trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
21.3.2006
PhÆ°Æ¡ng Duy
Nhận thức về dân chủ và chủ nghĩa xã hội: sự khác biệt giữa trí thức và dân thường
 
Dẫn nhập

Thời hạn để nhân dân đóng góp ý kiến cho bản dự thảo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trước Đại hội X đã qua, người ta đang tổng kết để trình lên trên. Họ có lắng nghe hay không, chỉ có Trời biết, Đảng biết. Đại công thần cỡ Võ Văn Kiệt còn chưa được để ý tới thì ý của đám dân đen chắc chỉ là chuyện mua vui. Có chăng để các Thái thượng hoàng nhìn lại đàn em xem ai trung thành, ai phản bội. Dù sao cũng có cái hay: cơ hội để các đảng viên tự nhìn lại mình, nhân thể nhìn quanh đám đồng chí đồng cơ quan ai bạn ai thù, ai tưởng là bạn và ai tưởng là thù. Đám dân đen cũng được dịp thổ lộ những bức xúc, được cái gì cũng tốt, mà mất thì chả còn gì để mất. Để coi Đảng xử trí ra sao với trò chơi chính trị khá thú vị này? Cóc đã mở miệng. Phải chăng có một ảnh hưởng nào đó từ nhóm thơ Mở Miệng mà lúc này dân đã mở miệng? Hay chỉ là một màn đấu trí cho sự tranh giành ảnh hưởng trong việc sắp xếp nhân sự? Một Nguyễn Đức Bình, nhà lý luận hàng đầu, kiến trúc sư của thời kỳ Đổi mới I nửa vời 20 năm trước với cụm từ „kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa“, kiên quyết đòi trở lại con đường XHCN chính thống, vẫn coi doanh nhân là nguyên nhân của sự bóc lột, và vì thế không chấp nhận cho đảng viên làm doanh nghiệp tư nhân. Một Nguyễn Trung với sự đổi mới nửa vời, đa nguyên nhưng không đa đảng. Một Phan Thế Hải dám đi một bước mạnh dạn hơn trong việc yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp, điều luật cho phép ĐCSVN quyền lãnh đạo đất nước tuyệt đối. Còn biết bao trí thức trong nước khác cũng đã lên tiếng, như các vị giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Lanh, Lê Doãn Tá, Lê Đăng Doanh, Phan Đình Diệu... tán thành cho đảng viên làm doanh nghiệp vì cho rằng: kinh tế tư nhân không phải là tai hoạ của xã hội mà là xóa đói giảm nghèo, và sẽ còn là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội Việt Nam rất lâu dài. Các vị này cũng đánh một dấu hỏi về ý nghĩa của sự kiên định CNXH là như thế nào? Sự áp dụng nó vào hiện thực của Việt Nam ra sao? Trong xã hội XHCN có dân chủ hay không? Ngoài ra còn hàng ngàn ý kiến trái chiều của những người dân thường vô danh tiểu tốt, nhiều người còn rất trẻ như sinh viên học sinh ở độ tuổi trên dưới 20, vì nhiều lý do không được đưa lên công khai bằng phương tiện truyền thông báo chí. Bài viết dưới đây xin thử có cái nhìn đại thể về sự khác biệt của hai lớp người qua các bài viết đã đọc.


Khái niệm dân chủ của thường dân

Dân chủ là gì? Là người dân làm chủ. Chủ là gì? Là người sở hữu một cái gì đó. Vậy dân chủ trên bình diện quốc gia là người dân làm chủ vận mệnh, trước hết của chính mình, sau đó của đất nước. Làm chủ vận mệnh mình nghĩa là không bị người khác nhân danh một điều gì đó để sai khiến, đàn áp trái với ý nguyện riêng. Làm chủ đất nước thì có quyền lãnh đạo hay chỉ định người (hay một nhóm người) lãnh đạo đất nước. Người dân thường chỉ hiểu một cách đơn giản và dễ hiểu như thế. Người dân thường lại chiếm tỷ lệ đại đa số trong nhân dân. Sao quý ngài tự nhận mình là những trí thức, những học giả, đặc biệt ở trong nước, cứ phải mở ra những cuộc tranh luận quanh co khó hiểu? Tại sao cứ phải dùng những tước vị, học hàm của mình để đưa ra những lý thuyết, những lập luận lòng vòng, ngày càng trở nên rối rắm khó hiểu? Cái gì có thể định nghĩa? Cái gì phải dùng khái niệm? Con người tạo nên những học thuyết, nhưng con người lại sống với thực tại. Thực tế cuộc sống, qua thời gian, là những bằng chứng hùng hồn nhất cho giá trị của một học thuyết. Vậy thì, sau gần 200 năm ra đời của học thuyết Marx về CNXH, sau hơn 60 năm tự tiện đơn phương quyết định áp đặt học thuyết này lên đất nước Việt Nam, ĐCSVN vẫn còn đang tranh luận về sự đúng sai của nó?


Dân ngu hay ngu dân?

Có một số trí thức XHCN lý giải rằng dân trí Việt Nam còn thấp lắm, suy đoán còn lạc hậu, chưa hiểu nổi thế nào là CNXH với tất cả những mục đích cao đẹp của nó, vì thế Việt Nam chưa thể có dân chủ, người dân còn cần được giáo dục, cải tạo hướng dẫn lâu hơn, nhiều hơn nữa, Đảng cần lãnh đạo quản lý họ thật chặt chẽ để họ quán triệt đường lối chính sách đúng đắn của Đảng trên con đường tiến tới CNXH, để tư tưởng không bị lung lạc, chệch hướng. Giả thử cứ cho đường lối XHCN là hoàn thiện, xin hỏi, với trên 50 năm ở miền Bắc và hơn 30 năm ở phạm vi cả nước dưới quyền lãnh đạo của ĐCSVN, Đảng còn cần tới bao nhiêu thời gian nữa thì việc giáo dục cải hoá người dân mới hoàn tất? Hàng trăm dân tộc trên thế giới, dân trí cũng không cao hơn nhân dân Việt Nam mà họ đã có dân chủ từ nhiều thập niên trước. Không lẽ phải hiểu đây là chính sách ngu dân? Trong thế giới ngày nay, đặc biệt với kỹ thuật tin học, không thể viện cớ dân trí còn thấp để giới hạn các quyền tự do dân chủ của con người. Càng tệ hại hơn, khi cho mình là một trí thức để khinh bỉ người dân thường.


Chủ nghĩa ưu việt, vận dụng sai lầm?

Một số người cho rằng CNXH luôn luôn đúng vì nó là một học thuyết tuyệt vời, với mục đích cao cả cuối cùng là mang đến hạnh phúc và bình đẳng cho nhân loại, chỉ có những con người, những chế độ khi áp dụng nó đã sai lầm chệch hướng. Ở đây, chúng ta hãy đặt vấn đề với quý vị này qua một câu hỏi: một học thuyết không có tính nhân bản, không có lòng bao dung mà chỉ khích động toàn các phương tiện bạo động: đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, tiêu diệt kẻ thù, dùng bạo lực cướp chính quyền, với vũ khí đầy rẫy những hận thù như thế, làm sao có thể tiến tới được cái thiên đường mộng tưởng của sự công bằng, nhân ái và hạnh phúc, vì trong bản chất của nó đâu có hiện diện tình thương yêu, sự tha thứ? Không thể biện luận cho việc tiêu diệt một số người, một số giai cấp để mưu cầu hạnh phúc cho một giai cấp khác. Trong tình nhân ái không có hận thù, không có từ giết chóc. Thực tế trong gần 100 năm, con đường mà CNXH đi qua trên mặt đất đã để lại rất nhiều máu và nước mắt. Liên Xô và các nước Đông Âu vừa tuyên bố xây dựng thành công CNXH thì chế độ sụp đổ. Vài nước còn lại như Trung Quốc, Việt Nam vội quay đầu lại, bám đuôi cái chủ nghĩa mà họ vẫn đang lớn tiếng hò hét là nó đang giẫy chết. Điều này cho thấy sự sai trái, phản khoa học, phản nhân tính của CNXH.

Thế nhưng lạ nhất là những người nói trên lại tự mãn, cho rằng, sự “đổi chiều” này là do Đảng rất khôn ngoan, biết vận dụng trí óc và sự sáng tạo vào chủ thuyết XHCN. Trong khi nhân dân các nước đã thoát ra khỏi sự mê muội về cái chủ nghĩa điên cuồng trong bạo lực đó, đang vui mừng hạnh phúc và cố gắng đoàn kết xây dựng lại đất nước tan hoang vì chủ nghĩa đó, thì những người trí thức này lại lên tiếng thuyết giảng: nào là chế độ sụp đổ vì sai lầm trong sự áp dụng học thuyết, vì người lãnh đạo yếu kém, thậm chí phản bội nhân dân, phản bội lý tưởng cộng sản hoặc rơi vào kế “diễn biến hoà bình” của tư bản, của bọn phá hoại qua cái gọi là “đổi mới và cải tổ” (peretroiska và glasnost). Đối với những người này, ĐCSVN rất ưu việt nên đã vượt qua được thủ thách. Trong lý luận vẫn giữ vững được lý tưởng XHCN, trong thực tại, chế độ vẫn tồn tại, vẫn phát triển vào sự hội nhập với thế giới toàn cầu. Đây là sự lừa bịp, mỵ dân: Khi chưa nắm được quyền lực trong tay, ĐCSVN tự khoác chiếc áo vô sản bằng cách đồng hoá Đảng vào giới lao động (Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân). Thực tế cho thấy xã hội Việt Nam là một xã hội mà thành phần công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé, Đảng choàng luôn cho mình cả lớp áo nông dân, thành phần chính yếu của xã hội Việt Nam bằng một trò bịp ngoạn mục gọi là liên kết công nông, coi đây là một vận dụng đầy tính sáng tạo, một bước tiến đi trước thời đại, đi trước cả những ưu việt của Marx. Thật ra khi đó, Đảng quên rằng mình đã sao chép y hệt những gì mà hai đảng đàn anh lớn là Liên Xô và Trung Quốc đã làm. Nhờ xảo thuật ẩn mình vào liên minh công nông này, Đảng đã phát động được cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giải phóng cướp chính quyền, xây dựng một nhà nước chuyên chính vô sản, coi tư bản với nền kinh tế thị trường là bọn bóc lột. Với giáo điều chuyên chính vô sản, quyền tư hữu bị triệt hạ, cá nhân không có chỗ đứng trong một xã hội tập thể làm chủ, chủ trương: “mình vì mọi người, mọi người vì mình” được đề cao. Kết quả là đã tạo ra một xã hội vô trách nhiệm, “cha chung không ai khóc” vì không ai được sở hữu cái gì cho riêng mình. Tất cả nhân lực vật lực tập trung vào một nhóm thiểu số có quyền hành lãnh đạo, nhưng lại không biết cách quản lý, thành ra đất nước tả tơi tan tác. Nhìn lại mình và so sánh với thế giới còn lại, chợt thấy mình quá tụt hậu, đất nước đang trên bờ vực thẳm, ĐCSVN làm một cú huých đổi mới, ôm lấy chân tư bản ngoại quốc, học đòi làm kinh tế thị trường theo lối tư bản, cho họ vào ào ạt để tha hồ bóc lột công sức nhân dân lao động trong nước. Nhờ tham nhũng hối lộ, tiếp tay cho đám tư bản nước ngoài bóc lột sức lao động của công nhân (điển hình là những vụ đình công của công nhân Việt Nam đã và đang xảy ra đồng loạt), một số đảng viên có chức quyền và gia đình họ có một số vốn trong tay, muốn hạ cánh an toàn, hợp pháp hoá số tài sản ăn cướp từ công quỹ của đất nước và của toàn dân, nên đã ra một dự thảo có điều luật cho phép đảng viên làm doanh nghiệp, tức là trở thành nhà tư bản.

Nói trắng ra như vầy: Đảng dùng nhân dân lao động để nắm chính quyền; khi có quyền lực trong tay, Đảng tiêu diệt hết các nhà tư sản để cướp của, dùng chuyên chính vô sản để cướp đất cướp nhà của chính nhân dân lao động mà họ đã từng nhân danh để làm cách mạng. Khi nhân dân không còn gì để cướp, Đảng nắm toàn bộ tài sản đất nước trong tay nhưng lại không biết cách điều hành quản lý, nên lại mời gọi chính kẻ thù truyền kiếp của giai cấp vô sản là giới tư bản vào để cho họ bóc lột nhân dân, những người lao động thực sự, học cách quản lý của chúng và bây giờ muốn trực tiếp bóc lột nhân dân nhiều hơn bằng cách đồng thuận cho đảng viên được làm doanh nghiệp tư nhân, quy mô không giới hạn.

Trong tình trạng hiện nay, một số trí thức biện luận rằng: cho người dân được làm kinh tế, còn đảng viên không được phép làm là không công bằng, vì đảng viên cũng có gia đình và nhu cầu sinh sống như tất cả mọi người. Đồng ý là đảng viên có quyền bình đẳng và nhu cầu như tất cả mọi người, nhưng đảng viên cũng không thể ở một giai cấp cao hơn, nhiều cơ hội và thuận lợi hơn trong việc làm kinh tế. Nếu nghĩ làm đảng viên bị thiệt thòi thì cứ tự ý ra khỏi Đảng, không lẽ vào Đảng vì bị ép buộc? Vả lại, lý tưởng và mục đích khi gia nhập Đảng là gì nếu không là sự cao đẹp của con người hy sinh bản thân mình để phục vụ tha nhân? Còn nếu tiếc nuối thì phải hiểu rằng: khi đảng viên làm kinh tế tư nhân sẽ có được bao lợi thế hơn người dân thường biết chừng nào. Thí dụ: đi vào trong thương trường, một thế giới cạnh tranh, người đảng viên sẽ rất có lợi khi biết trước người khác những thông tin, đường lối, kế hoạch của Đảng và nhà nước, của các cơ quan chính quyền. Chỉ cần biết trước một tin tức nhỏ, anh ta có thể làm giầu hay tránh được những rủi ro thiệt hại lớn đến nguồn vốn chỉ trong một chớp mắt; mà những người không là đảng viên, không có có cơ hội được biết những tin tức như thế, nên luôn bị thất thế. Làm doanh nghiệp kiểu đó thì người thường làm sao cạnh tranh nổi? Người dân thường, ai sẽ dám bỏ vốn ra đầu tư vào doanh nghiệp mà phần thua lỗ gần như chắc chắn, khi những đối thủ cạnh tranh nắm vận mệnh họ trong tay? Vấn đề dựa vào uy lực của đảng viên và chức vụ để cạnh tranh bất chính như nói trên không chỉ là một sự bất công mà có thể là sự bóc lột, đặc biệt khi Đảng là đảng cầm quyền tuyệt đối như ĐCSVN.

Sự bóc lột hiện thời ở các nước XHCN còn sót lại như Việt Nam không chỉ đơn thuần về phương diện kinh tế với khái niệm tước đoạt giá trị thặng dư. Sự bóc lột còn ảnh hưởng quy mô đến người dân hơn qua việc trưng thu, tịch biên tất cả tài sản, công cụ sản xuất (nhà máy, xưởng thợ, đất đai, trâu bò…) và tập thể hoá các công sức, ngành nghề dịch vụ, bóp nghẹt những sáng kiến cá nhân, nếu những sáng kiến này được dùng thì người phát minh ra nó lại không được hưởng những thành quả. Về mặt tư tưởng, sự ép buộc người dân phải kiên định theo một chủ nghĩa, nói và suy nghĩ một chiều, cấm hay hạn chế những thông tin ngoài luồng, phê bình góp ý chỉ theo chiều hướng tích cực cũng là sự bóc lột về tinh thần. Dung túng bao che, thậm chí dàn xếp những vi phạm pháp luật, sử dụng xảo thuật phê và tự phê làm tan nát hạnh phúc gia đình, đạo đức căn bản của xã hội, cũng là sự bóc lột về mặt luân thường đạo lý. Biết bao nhiêu cá nhân, gia đình bị trù dập, ngược đãi, vu khống, vì những chính sách sai lầm, vì sự lạm dụng quyền hành của những đảng viên đặt mình ngồi trên pháp luật, cho đến giờ, sau hơn 30, 50, thậm chí 60 năm con cháu biết bao gia đình vẫn chưa ngóc đầu lên nổi? Nói về bóc lột thì vô cùng, người viết mong có dịp sẽ bàn thảo sâu rộng hơn.


Chủ nghĩa xã hội đã cải tạo chủ nghĩa tư bản trở nên tốt hơn?

Một số người cho rằng CNXH là tốt đẹp, vì nó đã có công cải tạo CNTB. Theo họ, chủ nghĩa tư bản thoạt đầu rất xấu xa, nhờ sự lên án, phê bình của chủ thuyết Marx mà nó phải tự đánh giá, tự cải tạo, nên ngày nay, dù bản chất bóc lột vẫn còn, bộ mặt của CNTB đã bớt xấu xa đi nhiều, nó đã có thể thoả hiệp để cùng cộng tác với giai cấp công nhân và nhân dân lao động và như thế có thể chấp nhận được, chung sống được và đi đồng hành với xã hội XHCN. Thực tế cho thấy, một phần của nhận định này là có lý. Nhưng giả sử lập luận này có hoàn toàn đúng đi nữa, người ta vẫn có thể nêu lên một số vấn đề: Tại sao bản chất của CNTB là xấu xa mà nó biết học hỏi ở ngay chính kẻ thù muốn tiêu diệt nó để tự cải biến, để tồn tại và vươn lên, trong khi CNXH tự khẳng định mình là tốt đẹp nhất lại không biết nghiên cứu học hỏi thêm theo đúng tinh thần khoa học, phản biện lại chính cái nguyên tắc của nó là không có gì tuyệt đối? Sự quay đầu trở lại của CNXH theo mô hình của CNTB, phải chăng là một sự đầu hàng, một sự theo đuôi, thì làm sao có thể thẳng tiến tới một xã hội Chân Thiện Mỹ, một xã hội nơi người không bóc lột người, một thế giới cộng sản? Một điều mâu thuẫn khác là sự quyết tâm của CHXH đào mồ chôn CNTB, trong khi đó CNTB không đòi tiêu diệt ai, nó tìm cách sống chung, học tập những cái hay đẹp của kẻ muốn giết mình để tồn tại, và để kẻ thù đó tự diệt vong. Ai tốt hơn ai?


Chủ nghĩa xã hội thoái trào theo thời gian

Một số người khác lại suy luận rằng Marx và học thuyết cộng sản đã hoàn toàn đúng ở thời điểm ông đang sống vào thế kỷ 19. Khi đó giai cấp công nhân rõ ràng là giai cấp vô sản bị bóc lột tận xương tuỷ. Đồng cảnh ngộ với lớp công nhân này là giai cấp nô lệ nảy sinh từ chế độ phong kiến, từ sự xâm lược của đế quốc, chiếm đoạt đất đai các xứ nhược tiểu và bắt nhân dân các nước đó làm nô lệ. Marx và CNXH đã là cảm hứng cho cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị trị, phát xuất từ đấu tranh giai cấp với khẩu hiệu: “Vô sản các nước đoàn kết lại”. Khi các cuộc giải phóng khỏi ách thống trị đã thành công, CNTB đã tự chuyển đổi để thích hợp với sự tiến triển theo công thức dựa vào nhau để cùng sống thì CNXH lại giậm chân tại chỗ, vì tự mãn với thành quả, do đó những tư tưởng ban đầu trở nên lỗi thời, không theo kịp thời đại. Nếu cứ cho những suy nghĩ này là đúng đắn, người viết lại xin đặt ra vài câu hỏi: Như vậy, CNXH được coi là đúng cho tới thời điểm nào? Cho tới lúc nào nó bắt đầu thoái hoá? Có người (như TS Nguyễn Quang A) nhận định sự thoái hoá đã có cả trăm năm trước. Theo lịch sử, ĐCSVN mới thành lập được 75 năm, cuộc Cách mạng Nga 1917 với chủ nghĩa Marx-Lenin cũng chỉ mới tròm trèm 90 năm. Nói chung, các chế độ cộng sản trên thế giới chỉ chào đời và phát triển sau khi học thuyết XHCN và những nhận định của Marx về tư bản đã thoái trào, không còn đúng đắn nữa? Nếu đây là sự thật thì các đảng cộng sản trên thế giới tội lỗi vô cùng khi áp đặt một chủ nghĩa đã ở vào buổi hoàng hôn, không còn đúng đắn nữa, nên đã gây tai hoạ tày trời cho nhân loại? Nói về sự xuất chúng của Marx, là một nhà tư tưởng lớn, nhưng Marx không tiên đoán được sự thay đổi nhanh chóng của thế giới sau cuộc cách mạng kỹ nghệ, không thấy trước được sự thoả hiệp giữa các nhà tư sản và giai cấp vô sản, sự tranh chấp đã không đến giai đoạn một bên bị tiêu diệt mà đi đến đồng thuận, thì học thuyết của Marx có vĩ đại chăng? CNXH luôn luôn tự nhận là một chủ nghĩa mang tính khoa học, dùng khoa học để lý giải học thuyết, thí dụ như dùng công thức H= M+C+V (nói về giá trị thặng dư và sự bóc lột trong kinh tế), nhưng lại hoàn toàn chú trọng đến phần lý luận mà không quan tâm đến thực tiễn, thì chủ nghĩa ấy có tính khoa học hay phản khoa học? CNXH khi chủ trương chống lại tư bản, tiêu diệt các giai cấp khác, lấy bạo lực làm phương tiện chính thống và duy nhất trong sự đấu tranh, không khoan nhượng, không thoả hiệp, lấy hận thù làm yếu tố để tỏ rõ lập trường. Hận thù càng nhiều thì mục đích cao đẹp: xã hội công bằng, người người hạnh phúc, càng xa vời, tại sao Marx và những người theo ông không ai nhận ra cái mâu thuẫn đó?


Một cụm từ, hai khuynh hướng

Nói cho cùng, bàn về CNXH, tốt hay xấu, đúng đắn hay sai lầm, nên hay không nên định hướng chẳng qua là bàn về cách nhìn của hai khuynh hướng. Các nhà trí thức, đặc biệt giới trí thức XHCN, đặt căn bản của sự tranh luận trên phương diện lý thuyết thuần túy. Họ chú trọng đến các ưu khuyết điểm của những tư tưởng lớn như Marx, rồi vận dụng lý luận và khoa học để giải thích các tư tuởng ấy cho dù nó có thể đã xảy ra, chưa xảy ra hoặc sẽ không bao giờ xảy ra. Trái lại, người dân thường có khuynh hướng nhìn vào thực tại đời sống, những gì đã và đang biểu hiện trước mắt để đánh giá một chủ nghĩa. Nhu cầu và sự đào thải là quy luật tự nhiên của sự sống. Nhu cầu được đáp ứng, sự vật tồn tại và phát triển; thiếu nhu cầu, sự vật bị tàn lụi và diệt vong. Nhu cầu được thoả mãn, con người an vui hạnh phúc, nhu cầu chưa đáp ứng, người ta đi tìm một giải pháp tốt hơn để đạt được nhu cầu đó mà không cần theo một nguyên tắc bất biến của học thuyết nào. Các nhà lý luận cứ đang loay hoay với vấn đề học thuật trong việc nghiên cứu về CNXH của Marx, cố chứng minh rằng dù đã bị thế giới tẩy chay Marx vẫn đúng, hoặc như vầy không phải là Marx, phải thế này thế kia mới đúng, thì người dân thường đã không còn đủ kiên nhẫn trước những thực tế xảy đến hàng ngày trước mắt. Trải qua thời gian gần 100 năm thử nghiệm trên gần nửa dân số toàn cầu, nhân loại đã nhận thức rõ ràng những “chân lý” của CHXH, với kết quả là hầu hết đều quay lưng lại, chỉ trừ 4 quốc gia mà người dân thường chưa được hỏi ý kiến để chọn lựa. Nếu qua biết bao nhiêu kế hoạch 5 năm với hàng chục đại hội Đảng mà cái mục tiêu dân giầu nước mạnh còn xa vời, bất công xã hội còn đầy rẫy, tham nhũng bóc lột càng lớn mạnh hơn thì lý thuyết tư tưởng có vĩ đại tới đâu, mục đích tôn chỉ cao đẹp tới đâu cũng chỉ là những từ sáo rỗng, miếng bánh vẽ, hay nói nặng hơn, lời nói dối ngọt ngào vĩ đại. Hãy đưa tôi đến một ốc đảo, nơi đó tôi sẽ tìm thấy nước để thoả mãn cơn khát cháy cổ, bằng không, đó chỉ là một ảo giác. Mong có một ngày người viết được bàn luận thêm về CNXH đích thực.

Australia, 11/03/2006

© 2006 talawas