trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
20.5.2006
Trịnh Cung
Những yếu kém và bất cập của điêu khắc ngoài trời và không gian mỹ thuật TPCM
(Tham luận đọc tại Hội thảo điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, tổ chức tại Hà Nội, 09.5.2006)
 
1.

Ở bất kỳ một thành phố lớn nào trên thế giới ngày nay, tượng đài và không gian mỹ thuật đô thị cũng là một trong những bộ mặt văn hóa hấp dẫn nhất, là niềm hãnh diện tuyệt vời của cư dân ở đó và là một trong những điều quyến rũ luôn gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách. Việt Nam chúng ta không đi sau họ bao nhiêu về mặt nhận thức tầm quan trọng của tượng đài và không gian mỹ thuật đô thị, nhưng lại có khoảng cách quá lớn về chất lượng chuyên môn của các công trình đang có.


2.

Trải dài từ Bắc chí Nam, ở đâu chúng ta cũng thấy có tượng đài. Nhưng hầu như chỉ có một kiểu làm, một phong cách điêu khắc, một hình tượng chung, như là rập khuôn, nếu không thì cũng được tạo ra bởi chỉ một nhà điêu khắc, đã gây cho người xem cảm giác Việt Nam có quá ít điêu khắc gia và rất nghèo đề tài. Ðó là chưa bàn đến khả năng chuyên môn về tác phẩm ngoài trời mà các pho tượng đã bộc lộ sự yếu kém về mỹ thuật và cả kỹ thuật dựng tượng. Nhiều sự cố lún sụp tượng đài khổng lồ xảy ra trong những năm qua mà báo chí đã chỉ trích. Khuyết điểm phổ biến nhất về mặt mỹ thuật của các tác giả những tượng đài này là cứ phóng to lên gấp nhiều lần từ mẫu tượng nhỏ, rồi đem dựng lên tại những nơi cần thiết. Trong thực tế của không gian công trình tượng đài, sự khác biệt do luật phối cảnh tạo ra khi nó được nhân cao gấp nhiều lần hơn chiều cao thật của sự vật và được đặt trên một bệ cao, trong khi người xem phải đứng ở dưới thấp nên sự cân đối bị phá vỡ. Bức tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Dưới mắt nhìn, phần đôi chân và lá cờ quá dài, phần bán thân còn lại bị rút ngắn, làm mất dạng vẻ đẹp khí phách và bao la trên khuôn mặt của pho tượng.


3.

Ðứng trước thực trạng như thế, thành phố Hồ Chí Minh không là một ngoại lệ. Hiện nay, ở đây đang tồn tại hai nguồn điêu khắc: một là của chế độ Sài Gòn để lại, hai là của các nhà điêu khắc thuộc chế độ mới sau khi đất nước thống nhất. Cả hai đều cho thấy một tầm thấp về trình độ điêu khắc ngoài trời. Và thành phố lớn và hiện đại vào bậc nhất của Việt Nam này không những vẫn còn tiếp tục giậm chân tại chỗ trong việc qui hoạch không gian mỹ thuật và thay thế các tượng đài kém chất lượng nghệ thuật tạo hình đã tồn tại 30 năm và đang kiêu hãnh “thi gan cùng tuế nguyệt” tại các địa điểm quan trọng của thành phố như công trường Mê Linh, công trường Quách Thị Trang, ngã sáu Phù Ðổng,... mà lại còn đang tiếp tục gia cố và thếp vàng cho những pho tượng đáng bỏ đi ấy.


4.

Một nghịch lý khác trong khai thác và quản lý mỹ thuật của thành phố là đã tổ chức vào năm 2005 một trại điêu khắc đá khá qui mô nhưng kết quả thu được là những tác phẩm không mấy giá trị, song lại được các nhà chức trách của thành phố cho tập trung trong một góc của công viên Tao Ðàn. Có người đã gọi đùa đây là nơi “an nghỉ nghìn thu” của những pho tượng hẩm hiu số phận. Trong lúc đó, một tượng đài khác đang được trân trọng đặt ngay tại công viên trước nhà hát thành phố lại bị báo chí (báo Pháp Luật – TP HCM) phát hiện là mô phỏng đến 90% tượng đài của một nhà điêu khắc Trung Quốc. Và một trường hợp phí phạm khác mà chính tác giả bài viết này đã nêu trên báo Phụ nữ TP HCM năm 2005 là một pho tượng đã từng đoạt huy chương bạc trong cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế được tổ chức năm 1962 tại Sài Gòn bằng chất liệu đồng cao hơn 1.5 m, mang tên Trụ cột Hoà bình của nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ đã bị Ðại học Quốc gia TP HCM bỏ hoang trong góc của một quán cơm bình dân, toạ lạc trong sân của cơ quan đứng đầu về đào tạo trí thức cho đất nước này. Tại sao những nghịch lý này vẫn tồn tại như một biểu trưng thẩm quyền của những nhà quản lý mỹ thuật của một thành phố nhiều tiềm năng sáng tạo và hùng mạnh nhất nước về mặt kinh tế này?


5.

Có lẽ căn nguyên những nhược điểm của điêu khắc Việt Nam là từ khâu đào tạo.

Thứ nhất, từ trước đến nay, các trường mỹ thuật từ Bắc chí Nam đều có quá ít thầy giỏi cho bộ môn điêu khắc và hoàn toàn không có bộ môn điêu khắc ngoài trời.

Thứ hai, trước 1975, tại các trường mỹ thuật, sinh viên theo học ngành điêu khắc rất ít, vì thế nhà trường thường khuyến khích các sinh viên yếu về hội họa chuyển sang học điêu khắc khi họ chuẩn bị bước vào năm chọn ngành chuyên môn. Bây giờ, số lượng sinh viên theo học điêu khắc đã đông hơn xưa nhiều, nhưng được đào tạo bằng một giáo trình thiếu cập nhật, tư duy sáng tạo còn quẩn quanh.

Thứ ba, việc tu nghiệp tại những quốc gia có nền điêu khắc hàng đầu thế giới cho sinh viên tốt nghiệp đã không thực hiện như nhu cầu hoặc ít ra không mời được những giáo sư giỏi đến giảng dạy như đội tuyển bóng đá Việt Nam đã làm.

Thứ tư, thiếu việc tổ chức tham quan các trại sáng tác điêu khắc quốc tế vừa được một số địa phương tổ chức khá thành công. Tiêu biểu nhất trong số này là trại sáng tác quốc tế An Giang cho sinh viên mỹ thuật và các nhà điêu khắc trẻ đến giao lưu. Ðây là một trường học thực tế bổ ích và không mấy tốn kém cho bộ môn điêu khắc Việt Nam với điều kiện trong các trại sáng tác này thật sự có sự tham gia của các nhà điêu khắc quốc tế có trình độ chuyên nghiệp.

Thứ năm là thiếu những dự án tái đào tạo để khai thác các quỹ văn hoá như Ford, Rockefeller,... nhằm kiện toàn kỹ năng cho các tài năng điêu khắc trẻ Việt Nam trong lãnh vực tượng đài và không gian mỹ thuật đô thị.


6.

Mặt khác, vì nhu cầu lớn về tượng đài mang ý nghĩa chính trị trên cả nước, điêu khắc Việt Nam bỗng trở nên một cuộc làm ăn béo bở. Mỗi tượng đài ngốn cả tỷ đồng là ít, không những đã thu hút các nhà tạc tượng vào cuộc mà một số người ngoại đạo cũng được các chính quyền địa phương duyệt dự án. Thậm chí các kiến trúc sư TP HCM năm ngoái đã tự tổ chức lấy một cuộc thi sáng tác biểu tượng cho thành phố và tự cho giải thưởng mà không đếm xỉa gì tới Hội Mỹ thuật Thành phố.

Ðây là một biểu hiện của tình trạng thiếu tôn trọng nhau giữa hai ngành kiến trúc và mỹ thuật tại thành phố, mà đáng lý ra hai ngành này luôn luôn cần đến nhau trong bất cứ một dự án nào về không gian mỹ thuật và tượng đài. Nhà điêu khắc sáng tạo tượng đài. Kiến trúc sư thiết kế không gian mỹ thuật nhằm tôn vinh tác phẩm điêu khắc và tạo ra một không gian mỹ thuật đặc biệt có sức quyến rũ của một địa chỉ văn hoá nghệ thuật mà những ai đã một lần đến đó đều phải xuýt xoa khen ngợi và nhớ mãi.

7.

Một lý do lớn khác của vấn đề này là cơ chế đào tạo và quản lý mỹ thuật của chúng ta đã không đổi mới. Chúng ta duy trì một hệ thống mỹ thuật Việt Nam đã quá cũ kĩ, lỗi thời, chật hẹp, xơ cứng, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới của đất nước và của mỹ thuật nước nhà. Phí phạm tài năng, tiền của và thời gian là điều đã không tránh khỏi trong suốt 30 năm qua, và nó sẽ còn tiếp diễn nếu hoàn cảnh này không được thay đổi.

Sài Gòn, tháng 4/06

© 2006 talawas