trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
12.7.2005
Ðoàn Tiểu Long
Là dân đen, tôi chẳng hề dửng dưng trước quốc nạn tham nhũng
 
Khi đọc bài “Chớ nên “mỹ viện hoá” một số ngôn từ pháp lý” của ông Phạm Viết Ðào, tôi nghĩ rằng vấn đề mà ông Ðào đề cập ở đây trước hết là vấn đề ngôn ngữ pháp lý, nên cũng mạo muội nói lên ý kiến của mình. Ðã rút được nhiều kinh nghiệm qua các cuộc tranh luận trên talawas và trên nhiều tờ báo khác, tôi cố gắng tránh tối đa việc dùng những cách nói có thể xúc phạm đến người khác, chỉ tập trung vào vấn đề cần trao đổi. Nhưng dường như câu đầu tiên trong bài viết của tôi “Có lẽ do hơi thiếu chút kiến thức căn bản về luật …” đã xúc phạm đến ông Phạm Viết Ðào, một người tôi không hề quen biết. Dù rằng tôi chỉ dám viết “có lẽ do hơi thiếu”, coi như một sự suy đoán nhẹ nhàng (tôi cứ nghĩ rằng nếu ai đó biết chút ít về luật thì sẽ không thể thắc mắc về cách viết “cố ý”, “gây hậu quả nghiêm trọng” như cách ông Ðào thắc mắc), nhưng cách suy đoán như vậy rõ ràng là không nên, tôi xin lỗi ông Ðào về câu đó và xin rút lại. Ngoài câu đó ra, tôi tự thấy phần còn lại trong bài viết của mình khó có gì đáng gọi là quy chụp, chụp mũ; nếu có, xin ông bỏ qua.

Ðể tránh kiểu tranh luận thì ít, chỉ trích nhau thì nhiều rất không đúng tinh thần talawasism, xin đi thẳng luôn vào những vấn đề ông Ðào nêu ra.


1. Ông nói gà bà nói vịt:

Ðúng là ông Ðào có viết trong ngoặc: “Góp ý xây dựng Bộ luật phòng, chống tham nhũng”, nhưng cụm từ “Tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” ông đưa ra, thì chính ông cho rằng thường thấy trong một loạt luật khác: Luật dân sự, Luật hình sự và nhiều bộ luật kinh tế khác, chứ không chỉ luật phòng, chống tham nhũng, nên tôi nghĩ rằng đây là vấn đề ngôn từ pháp lý nói chung, chứ không chỉ luật phòng, chống tham nhũng. Vì thế tôi đưa ra ý kiến của mình, rằng đây là một tội hình sự, nên chỉ có thể thấy trong Bộ luật hình sự, chứ không thể thấy trong các bộ luật kia; rằng hủy hoại tài sản là một tội khác. Và ở trong Bộ luật hình sự thì viết như thế có nghĩa là thế này, thế nọ, kèm theo dẫn chứng cụ thể là các điều luật v.v… Thiết nghĩ, không phải ông đưa con gà mà tôi bàn về con vịt, ông nói về Luật phòng chống tham nhũng, còn tôi đi nói về Bộ luật hình sự. Nếu ông viết rằng: trong Luật phòng, chống tham nhũng viết “Tội cố ý làm trái …” là không rõ ràng, còn tôi lại đi lấy Bộ luật hình sự để phản bác, thì có lẽ mới đúng là ông nói gà bà nói vịt.

Về chuyện Luật giao thông, tôi không nghĩ rằng đó là luật dành cho dân là chính, như ý kiến của ông; nhưng thiết nghĩ, điều đó không quan hệ nhiều đến vấn đề đang bàn. Trong bài viết của mình, tôi so sánh giữa Bộ luật hình sự và Luật giao thông để cho thấy chúng khác nhau không phải vì luật này dành cho quan thì nhẹ nhàng, còn luật kia dành cho dân thì nghiêm khắc, mà vì lý do khác.


2. Về từ “tham nhũng”:

Trước hết, về nguồn gốc của từ này, tôi không rõ lắm, nên chỉ dám viết “chưa chắc nó đã là thuật ngữ Hán Việt”, chứ không dám khẳng định 100%. Thực sự, đúng là tôi có nghe vài lần rằng tham nhũng là từ ghép của tham ô và nhũng nhiễu, và thấy cũng có lý. Tôi chỉ có vài cuốn từ điển, tra một hồi không thấy từ này, nên nghiêng về thông tin nói trên. Việc ông Ðào cẩn thận hỏi giáo sư Kiều Thu Hoạch là cần thiết, nhưng hình như chưa đủ. “Tham” và “nhũng” là các từ Hán Việt thì đã rõ, nhưng điều đó chưa có nghĩa “tham nhũng” là một từ Hán Việt, giống như từ “điều nghiên” vậy. Giá như giáo sư Hoạch cho biết có thể tìm thấy từ “tham nhũng” trong bộ từ điển Hán Việt nào, trong sách chữ Hán nào, ai đã từng sử dụng dưới các triều đại phong kiến v.v… như cách mà học giả Huệ Thiên – An Chi hay làm khi bàn đến từ nguyên, thì hay quá.

Bản thân tôi không nghĩ rằng từ “tham nhũng” đã có từ thời phong kiến; thậm chí thời cụ Hồ cũng chưa chắc đã có. Tôi đoán từ này mới chỉ có gần đây thôi. Nếu từ xưa đã có, thì hẳn là cụ Ðào Duy Anh đã dùng nó để dịch từ corruption, bởi nguyên tắc của cụ Ðào là dùng một từ tương ứng để dịch một từ, chỉ khi nào không có từ tương ứng thì mới phải giải nghĩa, nhưng đồng thời cụ cũng cố gắng sáng tạo ra một từ, thuật ngữ mới để chuyển nghĩa. Ông Ðào cho rằng thời cụ Ðào Duy Anh chưa có những vụ tham nhũng nổi cộm, nên chưa có khái niệm tham nhũng. Tôi thì không nghĩ như thế. Việt Nam quá nghèo nên có thể ít có, hoặc có mà tôi không biết, chứ trong sử Tàu thì những loại tham nhũng như Hòa Thân thời Càn Long (đối thủ của Kỷ Hiểu Lam và Tể tướng Lưu gù trong mấy bộ phim truyền hình) lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, của cải có hàng triệu lượng kim ngân, còn giàu hơn cả Hoàng đế, không phải là chuyện hiếm. Có điều thời đó người ta dùng từ khác để chỉ hành vi đó. Như vậy, tham nhũng đời nào cũng có, chừng nào còn Nhà nước, nhưng từ “tham nhũng” - đối tượng chúng ta bàn luận ở đây – thì chưa chắc đã có từ xửa từ xưa.

Thực sự, tôi không hiểu vì sao ông Ðào lại cho rằng từ “tham nhũng” không phản ánh được nội hàm của hành vi xấu xa đó, và chỉ thích ứng với việc những ông lý, ông chánh, ông quan huyện dùng quyền lực chiếm đoạt mấy cái thủ lợn, con gà, mẫu ruộng, hay đám công chức vơ vét chút xíu quyền lợi xuất phát từ lòng tham vặt v.v… Ở đây, dường như có sự xung đột về định nghĩa: tôi định nghĩa một đằng, anh định nghĩa một nẻo, và sự bất đồng là đương nhiên. Nếu như cho rằng “tham nhũng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, bất kể là trục lợi kiểu gì, trục lợi cái gì, không nhất thiết cứ phải là tài sản, tiền bạc, thì cách định nghĩa này xem ra còn bao quát hơn so với cách định nghĩa tham nhũng là hủy hoại và cưỡng đoạt tài sản Nhà nước như ông Ðào đề nghị. Tham nhũng không nhất thiết gắn liền với hủy hoại hay cưỡng đoạt tài sản Nhà nước. Lấy ví dụ, lợi dụng chức quyền mà lấy tiền của người dân thì hẳn là không ảnh hưởng gì đến tài sản Nhà nước. Ví dụ khác, nhờ có chức quyền mà một quan chức kiếm được học bổng cho con du học; biết trước quy hoạch để mua miếng đất ở vị trí sẽ mở đường rồi bán lại kiếm bộn tiền, điều này chẳng hề hủy hoại hay cưỡng đoạt tài sản của Nhà nước lẫn người dân. Nếu theo cách định nghĩa của ông Ðào thì đó không phải là tham nhũng, nhưng nếu theo cách định nghĩa thông thường trên thế giới thì đó đích thị là tham nhũng. Cựu Thủ tướng Helmut Kohl, chỉ vì trót nhận tiền tài trợ của mấy đại gia người Hoa để phục vụ cho cuộc tranh cử của đảng, chứ không đút túi riêng, vậy mà cũng bị kết tội tham nhũng. Ông đâu có huỷ hoại, ăn cắp tài sản Nhà nước, người dân Ðức!


3. Về vấn đề tham nhũng:

Ðể ông Ðào yên tâm, tôi xin nói luôn: tôi chỉ là một công dân hết sức bình thường, không phải đảng viên, không giữ chức vụ gì trong bộ máy Nhà nước, và không có chút cơ hội nào để tham nhũng. Trái lại, tôi cũng là nạn nhân của tệ tham nhũng như hàng chục triệu người dân Việt Nam khác. Tôi không hề dửng dưng, bình thản, rung đùi trước quốc nạn này, và cũng như ông, tôi cũng cố gắng lên tiếng trước vấn nạn này, dù biết rằng nỗ lực của mình chỉ như ném đá ao bèo. Tuy nhiên, dù bức xúc đến mấy trước vấn nạn đó, tôi vẫn chủ trương phải bình tĩnh để không lẫn lộn. Cái gì quá mức cũng không tốt, kể cả bức xúc. Như tôi đã trình bày trong bài viết trước, cần phân biệt rõ ràng hai phạm trù pháp lý và đạo đức. Những hành vi tham nhũng, hủy hoại tài sản Nhà nước, cưỡng đoạt tài sản công dân v.v… về mặt đạo lý đều hết sức xấu xa và đáng bị lên án. Nhưng về mặt pháp lý, cần định danh và phân biệt thật rõ ràng các hành vi đó, kèm theo các dấu hiệu cụ thể. Không thể lẫn lộn giữa tham nhũng với hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản Nhà nước, vốn là những tội danh khác nhau. Lại càng không nên lẫn lộn giữa pháp lý và đạo lý là những phạm trù riêng biệt. Không biết ý kiến của tôi xơ cứng, giáo điều ở chỗ nào? Nhưng thôi, điều đó không quan trọng.

Cũng như ông, tôi rất mong muốn được góp tiếng nói vào việc soạn thảo bộ luật phòng, chống tham nhũng. Nếu rảnh, ông có thể tham khảo bài viết mới nhất của tôi về vấn đề này trên tờ Sài Gòn giải phóng Thứ 7, số ra ngày 25-6-2005, với tiêu đề: “Nhân Quốc hội thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng: Suy đoán vô tội và suy đoán có tội”. Trong bài viết này, tôi có nêu quan điểm của mình là để chống lại tội phạm tham nhũng thì không nên chỉ dùng luật hình sự, vì luật hình sự tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội: trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, và việc chứng minh này hết sức khó khăn, bởi tội phạm tham nhũng có đặc điểm dễ thực hiện mà khó phát hiện (làm sao chứng minh tội nhận hối lộ, nếu người nhận hối lộ chối bay chối biến!) Ðây là lý do vì sao nạn tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng như thế nhưng rất ít người bị xử lý. Luật phòng, chống tham nhũng vì thế không nên giẫm chân lên luật hình sự, nghĩa là không nên lặp lại những gì Bộ luật hình sự đã quy định. Luật phòng, chống tham nhũng cần xây dựng theo nguyên tắc khác, đó là nguyên tắc suy đoán có tội: công chức phải có trách nhiệm chứng minh mình trong sạch. Ðây chính là điều ông đòi hỏi: luật cho quan phải nghiêm hơn luật cho dân. Ví dụ, công chức phải kê khai tài sản và giải trình nguồn gốc; những tài sản, khoản chi tiêu nào không giải trình được sẽ bị coi là tham nhũng và bị tịch thu, còn công chức bị cách chức, sa thải, không cần biết công chức đó tham nhũng bằng cách nào: tham ô, nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ để trục lợi. Nếu sau đó cơ quan điều tra chứng minh được hành vi phạm tội của công chức đó là tham ô, nhận hối lộ v.v… thì sẽ xử lý tiếp theo luật hình sự: bỏ tù hay thậm chí tử hình – hình phạt nặng hơn nhiều so với hình thức xử lý theo luật phòng, chống tham nhũng. Nếu làm theo nguyên tắc này thì động cơ tham nhũng của công chức sẽ bị suy giảm đáng kể: kiếm chác mà làm gì, nếu như sau đó không dám dùng những đồng tiền đó để xây nhà, mua xe, tiêu xài, cho con du học v.v… Ðây là cách mà các nước có nền pháp quyền phát triển vẫn thực hiện, và là cách giải tỏa nỗi ấm ức của ông – vì sao chúng phạm tội mà không bị trừng trị!

Một lần nữa xin lỗi ông về suy đoán hồ đồ của mình trong phần đầu bài viết trước.

© 2005 talawas