trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đạiNghệ thuậtKiến trúc
2.5.2003
Nguyễn Trương Quý
Vai trò của phố cổ, Hồ Gươm và những vùng thiêng liêng trong không gian kiến trúc Hà Nội
 
Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời cao
Thơ Trần Đăng Khoa


Bài viết "Phố cổ Hà Nội, bi kịch một đô thị" của Nguyễn Đỗ [ talawas, 15.04.2003 ] có lý khi nhắc đến chuyện bảo tồn phố cổ theo điểm và giảm nhẹ áp lực đối với Hồ Gươm. Tuy thế, bảo tồn phố cổ theo kiểu ấy cũng nghĩa là đặt ngôi nhà mà chúng ta kỳ vọng vào cùng chiếu cùng mâm những gì không cùng "đẳng cấp". Hoặc có khi phản tác dụng khi nhân tình thấy nó tệ hơn những bê tông kính thép sáng choang. Hoặc có thể "tốt đẹp" như dãy cửa hàng ở Calgary hay như khu phố cổ "xây lại" của Singapore, nhưng cứ nhìn hình ảnh dãy phố nằm lép nhép dưới hàng cao ốc, nó gây cảm giác khôi hài và cưỡng bách vật lý quá. Có lẽ giống một thứ mặt nạ hơn. Còn ngôi nhà nào thì cố gắng vun vén mà bảo tồn nốt - đó là phản ứng bị động của chúng ta. Hình ảnh đặc trưng của nhà phố gắn vào óc người ta như một ký ức sống. Phố Phái có thể rồi công bằng mà xét thì chẳng đẹp và văn minh nhưng nó đã là một chỉnh thể có nội tâm, có sự vận động, có sự biến đổi, chứ không phải là những mô hình kiến trúc. Một tổng thể, một không gian có nhịp điệu, vần luật và chung ngôn ngữ cho cảm giác hài hoà đồng thời mang tiếng nói biểu lộ cho một cấu trúc toàn vẹn. Tất nhiên, những người chủ trương "hiện đại hoá" và "phá cách" hậu hiện đại trên tinh thần đổi mới và phát triển những di sản quá khứ - một đòi hỏi của thời đại, luôn tìm những phương án cài cắm kiến trúc mới bên cạnh việc bảo tồn nguyên trạng những kiến trúc cũ còn giá trị. Ý tưởng thì quá hay, nhưng kiến trúc mới cộng sinh liệu cũng giống như chiếc răng bịt vàng trong một "nụ cười mùa thu toả nắng"? Có một kiểu chơi kiến trúc cộng sinh - công trình mới dùng vật liệu tương phản và có đặc tính phản chiếu như gương kính đặt trong quần thể cũ, hình ảnh của xung quanh được tái hiện lại và nhà thiết kế coi đó là thành công. Có thể kể: mái vòm kính của nhà Quốc hội Đức ở Berlin trên một kiến trúc cổ điển, Kim tự tháp bằng kính của I.M.Pei trong sân Louvre… Nhưng có nhiều thất bại, chỉ xin kể ở Việt Nam: mặt tiền kính đen sì của trụ sở Nhà hát Thăng Long ở phố Lương Văn Can, không thấy phản chiếu được gì của những kiến trúc cũ quanh đó, chưa kể một Khuê Văn Các xi măng nổi lên trắng ởn. Phố cổ còn, tức là đòi hỏi một không gian quần cư theo vùng, và nhịp độ kinh doanh phải làm sao đó, vẫn như những Chinatown ở ngay những nước tiên tiến, không suy xuyển. Còn là còn trong một tâm thức, trong một khái niệm. Trong phim "James Bond: Tomorrow Never Died" (tạm dịch: Tomorrow (tên một công ty) không bao giờ chết), có bối cảnh Việt Nam, Pierce Brosnan và Dương Tử Quỳnh rượt đuổi maphia như ở chốn không người. Mặc dù không quay ở VN (vì không được phép) nhưng cũng thấy các nhà làm phim chịu khó làm bối cảnh đường phố, cũng giông giống, nhưng hoá ra lại không. Vì thấy toàn xe đạp, ở HN bây giờ phải là xe máy chứ. Không thấy bóng dáng công an hay xung kích đường phố đâu cả, 2 gunman Tây và 1 nữ hiệp khách Tầu làm loạn cả lên mà chỉ thấy người Việt rất hiền! Sau đó, họ kéo nhau vào một căn nhà, rồi có cả một phòng điều khiển vũ khí tối tân. Mà căn nhà rộng thế, lại không có một ai quấy rầy cả. Thế thì dù có là nhà ở ngay HN mà kịch bản thế, người ta vẫn tưởng là ở Hồng Kông hay là đâu đó ở những Chinatown trên thế giới. Một phim khác, Mùa hè chiều thẳng đứng, thì đúng là quay ở HN rồi, nhưng cứ tưởng ở trên sao Hoả, hai anh em nhà kia ôm ấp nhau, rồi làm những trò mèo nào, nhưng căn nhà như là ốc đảo vậy. Tôi xin dông dài thế để nhắc rằng, chuyện có một căn nhà, nhiều căn nhà cổ là quá tốt, nhưng nó xa lạ như Tây nghĩ thì không ổn. Các cấp trên hãy nghĩ đến việc ngầm hoá hệ thống cống rãnh, chuyện hố ga, chuyện giãn dân và xu hướng kinh doanh lâu dài thì tốt hơn là chuyện ấn cho Hàng gì bán gì và sinh ra phố Ẩm thực hay phố Chợ đêm.

Hồ Gươm đã là một sự lựa chọn. Không còn là lúc bàn chuyện giả sử hay là chuyện nó sẽ chỉ còn mang vai trò không hơn gì hồ Thiền Quang trong tương lai như cũng trong bài viết trên. "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm", không phải vô cớ mà đến giờ và theo những bản quy hoạch cho tương lai, Hồ Gươm vẫn là một địa chí văn hoá lớn nhất HN. HN không còn bám theo sông Hồng như thuở trước, khi hệ thống đê bảo vệ kiên cố ngăn cách việc liên hệ và giao thông thuỷ trở thành thứ yếu so với đường bộ. Hồ Tây cũng là một trung tâm cho một HN được quy hoạch mở rộng về phía Bắc và phía Tây, hồ này thậm chí bề dày lịch sử và huyền tích còn sâu đậm hơn Hồ Gươm. Nhưng nó hơi lớn so với tầm bao quát thị giác và nhất là không có những điểm thắt nút trong bố cục hoặc khống chế không gian như một Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn/Tháp Bút ở hồ Gươm. Các công trình quanh hồ Tây cũng tản mạn và không có sự chăm sóc kỹ như hồ kia. Những vi phạm kiến trúc cảnh quan ở hồ Tây thật sự nghiêm trọng hơn nhiều so với hồ Gươm. Ngôi chùa đẹp nhất HN là chùa Kim Liên thuộc làng Nghi Tàm hiện bị kẹp giữa 3 khách sạn: Thắng Lợi, một của Đài Loan và Sheraton. Đáng nói là sự thô thiển của 2 khách sạn sau có để ở chố khác cũng đã khó chấp nhận. Người ta xây án ngữ trước tam quan chùa một khách sạn, chùa bây giờ không nhìn được ra hồ Tây đã đành, phía sau họ cũng làm một con dốc to bằng hai làn ô tô thẳng tuột vào làng. Ngôi chùa ở vào thế tô hô, trơ trọi và ngứa mắt cho những ai giầu óc kinh doanh. Ngoài ra là phủ Tây Hồ chỉ còn kiến trúc bê tông giả cổ, chùa Trấn Quốc hình thức trung bình lại xây thêm rất nhiều tháp, cũng bị làm hàng xóm với các nhà thuyền san sát. Đền Quán Thánh thì quá nhỏ và khuất để gọi là chế ngự không gian hồ. Trường Chu Văn An cũng vậy. Những kiến trúc cao tầng quanh hồ thì đều úp thêm một hay nhiều mái dốc, mang "tính dân tộc nước bạn" rất dí dỏm.

Như thế, với cảnh quan hoàn chỉnh, chỉ nên bớt đi chứ có lẽ không nên thêm vào, hồ Gươm khó lòng có một kế thừa xứng đáng trong tương lai. Với 1700m chu vi hồ, ước chừng cứ 2m có 1 cây, mà lại có 2 -3 lớp cây, như vậy là khoảng 2000 cây quanh hồ (không kể cây bên kia đường), mật độ khá lý tưởng, chủng loại đa dạng, nhiều cây lâu năm, tạo hình đẹp, Hồ Gươm còn mang chức năng sinh thái quan trọng. Để đạt được đơn thuần như thế, các hồ khác ở HN còn phải đi sau rất nhiều. 40 năm thì hồ Bảy Mẫu và công viên Lênin mà bạn biết mới có được dáng vẻ hôm nay, mà còn chưa hoàn chỉnh. Hồ trong vườn Bách Thảo thì nhiều cây quý nhưng chắc chỉ đáng gọi là ao, dù có núi Sưa là nơi có miếu thờ thần Long Đỗ (?) và có di vật điêu khắc thời Lý. Chưa nói là vai trò của Bách thảo không hơn một vườn cây và nơi mang giá trị sinh thái là chính. Còn những hồ khác như Giảng Võ, Ba Mẫu, Thành Công, Hai Bà, Văn Chương, Đống Đa, Thủ Lệ, Trúc Bạch, Xã Đàn, Linh Đàm, Thanh Nhàn, Nghĩa Đô, về mặt nào cũng không sánh được.

Tất nhiên là không chỉ chuyện cây xanh mặt nước, nhưng những địa điểm được coi là linh thiêng khác, trọng tâm khác của đô thị cũng không có được vị thế của hồ Hoàn Kiếm. Hãy nói tới quảng trường Ba Đình. Mới chỉ hình thành từ khi quy hoạch HN của Ernest Hébrard và Lagisquet khoảng những năm 1920 trên địa điểm trùng với cửa Tây thành HN. Tại 64 ô cỏ phía Bắc và trụ sở Trung ương Đảng (trường Albert Sarraut cũ) là khu vực núi Khán Sơn và chùa Khán Xuân ("Êm ái chiều xuân tới Khán đài", Hồ Xuân Hương(?)). Khu này có thể là khu Tây Cung và dành cho Thái Thượng hoàng cũng như các phi tần nhà Lê trở về trước. Nhưng làm gì còn dấu vết. Mặt bằng quy hoạch từ thời Pháp cho thấy một sự thô bạo: đường chéo (Điện Biên Phủ) chém góc thành HN vốn hình vuông kiểu Vauban, mà điểm kết thúc là quảng trường tròn (sau là Ba Đình) có lẽ còn được mở đối xứng thành một đường chéo nữa kéo lên cửa Bắc, nhưng chắc chỉ thực hiện ở việc phá vỡ cấu trúc thành trì và nối trung tâm quyền lực mới (Phủ Toàn quyền) với khu phố Tây nam Hồ Gươm chứ không róng riết thực thi một đô thị có đường phố nan quạt Tây phương (như quảng trường Ngôi Sao với Khải hoàn môn ở Paris). Tất nhiên, trung tâm chính trị Ba Đình đã có vai trò lịch sử và bộ mặt kiến trúc cũng hài hoà xứng đáng để đối trọng với hồ Gươm. Nhưng vì tính chất không bình thường và không bình dân đại chúng của nó, quảng trường Ba Đình không thay thế vai trò văn hoá và sinh hoạt cộng đồng được cho hồ Gươm.

Trung tâm quy ước của các quận còn lại xem ra cũng không còn cơ hội tiếm ngôi của Bờ Hồ. Gò Đống Đa chỉ còn là một công viên nằm nép bên đường Tây Sơn và Đặng Tiến Đông. Lẽ ra người ta có thể giải toả dãy nhà nằm phía bên cạnh gò để mở rộng thành một quảng trường đối xứng thoả mãn tầm nhìn. Một võ công hiển hách của anh hùng áo vải giờ hiện ra thật khiêm nhường và bé nhỏ. Quận Hai Bà Trưng với phía Bắc như là phần nối dài của không gian phố Tây của quận Hoàn Kiếm, lâu nay vẫn tổ chức các dịp lễ ở cổng công viên Lênin phố Trần Nhân Tông, trông ra hồ Thiền Quang. Nhưng đây không phải là một địa thế sáng giá, ngoài một cái cổng lênh khênh và quảng trường nhỏ, lại chiếu tướng nhà đảo hồ Thiền Quang. Trong tâm thức người dân, khu này không hay ho gì về mặt đạo đức và an ninh. Thật sự thì quận có hồ Đồng Nhân và đền thờ hai vị nữ anh hùng mang tên, nhưng nằm sâu trong làng Hương Viên và con đường quanh hồ quá nhỏ để mà phát triển thành trung tâm. Mà dưới hồ thì không có cụ Rùa nào cả!

Nói chuyện dấu ấn của Hồ Gươm thì chắc các anh chị cũng đọc đầy mình rồi. Thời nhà Lý rồi nhà Trần, mang tên hồ Lục Thuỷ với di tích tháp Báo Thiên, hồ chỉ như bến thuyền phụ cho 61 phường. Thời Lê, mang tên Hoàn Kiếm nổi tiếng và là nơi duyệt thuỷ quân, lại có sự tích rùa thần. Thời chúa Trịnh, phủ chúa xây phía Tây Nam Hồ, hành cung san sát, có đảo Ngọc và gò Rùa. Thời sau, có chùa Ngọc Sơn, đền Văn Xương, tháp Bút đài Nghiên, những biểu tượng văn hiến Thăng Long. Sau nữa có tháp Rùa, có cầu Thê Húc, có chùa Báo Ân (còn lại tháp Hoà Phong). Rồi đến những kiến trúc quy hoạch của người Pháp và mối liên hệ với khu phố cổ. Nhưng hơn hết là dấu ấn của những văn nhân tài tử, những giá trị tinh thần đọng lại, những tinh hoa "lắng hồn núi sông". Hãy cứ nhớ Nguyễn Du thảng thốt "Bạc đầu còn thấy được Thăng Long" khi viết trong bài thơ "Hồ Hoàn Kiếm".Giờ thì một cơn ho của Bờ Hồ hay "cụ Rùa lại nổi "cũng là chủ để của trang văn nghệ báo Tiền Phong. Bạn đã đi xe buýt từ Hà Đông hay ngày xưa là xe điện về trung tâm, bạn nghe ông tài hô "nhanh nhanh anh chị em ơi, về Bờ Hồ ăn kem xem rùa đẻ", hay câu ví von mới hơn "nhạc Phương Thanh, tranh Bờ Hồ". Một chủ đề bất tận.

Những địa bàn còn lại hãy đang bừa bộn dựng xây, làm sao có nổi một trung tâm mang chiều sâu văn vật như khu HN cũ. Một Thành cổ lụi tàn lại chưa thể bàn giao cho dân sự, một Văn Miếu đòi hòi duy trì sự tôn nghiêm và khép kín, cũng không đảm trách nhiệm vụ của một trung tâm tinh thần văn hoá công cộng như Bờ Hồ. Tất nhiên ta có thể hi vọng một công trình tân kỳ bậc nhất ở ngoại vi sẽ là một biểu tượng, một trung tâm văn hoá nổi trội trong tương lai. Bài học về Sydney Opera House hay Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu Thượng Hải là những ví dụ. Cả hai đô thị đều có quá khứ, có dấu ấn cũ, nhưng thế giới đã biết đến chúng với những hình tượng mới.

Cũng sẽ rất hay nếu HN không quá vướng bận vào việc o bế Hồ Gươm mà sẽ có (những) hạt nhân trung tâm mới thay thế và song hành. Nhưng cũng hơi khó tưởng tượng đấy.

Hà Nội có sông Hồng
Nước đỏ như pha phẩm (!)
Bên sông ngọn tháp sóng (truyền hình?)
Bắn tin lên trời xanh

© 2003 talawas