trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
1.12.2006
Nguyá»…n Vy Khanh
Hôm trước đọc bài "Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ" của bà Trịnh Thanh Thuỷ trên talawas, tôi nhận thấy bà hơi bi quan về tình huống có thể xảy ra cho tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975; hôm nay đọc ý kiến của ông Vương Văn Quang, ngược lại, tôi lại cảm thấy ông họ Vương quá tự tin.

Về bài của bà Trịnh Thanh Thuỷ, nói chung tôi đồng ý với một phần phân tích hiện tình của tiếng Việt đó như được dùng ở hải ngoại, hơn 31 năm sau, và tình trạng giao lưu/xâm nhập tự nhiên (hay cố tình) của sách báo trong nước mà bà đã đưa ra, nhưng tôi không bi quan như bà dù rằng tôi không lạc quan lắm về sự "sống còn" của tiềng Việt miền Nam. Lý luận của ông Vương Văn Quang ngược lại, không đủ thuyết phục người sống ở ngoài nước như chúng tôi và tôi tin là với cả nhiều người đang sống ở miền Nam cũ (ở trong nước). Phản ứng của ông Quang làm tôi nghĩ tới phản ứng của hàng trăm người đối với một cô bé tên "Bé Crys" đã "dám" viểt một bài ngắn kể lại "những bức xúc về chuyện bất đồng khẩu vị và ngôn ngữ" khi từ Sài Gòn ra Hà Nội (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/11/061128_blog_saigon_hanoi.shtml) mà đài BBC tường thuật hôm 28-11-2006, cùng ngày với sự xuất hiện của bài viết của bà Trịnh Thanh Thuỷ.

Chúng tôi vẫn theo dõi sách báo trong nước cũng như có dịp (dù ít hơn) quan sát, đọc, nhìn và nghe tiếng nói, chữ viết của người trong nước; do đó chúng tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với bà Trịnh Thanh Thuỷ rằng có nguy cơ diệt vong của tiếng Việt Sài Gòn cũ, ở trong nước cũng như ở hải ngoại! Ở ngoài nước, một phần tiếng Việt Sài Gòn sẽ bị tiếng Việt trong nước thay thế vì "những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối " và vì "người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo". Phần tiếng nói, chữ dùng có thể bị thay thế đó là phần thời thượng, vô thức hoặc do người sử dụng vô tình hay vô ý thức, là phần sẽ bị thời gian đào thải.

Nguy cơ và vấn đề của tiếng Việt hiện nay theo tôi, là 1) việc sử dụng sai tiếng Việt; 2) khuynh hướng và chính sách dùng tiếng Trung Quốc thay cho tiếng Việt ròng.

1. Dùng sai tiếng Việt: Có thể vì chiến tranh liên tục và hàng ngàn lý do khách quan, chủ quan, giới hữu trách về ngôn ngữ quốc gia ở Việt Nam chưa tổ chức được những cuộc tham khảo rộng lớn các nhà chuyên môn về ngữ học, do đó chưa thể thống nhất chữ dùng cho cả nước và áp dụng vào nhà trường (dĩ nhiên các phương ngữ vẫn có giá trị và vị trí của chúng). Dùng sai vì không muốn dùng lại từ của "ngụy", như trực thăng, bán công, mặt tiền, tài liệu, v.v. Dùng sai còn có lý do vọng ngoại như tiếng Việt đã có từ sạp hay quầy, quầy hàng, vậy mà nhiều nơi người ta ghi lên bảng hiệu nào là công toa, ki-ốt (comptoir, kiosque), v.v.

2. Vào khoảng cuối thập niên 1910, Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong đã nhập cảng Hán-tự thay thế các từ tiếng Việt đã có, dù rằng vào thời đó tiếng Việt có nhu cầu diễn tả và thông dịch ra tiếng Việt các từ ngữ mới về khoa học, chính trị, v.v. Các ông Phan Khôi và Nguyễn Háo Vĩnh trên Nam Phong Phụ Nữ Tân Văn đã phản đối một thời! Miền Bắc từ 1954 và cả nước từ 1975 đã cơ chế hóa ngôn ngữ hành chánh và quốc gia theo khuôn mẫu từ ngữ của đàn anh Trung Quốc - từ sau 1949 đã đơn giản hóa chữ Hán vẫn được sử dụng ở Trung Hoa trước đó và chế ra những từ ngữ mới. Từ đó, họ viết và sử dụng một số từ ngữ khác với "đồng chủng" của họ ở đảo Đài Loan. Việt Nam ta theo Trung Quốc, do đó sử dụng lại từ ngữ của người Trung Quốc, dù trong tiếng Việt đã có từ ngữ tương đương. Có thể nói đó là lý do có những từ sự cố, tư liệu, thiết kế nội thất, v.v. Nhưng trong thực tế, các từ này được dùng nửa nạc nửa mỡ, nghĩa là pha chế với tiếng Việt ròng, như nội thất phòng tắm, v.v. Gần đây chúng tôi đọc bài báo viết về nhũng lạm trong việc xây dựng (!) đường xa lộ Hồ Chí Minh nhưng không thể hiểu trọn vẹn dù chúng tôi đã từng học qua chữ Hán ba năm, vì bài dùng toàn từ ngữ và cấu trúc từ ngữ Trung Quốc trừu tượng để nói đến xi-măng, cát, nhựa đường và cách pha chế, gian lận, thể thức đấu thầu, thực hiện, v.v. Không hiểu đây có phải là cố tình chăng, để dân chúng không thể hiểu hết ngọn nguồn?

Thứ tiếng Việt bị cơ chế hóa như vầy cần được... cởi trói, như trong lãnh vực văn học từ sau 1987 vậy! Vì ngôn ngữ là một trong những thành tố chính tạo thành một nước, một dân tộc, mà là một thành tố độc đáo, khác biệt với các dân tộc khác. Chế độ nào nếu tồn tại lâu sẽ "thành công" bôi xóa tàn tích của chế độ thù nghịch trước đó, như Gia Long đối với nhà Tây Sơn, nhưng ai cũng biết rằng luật đào thải của thời gian và lịch sử còn mạnh hơn nữa!

Hiện nay, trong nước nhất là ở trong miền Nam, những từ trực thăng, bán công, mặt tiền, tài liệu v.v. đã bắt đầu được sử dụng nhiều và trở nên quen... tai, quen mắt! Sách miền Nam đã được công khai in lại, được giới nghiên cứu và sinh viên tham khảo, rồi người trong nước tham khảo sách báo và internet ngoài nước, cuối cùng luật tự nhiên sẽ cân bằng trở lại; đấy là lý do chúng tôi không bi quan!