Thưa Giáo sư Cao Xuân Hạo,
Bài viết “
Về ảo ảnh và ảo giác” của Giáo sư trên talawas hôm 9.11.2005 đề cập đến hai điểm căn bản mà Giáo sư cho rằng tôi đã sai lầm trong bài phê bình của tôi (bài “
Thân ốc với cọc không rêu hay là ảo ảnh văn chương sáo rỗng”). Nhưng thật đáng tiếc cả hai điểm mà Giáo sư có nhã ý chỉnh đốn ấy đều không có trong bài phê bình tôi đã viết. Đó là, như Giáo sư trình bày, hai khái niệm
ảo giác và
tu từ học. Tôi thật không hiểu là tại làm sao tôi thì viết “ảo ảnh...” còn Giáo sư lại đọc ra là “ảo giác...”. Cũng vậy, tôi viết về “một lối tu từ...” mà Giáo sư lại nâng cái lập luận ấy của tôi lên bình diện soi xét của
“tu từ học”. Với tất cả lòng kính trọng, tôi e rằng Giáo sư làm như thế thì đã là vô ý nhảy qua “một vực thẳm không có gì lấp được” (Cao Xuân Hạo - bài đã dẫn) giữa cái tôi đã viết và cái tôi chưa hề viết.
Bài phê bình của tôi (“Thân ốc...”) đã đăng trên tuần báo
Người Hà Nội số 40, ra ngày 7.10.2005, trước khi được đăng lại ở talawas, và tôi đã xem lại các lỗi mo-rát để chắc chắn rằng mình không làm
ảo ảnh thành
ảo giác. Vậy tôi buộc phải tự hỏi không biết Giáo sư có đọc cái bài viết đó của tôi hay không và, nếu có lòng lân cảm với các “nghệ sĩ” liên đới ở đây, thì có đọc những cái truyện mà tôi phê bình hay không?
Kể ra như thế cũng hơi tỉ mẩn hồ đồ. Nhưng tôi thấy Giáo sư rõ ràng có ý kéo “ảo ảnh” ngã vào “ảo giác” trong đoạn mà Giáo sư lấy lại cái thí dụ cổ điển về
ảo ảnh hồ nước trên sa mạc (CXH - bài đã dẫn). Giáo sư đã chỉ ra minh bạch rằng, theo đó, ảo ảnh là hiện tượng vật lý, còn ảo giác mà nó gây ra thì thuộc về tâm lý học. Vậy, dưới một
cái nhìn tri giác tổng thể như Giáo sư đã trình bày ở phần đầu bài viết của Giáo sư, sẽ phải gọi hiện tượng đó là cái gì đây? Phải gọi đó là ảo ảnh vật lý - khách quan và ảo giác tâm lý - chủ quan chăng? Liệu đó là một hiện tượng với một phụ - hiện tượng chăng? Hay đó đơn giản là hai hiện tượng? Hay đó vẫn là một hiện tượng chìa hai cái má phinh phính cho vật lý một bên và tâm lý một bên? Thêm nữa, liệu Giáo sư có thực bụng tin rằng “với một vốn tri thức phổ thông của cấp tiểu học” (CXH - bài đã dẫn) là người ta cũng “đủ khôn ngoan” để tránh khỏi ảo giác khi trên sa mạc bỗng trông thấy một lấp lánh cái hồ ảo ảnh kia? Phải chăng sự tiến bộ của tâm lý học cùng với các kỹ thật trị liệu phân tâm đã đến mức có thể
loại trừ ảo giác khỏi tâm trí của con người? Hay là cần noi theo danh ngôn mà Giáo sư trích dẫn (“Sai lầm vốn là tính cố hữu của con người” - CHX, bài đã dẫn) để mà nói rằng ảo giác cũng là một tính cố hữu của con người vậy!?
Nếu mọi sự là như thế, tôi sẵn lòng vâng lời Giáo sư đổi
ảo ảnh thành ra
ảo giác mà vẫn không phải thay đổi các lập luận trong bài phê bình của tôi. Bởi tôi tin Giáo sư biết rõ rằng ngoài các thứ nguyên nghĩa về vật lý hay tâm lý học thì
ảo ảnh hay
ảo giác còn được phép có một vài nghĩa bóng mà chỉ
trong những ngữ cảnh cụ thể mới xuất hiện và cũng chỉ trong những ngữ cảnh cụ thể đó mới được các người bản ngữ hiểu cho, hiểu đúng. Và, tất nhiên, là một người bản ngữ, tôi đã dùng cái
ảo ảnh theo nghĩa bóng, trong một ngữ cảnh mà tôi đã giới hạn rõ ràng, để nói về một thứ văn chương thô sơ về kỹ thuật, sáo rỗng về
ý nghĩa từ chương, đến nỗi chỉ
như là một thứ ảo ảnh, gây cho ai đó một ảo giác về nghệ thuật ngôn từ.
Trong bài viết “Về ảo ảnh...”, Giáo sư ít nhất đã hai lần nói đến “nghệ thuật của ngôn từ” và “nghệ thuật dùng ngôn từ” - tương ứng, với “Văn học...” và “... tu từ học...” - (CXH - bài đã dẫn). ở cả hai đoạn lập luận ấy, thực ra Giáo sư chỉ nói về ngôn từ mà thôi, chứ không nói đến “nghệ thuật” hay đến việc tu từ đại thể nó như thế nào, nó nên làm sao hay phải ra làm sao v.v... Như thế có phải là
dịch giả Cao Xuân Hạo sau hai mươi năm dịch biết bao tác phẩm văn chương lớn nhỏ chỉ để thấy rằng (có lẽ) cái thế giới của nghệ thuật từ chương kia chỉ là “thế giới của những tri giác và cảm xúc tự nhiên (trong đó có cả những ảo giác và những định kiến vô thức)” (CXH, bài đã dẫn)? Cứ cho đó là cách Giáo sư nhấn mạnh một thứ
tính tự nhiên của xúc cảm/ mỹ cảm nơi người sáng tác - điều chẳng ai dám bảo là sai - nhưng vậy thì khái niệm “nghệ thuật” trong dòng diễn ngôn của Giáo sư ở phần trước đó của bài viết có nghĩa là gì? Có phải con-người-của-nhà-lý-thuyết trong Giáo sư đã thản nhiên gạt khái niệm “nghệ thuật” trong các ngữ đoạn “Văn học, với tính cách là nghệ thuật của ngôn từ,” và “tu từ học chính là nghệ thuật dùng ngôn từ nói chung,” (CXH, bài đã dẫn) vào một vai trò phụ thuộc, (hình như) chỉ như một phương tiện để bổ một cái nghĩa nào đó theo một cái mệnh lệnh (nào đó) của “ngôn từ”? Nếu không phải thế, thì “nghệ thuật” nói chung và nghệ thuật ngôn từ dưới hình thức một sáng tác văn chương liệu có được coi là
cấu trúc/ những cấu trúc không? Nếu các sáng tác văn chương - “nghệ thuật của ngôn từ” - là những cấu trúc thì các nguyên tắc cấu trúc, trung tâm cấu trúc của chúng là gì? Là “tri giác và cảm xúc tự nhiên” chăng? hay là phải tìm những thứ ấy ở cái mà Edmund Husserl gọi là
“tính cố ý” (“intentionality”) đã khiến cho những
khả năng tri giác và cảm xúc “tự nhiên” kia có thể trở nên
cách tri giác của con người, trở nên hành vi nhận thức?
Thưa Giáo sư, nếu không có “nghệ thuật” thì trong bối cảnh này tôi thấy “ngôn từ” không biết để tay để chân vào đâu. Tôi tin rằng nghệ thuật là một dạng cấu trúc của trải nghiệm nhận thức, trong đó hội tụ nhiều yếu tố cấu trúc của trải nghiệm như tri giác, suy nghĩ, tưởng tượng, xúc cảm... Trên cơ sở đó, tôi hiểu
việc tu từ như một “yếu tố riêng lẻ” nhưng không “đối lập” với cấu trúc của văn bản nghệ thuật. Việc tu từ - chứ không phải
“tu từ học” - có thể giúp chuyển những “câu nói vu vơ”/ “ngôn ngữ giao tiếp thường ngày” sang một dạng thức từ chương (chẳng hạn: một bài luận, một bài báo, một bài báo cáo v.v…), nhưng không phải là “sang sáng tác nghệ thuật” dễ dàng như Giáo sư đã dễ dàng khẳng định. Một điều dễ thấy là trong văn chương nghệ thuật ngày nay đâu có ít việc dùng những câu giống như là “câu nói vu vơ”. Nhưng ai cũng biết chúng chẳng “vu vơ” chút nào. Và mức độ “vu vơ” của chúng là do toàn bộ cấu trúc nghệ thuật của văn bản điều chỉnh. Và như thế, thật rõ ràng là một khi cấu trúc nghệ thuật yếu kém thì “vu vơ” thậm chí còn không quay về nổi cái chỗ “vu vơ” của “trò chuyện thường ngày”, vì đã chót để cho một lối tu từ yếu kém nó vặt hết cả lông lẫn cánh “tự nhiên” rồi.
Thưa Giáo sư, tôi nghe nói: “Nếu kéo dài tuổi trẻ, sẽ có một tuổi trẻ trái mùa”. Vận vào đây, tôi đúng là đã hiểu lối tu từ ở cái văn chương mà tôi phê bình kia chính là
sự kéo dài “việc dùng một số từ nhất định cùng thuộc một lĩnh vực nào đấy (như lĩnh vực tính dục chẳng hạn)
một cách vụng về, phi mỹ học” (CXH, bài đã dẫn). Vậy là cái sự kéo dài ấy thực tế đã dẫn đến một lối tu từ “trái mùa”, theo đúng một thứ logic kiểu “Trường cổ thì đại thanh. Thiểu nhục đa mao tắc phù”, tức là một thứ logic chỉ biết bám vào mặt chữ, coi hiện thực trước mặt kia chỉ là một đám “Lông nhiều thịt ít tất nhiên phải nổi”. Cái lối “kéo dài” từ chương ấy mà không sáo rỗng thì mới lạ.
Cuối cùng, tôi xin thưa lại với Giáo sư về việc Giáo sư thấy tôi “đứng” trên một quan điểm chính thống thiên về chủ nghĩa hiện thực” (CXH, bài đã dẫn) là như thế nào. Có lẽ tôi hiểu không sai, rằng, trong bài viết của mình Giáo sư đã không nói về “nghệ thuật” thì tất nhiên cũng không dành được chỗ giấy nào để nói về “quan điểm chính thống” và “chủ nghĩa hiện thực”. Vậy thì có lẽ (vẫn chỉ là “có lẽ” thôi) cái sự gọi là chính thống ở đây tôi xin được hiểu là nói đến việc tôi phê phán các mô tả thô vụng cuống cuồng về chuyện “Làm sương cho sáo! Làm sương cho sáo!” cùng là các nội dung suy diễn “ý tưởng” này nọ trong những cái truyện kia. Nếu tạo dựng được một “quan điểm chính thống” mà chỉ cần có vậy thì tôi xin vui mừng lĩnh ý Giáo sư. Nhưng vấn đề “chủ nghĩa hiện thực”, tôi xin được thưa lại rằng tôi không chỉ “thiên về” (hay cái “quan điểm chính thống” ở tôi không chỉ “thiên về”) mà là đứng hẳn về “chủ nghĩa hiện thực”. Tuy nhiên, tôi không dám tự tiện suy diễn rằng Giáo sư định nói về loại “chủ nghĩa hiện thực” nào, đúng hơn là loại “chủ nghĩa” nào để tương thích với khái niệm “hiện thực” ngày nay. Liệu đó sẽ là một “chủ nghĩa hiện thực” cổ điển chăng? Cái này hẳn tôi không theo nổi. Hay là “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”? Cái này thì chưa chắc Giáo sư đã cho tôi nhập môn. Hay là “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”? Cái này thì không biết người ta có còn lưu hành nó như một thứ “chủ nghĩa” nữa hay không? Nói cho đúng thì quả tôi không biết Giáo sư coi “hiện thực” là cái gì. Bởi tôi thấy trong bài viết của Giáo sư có đoạn luận về sự khu biệt giữa khoa học nhân văn với các khoa học tự nhiên, và “Sự khu biệt ấy như sau: “Nếu khoa học tự nhiên đi tìm cái chân lý khách quan của sự vật bằng cách gạt bỏ những cách tri giác của con người có ảnh hưởng đến nó, thì khoa học nhân văn lại nghiên cứu chính bản thân cách tri giác chủ quan của con người với những lăng kính, những ảo giác chịu sự chi phối sâu xa của một cõi vô thức rất ít khi nổi lên bề mặt, khi tiếp xúc với những sự vật của thế giới khách quan, chứ không phải bản thân những sự vật ấy.” (CXH, bài đã dẫn). Tôi xin phép lấy ra từ đoạn luận về khoa học này một vài cái “hiện thực”, trên cơ sở coi “
hiện thực”,
một cách chung nhất, là đối tượng của hoạt động nhận thức nơi con người. Vậy ở đây có ít nhất ba cái “hiện thực” là: “những sự vật của thế giới khách quan”/ “cách tri giác của con người”/ “cõi vô thức”. Trong số này thì “sự vật” là cái “hiện thực” ai cũng biết, “cách tri giác” là “hiện thực” bởi có các giác quan, “cõi vô thức” thì gắn bó cơ hữu với
ý thức mà nếu chối bỏ tính hiện thực của nó thì sẽ không có tính “hiện thực” chút nào. Tạm dừng ở ba cấp độ ấy, tôi không hiểu Giáo sư gắn đuôi “chủ nghĩa” cho cấp độ nào. Về phần tôi thì cụm từ “chủ nghĩa hiện thực” luôn chỉ có một ý nghĩa là: Hãy nhìn vào hiện thực. Còn về chuyện một thứ “khách quan chủ nghĩa” thì, vài năm trước, tôi có nghe nói rằng tính khách quan của một thực nghiệm xét cho cùng được đảm bảo bằng cái chủ quan của nhà khoa học làm cái thực nghiệm đó. Liệu ngoài cách hội nhập lẫn nhau như thế thì chúng còn dựa vào cái gì?
Thực tình mà nói, có lẽ những khái niệm “nghệ thuật” và “hiện thực” đã tạo nên “một vực thẳm không có gì lấp được”, nhưng chỉ ở trong một vài lập luận của Giáo sư mà thôi. Về phần tôi, tôi biết chắc như tôi biết tiếng mẹ đẻ rằng tôi đã ở cái bờ bên kia từ rất lâu trước khi viết cái bài phê bình văn chương vô tình làm bận đến Giáo sư vậy. Tôi chẳng “đồng sàng” cũng không “dị mộng”, đơn giản vì tôi chưa bao giờ thấy “nghệ thuật” như một/ những cái giường, chưa bao giờ coi “hiện thực” chỉ như là mộng mị. Tôi không dám mong thuyết phục được Giáo sư đừng tin vào một sự đối lập phần nhiều là giả tạo giữa
cấu trúc văn chương với
yếu tố riêng lẻ phê bình. Mà chỉ muốn nhắc lại một điều rằng ngay cả giữa kẻ cắp và người mất cắp ít nhất vẫn có một cái chung, ấy là cái đồ bị đánh cắp. Chuyện ấy thì rõ ràng là “hiện thực”, thưa Giáo sư.
© 2005 talawas