trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
17.3.2007
Hoằng Danh
Lựa chọn chính trị (2): của tất cả và từ tất cả, qua chuyện đối lập
 
1. Sau lựa chọn kinh tế để khởi đầu đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) giờ đây phải tiếp tục lựa chọn. Lần này, là lựa chọn chính trị.

Đó không chỉ vì áp lực của quan hệ toàn cầu, mà chính từ áp lực bên trong. Đó không chỉ từ “sự đối lập” vô hình ngay trong lòng ĐCSVN, mà còn chính bởi sự đối lập công khai của những người bất đồng chính kiến và sự đối lập trong lòng dân.

2. Những tên tuổi lớn trong giới đối lập là các cựu tù nhân chính trị. Tuy nhiên, chúng ta đã nhanh chóng chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của một lớp các nhà bất đồng chính kiến mới, cả nam lẫn nữ, từ những người có địa vị nhất định trong xã hội đến những người nông dân thuần chất, từ những người thuộc thế hệ 8x cho đến những ông bà lão.

Một điểm chung của mọi thành phần bất đồng chính kiến hiện nay là họ hoàn toàn công khai một thái độ kiên quyết, không khoan nhượng với nền toàn trị cộng sản. Vì lẽ đó, trước khi tiếp tục, tôi xin được bày tỏ nơi đây sự khâm phục và trân trọng đối với lòng quả cảm vô song này, vì ngoài nền toàn trị Nazi đã đi vào lịch sử, xã hội hiện đại chỉ còn chứng kiến một nền toàn trị tàn ác nhất, đó là toàn trị cộng sản.

3. Sẽ là nực cười nếu nói đối lập Việt Nam mạnh, nhưng việc xuất hiện công khai và bước đầu có tổ chức của họ, trong một xã hội toàn trị sắt của Việt Nam (Trung Quốc, Cu Ba mà còn có đối lập công khai từ lâu rồi), báo hiệu rằng sẽ đến ngày phe đối lập trở thành một cơn lốc!

Không chỉ là việc hàng trăm người, lần đầu tiên trong lịch sử toàn trị hà khắc của Việt Nam, dám công khai ký tuyên ngôn chống toàn trị, cũng không phải chỉ ở việc những người tù chính trị vừa được thả đã lại lập tức lao vào đấu tranh dân chủ; mà chính là khi thân mẫu đơn độc của một cô gái trẻ đang trong giai đoạn bị đàn áp, đã dám xác quyết rằng Đảng của con bà đồng đẳng với ĐCSVN vốn có quyền lực tuyệt đối; hay khi những người vợ phải côi cút nuôi con và lo thăm nuôi chồng đang chịu cảnh lao tù, vẫn khẳng khái rằng chồng mình đã làm đúng khi chống độc tài và rằng họ cần chấp nhận hy sinh; hay khi một ông lão của Hội chống tham nhũng không được nhà nước thừa nhận đã dám “réo” thẳng tên và tội trạng của các lãnh đạo cao nhất bằng những lời mạt sát; hay khi một người đàn bà nông dân dám khẳng quyết rằng bà đòi đa đảng, đa nguyên để giải quyết những bất công cho dân oan là đúng và rằng nếu bà sai - hết sức tự tin và ấn tượng - hãy đưa bà ra pháp trường…; thì đó là lúc mà hồi chuông báo tử của nền toàn trị đã chính thức gióng lên bởi người dân! Vấn đề chỉ là thời gian.

4. Không chỉ ở việc sẵn sàng vất bỏ mặt nạ “pháp quyền” để chà đạp lên luật pháp do chính họ viết nên, khi hành xử với những người đối lập và khối dân oan; không chỉ biến khủng bố và tàn ác thành quốc sách của “an ninh quốc gia”; mà còn chính sự trắng trợn, bẩn thỉu đến độ… đáng thương khi thực hiện những hành vi như thế; thì đó là lúc tình trạng sắp xuống lổ của một thây ma sống đã chính thức được nó loan báo, bằng chính mùi xú uế ngất trời của nó. Vấn đề chỉ là giai đoạn hấp hối còn lại.

Phụ lục: Công khai khủng bố khối đối lập trước mắt quốc dân và quốc tế trong thời gian APEC; lôi cổ Nguyễn Quốc Huy ra khỏi tiệm net trước mặt bàn dân thiên hạ mà đến giờ vẫn bặt tin; giam nữ luật sư Bùi Kim Thành vào bệnh viện tâm thần; bỏ mặc Nguyễn Vũ Bình trong tình trạng bệnh tình đe dọa; lột trần mục sư chưa thỏa, đến khi người vợ sinh con thì ép ra khỏi bệnh viện tức thì, đe dọa y tá đến chăm sóc; hăm he, hành hung đến cả bạn bè, thân nhân của người đối kháng, cho dù là con trẻ; dùng người chồng tham quyền cố vị để chống người vợ dân chủ; đấu tố; hết cho “dân” hành hung đến công khai dùng “xã hội đen”; bôi nhọ nhân thân, triệt hạ công ăn việc làm; dàn cảnh tông xe và công khai đến chuyện tính mạng của hết người này đến người khác; đột kích ban đêm vào những dân lành không một tất gỗ, đang trong cảnh màn trời chiếu đất để đòi công lý; lôi lên xe các bà lão đòi trả tự do cho những luật sư đang bị bắt trái phép, chở đến nơi đồng không mông quạnh, vất lại trong trời đêm giá lạnh; dùng vũ lực “chính thống” bắt và giam giữ người mà không hề dám đưa ra một văn bản về việc bắt và giam giữ đó…; và còn nhiều điều nữa!

5. Còn quá sớm để kết luận về một sự thay đổi chính trị sâu sắc từ bên trong ĐCSVN, nó vẫn chỉ như một khả năng ngang bằng về xác suất với khả năng đối lại. Có lẽ họ vẫn đang tính toán trên những lựa chọn, còn đấu tranh giữa những lựa chọn và còn tranh đấu giữa những lựa chọn khác nhau của các phe phái.

Vào lúc bài này được viết gần hoàn chỉnh, người ta chứng kiến cơn bão đàn áp những người đối lập. Dù vậy, tôi vẫn phải tiếp tục những nội dung đã dự định, vốn không xa rời khi liên hệ đến những gì đang diễn ra.

6. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo “con đường Việt Nam” mà mới đây Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói đến, phải chăng là lựa chọn đã được quyết?

Vậy, con đường Việt Nam là con đường nào? Cả một nền lý luận với lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ triết học đứng hàng đầu và bỏ xa các ngành khác trong nước, hai mươi năm đổi mới đã làm rõ được gì về con đường Việt Nam đó?

Con đường Việt Nam là con đường nào khi, cho đến hiện nay, chỉ thấy đi sau và lặp lại na ná những cải tổ theo kiểu Trung Quốc? Hay con đường đó đơn giản chỉ là sự mò mẫm khi cứ thế trôi vô định vì hết lớp lãnh đạo này qua lớp lãnh đạo khác thực chất cũng chỉ là hô hào khẩu hiệu, cốt chỉ để giữ lấy quyền lực trong giai đoạn của mình?

7. Hơn ai hết, các môn đồ tự hào là trung thành nhất với Marx, Engels, Lenin phải thuộc lòng một điều, là mọi hệ thống hay mô hình xã hội đều phải có một lực lượng xã hội làm nền tảng cho sự tồn tại của nó. “Con đường Việt Nam” cũng phải vậy.

Có bao nhiêu công nhân và nông dân trong bộ máy và khắp hệ thống kinh tế-xã hội để có thể nói rằng họ là lực lượng xã hội? Nhiều “học giả” trong guồng máy quyền lực là có thể xem trí thức là cơ sở xã hội sao?

Nếu nói rằng tính chất, tư tưởng tiên tiến, thời đại của những thành phần này là cái làm nền tảng, vậy nó thể hiện trong hệ thống “tiên tiến” này như thế nào? Ở những điểm này, thậm chí không đáng phải tranh luận, khi mà lý luận đó chỉ là những điều đi xa hơn có vài bước chân so với cái thời nó vừa được khai sinh của những thế kỷ trước.

8. Hệ thống quan liêu và cơ chế xin-cho, luật pháp bất minh và hành xử quyền lực, tham nhũng tràn lan và dân oan ba miền, cùng với một lực lượng vũ trang dày đặc tương phản với bộ máy quản trị quốc gia thiểu năng… chính là những hiện tượng mang bản chất của lực lượng xã hội làm nền tảng cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Quá dễ để nhìn ra, đó là “giai cấp” quan lại toàn trị đang nắm không những toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự, mà còn kiểm soát toàn bộ đời sống tinh thần, đạo đức và hệ thống giá trị, bằng những “chuẩn mực” của họ.

9. Chính vì với một lực lượng xã hội làm nền tảng như vậy nên ngay cả những cải cách chính trị nhỏ giọt và cải lương - dù đã có những nỗ lực đẩy tới trong một thời gian không còn là ngắn, và dù có những tiến bộ (cũng nhỏ giọt và cải lương không kém), nhưng - vẫn không thể nào như mong muốn, thậm chí luôn bị “phản phé” hay đem đến những kết quả trái ngược.

Phụ lục: Không biết đã bao nhiêu kỳ Đại hội Đảng với những ý tưởng tiến bộ về chính trị (tất nhiên phải được hiểu và tạm chấp nhận là tiến bộ trong lòng toàn trị), nhưng cũng từng ấy kỳ đại hội phải lập lại những điều không thể nào thực hiện được. Tinh giản biên chế đã hoàn toàn bế tắc. Cải cách hành chính ì ạch, không nhiều hiệu quả so với kỳ vọng đã có từ lâu của “công trình” này. Dự án “chính phủ điện tử” loay hoay trong ngõ cụt. Luôn tồn tại những biến tướng phản cải cách một cách công khai (cơ chế một cửa một dấu biến thành một cơ chế quan liêu mới, giấy phép con sống dậy tràn lan…). Sau một nỗ lực chống tham nhũng lại là một tầm cao mới của tham nhũng. Toàn bộ đời sống xã hội đã phủ phục dưới tiêu cực công khai và có hệ thống…

10. Vì sao những cải cách kinh tế đạt hiệu quả cao? Chỉ vì nó được vận hành toàn bằng những biện pháp tư bản chủ nghĩa mà không còn thấy bóng dáng nào của chuyện “bóc lột”, chuyện “chủ tư bản”, chuyện “chủ nghĩa thực dân mới”, chuyện “đấu tranh giai cấp trên mặt trận kinh tế”… Không kể những hành xử toàn trị về hành chính đương nhiên vẫn còn trong kinh tế, thì mảng thất bại duy nhất còn lại là ở khu vực quốc doanh. Nó là đồn lũy kinh tế cuối cùng của chủ nghĩa xã hội, không còn đóng góp gì vào tiến bộ mà ngược lại, tiếp tục cản trở điều đó khi bắt xã hội phải gánh những chi phí vô lý cho cái mặt nạ kinh tế này.

Nền tảng xã hội về mặt kinh tế của chế độ đã dịch chuyển một cách tự nhiên và ngầm định, từ giới quan lại kinh tế quốc doanh và các thành phần tập thể cưỡng bức sang một phổ rộng các thành phần kinh tế có sở hữu tư (hiện vẫn gồm cả bộ phận quan lại troàn trị trong kinh tế nhưng làm “ăn” theo lối tư bản).

Còn những cải cách chính trị thì không như mong muốn - và sẽ không bao giờ như mong muốn -vì nó vẫn vận hành bằng những biện pháp xã hội chủ nghĩa với nguyên vẹn những nền tảng về tư tưởng và lực lượng xã hội của nó. Làm sao có thể tạo được một diện mạo và thực chất chính trị khác đi khi toàn bộ lực lượng xã hội của nó gắn kết sống còn với tất cả những gì mà giới lãnh đạo đang muốn thay đổi, dù chỉ là - xin được nhắc lại - những thay đổi nhỏ giọt và cải lương!

11. Do tính chất toàn trị, lực lượng xã hội của nó đồng thời cũng là lực lượng trực tiếp và bán trực tiếp bảo vệ chế độ, từ những quan chức chính quyền cho đến các thành phần có quyền lực trực tiếp với người dân trong lực lượng vũ trang. Thế nhưng lực lượng xã hội đó giờ đây ra thế nào thì ai cũng đã rõ.

12. Lực lượng xã hội của chủ nghĩa xã hội đã thối nát đến độ giới lãnh đạo cũng đành rơi vào thế bế tắc hoàn toàn. Đỉnh cao của bế tắc là việc mới đây ĐCSVN lại đưa ra chương trình học tập đạo đức Hồ Chí Minh, lần này nâng lên tầm đảng sách và quốc sách.

Điều này quá sức đáng thương và đáng khinh, khi mà đang hướng mạnh đến pháp quyền (ít ra là trên lý thuyết), nhóm chóp bu lại phải đem “đức quyền”, đem cái quyền uy đạo đức của Hồ Chí Minh ra làm công cụ chính yếu để chỉnh đốn lực lượng của mình. Công cụ đó, vào thời người ta còn đang say sưa chung sức cho cái thiên đường lý thuyết, còn không hiệu quả, thì huống hồ gì vào thời tất cả đều mẫn cán riêng tư cho cái thiên đường hiện thực của đặc quyền đặc lợi. Nó cho thấy ngoài việc còn chi phối được lực lượng này bằng những đặc quyền đặc lợi ban phát ra, là sự bất lực hoàn toàn của trung ương đối với bên dưới.

Rốt lại, đạo đức Hồ Chí Minh, trong khi lãnh đạo kỳ vọng một cách thảm hại, thì nó vẫn chỉ là cái bình phong đỏ mồm để cho cái lực lượng xã hội đó che hờ cái đầu và cái bụng xanh lè (dollar). Rốt lại, trong khi là một công cụ vô vọng của những người chủ xướng, thì nó lại trao cho lực lượng xã hội thối nát đó một công cụ hữu hiệu để lòe bịp lại chính lãnh đạo, khi mà họ vừa tung hô khẩu hiệu đạo đức vừa công khai vơ vét, “ăn bẩn” và thách thức mọi nỗ lực nhắm đạo đức hóa những người đầy tớ của nhân dân.

13. Nói thẳng ra, như có lần tôi đề cập, giới lãnh đạo thực tế đã trở thành công cụ của lực lượng bên dưới. “Gậy ông đập lưng ông” là hiện tình quan hệ giữa mong muốn cải cách của trung ương với bộ máy bảo thủ và đặc quyền đặc lợi bên dưới.

Họ tiếp nhận và sốt sắng trước sự ru ngủ đạo đức của trung ương, để lại đưa trung ương vào mộng mị về sự trung thành với xã hội chủ nghĩa của họ.

Họ đồng lòng và ngoan ngoãn trước sự quản lý tư tưởng và sức mạnh bạo lực của “chuyên chính vô sản”, nhưng lại nhất loạt cản trở và chống lại - dù có hay không có chủ đích ở thành phần này hay thành phần khác - những cải cách khác động chạm đến quyền lực và quyền lợi của họ.

Phụ lục 1: Khuynh hướng tản quyền tích cực, dù chỉ mới ở mức độ ban đầu dưới tên gọi “phân cấp”, lập tức được “vận dụng” để phục vụ cho đặc quyền đặc lợi, mà điểm nóng là ở lĩnh vực đất đai, đến nỗi hình thành cả một khối dân oan, là minh chứng hùng hồn nhất cho vai trò công cụ của trung ương. Giới lãnh đạo nhận thấy nguy cơ tồn vong nằm ở đây nhưng đã hoàn toàn bất lực: không thể “đập tan” khối dân oan nhưng cũng không thể đè bẹp “chủ nghĩa cá nhân” của cán bộ khi đây là lực lượng xã hội của họ.

Phụ lục 2: Trong khi tiếp tục “phân công, phân nhiệm” dối trá trong nguyên tắc và vận hành bộ máy nhà nước, thì thể chế tập quyền của nền toàn trị cũng đã đến lúc bán công khai “phản phé” lại những người muốn duy trì nó. Việc muốn kiểm soát tuyệt đối lập pháp và tư pháp đã quay ngược lại chống cải cách: trung ương không thể giải quyết triệt để những tranh chấp, những oan khuất, đối đầu hiện nay giữa người dân với các cấp địa phương vì - với “sức mạnh của các mối quan hệ” như một trong những đặc điểm bản chất của chủ nghĩa xã hội - các cấp này hiện cũng lớn mạnh thành những thế lực không những tại hành pháp, mà cả trong quốc hội và hệ thống tòa án, viện kiểm sát, công an, công khai liên kết bảo vệ quyền lợi của chính họ.

14. Chính lực lượng xã hội này của chủ nghĩa xã hội Việt Nam đang đào mồ chôn - đương nhiên không phải chủ nghĩa tư bản, mà là - chủ nghĩa xã hội.

Nếu giới lãnh đạo cấp tiến nào đó vẫn tiếp tục lựa chọn việc sống chết cùng với lực lượng xã hội này chứ không phải đi cùng với giới tinh hoa đang lên trên khắp các lĩnh vực, cùng với quần chúng nhân dân, thì việc rơi vào cái huyệt đó là điều không thể tránh khỏi.

Xin hãy nhớ cho rằng khi lịch sử tìm lại công lý, nó không còn nhiều thời gian nữa để tiêu tốn cho việc truy tìm từng “thằng” cấp dưới nhằm rửa “oan” cho các cấp trên, mà chính là giới lãnh đạo cao nhất và bộ máy lãnh đạo những cấp bên trên là đối tượng sẽ chịu sự phán xét trước tiên. Lãnh đạo ĐCSVN hiện nay thực chất đang ở vào thế phải bảo hộ cho quyền lực và quyền lợi của một giai cấp thối nát nhất trong lịch sử dân tộc, trở thành công cụ bảo an vĩ đại cả về mặt tư tưởng lẫn sức mạnh vũ lực và quyền lợi thực tế. Vậy, liệu “giơ đầu chịu báng” - hiện nay: căm phẫn trong lòng dân, và tương lai: phán xử thực tế của lịch sử - có phải là lựa chọn khôn ngoan cho giới lãnh đạo?

15. Trước Đại hội X đã có những luồng tin trong giới thân cận rò rỉ ra, về sự thay đổi đáng kể có thể có của ĐCSVN, như quay về với tên gọi Đảng Lao động. Đồng thời, những vận động ngầm và công khai cho hướng dân chủ-xã hội (xã hội-dân chủ) cũng gây được sự chú ý.

Dù chưa có biểu hiện công khai rõ ràng nào cho thấy ĐCSVN sẽ chuyển hướng, nhưng không phải vô cớ mà có những thông tin này. Nó cho thấy những chọn lựa như thế ít nhất là đã được đặt ra, ít nhất là đã có những lực lượng trong Đảng muốn “lột xác”. Nếu lực lượng đó là những người ở vị trí cao nhất hay bộ máy thân cận của họ thì con đường đến với dân chủ của đất nước này sẽ rút ngắn lại.

16. Không thể lạc quan tếu để biến thành trò cười của giới toàn trị nhưng nếu có lựa chọn để chuyển mình thành một đảng dân chủ-xã hội, thì đó là hướng đi duy nhất khả dĩ. Nó vừa giữ lại lý tưởng hướng đến xã hội cũng như hiện thân chính trị của những vinh quang mà vì đó người ta không thể từ bỏ, vừa có được một hậu thân khác, với một tinh thần dân chủ cùng sự thừa nhận và chính danh từ phía xã hội. Cái mất duy nhất: nền độc tài. (Nên nhớ, điều này đang được nói với những người còn chút ít lương tâm và lý tính, không phải nói với những kẻ sẽ xem cái mất đi là đặc quyền đặc lợi và khoái lạc bệnh hoạn nơi sức mạnh áp bức người khác!)

Sự chuyển biến giả định đó nếu được thực hiện chậm nhất là đến đại hội XII, thì sẽ là tối ưu. Mỗi kỳ hội nghị trung ương tiến một bước nhỏ nhưng quyết định, mỗi kỳ họp quốc hội có những luật nhỏ nhưng cốt tử…, theo hướng giải phóng chính trị cho xã hội, thì đó cũng chính là giải phóng chính trị cho chính ĐCSVN, là tạo điều kiện và tạo thêm động lực, áp lực thúc đẩy sự giải phóng đó.

Nếu còn chậm hơn thế, những tích tụ xã hội sẽ đi đến chỗ nguy hiểm hơn, cơ hội hòa giải hậu cộng sản càng trở nên khó khăn hơn, và phán xử của lịch sử càng khắc nghiệt hơn…

17. Đã qua rồi giai đoạn lịch sử phán xử bằng lời suông, tức phán xử bằng “bia miệng” và trong sách lịch sử.

Chiến tranh lạnh đã tạo điều kiện bảo hộ cho những kẻ và những thể chế độc tài của cả hai phía. Không những thế, độc tài toàn trị cộng sản lại còn sáng chói hào quang của thiên mệnh - dưới tên gọi “vận mệnh giai cấp”, “vận mệnh dân tộc” - thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Để đến khi thay đổi, do “qui luật tất yếu” (cũng là “thiên mệnh” thôi!), “thiên mệnh” bỗng chốc trở thành “thổ mệnh”.

Sau Tòa án Nuremberg, thế giới lại đã chứng kiến những phiên toà cũng ở mức lưu tâm quốc tế, phán xử giới độc tài toàn trị cộng sản và thân cộng - như trước kia đã làm đối với độc tài toàn trị phát-xít - từ những “toà án” tự phát của nhân dân (đúng nghĩa nhất) cho đến những phiên tòa quốc tế có tổ chức.

Các phụ lục:

  • Cặp phụ mẫu thiên mệnh xã hội chủ nghĩa của đám con dân Rumania, vợ chồng Ceausescu, hứng chịu cơn cuồng nộ của cuộc cách mạng 1989, bởi sự kiên trì xã hội chủ nghĩa đến cùng của họ bằng một nhà nước cảnh sát.

  • Najibullah của Afghanistan bị quân Taliban (khi đó còn chính nghĩa) lôi ra khỏi trụ sở phái bộ Liên hiệp quốc và giết chết, năm 1992, khi đám quân này nổi dậy chống lại thiên mệnh tưởng chừng vĩnh viễn của đế chế Soviet. Hành động đó là man rợ, nhưng hãy nhớ cho rằng dù Najibullah lúc đó bắt đầu rời thế độc tài, ông vẫn từng là người đứng đầu cơ quan mật vụ dưới thời Soviet.

  • Rồi đến Nam Tư. Với tôi, Slobodan Milosevic có thể là một nạn nhân của lịch sử khi ông ở vào thế phải bảo vệ sự vẹn toàn của liên bang trước xu hướng ly khai sau chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, tội ác của ông với tư cách một nhà độc tài cộng sản, không chỉ đối với người Croat, người Slovene, mà với cả người Serb, là đáng bị trừng trị. “Thiên mệnh” đối với dân tộc được “trao” cho anh không có nghĩa là anh có thể “muôn năm” và bắt người khác chấp nhận sự “muôn năm” đó, bất chấp mọi công lý, pháp lý và đạo lý trên đời, bất chấp ngay cả chính những thứ mà anh vẫn toe toét hàng ngày rằng anh luôn tôn trọng và bảo đảm (nhất thế giới)!

  • Mới đây là anh em nhà Hussein và những cộng sự. Động thái của chính quyền Iraq và hành vi của phiên hành quyết là đáng lên án, và với tôi, án tử là vô nhân đạo, nhưng trong những trường hợp tội ác của kẻ độc tài, hình phạt đó là thích đáng. Saddam từng được xem là nhà lãnh đạo đã đưa Iraq trở thành một trong những nơi phồn thịnh và hùng mạnh nhất Trung Đông. Tuy nhiên, những kẻ có máu độc tài trong huyết quản luôn xem điều mà không có mình thì cũng có người khác làm là điều duy nhất mà “thiên mệnh” trao cho mình, để rồi trở thành “thiên tử”. Tư duy công thần đó là một tai họa cho chính thể chế độc tài. Anh có công, cho dù là công đối với dân tộc, thì cũng không ai dung thứ cho thứ tội ác mà anh biết nhưng cứ làm nhân danh công trạng đó!

Những lãnh tụ lừng lẫy một thời này và thể chế nền tảng của họ đều có một điểm chung, tất nhiên ngoài chuyện độc tài, là không chấp nhận điều mà họ không có quyền chấp nhận hay không chấp nhận: nền chính trị đa nguyên, và đàn áp khốc liệt, mất tính người đối với những người đối lập.

Sự phán xét mà họ nhận lấy là kết quả không chỉ của điều đó mà còn vì sự ngoan cố đến cùng cực, bất chấp mọi nỗ lực quốc nội và quốc tế, đánh mất mọi cơ hội hòa giải, cùng với ảo tưởng về một sự trường tồn của thể chế và hậu phương vững mạnh từ một quan hệ đối ngoại anh em nào đó, cũng như ảo tưởng về sự an toàn khi đã rời khỏi cương vị và chính trường hoặc khi đã vinh quang mà nhắm mắt.

18. Thảm cảnh lãnh tụ “muôn năm” đó có nguy cơ sẽ không tránh khỏi ở Việt Nam nếu ban lãnh đạo được cho là có xu hướng cải cách hiện nay vẫn tiếp tục theo vết xe đổ hoặc chậm trễ trong tiến trình chuyển hóa dân chủ.

19. Không chỉ đối với lãnh đạo đương chức, phán xử của lịch sử cũng sẽ nhắm đến những lãnh đạo tiền chức. Không chỉ đối với trách nhiệm khi còn tại vị, phán xử đó cũng sẽ nhắm đến cả những trách nhiệm lúc không còn tại vị.

Đó là vì có những việc trong khả năng có thể làm để thúc đẩy chuyển hóa dân chủ, thúc đẩy hòa giải giữa lực lượng toàn trị và lực lượng dân chủ mà các vị không làm. Việc lên tiếng suông hoặc lên tiếng cho có đối chứng với một cựu lãnh đạo khác (để mình không rơi vào quên lãng hay bị lép vế) cuối cùng cũng chỉ có thể được nhìn nhận như biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội mà thôi. Vì sao? Vì bước đi đó, một mặt, với những người toàn trị, các vị vẫn giữ được vai trò cựu lãnh đạo cùng với toàn bộ mọi đặc quyền đặc lợi về kinh tế, chính trị mà xã hội toàn trị đem lại cho các vị và thân thích, cùng lắm thì các vị cũng chỉ bị “lưu hành nội bộ” là thiếu tôn trọng kỷ luật đảng. Mặt khác, với lực lượng đối lập trong và ngoài nước, các vị cũng hiện ra như là người cấp tiến, và từ đó có được một độ an toàn khi sự biến xảy đến! Không lẽ truyền thống “chân trong chân ngoài” của chủ nghĩa xã hội thời bao cấp nay hiện diện cả trong những tính toán chính trị tầm vĩ mô?

20. Ông Võ Văn Kiệt là cựu lãnh đạo được chú ý nhất và cũng được kỳ vọng nhất cho những vận động chuyển biến dân chủ ngầm trong Đảng, với những tiếng nói công khai về tình hình dân chủ giả hiệu trong Đảng và xã hội. Ông Lê Khả Phiêu không “hướng ngoại” nhưng cũng có những ý kiến mà nếu diễn dịch, sẽ thấy nó chứa đựng việc vạch trần sự thối nát ngay trong bộ máy lãnh đạo cấp cao. (Ông Đỗ Mười xuất hiện lại gần đây thì không có gì mới. Nếu tôi không lầm, từ trước ông đã là linh hồn của một xu hướng “phản Võ Văn Kiệt”. Còn tướng Võ Nguyên Giáp, nạn nhân một thời của chính “nền dân chủ vô sản”, thập niên đầu đổi mới còn có ý kiến nhưng nay hoàn toàn rơi vào im lặng.)

Nhưng chỉ đến vậy thôi sao? Nếu các ông (và những cựu cán bộ cấp cao hay những người đương chức khác) nhận ra bộ mặt dân chủ giả hiệu, tại sao lại không thúc đẩy cho dân chủ đến với đất nước này nhanh hơn, bằng cách nhận lấy sự dân chủ đó? Thật xin lỗi nhưng phải nêu câu hỏi rằng các vị ngu trung hay cơ hội, các vị kém tư duy chiến thuật trong chính trị hay giỏi thủ lợi cho riêng mình trong kinh tế và danh tiếng, khi chỉ “dân chủ” miệng?

21. Muốn thúc đẩy dân chủ, điều đơn giản, hoàn toàn nằm trong tầm tay của các vị và hết sức hiệu quả, thậm chí hiệu quả tức thì, là chính các ông cho ra đời một đảng khác với Đảng Cộng sản hiện nay. Ngụy trang cũng được mà thực chất cũng được, một thể chế đa nguyên xã hội chủ nghĩa, một Đảng Xã hội (Chủ nghĩa) Việt Nam hay Đảng Cộng sản Việt Nam Cấp tiến - giả dụ vậy - là những điều hợp pháp mà các ông có thể chủ trương, cổ xúy và thực hiện. Xét về luật, nó hoàn toàn nằm trong khuôn khổ hiến pháp hiện hành. Xét về lý tưởng, nó không khác với lý tưởng của giới lãnh đạo hiện nay; khác chăng là cương lĩnh hành động hiệu quả hơn mà các vị sẽ đưa ra so với sự giả hiệu và bất lực của ĐCSVN đang hiện tồn.

22. Có những nhận định rằng thế lực của ông Phiêu và ông Kiệt hiện nay vẫn rất lớn, uy tín và ảnh hưởng của tướng Giáp trong quân đội có thể vẫn còn đủ để tập hợp quanh ông một lực lượng.

Thực tế thì các ông đã cao niên, đặc biệt là tướng Giáp, an hưởng tuổi già là điều phải lẽ. Tuy nhiên, có bao giờ các ông dằn vặt lương tâm vì lý tưởng mà mình theo đuổi cả đời đã phản bội mình và bị người khác phản bội, và liệu các ông có thấy thật sự nhàn nhạ được hay không khi chứng kiến những gì đang diễn ra trên đất nước này? Còn sống là còn chiến đấu! Vai trò đứng đầu một khuynh hướng xã hội mới, một tổ chức dân chủ mới, dù các ông chỉ cần hiện diện như một biểu tượng, cũng sẽ tạo một đột biến thật sự trong đời sống chính trị và con đường chuyển biến dân chủ của Việt Nam.

23. Một phong trào, một chính đảng như thế là đối tượng chính trị mà giới toàn trị không thể đàn áp. Nó sẽ lập tức trở thành một thực thể mạnh, do uy tín của người đứng đầu, do những người có lương tâm trong ĐCSVN nay sẽ tìm được một chính đảng có khuynh hướng xã hội, cấp tiến và vẫn quen thuộc để theo về, và do một lực lượng lớn trong xã hội đứng ngoài ĐCSVN vẫn còn chưa biết đi về đâu giữa hai đối cực: một phía là cộng sản toàn trị quá hùng mạnh nhưng thối tha và tàn ác, và phía kia là những người đối lập đấu tranh cho dân chủ nhưng còn quá yếu thế và chia rẽ. Thậm chí, tôi cho rằng, chỉ cần thực thể chính trị giả định đó công khai rõ ràng một đường lối chuyển đổi dân chủ, thì bất kể tên gọi là gì trong chiến thuật định hình, nó cũng có thể trở thành ngọn cờ thu hút chính những người đối lập trong chiến thuật tồn tại vì dân chủ.

24. Ngay cả một người, một nhóm trong giới lãnh đạo đương chức hay từ bộ máy thân cận mà tách ra thành một khuynh hướng, một chính đảng thì cũng sẽ tạo được sự đột biến tức thì như vậy.

25. Nếu có những người lãnh đạo hiện nay còn lương tâm và lý trí, đang âm thầm thúc đẩy cho sự chuyển hóa dân chủ, thiết nghĩ trong chiến lược và chiến thuật của các vị cần tạo ra nhiều khả năng, thúc đẩy hình thành và phối hợp giữa nhiều mũi… Chính các vị là những người phải biết tạo ra những mối liên kết và hình thành những thực thể dân chủ trong phạm vi có thể được đó.

26. Thời gian không chờ đợi ai, nó chỉ chờ chính nó, cho thời điểm phán xét của lịch sử mà thôi! Mỗi một con người trong giới lãnh đạo đương chức và những người tiền chức, có hay không việc minh định mình khỏi bộ máy toàn trị, và như một thái độ chân chính hay cơ hội, là từ sự lựa chọn cá nhân của chính các vị!

27. Sự xuất hiện của các nhóm đối lập hiện nay cũng đặt ra lựa chọn đối với lực lượng an ninh và công an.

Với lực lượng này, thật khó mà nói chuyện lý trí với họ. Ai cũng biết rằng họ thường có nguồn từ người thân thích của giới công an và an ninh, và các trường cho hai ngành này thì hiện cũng không ít nhưng điểm “tuyển” của nó là thấp nhất trong hệ thống giáo dục sau phổ thông. Ngoài số an ninh mạng, có lẽ giới công an và an ninh ít tiếp xúc với thông tin, nên ngoài những gì được nhồi sọ - mà là sọ của con cháu “cốt cán” nữa chứ - có lẽ họ hiểu dân chủ và tự do là chỉ họ mới làm chủ và có quyền thực hiện bất kể điều gì đối với những người đối lập.

28. Không biết có bao giờ các giới chức và nhân viên an ninh chịu động não xem mình đang bảo vệ cái gì? Trong khi các vị đang cặm cụi với đám “phản động” để “bảo vệ” chủ nghĩa xã hội thì các quan lại cặm cụi làm giàu theo lối tư bản và cướp rừng.

Trong khi lãnh đạo cấp cao, cấp trung tự tìm lối thoát sẵn sau này hết rồi (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện là biểu tượng sáng chói của chế độ, người xuất thân từ ngành công an, vậy mà nay cũng đã ém sẵn cả hai con ở Mỹ rồi. Còn biết bao quan chức trung ương, tỉnh thành, giới chức chính trị và kinh tế khác đã gửi sẵn con em ra nước ngoài, và theo đó là những số dư tài khoản, là nhà, xe trả bằng dollar mặt…), thì các vị có được cơ may đó không, hay chỉ cần có người thân ở nước ngoài hoặc theo Thiên chúa giáo là sẽ bị ra khỏi ngành hay không còn cơ hội tiến thân? Khi có biến, người ta đã có sẵn hậu phương khác để cao chạy xa bay, vậy ai sẽ ở lại chịu hậu quả nếu đương nhiên không phải là những kẻ chuyên đi truy bức người khác mà người bị truy bức có thể biết rõ tên tuổi, gia thế?

29. Ngoài giới độc tài chóp bu, an ninh, mật vụ và công an luôn là đối tượng đầu tiên được chiếu cố sau các biến cố chính trị. Khi nhà nước toàn trị sụp đổ, điều đó còn cần phải làm hơn so với bất cứ thể chế nào khác.

Xã hội dân chủ không hèn hạ đến độ biến cả nước thành trại học tập cải tạo như chủ nghĩa cộng sản đã làm, nhưng việc loại lực lượng an ninh, mật vụ, công an khỏi đời sống công quyền và xã hội là điều hoàn toàn cần thiết (tất nhiên xin chớ hiểu theo nghĩa sinh học). Vậy liệu bộ máy an ninh bạo lực hiện nay của Việt Nam, từ người cao nhất cho đến nhân viên thừa hành, các vị có đoan chắc rằng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam sẽ không sụp đổ không - với sự thối nát hoàn toàn của bộ máy nhà nước từ trên xuống dưới như hiện nay, sự tha hóa toàn bộ nền tảng đạo đức và tinh thần, cũng như sự bất lực triền miên và có hệ thống của giới lãnh đạo trước những vấn nạn bản chất đó - mà các vị cứ ngu trung và ngang nhiên hành xử tàn ác với những người đối lập và dân oan?

30. Đối với giới lãnh đạo, từ các vị tối cao cho đến những người đứng đầu bộ công an và tổng cục an ninh, không thể có vấn đề không biết những sai trái và tàn bạo trong đàn áp, hành xử thất nhân tâm và sai trái rành rành… Đây là thời đại mà cho dù có sự bưng bít của cấp dưới, thông tin vẫn có thể đến được với người bị bưng bít. Lý do không biết đến hành vi của bộ máy bên dưới sẽ không bao giờ còn là cái biện hộ được cho tội ác, khi lịch sử đưa ra sự phán xét thực tế. Chủ trương hành xử về mặt an ninh như thế nào, cho hiện tại và cho cái tương lai đó, đó là lựa chọn của quí vị!

Đối với bộ máy bên dưới, cho đến từng người, như bất kỳ ai khác sống trong chế độ, không một ai không biết sự xấu xa của nó. Hành xử đơn giản cho xong công vụ hay bằng sự lồng lộn điên cuồng, đó là lựa chọn của quí vị!

31. Không chỉ đối với lãnh đạo và giới chức toàn trị, sự xuất hiện công khai của lực lượng đối lập cũng đặt người trí thức và “lực lượng” thứ ba vào thế lựa chọn.

Ở đây tôi không nói đến trí thức toàn trị, tức bộ phận giữ vai trò an ninh tinh thần - cũng điên cuồng không kém đồng đội an ninh bạo lực của họ - mà phần lớn là những người được nền toàn trị ban cho ân huệ được trở thành “trí thức” hoặc giới quan lại toàn trị “trí thức” hóa.

Quan trọng là ở giới trí thức phi toàn trị.

Tôi đồng ý với quan điểm rằng trí thức Việt Nam yếu kém trên nhiều mặt. Đó là hậu quả tất yếu của việc “luyện đan” trí thức trong cái lò toàn trị mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, đây vẫn là lực lượng mà khi thức tỉnh, sẽ hậu thuẫn được nhiều cho tiến trình dân chủ.

Người trí thức chân chính vẫn ngày đêm trăn trở với hiện tình và vận mệnh nước nhà. Họ tìm kiếm những hình thức, những ý tưởng, những ngôn từ dân chủ và tiến bộ nhưng không làm phật lòng giới an ninh tư tưởng và an ninh bạo lực, ngõ hầu đến được với mọi người và từ đó thúc đẩy cải cách.

Cùng với các nhóm năng động trên những lĩnh vực khác, nhóm trí thức này đã cùng định hình nên một thành phần tinh hoa xã hội.

32. Có lẽ chủ trương không được nói ra của thành phần này là thúc đẩy dân chủ bằng con đường không đối đầu, với việc tác động đến giới toàn trị bằng những ý tưởng tiến bộ để có sự thay đổi dần dần từ bên trong nền toàn trị.

Không ai có quyền nói phương pháp đó là sai, cũng không ai có quyền đứng khoanh tay nhìn những người đối lập mà nói rằng họ sai. Mọi phương pháp khả dĩ để tác động cho sự chuyển hóa dân chủ đều không sai, đều góp phần vào việc công phá bức tường bê-tông toàn trị. Sai chăng là thái độ kẻ cả. Sai chăng là phương pháp nào đó vào thời điểm không đúng. Sai chăng là hoàn toàn tách bạch nhau ra mà không có những hậu thuẫn ngấm ngầm cho nhau trong khả năng cho phép…

33. Thời gian qua, trong nước đã xuất hiện đến độ quen thuộc những tên tuổi trí thức trong bộ máy cấp cao, trong giới học thuật và giới kinh doanh, mà qua ý tưởng và hành động của họ người ta có thể nhận ra ngay là những tác động chuyển hóa dân chủ. Tuy nhiên, đến lúc này, dường như chưa ai trong số họ công khai có sự “dính dáng” tối thiểu nhất đến những người đối kháng (tức không phải theo nghĩa có liên hệ hay đứng hẳn về phía họ).

Có thể nhận định rằng một khi giới tinh hoa, mà trước trên là những người có tên tuổi, định hình cho mình một hội đoàn dân chủ riêng, công khai đấu tranh cho dân chủ, thì cục diện xã hội, trong nhận thức cũng như thực tế, sẽ có những biến chuyển nhanh chóng.

Đây là một trong những điều đầu tiên mà giới toàn trị đang lo sợ nhất, vì một khi giới tinh hoa hàng đầu lên tiếng, sức mạnh tập hợp lực lượng sẽ rất lớn, khả năng thức tỉnh nhận thức xã hội cũng cao hơn, giới an ninh tư tưởng và an ninh bạo lực vì vậy không còn có thể ra rả rằng phe đối kháng quanh đi quẩn lại chỉ là những người bất mãn…

Có lẽ trong nhận định của ai đó, lúc này thời điểm vẫn chưa đến, nhưng giới tinh hoa không thể lựa chọn sự né tránh trách nhiệm thiên bẩm của mình mãi được. Nếu như thế, đó cũng là một phần của sự tha hóa trong tư chất của người trí thức. Những người bất đồng chính kiến hiện nay đang phải gánh vác hết trách nhiệm nặng nề - cả nghĩ bóng lẫn nghĩa đen - cho giới tinh hoa, không thể cứ mãi tiếp tục bỏ mặc họ như vậy. Hy vọng, sẽ đến lúc lực lượng này biết tập hợp nhau lại, nhất loạt và đồng lòng, vững chắc và mạnh mẽ.

Xin hãy có sự lựa chọn minh chính vào đúng lúc!

34. Lại quay về nói với giới toàn trị: vào lúc giới tinh hoa trên khắp các lĩnh vực (tri thức, chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự) xuất hiện như một thực thể chính trị độc lập và đối lập, đó chính là khi sự tồn tại của chế độ tàn bạo và thối nát này chỉ còn được đếm bằng ngày! Càng đàn áp để ngăn chặn điều đó thì chỉ càng chuốc lấy hậu quả cho chính mình khi ngày đó đến!

35. Sự tồn tại công khai của các nhóm đối kháng không chỉ đặt ra lựa chọn cho người trong nước mà còn đặt thành vấn đề với người Việt ở nước ngoài.

Ngoài số được “cài cắm” và lao động hay học tập thuần túy sau này, tuyệt đại đa số người Việt bên ngoài biên giới là cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Sự chống đối của cộng đồng này đối với chính quyền trong nước những năm qua đã giảm đi nhiều, trước xu hướng hội nhập ngày càng tăng của Hà Nội.

Việt kiều về nước làm ăn ngày càng nhiều. Trí thức Việt kiều về đóng góp cho đất nước cũng ngày một tăng. Trừ số “cộm cán” nhất, những người từng trong sổ bìa đen của chính quyền nhưng nay chịu im lặng hoặc chịu có đóng góp nào đó thì vẫn thoải mái ra vào.

Nhưng nếu vì những điều đó mà giới “Việt kiều thân thiện” này không còn màng đến chuyện chính trị và sự chuyển biến dân chủ của đất nước, hoặc không tỏ thái độ một cách minh định về điều này, đó là sự chối bỏ quá khứ và quay lưng với hiện tại của cả một khối người được xem là cộng đồng lưu vong lớn nhất của thế kỷ 20.

36. Xin tất cả những người “Việt kiều thân thiện” mà hiện vẫn đang ở ngoài hay đã ở trong nước, đang hợp tác ở Việt Nam hay chuẩn bị về làm ăn, đừng bao giờ rũ bỏ cái nguyên nhân chính trị đã gắn cái mác “Việt kiều” cho quí vị. Xin quí vị đừng bao giờ quên rằng khi các vị ra đi và tìm được tự do mong muốn, để rồi có được vị thế đối tác như hiện nay với các giới chức cộng sản, thì những người đối lập trên quê nhà đầy áp bức này, lúc âm thầm khi công khai, đã phải làm hết sức mình để thúc đẩy dân chủ cho đất nước. Chớ có cho rằng họ không thức thời như những người Việt kiều thức thời, chính sự đấu tranh quả cảm vô song của họ đã góp một phần tạo nên vị thế như hiện nay của giới Việt kiều thức thời.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học cũng là một công việc hết sức quan trọng góp phần gián tiếp tạo nên sự chuyển biến dân chủ. Nhưng chỉ cần quí vị, trong khi hợp tác như thế, những khi có thể, hãy lên tiếng, bằng lời nói và hành động, với nhà cầm quyền toàn trị về nhu cầu dân chủ đích thực, về sự tồn tại tất yếu của những người đối lập trong nền chính trị hiện đại. Hãy nói với họ rằng hòa hợp, hòa giải trước hết phải là hòa hợp, hòa giải chính ngay với người trong nước, sau đó hẵn nói điều đó với cộng đồng lưu vong. Mong rằng quí vị sẽ luôn tâm niệm rằng tiền của hoặc tri thức mà quí vị đem về Việt Nam không phải là cái để vỗ béo cho nền toàn trị, là cái để củng cố và tuyên truyền cho một chế độ đã gây nên bi kịch lưu vong… Tâm ý đó sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của quí vị.

37. Vào lúc này, lựa chọn cũng lại đặt ra không ít gay gắt với thành phần được gọi là trí thức cánh tả trong số Việt kiều.

Sẽ là cực đoan nếu “chụp mũ” trí thức cánh tả là cộng sản hay thân cộng. Người Việt nào đã tồn tại (khác với “sống”) trong các xã hội dân chủ, sau những biến cố đối với trí thức miền Nam từ năm 1975 đến nay, nếu là cộng sản hay thân cộng, thì họa chăng hoặc là “nằm vùng” đích thị hoặc là có vấn đề về thần kinh. Tôi không tin có những người như vậy. Chỉ là họ chọn con đường khác, phương pháp khác để tạo chuyển biến dân chủ cho Việt Nam.

Họ không ra mặt phê phán nền toàn trị Việt Nam không phải vì họ đứng về phía nó, mà họ muốn giữ mối liên hệ tối thiểu còn lại với giới toàn trị để có thể “nhỏ to” khi cần, để có thể có sự tác động bằng con đường tri thức, văn hóa cho sự chuyển hóa.

38. Tôi không rõ những người cách tả chấp nhận búa rìu nào đó của một bộ phận cộng đồng hải ngoại là vì họ thuần túy phớt ăng-lê, vì họ kiêu hãnh, hay vì họ cam chịu để âm thầm làm công việc sửa sai quá khứ của mình khi vô tình hậu thuẫn cho một lực lượng toàn trị! Nhưng có một điều, tôi nghĩ có lẽ họ phải âm thầm chịu đựng một cách không mấy dễ dàng sự im lặng mang vẻ thuần phục của mình trong mối liên hệ với chính quyền độc tài. Có phải là đúng vậy không?

Tuy nhiên, có bao giờ các vị cánh tả chợt xét lại sự thuần phục của mình không? Ai ai cũng biết mọi liên hệ của giới toàn trị đều đặt trên nền tảng sự khuất phục của những đối tác “dưới cơ”, sự lợi dụng và “đổi trác” đối với đối tác dân chủ nào ngang hay trên cơ, sự ương hèn và đồng lõa với các đối tác toàn trị ít nhiều có thế lực riêng. Vậy thì những anh trí thức cánh tả có là gì đối với họ? Vẫn còn dùng được để khai thác, để tô vẽ cho “chính sách hòa hợp dân tộc” thì họ dùng, lúc không cần thiết hay lúc “giận” lên thì họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ thôi.

Được biết có những người cách tả “giữ mình” đến mức không muốn “hó hé” chuyện chính trị Việt Nam (ngoài những lúc họ ngồi riêng với nhau) mà né tránh khi bất cứ ai gợi đến, hay không muốn có liên hệ khi ai đó có thể (sẽ) có vấn đề với giới công an, dù không hẳn đã là chuyện “tày trời”… Vậy xin hỏi các vị cánh tả đó, có bao giờ các vị thấy thẹn lòng khi đứng sau cổ vũ cho người khác, còn mình thì giữ sự “hữu hảo”?

Nêu những ý như vậy tôi chỉ muốn đưa đến một điều là, cũng như giới tinh hoa trong nước, trí thức hải ngoại nói chung và trí thức cánh tả nói riêng, đến lúc sẽ phải nhận lấy trách nhiệm thiên bẩm của mình mà không cứ né tránh mãi sự đương đầu. Thời điểm thích hợp là đâu, tùy ở các vị suy xét trong bối cảnh chung của vận động dân chủ, nhưng một khi những người đối lập trong nước đã xuất hiện một cách quả cảm, lý do để trì hoãn của các vị không còn nhiều nữa.

Xin hãy có một sự lựa chọn minh bạch hơn so với quá khứ!

39. Nói rằng việc ra đời các nhóm đối kháng đặt ra sự lựa chọn đối với mọi người dân Việt là điều không sai, nhưng sẽ chỉ là “sách vở” nếu nói theo cách chung chung như vậy. Tôi đã tập trung vào một số đối tượng đáng chú ý nhất trong bối cảnh lựa chọn này.

Vẫn còn những lựa chọn đặt ra cho nhiều thành phần xã hội khác, như giới công chức, giới chức sắc tôn giáo quốc doanh, sinh viên học sinh… Tuy nhiên, trên tổng thể cảnh quang liên quan đến dân chủ, ngoài nhóm thứ hai có nhỉnh hơn chút đỉnh, các nhóm khác cho đến nay hầu như hoàn toàn mờ nhạt trong các vấn đề chính trị-xã hội. Hãy để vấn đề lựa chọn chính trị đặt ra với họ khi tầm mức ảnh hưởng xã hội của họ tăng lên.

40. Với sự xuất hiện của phong trào đối lập hiện nay, sự lựa chọn quan trọng nhất vẫn là ở thành phần lãnh đạo và bộ máy của họ.

Lựa chọn thật sự của họ như thế nào, chúng ta vẫn phải chờ, người dân Việt bị áp bức dưới ách toàn trị vẫn phải chờ. Nhưng có điều này không thể chờ, nó đòi hỏi đối với bất kỳ ai ray rứt với nền dân chủ nước nhà, với những người có lương tâm, đó là lập tức có hành động hậu thuẫn cho những người đối kháng. Ngay vào thời điểm họ đang bị đàn áp khốc liệt này đây!

41. Tôi ủng hộ việc chính thức lên hồ sơ các nhà lãnh đạo toàn trị, truy lùng tài khoản, tài sản của họ ở nước ngoài, thậm chí tìm hiểu cả gia thế và thân nhân của họ trong và ngoài nước… Những thông tin này đều giúp ích cho hiện tại và cả tương lai, khi nền toàn trị sụp đổ.

Tôi ủng hộ việc lên danh sách các quan chức, nhân viên an ninh, công an tham gia một cách “mẫn cán” và tàn ác trong việc đàn áp phong trào dân chủ. Hãy chính thức mở một “chuyên mục” để đưa tên tuổi, hình ảnh và từng hành vi tội ác của họ lên các trang web ủng hộ dân chủ, để nói với họ rằng nền toàn trị không thể bưng bít hay bảo bọc cho họ mãi được.

Ngoài việc biểu tình, vận động lấy chữ kí ủng hộ những người bất đồng chính kiến, cần tiến xa hơn nữa, là vận động chính quyền sở tại nơi các cộng đồng hải ngoại sinh sống can thiệp một cách mạnh mẽ và có hiệu quả trước làn sóng khủng bố đỏ. Cần thiết sẽ phải vận động những biện pháp ngoại giao thực tế nhất và gay gắt nhất nếu nhà cầm quyền Việt Nam đi xa đến mức dẫm nát hoàn toàn phong trào dân chủ: cấm nhập cảnh đối với giới quan chức an ninh và lãnh đạo, hạn chế đầu tư và cho vay vốn, phong tỏa các tài khoản, và thậm chí xa hơn nữa…

Cũng cần lập những phương án cô lập, triệt tiêu sự tuyên truyền cộng sản vào cộng đồng hải ngoại. Nếu họ có quyền trấn áp sự tự do ngôn luận và tự do tư tưởng trên mảnh đất toàn trị thì hãy cho họ biết rằng họ không có được quyền đó trong không gian dân chủ! Nếu các nhóm đối lập hết sức nhỏ bé mà vẫn không thể tồn tại được trên đất nước này, thì hãy dứt khoát cho họ biết rằng những tổ chức cộng sản ở nước ngoài sẽ không còn có cơ may tồn tại. Hãy cho họ biết rằng nếu thân nhân, con trẻ của những người đấu tranh ôn hòa mà bị xâm hại, bị dồn ép về mặt kinh tế, thì người thân của họ ở nước ngoài chưa hẳn đã ở yên khi sang đó mà giữ của cho họ…

42. Phải chăng tôi đang đi đến những biện pháp cực đoan? Không hẳn là vậy!

Cái sai của những người biết liêm sỉ là luôn xử sự một cách liêm sỉ với những kẻ không biết liêm sỉ. Cái sai của những người dân chủ là luôn xử sự một cách dân chủ với những kẻ chỉ muốn dùng dân chủ để triệt tiêu dân chủ.

Không thể tiếp tục để những kẻ toàn trị sử dụng những công cụ và không gian dân chủ để củng cố và vỗ béo cho nền toàn trị, để đàn áp và triệt hạ vận động dân chủ!

Nếu họ tiếp tục đẩy hành động bạo lực mà họ xem là chính đáng của họ lên cao, thì tại sao những người ủng hộ dân chủ lại cứ vẫn xem những biện pháp cứng rắn hơn về phía mình là sai trái! Đừng nói rằng nếu ta hành động như họ thì ta chẳng khác gì họ! Đó là lập luận đạo đức, không phải lập luận chính trị! Hành xử có một cách đạo đức trong chính trị với những kẻ không có đạo đức chính trị thì chỉ biến cả đạo đức lẫn chính trị thành trò tiêu khiển cho họ!

Phụ lục 1: Xã hội dân chủ đã dung chứa các đảng cộng sản như sự tồn tại tất nhiên của sự tự do tư tưởng và chính trị, nhưng chính điều đó đã đưa một bộ phận không nhỏ loài người vào chặng đường hơn 70 năm toàn trị; đến khi lịch sử sửa sai thì hậu quả đã quá nặng nề, cho đến hiện nay!

Phụ lục 2: Việt Nam Cộng hòa, do hành xử dân chủ, đã tạo những điều kiện dân chủ cho những lực lượng phản dân chủ triệt tiêu mình!

43. Đến đây, xin nhường sự lựa chọn cụ thể lại cho tất cả mọi người, từ giới toàn trị cho đến những người hậu thuẫn phong trào dân chủ trong nước!


© 2007 talawas