trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
24.6.2005
Frederic Whitehurst
Di sản của Thùy Trâm
Mai Chi, Kim Trâm lược dịch
 
Câu chuyện xúc động về những cuốn nhật kí viết trong chiến tranh của chị Đặng Thùy Trâm đã được báo chí trong ngoài nước gần đây đưa tin. Sau 35 năm, ông Frederic Whitehurst - cựu chiến binh Mĩ, người gìn giữ những ghi chép riêng tư của người nữ bác sĩ Việt Nam trẻ tuổi, hi sinh trong một trận giao chiến với lính Mĩ năm 1970 – đã liên lạc được với gia đình chị. Được sự cho phép của những người trong cuộc, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một phần của trao đổi thư từ giữa ông Frederic Whitehurst và gia đình chị Đặng Thùy Trâm.
talawas
“27/4
Đêm qua một giấc mơ hoà bình đã đến với mình giữa căn nhà lộn xộn vắng vẻ của cảnh chạy càn. Mình mơ thấy Hà Nội với những căn phòng lộng mát sơn màu vôi vàng nhạt của trường Chu Văn An, mơ thấy quyển sổ chép nhạc với hình ảnh một mớ tóc vàng tơ của bé Thanh Trà và bông cúc của Hảo đính trên đầu quyển sổ đó. Và mình đã gặp ba má, gặp cậu Hiền, gặp anh Biểu và tất cả mọi người thân yêu ngoài Bắc. Ôi, giấc mơ đâu là của riêng mình mà giấc mơ Hoà bình độc lập đã cháy bỏng trong lòng ba mươi triệu người Việt Nam…

Đêm nay trăng mờ giữa khu rừng vắng vẻ, mọi vật đều lặng thinh như chung một ý nghĩ là bảo vệ sự yên lặng của bệnh xá.

Ngồi một mình trên chiếc ghế trước phòng mổ lặng ngắm cảnh vật xung quanh… không thể nào ngăn được một nỗi buồn mênh mông đang thấm mãi trong lòng. Ngày mai bệnh xá sẽ đi vào kế hoạch chống càn một cách quy mô.”

Đó là những ý nghĩ của chị Đặng Thùy Trâm, nữ bác sĩ phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, được chị ghi lại vào tháng Tư năm 1969, những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh. Thùy Trâm hy sinh vào ngày 22 tháng 6 năm 1970, khi chị 28 tuổi. Ngày 29 tháng Tư năm 2005, gia đình chị tại Hà Nội nhận được một lá thư điện tử từ Mỹ, mở đầu cho một trao đổi thường xuyên. Sau đây chúng tôi xin trích dịch một số lá thư từ Mỹ.

Thùy Trâm, 18 tuổi, cùng các bạn lớp phổ thông



Thư Frederic Whitehurst gửi Đặng Kim Trâm [1]

Thứ Sáu, 29.4.2005

Ông Frederic Whitehurst
Tôi là Frederic Whitehurst. Tôi đã mang trong mình ký ức về chị gái cô, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, trong suốt 35 năm nay. Tôi đã giữ những cuốn nhật ký của chị ấy 35 năm nay. Ted Englemann, người tôi mới quen, báo cho tôi biết rằng ông đã tới gia đình cô và giờ đây gia đình cô đã nhận được bản sao của những cuốn nhật ký và những bức ảnh. Có rất nhiều điều tôi phải nói với cô, với gia đình cô và đặc biệt là với mẹ cô. Giấc mơ của tôi trong suốt những năm qua là tìm ra được gia đình cô, và giờ đây sự kiện này làm tôi bật khóc. Một người mẹ cần phải được biết về những năm tháng của con gái mình, một đất nước cần phải biết về một nữ anh hùng như bác sĩ Trâm. Phải chăng rất thích hợp khi mẹ cô nhận được những dòng chữ của con gái mình gần đúng vào ngày ba mươi năm đất nước bà được giải phóng, ngày 30.4.2005.

Tôi có rất nhiều điều cần nói với cô về cuộc hành trình mà tôi đã trải qua để tìm được gia đình cô. Lúc này tôi buộc phải nói chuyện với cô qua email. Anh trai tôi, Robert, biết tiếng Việt và đã dịch những cuốn nhật ký của bác sĩ Trâm ra tiếng Anh. Chính nhờ anh ấy động viên nên tôi mới đến Nhóm Lưu trữ về Việt Nam ở Texas, và ở đó tôi đã gặp Ted Engelmann. Robert và tôi dự định sẽ tới Hà Nội trong thời gian sớm nhất có thể. Tôi là một luật sư với những công việc tòa án bận bịu, còn Robert là một thuyền trưởng viễn dương, nên chúng tôi phải cùng thu xếp thời gian.

Tôi cũng muốn mẹ cô được chạm vào những cuốn nhật ký của con gái bà. Tôi không biết việc đó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng hiện nay những cuốn nhật ký được gửi ở một hồ sơ lưu trữ tại Lubbock, Texas. Tôi có thể giúp cô liên lạc với Laura Caulkin, người lưu trữ nó, và cô có thể nói chuyện trực tiếp với cô ấy về việc này. Tôi gần như đã không còn hy vọng tìm được gia đình cô, và muốn chắc chắn rằng cuốn nhật ký sẽ không phải nằm giữa những đống giấy tờ của tôi để rồi trong trường hợp tôi chết nó bị quẳng đi, bị quên lãng, bị mục nát. Vì thế tôi đã đem gửi nó tại kho lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock. Chuyện đó chỉ mới tình cờ xảy ra cách đây một tháng.

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói với gia đình cô, nhưng bây giờ tôi phải tới trường Đại học để giảng bài. Tôi sẽ tiếp tục viết cho cô thật sớm và bắt đầu kể lại câu chuyện.

Frederic Whitehurst.


*


Thứ Bảy, 30.4.2005,

Hiền và Kim,

Giờ đây chúng ta có thể nói chuyện với nhau về những điều đã xảy ra - nếu như nó không làm gia đình các bạn quá đau lòng. Có lẽ tôi biết trận đánh mà các bạn nói tới, trận đánh mà Thùy Trâm hy sinh, nhưng tôi không chắc lắm, và tôi sẽ rất biết ơn nếu các bạn có thể kể lại những gì các bạn biết. Tôi nhớ tôi có được cuốn nhật ký cuối của chị vào mùa hè, và sau đó, vào tháng 10, khi tôi đi công tác với một đơn vị bộ binh Mỹ và trước một trận đánh tôi ngồi cạnh một người lính, và chúng tôi kể cho nhau nghe những trận đánh mình đã từng trải qua. Người lính kia tả lại một trận đánh khá lạ lùng, trong trận ấy người ta tìm thấy một cái túi vải bạt trên thi thể một người phụ nữ Việt Nam trong rừng rậm. Hồi đó nhiệm vụ của tôi là thu nhận tất cả các tài liệu thu được trên chiến trường, do vậy chiếc túi anh ta đang tả đó chỉ có thể là chiếc túi đựng những cuốn nhật ký của bác sĩ Trâm. Chính vì thế bao năm qua tôi vẫn ngờ rằng mình đã được nghe kể lại những giây phút cuối cùng của cuộc đời cô. Nhưng giờ đây khi các bạn kể về một trận đánh thì tôi băn khoăn không hiểu mình có đúng không. Tôi vô cùng cảm động khi biết rằng hài cốt của bác sĩ Trâm không còn phải nằm lại trong rừng mà đã được về lại với gia đình. Tất cả những điều đó làm tôi cảm động sâu sắc đến nỗi lúc này nước mắt làm tôi không đánh máy nổi và không nhìn rõ màn hình máy tính. Các bạn cũng kể về các bài báo và những câu chuyện ở Việt Nam nói về bác sĩ Trâm như một nữ anh hùng. Tôi rất mong được đọc những bài báo đó. Những cảm xúc ở đây thật vô cùng sâu sắc.

Mẹ tôi năm nay cũng 81 tuổi và biết về những cuốn nhật ký này từ khi tôi xuất ngũ trở về nhà vào năm 1972. Khi đọc qua những dòng dịch sơ sài bà bảo tôi phải thật thận trọng bởi nó có thể đốt cháy tôi. Ngụ ý của bà thật rõ ràng. Hai nước chúng ta đang có chiến tranh, và nhân dân nước tôi có thể coi việc tôi gọi bác sĩ Trâm là một anh hùng là một hành vi không thích hợp. Nhưng lời mẹ tôi là tiếng vọng lại của những lời nói của chính người lính Việt đã bảo tôi đừng huỷ những cuốn sổ đó đi. Tôi nhớ rõ cái ngày đó tựa như hôm qua. Người lính đó là thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu, là phiên dịch cho đơn vị tôi. Anh ấy là một người bạn rất thân của tôi. Hôm ấy chúng tôi nhận được rất nhiều tài liệu, và sau khi đã tìm kiếm các tài liệu có giá trị quân sự chúng tôi bèn đem chất đống chúng lại để đốt. Trong khi tôi đang đốt các tài liệu thì Hiếu chặn tôi lại. Tay Hiếu cầm cuốn sổ nhật ký của chị các bạn và nói: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản thân trong nó đã có lửa rồi.” Tôi vô cùng cảm động thấy Hiếu có thể kính trọng một kẻ thù nên làm theo lời anh. Nhiều đêm sau đó chúng tôi đã ngồi bên nhau và bắt đầu dịch cuốn nhật ký. Nhưng chẳng được bao lâu, chiến tranh khiến tôi phải gác cuốn nhật ký qua bên. Khoảng một năm sau đó, trong khi tôi dịch thêm một số tài liệu với Hiếu thì anh lại một lần nữa nói với tôi rằng đây là cuốn nhật ký thứ hai của cô bác sĩ. Chị của các bạn là một người vô cùng đặc biệt khiến ngay cả Nguyễn Trung Hiếu, người đang chiến đấu chống lại chị, cũng vô cùng cảm động trước chủ nghĩa anh hùng của chị và không thể hủy hoại những dòng chữ của chị. Tôi vẫn thường mong được biết số phận của Hiếu sau chiến tranh, nhưng sau bấy nhiêu năm tôi vẫn không thể tìm lại được anh ấy.

Các bạn thấy đấy, không chỉ một mình tôi gìn giữ những dòng chữ của bác sĩ Trâm trong suốt 35 năm nay, mà còn cả một người đàn ông rất dũng cảm - Nguyễn Trung Hiếu - người đã xúc động tới mức anh trao cho tôi nhiệm vụ này qua những lời nói và tình cảm của anh.

Nhất định tôi sẽ phải đến Hà Nội để nói về những chuyện này trong một tuần là ít, và để tỏ lòng kính trọng mẹ của các bạn đã sinh ra một người con như bác sĩ Trâm. Robert và tôi đã bắt đầu bàn với nhau về chuyện này, và hy vọng nó sẽ sớm xảy ra. Cám ơn các bạn đã viết thư cho tôi. Chúng tôi sợ những gì sẽ tới qua việc trao trả cuốn nhật ký chẳng kém gì sợ các bạn sẽ không nhận được nó. Đúng như các bạn nói, từ hôm thứ Hai đến giờ mọi việc giống như trong một thế giới ảo.

Fred


*


Chủ nhật, 1.5.2005

Kim và Hiền,

tôi muốn chuyển tới mẹ các bạn lời chào của mẹ tôi. Mẹ tôi rất hạnh phúc khi biết rằng gia đình các bạn đã nhận những cuốn nhật ký của người con mình.

Thưa bà Trâm,

tôi mong rằng lá thư này sẽ không đem đến cho bà nỗi buồn mà chỉ là niềm tự hào của một người mẹ đã sinh ra một người con gái rất đặc biệt. Tôi cần phải nói lại với bà điều mà bao năm qua tôi vẫn tin đó là cái chết của con gái bà. Tôi ngồi chờ một trận đánh cùng một quân đoàn Mỹ. Ngồi bên cạnh tôi là một người lính và chúng tôi nói với nhau về những trận đánh trong quá khứ. Người lính đó kể cho tôi nghe về một trận chiến đấu lạ lùng giữa đơn vị gồm 120 người đàn ông với một người phụ nữ. Đơn vị của anh gặp nhiều lều trại trong rừng sâu trên vùng núi phía tây huyện Đức Phổ. Ngay lập tức có người nổ súng vào họ. Người lính thấy rõ nhiều người đang chạy trong rừng để trốn thoát và muốn bắt họ, vì thế họ kêu gọi người đang bắn đầu hàng, nhưng đáp lại lời kêu gọi là thêm rất nhiều viên đạn bắn vào họ. Đây là một người rất anh hùng bởi vì lính Mỹ được trang bị rất nhiều vũ khí và họ chỉ cần tích tắc để chặn một tay súng lại. Khi thấy bị bắn tiếp lính Mỹ bèn bắn trả và tay súng kia trúng đạn. Nhưng toán lính Mỹ không bắt được ai khác nữa. Khi đến được nơi người kia nằm toán lính Mỹ nhận thấy rằng người đó chết trong khi bảo vệ các bệnh nhân của một bệnh viện. Trên xác người phụ nữ đó có một khẩu SKS và một cái túi vải bạt đựng vài cuốn sổ và sách vở. Nhiệm vụ của tôi trong chiến tranh lúc đó là kiểm tra tất cả các giấy tờ tài liệu bắt được của địch. Người lính đó đã kể cho tôi nghe về cái chết của người phụ nữ có cuốn nhật ký mà tôi nhận được ít lâu sau khi chị hy sinh. Trong thời gian đó không có một tài liệu nào khác tương tự, vì thế tôi tin chắc mình đã được nghe người lính nọ kể về cái chết của tác giả cuốn nhật ký. Nhưng cũng có thể có người nào khác mang cuốn nhật ký cho người viết? Đó là cuốn nhật ký thứ hai của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Các con gái bà kể rằng một tháng sau ngày cuối cùng ghi trong cuốn nhật ký thứ hai thì Thùy Trâm ngã xuống trong một trận đánh. Và do có một người bạn dẫn đường chỉ nơi chôn cất, gia đình đã mang hài cốt chị từ Quảng Ngãi về nhà vào năm 1979. Có đúng chị nằm trên một dãy núi cao ở miền tây Đức Phổ? Và các bạn của chị có kể lại chị đã hy sinh ra sao không? Suốt 35 năm nay tôi vẫn nghĩ rằng chắc bác sĩ Đặng đã chết đúng như chị sống, hoàn toàn không vị kỷ, hoàn toàn dâng hiến.

Nếu tôi có xâm phạm vào đời tư của bà thì cho phép tôi xin lỗi, tôi không mong làm điều gì xấu cả. Tôi đã mang câu chuyện này trong lòng quá lâu và tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời.

Fred Whitehurst


*


Thứ Hai, 2.5.2005

Thưa bà Trâm,

Và giờ đây thắc mắc của tôi đã được giải đáp. Trận đánh mà người lính nọ tả lại cho tôi đúng là điều đã xảy ra. Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn mình. Trên bất cứ đất nước nào trên thế giới điều đó đều được gọi là ANH HÙNG và những người anh hùng đều được tất cả mọi người tôn kính, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thế giới phải được biết tới sự dũng cảm của con gái bà và mãi mãi học hỏi được từ tình yêu và những suy nghĩ của chị ấy.

Hôm qua tôi cùng mẹ, vợ tôi và con gái đi ăn tiệm. Em trai tôi và vợ nó cũng đi cùng. Em trai tôi là Michael, trong thời gian chiến tranh nó rất nóng lòng muốn được sang Việt Nam tham chiến. Nhưng cha tôi, một sĩ quan hải quân cao cấp, không muốn đưa cả ba con trai sang Việt Nam. Lúc đó anh trai tôi và tôi đã ở Việt Nam rồi. Vì thế ông đã dùng các thế lực chính trị của mình để Michael không tham gia vào cuộc chiến nữa. Michael rất tức giận vì chuyện ấy. Nó vẫn tiếp tục trở thành một sĩ quan quân đội và mới về hưu năm ngoái với hàm đại tá, sau 34 năm phục vụ trong không lực. Hôm qua lúc ở tiệm ăn nó sẵng giọng nói với tôi rằng thoạt tiên nó rất phản đối những việc mà Robert và tôi làm đối với hai cuốn nhật ký của con gái bà. Nó tức giận trước những hành động của chúng tôi. Tôi hiểu. Dẫu sao nó cũng chưa từng phải nếm vị mặn của chiến tranh. Nó chưa từng biết đến cảm giác tan nát con tim khi người ta nhìn thấy những người lính ngã xuống trên chiến trường. Vì thế nó mới tức giận. Nhưng trong bữa ăn với mẹ tôi nó hiểu ra hành động của chúng tôi. Một người mẹ nhất thiết phải được biết về cuộc đời và những suy nghĩ của con gái mình. Vậy là nó chấp nhận. Tôi nghĩ thật buồn biết bao vì nó không biết được Thuỳ Trâm đã dạy chúng ta những gì. Nó không nhìn thấy những gì tôi đã nhìn thấy. Nó và biết bao nhiêu người khác chỉ nhìn thấy vành hào quang của chiến tranh mà không cảm thấy sai trái đến thế nào khi một đất nước này đi xâm lược một đất nước khác. Biết bao nhiêu cuộc đời đã bị huỷ hoại. Nhưng nó là một người lính.

Những lúc không hành nghề luật sư hay khoa học, tôi trở thành một người làm vườn. Trong những lúc làm việc trong vườn, chăm sóc những bông hoa, tôi có thể nghĩ triền miên hàng giờ về những chuyện như thế. Hôm qua những ý nghĩ của tôi tràn đầy về Thùy Trâm. Tôi vẫn còn thắc mắc. Và hôm nay một bông hoa đẹp từ Hà Nội đã trả lời bao câu hỏi ngày hôm qua của tôi. Thùy Trâm đúng là người như tôi nghĩ. Chị đã chết đúng như tôi hình dung qua câu chuyện của tôi với người lính nọ bao nhiêu năm về trước. Và giờ đây tôi đã biết. Và bật khóc để biết.

Frederic Whitehurst


*


Thứ Ba, 3.5.2005

Hiền và Hồ thân mến,

Đây đúng là một câu chuyện cổ tích. Hàng ngày tôi là luật sư tại toà án, nhưng từ thứ hai vừa rồi tôi không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài Thùy Trâm. Tôi phải lặng lẽ nghĩ bởi vì mặc dù tìm thấy gia đình Đặng của tôi là một niềm vui to lớn nhưng trong tim tôi có cả nỗi buồn trĩu nặng vì Thuỳ Trâm đã mất đi. Vì tôi đã bắt đầu già nên nước mắt rất dễ tuôn trào và khóc ở toà là rất không thích hợp. Vì thế suốt ngày tôi lặng lẽ nghĩ về Thùy. Tôi cho mẹ tôi và Robert xem tất cả những bức thư của gia đình các bạn. Mẹ tôi cũng có một thời gian (gian khổ) như vậy. Bà từng là một cô bé nghèo phải rời nhà ra đi từ năm 13 tuổi, nhưng cuối cùng đã đạt được bằng cấp đại học và đã dạy học nhiều năm. Giờ đây, ở tuổi 81 bà vẫn là một người khuyên bảo tuyệt vời cho tôi mỗi sáng khi tôi đến thăm bà, và tôi cùng bà chăm sóc những bông hoa - nếu thời tiết cho phép ngày nào bà cũng làm công việc đó. Bà cũng là một hoạ sĩ và vẫn tiếp tục dạy vẽ cho mọi người trong thành phố cũng như vẫn vẽ…

Khi trở về nhà sau chiến tranh, thân thể tôi chỉ bị thương chút ít nhưng trái tim tôi bị tổn thương. Ngay sau khi trở về tôi quay lại trường đại học và tiếp tục học môn hoá. Học xong đại học tôi tiếp tục làm tiến sĩ về hoá học ở đại học Duke trong năm năm rưỡi. Tôi nhớ đó là một thời gian rất khó khăn. Khi làm luận án tiến sĩ tôi cần có người tài trợ, và giáo sư hướng dẫn của tôi chọn người tài trợ là quân đội Mỹ. Nhưng họ muốn tôi nghiên cứu về các vật liệu có chứa phốt-pho. Những nghiên cứu như thế có thể giúp phát triển một cuộc chiến tranh khí hoá học. Tôi tức giận từ chối và nói với giáo sư là tôi sẽ thôi không nghiên cứu nữa. Tôi sẽ không để cho người ta sử dụng mình để giết người một lần nữa. Giáo sư nói với tôi rằng một ngày kia tôi sẽ hiểu bất cứ điều gì do con người sáng tạo ra sẽ có một kẻ tìm cách sử dụng nó với những mục đích huỷ hoại, đồng thời sẽ có người khác tìm cách sử dụng nó với mục đích tốt đẹp. Dẫu thế tôi vẫn từ chối và cuối cùng đề tài nghiên cứu của tôi là hóa học các-bon. Sau khi nhận được bằng tiến sĩ hóa học vào năm 1980 tôi tới Texas để tiếp tục học tập và nghiên cứu, nhưng chẳng bao lâu tôi nhận thấy không thoả mãn. Vậy là tôi lại làm việc cho chính phủ Mỹ một lần nữa và trở thành một nhân viên của FBI. Suốt bốn năm, mặc dù là tiến sĩ hoá học nhưng tôi lại làm một thám tử đặc biệt của FBI chuyên điều tra các vụ cướp nhà băng, bắt cóc trẻ em, các vụ ma tuý có liên quan đến heroin, cần sa, cocain và các chất gây nghiện khác. Sau đó tôi chuyển tới làm ở một phòng thí nghiệm về các tội phạm hình sự của FBI, Washington D.C. Chính ở đó tôi đã trở nên nổi tiếng cả ở trong nước lẫn quốc tế. Các bạn thử gõ tên tôi trên Internet và xem người ta đã viết những gì. Cuối cùng tôi đã kiện Tổng thống Mỹ, Tổng Luật sư, Giám đốc FBI, Cơ quan FBI, Bộ Tư pháp Mỹ và Chính phủ Mỹ. Đó là cả một câu chuyện dài về một người đàn ông không làm ngơ trước những sai trái. Năm 1998, sau khi thắng tất cả các vụ kiện, tôi về hưu sớm, quay về sống ở cái xóm nhỏ Bethel để tiếp tục công việc và chăm sóc cha mẹ tôi. Năm 2000 cha tôi qua đời nhưng mẹ tôi còn sống và là một kho báu đối với gia đình tôi cũng như đối với tôi. Vì tôi có học luật trong những năm từ 1992 đến 1996 ở Đại học Georgetown ở Washington DC cho nên từ khoảng hai năm rưỡi nay tôi bắt đầu hành nghề luật.

Trong những năm ấy cuốn nhật ký của Thuỳ Trâm trải qua một cuộc chu du chắc các bạn sẽ thấy khá thú vị. Hồi ở Việt Nam tôi luôn giữ hai cuốn nhật ký bên mình. Trước khi rời Việt Nam về Mỹ tôi đưa nó cho một người bạn cùng đơn vị hồi ở Đức Phổ. Anh ấy lấy vợ người Hà Nội và tôi nhờ chị dịch hộ ra tiếng Anh. Khi tôi về tới nhà, anh ấy gửi cho tôi bản dịch và hỏi tôi có muốn lấy lại những cuốn nhật ký không. Tôi cảm thấy có lẽ để anh ấy giữ thì tốt hơn bởi vì anh ấy là luật sư. Thời gian trôi qua, năm 1982 tôi học xong đại học và vào làm việc cho FBI. Cả tôi cùng anh tôi đều đã đọc bản dịch cuốn nhật ký. Nhưng làm thế nào để tìm được gia đình Thùy Trâm? Chúng tôi không biết. Việc tôi vào làm việc cho FBI khiến tôi phải ngừng tìm kiếm mất mười năm. Tôi đã hỏi và tìm thông tin, nhưng thời gian sau chiến tranh ở Việt Nam gần như người ta không thể tìm được ai. Tôi biết Hà Nội đã bị ném bom và sợ rằng gia đình Thùy Trâm đã chết hết rồi. Tôi và anh Robert thấy đồng bào của Thùy Trâm cần phải biết chị là một anh hùng. Chúng tôi nói về chuyện này trong bao năm. Chúng tôi quyết định nếu hai cuốn nhật ký đã được dịch sang tiếng Anh thì nó cũng có thể được xuất bản thành sách để cả thế giới sẽ đọc nó, và chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế tôi gọi điện cho người bạn đã dịch hộ cuốn nhật ký, nhưng anh trả lời hình như đã gửi trả nó lại cho tôi từ lâu. Tôi tin anh ấy đã lục tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy hai cuốn nhật ký. Vì thế tôi nghĩ có thể trong bao lần vợ chồng tôi chuyển nhà khắp đất nước những quyển nhật ký đã bị thất lạc. Thế rồi cách đây vài năm người bạn đó gọi điện báo tin rằng trong khi lục lọi đống hồ sơ luật lưu trữ từ năm 1966, anh ấy tìm thấy hai cuốn nhật ký. Vậy là tôi bay đi California để tự mình nhận hai cuốn nhật ký. Lúc đó tôi đã có máy tính và máy quét. Tôi bèn quét hai cuốn nhật ký cùng những bức ảnh và gửi bản quét cho Robert để anh ấy dịch lại. Mấy năm nay Robert vẫn dịch hai cuốn nhật ký. Sau đó Robert tìm thấy trên một trang ở cuối cuốn sổ tên và địa chỉ cha mẹ cô (chúng tôi đoán thế). Mấy năm sau này một người bạn của chúng tôi đã liên lạc được với gia đình ở Hà Nội và nói rằng gia đình cô vẫn còn sống và hiện đang điều hành một bệnh viện cách Hà Nội 8 km về phía nam. Nhưng không rõ vì lý do gì mà người bạn đó không tiếp tục liên lạc.

Trong khi chúng tôi tiếp tục tìm kiếm, tình cờ Robert tìm được một website của Dự án Việt Nam tại một trường đại học ở Texas. Robert gọi điện cho trường đại học đó và biết được họ có một phòng lưu trữ tất cả các tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Robert và tôi bàn nhau về việc này nhưng tôi rất sợ người khác không coi trọng những cuốn nhật ký như chúng tôi. Vì thế tôi đã nói chuyện với người ở phòng lưu trữ trong một thời gian dài và họ giúp tôi nhận ra rằng thật sự rủi ro nếu tôi giữ những cuốn nhật ký. Thử nhìn xem, tôi đã 57 tuổi và đi lại khá nhiều, vạn nhất có điều gì xảy ra với tôi thì tất cả giấy tờ của tôi sẽ đơn giản bị vứt vào thùng rác, và rồi hai cuốn nhật ký sẽ mãi mãi mất đi. Vả lại dự án Việt Nam này hàng năm tổ chức những cuộc hội thảo, sẽ có nhiều người từ cả hai phía Việt Nam cũng như Mỹ đến dự để thuyết trình về chiến tranh. Tôi đã gửi cho trường đại học một vài thứ khác thử xem sao. Mọi người ở đó rất tốt bụng và rất kiên nhẫn đối với tôi. Rồi Robert thuyết phục tôi đến thuyết trình ở hội nghị. Cuộc họp đó rất khó khăn đối với tôi. Trong chiến tranh tôi đã nhìn thấy rất nhiều điều mà tôi không thể nào quên được. Tôi đã nhìn thấy quá nhiều lính Mỹ làm nhục đất nước tôi và làm những điều tôi không thể nào quên được. Và tôi đã thấy những sĩ quan cao cấp quay đầu phởt lờ sự lăng nhục đó. Tôi đã nhìn thấy nhiều người dân Việt Nam bị xúc phạm bởi sự lăng nhục đó. Điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ xấu về tổ quốc mình, mà chỉ giải thích rằng những ký ức của tôi về ba năm chiến tranh ở Việt Nam còn quá mạnh, và tôi không thể nói ra mà không bị xúc động. Vì thế tôi bảo Robert là tôi sẽ chỉ đi Texas nếu có anh đi cùng. Robert đồng ý và động viên tôi thuyết trình. Quả nhiên điều tôi e ngại đã xảy ra. Trong khi thuyết trình tôi đã xúc động rất mạnh và bài thuyết trình rất khó khăn. Cũng trong cuộc gặp mặt đó tôi tặng hai cuốn nhật ký cho kho lưu trữ để họ có thể giữ gìn nó. Tôi tin rằng ở đó nó sẽ được giữ gìn rất tốt.

Tại cuộc họp đó tôi gặp một người tên là Bảo Ninh, tác giả cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Anh là người Hà Nội và là cựu chiến binh miền Bắc Việt Nam. Tôi cũng gặp Ted Englemann ở cuộc họp đó. Chúng tôi đưa cho nhiều người cái đĩa CD mà Ted đã trao cho gia đình các bạn. Và Ted, nhờ sự giúp đỡ của hai người bạn, đã tìm được gia đình các bạn.

Đó là câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong 35 năm qua cuốn nhật ký chỉ được mở ra vài lần, có lẽ không quá mười lần, nên chúng gần như còn nguyên như từ hồi Thuỳ Trâm viết vào đó lần cuối. Giấy bắt đầu bị rạn và phải thật cẩn thận khi cầm nó nhưng nét chữ vẫn còn rất rõ như các bạn có thể nhìn thấy trong đĩa CD.

Fred


*


Thứ Sáu, 6.5.2005

Em gái Kim,

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một anh hùng đối với toàn thế giới. Đó không phải một lời khoa trương mà hoàn toàn là sự thật. Anh Robert và tôi đã nghĩ rằng nếu không tìm được gia đình chị thì chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách về chị Thùy, qua đó, nếu còn sống thì gia đình em sẽ biết về chị. Ý tưởng của em về một cuốn sách cũng trùng với ý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ phần đầu của cuốn sách sẽ viết về Thuỳ bằng tiếng Việt và sẽ bao gồm cả những trang nhật ký. Phần giữa cuốn sách sẽ là những bức ảnh gia đình và các chiến sĩ giải phóng ở Đức Phổ, những người đã được Thuỳ che chở chăm sóc, rồi những bức ảnh do người phóng viên người Hà Nội đã hy sinh mà tôi đã kể cho em nghe. Phần cuối cuốn sách sẽ là bản tiếng Anh dịch phần thứ nhất sang. Cuốn sách sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong một thời gian ngắn. Thùy đã cho chúng ta mọi hy vọng về tương lai. Chị nhận thấy cái đẹp ngay giữa cuộc chiến tranh, điều đó quá đặc biệt, mọi người phải cùng biết tới. Đó là ý tưởng của chúng tôi.

Hồi tôi còn nhỏ, khoảng 1952, cha tôi là sĩ quan hải quân Mỹ và chuyển gia đình tôi sang Nhật. Em nên nhớ lúc đó chiến tranh thế giới lần thứ hai mới kết thúc không lâu, rất nhiều người Mỹ còn thù ghét người Nhật. Nhưng cha tôi không để cho chúng tôi sống với người Mỹ với lòng căm thù đó, vì thế gia đình tôi chuyển ra ngoại ô sống cùng với người Nhật và để biết yêu thương người Nhật. Cha tôi muốn dạy chúng tôi rằng chiến tranh đã qua và ngày mai chúng ta không nên nghĩ đến chiến tranh nữa mà cần phải có trách nhiệm với nhau và thương yêu nhau. Chúng tôi coi bài dạy của cha tôi như một kho báu.

Kim hỏi về súng SKS. Em Kim ạ, tôi tin chắc câu chuyện mà người lính Mỹ nọ kể cho tôi nghe chính xác là về chị của các bạn. Người Mỹ gọi đó là súng trường SKS, đó không phải là AK47 mà là một khẩu súng bán tự động bắn từng phát một. Nhưng dù cho đó là súng gì thì cũng không khiến chúng ta phải ngờ ngợ về những giây phút cuối cùng của cuộc đời chị Thùy cũng như những hành động cuối cùng của chị. Mọi chi tiết khác quá giống nhau qua những câu chuyện bạn chị kể lại cũng như câu chuyện của người lính Mỹ kia.

Tôi rất mừng vì Bảo Ninh đã đến nhà ta để nói rằng chính mắt anh đã nhìn thấy hai cuốn nhật ký. Lúc được tôi cho xem hai cuốn nhật ký anh ấy rất bối rối. Bảo Ninh không nói được tiếng Anh và anh ấy không hiểu tôi muốn gì. Điều tôi muốn là một trong những đồng bào của các bạn phải thực sự nhìn thấy hai cuốn nhật ký, được sờ vào nó và có thể nói với các bạn rằng họ đã chính mắt nhìn thấy. Để chứng tỏ với các bạn rằng những lời của Thuỳ Trâm vẫn còn sống.

Tôi đã nhượng quyền sở hữu của mình đối với hai quyển nhật ký này cho bảo tàng, vì thế tôi không thể quyết định về tương lai của chúng nữa. Nhưng tôi muốn mẹ các bạn phải được sờ thấy những dòng chữ đó, sờ thấy những trang giấy và cảm nhận được tình yêu trong hai cuốn sách đó. Tôi không biết phải làm thế nào. Tôi sẽ rất vinh dự nếu được trả tiền mời mẹ các bạn đến để cầm hai cuốn nhật ký, hoặc là Kim hoặc Hiền hoặc Hồ đều được. Tôi không giàu nhưng cũng không quá nghèo đến mức gia đình tôi phải phản đối mong muốn đó. Từ rất lâu rồi tôi vẫn nghĩ nếu như cuốn sách được xuất bản, hoặc người ta làm phim về nó thì tôi sẽ dùng số tiền bán sách để thiết lập một số giường bệnh ở Hà Nội. Lúc ở Texas tôi nói với mọi người rằng ý tưởng đó sinh ra từ khi tôi nhìn thấy những đứa trẻ bị đốt cháy ở Quảng Ngãi bao nhiêu năm về trước. Và tôi có thể nhìn thấy bác sĩ Trâm tiếp tục sự nghiệp y tế của mình ngay cả khi chị đã chết đi, tiếp tục chăm sóc đồng bào mình bằng chính câu chuyện của chị. Tôi biết điều này giống như một chuyện cổ tích, nhưng chuyện cổ tích cũng có thể trở thành sự thật. Hai tuần qua đã chứng minh điều đó.

Bây giờ tôi phải làm việc toà án cùng với khách hàng của mình.

Anh trai Fred.

© 2005 talawas



[1]Kim Trâm và Hiền Trâm là hai em gái của Thùy Trâm, ở nhà được gọi là Kim và Hiền. Mẹ của ba chị em cũng tên là Trâm.