trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
22.3.2006
Phan Quang Thọ
„Xé rào“ – Đặc tính khảng khái Nam bộ
 
Loạt bài „Đêm trước đổi mới“ đăng trên tờ Tuổi trẻ điện tử hồi đầu tháng 12.2005 [1] có thuật lại một số chuyện liên quan đến một loạt các chủ trương hành động của lãnh đạo Đảng Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cấp tỉnh ủy miền đồng bằng Cửu Long vượt ra khỏi đường lối chính sách của Trung ương Đảng thời tập trung bao cấp của cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 để giải toả nạn đói đe doạ thật trầm trọng tại miền Nam nói chung và tại Thành phố HCM nói riêng.

Một vài danh tánh của những Đảng viên có trách nhiệm lãnh đạo tại TPHCM cũng như tại miền Nam đi tiên phong trong cao trào „xé rào“:

  • Võ Trần Chí, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, tiền nhiệm của Võ Văn Kiệt
  • Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị
  • Lữ Minh Châu, nguyên giám đốc ngân hàng Nhà nước TPHCM
  • Ba Thi, nguyên giám đốc sở lương thực TPHCM
  • Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang
  • Bảy Phong, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
  • Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư tỉnh ủy An Giang
  • Nguyễn Văn Chính, nguyên bí thư tỉnh ủy Long An
Gọi một cách đại chúng thì đó là hiện tượng „xé rào“. Như vậy có phải chỉ là những chủ trương hành động vô kỷ luật, mang tính tích cực thời điểm, nên đã đưa đến kết quả khả quan và tạo cơ hội cho kỷ nguyên đổi mới?

Người viết bài này không ngạc nhiên về hiện tượng „xé rào“, vì hiện tượng này đã có tiền lệ trong quá khứ. Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, đối diện với tình hình chính trị thế giới vào thời điểm mà phát-xít Nhật và Đức đã nắm được chính quyền tại hai quốc gia trên, nên Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản đã quyết định sách lược hành động thiên hữu vào tháng 7.1935. Thể theo đó, chính phủ Mặt trận Bình dân đã được thành lập tại Pháp [2] . Trần Văn Giàu, một người miền Nam, cán bộ tốt nghiệp trường Đảng cao cấp Đông Phương tại Mạc Tư Khoa, trở về xứ năm 1932 và trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ miền Nam. Tháng ba năm 1933, trước nghị quyết VII của Quốc tế Cộng sản ban hành, Trần Văn Giàu đã „xé rào“, liên hiệp với nhóm Trotskist và Quốc gia cấp tiến, thành lập một danh sách ứng cử hội đồng thành phố Sài Gòn. Nhóm lấy tên „La Lutte“ (nhóm Tranh Đấu). Hai ứng cử viên Nguyễn Văn Tạo (cộng sản), và Trần Văn Thạch (Trotskist) đã trúng cử trở thành ủy viên Hội đồng Thành phố Sài Gòn và đấu tranh theo hình thức nghị trường. Sau đó vào năm 1937 nhóm này lại thành công trong cuộc bầu cử Hội đồng Thuộc địa Nam Việt Nam với 3 đại diện Tạ Thu Thâu (Trotskist), Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo (cộng sản) [3] . Nam kỳ khởi nghĩa cũng là một hành động “xé rào”.

“Xé rào” ở Đảng bộ Nam bộ mang tính truyền thống và nó biểu hiện một đặc tính ưu việt của một chính đảng mà chỉ riêng Đảng bộ Nam bộ mới có: đó là một nếp sinh hoạt dân chủ nội bộ, trên dưới thảo luận theo “tinh thần Diên Hồng”, chứ không phải hệ thống chỉ thị đẳng cấp kiểu dân chủ tập trung theo khuôn mẫu “Đảng kiểu mới” của Lenin rất phổ biến tại miền Bắc.

Hiện tượng „xé rào“ trong „Đêm trước đổi mới“ không phải là một chủ trương, hành động bột phát, do bức xúc tối đa rồi cũng „liều nhắm mắt đưa chân”. Những người cộng sản miền Nam ở các cương vị lãnh đạo vào thời điểm ấy không gò bó Đảng trong khuôn khổ lý luận cứng nhắc. Họ trực diện với thực tế. Từ thực tế, họ đề ra những quyết sách thức thời đã được „tinh thần Diên Hồng“ hỗ trợ và chấp nhận hy sinh.

„Tinh thần Diên Hồng” thể hiện rất rõ nét ở cuộc gặp mặt các cán bộ lãnh đạo các ngành có trách nhiệm tại nhà riêng của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM. Các thành viên „Hội nghị Diên Hồng” tại tư gia của anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) gồm có Lữ Minh Châu, lúc đó là giám đốc ngân hàng nhà nước ở TPHCM, Năm Ân, lúc đó là giám đốc sở tài chính, Năm Nam, lúc đó là chánh văn phòng Thành ủy và bà Ba Thi, giám đốc công ty lương thực TPHCM. Cuộc họp mặt không thể hiện một khía cạnh nào của một cuộc họp Thành ủy. Nó hoàn toàn mang tính chất “hội đồng gia tộc”, toát lên một không khí khảng khái Nam bộ, vì dân quên mình. Lấy giải pháp, chứ không cần lý giải. Anh Hai gánh chịu hậu quả, em Út sẵn sàng dấn thân, chấp nhận hi sinh vì nhân dân thành phố (xem bài: “Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá”). Xét về mặt lý luận Đảng: đây là một hình thức dân chủ nội bộ của một Đảng chân chính.

Tương tự như ở TPHCM, ông Nguyễn Văn Chinh (Chín Cần), bí thư Tỉnh ủy Long An từ năm 1979 cũng đã bàn bạc với phó giám đốc sở thương nghiệp Hồ Đắc Di để tìm ra giải pháp đột phá chế độ tiền lương (xem “Bù giá vào lương”). Nếu không có “tố chất khảng khái Nam bộ”, chỉ biết “mũ ni che tai, cầu an bảo mạng, an phận thủ thường, sống chết mặc bay” mà đại đa số các chức sắc trong Đảng ngoài Bắc phần (ngay cả người dân Bắc cũng thế), thì “rào tập trung bao cấp” vẫn tồn tại và kỷ nguyên đổi mới của đất nước chắc bây giờ cũng còn bơ vơ vơ vẩn giữa luân hồi.

Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, cũng “xé rào” qua phương thức áp dụng khoán trong nông nghiệp, nhưng không có “Tinh thần Diên Hồng” hỗ trợ và không có tố chất miền Nam, nên bị hệ thống đẳng cấp quyền lực Đảng trấn áp và thất bại.

Một hành động “xé rào” mang tính tư tưởng và quan điểm giai cấp, mạo hiểm tột bực: đó là sự thành lập và hoạt động của một số chuyên gia kinh tế với cái tên nhóm “Thứ Sáu” (họ thường sinh hoạt thứ sáu hàng tuần) mà thành phần chủ yếu là các chuyên gia tầm cỡ của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Người từ trại cải tạo về, kẻ không thuộc diện cải tạo thì sống trong cảnh nửa thất nghiệp bên lề xã hội. Thế mà họ (Phan Tường Vân, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng…) đã được Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Trần Chí lúc ấy trọng dụng như những “quân sư kinh tế” (xem bài: “Chuyển đổi vô hình”). Chỉ có những người miền Nam như Võ Trần Chí, có tố chất miền Nam thật đậm đặc mới dám “to gan” như vậy (xem bài: “Chuyển đổi vô hình” mô tả về sự phê phán của nhóm “quân sư” về chính sách tiền tệ của Trung ương Đảng Cộng sản).

Gần 30 năm sau, Đảng bộ hầu hết các tỉnh ở miền Nam lại “xé rào” trong công tác kiểm điểm thành quả của đổi mới. Trung ương chỉ tổng duyệt lại 20 năm Đảng lãnh đạo đổi mới. Nhưng Thành ủy TPHCM và hầu hết các tỉnh ủy Nam bộ khác đều tiến hành kiểm điểm 30 năm, bởi vì những cấp ủy và đảng viên đều có một tinh thần trượng nghĩa nên dám nhìn thẳng vào đại hoạ từ sau giải phóng cho tới trước Đại hội Đảng VI đã đẩy đất nước đến bên bờ vực thẳm của những bất an với những hậu quả không thể lường trước được.

Những đặc thù này của những người cộng sản miền Nam nói riêng và của người dân Nam bộ nói chung đã nằm trong „gien“, được nảy nở trong môi trường sinh sống. Và vì vậy “gien” này cũng được tự nhiên cấy vào bất cứ một người nào sinh sống lâu năm tại môi trường Nam bộ, bất kể nguồn gốc nào.

Vậy cái „tố chất“ ấy đã được cấu tạo, hun đúc bởi những yếu tố nào?


Địa lý / Khí hậu

Nằm ở phần cực Nam của đất nước, trải dài trên 1600 cây số. Từ ngày Chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi, ngàn năm vẫn nhớ đất Thăng Long. Tuy những chuẩn mực luân lý như Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức, Quân sư phụ v.v… vẫn còn được bảo trọng, nhưng áp dụng với một quan niệm cấp tiến hơn. Nói chung, càng xa trung tâm văn hoá kinh kỳ bao nhiêu thì phân lượng phôi pha với nền văn hoá bị chinh phục càng nhiều thêm. Càng xa trung ương bao nhiêu, càng phải phát huy tinh thần tự quyết, tự chủ, tinh thần tự lực cánh sinh và tình keo sơn.

Miền Nam Việt Nam được phù sa đắp bồi với ba con sông lớn Vàm Cỏ, Đồng Nai và Sài Gòn. Ruộng đồng hai bên lưu vực ba con sông vừa nêu bát ngát, phì nhiêu, màu mỡ. Miền Nam chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô, được điều tiết bởi thay đổi chiều gió. Nhiệt độ quanh năm chuyển dịch từ 26 đến 32 độ. Lưu lượng của sông Cửu Long và bể chứa nước Biển Hồ nằm ở trung tâm xứ Chùa Tháp là một công trình đập thiên nhiên khổng lồ, điều tiết mực nước lên xuống của dòng Cửu Long. Do đó mà miền Nam không cần những hệ thống đê điều như ngoài Bắc bộ. Thời tiết nóng thường xuyên đã ưu đãi canh tác tại đồng bằng Cửu Long. Và cũng do thời tiết nóng quanh năm nên con người sinh hoạt phần lớn ngoài trời. Gặp gỡ, giao tiếp với nhau ngoài xã hội thường xuyên hơn. Thời gian quanh quẩn bên bốn bức tường rất ít.

Nói chung thiên nhiên thật sự đã ưu ái với miền này. Cuộc sống tuy phải vất vả lao động, nhưng không đến nỗi „bắt sỏi đá phải bòn ra sắn gạo“ và chuyện „xiềng ba sào“ ngoài Bắc đối với người miền Nam mang tính huyền thoại nhiều hơn. Con người có cảm tình với thiên nhiên nhiều hơn và sống rất phóng khoáng. Cộng đồng người miền Nam chỉ còn lo chung vai sát cánh, hỗ tương lẫn nhau để cùng xây dựng cuộc sống ngày càng dễ chịu và đầy đủ hơn về cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Do đó mà người Nam trọng chữ „tín“, tinh thần trượng nghĩa vì nhau, „có phước cùng hưởng, có hoạ cùng chung“. Đạo lý „anh Hai em Út“ không đơn thuần mang tính băng đảng. Nó thực sự mang tính ruột thịt, đùm bọc, hy sinh cho nhau. Đối mặt với một sự việc hay một tình huống, người miền Nam đặt vấn đề tìm giải pháp chứ không đi tìm lý giải. Thấy bạn hiền hay em út cần tiền, nếu có lập tức đưa ngay, nếu không có sẽ tìm cách xoay sở cho ra, dù ở nhà vợ con nhịn đói. Không bao giờ chất vấn, hỏi cho ra lẽ. Người viết bài này hồi tưởng lại thời sau 1954 về chính sách đối với những cán binh miền Nam tập kết ra Bắc. Hầu như đã có chỉ thị bất thành văn về việc bố trí công tác cho họ. Trưởng phòng tổ chức hay nhân viên các phòng tổ chức của các cơ quan hay công ty nhà nước từ địa phương cho tới trung ương đều không được bố trí người miền Nam. Công tác „vinh quang“ dành cho con em của Thành Đồng Tổ Quốc là ngành hoả xa, làm đường sắt. Ưu đãi hơn nữa là làm việc tại các tập đoàn sản xuất. Cũng chỉ vì trung ương „ngán“ cái đặc tinh khảng khái của người miền Nam, rất ngại những tư tưởng và hành vi „xé rào“ của họ.


Giao lưu văn hoá

Phôi pha với các nền văn hoá bị chinh phục (Chămpa), văn hoá bản địa (Thủy Chân Lạp) văn hoá dân nhập cư (cộng đồng người Hoa di cư sống tỵ nạn tại miền Nam thời Minh suy Thanh thịnh) con người miền Nam đã tự biết hấp thụ những tố chất tinh hoa của các nền văn hoá đề cập ở trên. Và như vậy đương nhiên họ phải biết tự đào thải những qui ước tiêu cực, lỗi thời từ ngàn xưa của nền văn hoá dân tộc mình. Người miền Nam đã biết thích ứng với nền văn hoá phương Tây thống trị gần một trăm năm với quy chế thuộc địa, để đưa những tinh hoa của nền văn hoá ngoại lai đó kết hợp với những đặc điểm ưu việt của nền văn hoá dân tộc, và do đó nâng cao trình độ văn minh của dân tộc mình.


Lý luận hoá hiện tượng „xé rào“

Hiện tượng „xé rào“ đã diễn biến tại miền Nam. Về phương diện lý luận chính trị, đó chính là nền tảng
của một nguyên tắc sinh hoạt dân chủ nội bộ Đảng. Nguyên tắc này nên được phát triển lên một trình độ cao hơn, đó là tính đa nguyên trong nội bộ Đảng. Trước khi kiến tạo đa nguyên trong xã hội, hãy quyết tâm hình thành đa nguyên ngay trong nội bộ mình. Đây là mấu chốt để Đảng cầm quyền duy trì được vai trò mà mình muốn, khắc phục được những „vấn nạn hiện đang tồn tại“. Giải pháp đã có, chỉ còn thiếu quyết tâm. Hãy học tập tinh thần „xé rào“.

© 2006 talawas



[1]Gồm các bài: 1. Ký ức thời „sổ gạo“, 2. Vòng kim cô, 3. Khi chợ trời bị đánh sập, 4. Công phá „lũy tre“, 5. Chiếc áo cơ chế mới, 6. Tưởng như xa xôi lắm, 7. Từ chạy gạo đến phá cơ chế giá, 8. Bù giá vào lương, 9. Những thông điệp gửi đến Ba Đình, 10. Chuyển đổi vô hình.
[2]Xem Braunthal, Julius: Geschichte der Internationalen, Bd. 2, (Lịch sử các Quốc tế, tập 2, trang 437 tiếp
[3]Xem Sacks, Milton: „Marxism in Vietnam“ trong Marxism in Southeast Asia (Chủ nghĩa Marx tại Đông Nam Á) do Frank Trager soạn thảo, Standford/California, 1959, trang 133