởng ấy, cho đến nay, chưa thấy Hoàng Nhuận Cầm công bố thêm thi tập nào. Nguyễn Quang Thiều tiếp tục cho ra mắt Người đàn bà gánh nước sông, Bài ca những con chim đêm như một sự tiếp nối và hoàn thiện của Sự mất ngủ của lửa, tuy vậy thái độ tiếp nhận của công chúng và giới phê bình cũng khá dè dặt và chắc Nguyễn Quang Thiều cũng khó tránh khỏi cảm giác hiu quạnh?

Sau cái mốc 1993, hình như Giải thưởng thường niên của Hội lại trở nên thận trọng hơn, với việc ghi nhận liên tiếp nhiều nhà thơ sinh những năm bốn mươi, thậm chí sớm hơn: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Hoàng Trấn Cương, Trúc Thông, Thanh Tùng, Bằng Việt, Nguyễn Xuân Thâm, Lê Thành Nghị, Trần Mạnh Hảo… (xin được kể một cách tùy tiện, không theo trật tự thời gian). Cũng có những người trẻ hơn chen được vào bảng " phong thần" này: Thu Nguyệt, Tuyết Nga, Đặng Huy Giang, Inrasara… nhưng rõ ràng họ vẫn là thiểu số và mặc dù có những giọng điệu khá độc đáo (Inrasara chẳng hạn) nhưng vẫn không thể phủ nhận rằng "bè chính" của dàn đồng ca vẫn thuộc về các bậc đàn anh, tạm gọi là thuộc "thế hệ chống Mỹ". Một thập niên thơ vừa qua, hay hay dở, hay đến đâu và dở đến đâu, trách nhiệm chính đương nhiên là của lứa các nhà thơ tôi kể tên trên. Còn những người trẻ hơn nữa thì sao? Đầu thập niên 90, người ta nhắc nhiều đến Nguyễn Quyến, Ngân Hoa, gần hơn là Lê Thị Thu Thuỷ (Đà Nẵng), Ly Hoàng Ly (Tp HCM), gần nữa thì thấy báo viết, báo hình, nhất là báo điện tử, lặp đi lặp lại những cái tên như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…

Tôi không dám nhận mình hiểu được các cây bút tự mệnh danh là "thế hệ @" này, xin để các nhà phê bình @ lên tiếng thẩm định. Tôi chỉ xin góp một ý kiến về cách ứng xử với lớp người mới này: chắc nhiều người còn nhớ hiện tượng Nguyễn Quyến đầu thập kỉ chín mươi xuất hiện thật hứa hẹn, nhiều bậc đàn anh kì vọng, cổ vũ. Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, mười năm trôi cái vụt, gần như không thấy thơ Nguyễn Quyến xuất hiện trên mặt báo nữa! Tại sao thế nhỉ? Có ai đánh đập, vùi dập anh không? Tôi nghĩ là không. Càng thấy ý kiến của một nhà văn lão thành, dẫu nhuốm màu khinh bạc nhưng khá chuẩn xác: văn chương như cái chợ, ai đến thì đến, ai đi thì đi, ai có bản lĩnh khắc tạo dựng được thương hiệu của mình và ở lại với đời. Cũng có kẻ khéo đánh bóng tên tuổi, mẫu mã, lại biết chơi hụi chơi họ, nhưng vì chợ họp suốt ngày đêm, suốt tháng, suốt năm, kéo từ năm này sang năm khác nên khó mà lừa mãi được khách hàng, lại càng khó lừa được bạn hàng! Raxun Gamdatốp nói: tài năng không cần kéo đằng trước, không cần đẩy đằng sau, ngẫm lại thấy thật là chí lí, ngay cả trong thời kinh tế thị trường có vẻ nhốn nháo này. Một số bạn thơ @ khá thành công trong việc tiếp thị tên tuổi của mình, mừng cho các bạn. Nhưng mọi sự quảng cáo, tiếp thị đều có giới hạn, không thay thế được giá trị thực của tác phẩm. Lập ngôn, phát biểu nhiều quá sẽ tạo ra những rào cản cho chính mình và gây phản cảm nơi người đọc. Tết Giáp Thân vừa rồi, có nhà khoa học tên tuổi lại đẹp mã xuất hiện trên ti vi tới 6 lần, đến nỗi vợ tôi phát hãi, cứ thấy mặt ông là tắt ti vi, kết quả là những lời vàng ngọc của ông không đến được với công chúng trong nhà tôi. Việc tiếp thị thơ, tiếp thị tên tuổi cũng rất nên làm nhưng vấn đề là mức độ.

Trở lại với so sánh ban đầu: rõ ràng là không phải mười năm qua, thơ ta không có gì để đem ra đọ với làng kí, làng truyện ngắn, làng tiểu thuyết thời đổi mới. Nhưng tôi tán thành ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh trên báo Tiền Phong Chủ Nhật số ra ngày 01.02.2004: thơ "vào cuộc" chậm hơn các thể loại khác, thành tựu cũng khiêm tốn hơn. Cái lỗi này thì ông già, ông (bà) trung trung và ông (bà) trẻ phải chia ra mà gánh với nhau, không đổ cho ai được. Không chỉ các nhà thơ mà cả giới phê bình, lí luận cũng có lỗi trong sự chậm trễ này. Thử nhìn lại thời Thơ Mới: người châm ngòi cho cuộc cách mạng Thơ 1932 là một nhà nho, một học giả khi ấy đã … 45 tuổi - cụ Phan Khôi (1987 - 1959), tác giả bài Tình già trứ danh. Mười năm sau, người tổng kết và dựng một bảo tàng lộng lẫy cho Thơ Mới là Hoài Thanh, tác giả cuốn sách bất hủ Thi nhân Việt Nam. Ai trong số các nhà lí luận phê bình đương múa hiện nay sẽ là Phan Khôi, là Hoài Thanh của thế kỉ 21 đây? Chưa thấy tăm hơi đâu cả! Có nhà phê bình còn nhất quyết đổ tội cho sáng tác, viết xưng xưng trên mặt báo rằng thơ hôm nay chẳng bài nào ra hồn thì làm sao có phê bình tầm cỡ được! Thật là khéo trốn trách nhiệm quá… Dù sao tôi cũng thấy cần cãi thêm cho thơ một câu. Hăm ba tháng Chạp năm ngoái, ngày ông Công ông Táo lên trời, nhìn trên ti vi thấy các bà các cô nhà giàu, ăn diện, đi xe @ (lại @!) điềm nhiên đổ gio hàng mã và ném túi nilon đựng cá chép phóng sinh xuống… Hồ Gươm, tôi vừa muốn kêu trời, vừa ngậm ngùi. Thì ra, từ xe đạp lên xe máy, thậm chí là ô tô; từ gian nhà tập thể vừa chật vừa dột lên biệt thự bốn tầng, năm tầng bóng lộn, dẫu khó nhưng chưa hẳn đã lâu. Khó hơn, lâu hơn là cái thói quen vứt rác, phóng uế ra nơi công cộng, cả những nơi thiêng liêng như Hồ Gươm, còn bám dai, bám chắc trong đầu các bà, các cô kia. Phải chăng sự đổi mới trong kí, trong truyện, thậm chí là sự thay đổi bên ngoài, thay đổi phần xác hoặc thay đổi lí trí, ví như thiên hạ đổi nhà hoặc phương tiện đi lại? Còn đổi mới trong thơ là đổi mới cái phần sâu xa nhất, phần gốc rễ, tâm hồn, cao hơn là linh hồn, đổi mới cả niềm vui và nỗi buồn, bởi vậy tất nhiên là không thể một sớm một chiều được! Thơ có chậm trễ một chút cũng là phải lẽ. Nhưng bây giờ thì không thể chậm hơn được nữa! Cuộc thay đổi này chắc chắn sẽ rung chuyển, sẽ là một cuộc cách mạng tầm cỡ, không kém gì cuộc cách mạng 1932, chúng ta hãy cứ chờ xem!
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 8 ra ngày 21.02.04