trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
21.3.2007
Hải Giác Thiên Nhai
Ðọc “Lời xin lỗi” của Phan Huyền Thư

Thật tình, đọc “Lời xin lỗi” của Phan Huyền Thư trên talawas, tôi không khỏi bàng hoàng. Trên thế gian này, làm sao lại có một Hoàng Ngọc-Tuấn cay chua và nhẫn tâm đến thế, chẳng hiểu gì cảnh ngộ của những người đang sống trong lòng đất mẹ. Có phải Hoàng Ngọc-Tuấn đã lầm lẫn giữa sàn chơi rất giới hạn của Văn Miếu với sân đấu võ tự do của talawas? Những người trên sân talawas thật hạnh phúc khi no cơm ấm áo rủ nhau đến đó bù khú, đú đởn. Còn sàn Vãn Miếu, nơi đó phải thận trọng lắm. Trình diễn sơ suất một chút là hỏng ngay. Người ta không rỗi hơi để đến Văn Miếu trình diễn lấy cái hư như ở talawas, mà hoàn toàn vì cái thực... Có thực mới vực được đạo. Cái đạo ở đây cũng rất khác, chẳng giống ai, mà cũng chẳng giống bất cứ nơi nào trên thế gian này. Vậy thì tại sao Hoàng Ngọc-Tuấn lại nỡ lòng làm như thế? Có phải xốc nổi vì trẻ người non dạ, hay uất ức một chuyện khác, rồi dùng búa tạ để phang Phan Huyền Thư, mà đúng ra cũng không nên lấy một cành hoa để đánh, chiếu theo tinh thần người tu mi nam tử Tây phương. Vậy mà chuyện đó đã xảy ra, lại xảy ra ngay trên sân nhà chủ nhân của nó, người ngày truớc đã từng có một quá trình cùng một cảnh ngộ tương tự Phan Huyền Thư. Tôi tò mò muốn biết Hoàng Ngọc-Tuấn từ đâu mà ra, tại sao lại vạch lá tìm sâu kỹ quá như thế. Anh vừa làm công tố viên, vừa đứng nguyên đơn thay cho Ðặng Tiến, để buộc tội Phan Huyền Thư thì thật là quá quắt. Ðương nhiên anh nhất định phải thắng. Nhưng thắng như thế liệu có vinh dự không? Thắng trong cả vú lấp miệng em thì buồn chết. Như vậy chẳng hóa ra lại bước vào vũng lầy của những người cửa quyền đất nước, hễ trong tay có gậy là phang thí mạng không thương tiếc, chẳng thèm biết đến cảnh ngộ mỗi người, mỗi nơi một khác.

Ở nơi Phan Huyền Thư đang sinh sống, từ khi lọt lòng mẹ đến trưởng thành, mọi người đều được giáo huấn kỹ lưỡng lắm. Ðây nhé, mọi người phải nghĩ giống, nói giống, làm giống Trên, khác một chút là không được. Vì thế, học đường, thi cử, chép bài của nhau là chuyện bình thường. Không biết Hoàng Ngọc-Tuấn ở đâu ra mà lại không biết trên quê hương Phan Huyền Thư, thầy trò cùng có học vị tiến sĩ mà thầy tranh tụng với trò hoặc ngược lại về việc đạo văn, đạo luận án xảy ra như cơm bữa. Nơi đó, nhà trường còn đào tạo ra những con người mới không được suy tư khác khuôn mẫu ấn định. Tất cả đều do hoàn cảnh tạo ra con người. Với thói quen đó, từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, cho đến lúc trưởng thành ngày nay, làm sao Phan Huyền Thư biết đường nào để làm khác. Chuyện chỉ có thế, vậy mà Hoàng Ngọc-Tuấn nạt nộ long trời lở đất, dùng đao to búa lớn phang tới tấp khiến Phan Huyền Thư phải rối rít xin lỗi. Lỗi với phải gì, đó chẳng qua là Hoàng Ngọc-Tuấn theo chủ thuyết duy lý trong văn học kiểu Hoài Thanh, Tố Hữu, xét một tác phẩm văn học lại không xét đến tiểu sử tác giả cùng quá trình sinh hoạt thai nghén ra tác phẩm. Làm thế tức là không những đã thiếu tình người, mà còn tỏ ra thiếu hiểu biết cảnh ngộ người khác, rồi hễ thấy ai không giống mình, không giống phe cánh mình là phang ngay. Sự nặng tay của Hoàng Ngọc-Tuấn đã làm quan tòa là độc giả như tôi phải chảy nước mắt, thương cho con người thiếu cảm thông hòa hợp, chỉ mải nghĩ đến những riêng tư sinh ra tranh chấp (tương tự như ông chánh án ở tiểu bang Florida, giữa pháp đình ông mủi lòng quá phải bưng mặt khóc hu hu chỉ vì có đến 3 người đòi giành quyền chôn cất bà Anna Nicole Smith. Nguời muốn an táng tại đảo Bahama, kẻ muốn chôn tại Texas, người lại muốn mang về California). Qua sự kiện trên rút ra, chúng ta nên nương tay với nhau để hòa hợp, đừng có khó tính quá, bắt bẻ nhau quá, mà hãy để công sức cùng nhau phang vào cái thành trì phủ vây một số người, những người yếu ớt an phận từ trên nửa thế kỷ nay, trong đó có Phan Huyền Thư. Phan Huyền Thư hoàn toàn vô tội. Tôi mong rằng Hoàng Ngọc-Tuấn nên xin lỗi đáp lễ lại Phan Huyền Thư mới phải. Chuyện mượn ý, mượn lời, mượn văn của người khác để diễn tả lòng mình đâu có gì là lạ. Cụ Nguyễn Du, đệ nhất thi hào nước ta chẳng đã mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân soạn từ trước để viết ra Truyện Kiều đấy thôi. Nếu không làm như thế, làm sao tránh khỏi bay đầu trước một chính thể chuyên chế với câu thơ phản động tả Từ Hải “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.” Có ai dám bảo cụ Nguyễn Du đạo văn khi cụ viết “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” trong khi đời trước Thôi Hộ đã viết “Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”. Vậy thì sự phê phán của Hoàng Ngọc-Tuấn về Phan Huyền Thư không những thừa thãi, mà còn tỏ ra thiếu độ lượng của một người giận cá chém thớt.

Nhân đây, tôi xin kể đôi điều về bản án tôi phải lĩnh sau ngày thống nhất đất nước. Số là lúc trẻ, gia đình tôi có mười sào ruộng ở quê thuộc ngoại thành Hà Nội nên bị quy là con cái thành phần địa chủ. Thời đó mà là con cái địa chủ thì chỉ có chết vùi chết dập, đừng hòng ngóc đầu lên. Ðến đâu tôi cũng phải nói dối mình thuộc thành phần trung nông và luôn luôn ao ước, mong muốn được công nhận thuộc thành phần công nông, một lý tưởng thời thượng lúc bấy giờ, chẳng khác gì được làm con vua cháu chúa. Thế rồi thời gian cuốn trôi đi mọi buồn tủi, cho đến ngày thống nhất đất nước, tôi vào Sài Gòn, nghe khúc ruột Nam bộ giễu tôi “Người Nam nhận họ người Bắc nhận hàng”, khiến tôi xấu hổ buồn bã cả chục năm trời. Thời đó tôi chỉ nghĩ bụng mà không dám tỏ với ai: Chỉ mới có vài năm ăn bo bo, Nam bộ đã rên siết như vậy thì còn đâu là thành đồng của Tổ quốc? Nếu phải chịu đựng suốt 20 năm như miền Bắc, không biết sẽ ra sao? Thật là ăn nhạt mà vẫn không biết thương đến mèo. Rồi tiếng bấc tiếng chì cứ réo theo cái giọng Bắc đặc sệt của tôi: “Bọn cộng sản Bắc kỳ. Dân Hà Nội cộng sản,” thật mới chua chát làm sao. Tôi cúi mặt nhịn nhục chịu đựng một thời gian dài, cho đến một ngày tôi ra nước ngoài, tiếng Bắc tôi đã pha chút Sài Gòn, không đặc sệt Bắc kỳ như trước nữa. Tôi hoàn toàn yên tâm như được xóa thành phần cũ, trở thành Bắc kỳ di cư di tản. Như thế, tôi đã có hai lần sống ẩn lậu hèn hạ trên quê hương nơi tôi sinh ra. Một lần giấu tông tích là con cái địa chủ tại Hà Nội, một lần giả bộ làm Bắc kỳ di cư tại Sài Gòn. Ðiều đó làm tôi ấm ức mãi. Ðôi khi tôi cũng có ý muốn trả thù những người không tên từng ngang qua đời tôi và đã từng cố tình hay vô ý làm tôi đau đớn khốn khổ. Nhưng rồi thời gian tiếp nối qua nhanh, thời gian là liều thuốc quên tốt nhất. Bây giờ, do sự bất nhẫn khi đọc “Lời xin lỗi” vô cùng thành thực, vô cùng thiết tha của Phan Huyền Thư, có thể vì thế những ẩn ức dồn nén xưa kia nay bùng dậy, khiến tôi nhớ lại những điều tôi muốn nói trước kia nhằm trả thù những người từng nhiếc móc tôi thời đó mà tôi chưa bao giờ nói ra, vì tôi cảm thấy làm như thế là tồi tệ, là trả thù ti tiện và ngu xuẩn. Nhưng hôm nay, tôi xin tiết lộ ra đây cái tư tưởng trả thù ngu xuẩn ngày đó của tôi, là: Nếu ngày đó nói dân Hà Nội, dân Bắc Kỳ là cộng sản thì bây giờ dân Sài Gòn và Nam kỳ có gì khác không, có là cộng sản không? Sao không giữ mãi cái tên Sài Gòn mà phải chịu bị gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhân dân Việt Nam đã từng phải gọi Thăng Long là Hà Nội từ triều đại Minh Mệnh cho đến tận bây giờ và có thể mãi mãi.