trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
4.7.2005
Đỗ Kh.
Người quên, kẻ nhớ
 
[1]

Đánh giá (hay là chỉ có gọi tên thôi), cuộc chiến 30 năm trước một cách đúng đắn và khoa học tôi e rằng quá khó. Trong lãnh vực này, lấy "khoa học" của Âu Tây ra mà làm gương tôi sợ cũng chỉ là nói cho vui nếu không phải để cười. Hai trăm năm sau Cách mạng Tư sản Pháp, chuyện vẫn còn tuỳ theo quan điểm, tám, chín thế kỷ sau các cuộc Thập tự chiến người Ki tô vẫn luận khác người Hồi. Đó là chưa nói đến đùng một cái 11.9, thì đây đó chuyện một ngàn năm về trước người đang nghĩ thế này bỗng nhiên nghĩ ngược lại. 30 năm chỉ có thể là thời gian để mà bình tĩnh, để mà nguôi hay để mà cảm, không phải là để tìm ra sự thật gì đó hay chân lý này kia vĩnh cửu. Cái chân lý, sự thật, về cuộc chiến tranh này tôi nghĩ là ai cũng đều đã có ngay từ khi nó bắt đầu chứ chẳng cần đợi đến 30 năm sau khi nó chấm dứt [2] .

Một bận ở Hà Nội, tôi chung khách sạn với một ông cụ Việt kiều đã ngoại thất tuần. Đây là lần đầu sau gần nửa thế kỷ cụ trở về thành phố mà cụ đã có thời nhiều năm trọ học. Cụ thì lớ ngớ mà tôi thì nhanh nhẩu nên cụ nhờ tôi đưa đi thăm chốn cũ cảnh xưa. Vậy là tôi được biết Hồ Bảy Mẫu với Đông Dương Đại học xá chỗ nào, đây là trường Luật và trước kia trường Thuốc. Sau đó, tôi dẫn cụ đi tìm lại căn nhà mà gia đình cụ đã sắm ở Hà Nội cho các con lên học.

Phải khó khăn lắm ông cụ mới nhận ra nơi ở của 50 năm về trước phía gần đê Yên Phụ, cạnh sông Hồng vẫn lặng lờ mặc những bể dâu (phần sau của câu này tôi nặn ra cho có vẻ văn chương). Theo cụ kể, căn nhà này trước đây là một biệt thự có sân sau sân trước nhưng giờ có 10, 20 hộ chen chúc, xây dựng vá víu ra đến tận mặt đường. Tôi đề nghị, giải thích với họ và xin vào xem lại, hẳn là căn nhà cũ ở phía trong vẫn còn nguyên vẹn tường vách, chắc chẳng ai đập phá đi mà chỉ dựa vào sẵn có để lan ra. Cụ lắc đầu, bảo thôi mình đi, rảo bước khiến tôi phải vội vã theo. Được một quãng, khỏi tầm mắt tò mò của những người chủ hiện nay, cụ mới nói. Họ thấy người lạ đến nhòm ngó, lại giải thích là chủ cũ thì nghĩ là mình trở lại đòi nhà! Ông cụ này mới là khờ chứ chẳng phải tôi. Thời buổi này, nhà người ta có mới cướp hôm qua, hôm nay mình trở lại họ còn chửi mình chứ việc gì họ phải ngại! Việt Nam chứ có phải là Đông Đức đâu ("Bức tường đã đổ! Bức tường đã đổ!") mà hăm hở đòi nhà! Chuyện từ 1947, có đòi, cũng chẳng ai trả, cụ cứ việc yên tâm. Cụ có vẻ phật lòng với lối trình bày thiếu tế nhị của tôi, đã đành là không có việc đòi hay trả, nhưng biết mình là chủ cũ thì người ta cũng áy náy hay ít ra là nghĩ ngợi, mất vui. Đã qua rồi, cụ chỉ cần vài phút nhìn lại phía bên ngoài là đủ.

Ông cụ là con của một nhà thầu thời Pháp, ngoài căn nhà Hà Nội còn có ruộng đất ở quê, tôi không nhớ là 20 mẫu hay 200 mẫu ta rải rác ra đến tận Thanh. Cụ đi du học nước ngoài, sau 54 vào Nam, là một trong ba người thành lập phòng thương mại Sài Gòn, cho đến 75 trở thành một doanh gia dinh điền rủng rỉnh. Một căn nhà của cụ ở Quận 1 thành phố, giờ đã phá để khuếch trương một khách sạn nổi tiếng. Đất đai canh tác thì tôi không rõ thời giá nhưng riêng miếng đất này ở trung tâm Sài Gòn thì ngày hôm nay đã là dăm ba triệu USD hay là bảy, một món tiền tôi chỉ nghe nói đến đã lảy bảy chân tay, suýt nữa làm rơi cả máy tính (trong khi đang dùng để nhân 10, 15 cây 9999 với 375 USD nhân với lại 850 mét vuông). Vậy mà khi gặng hỏi cụ có gì tiếc nuối sau 2 bận đổi đời, cụ điềm nhiên mà nói, bằng ấy năm khói lửa, được toàn thân ra đến nước ngoài và có ăn có mặc, chẳng giúp ích gì được cho quốc gia dân tộc không tiếc thì thôi chứ tiếc gì đất với nhà!

Tôi nghe đấy nhưng tôi không được vậy. Tôi lý giải là đất đai nếu về tay người cày, xưởng hãng về tay lao động thì vui vẻ mọi đằng; còn ở đây, cái nhà ở Sài Gòn chẳng hạn, cụ mất thì anh gác cửa, chị bồi phòng thuộc công ty Saigon Tourist nào đã được tăng lương. Cụ không nghe, gạt phắt, đã bảo là bỏ của chạy lấy người thì nhắc đến làm gì. Thì chuyện tài sản là chuyện nhỏ, nhưng chiến tranh còn những chuyện máu xương. Cụ có một người anh ruột cận tuổi và thân thích. Theo cụ, ông anh này tính "hung hăng" vào tuổi sinh viên, hoạt động đảng phái quốc gia chống Pháp, sau khi Việt Minh cướp chính quyền bỏ chạy lên Vĩnh Yên lập chiến khu, bị họ bắt và thủ tiêu mất tích. Mẫu người này, có thể gọi là nhiệt huyết và yêu nước, một nạn nhân của chế độ lãnh đạo độc quyền. Nhưng chẳng phải là anh tôi nên tôi không có ý kiến. Ông cụ thì bảo, mình làm chính trị, làm cách mạng, chỉ chực cướp chính quyền và giết người ta. Người ta cướp được chính quyền thì người ta giết mình, còn trách vào đâu! Và ngậm ngùi giây lát, phải đừng hung hăng như thế thì đến giờ này còn anh, còn em.

Thành phần lơ mơ trí thức tiểu tư sản, người anh Việt Cách, người chú, ông cậu Việt Quốc gì đó nên chính ông cụ tuy chẳng hung hăng gì mà cũng bị vạ, lao tù ở cái trại một thời khiếp đảm là Đầm Đùn. Tôi có nghe về cái trại địa ngục trần gian này nên sau lượt bắt kê khai tài sản bèn hỏi cung nhân chứng về kinh nghiệm thụ hình. Cụ chỉ lớt phớt là ở tù thì đâu mà chẳng khổ, đến khi bắt phải khai một trường hợp cụ thể thì cụ kể có thấy vài người trốn trại bị bắt lại, mang ra sân đánh chết dã man. Tôi hỏi tới, thế chính cụ có bao giờ bị đánh đập, tra tấn (ngày nay báo chí trong nước vẫn gọi mỹ miều là "nghiệp vụ công an")? Cụ không trả lời thẳng, kể là bị bắt cùng với ông cậu Việt Quốc đã nói. Trước khi vào phòng hỏi cung, cụ nhắn là "Cháu thì chưa động đến người cháu đã kêu to, cậu có nghe thấy la hét gì bên trong thì cậu đừng có sợ cho cháu." Nhưng kỷ niệm mà cụ muốn nhớ lại là một kỷ niệm đẹp. Trên đường áp giải về trại, cụ lên cơn sốt rét đi không nổi. Dùng tiền riêng, cụ được cho phép thuê một cái xe kéo, ngồi cùng với một bạn đồng tù đau chân. Hai người ăn mặc bảnh bao ngồi trên xe đi ngang tỉnh, có hai anh công an sách súng chạy theo sau, được vài cô ngồi bên song cửa tưởng lầm là công tử có cán bộ bảo vệ!

Chuyện ông cụ Việt kiều này có hơi quá đáng, tôi xin lấy danh dự của người viết ra để bảo đảm là tôi có nghe thật. Tôi kể lại thôi chứ tôi cũng chẳng đồng ý, ai mà đánh tôi và bỏ tù thì tôi hận suốt đời. Của cải, tôi không nghĩ đến bắt đền hay đòi lại nhưng mỗi tháng trả tiền điện ở Hoa Kỳ tôi vẫn chép miệng, thấy tương đương với lại cái đầu băng nhạc Akai ngày ấy bỏ lại ở Việt Nam [3] . Thời gian chẳng xoa dịu được chút nào nhưng chắc là tại vì, khác với ông cụ trên, tôi chưa ngoài 70 hưu trí. Các cụ, như cụ Nguyễn Cao Kỳ, cụ Võ Văn Kiệt, đến tuổi đó đều trở nên hoà nhã thấy rõ. Đến nỗi là tôi nghĩ, nếu nước ta bỏ hẳn cái chức vụ Thủ tướng đi mà thay đó bằng chức vụ cựu Thủ tướng thì sẽ nhanh chóng bắt kịp tầm thế giới (nói rộng ra và bên lề, nếu không còn nhà văn nhà thơ gì nữa mà chỉ có cựu nhà thơ, cựu nhà văn thì văn chương Việt Nam sẽ chẳng trì trệ nữa mà vượt luôn qua cả tầm thời đại!) Lý do của sự hoà nhã hẳn đi này không phải là vì người già mới tìm ra chân lý [4] , biết được sự thật một cách khoa học, mà tôi cho là vì họ hay quên thôi. Lẩm cẩm mà, họ quên đi những gì không cần phải nhớ mãi.

(c) 2005 talawas


[1] Tựa bài hát. "Người đã quên rồi, sao ta còn nhớ?"
[2]Thử hỏi nếu không có chân lý và sự thật thì nào đã có chiến tranh!
[3]Hai tốc độ (9,5 và 19 cm/giây), dùng băng cối 18cm và có "auto replay", tức là chơi đi chơi lại một bài hát hay một đoạn nhạc. Hết bài hát, nó thắng lại cái kịch, tự động mà rào rào "rewind", đến đúng đầu bài nó thắng kịch một cái nữa rồi chơi nhịp nhàng trở lại, thế mới hiện đại.
[4]Ông Kỳ, vào lúc 35 tuổi, tuyên bố là những người trên 40 đều bỏ đi hết. Nay ông còn đợi gì mà không phát biểu ngoài 70 mới là... tiên phong?