trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
9.1.2006
Nguyễn Chí Hoan
Thơ ca lành mạnh hơn thực tại
 
1.

Những người viết và những người đọc đều ít nhiều biết rằng văn chương có lắm những sự tinh tế éo le đặc thù riêng biệt. Chẳng hạn, các cụm từ "Thơ ca" và "Thi ca" hầu như không khác biệt về ngữ nghĩa, nhưng chắc chắn khác nhau về âm hưởng mà chúng gợi lên dù nghe bằng tai hay xem bằng mắt. Tất nhiên đó không phải là thứ âm hưởng của âm thanh vật lý, mà là âm hưởng đặc biệt của một số những ngữ cảnh - lạ lùng thay - vẫn cứ tồn tại cho dù thời đại của nó đã qua đi từ lâu rồi. Ðấy là một trong những khía cạnh - đôi khi mang tính vật chất, thường thì ở mức hoàn toàn cảm nhận được giống như rung động âm thanh - của một thứ vô hình ta quen gọi là các giá trị. Chính những ngữ cảnh từng tồn tại từ các thời kỳ cổ điển của văn chương đã khiến cho cụm từ "Thi ca" dội vào tâm trí ta một âm hưởng khác hẳn âm hưởng mà cụm từ "Thơ ca" gây nên.

Như vậy, một phần quan trọng trong sức tác động của văn chương nói chung chính là sức mạnh của các ngữ cảnh mà nếu không có hay không vận dụng được một cách đúng đắn thì ngôn từ văn chương rất có thể sẽ thành ra những bông hoa đực.


2.

Những người viết và những người đọc đều biết từ trong thâm tâm rằng Thơ không "phản ánh" thực tại đời sống theo lối kể lại như văn xuôi, nhưng đưa ra một hình ảnh trong gương của thực tại. Nếu cố tình, người ta vẫn có thể gọi là "phản ánh". Tuy nhiên, khi người ta cần/ muốn soi gương thì thường là khi người ta muốn/ cần phải xem xem mặt mũi bộ dạng mình có "vấn đề" gì không, hay đơn giản là tự ngắm mình. Cái nhìn vào hình ảnh trong gương là một cái nhìn suy xét và trực tiếp hiện tại. Nhìn hình ảnh một người khác trong gương/ qua gương hay nhìn một sự vật, một tình trạng qua gương cũng luôn luôn là một cái nhìn khác bình thường, cái nhìn của con mắt thứ ba. Nếu các nhà văn thường "nói chuyện" với các nhân vật của họ thì các nhà thơ "nói chuyện" với bất cứ ai đọc thơ mình. Ðó là câu chuyện đối thoại thầm lặng về cái nhìn của con mắt thứ ba chính ở nơi cái người bạn đọc ấy. Ðiều này trở nên đúng hơn, phù hợp hơn với Thơ của thời hiện đại. Bởi trong những thời kỳ dài cổ điển ngày xưa, người làm thơ đồng thời là người nắm giữ tri thức, tinh hoa xã hội giữa một biển quần chúng mênh mông nhìn chung là không có điều kiện học hành. Ngày nay, người đọc mà có học vấn (nói chung) hơn người làm thơ thì cũng là chuyện thường ngày dễ gặp. Nói rằng ta đang sống trong một "xã hội học tập" - dù chỉ tập trung ở các độ thị lớn nhỏ, dù chưa đạt tới một trình độ thực chất hiện đại - thì cũng không phải là ngoa ngôn. Bởi nữa, thơ ngày xưa, từ các loại cổ thể Ðường luật cho đến lục bát, song thất, thậm chí là Thơ Mới, vẫn có một tính chuẩn mực xa cách, chẳng hạn thể hiện ở quan niệm về "nhãn tự" - một chữ hay "cứu" cả bài thơ - hay "tuyệt cú" một câu hay "gói ghém" được cả bài. Nhưng thơ của thời hiện đại dựa nhiều hơn hay có thể nói là dựa cả vào cấu trúc nghệ thuận toàn bài, trên cơ sở đó mà tháo tung những ràng buộc/ chuẩn mực như các thứ niêm luật cấu tứ trước đây. Sự cởi mở đó cho phép phản ánh đúng hơn và thật hơn cái nhìn của con mắt thứ ba ở nhà thơ và do đó, những hình ảnh của thực tại trong thơ (bao gồm cả, nhiều khi chủ yếu là, trải nghiệm sống của người viết) sẽ là những sự soi xét, suy nghĩ về thực tại. Nếu các trải nghiệm và suy tư đó hiển nhiên là mang tính cá thể, riêng lẻ hơn thì cũng do vậy mà gần gũi hơn với con người cá nhân riêng tư của xã hội hiện đại, một sự gần gũi mang tính cách một giao tiếp nội tâm. Ðiều này cần được hiểu không phải như là tìm kiếm sự đồng cảm, đồng ý, tán đồng chung chung, mà là trình bày sự khác biệt mà mỗi cá nhân vốn có, sự khác biệt phổ biến nơi mọi con người. Bởi vì, không phải những cái chung làm nên sự đa dạng sống còn đối với văn hóa, mà sự đa dạng đích thực do những cái riêng từ mỗi nhà thơ tập hợp nên. Và ta đối thoại là đối thoại với một người khác, với cái khác biệt, cũng như ta suy nghĩ, suy xét là bởi có một phản đề, phản biện nào đó khác với điều ta nghĩ. Chính là trên cái nền đó mà ta tìm trong thơ hiện đại một hình ảnh qua gương của cái thực tại, một hình ảnh căn bản là cái suy tư về thực tại đó, mời gọi ta suy nghĩ và đối thoại trong sự khác biệt riêng ta.


3.

Gần đây, trên báo chí liên tục đưa ra những tin tức thống kê cảnh báo một tình trạng bừa bộn của quan hệ tình dục, chủ yếu nói về giới trẻ, trước hôn nhân và ngoài hôn nhân. Mới nhất là thống kê dẫn lại của báo chí bên Trung Quốc, nói rằng vào thời điểm 1989 thống kê là 15,5% thanh niên có quan hệ tình dục trước/ ngoài hôn nhân, và con số tương ứng năm nay là hơn 70%. Những thống kê như thế cho thấy sự lan tràn của một thực tế mà văn chương của nhiều tác giả trẻ không thể không nói đến. Còn nhớ mấy năm trước đã từng có một cuộc tranh luận ồn ào quanh cái người ta gọi là "hiện tượng" thơ của nhà thơ nữ Vi Thùy Linh. Cốt lõi của sự ồn ào ấy là phản ứng xung quanh việc Linh đã viết một cách thẳng thắn - nhưng, cần phải luôn luôn nhấn mạnh: bằng ngôn ngữ thơ, trong thơ - về những xúc cảm của một người phụ nữ liên quan đến tính dục, điều rõ ràng là hết sức hệ trọng đối với nữ giới. Trên bình diện một đối thoại, có thể nói rằng thơ ấy nói với người ta về một thái độ cần phải nghiêm túc trân trọng xúc cảm tính dục của phụ nữ ngang bằng với một trân trọng về nhân cách đối với bất cứ ai. Thông điệp này không mới, nhưng cách nhà thơ nói lên và thể hiện suy nghĩ thì có lẽ đã gây "sốc" với một số ai đó. Thực tế là nhà thơ nữ Phan Huyền Thư trong tập Nằm nghiêng (Nhà xuất bản Hà Nội, 2002) cũng đã dành khá nhiều trang viết để nói đến đề tài này, nhưng với rất nhiều vẻ đẹp, nhiều bí ẩn lấp lửng và do đó mà nhiều ý nghĩa ẩn dụ hơn. Ở thơ Phan Huyền Thư và những bài thơ mới đây của các tác giả nữ TP Hồ Chí Minh - Phương Lan, Lynh B., Thanh Xuân, Nguyệt Phạm, Khương Hà - nổi lên rất rõ một chiều hướng suy tư phân tích thực tại thông qua cái đề tài nhiều "kiêng cữ", đề tài về các biểu hiện tính dục trong đời sống hàng ngày. Những hình ảnh mà họ tạo dựng trong thơ chính là những hình ảnh trong gương của một thực tế tự nó không biết soi gương bao giờ. Họ đưa cho những sự đam mê hay lôi cuốn thân xác đó một hình ảnh của chính nó, nhưng không bao giờ là chính nó. Cái bản năng dâm dục vốn nằm ngoài sự suy nghĩ. Ðể suy nghĩ về các hệ lụy của nó, cần phải nhìn vào nó bằng con mắt thứ ba, bằng đối thoại, bằng cách đưa nó vào chỗ cái khác biệt.


4.

Tính chất hiện đại của cái Thơ ấy không hề nằm ở cái đề tài ấy, hay ở cái hình ảnh qua gương ấy của tính dục. Hãy xem các nhà thơ đưa nó vào các ngữ cảnh ra sao. Người đọc có thể tìm thấy trong thơ của họ rất nhiều những mẫu câu của thơ cổ điển tiếng Việt. Ngữ cảnh mà họ đưa ra luôn gợi trực tiếp một cái nhìn phân tích, trước hết là phân tích các xúc cảm của bản thân. Có thể thấy rõ họ suy nghĩ và mời gọi người đọc suy nghĩ. Và xưa nay, suy nghĩ bao giờ cũng là bước đầu tiên về phía lành mạnh, thay vì cứ mắt nhắm mắt mở mà sờ mó một con voi to như Thực tại.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ công nhân số 36, tháng 12.2005 (Bài viết dá»± định đọc trong buổi ra mắt tập thÆ¡ Dá»± báo phi thời tiết, Nhà xuất bản Há»™i Nhà văn, Hà Ná»™i 2005. Tiếc rằng buổi ra mắt không thá»±c hiện được, tập thÆ¡ bị đình chỉ xuất bản, Nhà xuất bản Há»™i Nhà văn đã chính thức nhận sai trÆ°á»›c công luận.)