Nhiều người đã hiểu con “tinh” yêu thương thành con “tim” yêu thương có lẽ vì chưa biết Huế...
TM
“Em yêu. Chiều qua, mới gặp em trên bến đò Thừa Phủ mà suốt đêm trường, một mình trong căn gác trọ, anh trăn trở hoài không không ngủ được. Anh thao thức nhớ em với cả nỗi lòng thổn thức bâng khuâng...”
“Ui chao là lâm ly bi đát. Nì, cái đồ cu-lơ sến mô ri mi?’’
Con Bé Tiểu Phượng ré lên hỏi con bạn Giang Tân vừa mới chuyền tay cho hắn lá thư tình chưa rõ ai là nạn nhân, ai là thủ phạm của tình yêu. Cô bé bình luận ra vẻ “đạt đạo” nhưng đôi mắt ướt vẫn dán vào cái thư tình mới bóc bì, chưa xếp nếp, rồi lên giọng đọc tiếp:
“Sáng nay anh bị cảm lạnh vì gần nửa đêm về sáng, tình em như sóng trào thôi thúc anh khoác áo dạ ra đi. Anh đi như một chiếc bóng gầy ôm trọn tình yêu em và đếm bước qua lại trước ngõ nhà em cho đến khi trời sáng...”
“Chu cha! Da diết đến nước nớ thì thôi hết nói năng chi nữa. Ðồ ba xạo. Mấy đêm rồi thiết quân luật, đi ra đường loạng quạng là bị hốt vô lao Thừa Phủ liền chứ đừng giả bộ tán phét.’’
Cô bé rắn mặt nhất trong đám nữ sinh thường xuyên rủ nhau đi học, đi chung chuyến đò lần nầy lại bình luận, nhưng giọng nói bớt phần ngổ ngáo. Biết đâu, nếu lá thư tình đó gởi riêng cho cô, thì cô lại ngất xỉu không chừng. Con gái Ðồng Khánh mà. Tình cảm như hầm chông. Có khi cố dang tay quất mấy gã Quốc Học ngã nhào; nhưng lại bị phản đòn chơi mà thiệt, bị mấy tay “cứng cựa” Quốc Học quật lại ngã lăn quay là thường.
Nhóm “Ngũ quỷ Thành Nội” gồm năm cô nương ở Nội Thành, học trường Ðồng Khánh. Có cô ra cửa Thượng Tứ, cô ra cửa Ngăn, cô ra cửa Nhà Ðồ nhưng đều phải đi qua bến đò Thừa Phủ. Năm cô lập hội nhưng chẳng có cương lĩnh, tiền đồ, lý tưởng đấu tranh vĩ đại gì ráo. Ðộng cơ sâu xa và gần nhất là vì các cô có tên cúng cơm lạ hoắc mà cũng thiệt là dễ thương, được quý ông già – chắc cũng có dây mơ rễ má với nòi nghệ sĩ – cao hứng đặt cho, họp lại thành bầy: Tiểu Phượng, Tiểu Kiều, Giang Tân, Hoắc Hương và Ðào Tơ. Tiểu Phượng là con yêu bánh nậm thủ lãnh toàn nhóm. Cô bé rất xông pha và đầy tiết tháo anh hùng Lương Sơn Bạc, nhưng cũng rất nhạy cảm và ướt át với đôi mắt đẹp và buồn rất có duyên nợ với khăn mù xoa lúc nào cũng sẵn sàng trong cặp sách.
Che chiếc nón cho cho gió Nồm bớt cản, sợ làm lạc giọng oanh vàng, Tiểu Phượng đằng hắng giọng đọc tiếp hết phần kết luận của lá thư tình:
“
Mụ cô đứa mô đọc trộm ‘thơ’ ni,
Tinh le dịch bọp là mi đó tề.’’
Ðào Tơ, cô bé hiền nhất trong nhóm “Ngũ quỷ” la lên:
“Chi lạ rứa. Thơ chi mà ‘ba de’ đội rổ rứa hè!’’
Dòng chảy văn chương tình cảm lãng mạn bỗng đổi chiều qua khuynh hướng văn chương bình dân... Ba Giai Tú Xuất. Năm nàng Ngũ quỷ vang bóng một thời ở bến đò Thừa Phủ chột dạ, mím môi, tức anh ách cái “thằng quỷ sứ” Quốc Học nào dám chơi trội mấy bà.
Tiểu Kiều, nhân vật thứ hai của nhóm Ngũ quỷ gầm gừ xé xác đối phương:
“Tụi bây phải điều tra cho ra thằng ‘ác ôn’ mô dám mò... sừng mấy bà. Biết được kẻ gian rồi là trừng trị thẳng tay, không khoan hồng thương tiếc chi cả!”
Cái giọng làm ra vẻ đanh đá Ðường Sơn Ðại Huynh không hợp lắm với khuôn mặt thon, hiền có cái mũi “đầm” thanh thoát và đôi môi nồng nồng một cơn nắng ban trưa của Tiểu Kiều.
“Con ni đẹp thiệt tụi bây hỉ!”
Lời bình luận thì thào của nhóm năm thằng chúng tôi đang núp trong cái mui đò hư nát bỏ hoang bên bờ sông, dưới cây cừa tán rộng phủ bóng nên chẳng có ai để ý. Thế nhưng từ trong mui đò nhìn ra thì lại thấy rõ mồn một và nghe tiếng nói léo nhéo như kê sát mang tai của bọn con gái trên bến đò.
Thằng Vui rọm cả quỷnh, ngố nhất bọn, có tật là phải ho khèn khẹt vài cái trước khi nói. Nó tính mở miệng nói điều gì thì đã bị thằng Tường lốp tàn nhẫn đưa tay bóp cái miệng hở hang chực ho hen làm lộ bí mật của cả bọn.
Thằng Vui rọm không còn giữ được nồi súp-de đang sôi sùng sục trong đầu hắn. Hắn hỏi ngang phè:
“Ê, thằng Tuấn chàng trai nước Việt, mi là tác giả bức thư tình phải không đó?’’
Tuấn tủm tỉm cười không nói gì. Hắn là đứa hiền nhất trong đám chúng tôi. Nhưng hắn phải trả thù. Lá thư tỏ tình đầu đời của Tuấn dán tem ghi địa chỉ đàng hoàng gởi cho Tiểu Kiều bị nhóm Ngũ quỷ đưa ra làm “tạp chí tình yêu” chuyền tay nhau đọc mấy tháng trước. Tuấn xin nhập bọn với bốn thằng chúng tôi để học hỏi thêm kinh nghiệm “vừa chơi, vừa học, vừa chọc, vừa vui”. Ðứa nào trong nhóm năm thằng cũng bị đặt tên kèm theo cái đuôi mô tả phẩm chất và nhân dáng của mỗi tên. Riêng Tuấn có cái tên như vậy vì nó thường đội cái nón cối làm bằng điền điển, bọc vải kaki trắng rất giống với hình ảnh của “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ trong báo
Phổ thông.
Cả đám năm thằng đang ngon trớn từ vòm mui đò làm nơi trú ẩn an toàn nhìn ra hau háu thì bỗng gió nồm thổi mạnh. Cái mui đò làm bằng tranh tre đã rã rệu kêu răng rắc. Ngoài kia nhóm con gái phải tranh đấu kéo vạt áo dài trắng đang bị gió thổi tung, phủ lại cho kín đáo con nhà. Cô nữ sinh trong gió cần phải có số tay gấp đôi mới giữ lại được nón lá bay, tóc thề lộng gió, cặp sách chực rớt, vạt áo tung bay...
Rồi... ào một cái, cơn gió giật tung mui đò để hiện nguyên hình bầy yêu quái đứng tênh hênh như trời trồng trước mặt bầy con gái. Ôi! Cái tội đàn ông lợi dụng mưa gió nhìn trộm đàn bà là một tội tày đình không tha thứ được. Nhưng quả thật là trời xanh còn có con mắt nên đã sáng tạo ra con gái Huế... dại như ếch ao. Cả bầy con gái sững hồn, sững vía khi bắt được kẻ gian phi mà không tốn một nụ cười hay tiếng hét. Cảm giác ngượng ngập “thuở ban đầu” làm cô bé nầy đẩy cô bé kia lên trước đối diện với bọn con trai cũng đang bàng hoàng giương mắt chờ sấm sét của loài yêu quái.
“Xí! Ðồ tinh le nờ. Chun chi sau lưng tau mà phiền rứa!’’
Một giọng phản kháng nổi lên trong hàng ngũ nữ binh đang rối loạn.
Tiếng khác tiếp theo:
“Quỷ nờ! Mắc chi đẩy tau lên!’’
Phản pháo nặng kí lô hơn:
“Toàn cái đồ tinh yêu dịch bọp mô cả. Cứ đè vai tau mà níu hoài rứa làm tau lùn hết lớn răng. Có đứng yên hết không nì.’’
Sau lệnh của thủ lãnh Tiểu Phượng, đám con gái coi bộ tạm yên thân, nhìn quanh chờ đợi một biến cố nào đó sắp xảy ra.
Bên phía con trai, thằng Hiền lì (vì nó tên Hiền mà lại rất lì nên được mang tên như thế) chẳng nói chẳng rằng, tách hàng ngũ anh em còn đứng trơ như phỗng đá, tiến về phía con gái. Nó làm bộ oai phong lẫm liệt bên phía đất nhà nhưng cái bộ hắn co đầu xuống hai vai khi qua đất địch thì cũng biết hắn đang run. Hắn cố lên giọng cho to và cao để giống nòi hiệp sĩ nhưng lại lạc giọng vì mất bình tĩnh:
“Nì, rứa chớ mấy chị cần anh em ‘bà tui’ giúp chi không ạ?’’
Bên phía hàng ngũ nam nhi có thằng lên tiếng thì thào: “Cái thằng khỉ đột ni tự nhiên khi không dẫn xác tới xưng chị, xưng em với mấy con yêu bánh nậm nớ là kể như tiêu diêu miền cực lạc rồi chớ chi nữa”. Bên ta không nghe ai lên tiếng, nhưng bên phía nữ binh đã nghe tiếng thủ lãnh lanh lảnh vang lên như tiếng kèn xung trận:
“Cám ơn em và các em bên nớ, các chị bên ni không cần chi cả.’’
Ðặc sứ toàn quyền họ nhà trai câm như miệng hến. Hắn dở khóc, dở cười đưa mắt nhìn phe ta và phe địch như cầu cứu, nhưng chẳng có một Triệu Tử Long hay một Tôn Ngộ Không nào chịu xông xáo giữa trận tiền cứu khổn phò nguy hắn cả. Hắn rút cổ lên hai vai lủi thủi quay về trong chiến bại.
Thằng Tuấn chàng trai nước Việt bình luận nho nhỏ:
“Mạ tau nói rồi, con gái Huế thiên tinh lắm. Khi ở thế bị đè hắn mềm như bún; nhưng khi hắn mà lên đè lại thì hắn dữ như bà chằn lửa.’’
Có tiếng hỏi lại:
“Rứa ba mạ mi thì răng, ai dữ hơn ai?’’
Thằng Tuấn bèn nói lên một sự thật xót xa mà hắn cứ đinh ninh là một chân lý vĩnh hằng của Huế:
“Ðồ hỏi mà ngu như bò. Cưới nhau về nhà thành vợ thành chồng rồi thì làm răng đàn bà mà thua đàn ông được. Ba tau làm giám đốc, ra ngoài thì có nhân viên tài xế, nhưng về nhà thì phải biết trung hiếu với mạ tau chớ...’’
Thằng Hiền lì mới đi được nửa đường thì có tiếng con gái kêu giật lại:
“Nì, ấy nớ. Khoan đã, cho nhờ chút.’’
Thằng Hiền lì ngoái lại và mắt muốn hoa lên khi bắt gặp những cánh tay từ phía nữ binh đang vẫy nó quay lại. Hào khí của Hiền lì tự dưng về lại. Hắn cắn môi cho ướt và nhớ lại cái bản mặt mình soi gương hồi sáng đánh răng, rửa mặt cũng khá “bô” trai. Hắn không vội vàng mà lừ đừ quay lại phía nữ binh, sau khi cẩn thận quét một cái nhìn toả hào quang đắc thắng về phía bốn thằng kia đang nín thở chờ đợi. Hiền vừa đến gần, đám con gái đã nhao nhao lên hỏi:
“Ấy có biết ai viết cái thư ba nhe ni không?’’
Giang Tân đưa cao cái thư “tình” lên hỏi.
Hiền lì đã lấy lại được khí thế. Hắn không còn ngu dại để xưng “chị” với đám con yêu bánh nậm nầy nữa. Hắn cũng tạm thời lấy “ấy” làm tên. Hiền lì từ tốn lên mặt hỏi lại:
“Mấy ‘ấy’ từ từ cái đã. Ấy ni rồi tới ấy tê chớ mấy ấy cùng làm một lần thì ai chịu nổi.’’
Ðám nữ binh nhìn nhau, không ngờ cái bóng rút vai, rút cổ hồi nãy mà bây giờ cũng lên hương gớm. Ấy Tiểu Phượng giật cái thư từ tay Giang Tân đưa ra trước mặt Hiền lì xẵng giọng:
“Hỉ! Có ấy mô bên nớ viết thư ni không?’’
Hiền lì biết tỏng là ai viết rồi, nhưng hắn đang ở thế trên ngựa, dại gì để cho đối phương vung kiếm. Hắn ỡm ờ nói chữ:
“Tên ai nấy cử, chữ ai nấy đọc. Ðây chưa biết thư chi mà mấy ấy cứ hỏi dồn kiểu bề hội đồng nớ thì ai mà nói được.’’
Tiểu Phượng giúi cái thư vào tay Hiền lì, nói:
“Ðây, thư đó. Ấy coi đi.’’
Thằng Hiền đọc lướt qua một lượt rồi bình luận:
“Ðây không biết ai viết. Nhưng đứa mô viết cái thư đó rất ‘ngầu’, vừa hay vừa đúng.’’
Cả bọn con gái lại nhao nhao phản đối. Thằng Hiền chơi kiểu kẻ cả:
“Thư ni viết cho ai thì người đó đọc. Còn không phải thư mình mà ‘đọc lóm’ thì bị chưởi có chi mà oan. Ấy mô là chủ thư ni thì không bị chưởi. Còn tất cả mấy ấy khác đọc ké thư tình thiên hạ thì bị chưởi là đáng đời. Ðây mà như mấy ấy thì cũng phải ngậm mà nghe thôi.’’
Như một cuộc tuẫn đạo không có giáo chủ. Mấy nàng con gái nhìn nhau tức tối. Hiền lì chờ một lát chỉ nghe tiếng: “xí”, “xà” không thành lời từ mấy cái miệng chua ngọt, nên lịch sự nói: “Mình chào mấy ấy”! Rồi chắp tay sau lưng đi về.
Quốc Học Ðồng Khánh tôi là thế đó!
Những trận thủy bộ giữa hai phái Ðồng Khánh và Quốc Học từng kéo dài cả trăm năm không phân thắng bại. Có khi thất bại trên chiến trường lại là thắng lợi trên tình trường. Chiến sử, tình sử, lịch sử và tiểu sử của hai ngôi trường dễ thương nầy xin dành lại cho các sử gia Quốc Học Ðồng Khánh Huế – Những lãng tử viết sử thi chỉ bằng cảm xúc trên những dòng sông vắng lặng nhất của đời mình.
*
Rồi những vàng xanh trắng đỏ của cột mốc thời gian từng thế hệ qua đi, qua đi. Cái còn của những ruộng xanh và nương dâu, ngày xưa và bây giờ, cũng chỉ là những ý niệm đẹp. Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm nhưng gia tài đồ sộ nhất của cái đẹp chỉ hiện hình trong 4 câu thơ “Nam quốc sơn hà”. Nguyễn Trãi như một ngọn Linh Sơn sừng sững nhưng nét đẹp không tàn phai còn mãi giữa nhân gian nầy là thư kiếm trong “Bình ngô đại cáo’’, “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Ðạo Phật hơn 2500 qua cũng để lại một gia tài to lớn và cao viễn nhất trong một chữ: Không! Thấy được cái đẹp là thấy được bản thân của cái mà người khác không thấy và cũng cần nhắm mắt đưa chân trước những cái mà người đời thích chen chân vào để thấy.
Với Huế, Nguyễn Du thấy “Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh”. Và giữa Huế, cả ba trăm năm sau, gần hết một đời người, Trịnh Công Sơn mới chợt vô tình nghe được tiếng gọi của “con tinh yêu thương”. Với cảm quan nghệ thuật riêng của người viết bài nầy thì hay nhất trong dòng nhạc của Trịnh Công Sơn là bài “
Một cõi đi về’’; và tài hoa nhất trong bài “Một cõi đi về’’ là hình ảnh:
“Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Những con yêu, con tinh, con quỷ, con ranh, con yêu bánh nậm... đẹp ngời màu Huế vì bầy tinh yêu đó biết diễn tả cảm xúc bằng tia mắt “háy”, “nguýt” mạnh hơn mười lần kính chiếu yêu của Tôn Ngộ Không. Bầy yêu tinh không biết niệm chú Kim Cô như Ðường Tam Tạng nhưng biết đủ những nghiến, ngầm phản đối; biết những giận dỗi, nũng nịu thương yêu bằng vẻ đẹp nồng nàn mà kín đáo; và bằng sự sắc bén thanh xuân của Huế, của Việt Nam mà trên đất Mỹ nầy còn chi lưu dấu.
Trái táo địa đàng đã rơi rớt hột mọc khắp cùng trái đất. Trên quê mình và những bước đi xa xứ, tôi đã gặp lại những Tiểu Phượng, Tiểu Kiều, Giang Tân... và những Hiền Lì, Vui Rọm, Tuấn chàng trai nước Việt. Tuổi xanh của những “con tinh yêu thương” đã qua đi nhưng chưa mất dấu. “Tuổi đá buồn” dài bằng tuổi chiến tranh cũng vẫn còn những trăn trở khuya khoắt. Và tuổi vàng hôm nay đang nghe bầy cháu ngoại, cháu nội nhỏ nhẻ chúc thọ ông bà.
Chiều nay anh Trịnh Quang Hà, em ruột nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang cùng ở tại thành phố Sacramento, tiểu bang California với tôi mời thứ Bảy đến nhà riêng và nhà hàng Trung Nam Bắc vào buổi chiều để ăn giỗ lần thứ năm của bào huynh. Lời mời của Hà làm sống lại trong tôi hình ảnh “con tinh yêu thương” của người thi nhạc sĩ tài hoa mà ca từ “yêu tinh phù điêu diễm tuyệt” của anh chưa có người thay thế và có lẽ sẽ chẳng có người thay thế.
Tôi đang ở thành phố Napa, nơi sản xuất rượu nho lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Cuối tháng ba rồi mà trên những đồi nho vẫn còn trụi lá, gió thổi lạnh như băng. Một mình, uống một ly rượu vang không hết. Mầu rượu vang đỏ thẫm sóng sánh đơn độc giữa đêm mưa bỗng thành tím lịm. Còn nửa ly cạn hay nửa ly đầy. Nhớ con tinh yêu thương, nửa ly là cạn. Ðối bóng con người, nửa ly là đầy. Ðong giữa đời thì chỉ thấy đầy hay cạn mà đong trong tâm mới nhận hết cạn hay đầy.
Napa, tháng 3, 2006
© 2006 talawas