trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
9.4.2003
Trần Minh Tuấn
Về không gian công cộng quanh hồ Gươm
 
Lịch sử đã cho thấy kiến trúc hay những lĩnh vực nghệ thuật khác luôn gắn liền với những sự thay đổi của xã hội. Chúng ta có văn học dân gian, văn học truớc Cách mạng Tháng Tám, sau Cách mạng Tháng Tám v.v. Hội họa cũng phát triển song hành với các sự kiện lịch sử quan trọng như cách mạng công nghiệp, quá trình thuộc địa hóa v.v. Vậy một câu hỏi cụ thể hơn ngày nay đặt ra cho những người quan tâm đến không gian đô thị của Hà Nội là không gian kiến trúc quanh hồ Gươm sẽ ra sao trong sự phát triển đồng bộ của đất nước? Trong giới hạn của bài viết này, tác giả xin được mạn phép đưa ra một số quan sát và nhận định để bạn đọc cùng tranh luận.

Có một số ý kiến cho rằng "các công trình kiến trúc xung quanh hồ Gươm cần phải có sự thống nhất trong phong cách, ví dụ như phong cách Gothic Pháp chẳng hạn". Trong thực tế, sự thống nhất về "phong cách" kiến trúc không đảm bảo một không gian đô thị sống. Đô thị là cuốn sách lịch sử phản ánh trung thực nhất về quá trình phát triển của một dân tộc, một nền văn hóa. Nếu hôm nay chúng ta muốn chọn phong cách "Pháp" hay "Gothic" để thể hiện cái văn hóa, cái tôi của mình, liệu tương lai sẽ nhìn nhận chúng ta là ai?! Vậy hay là ta giật đổ tất cả các công trình "Pháp" quanh hồ và áp dụng kiến trúc cổ như ở đình chùa của dân tộc ta, hay là áp dụng kiến trúc hiện đại cho tất cả mọi nơi? Có lẽ những người dầu chỉ có đôi chút suy nghĩ về thực tế đều thấy đây là những giải pháp không tưởng về kinh tế. Về văn hóa, sự thống nhất cứng nhắc đó sẽ lấy đi sự phong phú, đa dạng của lịch sử, một hệ quy chiếu mà mỗi chúng ta đều cần phải có để khẳng định chính mình.

Sự đối phó với những "quy định" về công trình kiến trúc xung quanh hồ Gươm không thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho không gian kiến trúc xung quanh hồ. Đơn cử ví dụ của Tràng Tiền Plaza - kiểu Pháp. Thứ nhất, ở một vị trí quan trọng có khả năng kết nối một tuyến không gian công cộng hiệu quả như phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi và hồ Gươm, công trình đã đặt một dấu chấm lửng lơ tại chính cái điểm trớ trêu đó. Thêm nữa, để đảm bảo diện tích mặt bằng tối đa bên trong công trình, cả hai mặt phố Tràng Tiền và Hàng Bài đều trở thành những bề mặt kính treo biển quảng cáo, vỉa hè được quản lý chặt chẽ, "cấm đậu xe", "cấm bán hàng rong", trơ trọi, ít người đi lại. Liệu đây có phải là điều chúng ta thực sự muốn thấy ở một nơi mà lẽ ra sự giao tiếp xã hội cần phải được khuyến khích tối đa trên nhiều phương diện?



Palaza Tràng Tiền mô phỏng kiểu Pháp đơn điệu, tạo ra một không gian công cộng trơ trọi, không có sự sống


Sẽ là bảo thủ nếu chúng ta chỉ phê bình những doanh nghiệp bởi những không gian "công cộng" xung quanh hồ chưa thực sự công cộng! Hãy xét trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Với chức năng là cơ quan đầu não, là những người gần gũi, lắng nghe nhịp thở của thành phố, tòa nhà nằm hoàn toàn tách biệt với không gian xung quanh, lạnh lùng nằm sau hàng rào và trụ gác, phần nhiều khách đến làm việc đều đi cổng bên. Cá nhân tôi chưa được thấy cổng chính được sử dụng tiếp dân bao giờ. Ngay kề bên, một mặt đứng dài ngót cả trăm mét của Bưu điện Hà Nội có thực sự đóng góp cho tổ hợp không gian công cộng quanh hồ Gươm? Ngoài việc bỏ thư, những sinh hoạt văn hóa công cộng nào có thể diễn ra trong và trước một khối nhà đồ sộ như vậy?



Không có một sinh hoạt công cộng nào có thể xảy xung quanh Ủy ban Nhân dân Thành Phố


Ở một vị trí yếu huyệt về không gian cũng như trong lịch sử phát triển của Hà Nội, bản thân hồ Gươm và không gian kiến trúc quanh hồ là một quần thể không gian rất đặc sắc. Cũng như sông Seine với Paris, sông Hương với Huế, Công viên Trung tâm (Central Park) với Manhattan, hồ Gươm và không gian kiến trúc xung quanh tất yếu sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng của Hà Nội trong thiên niên kỷ tới.

Cái mới không có gì là xấu. Sự đa dạng của ngôn ngữ kiến trúc cần được khuyến khích phát triển. Lịch sử kiến trúc phương Tây và một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã chứng minh điều này. Kiến trúc xung quanh hồ Gươm cần những phong cách mới mẻ, hiện đại. Cụ thể chúng ta sẽ làm thế nào, có lẽ cần đến nhiều bài viết dài hơn nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng: mới, hiện đại không đồng nghĩa với thô thiển, kệch cỡm hay thô bạo. Những phong cách mới trong hội họa, thời trang, văn học, thơ có lẽ đã linh động hơn so với kiến trúc trong việc phục vụ và phản ánh xã hội hôm nay. Cái mới và cái cũ ẩn hiện hòa quyện, bổ sung và phản ánh lẫn nhau sẽ tạo nên bức tranh phong phú và đa dạng của Hà Nội, của lịch sử phát triển văn hóa Việt nam.

Việc đánh giá, nghiên cứu và thiết kế các công trình kiến trúc quanh hồ phải dựa trên mối quan hệ của công trình kiến trúc với mạng lưới không gian đô thị xung quanh. Sự thất bại của "Hàm cá mập" và một số công trình khác là hiển nhiên bởi đã coi nhẹ yếu tố quan trọng này. Công trình đã không tạo ra được sự liên hệ với bác láng giềng "Phố cổ" của mình cả về tỷ lệ thị giác cũng như tổ chức không gian. Thêm nữa, lại thô bạo cắt đứt mối liên hệ vốn đã rất tinh tế của khu 36 phố phường này với không gian cảnh quan hồ Gươm. Sự suy diễn ích kỷ của chủ đầu tư về "diện tích sử dụng tối đa" đã không đem lại lợi ích cho không gian đô thị cũng như hiệu quả kinh tế thực sự của công trình. Trong khi đó, những công trình như siêu thị Intimex lại chọn giải pháp xen lẫn vào cấu trúc đô thị hiện hữu, tạo ra được những tiếp cận bất ngờ thú vị về không gian, đồng thời tạo ra một mật độ sử dụng rất cao mà không ảnh hưởng thô bạo tới cảnh quan xung quanh hồ. Có thể "Hàm cá mập" sẽ không nhận được nhiều phản ứng từ công chúng đến như vậy nếu được đặt đâu đó, chẳng hạn như khu Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trên đường Láng Hạ và Đài Truyền hình chẳng hạn?



Hàm Cá mập thô bạo phá vỡ không gian của phố cổ cũng như mối liên kết giữa chúng và hồ Gươm


Những cấu trúc không gian quan trọng như khu 36 phố phường, khu phố Pháp, trục Nhà hát Lớn - Tràng Tiền, trục Ngân hàng Nhà nước - vườn hoa Ghandi - Tháp Rùa, quần thể di tích đền Bà Kiệu, Ngọc Sơn v.v cần khẳng định mối liên hệ gắn kết với hồ Gươm. Câu chuyện về "bó đũa" hãy còn đó, chỉ qua gắn kết, bổ sung lẫn nhau, hồ Gươm và các cấu trúc không gian xung quanh hồ mới có thể khẳng định mình ở tầm đô thị. Hãy đừng ngại ngần sự giao thoa tất yếu của những yếu tố khác nhau này. Trong kỷ nguyên của thông tin, sự cọ sát, tiếp xúc của con người, của văn hóa, của ý tưởng sẽ là tất yếu. Đóng kín, lảng tránh sự giao tiếp đó là khuynh hướng đi ngược với xu thế phát triển.


Ảnh: Nguyễn Trương Quý
Đầu đề của talawas

© 2003 talawas