trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtKiến trúc
5.12.2003
William S.W. Lim
Phố cổ Hà Nội - Một truyền thống sinh hoạt
Dương Nguyệt Minh dịch
 
Hà Nội là một nơi định cư cổ. Lịch sử trước thuộc địa của thành phố này bắt đầu từ đầu thiên niên kỷ thứ hai. Thành phố được hình thành với công trình xây dựng toà thành hoàng cung vào năm 1010 sau Công nguyên. Bên cạnh chức năng đồn trú theo đúng kế hoạch xây dựng thành, Hà Nội đã sớm trở thành một địa danh quan trọng về văn hoá, tôn giáo, chính trị, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động thương mại buôn bán sầm uất. [1] Những chức năng đa hợp này- theo lý thuyết của Terry McGee- có lẽ đã tạo nên đặc tính kiên cường và linh hoạt cần thiết để đối phó với bao thách thức qua hàng thế kỷ. Mặc dù có những ảnh hưởng và dấu ấn đậm nét của Phật giáo và Ðạo Khổng Trung Hoa trong nền văn hoá, hệ thống cai trị và ngôn ngữ Việt, nhưng "các vị vua xứ Việt chính là những nhân vật cai trị theo đúng nghĩa. Họ có nghi lễ tế Trời Ðất riêng; họ thường xuyên gửi đồ cống nạp sang Bắc Kinh mà vẫn không đánh mất đi sự toàn vẹn của mình." [2]

Gần đây, công trình nghiên cứu thành phố "phi Tây Âu" Ahmedabad của học giả người Ấn Ðộ Ragchandhuri đã đặt ra những thắc mắc đối với khái niệm truyền thống rằng địa vị thống trị thực dân là một quá trình một chiều, ở đó những thế lực thực dân tái cơ cấu môi trường vật chất và xã hội của các thành phố bằng những hình ảnh nhãn quan riêng của họ, và bằng quan niệm vốn vẫn được chấp nhận về khả năng chung sống. Không giống như Bombay hay Calcutta, những giá trị ưu tú bản xứ của thành phố Ahmedabad đóng một vai trò quan trọng tạo nên sự phát triển không ngừng cho thành phố này. "Trật tự xã hội, văn hoá và không gian mới đã trở thành nền tảng thúc đẩy cho các ý tưởng cũng như các hình thức ngôn ngữ và văn học mới nảy sinh trên toàn quốc gia; và mặc dù tất cả đều hiện đại, nhưng đồng thời cũng không hề mang dấu ấn Tây Âu." [3]

Tuy nhiên, sự can thiệp của thực dân Pháp đã gây ra bao tàn phá ngay từ khi bắt đầu thời kỳ thuộc địa, bởi người Pháp đã bằng vũ lực tái tạo lại hình ảnh thành cổ Hà Nội. Sau đó, việc xây dựng Khu Âu dọc theo thành cổ- hay còn gọi là Khu Phố Cổ- chính là biểu tượng cho những tham vọng hống hách muốn biến Hà Nội thành thủ đô của Ðông Dương và thành sở hữu của người Pháp bằng cách gieo những hình ảnh đô thị Pháp vào trong lòng Hà Nội. Suốt một thời gian dài, thành phố đã phải khó khăn chấp nhận sự song song cùng tồn tại của hai địa cực đối lập. Trong phong trào vị quốc của người Việt, phần mới xây dựng của thành phố đã trở thành biểu tượng đàn áp người Việt Nam, đàn áp tính độc đáo của dân tộc Việt Nam- một sự đàn áp chủ yếu dựa trên chủng tộc, sự giàu có và quyền lực. Nó đã trở thành lời chế nhạo và bóc trần sự thật câu chuyện hoang đường về nhiệm vụ văn minh hoá.

Tại Hà Nội, có hàng ngàn đền đài và công trình tưởng niệm. Nhưng lại không có toà nhà, công trình tưởng niệm hay tổ hợp kiến trúc nào có đủ tầm vóc sánh ngang với các nước khác. Bản chất cốt lõi thật sự của Hà Nội nằm ở các tầng lịch sử và truyền thống sinh hoạt động, đa dạng, phong phú và phức tạp của nó. Ðặc biệt, Khu Phố Cổ càng được tinh lọc bởi ký ức chung mang đậm màu sắc đan xen của người dân thành phố, những ký ức không ngừng bị tàn phá, lãng quên, kiến tạo và tái tạo. Ngày nay, hơn nửa triệu người đang hàng ngày di chuyển ra vào Khu Phố Cổ. Cuộc sống trên đường phố chứa đầy năng lượng với những hỗn độn đầy sáng tạo của những sắc màu chói loà, những mùi hương và âm thanh.

Dân số thành phố hôm nay đã bùng nổ vượt quá con số ba triệu. Sự mở cửa nền kinh tế thị trường và những tác động toàn cầu đã tạo ra sức ép ngày càng gia tăng, buộc Hà Nội phải đáp ứng đủ những địa điểm hấp dẫn, cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân, cũng như để thực hiện tái phát triển và tái cơ cấu đô thị. Tốc độ phá dỡ đã gây những thiệt hại nghiêm trọng cho kết cấu đô thị hiện nay.

Trong bối cảnh này, đã đến lúc thành phố Hà Nội cần hoạch định những chiến lược quan trọng có tính chất quyết định dựa trên lý thuyết và thực tiễn đô thị - văn hoá hiện đang được áp dụng tại các nước Châu Á có nền kinh tế đang phát triển. Hai kết luận mang tính sống còn đã được xác định. 1) Nguyên lý lý thuyết đã ghi nhận tính thiết yếu và bản chất phụ thuộc lẫn nhau giữa cái toàn cầu với nét riêng biệt ở từng địa phương, đồng thời đã chấp nhận một yêu cầu bức thiết là phải nghiên cứu mọi ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra ở những cấp bình dân nhất [4] và của chủ nghĩa hậu hiện đại. [5] 2) Các đặc tính đặc biệt của đô thị mới ở Châu Á [6] cũng như những điều kiện tạo nên những đặc tính đó trong thời kỳ hậu thực dân [7] đang dần được xác định. Công việc vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, nhiều người có cùng chung suy nghĩ rằng các công cụ quy hoạch của chủ nghĩa hiện đại, ví dụ như những toà nhà chọc trời, việc mở rộng những tuyến đường huyết mạch, việc phá sập hàng loạt và xây dựng lại toàn bộ, v.v. đang tạo nên những tổn hại to lớn cho kết cấu phức hợp của các thành phố cổ, xoá đi nét độc đáo và ký ức về những thành phố đó. Giải pháp theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa hiện đại là xây dựng các thành thị mới, tăng tỉ lệ mật độ/diện tích đất tại cách thành phố như hiện nay đã không chứng tỏ được hiệu quả. Tôi xin được trích lời William Logan "Ðối với những người Việt Nam đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, thì cách suy nghĩ hoàn toàn mới mẻ này thực sự đã gây sốc cho họ, dường như nó phủ nhận mọi lý tưởng và mục tiêu chiến đấu của họ trong suốt nửa thế kỷ trước đó." [8] Tôi cho rằng ý tưởng xây dựng một Hà Nội đương đại, một thành phố sinh đôi gần gũi với thành phố đã và đang tồn tại nhằm mục đích giảm bớt tốc độ phá dỡ và xây mới như hiện nay có thể là một giải pháp lý thú. Tuy nhiên, đây không phải là chủ đề cho hội thảo này của chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. [9] Lời tuyên bố đầu tiên chính là lời trích dẫn từ Tuyên ngôn Ðộc lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1876. "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá ban cho họ những quyền không thể khước từ, trong đó có quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc." Cũng trên tinh thần đó, quốc hiệu của Việt Nam chính là Ðộc lập- Tự do- Hạnh phúc. Tôi đặc biệt bị ấn tượng bởi thành tố Hạnh phúc trong quốc hiệu này, bởi đây là một khái niệm trừu tượng, hàm chứa nhiều giá trị khác vượt lên trên sự giàu có an khang về vật chất. Tôi xin trích dẫn một bài viết gần đây có tiêu đề "Từ sự ưu ái đến niềm hạnh phúc: Hướng tới nền kinh tế phúc lợi toàn diện hơn", trong đó tác giả viết rằng "…ai kiếm tìm lạc thú và hạnh phúc cho riêng mình sẽ không bao giờ tìm thấy nó, mà chỉ những ai luôn giúp đỡ người khác mới có thể tìm thấy hạnh phúc…Sau khi đã đạt đến một mức độ tối thiểu nhất định, thì thu nhập cao sẽ không thật sự khiến con người ta cảm thấy bội phần hạnh phúc…Trên hết, chính sự không công bằng là cái phủ nhận hạnh phúc chính đáng…Hạnh phúc thực sự là sự quan tâm tột đỉnh." [10] Chính tầm cao đạo đức này của khái niệm "hạnh phúc" mới thể hiện đầy đủ sự cam kết không suy giảm vì công bằng xã hội và việc thực thi công bằng xã hội một cách vật chất trong sự công bằng về môi trường và không gian.

Kể từ năm 1874, nhân dân Việt Nam đã tham gia vào cuộc đấu tranh suốt hơn một thế kỷ chống lại thực dân đô hộ. Với sự ghi nhận nền kinh tế thị trường toàn cầu như một công cụ hữu hiệu hơn để có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế và của cải cho xã hội, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng chính sách Ðổi Mới từ năm 1986. Ưu tiên hàng đầu của chủ nghĩa tư bản toàn cầu chính là tối đa hoá lợi nhuận, thậm chí cho dù cái giá phải trả là nền văn hoá quốc gia và những lợi ích môi trường. Do đó, chính phủ hậu xã hội chủ nghĩa và hậu cách mạng ở Việt Nam cần đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia, đề cao những cam kết không ngừng nghỉ để hướng tới bình đẳng và công bằng xã hội cho mọi công dân. Cũng trên tinh thần này, gần đây Thủ tướng chính phủ đã ký văn bản hướng dẫn đảm bảo "thúc đẩy dân chủ và sáng tạo tại cơ sở, huy động sức dân, cải thiện điều kiện sống, nâng cao kiến thức và củng cố ổn định xã hội." [11]

Báo cáo năm 1990 của UNESCO cũng thể hiện những lợi ích to lớn của việc bảo tồn Phố Cổ Hà Nội. Từ đó đến nay, chính phủ Việt Nam đã tăng cường ban hành thêm các quy định toàn diện điều hành việc nâng cao chất lượng và tái phát triển. UNESCO và Hà Nội hiện đang phát động một chiến dịch vận động đưa Khu Phố Cổ vào danh sách các di sản văn hoá thế giới. [12] Tuy nhiên, để định hướng cho công cuộc tái thiết, cần xác định rõ ràng các vấn đề đạo đức và ý chí chính trị của chính phủ và nhân dân Việt Nam, chuyển hoá chúng thành những hoạt động xã hội, văn hoá, và phát triển đô thị mang tính khả thi. Việc vận dụng này cần phải được thực hiện với cái giá là những chi phí kinh tế xã hội và một mức độ đổ vỡ nhất định mà cả những cư dân Phố Cổ cũng như chính phủ đều có thể chấp nhận được. Tôi muốn phân tích bốn vấn đề quan trọng có liên hệ chặt chẽ lẫn nhau và cùng liên quan đến vấn đề tái sinh Khu Phố Cổ. Bốn vấn đề đó là: 1) Truyền thống sinh hoạt, 2) Nâng cấp cơ sở hạ tầng, 3)Vấn đề sử dụng và quy mô đất, 4) Du lịch văn hoá.


Truyền thống sinh hoạt

Trong nền kinh tế thị trường, khi địa điểm bỗng tạo nên rất nhiều sức hấp dẫn về mặt tài chính, đồng thời luật pháp lại quy định cho phép chủ sở hữu đất được đòi lại nhà đất của họ để tái phát triển mà chỉ phải trả một khoản đền bù tối thiểu cho những người dân đang sinh sống trên đất của họ, thì nhất định sẽ dẫn đến xu hướng trưởng giả - ngay cả trong điều kiện quy hoạch và quản lý kiến trúc nghiêm ngặt. Thêm nữa, vì xu hướng này nảy sinh chỉ sau một thời gian ngắn, nên những cư dân nghèo khó hiện đang sinh sống trên đất của người khác sẽ bị di rời đi nơi khác, công việc kinh doanh cũng vì thế mà bị phá vỡ. Vẻ duyên dáng quyến rũ và sự năng động sẽ biến mất. Có thể kể ra đây nhiều ví dụ như: thói trưởng giả thể hiện tại các khu bảo tồn tại Singapore, hay xu hướng xây dựng công viên vui chơi theo chủ đề tại các thành phố và thị trấn ở Mỹ. Ðây là những ví dụ vạch trần chủ nghĩa lịch sử tái tạo.

Mặt khác, một trong các biện pháp giữ nguyên hiện trạng môi trường vật chất vốn có và duy trì các phong cách sống hiện tại cũng như các ngành nghề buôn bán truyền thống của người dân chính là: làm đóng băng thời hiện tại. Không gian rồi cũng dần mất đi sức sống và động lực của nó. Nó sẽ sớm trở thành một điểm di sản của quá khứ vừa qua, và là một sự hoài niệm quá khứ đầy lãng phí.

Một đặc điểm cố hữu rất quan trọng của Khu Phố Cổ là tính không ổn định và sự cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Ðặc điểm các hình thức sử dụng cũng như chân dung người sử dụng những địa điểm này luôn thay đổi và phát triển theo thời gian, đôi khi sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. Ðể duy trì truyền thống sinh hoạt tại Khu Phố Cổ, có ba điều kiện đảm bảo cho sự thành công. Ba điều kiện đó là: 1) ghi nhận quyền chiếm hữu của cư dân dù không có quyền sở hữu theo pháp luật, nhằm mục đích ngăn chặn việc bị cưỡng ép di rời, 2) đáp ứng một cách hữu hiệu và nhạy bén trước những thay đổi nhanh chóng của nền văn hoá, các giá trị và phong cách sống trong nước, và 3) lắng nghe tiếng nói của người dân và sự cần thiết phải cho họ tham gia tích cực vào quá trình ra quyết định.


Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Các dịch vụ hạ tầng cơ bản như điện, nước, tưới, tiêu, v.v. đều phải được cung cấp đến cho mọi người ở mức giá thành hợp lý. Tôn trọng những tuyến đường đã có và những cấu trúc đã được xây dựng, quy mô đô thị hiện nay bao gồm những dãy phố nhỏ phía sau nhà, nơi hiện trạng môi trường được giữ nguyên. Có thể áp dụng biện pháp nâng cấp những gì đã có kết hợp xây mới những mẫu thiết kế đương đại, nhưng quy mô và sự phức tạp của môi trường truyền thống thì luôn cần được tôn trọng. Giao thông cũng cần phải được cải thiện để tạo an toàn hơn cho người đi bộ cũng như giảm bớt ô nhiễm và không rơi vào tình trạng lạm dụng quy định.

Ðây là hai vấn đề nan giải đòi hỏi phải được chú ý ngay. Ðó là 1) Phải điều chỉnh mức độ dân số quá tải tập trung trong những căn nhà ở Khu Phố Cổ, nơi người dân chủ yếu là người nghèo, phải đi bán dạo những thứ đồ lặt vặt ở gần nhà để kiếm chút thu nhập qua ngày. Việc cưỡng chế di rời họ đi nơi khác chắc chắn sẽ tạo nên những căng thẳng và thử thách xã hội không thể tránh khỏi. [13] 2) Việc sửa chữa hoặc xây lại nhiều căn nhà cấp bốn có thể nằm ngoài khả năng tài chính của người dân. Rất may là ở đây chủ sở hữu đất lại là nhà nước, do đó các giải pháp cũng đỡ phức tạp hơn.

Tôi cho rằng nhà nước cần coi trọng việc duy trì truyền thống sinh hoạt ở Khu Phố Cổ, và coi đó như một tài sản quốc gia. Tuy nhiên, lại không hề tồn tại một công thức chung hướng dẫn thực hiện công việc này. Chính phủ cần tìm ra giải pháp hiệu quả vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa độc đáo để có thể phù hợp với những điều kiện cụ thể của Khu Phố Cổ.


Vấn đề sử dụng và quy mô đất

Cũng như nhiều trung tâm buôn bán kinh doanh truyền thống trước khi chịu tác động của các biện pháp can thiệp và tái phát triển, ví dụ như Thành phố Bazaar City ở Mumbai, [14] du khách đi dạo một vòng qua các con phố của Khu Phố Cổ sẽ có được một trải nghiệm không thể nào quên về mức độ phức tạp đến không ngờ trong sử dụng không gian, về cảnh tượng phố xá huyên náo hỗn độn, về các hoạt động sầm uất của khu vực không chính thức, các cửa hàng ăn uống và hàng loạt các hộ kinh doanh nhỏ, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, v.v. Ðằng sau mặt tiền của các cửa hàng là vô số các văn phòng kinh doanh quy mô nhỏ, các khách sạn bình dân, các câu lạc bộ và nhiều cơ sở khác, cũng như những căn nhà đông đúc chật hẹp với cư dân là những người nghèo của đô thị. Quy mô đất phần nhiều là nhỏ và không tuân theo một quy tắc nào cả. Ðiều này lại càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng và độc đáo cho môi trường nơi đây. Trật tự bề mặt hỗn độn này vượt quá mọi phạm vi và mức độ am hiểu thể hiện trong các lý thuyết quy hoạch theo chủ nghĩa hiện đại. Nơi đây có khả năng tự thay đổi và tự khám phá không ngừng. Tuy nhiên, việc mở rộng đường xá, mật độ dân cư quá cao, những toà nhà chọc trời và quá trình tái phát triển quy mô lớn cũng như các cửa hàng tổng hợp, siêu thị, v.v. cũng có thể tạo ra những thiệt hại không thể cứu vãn được. Cần có những nỗ lực sáng suốt để khuyến khích việc cung cấp các ngành nghề thủ công, nghệ thuật đương đại, các quán cà phê bình dân, và các không gian có mức giá cả hợp lý cho rất nhiều các bạn trẻ trong cộng đồng nghệ thuật, đồng thời cũng để tối giản ảnh hưởng của các hệ thống cửa hàng toàn cầu, ví dụ như MacDonald hay Starbucks.


Du lịch văn hoá

Năm 2002, Việt Nam đón 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 900.000 khách đến Hà Nội. Rất nhiều du khách, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á khác thường thích ngụ tại các khách sạn nhỏ, ít xa hoa và do chủ nhân tự điều hành. Quá trình này có thể tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Du lịch văn hoá đang ngày càng trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ có trình độ - họ đòi hỏi chuyến đi phải cho họ cái nhìn toàn diện và có giá trị về văn hoá xã hội của đời sống bản địa. Khu Phố Cổ chắc chắn là một điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch văn hoá, trong đó có nhiều người là khách ba lô, cùng du lịch với bạn bè hoặc đôi khi với con nhỏ. Họ chọn những khách sạn rẻ tiền, thích thú với việc lượn phố, ăn tiệm, uống nước và thư giãn vui vẻ trong các quán cà phê xung quanh khu vực khách sạn. Một vài người có phong cách giống như những kẻ hay rong chơi trong chuyện của Walter Benjamin, họ là những người luôn tìm kiếm kinh nghiệm thay vì kiến thức. Như cách nói của Benjamin: "Cảm giám say sưa xâm chiếm anh khi anh lang thang không mục đích trên các con phố. Mỗi bước anh đi lại như tiếp thêm nguồn động lực; thậm chí khi đó sức quyến rũ của các cửa hàng, tiệm ăn, của những gương mặt phụ nữ với nụ cười trên môi cũng giảm hẳn, và anh càng không thể kháng cự nổi sức hút như có mãnh lực của góc phố kế tiếp, hay của tên phố thấp thoáng từ phía xa như những chiếc lá."


Kết luận

Tóm lại, việc bảo tồn Khu Phố Cổ với tư cách một truyền thống sinh hoạt có sứ mạng không ngừng phản ánh sức sống độc đáo của nền văn hoá đô thị đang thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ tại Việt Nam là một nhiệm vụ kinh khủng và đầy thách thức. Không giống với những điểm di sản tại nhiều nước khác, nơi kiến trúc và cảnh quan đô thị đạt đến chất lượng vượt trội, ví dụ như trung tâm truyền thống Penang của Malaysia, sau rất nhiều những tàn phá qua hàng thế kỷ do hậu quả của chiến tranh và thiên tai cũng như quá trình tái xây dựng không ngừng, những gì còn lại của Khu Phố Cổ Hà Nội đến nay là khoảng 300 ngôi nhà "cỡ trên một trăm năm tuổi." [15]

Tôi hoàn toàn nhất trí với Giáo sư Arnold Koerte rằng văn hoá đô thị tại Khu Phố Cổ thể hiện "một không gian phố xá gần như hoàn hảo, với những con phố và quang cảnh hài hoà mà điểm nhấn là những ngôi nhà mặt tiền, màu sắc và cây cối…nhưng chính con người - những người đem đến cuộc sống và sự đa dạng cho thành phố này, mới là nhân tố đáng kể nhất". [16]
Ðã có nhiều công trình viết về những tâm huyết bảo tồn, phục chế và quảng bá cho Khu Phố Cổ. Tuy nhiên, còn thiếu một nhân tố quan trọng: đó là phải thông tin, lấy ý kiến và thu hút sự tham gia của người dân sống tại đây. Tôi rất thông cảm với lo ngại của nhà sử học Lê Văn Lan rằng "bản thân những người dân sống tại đây còn có quá ít tiếng nói, trong khi chính họ có lẽ cũng rất ít biết là người ta đang đại diện cho họ để bàn thảo những vấn đề gì…Tài sản lớn nhất của Khu Phố Cổ - kể cả vật thể cũng như phi vật thể - tài sản có giá trị tuyệt vời nhất về mặt lịch sử và văn hoá - chính là những con người đã sống ở đây qua nhiều thế hệ - nhưng chính họ lại bị bỏ quên". [17] Theo tôi, sự tham gia tích cực của những con người này là yếu tố thiết yếu, bởi lẽ bài toán đặt ra với chúng ta cực kỳ phức tạp và cần được xây dựng, cải thiện và điều chỉnh không ngừng để có thể đáp ứng được lần lượt tất cả các vấn đề có liên quan lẫn nhau như vừa nói trên.

© 2003 talawas


[1]William S. Logan, " Hệ Tư tưởng, Ký ức và Tầm quan trọng về Di sản" trong cuốn Hà Nội : Tiểu sử một thành phố ("Ideology, Memory and Heritage Significance" in Hanoi: Biography of a city) (Sydney: University of New South Wales Press Ltd, 2000), 1 - 18.
[2]William S. Logan, "Thăng Long- Rồng bay lên: Hà Nội trước thời kỳ thực dân và Dấu ấn của Trung Hoa" ("Thang Long, the Ascending Dragon: Pre-colonial Hanoi and the Chinese Imprint"), ibid. 19 - 66.
[3]Anthony D. King, "Chủ nghĩa hậu thực dân thực sự tồn tại: đô thị và kiến trúc thực dân sau thời kỳ hậu thực dân" trong cuốn Chủ nghĩa Ðô thị Thực dân: Các thành phố Ðông Nam á và các Quá trình Toàn cầu" ("Actually Existing Postcolonialism: Colonial Urbanism and Architecture After the Postcolonial Turn" in Postcolonial Urbanism: Southeast Asian Cities And Global Processes), eds Ryan Bishop, John Philips and Wei Wei Yeo (New York: Routledge, 2003), 176.
[4][Arjun Appadurai, "Toàn cầu hoá đến cơ sở và Trí Tưởng tượng nghiên cứu" trong cuốn Văn hoá Cộng đồng ("Grassroots Globalization and the Research Imagination" in Public Culture), tập 12, no. 1 (Winter 2000), 1-19.
[5]William S W Lim, (Hậu) Hiện đại Thay thế (Alternative (Post)modernity) ( Singapore: Select Publishing, 2003).
William S W Lim, Lựa chọn trong thời kỳ quá độ: Hậu Hiện đại, Toàn cầu và Công bằng Xã hội (lternative in Transition: The Postmodern, Glocality and Social Justice) (Singapore: Select Publishing, 2001).
[6]William S W Lim, "Chủ nghĩa Ðô thị Mới ở Châu Á" trong cuốn Chủ nghĩa Ðô thị Mới ở Châu á và các Tài liệu khác) "Asian New Urbanism" in Asian New Urbanism and Other Papers (Singapore: Select Books Pte Ltd, 1990), 35 - 48.
[7]Ryan Bishop, John Philips & Wei Wei Yeo eds. Chủ nghĩa Ðô thị Hậu Thực dân: các Thành phố Đông Nam Á và các Quá trình Toàn Cầu (Postcolonial Urbanism: Southeast Asian Cities And Global Processes) (New York: Routledge. 2003).
[8]William Logan, "Ðổi mới và sự Trở lại của Chủ nghĩa Tư bản" trong cuốn Hà Nội: tiểu sử một thành phố" ("Doi Moi and the Return of Capitalism" in Hanoi: Biography of a city) (Sydney: University of New South Wales Press Ltd, 2000), 224.
[9]Lady Borton (Nghiên cứu, thu thập và dịch), "Tuyên ngôn độc lập" trong cuốn Hồ Chí Minh: Chân dung một Con người" ("Declaration of Independence" in Ho Chi Minh: A Portrait (Hanoi: Youth Publishing House, 2003) 78.
[10]Ng Yew Kwang, "Từ sự ưu ái đến Hạnh phúc: Hướng tới một nền kinh tế Phúc lợi toàn diện hơn" trong cuốn Sự lựa chọn và Phúc lợi Xã hội ("From preference to Happiness: Towards a More Complete Welfare Economics" in Social Choice and Welfare, August 2003 v.21 no.1.
[11]"Hướng dẫn của Thủ tướng về Cởi mở Dân chủ tại Cơ sở" ("PM Instructs Openness and Democracy at Communal Level") báo Nhân dân ngày 10 tháng 7 năm 2003a> .
[12]"Khu phố Cổ Hà Nội với mục tiêu được đưa vào danh sách di sản" trên Ðài tiếng nói Việt Nam, ngày 7/7/2003 ("Hanoi's Old Quarter Aims for Heritage Listing"a> in VOV News, 7 July 2003 .)
[13]Cần lưu ý rằng gần đây có một loạt các báo cáo về sự phản đối và đối đầu của những dân bị di rời tại Thượng Hải và Bắc Kinh.
[14]Rahul Mehrotra, "Thành phố Bazaar- Phép ẩn dụ của đô thị ở Ðông Nam Á" trong cuốn Thủ đô và Kiếp luân hồi: Những vị trí gần đây của Nghệ thuật Ấn Ðộ ("Bazaar City - A Metaphor for South Asian Urbanism" in Aktuelle Positionen Indischer Kunst/Capital and Karma: Recent Positions in Indian Art, eds. Angelika Fitz, Gerolad Matt et al (Vienna: Hatje Cantz Publisher, 2002).
[15]"Thiếu cương quyết đặt Cấu trúc Khu Phố Cổ trước nguy cơ" trên báo Việt Nam News, ngày 1 tháng 11 năm 2003 ("Indecision Places Old Quarter Structures at Risk"a> in VNS, 1 November 2003 .)
[16] "ý kiến chuyên gia về Khu phố Cổ" trên Việt Nam News ngày 1 tháng 11 năm 2003 ("Specialist's Opinions of the Old Quarter"a> in VNS, 1 November 2003)
[17]ibid.

Nguồn: Phát biểu trong há»™i thảo Nhà ở cho người có thu nhập thấp tại Viện Goethe Hà Ná»™i kết hợp vá»›i Trường đại học xây dá»±ng, 20-26 tháng 11 năm 2003