trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 33 bài
  1 - 20 / 33 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
25.9.2006
Vũ Đức Tân
Sự lập lờ trong đánh giá về Thanh Tâm Tuyền
 
Sau các ý kiến của nhà thơ Thanh Thảo và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhân bài báo của tác giả Vũ Đức Tân trên tờ Người Hà Nội về Thanh Tâm Tuyền, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài của ông Vũ Đức Tân để rộng đường dư luận.
talawas
Gần đây, tạp chí Thơ, số 3-2006, Hội Nhà văn Việt Nam, đưa năm trang giới thiệu về Thanh Tâm Tuyền. Nếu chỉ tin vào những gì tạp chí Thơ giới thiệu thì có lẽ độc giả sẽ cho rằng đây là một con người lương thiện và là "một tài năng có nhiều tâm huyết đóng góp cho quá trình hiện đại hoá thơ".

Tạp chí Thơ còn nêu ý kiến: "Chắc chắn sẽ còn nhiều điều cần được trao đổi, tường giải, song thơ Thanh Tâm Tuyền cùng những quan niệm về thơ của ông giữa cuối những năm năm mươi và đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước là một hiện tượng tạo được nhiều quan tâm, là một bước ngoặt đáng trân trọng (tôi – tác giả bài viết - xin nhấn mạnh ý này) [1] . Thơ Thanh Tâm Tuyền có sức ám ảnh và không dễ cắt nghĩa được hết."

Đối với độc giả miền Bắc, cái tên Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn xa lạ, với nhiều độc giả miền Nam cái tên này gần với một giai đoạn đen tối của đất nước dưới ách kìm kẹp của Mỹ-nguỵ, đó cũng là giai đoạn sáng tác đắc ý của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, sĩ quan cộng hoà, với lý tưởng chống cộng tươi mới vừa chạy ngoài Bắc vào, phục vụ cho chính quyền nguỵ. "Giai phẩm Văn" số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền có đăng bài của Lê Huy Oanh "Ký sự về một chuyến đi kỳ thú vào vùng rung cảm", một tác gia khá đồng điệu với Thanh Tâm Tuyền cũng viết: "Thật vậy, thế giới thơ Thanh Tâm Tuyền trước hết là xứ sở của những người thiết tha với cách mạng, tâm hồn đắng cay chua xót vì hoàn cảnh nhược tiểu nên luôn luôn muốn đạt tới một cuộc sống tươi sáng xứng đáng hơn. Họ căm thù thực dân, họ căm thù cộng sản (tôi - người viết gạch ý này) [2] , họ căm thù những tù ngục bất công, họ tức giận khi thấy dân tộc sống trong áp bức, sống trong cảnh nghèo nàn đói khổ vì thế họ thấy cần phải làm cách mạng" (cần phải hiểu đây là cách mạng theo nghĩa phục vụ cho chính quyền miền Nam). Cũng tác giả Lê Huy Oanh trong bài "Kinh nghiệm đọc thơ Thanh Tâm Tuyền" có viết về tư tưởng nòng cốt của tập thơ "Tôi không còn cô độc": "Nỗi buồn của một người dân nhược tiểu, căm thù mọi hình thức áp bức, nhất là sự áp bức của thực dân và cộng sản". Một ý kiến khác cũng cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền đại diện cho tư tưởng thất bại của những người trí thức tiểu tư sản (tôi bóp cổ tôi chết gục /tôi thèm sống như tôi thèm chết – thơ TTT). Cũng chính vì vậy sự thiện cảm của đa số người yêu nước miền Nam với cây bút này là không nhiều. Tư tưởng chống cộng đương nhiên thấm đẫm những tập thơ quan trọng như "Tôi không còn cô độc" [3] (1956), "Liên đêm mặt trời tìm thấy" [4] (1964) của sự nghiệp thơ Thanh Tâm Tuyền. Trong các tập thơ trên có những bài có tư tưởng chống cộng rất rõ như bài "Trưởng thành" và bài thơ viết về cuộc chính biến 1956 ở Hung-ga-ri "Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest". Ông được coi là lá cờ đầu của nhóm Sáng tạo, là nhà thơ có ảnh hưởng tượng trưng và hiến sinh, đại diện cho tư tưởng chính thống của miền Nam lúc này (những năm 1950-60).

Sự thất bại của chế độ bù nhìn cũng là sự thất bại của tư tưởng văn nghệ chống cộng. Trên thực chất nền văn nghệ ấy không có gì phù hợp về nội dung với văn nghệ của chúng ta. Sau khi ra cư trú ở nước ngoài, tập thơ tiếp theo của Thanh Tâm Tuyền không để lại dấu ấn gì mới. Ông trở lại làm thơ theo lối cũ, về hình thức gần với thơ Đường và thơ mới.

Tôi không hiểu tại sao một tạp chí thơ của Hội Nhà văn Việt Nam lại có thể đăng tải một nội dung thơ như thế. Cách giới thiệu về nhà thơ nọ cũng làm cho bạn đọc thật khó hiểu. Hầu hết lý tưởng và sự nghiệp của ông ta bị quên lãng nhường cho những lời ca ngợi về một tài thơ "có những đóng góp rất đáng ghi nhận trong tiến trình thay đổi, hiện đại hoá thơ Việt Nam". Đương nhiên, tạp chí cũng không nêu rõ đó là những đóng góp loại gì, có giá trị như thế nào.

Tôi trích lại một ý kiến về Thanh Tâm Tuyền từ hải ngoại để thấy rằng vấn đề này vẫn còn thời sự đến mức nào. Ông Bùi Ngọc Tuấn trong bài “Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng" [5] có phát biểu như sau: "Sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền sẽ đưa đến sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị văn học nghệ thuật miền Nam của giai đoạn 1954-1975...". Theo chỗ tôi hiểu thì đây là việc khôi phục các giá trị nội dung là chính.

Tôi muốn góp ý với tạp chí Thơ là khi làm nhiệm vụ "khảo cổ học văn nghệ" nên thận trọng và giới thiệu khoa học, có đầu, có đũa. Bạn đọc chúng ta, nhất là những lớp trẻ tuổi thật có ít thời gian thâm nhập vào thâm cung bí sử của thời đại nhiều biến động. Bạn đọc không sợ sự thật, nhưng sợ sự lập lờ, trắng đen lẫn lộn, cũng như sợ những giá trị ảo về tài năng văn nghệ.



[1]Bản in trên báo không có dấu in đậm (các chú thích trong bài đều của talawas).
[2]Bản in không có dấu gạch chân.
[3]Tủ sách talawas, 19.8.2006
[4]Tủ sách talawas, 21.8.2006
[5]talawas, 24.4.2006
Nguồn: Mục "Trao đổi", báo Người Hà Ná»™i số 38, ngày 22.9.2006