trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
13.8.2005
Đào Mai Trang
Mỹ thuật đương đại Việt Nam tồn tại trong nghịch lý
 
Cuối tháng 6 vừa qua, Viện Mỹ thuật thuộc Ðại học Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hội thảo Hình thức và chất liệu trong nghệ thuật đương đại. Rất nhiều khía cạnh được đề cập đến trong các tham luận: quan niệm về ngôn ngữ tạo hình, không gian và chất liệu, tính liên ngành, tính xã hội hóa của nghệ thuật đương đại; bảo tàng với vai trò tổ chức triển lãm và giới thiệu các hình thức nghệ thuật đương đại; vai trò bảo trợ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội trong việc phát triển mỹ thuật công cộng; khuynh hướng phát triển của nghệ thuật đương đại trên thế giới và tại Việt Nam,... Hội thảo đã có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ làm mỹ thuật đương đại ở Việt Nam bên cạnh giới phê bình, nghiên cứu và báo chí. Ðây được coi là diễn đàn chính thức đầu tiên của các nghệ sĩ làm nghệ thuật và mỹ thuật đương đại Việt Nam.


*


Là con đẻ của xã hội hậu công nghiệp phương Tây những năm 50, 60 thế kỷ XX, các hình thức mỹ thuật ngoài giá vẽ và nặn tượng nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí tiên phong trong thế giới nghệ thuật bởi sự dễ dàng tiếp cận tới nó, theo một số nguyên lý cơ bản. Thứ nhất, đây là nghệ thuật phi lợi nhuận, vì vậy, tất cả công chúng đều có thể tham dự, không giới hạn đẳng cấp, học vấn hay tài chính. Lợi ích cơ bản của nghệ sĩ là không bị chi phối bởi thị trường, khách hàng tới quan điểm sáng tác. Nghệ sĩ có thể trình bày ý tưởng của mình bằng mọi cách để đạt tới hiệu quả cao nhất. Thứ hai, thái độ cơ bản của nghệ sĩ khi sử dụng các hình thức nghệ thuật này là sự phản ứng trực diện trước những vấn đề xã hội trong một phạm vi quốc gia cụ thể và hơn nữa là những vấn đề toàn cầu: chiến tranh, ứng xử bạo lực của con người với đồng loại và với môi trường, ô nhiễm sinh thái và văn hóa, giới tính, sự bế tắc của cuộc sống hậu công nghiệp,... Thứ ba, chất liệu thể hiện là tất cả những gì có trong cuộc sống, từ đồ dùng bình thường đến phế thải, từ sự kết hợp nhiều yếu tố của các ngành nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc, video, nhiếp ảnh đến chính thân thể của nghệ sĩ. Thứ tư, không gian trưng bày tác phẩm không bó hẹp trong gallery hay triển lãm, bảo tàng mang dáng vẻ quý tộc mà có thể ở khắp mọi nơi, ngoài đường phố, các địa điểm công cộng, các tòa nhà bỏ hoang hay một địa điểm riêng tư của cá nhân nghệ sĩ.

Cho đến nay, các hình thức mỹ thuật mới đó, gọi tên khác là mỹ thuật đương đại, chiếm ưu thế, có khi tới 80% và thậm chí 100% số lượng sáng tác, trong các triển lãm mỹ thuật quốc tế lớn như Documenta (thường kỳ 5 năm, CHLB Ðức), Venice Biennale (thường kỳ 2 năm, Italia), Shanghai Biennale (thường kỳ 2 năm, Trung Quốc), Basel Biennale (thường kỳ 2 năm, Thụy Sĩ), và trong hầu hết các triển làm nghệ thuật đương đại diễn ra hàng ngày tại các trung tâm nghệ thuật lớn như Paris, New York, Berlin,... Từ thời kỳ đầu với các hình thức có giới hạn: installation (nghệ thuật sắp đặt), performance (nghệ thuật trình diễn), video art, land art,... cho đến nay, việc kết hợp những hình thức riêng lẻ này trong một tác phẩm không còn là gì đáng ngạc nhiên, và đôi khi, việc nói “mỹ thuật đương đại” hay “nghệ thuật đương đại” cũng không còn được coi là “vấn đề” (cụm từ mà cộng đồng nghệ thuật quốc tế lâu nay dùng chung để chỉ các loại hình mỹ thuật đương đại là “contemporary art” - dịch nguyên nghĩa sang tiếng Việt là “nghệ thuật đương đại”). Tiến thêm một bước nữa trong sự phát triển và sự thừa nhận của xã hội đối với loại hình này, không chỉ tại các trường đại học nghệ thuật ở khắp châu Âu và Mỹ mà ngay tại một số trường, viện đào tạo mỹ thuật ở Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, các quốc gia láng giềng với Việt Nam, mỹ thuật đương đại đã trở thành một bộ môn có giáo trình giảng dạy chính thức cho sinh viên. Vậy còn ở Việt Nam?

Diễn giải về sự xuất hiện của loại hình nghệ thuật này trong xã hội Việt Nam, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương, trong tham luận “Mười năm - mỹ thuật đương đại Việt Nam”, cho rằng, sau 10 năm phát triển rực rỡ kể từ khi có chính sách mở cửa kinh tế (1985 - 1995), hội họa Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các họa sĩ hoặc sa đà vào những vấn đề thuần túy cá nhân, vụn vặt và nhàm chán hoặc buông mình theo thị trường. Phải nói thêm rằng điêu khắc còn bế tắc hơn: điêu khắc nghệ thuật không có thị trường, không còn sáng tạo; điêu khắc tượng đài chịu sự thống trị của các hợp đồng kinh tế thuần túy, không nghệ thuật, không nội dung mới và không hình thức mới. Song song với đó, sự giao lưu và thông tin toàn cầu đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam cùng lúc trải qua hai giai đoạn, phát triển hiện đại và thử nghiệm hậu hiện đại. Một số nghệ sĩ bắt nhịp nhanh nhạy với thời đại đã tham gia các loại hình nghệ thuật mới này. Những tác động trực tiếp từ các hoạt động hỗ trợ, cổ vũ và tổ chức triển lãm hay dự án nghệ thuật đương đại của một số trung tâm văn hóa nước ngoài tại Hà Nội như Viện Goethe (CHLB Ðức), Trung tâm văn hóa Pháp (Alliance Francaise, nay là L’Espace), Hội đồng Anh (British Council) và một số cá nhân như nữ nghệ sĩ Veronika Radulovic (CHLB Ðức) - giảng viên thỉnh giảng tại Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, salon Natasha (30 - Hàng Bông, Hà Nội), họa sĩ Nguyễn Mạnh Ðức (chủ Nhà sàn Ðức, khu Vĩnh Phúc, Hà Nội) đã tiếp tục góp phần tạo niềm tin và gây dựng sự tiếp nối thế hệ của các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sau thế hệ đầu tiên với Trương Tân - nguyên là giảng viên Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, Nguyễn Minh Thành (trình diễn về rác trong thành phố năm 1994, sắp đặt về cánh đồng lúa, quân bài và những vấn đề chính trị toàn cầu), Nguyễn Bảo Toàn (sắp đặt về Rằm tháng Bảy, công nhân mỏ than Mạo Khê, mùa vàng,...), Lê Thừa Tiến (giảng viên Ðại học Nghệ thuật Huế), Trần Lương (sắp đặt từ đồ phế thải, trình diễn phục vụ công nhân mỏ than Mạo Khê,) Ðào Anh Khánh (các trình diễn Ðáo xuân hàng năm, trình diễn tại Festival Hoa Ðà Lạt 2004), Nguyễn Minh Phương (TP.HCM, sắp đặt về nạn nhân chất độc da cam), đã xuất hiện thế hệ thứ hai cùng sự chuyên nghiệp và sự tham gia vào cộng đồng nghệ thuật đương đại trong khu vực rồi thế giới như Lê Vũ (những sắp đặt phản ứng về hạnh phúc gia đình trong thời đại của mỳ ăn liền, Nguyễn Trí Mạnh (video art về công nhân mỏ than Mạo Khê), Ly Hoàng Ly (sắp đặt kết hợp trình diễn Tháp mâm nói về thân phận phụ nữ Việt Nam với trách nhiệm gia đình, những ràng buộc và bức bối trong cuộc sống hiện đại, Ngô Thái Uyên (TP.HCM), cùng một số nghệ sĩ Việt kiều làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh: Jun-Nguyễn Hatsushiba (video art về xích lô và người đạp xích lô), Ðỉnh Q. Lê (sắp đặt về nạn nhân chiến tranh, Rich-Streitmatter Trần (video art và nghệ thuật đa phương tiện về cuộc sống ở TP.HCM),... Từ một sự xuất hiện ban đầu dè dặt, nửa công khai, mỹ thuật đương đại ở Việt Nam giờ đây đã chuyển sang một bước phát triển mới, mang dấu ấn chuyên nghiệp và có môi trường tồn tại cụ thể ngay trong lòng Ðại học Mỹ thuật Hà Nội với sự ra đời của Trung tâm sáng tạo và phát triển nghệ thuật tạo hình... Theo nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân qua tham luận “Những môn mỹ thuật mới”, nghệ thuật đương đại đã thực sự có một quyền lực trên thế giới. Quả đúng như vậy. Những triển lãm lớn không chỉ làm tăng uy tín của quốc gia mà còn góp phần thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế đổ về tham quan triển lãm. Nghệ thuật đương đại không chỉ làm một công việc nâng cao nhận thức xã hội và thẩm mỹ cho công chúng mà góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - du lịch cho đất nước ở một tầm mức cao hơn. Nghệ thuật đương đại là sự thay đổi cơ bản và toàn diện về cách nhìn, cách làm và cách ứng xử của con người với nghệ thuật. Tuy nhiên, mọi thay đổi đều không tách biệt hoàn toàn khỏi gốc gác, mọi sự phát triển không đứt đoạn với truyền thống. Người ta có thể tìm thấy ảnh hưởng của những nguyên tắc tạo hình hội họa trong nghệ thuật sắp đặt, những nguyên lý nghệ thuật điêu khắc trong nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thân thể (body art), những ảnh hưởng từ nhiếp ảnh và điện ảnh tới video art,... Nếu chất liệu của mỹ thuật truyền thống là cố định và hạn hẹp thì chất liệu của nghệ thuật đương đại được mở rộng ra tới mọi thứ có thể trong đời sống nhân sinh thường nhật. Nếu công chúng và khách hàng của mỹ thuật truyền thống hạn chế trong một số đối tượng nhất định, thường là có học vấn hoặc có tiền, thì với nghệ thuật đương đại, đó là tất cả mọi người. Vì thế, tính chất của nghệ thuật đương đại đã khác, rộng mở hơn và nhân bản hơn. Nhưng tại sao Việt Nam chưa có tác phẩm nghệ thuật đương đại xuất sắc, chưa có những tên tuổi nghệ sĩ ưu tú nổi bật góp vào cộng đồng nghệ thuật đương đại thế giới?... Nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành thẳng thắn thừa nhận: hiện tại Việt Nam chỉ có một thiểu số nghệ sĩ làm mỹ thuật đương đại trong mặc cảm và yếu đuối. Thành đã có hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật này. Anh là một gương mặt của mỹ thuật đương đại Việt Nam rất được quốc tế chú ý với hàng loạt các chương trình làm việc và triển lãm tại CHLB Ðức, Anh, Mỹ,... Anh đi ra ngoài nhiều, va chạm với nhiều dạng nghệ sĩ đương đại trên thế giới nên dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận lại bản thân cũng như cộng đồng nghệ sĩ đương đại nhỏ bé của Việt Nam. Anh đã chỉ ra một đặc điểm nhận dạng nổi bật nhất của cộng đồng này. Họ yếu đuối trước hết bởi số lượng quá ít ỏi, có thể đếm trên đầu ngón tay, trong khi dân số cả nước tới hơn 80 triệu người. Tri thức về nghề nghiệp của họ cùng ít ỏi và lạc hậu, do thông tin qua báo chí và sách về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam vẫn tản mạn, chậm chạp, internet vừa chậm vừa yếu vừa đắt, trình độ ngoại ngữ nói chung thấp. Cộng đồng này đặc biệt không có thế mạnh tài chính tự thân. Họ yếu đuối cả về sức lực (do ít thành viên), tài chính, tinh thần nên mặc cảm về thân phận của mình cũng là chuyện dễ hiểu. Qua Hội thảo, có thể dễ dàng nhận ra nhiều nghịch lý trong môi cảnh mà mỹ thuật đương đại Việt Nam đang tồn tại.

  1. Mỹ thuật đương đại là tiếng nói nghệ thuật của tất cả mọi người, nhân bản hơn, trực tiếp hơn trong việc đấu tranh với những tính xấu của con người, những vấn nạn xã hội,... nhưng ở Việt Nam, nó bị công chúng số đông, mà trước tiên là số đông người trong giới mỹ thuật, thờ ơ. Người đến với các triển lãm này thường là bạn bè, người thân của nghệ sĩ, một số ít nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình, một số người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Tốc độ mở rộng biên độ đối tượng khán giả quá chậm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa từng sưu tầm một tác phẩm mỹ thuật đương đại. Trên các phương tiện truyền thông và xuất bản, ngành nghiên cứu phê bình mỹ thuật chưa tạo dựng được những tiếng nói mang thái độ rõ ràng trước sự xuất hiện và phát triển của mỹ thuật đương đại, để góp phần định hướng cho chính các nghệ sĩ rồi đến công chúng. Vai trò của ngành này càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với dân chúng, trong bối cảnh nền giáo dục phổ thông của Việt Nam xuống cấp, lạc hậu trước thế giới, kéo theo sự thụt lùi về chất lượng giáo dục thẩm mỹ. Phía cơ quan quản lý mỹ thuật và Hội nghề nghiệp còn quá nhiều dè dặt trước loại hình nghệ thuật này. Chưa có một định chế kiểm duyệt tác phẩm rõ ràng, hợp lý với loại hình mỹ thuật mới mang nhiều đặc điểm khác biệt với hội họa, điêu khắc,... Chưa từng có một kế hoạch tài trợ hay lập quỹ tài trợ mang tính chất chính thống cho loại hình này, trong khi hàng năm chi phí cho các triển lãm và tài trợ cho các tác giả sáng tác hội họa, điêu khắc là nhiều tỉ đồng, đặc biệt, chi phí xây dựng tượng đài ở khắp các địa phương phải lên đến con số hàng trăm tỉ đồng.

  2. Mỹ thuật đương đại Việt Nam do các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo với chất liệu hoàn toàn lấy từ cuộc sống Việt Nam, ý tưởng về nội dung cũng hoàn toàn bắt nguồn từ cuộc sống ở Việt Nam... nhưng cho đến thời điểm này, hầu như mới chỉ dựa vào sự hỗ trợ về tài chính và tổ chức triển lãm từ các trung tâm văn hóa và cá nhân nước ngoài. Các triển lãm quy mô hoặc chất lượng đều từ đó mà có. Nhà sàn Ðức, một địa chỉ mỹ thuật đương đại đầu tiên của người Việt, chỉ có thể thích hợp cho những triển lãm nhỏ có tính chất thử nghiệm, vì không gánh được chi phí. Thành phố Hồ Chí Minh có thêm một vài gallery tư nhân ủng hộ loại hình này (Không gian xanh, Galerie Quỳnh) nhưng không thường xuyên có triển lãm. Hà Nội hiện có một gallery chuyên về nghệ thuật đương đại mang tên Ryllega (số 1 - Tràng Tiền) nhưng một phần nhờ tài trợ của một cá nhân người Mỹ và thường chỉ mở cửa cho buổi khai mạc triển lãm. Thật khó hình dung nếu thiếu Viện Goethe, L’Espace và British Council, nếu thiếu Veronika Radulovic,... mỹ thuật đương đại Việt Nam sẽ còn mang gương mặt mặc cảm nhường nào. Và cũng thật khó để nói, không có bất kỳ một tác động tới tinh thần và đường hướng sáng tạo nào của nghệ sĩ Việt Nam từ những “người ngoài” này. Sau một thời gian 10 năm bị chi phối bởi thị trường hội họa do tuyệt đại đa số khách hàng nước ngoài nắm giữ, hội họa Việt Nam đã xuống dốc không phanh về chất lượng và uy tín nghệ thuật. Ðây là một kinh nghiệm đau xót về cách thức tác động vào hoạt động nghệ thuật của các ngành quản lý và hội đoàn nghề nghiệp. Tất nhiên, sẽ không ai muốn nghệ thuật đương đại Việt Nam, một lúc nào đó, cũng chịu thảm cảnh tương tự.

  3. Mỹ thuật đương đại là nghệ thuật của sự thông hiểu lẫn nhau giữa nghệ sĩ sáng tạo và công chúng. Nó đòi hỏi một tinh thần cởi mở thực sự trong mỗi người tham gia. Nhưng trước tiên, ngay trong cộng đồng nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam, vẫn tồn tại nhiều sự đóng cửa với nhau. Không có những cuộc tranh luận đáng chú ý về học thuật, tư tưởng, con đường sáng tạo giữa các nghệ sĩ. Vẫn tồn tại những nhóm sinh hoạt nhỏ nhưng phần lớn nghệ sĩ đơn độc tự tìm cách tồn tại, mạnh ai nấy đi nên tinh thần cộng đồng càng manh mún, yếu ớt. Người có kinh nghiệm và quan hệ quốc tế thì dần trở nên đặc quyền, giới hạn sự quan hệ trong nhóm nhỏ hợp ý với mình để giữ thế. Chưa từng xuất hiện một làn sóng làm nghệ thuật về cùng một chủ đề lớn nào đó của xã hội Việt Nam để gây dựng và phát triển tinh thần cộng đồng nghệ thuật. Nghệ sĩ dè dặt với nhau nên nếu ai đó gặp phải những khó khăn,nhất là trong việc kiến tạo sự thông hiểu giữa nghệ sĩ và các nhà quản lý, họ càng dễ thu mình lại. Tính chất tiểu nông vẫn tồn tại đâu đó trong ý thức hệ của nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ý thức này thực sự có thích hợp với loại hình nghệ thuật là con đẻ của xã hội hậu công nghiệp?

Ðể nghệ thuật đương đại Việt Nam tiếp tục phát triển, cần rất nhiều sự khai mở từ phía các cấp quản lý, từ phía công chúng, và trước hết là từ phía chính các nghệ sĩ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Họ không thể đổ lỗi cho các định chế và quan niệm xã hội còn khắt khe hay bàng quan trước họ. Họ cần phải tiếp tục nỗ lực làm việc và gắn bó thực sự với nhau hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật này. Khi nghệ thuật thực sự có chất lượng và số lượng cao, có sự lan tỏa trên diện rộng, họ sẽ có động lực để đi tiếp và xã hội sẽ có lí do để chấp nhận họ. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, nếu chỉ một mình họ cố gắng, chặng đường đi đến đích được chấp nhận này sẽ quá dài, thậm chí là vô vọng.

© 2005 talawas