trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z


2.11.2008
Đào Nguyên

Hậu hiện đại: Tiếp tục tranh luận?

Lịch sử văn chương, triết học, khoa học thường đậm nét hơn khi có những cuộc tranh luận sôi nổi và kéo dài xảy ra, và sau đó thường xuất hiện muôn hoa trí tuệ với những sắc màu độc đáo. Các nhà nghiên cứu thích bất đồng ý kiến, thích tranh luận và họ vui sướng khi được tự do làm điều đó. Tranh luận giúp họ cùng độc giả cải tiến cái nhìn và từ đó chỉnh lại quan điểm về vấn đề được tranh luận. Tranh luận thoải mái và tự do trao đổi ý kiến là một trong số rất ít điều làm cho các nhà nghiên cứu phấn chấn tinh thần trong cuộc sống. Sẽ không có sự thâu hoạch kiến thức nếu không bị hoang mang, lầm lạc, điên đầu, mờ mắt. Rất tiếc là cuộc tranh luận về hậu hiện đại đã dẫn đến việc độc giả talawas phải than phiền, nhất là khi ngôn từ được sử dụng không còn nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề.

Tôi cám ơn các nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc tranh luận về postmodernism vừa qua, và tôi sẽ rất buồn nếu vì một lý do nào đó mà talawas phải ngưng cuộc tranh luận đó.
 


2.11.2008
Nguyễn Đăng Thường

Trong suốt Nguyễn Hưng Quốc & mơ hồ Phạm Quốc Lộc?

1. Cái "chính thống" hôm nay là con đẻ/sản phẩm của các chủ nghĩa chuyên chế độc tài nên nó chỉ có thể hiện hữu và tồn tại bởi/với/dưới/nhờ các chủ nghĩa này.

2. Nếu Nguyễn Hưng Quốc viết tiểu luận phê bình văn học từ mấy chục năm nay chỉ cốt để làm chính trị (theo lời Phạm Quốc Lộc) mà vẫn chưa được ngồi ghế chủ tịch/thủ tướng/bộ trưởng thì tốt hơn ông ta nên chọn một con đường khác.

3. Văn nghệ phản kháng/phủ nhận cái "chính thống" luôn luôn hàm chứa tính "chính trị", do đó việc chụp thêm mũ "chính trị" không cần thiết, trừ phi kẻ la toáng cũng muốn làm... chính em?

4. Nếu diễn ngôn "trong suốt" của Nguyễn Hưng Quốc là để làm "chính trị" (theo ý Phạm Quốc Lộc) thì, ngược lại, diễn ngôn "phi chính trị" của Phạm Quốc Lộc ắt là phải "mơ hồ", đục nước béo cò?

5. Đã là cái "nhỏ/phụ" thì ắt không thể ở "trung tâm". Vì vậy, Nguyễn Hưng Quốc không cần lôi nó ra ngoài cái "chính thống" để làm... chính trị.

6. Trong thế giới tự do, cái "nhỏ/phụ" có thể trở thành cái "lớn/chính" nhưng nó không bao
giờ trở thành cái "chính thống" bởi lẽ đã nói ở trên.

7. Áo tứ thân không thể là biểu tượng của cái gọi là "truyền thống" của ta vì nó không đại diện cho cả ba miền Nam-Trung-Bắc. “Bà mẹ Việt Nam tay không đánh giặc” là chuyện bịa đặt, hoang đường tương đương với... Thánh Gióng.

8. Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn [cũng như Việt Nam Cộng hòa, và An Nam Pháp thuộc], không chỉ là "quá khứ" mà là "lịch sử". Chính chủ nghĩa cộng sản đã ra lệnh phủ nhận vai trò lịch sử và những đóng góp của hai thời kỳ này.

9. Ẩn dụ "Cờ hói" và cách diễn dịch chưa "trong suốt/trong sáng" của Phạm Quốc Lộc chỉ là mê cung đối với một đứa ít chất xám như tôi. Dù chỉ hiểu biết lai rai về hậu hiện đại và giải cấu trúc, thiển nghĩ của tôi là "cấm kỵ" không xuất phát từ hai chủ nghĩa này, mà từ những kẻ chống đối muốn cấm cửa chúng như... Phạm Quốc Lộc (nếu có sai lầm xin độc giả lượng thứ cho).

10. Để tránh rối ren, cấm kỵ, mà cũng để giản dị hóa cho nó được "trong suốt" kiểu Nguyễn Hưng Quốc, thôi thì ta cứ gọi bừa "Cờ hói" là "Cờ trọc" cho nó xong chuyện và di chuyển an toàn trên... xa lộ. Như tôi [và các bạn?] vẫn gọi thằng nhỏ (của tôi) và thằng to (của Gary Cooper) là thằng... đầu trọc vậy mà. Hồ nữ sĩ đã chẳng mần thơ cợt nhả các đấng trọc đầu khác là... "dưa hấu không cuống/bưởi hỏi han đời"... à?

11. Ôi, Hưng Quốc và Quốc Lộc, hai cái tên cứ như là tiền định về hai cách viết - hướng về Tương lai và hướng về Hà Nội - để phục vụ cho ai và cho cái gì, xin để quí vị được tự do... giải cấu trúc!
 


2.11.2008
Diá»…m Chi

Cam Giang Nam, cam Giang Bắc

Nếu nhận xét một cách hiểu biết, nếu có một nhạy cảm, ý thức về tổng thể, một khả năng xử lý, tiêu hoá tốt kinh nghiệm sống - đặc biệt cho những người đã sống ở Việt Nam một thời gian sau 1975 - thì sẽ thấy không thể áp dụng chuẩn mực của bên này cho bên kia để có thể hành ngôn kênh kiệu như "quái trạng văn hóa", "ngớ ngẩn" v.v... Ông Hoàng Ngọc-Tuấn chỉ có thể sống, làm việc như cách ông đang làm tại Úc, chưa chắc làm được tại Pháp, rất có thể không làm được ở Đài Loan, và là "Mission impossible in Beijing", dầu rằng không gian phát biểu của trí thức Trung Quốc hơn Việt Nam. Nếu thả dù ông xuống Việt Nam, với sứ mạng và cẩm nang làm việc của ông hiện tại, mời ông Tuấn và các bạn tưởng tượng ông sẽ xoay xở ra sao.

Là một kỹ sư, được đào tạo và làm việc nhiều năm ở phương Tây, tôi chưa thấy thầy mắng trò, đồng nghiệp mắng nhau mà dùng những chữ như "quái trạng", "ngớ ngẩn"... Nói vậy, dù có đúng - mà cái đúng ở đây còn ít nhiều cục bộ - thì thông điệp chính vẫn là hạ nhục hơn là đóng góp, trao đổi, sửa sai. Người bị hạ nhục có là thánh mới tiếp thu được nội dung đóng góp, khán thính giả thì nghe mắng lây. Lối trao đổi này hướng nội, vị ngã hơn là hướng ngoại, vị tha. Văn chương Việt Nam tiền hiện đại vẫn tả những ông thầy dữ tợn nhưng lòng lành, mắng chửi, đánh đập học trò tàn bạo nhưng rất yêu trò, muốn cho trò nên người "yêu cho roi, cho vọt". Bố tôi kể khi học ở trung học Thăng Long, vẫn bị một thầy dạy toán nắm tóc, nện trán vào bảng, có khi vêu đầu, mắng "tại sao mày ngu thế?" Nền giáo dục ở Úc khá tiên tiến, những lời nặng nề của ông Tuấn, một người sinh hoạt trong môi trường đại học, có phải là âm ba của giáo dục, xã hội An Nam xa xưa ngân nga và giao thoa với hiện tại và chỉ áp dụng cho người Việt Nam?

Nhắc tới chuyện kể năm 2000 trên Hợp Lưu: Khánh Trường, chủ biên Hợp Lưu lúc đó đã lấy quyết định hành chánh chấm dứt cuộc "trao đổi" vì nó đi quá xa. Đây là một bằng chứng của sự bất lực của "trí thức" Việt Nam, xa hơn là "trí thức" châu Á, xác định trật tự vua - "trí thức"; trí thức thưa chuyện với vua, vua lấy quyết định cho trí thức, chứ trí thức không thể nói chuyện, làm việc, trao đổi với nhau, đặc biệt là khi bất đồng. Quan hệ hàng dọc quan trọng hơn quan hệ hàng ngang. Những người tham dự, lúc đó và bây giờ, thiếu sự nhanh nhậy, tỉnh táo để tiến, biết thoái, biết thắng, biết thua, biết nâng nhau dậy, biết bắt tay nhau. Đừng trách nhà cầm quyền Việt Nam ù lì, cố chấp. Một cách hành xử đẹp có thể là: "cách anh trích dẫn không là cách tôi quen thuộc, dẫn tới sự hiểu lầm, và quá lời, I'm very sorry", hay "tôi quen làm việc như vậy, vì nó là như vậy, làm khác nhiều khi lôi thôi to, xin đa tạ những góp ý đúng của anh, I'm very sorry too". Văn hóa "I'm sorry" trên cửa miệng của nhiều giai tầng xã hội ở Âu, Mỹ cần được trí thức Việt Nam lưu tâm ngang với kỹ năng học tập, phương pháp làm việc. Chỉ cần học hỏi trong vài tiếng là biết trích dẫn đúng qui cách; áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng dose, đúng đối tượng, cân nhắc đúng tương quan giá-phẩm chất... là nhiều biến số khác của bài toán tối ưu khi bàn về phương pháp.

Bắt tay nhau, trang nhã với nhau là thái độ lành mạnh trong một cõi kế thừa, học hỏi, trao đổi, làm việc chung và rất riêng.
 


2.11.2008
LÆ°u Linh

Em là Lưu Linh, nguyên wán ở diễn đàn VNCR, một diễn đàn nhỏ so với diễn đàn Ta Là Ai. Nhờ có ngừ mách bảo em nên theo dõi diễn đàn Ta Là Ai để có thể học hỏi được nhiều điều hay. Thiệt là đúng như ngừ ta nói, chỗ ni toàn là bậc chân nhân tu đắc đạo.

Đọc bài của tiền bối Hoàng Ngọc-Tuấn, “Một wái trạng văn hóa” niêm yết ngày 17-10-2008 nói về những sai trái trong các bài viết của tiền bối Hoàng Ngọc HiếnTrịnh Lữ về “hậu hiện đại”, em cứ đinh ninh là những bài viết kế tiếp sẽ tranh luận về đề tài “hậu hiện đại” trong bối cảnh trong nước hay ngoài nước. Tiếc thay, em hổng thấy và chưa thấy được những gì về đề tài “hậu hiện đại” ngoài những lời trao đổi đốp chát và đôi khi chanh chua nữa. Em wá ư là thất vọng.
 


2.11.2008
Minh Ngọc

Phản hồi của Trần Ngọc Vương khiến tôi phì cười. Phì cười ngay ở câu đầu, có đoạn:“bác Hiến không bày sẵn tư liệu trước mặt. Đuổi bắt ý tưởng, bắt được rồi thì ‘diễn’ nó ra.”

Nếu thế thì bác Hiến còn vướng thêm một thói xấu là chủ quan, không cần kiểm chứng cho kỹ trước khi viết xuống, trước khi phát biểu, trước khi “diễn nó ra”. Một nhà nghiên cứu có uy tín, có tiếng tăm mà còn cẩu thả, lười lĩnh như thế thì việc ông Hoàng Ngọc-Tuấn phê bình ông Hoàng Ngọc Hiến như thế còn gì để chống chế.

Đọc phản hồi của Giang về chuyện dịch thuật, tôi trố mắt kinh ngạc vì không thể tưởng tượng có người lại “dũng cảm” đến thế. Discourse mà dịch thành giáo trình thì muốn dịch thế nào lại không được nhỉ?

Discourse
theo Merriam-Webster:

1 archaic : the capacity of orderly thought or procedure : rationality
2: verbal interchange of ideas ; especially : conversation
3. a: formal and orderly and usually extended expression of thought on a subject; b: connected speech or writing c: a linguistic unit (as a conversation or a story) larger than a sentence
4 obsolete: social familiarity
5: a mode of organizing knowledge, ideas, or experience that is rooted in language and its concrete contexts (as history or institutions) discourse>

Theo Oxford:

noun /diskorss/ 1. written or spoken communication or debate. 2. a formal discussion of a topic in speech or writing.
verb /diskorss/ 1. speak or write authoritatively about a topic. 2. engage in conversation.
— ORIGIN Latin discursus ‘running to and fro’, from discurrere ‘run away’.

Nguyên bản: The antitheoretical polemic is one of the characteristic genres of theoretical discourse... an inevitable dialectical moment within theoretical discourse, the moment when theory's constructive, positive tendency generates its own negation.

Được ông/bà Giang dịch thành: Các luận điểm phản lý thuyết là một trong những thể loại đặc biệt của các giáo trình lý thuyết… một yếu tính biện chứng không tránh được trong giáo trình lý thuyết, cái yếu tính mà khi lý thuyết có đặc tính thiết đặt, khuynh hướng xác định lại sinh ra sự phủ định của chính nó.

Characteristic
là gì mà biến thành “đặc biệt”? Ở đâu mà ra “có đặc tính thiết đặt” thế? Chẳng nhẽ “theory’s constructive” là “đặc tính thiết đặt”?

Characteristic
lại là “đặc biệt” nhưng không hề có characteristic thì lại thành “đặc tính”?

Quả đáng để kinh ngạc.

Tôi thấy thất vọng khi có khá nhiều ý kiến mang tính “tung hỏa mù”, cố tình bẻ mạch chuyện ông Hoàng Ngọc-Tuấn phê bình ông Lữ và ông Hiến sang chuyện bới móc cá nhân, than phiền “khó hiểu”, chặt xẻ ngôn từ, “biến chín làm mười”. Tôi tin ngoài cái “quái trạng” mà ông Tuấn đưa ra còn có vô số “quái trạng” lớn nhỏ xung quanh cái gọi là “văn hoá thảo luận”.