trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
2.10.2006
Bùi Công Thuấn
Vườn hoang cỏ mọc
 
“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Đó là hình ảnh tôi tạm hình dung về thực trạng của phê bình trong nước nhưng năm vừa qua. Trong cái ao tù văn chương làng quê, sáng tác văn chương nở rộ như những cánh bèo khiến ao ngày càng chật chội, nhưng phê bình thì thưa vắng và gần như mất tăm, chẳng có tiếng vang nào, chẳng có tiếng nói tích cực nào với đời sống văn chương.

Nguyễn Thuý Hằng đã phải lên tiếng: “đội ngũ các nhà phê bình quá ít và trình độ của họ hiện nay chỉ dừng ở mức độ khen - chê, chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn” (eVăn 11/5/06). Quả là một thái độ đầy thách thức. Nhà thơ nhà văn hôm nay đang quất ngược ngọn roi lên lưng các nhà phê bình, vậy mà chẳng thấy “cá đớp động chân bèo”, nhà phê bình vẫn im hơi lặng tiếng.

Thậm chí trong con mắt nhà thơ nhà văn, nhân cách nhà phê bình còn xuống cấp trầm trọng. Lynh Bacardi bày tỏ thái độ cực kỳ khinh miệt (sau khi tập thơ Dự báo phi thời tiết bị thu hồi): “Điều khiến cho những người trẻ chúng tôi nhức nhối, khinh bỉ, là thái độ trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau một cách vụng về, hèn nhát của những người chịu trách nhiệm xuất bản tập thơ” (Tiền Vệ).

Có lẽ không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi ý kiến nhà phê bình, nhà thơ nhà văn đã tự lên tiếng tiếp thị cho tác phẩm của giới mình, đấy là cách “con hát mẹ khen hay” hoặc “mèo khen mèo dài đuôi”. Nhà thơ Dư Thị Hoàn ra sức bênh vực 5 con ngựa trời, nhà thơ Inrasara viết phê bình thơ nữ, Nguyễn Huy Thiệp viết Giăng lưới bắt chim với giọng “như đang lè nhè giữa một đám chén chú chén anh nào đó. Viết để lấy lòng mọi người. Viết để trả nợ. Viết để ra vẻ bề trên, ban phát cho các đàn em. Hình như ông quên mất mình là một nhà văn” (Vương Trí Nhàn). Nguyên Ngọc giới thiệu Độ không của lối viết của Roland Barthes và ca ngợi “Bóng đè”. Theo Trần Thanh Đạm, Nguyên Ngọc là “nhà văn không sáng tác mà đi vào bình luận văn học với tham vọng làm người tiên phong hướng đạo cho văn học đổi mới “ (Tham luận tại Hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Hà Nội tháng 3/2006). Báo Tuổi Trẻ huy động đông đảo bạn đọc bênh vực Nguyễn Ngọc Tư. Rồi Phạm Hương Giang, “nạn nhân” của Truyện ngắn 8 X, đã viết lời sám hối muộn màng (Văn nghệ Trẻ số 32/2006).

Người ta tìm kiếm các khuôn mặt phê bình, cần nghe tiếng nói của nhà phê bình, nhưng hình như họ biến mất tăm (việc Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm nghiêm khắc vì “Cánh đồng bất tận” mà không một nhà phê bình nào lên tiếng là một thí dụ). Quả thực đó là một điều lạ lùng đối với thực tại văn chương ở ta.


Câu chuyện thầy bói sờ voi

Từ sau Hội nghị Tam Đảo đến nay, tình hình lý luận và phê bình văn học vẫn chưa có gì khả quan hơn. Một số nhà lý luận phê bình văn chương có đặt ra yêu cầu cần đổi mới lý luận, yêu cầu cần phải nghiên cứu tất cả các trào lưu lý luận cả phương Đông và phương Tây, cần phải hình thành lý luận văn chương riêng của Việt Nam. Chẳng hạn PGS Trần Ngọc Vương cho rằng “lý luận văn học hoàn toàn có thể xây dựng lại” (Phỏng vấn của Văn nghệ Trẻ). PGS TS Phan Trọng Thưởng đề ra “luận cứ 7 điểm cho Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển” (Hội thảo khoa học về lý luận văn học tại Viện Văn học 2005), PGS TS Nguyễn Văn Dân đề ra yêu cầu “về sự hợp tác và nhất trí trong nghiên cứu” trong lý luận văn chương. Ông thông báo một tín hiệu vui: “Tôi được biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang có một đề tài cấp nhà nước về tổng kết tình hình lý luận văn học trên thế giới và Việt Nam.” Đỗ Lai Thuý viết Sự đỏng đảnh của phương pháp, giới thiệu các trào lưu lý luận phê bình văn học phương Tây…

Nhưng thực tế, đó mới chỉ là những bài viết có tính chất đặt vấn đề. Trần Quang Đạo nhận xét: “thực trạng lí luận phê bình đáng báo động thì ai cũng biết, song giải pháp tháo gỡ thì dường như chưa có, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng. Tôi đã đọc được một số giải pháp mà các nhà phê bình hay các nhà văn viết lên báo thì thấy phần lớn là thiếu thực tế và không tưởng. Theo tôi, trước mắt chúng ta phấn đấu xây dựng một nền văn học và giáo dục lành mạnh đã, còn các bước tiếp theo chúng ta “vừa làm vừa nghĩ” (“Lí luận phê bình văn học trong mùa lá rụng”, Văn nghệ Trẻ, số 14 (488) ra ngày 02/4/06).

Đại hội Nhà văn Việt Nam, rồi Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII , Hội nghị Lý luận Phê bình văn học đã diễn ra, Ngày Thơ Việt Nam có cờ quạt xanh đỏ như một trò chơi xôm tụ, nhưng không để lại một giá trị thực tiễn nào cho hoạt động sáng tác và phê bình văn chương. Chưa có những bài viết hoặc những công trình áp dụng các lý thuyết lý luận văn chương mới vào phê bình những tác phẩm cụ thể. Nhiều người viết phê bình hiện nay vẫn còn luẩn quẩn trong vòng kim cô của các quan điểm phê bình cũ không sao thoát ra được, viết cảm tính, chẳng dựa trên một lý thuyết văn chương có tính khoa học nào. Đấy là chưa nói kiểu viết để tâng bốc lẫn nhau hoặc chỉ để tiếp thị cho một tờ báo nào đó.

Thực tế đang diễn ra là: người sáng tác, nhất là người trẻ thì viết thoải mái, rất ít người có được một ý thức sáng tạo tiến bộ dẫn dắt. Nhiều người viết trẻ không biết đến những ý niệm căn bản của lý luận văn chương, họ viết theo cảm tính (Nguyễn Một, Văn nghệ Trẻ 12/3/06), “viết theo bản năng” (chữ của Nguyễn Thuý Hằng, eVăn, bài đã dẫn). Võ Thị Xuân Hà còn quyết liệt khẳng định rằng mình viết bằng bản năng (Văn nghệ Trẻ 28/5/06)…, còn các nhà phê bình thì lúng túng không biết đâu là chân lý văn chương để dựa vào đó mà đánh giá. Phan Quý Bích (Văn nghệ Trẻ 18/12/05) nói đến sự không thống nhất về các tiêu chí giải mã tác phẩm. Từ đó nảy sinh những tranh cãi vô bổ…

Người đọc nghe các nhà phê bình “cãi nhau” như nghe thầy bói sờ voi nói chuyện văn chương. Nhân đó có người viết trẻ gọi các nhà phê bình không khen ngợi mình là chó, “đâu đâu cũng toàn chó là chó” (“Sau khi bóng đè”, talawas, 3/2006). Và quả là bi hài khi có nhà thơ nhảy phóc sang làm nhà phê bình, lập thuyết, đưa ra cái gọi là “mơ hồ thi giác” để thẩm định thơ. Nhà phê bình ấy, tự nhận mình là Chí Phèo thời đại, có tham vọng muốn giết CÁI TINH THÂM THỜI ĐẠI nhưng không giết được (Pháp luật Chủ nhật số 136 ngày 06/11/05).


Múa gậy vườn hoang

Cũng phải công bằng mà nói, tinh thần của thời đại sau Hội nghị Tam Đảo có thoáng hơn. Người ta giã từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nhẹ nhàng. Đã có sự hợp lưu rất nhạy cảm nào đó trong sinh hoạt văn chương, mặc dù vẫn còn nhiều khoảng cách... Người ta đã bắt đầu nhìn nhận giá trị văn chương của Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư (xin đọc Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam), đã trò chuyện với Nguyễn Mộng Giác, đã nói về Du Tử Lê, đã đăng thơ Tô Thuỳ Yên, Phan Nhiên Hạo và một vài nhà thơ hải ngoại khác (tạp chí Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam); cũng vậy, các tạp chí văn nghệ hải ngoại đăng tác phẩm và bài viết của những tác giả trong nước, với nhiều mục đích khác nhau...

Trên văn đàn trong nước, chẳng còn lý thuyết văn chương nào là chính thống. Ai muốn viết gì, muốn viết thế nào thì viết. Không in được thì ném lên mạng. Không thiếu người khen người chê và rất nhiều kẻ lợi dụng. Văn chương là hàng hoá. Công nghệ lăng–xê tỏ ra có hiệu quả trong việc quảng cáo sản phẩm. Sự nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tư là do chiến lược quảng cáo dài hơi của báo Tuổi trẻ... Cũng vậy, nhiều người trẻ đã tìm sự nổi tiếng bằng nhiều kiểu chơi, kể cả những cách mà Nam Cao (Đời thừa) gọi là đê tiện.

Viết Tiểu long nữ, Nguyễn Huy Thiệp đã thú nhận điều này: “Như tôi đã nói, cuốn sách viết ra chỉ nhằm mua vui và kiếm tiền. Thú thực, lúc đầu tôi cũng có chút ngượng ngùng, không định ký tên vào cuốn sách. Tôi biết, Tiểu long nữ có thể khiến nhiều người thất vọng về tôi, nhưng con người ta cũng phải có mặt này mặt nọ, không thể cứ đứng mãi trên đỉnh cao như thế được, mệt mỏi lắm” (eVăn, 14/8/06) Phải chăng nhà văn đã tự hạ giá ngòi bút của mình rồi?

Nhà văn viết theo bản năng, viết theo cảm tính, nhà văn mắc bệnh “mắt hẹp” “từ bé đến giờ chỉ quẩn quanh với sách vở, với máy tính, vốn sống thực tế hạn hẹp. Có những tác giả chưa bao giờ ra khỏi thành phố, không phân biệt được con trâu với con bò, lúa với mạ...” (Phạm Hương Giang, bài đã dẫn), nhà văn thấy xung quanh mình “đâu đâu cũng toàn chó là chó” (bài đã dẫn), nhà văn không có ánh sáng của một ý thức sáng tạo tiến bộ dẫn đường, không vượt qua được những kiểu tư duy nghệ thuật cũ kỹ, không học tập tiếp thu có sáng tạo những kỹ thuật viết mới, lại tự hạ giá nhân cách, ngòi bút tỏ ra bất lực trước thực tại, tất yếu sẽ dẫn đến sự nghèo nàn và sự bát nháo của một nền văn chương chợ trời.

Không có tác phẩm hay thì nhà phê bình sẽ viết gì? Xin đừng nghĩ rằng nhà phê bình “chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn” (bài đã dẫn). Những nhà văn đáng kính phục cả về tài năng và nhân cách như Phùng Quán, Trần Dần, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư,… cũng chưa ai xem thường thiên hạ như thế. Trong thiên hạ có nhiều người tài lắm. Nhà văn đừng phụ “những tấm lòng trong thiên hạ” (chữ của Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù”). Cũng vậy, một người có nhân cách và biết cầm bút sẽ không gọi người đọc văn mình là “chó”. Nhà văn có được người đọc, đó là một hạnh phúc. Chuyện khen chê trong việc thẩm định các giá trị văn chương xưa nay là bình thường. Tiếp cận chân lý trong diễn giải văn bản là điều không thể. Hơn 200 năm rồi, người ta vẫn còn khen chê Nguyễn Du đấy, cũng chưa ai diễn giải được chân lý nghệ thuật của bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư (1052–1096), người đã sống cách chúng ta gần một ngàn năm (đọc thêm Như Huy: “Thêm hai cách đọc bài thơ / kệ ‘Cáo tật thị chúng’, Tiền Vệ, 2/2005).

Các nhà văn cứ đọc nhận xét của những độc giả bình thường xem họ nhận xét những gì? (Văn nghệ Trẻ số 35, ngày 27/8/06). Người đọc trẻ có trình độ, họ tiếp cận với nhiều tác phẩm văn chương lớn của thế giới, những tác phẩm ấy được viết với nhiều phong cách và bút pháp khác nhau, nhiều kiểu tư duy nghệ thuật khác nhau, được soi sáng bằng những ý thức sáng tạo mới mẻ và độc đáo, được thể hiện bằng những ngòi bút tài năng của những nhân cách lớn; khi đọc tác phẩm trong nước, họ sẽ nhận ra ngay những thứ hàng rởm hàng giả của những cây viết chưa vượt qua bản năngcảm tính, thấy sao nghĩ sao viết vậy.

Những người đọc có trình độ và những nhà phê bình thận trọng sẽ chẳng dại gì mà dây vào những chuyện vô bổ, vì người ta biết rằng, bọt bèo rác rưởi sẽ trôi đi nhanh thôi, mọi trò tô son trát phấn, vẽ mày vẽ mặt, sẽ chỉ là trò của phường chèo. Giá trị đích thực của nghệ thuật mới tồn tại.

Chỉ những ý thức sáng tạo tiến bộ mới đem đến những giá trị đích thực cho văn chương. Thử nhìn lướt xem, bao nhiêu tác phẩm có giá trị để đời đều được sáng tác duới ánh sáng của những ý thức sáng tạo mới mẻ: chủ nghĩa Nhân văn, chủ nghĩa Cổ điển, chủ nghĩa Lãng mạn, chủ nghĩa Hiện thực phê phán, chủ nghĩa Hình thức, chủ nghĩa Siêu thực, chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa Hiện sinh... Những nhà văn nhà thơ trở thành những tác giả lớn trước hết là ở tài năng và nhân cách của họ, ở sự đóng góp của họ với sự phát triển lịch sử của nhân loại.

Trong cáo ao làng văn chương Việt Nam hiện nay, những nhà lý luận văn chương thì thiếu thực tế và không tưởng (bài đã dẫn), nhà phê bình chỉ có thể đọc tác phẩm văn chương bằng cảm tính, bằng con mắt của những người mù (Nguyễn Hưng Quốc, talawas, 2004) và người sáng tác chưa ý thức đầy đủ về nhân cách nhà văn của mình, lại viết bằng con mắt hẹp bản năng, thì còn lâu lắm văn chương Việt Nam mới có cơ may theo kịp văn chương thế giới.

Bao giờ mới chấm dứt được tình trạng “vườn hoang cỏ mọc” trong sáng tác và phê bình như hiện nay? Câu hỏi ấy người đọc xin dành cho nhà văn và nhà phê bình trả lời.

(Nhân Hội thảo Lý luận phê bình văn học sắp diễn ra tại Đồ Sơn trong 2 ngày 04 và 05 tháng 10/2006)

9/2006

© 2006 talawas