trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
8.10.2005
La Thành
Sự nghèo đói tự cưỡng bức của tư tưởng chính trị ở Việt Nam
3 kì
 1   2 
 
Phần II – Kỹ thuật nguỵ biện và những huyền thoại



Một đại khối dân chúng (…) sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của một trò đại bịp hơn một nhóm ít ỏi. [1]
Adolf Hitler (1889–1945), độc tài và tội phạm chiến tranh người Đức



“Đảng của giai cấp vô sản”!

Khi vào Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu tiên chỉ là với ý định tìm kiếm một dữ liệu chính xác về số lượng đảng viên hiện nay của đảng này, tôi đã không thể không để tâm đến những tiêu đề tin, bài trong đó. Mời người đọc hãy cùng thử qua hương vị một vài món ăn trong cái nhà hàng đặc sản này của Ban tư tưởng - văn hoá trung ương đảng cộng sản. Trích đoạn dưới đây rút ra từ một bài viết nằm trong nhánh Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận của Web site này.

Một lần nữa chúng ta cần khẳng định lại rằng: sự ra đời của Đảng ta là tất yếu của lịch sử. Giai cấp công nhân và Tổ quốc Việt Nam đã sinh ra Đảng Cộng sản, nhân dân đã nuôi nấng và bảo vệ Đảng trong những hoàn cảnh hiểm nguy, bởi vì Đảng là sự lựa chọn duy nhất của dân tộc ta. (…) Kẻ thù của Đảng cũng chính là kẻ thù của dân tộc, trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta đã cho thấy rõ điều đó.

Báo chí với cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hoà bình”, Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, 19-8-2005.

Trích đoạn vừa nêu cô đúc một series huyền thoại mà đảng cộng sản Việt Nam đã và đang tuyên truyền không mệt mỏi trong suốt nửa thế kỷ qua: 1) sự ra đời của đảng cộng sản ở Việt Nam là một tất yếu lịch sử; 2) đảng cộng sản Việt Nam ra đời từ giai cấp công nhân Việt Nam; 3) đảng cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn duy nhất của dân tộc Việt Nam; kẻ thù (giai cấp) của đảng là kẻ thù của dân tộc.

Trước hết, thế nào là một “tất yếu lịch sử”? Đây là một khái niệm, một thuật ngữ có tuổi sử dụng lâu đời trong triết học phương Tây. Ý nghĩa của nó thay đổi một cách tương đối trong dòng thời gian của lịch sử tư tưởng [2] . Trong khuôn khổ của chủ nghĩa duy vật lịch sử, một bộ phận của chủ nghĩa Marx thường xuyên được các nhà lý luận của đảng cộng sản viện dẫn, tất yếu lịch sử (historical necessity) chỉ một điều kiện, một tình thế cần thiết cho một sự phát triển tiếp theo của sự vật [3] . Trong một thời kỳ lịch sử nhất định, khi trong một sự vật (quốc gia, dân tộc, xã hội, văn hoá, khoa học, v. v…) xuất hiện một vấn đề / nhiệm vụ đòi hỏi được giải quyết, và rồi một điều kiện / tình thế đã xuất hiện sau đó để đáp ứng đòi hỏi kia, người ta gọi cái xuất hiện sau là một tất yếu lịch sử, trong quan hệ của nó với lô-gích phát triển của sự vật đã cho. Trong một quá trình lịch sử cụ thể, cái điều kiện / tình thế cho sự giải quyết vấn đề / nhiệm vụ đặt ra trước đó phải xuất hiện dưới hình thức cụ thể của một hoặc một số con người / tổ chức / phương pháp / trước tác, v. v… với những khả năng, phẩm chất nhất định. Trong mối quan hệ với vấn đề / nhiệm vụ đặt ra, sự xuất hiện của điều kiện / tình thế để giải quyết vấn đề / nhiệm vụ đó – một cách khái quát – là cái tất yếu, cái đã biết trước; còn sự xuất hiện của con người / tổ chức / phương tiện / học thuyết cụ thể như một hiện thân (embodiment / example), một mẫu hình (sample / model), một cử lệ (example / instance), hay một minh hoạ (illustration) cho điều kiện / tình thế – giúp tháo gỡ vấn đề / nhiệm vụ đã đặt ra – chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, một sự tình cờ mà thôi, bởi lẽ sự xuất hiện của những yếu tố cụ thể là không thể đoán biết trước.

Trên đất nước Việt Nam đầu thế kỷ 20, ở tầm quốc gia, dân tộc và xã hội đã từng có những vấn đề / nhiệm vụ cần được giải quyết; hai nhiệm vụ cấp bách nhất lúc đó, như đã biết, là giành độc lập dân tộc và chấn hưng đất nước. Đáp ứng những nhiệm vụ này, phong trào yêu nước kết hợp với chủ trương canh tân đất nước đã phát triển, với sự xuất hiện một số nhân vật lịch sử như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học,… và một số tổ chức chính trị đối lập với chính quyền thuộc địa và triều đình nhà Nguyễn, trong đó nổi bật nhất là đảng Quốc Dân và đảng Cộng Sản. Trong quan hệ với nhiệm vụ giành độc lập dân tộc và chấn hưng đất nước đầu thế kỷ trước, sự phát triển của phong trào yêu nước kết hợp với chủ trương cải cách quốc gia, về khái quát, là một tất yếu lịch sử, một biến cố tiên đoán được; còn sự xuất hiện của các cá nhân / tổ chức cụ thể – với những nhân cách / đường lối cụ thể – như đã nêu, trong tư cách là những hiện thân / cử lệ / hình mẫu cụ thể của chủ nghĩa yêu nước và canh tân Việt Nam trong giai đoạn lịch sử đó, chỉ là những yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên, không biết trước được trong tiến trình lịch sử. Như vậy, khi tuyên bố rằng sự ra đời của đảng cộng sản Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20 là một “tất yếu lịch sử”, các tuyên truyền viên của đảng này đã nhập nhằng cái chung, cái khái quát với cái riêng, cái cụ thể! Đây là một nguỵ biện về lô-gích, đồng thời là một sự bất khiêm và bất nhã về đạo đức.

Về khẳng định “Giai cấp công nhân và tổ quốc Việt Nam đã sinh ra đảng cộng sản”, trong một bài nghiên cứu dài, Nguyễn Minh Cần đã chỉ ra những cứ liệu xác thực để chứng minh rằng đây là một huyền thoại. Ông đặt vấn đề:

Cứ cho rằng “phát kiến” của Marx (về sự tiên tiến của giai cấp vô sản và tính tất yếu của cách mạng vô sản – L.T.) là một định đề (postulat) không cần phải chứng minh nữa (dù trên thực tế, “phát kiến” đó đã bị thực tế bác bỏ), thì thử hỏi: khi ra đời, ÐCSVN (đảng cộng sản Việt Nam – L.T.) có phải là đảng của giai cấp vô sản không? Hồi đó, ở Việt Nam / Ðông Dương đã trải qua cách mạng công nghiệp chưa? Ðã có giai cấp vô sản chưa? Nếu không có thì làm sao có thể coi ÐCSVN là đảng của giai cấp vô sản được? Và nếu nó không có tính chất vô sản thì nó mang tính chất gì? [4]

Trả lời cho những câu hỏi trên đây, Nguyễn Minh Cần đã dẫn ra những số liệu được công bố trong công trình nghiên cứu của nhà sử học mác-xít Trần Văn Giàu về “giai cấp công nhân Việt Nam”. Vào năm 1929, ngay trước khi đảng cộng sản Việt Nam được “thành lập” [5] , trên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp mới chỉ có 220 nghìn công nhân, chiếm tỷ lệ 1,1 phần trăm dân số Đông Dương lúc đó (khoảng hơn 20 triệu người, theo số liệu điều tra năm 1928 của chính quyền thuộc địa). Trong tổng số 220 nghìn đó, 134 nghìn là phu đồn điềnphu mỏ (chiếm 60,8 phần trăm); 86 nghìn còn lại bao gồm thợ thuyền nhà máyviên chức các ngành công, thương nghiệp (chiếm 39 phần trăm) [6] . Đó là về số lượng. Còn về chất lượng của cái gọi là “giai cấp công nhân Việt Nam” thời kỳ đó thì sao? Nguyễn Minh Cần cho biết:

Xét về bản chất giai cấp vô sản theo đòi hỏi của Marx, thì phải nhận thấy rằng ngay cả thợ thuyền trong nhà máy ở Ðông Dương hồi những năm 20, 30 phần đông vẫn còn quan hệ kinh tế chặt chẽ với nông thôn, nhiều người có ruộng đất ở làng quê, như thế theo Marx, Lenin, là có sở hữu tư nhân.

(…) Thợ thuyền, phu mỏ, phu đồn điền, phu khuân vác… hồi đó, phần đông xuất thân từ nông dân, lớp nghèo thành thị và lớp “đáy” xã hội mà Marx gọi là “Lumpenproletariat” (“vô sản lưu manh”)… tuyệt đại đa số là mù chữ, không có học vấn hoặc có cũng rất thấp…

(…) Ngay cả những “nhà lãnh đạo” của ÐCSVN không mấy ai hồi đó đã đọc nổi các tác phẩm chủ yếu của các vị tổ sư của chủ nghĩa cộng sản, nhiều người may lắm là được biết vài nét sơ lược… Hơn nữa, các “nhà lãnh đạo” đó phải chăng là vô sản? Trong một tài liệu của QTCS (Quốc tế Cộng sản – L.T.) bằng tiếng Pháp, nhan đề “Questions intérieurs du Parti et les fautes opportunistes dans le Parti. Tâches immédiates” (“Những vấn đề nội bộ của Ðảng và những sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong Ðảng. Những nhiệm vụ trước mắt”), bài nói ngày 21.9.1931 (…) có nhận xét như sau: “những sai lầm cơ hội chủ nghĩa trong ÐCSVN là do nguồn gốc xã hội của đảng”… “thành phần xã hội của đảng rất xấu, đa số là trí thức”… “tiểu tư sản thành thị”, nên trong đảng có nhiều phần tử cơ hội. Ðó là cách nhìn của QTCS đối với ÐCSVN, chúng tôi muốn giới thiệu mà không bình luận để bạn đọc rộng đường suy nghĩ. [7]

Như vậy, nếu đối chiếu với khái niệm tiêu chuẩn của Marx và Engels về giai cấp vô sản “là giai cấp những người công nhân làm thuê hiện đại, do cách mạng công nghiệp đẻ ra”, đồng thời lưu ý rằng ở Việt Nam – cho đến ngày hôm nay – chưa từng xảy ra cách mạng công nghiệp, thì “giai cấp công nhân Việt Nam” vào nửa đầu thế kỷ 20 còn xơi mới đạt chất lượng của một giai cấp vô sản công nghiệp. Còn về số lượng thì, với tỷ lệ 1,1 phần trăm so với dân số thời đó, “giai cấp” này cũng còn xơi mới đủ tư cách đại diện cho 98,9 phần trăm cư dân còn lại của đất nước. [8]

Về tính chất ô hợp trong thành phần xã hội của đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, những thí dụ điển hình đã được nhiều người biết đến là: cựu tổng bí thư Đỗ Mười xuất thân nghề hoạn lợn, tức cũng là một thứ vô sản lưu manh (sau này được sửa thành “thợ sơn” trong tiểu sử cho có vẻ “công nhân”!); cố uỷ viên bộ chính trị kiêm trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ xuất thân vô sản lưu manh hành nghề móc túi, từng bị công an thuộc địa bắt giam hình sự và “được giác ngộ cách mạng” trong trại giam; cựu uỷ viên bộ chính trị kiêm chủ tịch nước Lê Đức Anh xuất thân cai phu đồn điền, từng bạo hành nhiều công nhân dưới quyền và có một đảng tịch đầy ám muội. Dĩ nhiên, về lý thuyết, thành phần xã hội xuất thân của mỗi người không phải là cái quyết định tính chất sự nghiệp của con người đó, nhưng đối với những thí dụ vừa nêu (và vô số thí dụ khác trong hồ sơ lịch sử đảng cộng sản Việt Nam), tương quan giữa “sự nghiệp” và xuất thân là một kết luận hoàn toàn đủ cơ sở.

Gần đây nhất, hội nghị 12 Ban chấp hành trung ương (khoá Chín) đảng cộng sản Việt Nam đã gần như thông qua chủ trương sẽ mở rộng cửa kết nạp các doanh nhân – những người sử dụng lao động làm thuê, vốn dĩ là “kẻ thù giai cấp” của giai cấp vô sản theo học thuyết của Marx – vào đảng [9] . Phản ứng trước sự kiện này, một số người cho rằng đây là một dấu hiệu của sự “cởi mở” của đảng cộng sản, và hy vọng rằng các đảng viên - doanh nhân tương lai sẽ là những tác nhân chuyển hoá đảng toàn trị này theo hướng dân chủ. Một lần nữa, đây lại là một cảm quan đơn giản. Hãy nghe Nguyễn Minh Cần phân tích trong bài viết đã dẫn.

Càng về sau, nhất là từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa và PTCSQT (Phong trào cộng sản quốc tế - LT) bị sụp đổ, ÐCSVN đã biến chất rõ rệt, không còn thực chất “cộng sản” nữa. Ðối với tập đoàn thống trị, những cái gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa quốc tế vô sản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, v. v… ngày nay không còn là niềm tin hay lý tưởng như xưa, mà chỉ là những chiêu bài để che đậy âm mưu giữ vững quyền lực cũng như quyền lợi của họ và của giai cấp quan liêu cầm quyền đất nước, là giai cấp thực tế đang thống trị và bóc lột dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, ÐCSVN trên thực tế đã chia ra thành hai “đảng vô sản” đối lập nhau rõ rệt – một “đảng vô sản thống trị” và một “đảng vô sản bị trị”, nói cụ thể hơn là một “đảng vô sản” nắm quyền với những đảng viên “vô sản” giàu có, nhà lầu, xe hơi, biệt thự, sống xa hoa phè phỡn, chủ nhân những công ty “quốc doanh” trá hình, thậm chí một số là chủ nhân những tài khoản hàng triệu, hàng chục triệu đô la ở các nhà băng ngoại quốc, chuyên ngồi trên các “ghế” cao để ra lệnh cho toàn đảng, và một “đảng vô sản” của những đảng viên thường, những cựu chiến binh, những người nghỉ hưu nghèo khổ, thật sự vừa “vô sản” lại vô quyền, ăn bữa nay lo bữa mai và chỉ biết cắm đầu cắm cổ chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Giữa hai “đảng vô sản” đó hầu như không có cái gì chung, ngoài những khẩu hiệu “vô sản” rỗng tuếch: muôn năm chủ nghĩa Marx-Lenin, muôn năm tư tưởng Hồ Chí Minh, muôn năm chủ nghĩa xã hội… [10]

Như vậy, việc sửa đổi điều lệ đảng để doanh nhân có thể vào đảng thực chất là sự chính trị hoá mối câu kết giữa hai thế lực đang chi phối xã hội Việt Nam – “đảng vô sản thống trị” đang sở hữu quyền lực chính trị, và tầng lớp phú hộ - tài phiệt mới đang phất lên chủ yếu nhờ cơ chế toàn trị. Sự câu kết giữa hai thế lực này đã tồn tại từ lâu, lần này chỉ là sự chính thức hoá bằng đảng tịch. Đây là đòn đánh chặn sớm một nguy cơ bị cạnh tranh chính trị của “đảng vô sản thống trị” đương quyền. Trích đoạn sau đây, vẫn được lấy từ Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, là một minh hoạ cho nhận định này.

Với một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì sẽ tất yếu nẩy sinh và phát triển cộng đồng những nhà doanh nghiệp tư nhân tư bản chủ nghĩa. Có thể người ta còn tranh luận xem đó có phải là một giai cấp không, nhưng là một cộng đồng có những lợi ích riêng thì là điều hiển nhiên rồi. Có thể tạm gọi đó là những tầng lớp tư sản! Các tầng lớp đó có cần đảng chính trị của mình để đối lập với Đảng Cộng sản không? Các tầng lớp đó không cần đảng chính trị riêng của mình bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đại diện cho các lợi ích và nguyện vọng cơ bản của họ, họ cũng sẽ đấu tranh dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH trong đội ngũ khối đại đoàn kết toàn dân mà không cần một ngọn cờ chính trị khác.

Giương cao ngọn cờ tự do, dân chủ của chủ nghĩa xã hội bác bỏ đa nguyên, đa đảng tư sản’’, Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, 24-5-2005.

Bằng những lý lẽ “vô sản” về tư tưởng nhưng dư thừa độ xảo trá như thế, “đảng vô sản thống trị” ở Việt Nam đang làm hết khả năng để kéo dài sự sống của nó. Chia rẽ, lôi kéo các bộ phận của xã hội đi theo đảng, ngăn ngừa sự tự do hoá và đối lập chính trị là một mối quan tâm thường xuyên của đảng toàn trị. Nếu như trong chiến tranh, đối tượng nó cần lôi kéo là nông dân, công nhân và trí thức, thì hiện nay, nó đang nhìn thấy ở giới doanh nhân một lực lượng vật chất hiện thực và một thế lực chính trị tiềm tàng. Tuy nhiên, không được quên rằng đảng toàn trị không chỉ lôi kéo, mà còn chia rẽ: đảng không cần tất cả các doanh nhân đều phải là đảng viên, và không phải tất cả các đảng viên - doanh nhân tương lai đều được trọng dụng; ngay các đảng viên hiện nay của đảng cũng chưa bao giờ bình đẳng cả, mà trên thực tế đã bị chia thành hai “đảng vô sản” đối lập nhau về địa vị và quyền lợi như Nguyễn Minh Cần đã chỉ ra. Chia rẽ và dùng chính những thành viên của mỗi bộ phận xã hội để quản lý, giám sát bộ phận đó là một phương pháp cai trị hữu hiệu mà đảng luôn luôn áp dụng. Vì vậy, những “nhà tư bản - đảng viên” tương lai của đảng “cộng sản” Việt Nam vẫn sẽ chỉ là những người đã được lọc lựa. Những cá nhân có nhãn quan chính trị độc lập sẽ không có cơ hội “được mời” vào đảng.

Chủ trương kết nạp các doanh gia vào đảng cộng sản Việt Nam không phải là một sáng kiến gì mới mẻ: nó tiếp tục chỉ là sự bắt chước một quyết định tương tự của đảng cộng sản Trung Quốc từ cách đây 5 năm. Đây lại là một dẫn chứng nữa về sự nghèo túng tư tưởng chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, một đảng rất tích cực theo đuôi các đảng toàn trị lớn hơn đã từng và đang chi phối nó. Thực tiễn ở Trung Quốc 5 năm nay cho thấy: sự có mặt của giới tư bản mới trong đảng cộng sản Trung Quốc – có người còn được chọn vào Trung-ương uỷ-viên-hội [11] – đã không hề dân chủ hoá đảng này. Giai cấp tư bản mới trong những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Việt Nam nhìn thấy ở chủ nghĩa toàn trị một môi trường làm ăn lý tưởng. Còn “đảng vô sản thống trị” thì nhìn thấy ở giới tài phiệt mới những kẻ đồng loã và bạn giao du xứng tầm. Quyết định mở cửa cho giới phú hộ - tài phiệt mới vào đảng là một bước đi đầy tính chất cơ hội đối với cả hai thế lực. Một sự câu kết như vậy không thể đem lại hứa hẹn gì cho một quá độ về nền dân chủ.

Đến đây, thiết tưởng huyền thoại về “bản chất giai cấp công nhân” của đảng cộng sản Việt Nam đã có thể khép lại.


“Diễn biến hoà bình”: nguy cơ với ai?

Đây là một trích đoạn khác từ Web site Đảng cộng sản Việt Nam:

Một thực trạng xã hội đang sa sút về đạo đức, lối sống, đó là biểu hiện tác động của DBHB (diễn biến hoà bình – L.T.). Những tác động hiện nay nhiều khi rất êm dịu, rất hữu nghị, thân thiện: đó là các hoạt động giao lưu văn hoá - nghệ thuật, ca nhạc, triển lãm tranh, nói chuyện văn thơ; mời ra nước ngoài hội thảo, du lịch, thăm các cơ sở chuyên ngành, cấp học bổng, tài trợ nghiên cứu đề tài, nhưng lồng ghép vào đó là những âm mưu thâm độc, quan điểm sai trái,… khiến cho một bộ phận ngay trong đội ngũ chúng ta “tự diễn biến hoà bình”. Đây là điều nguy hiểm nhất, đáng lo nhất. Nếu là kẻ địch hữu hình từ bên ngoài thì dù sao cũng dễ nhận diện. Nhưng nếu ta mất cảnh giác, giống như một cơ thể mất sức đề kháng, sẽ tự suy yếu và sụp đổ giống như Liên Xô và Đông Âu trước đây. Vì vậy, làm sao vừa mở cửa hội nhập với thế giới để phát triển, vừa phải ổn định chính trị, tự bảo vệ mình trong tình hình hiện nay, là một đòi hỏi bức thiết.

Báo chí với cuộc đấu tranh chống âm mưu diễn biến hoà bình”, Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, 19-8-2005.

“Diễn biến hoà bình” (“peaceful evolution” – tiếng Anh, «мировая эволюция» – tiếng Nga) vốn là thuật ngữ được bộ máy công tác tư tưởng của đảng cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu trước đây sử dụng để chỉ khả năng xảy ra một sự chuyển dịch bất bạo động về nền dân chủ trong bối cảnh thời kỳ chiến tranh lạnh. Trên Web site Đảng Cộng sản Việt Nam, số lượng bài viết về đề tài này khá lớn. Điều này đủ nói lên nỗi ám ảnh thường trực của ban lãnh đạo đảng cộng sản đối với cái mà họ gọi là “diễn biến hoà bình”.

Cần khẳng định rằng, “diễn biến hoà bình” nếu có là “nguy cơ” thì chỉ là nguy cơ đối với sự tồn vong của bản thân chế độ toàn trị, đối với nhóm cầm quyền đang kiểm soát bộ máy nhà-nước—đảng trong chế độ này chứ không hề là nguy cơ đối với toàn xã hội hoặc đối với mọi công dân. Trái lại, đối với một quốc gia đang có chế độ độc tài chưa bị loại bỏ như Việt Nam hiện nay, “diễn biến hoà bình” là giải pháp ít gây đổ vỡ nhất để quá độ sang một nền dân chủ. Mất mát duy nhất trong quá trình này chỉ là ách chuyên quyền của đảng cộng sản, những đặc quyền đặc lợi phi pháp của tập đoàn thống trị, cùng mọi bất công, tệ nạn, tội ác do chế độ đáng phỉ nhổ này sinh ra mà thôi. Tuy nhiên, để hù doạ cả xã hội về nguy cơ đang đe doạ chế độ, bộ máy tuyên truyền đã mặc nhiên đánh đồng một bộ phận (nhà-nước—đảng toàn trị) với một toàn thể (quốc gia, dân tộc, xã hội). Đây là một kỹ thuật nguỵ biện lô-gích cổ điển nằm trong nhóm các nguỵ biện nhập nhằng (fallacies of ambiguity), có chung bản chất là thuyết phục công luận chấp nhận một luận đề lô-gích sai bằng cách lờ đi việc cung cấp chính xác các khái niệm / thuật ngữ được sử dụng trong thành phần của luận đề.

Đánh đồng nhà-nước—đảng với toàn thể quốc gia / dân tộc / xã hội, guồng máy tuyên truyền chủ tâm tạo ra ảo giác, hoặc bộc lộ tham vọng đạt tới – tất cả trong một –, rằng đảng và toàn dân tộc, toàn xã hội luôn luôn nhất trí, luôn luôn đồng thuận, rằng toàn thể nhân dân và đảng luôn luôn có lợi ích chung và kẻ thù chung, vì vậy tất cả những gì đe doạ đảng cũng tức là đe doạ nhân dân. Kỹ thuật nhồi sọ này trước đây đã được áp dụng ở tất cả các nước Đông Âu và ở Liên Xô cũ, nhưng đã tỏ ra vô vọng như thực tiễn lịch sử đã cho thấy: nhân dân, chung cuộc, đã kiên quyết từ chối kẻ tước đoạt tự do của mình.

Vào nửa đêm ngày mùng 3 tháng Mười năm 1990, Đông Đức và Tây Đức tái thống nhất sau 45 năm bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt. Nhiều nghìn người Đức đã tụ tập trên các đường phố của thủ đô Berlin tham gia các lễ hội chào mừng sự kiện này. Trên ảnh là quang cảnh trước toà nhà Reichstag (nghị viện Đức) ở Berlin. Trước đó, ngày mùng 9 tháng Mười Một năm 1989, Bức Tường Berlin – biểu tượng vật lý của Chiến Tranh Lạnh – đã được chính quyền Đông Đức cho phép dỡ bỏ; và từ tháng Bẩy năm 1990, hai miền Đông và Tây đã hợp nhất các hệ thống tài chính. Nước Đức đã tái thống nhất hoàn toàn trong trật tự và hoà bình, với sự cáo chung của chế độ toàn trị cộng sản ở Đông Đức. Phải chăng “diễn biến hoà bình” này đã đi ngược lại ý nguyện của nhân dân Đức?

Ảnh: Encarta Encyclopedia, Keystone Pressedienst GmbH
Người dân Ba Lan vẫy quốc kỳ Ba Lan và cờ Liên minh châu Âu (EU) chào mừng kết quả cuộc trưng cầu dân nguyện tháng Sáu năm 2003, trong đó nhân dân Ba Lan ủng hộ việc nước này gia nhập EU. Mười bốn năm trước đó, năm 1989, công đoàn độc lập Solidarność do Lech Wałęsa lãnh đạo đã giành được chính quyền trong hoà bình sau những cuộc bầu cử nghị viện tự do và trật tự. Phải chăng “diễn biến hoà bình” đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân Ba Lan?

Ảnh: Encarta Encyclopedia, Corbis/AFP


Áp dụng tiếp kỹ thuật nguỵ biện này, guồng máy tuyên truyền của đảng cộng sản hô hào “giữ ổn định chính trị để phát triển”. Ở đây, sự gian lận cũng được thực hiện bằng phép nhập nhằng hai cấp độ ổn định: ổn định của nhà-nước—đảng toàn trị và ổn định của toàn thể quốc gia, dân tộc, xã hội. Bản thân thuật ngữ “ổn định chính trị” còn được sử dụng nhập nhằng theo cách khác: bộ máy tuyên truyền thực chất muốn nói đến sự duy trì lâu dài nền thống trị của đảng cộng sản. Trên thực tế, khi chưa có một chuyển dịch nào về dân chủ, kiến trúc thượng tầng về chính trị ở Việt Nam đã hết sức bất ổn với những mâu thuẫn nội bộ đang cực kỳ gay gắt, với những vụ án nội bộ chưa được giải quyết mà dư luận rộng rãi đã biết đến. Bên cạnh đó, những hiệu ứng tệ hại phát tác từ bản chất của chế độ như bất công, tham nhũng, tội ác có tổ chức đã chứng minh hùng hồn rằng sự ngoan cố bám giữ địa vị thống trị cực quyền của đảng cộng sản đã và đang là nguyên nhân cốt lõi gây nên sự hỗn loạn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sự trì trệ dai dẳng của nền kinh tế. Vì vậy, để khôi phục lại sự ổn định xã hội và khởi tạo một sức phát triển vững chắc cho nền kinh tế, đấu tranh loại bỏ chế độ toàn trị đã trở thành một đòi hỏi cấp bách và một lựa chọn duy nhất.

Trong một nỗ lực khác nhằm tăng cường hiệu quả hù doạ, các cán bộ tuyên truyền của chế độ đang đổ lỗi những biểu hiện “sa sút về đạo đức, lối sống” trong xã hội hiện nay cho “diễn biến hoà bình”. Đây quả là một nhận định bất chấp lý trí.

Xã hội toàn trị là xã hội của một hệ thống, hai giá trị – một hệ thống chính trị / xã hội duy nhất và hai bộ giá trị về đạo đức ứng xử [12] . Cụ thể hơn, những chuẩn mực đạo đức cổ điển như tốt đẹp trong cư xử, chu toàn trong bổn phận đối với truyền thống và luật pháp, lành mạnh trong phong cách phấn đấu để đạt tới hạnh phúc và hoàn thiện chỉ dành cho “dân đen”, còn giới thống trị và tầng lớp tinh hoa “đã được lựa chọn” của đảng thì chỉ đơn giản là không có chuẩn mực nào cả. Thiết tưởng, hàng loạt vụ án kinh tế tày đình và tội phạm có tổ chức mà những kẻ can dự tích cực nhất đều là cán bộ trọng trách của đảng cộng sản, chủ nghĩa hưởng lạc của tầng lớp công chức cao cấp và lũ con ông cháu cha, những gia sản kếch xù không thể giải thích trong khuôn khổ “đạo đức cộng sản chủ nghĩa” của các gia đình “quý tộc đỏ” và đám gia nhân thủ túc, những cuộc “đấu đá” đầy đê tiện để tranh giành địa vị và bổng lộc ngay trên tầng chót của kim tự tháp quyền lực, tiểu sử hôn nhân lem nhem về hạnh kiểm và bất chấp về luật pháp (thậm chí còn phạm tội ác) của các lãnh tụ (trong đó có cả cha đẻ ra chế độ), nhân cách tầm thường (nếu không muốn nói là đốn mạt) của chính kẻ đang phụ trách cái Web site Đảng Cộng sản Việt Nam kia, v. v… là quá đủ để chỉ ra những chuẩn mực đạo đức nào đã và đang chi phối lối sống của giới chóp bu trong thể chế. Nếu đây chính là “biểu hiện của diễn biến hoà bình” thì lẽ nào chế độ vẫn chưa chịu sập đổ, trong khi bộ phận trung ương của nó đã “tự diễn biến hoà bình” trước nhân dân từ rất lâu rồi?

Trong khi tuyệt đại đa số nhân dân đều đang sống trong lam lũ và tằn tiện, không có cơ hội tiếp xúc với các kênh “diễn biến hoà bình” như nêu trong trích đoạn đã dẫn, những biểu hiện suy đồi của nền đạo đức xã hội là sự lây nhiễm từ chính giới “thượng lưu đỏ” chứ không từ đâu khác. Nhưng đây là điều mà giới thống trị không hài lòng. Có nhiều lô-gích xung quanh sự bất mãn này. Một mặt, trong nhãn quan của những kẻ thống trị, nhân dân vừa không được phép, vừa không xứng đáng được hưởng lạc hoặc đê tiện như họ. Mặt khác, một nhân dân ngoan ngoãn, nền nếp, thuần phục là điều mà giới cầm quyền trong một chế độ toàn trị luôn luôn mong muốn: nhân dân là một tài nguyên để bóc lột, là lực lượng để thực thi những kế hoạch hành động và là đám đông đồng loã để thực hiện các mưu đồ. Vì vậy, sự tồn tại hai hệ thống giá trị về đạo đức vừa là hệ quả, vừa là điều kiện cần của một nền chính trị toàn trị. Việc đổ lỗi tình trạng suy đồi đạo đức cho các nguyên nhân bên ngoài chỉ là một mưu toan đánh lạc hướng và nhồi sọ thô thiển.

Cuối cùng, nếu bằng một cách nào đó người nước ngoài đọc được trích đoạn trên đây, có thể đoán trước được cảm nghĩ của họ: đó là cảm nghĩ về một sự vong ơn, lá mặt lá trái và vô liêm sỉ.


Món “vịt Bắc Kinh” và “chủ nghĩa xã hội thị trường”

Cuộc trao đổi giữa phóng viên VietNamNet với một chuyên viên lý luận cao cấp ở Hà Nội – ông Hồng Hà, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân, nay đương chức tổng thư ký Hội đồng lý luận trung ương của đảng cộng sản – bên hành lang của cái gọi là Hội thảo bàn tròn tổng kết 20 năm đổi mới vừa qua cũng toát lên nhiều điều thú vị. Trước câu hỏi của phóng viên đề cập sự chưa rõ ràng của khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Hồng Hà đã tỏ ra thực sự lúng túng. Ông hứa bừa rằng đảng sẽ cung cấp cơ sở lý luận của khái niệm này trước ngày khai mạc Đại hội Mười [13] . Ông bí là phải, bởi lẽ hàng nghìn lý luận gia cộng sự của ông đang làm việc trong các think tank của chế độ như Viện Mác–Lê-nin, Viện Triết, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng hệ thống hàng chục trường đảng dăng khắp 64 tỉnh thành của cả nước đã không thể moi đâu ra dù chỉ một dòng gợi ý về thuật ngữ này từ trong những tập kinh điển Mác–Lê. Đó là một thuật ngữ thuần tuý Trung Hoa. Các tư tưởng gia của đảng cộng sản Trung Quốc đã sáng chế ra khái niệm này hoàn toàn không cần đến những đòi hỏi tư biện nghiệt ngã như các nhà tư tưởng Tây phương. Trung Quốc là đất nước của những châm ngôn và ngụ ngôn. Trong đời sống chính trị ở Trung Quốc non một thế kỷ nay, khi có ai đó tỏ ra băn khoăn về nền tảng lý luận của một chính sách nào đó, người ta lập tức dẫn ra câu châm ngôn được họ Mao ưa dùng: “thực sự cầu thị”, nghĩa là “hãy tìm chân lý trong thực tiễn”. Châm ngôn này được Đặng Tiểu Bình sinh thời rất tâm đắc do hiệu quả biện minh hết sức phổ quát của nó; nó tiêu biểu cho tinh thần thực dụng của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Hoa lục.

Trong một dạ tiệc chiêu đãi cựu quốc vụ khanh Hoa Kỳ Henry Kissinger, trước thắc mắc của vị khách Mỹ rằng “Có phải ở Trung Quốc, người ta đang sửa chữa lại chủ nghĩa Marx trong khi vẫn quả quyết đó là một học thuyết khoa học hoàn toàn chân xác về kinh tế và xã hội hay không?”, nhà kiến trúc của đồ án “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng Trung Quốc” đã đùa rằng: món thịt quay trên bàn tiệc rất giống hương vị thịt lợn quay, nhưng đó không phải là thịt lợn mà là thịt vịt và vì vậy, một người Do Thái như Kissinger có thể ăn được [14] . Và Đặng kết luận: hệ thống “chủ nghĩa xã hội thị trường mang đặc trưng Trung Quốc” sẽ không thực sự là chủ nghĩa tư bản, do đó nước Trung Hoa theo chủ nghĩa Marx sẽ tiếp nhận nó.

Thật giản dị mà thâm thuý, ông Hồng Hà có thấy không? Vậy ông và các đồng sự của ông còn chờ đợi gì mà không thuyết phục ba triệu đảng viên cộng sản, hàng chục nghìn lão thành cách mạng, hàng trăm nghìn gia đình liệt sĩ và hàng triệu thương phế binh đã và đang quyên góp niềm tin, cuộc đời, xương máu và sinh mệnh để xây dựng nên chế độ, rằng: món giả cầy có hương vị rất giống thịt chó, nhưng đó không phải là thịt chó và vì vậy, những ai kiêng thịt chó có thể ăn được; hoàn toàn tương tự, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” chính là chủ nghĩa xã hội giả cầy, nó không thực sự là chủ nghĩa tư bản, vì thế những ai còn tin tưởng rằng đảng cộng sản vẫn kiên trì đi lên chủ nghĩa xã hội có thể yên tâm được!

Trong kho tàng các huyền thoại lý luận của phong trào cộng sản quốc tế cho đến nay, có lẽ khái niệm “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, hay “chủ nghĩa xã hội thị trường”, đang là huyền thoại nổi tiếng nhất có nguồn gốc châu Á. Tuy nhiên, trong bốn chế độ toàn trị cộng sản còn sót lại trên trái đất mà ba trong số đó thuộc về châu Á, ngoại trừ nơi đã sinh ra huyền thoại kia, Việt Nam đang là quốc gia duy nhất du nhập và sử dụng nó. Trong thế giới quan của Fidel Castro, một người cộng sản gốc Tây Ban Nha, “chủ nghĩa xã hội thị trường” chỉ là một câu chuyện nhảm nhí của những con chiên ghẻ đã bán rẻ linh hồn cho quỷ sứ. Nghe nói lâu nay, ông đã đỡ lạnh nhạt với “các đồng chí Việt Nam” hơn nhờ bởi những tấn gạo ông được gửi tặng. Còn Kim Jong Il thì không cần đến huyền thoại này: ông đã kịp nắm trong tay hai thứ – kỹ thuật tên lửa và kỹ thuật hạt nhân – khả dĩ giúp ông mặc cả được với Hoa Kỳ, phương Tây và những đồng bào giàu có phương Nam của ông về cái giá của chế độ do ông đứng đầu.

Còn nước Việt Nam cộng sản chẳng có gì – cả niềm kiêu hãnh của một thế giới quan tư biện nhuần nhuyễn lẫn niềm tự tin của sự tinh thông kỹ thuật cao cấp. Sự trống rỗng về tư tưởng luôn luôn khiến Việt Nam phải chấp nhận những lựa chọn hồ đồ, nửa vời. “Chủ nghĩa xã hội thị trường” là một con la – con vật lai giữa lừa và ngựa, thồ hàng được nhưng không sinh nở được. Nó sẽ chết mà không thể có hậu thế.

(Còn tiếp)

Moskva, tháng Bẩy—tháng Chín 2005

© 2005 talawas



[1]Dịch từ trích đoạn tiếng Anh: “The great mass of people (...) will more easily fall victim to a big lie than to a small one.” Adolf Hitler. Mein Kampf, vol. 1, ch. 10 (1925).
[2]Xem: Dictionary of the History of Ideas, article “Necessity”.
[3]Xem: Nikolai Ivanovich Bukharin, Historical Materialism – A System of Sociology, International Publishers, 1925.
[4]Xem: Nguyễn Minh Cần, Đảng cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, mạng “Ý Kiến”.
[5]Sự kiện cho “ra đời” đảng cộng sản Việt Nam đã được quyết định trên một sân bóng ở Hồng Kông, vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1930. Nhằm tránh sự chú ý của mật thám Pháp ở Hồng Kông, 4 “đại biểu” – trong đó có Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh – đã phải giả vờ mua vé vào xem bóng đá để họp. Tình tiết trên đây của sự kiện thành lập đảng vẫn được chính thức phổ biến ở Việt Nam cho đến trước thập kỷ 80, sau đó đã được Ban nghiên cứu lịch sử đảng trung ương sửa lại theo nguyên tắc chính đại hoá. Ngày “thành lập” đảng sau đó cũng được đổi sang ngày mùng 3 tháng Hai “theo xác minh của các đồng chí Liên Xô” (mặc dù đây có thể chỉ là một nhầm lẫn)! Chi tiết xin xem tài liệu đã dẫn.
[6]Xem: tài liệu đã dẫn.
[7]Xem: tài liệu đã dẫn.
[8]Mặc dù ra đời trong bối cảnh phong trào yêu nước, đòi độc lập dân tộc nửa đầu thế kỷ 20, nhưng sự thật khách quan là đảng cộng sản Việt Nam đã xuất hiện chủ yếu do các nhân tố bên ngoài (xem tài liệu đã dẫn). Trong ý thức hệ ngay từ ban đầu của đảng này, đấu tranh giành độc lập dân tộc không phải là mục tiêu tối hậu; mục tiêu tối hậu của nó là “làm cách mạng vô sản thế giới” theo lệnh của Quốc tế Cộng sản do đảng cộng sản Liên Xô kiểm soát. Như đã chỉ ra, vào đầu thế kỷ 20 và ngay cả cho đến bây giờ, ở Việt Nam chưa bao giờ có nền đại công nghiệp và giai cấp vô sản công nghiệp để có thể xuất hiện nhu cầu nổ ra cách mạng vô sản, cứ cho là theo lý thuyết chủ nghĩa Marx. Đây là một bằng chứng nữa về tính chất ngẫu nhiêncơ hội của sự ra đời đảng cộng sản Việt Nam trong mối quan hệ với những vấn đề của quốc gia / dân tộc / xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
[9]Xem: Đảng viên nay không cứ là vô sản, BBC Vietnamese, 23 tháng Bẩy 2005.
[10]Xem: Nguyễn Minh Cần, Đảng cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, mạng “Ý Kiến”.
[11]Tương đương Ban chấp hành trung ương.
[12]Các công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học chính trị đã chỉ ra rằng xã hội toàn trị là xã hội của chỉ một hệ thống: đảng toàn trị đã “nuốt chửng” toàn bộ hệ thống xã hội – bao gồm các tiểu hệ thống chính trị, kinh tế và tinh thần – vào trong hệ thống chính trị của nó, làm cho hệ thống xã hội trở nên trùng khít, hợp nhất với hệ thống chính trị của đảng và trở thành một hệ thống duy nhất. Điều này đối lập tuyệt đối với mọi xã hội dân chủ pháp trị, trong đó, chính trị (cũng như kinh tế và các hình thái ý thức - tinh thần) chỉ là một hệ thống con, tương tác nhưng không lấn át các tiểu hệ thống khác của hệ thống xã hội (Xem: Надежда Кузнецова, Тоталитарное государство, журнал «Самиздат», 17.03.2004; bản tiếng Việt: Nadezhda Kuznetsova, Nhà nước toàn trị, Nguyên Trường dịch, diễn đàn talawas, 01.10.2004). Trong sự liên hệ với các nguyên tắc đạo đức như một hình thái ý thức xã hội, có thể bổ sung rằng xã hội toàn trị là xã hội của một hệ thống, hai giá trị như đã nêu.
[13]Xem: “Đổi mới chính trị không thể nôn nóng”, VietNamNet, 01/07/2005.
[14]Người Do Thái kiêng thịt lợn.