© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
3.3.2008
Thế Uyên
“Tố khổ Văn chương” ở Sài Gòn: Tiền đồn, Đoạn đường chiến binh
 
Chú giải nhập bài

Tiền đồn là tên một truyện dài của nhà văn Thế Uyên, bắt đầu viết giữa năm 1966, hoàn tất đầu năm 1967, vào thời kỳ quân lực Hoa Kỳ đã tham chiến ở Việt Nam và gửi các cố vấn đến cấp tiểu đoàn các đơn vị chính qui miền Nam Việt Nam. Gọi là truyện dài tất nhiên là có hư cấu nhưng cũng rất thật, nhiều đoạn phần thật lấn lướt cả hư cấu. Chiến tranh ở đây là có thực, là như thế, không giống như các phim võ hiệp kỳ tình do Hollywood sản xuất, như Apocalypse Now hay Casuaties of War nhằm mục đích bôi bác cả quân lực Mỹ lẫn quân lực miền Nam Việt Nam. Tiền đồn là như thế nên từ khi xuất bản lần đầu đến hiện nay bị đánh đập bầm giập, như tác giả nó, bởi nhiều phe khác nhau. Và tới đây chưa phải là hết, nghỉ giải lao cũng không nữa, dù chiến tranh đã chấm dứt trên chiến trường Việt Nam hơn ba mươi năm, nhung chưa chấm dứt trong trong lòng nhiều tầng lớp già Việt Nam và cựu phản chiến Mỹ.

Một trong những truyện nổi tiếng về chiến tranh là Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của nhà văn Ðức Eric Maria Remarque, nhân vật chính là một thanh niên quân dịch trong Đệ I Thế chiến. Khi trải qua những thử lửa đầu tiên không chết, chàng được đi phép về thăm nhà lần đầu tiên. Lang thang trong thành phố cũ, ngồi ở bàn học cũ, chàng thấy có một cái gì chia cắt, làm biến đổi mọi sự... Chàng cởi đồ lính cất đi cho đến ngày hết phép, mặc dù ông bố hãnh diện có con mặc quân phục. Chàng không hiểu tại sao lại làm thế. Nhưng độc giả theo dõi những ngày chiến trận của chàng tuổi trẻ thì biết: chàng đã bị chấn thương tinh thần, đã bị hội chứng chiến tranh rồi.

Khi rời mặt trận của sư đoàn 5, trở về Sài Gòn, tôi cũng rơi vào thứ hụt hẫng, lơ lửng như vậy. Thân xác còn giữ khá nguyên vẹn các phản xạ, thí dụ vào quán, vẫn loay hoay tìm chỗ ngồi nào dựa lưng vào tường, khỏi lo ai bắn tới từ phía sau, ban đêm ngủ với vợ hơi có tiếng động là thức giấc. Kiểu ngủ có một mắt ngoài mặt trận này còn tồn tại hơi lâu sau đó. Tôi bắt đầu thấy khó chịu vì tình trạng này, quyết định ra thoát nó, rũ bỏ nỏ, như thay một bộ quần áo bị ướt vì một cơn mưa. Là nhà văn, tôi tự động nghĩ tới phương cách thay đổi bằng cách viết, viết hết nhưng chiến trận còn ám ảnh mình. Tin chắc là mình sẽ thấy dễ thở hơn, sau đó.

Hoàn cảnh làm việc của tôi lúc đó khá dễ dàng cho chuyện viết và đọc. Ban giám đốc của cái nha tân lập đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng, Nha Thượng vụ, thường sử dụng tôi vào những công tác đặc biệt đến nỗi có thời tôi chạy lung tung tới các thư viện tra cứu sách báo cổ Việt Pháp (khi mặt trận FULRO kiện Việt Nam lên tận Liên Hiệp Quốc về tội đã xâm chiến và tiêu diệt “vương quốc Kanbuja” huyền thoại của họ). Tôi quen thuộc với các phi cơ phi vụ quái chiêu của Air America, nên những lúc được ngồi tại bàn làm việc tại Sài Gòn, tôi viết lách gì mặc kệ, nên tôi tà tà nhẩn nha viết truyện dài Tiền đồn, xen kẽ với những khi phải soạn thảo điều lệ cho một hội ái hữu Kinh Thượng cùng những văn kiện đại loại như vậy. Tôi đưa bản thảo cho Lê Ngộ Châu, tạp chí Bách Khoa, đăng từng kỳ, và khi lại tòa soạn lãnh nhuận bút kỳ chót (trả thấp nhất trong các tạp chí thời đó), nhà văn Võ Phiến bảo tôi: “Để tôi xuất bản cho (ông đã in hai cuốn trước đó của tôi). Cuốn này sẽ có giá trị lâu dài.”

Tôi vui vẻ nhận lời vì trong khi còn đăng từng kỳ Bách Khoa, tôi đã nghe nhiều tin đồn, gièm pha này nọ, e Tiền đồn khó qua khỏi ban kiểm duyệt Bộ Thông tin, nhờ Võ Phiến là tốt nhất vì ông đang là một nhân viên quen biết nhiều của Bộ này. Quả thực đúng như thế, Võ Phiến không biết dùng võ Tây hay võ Tầu hay Vovinam, lấy được giấy phép xuất bản nguyên vẹn tác phẩm, trước sự ngạc nhiên của cả Lê Ngộ Châu và tôi, với điều kiện đổi cách xưng hô đối với các nhân vật Việt cộng: Phải gọi họ là “thằng huyện ủy”, “con giao liên”… chứ không được dùng cùng kiểu với “phe ta”. Tôi đang lo sách sẽ bị cấm hay bỏ nhiều đoạn, nay chỉ bị có thế, mừng rỡ nói với Võ Phiến: Anh sửa giùm luôn…

Tiền đồn ra đời với mẫu bìa chung của nhà Thời Mới, bìa chữ đỏ trên nền trắng, trang nghiêm như sách nhà thờ. Trái với dự đoán là sẽ bị phe chống cộng bảo thủ, cực đoan đả kích, nhưng phe này giữ im lặng, Tiền đồn chỉ bị phe tả trong thành phố đả kích, thí dụ như Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương… kết án là “dâm thư”, là “văn chương cái giường”. Tôi không “ke” cho lắm đến những chê trách kiểu này. Gặp Lữ Phương tại Bách Khoa, sau khi biện luận, tôi đã “nổ” như thế này: “Anh cần phải đọc thêm nhiều sách bàn về sex trong đời sống con người…” Lữ Phương không cãi và sau đó “ra khu” luôn. Sau 30 tháng 4 năm 75 mới trở về với tư cách Thứ trưởng Văn hóa Thông tin, nhưng vẫn duy trì một thứ tình bằng hữu sóng gió với tôi, ngay cả sau này khi đã mất chức vì những bài văn chủ trương xét lại...

Một thời gian sau mới bán hết ấn bản đầu tiên 3000 cuốn, tốc độ tiêu thụ không nhanh không chậm, mặc dù có lúc bị chê là “dâm thư” nhưng sự kiện này không làm cho sách bán chạy. Ông Khai Trí đề nghị để nhà sách của ông tái bản, cũng in 3000 thôi. Với bìa của Nguyễn Hữu Nhật.

Ông Khai Trí, theo thông lệ làng văn mang tên tiệm sách/nhà xuất bản của mình - cũng như các ông Nam Cường, Sống Mới, Trí Đăng - là một người gốc Mỹ Tho mê sách, lập ra một cơ sở liên hoàn tiệm sách- nhà in–phát hành quan trọng bậc nhất nhì Việt Nam. Vì lớn quá nên sau 30 tháng 4 năm 75, quân miền Bắc chiếu cố ngay: hiệu sách Khai Trí và các cơ sở khác bi tịch thu, ông Khai Trí bị tống giam, nhiều năm sau mới được tha về tay trắng. Ông xin tái định cư với gia đình ở Cali, hi vọng xây dựng lại cơ đồ nơi này, nhưng ông thất vọng vì bao nhiêu sách Khai Trí loại bán chạy, đều được in lại và tất nhiên tác quyền bị chôm chỉa hết. Sau này chính quyền trong nước dụ ông trở về Việt Nam, hứa sẽ cứu xét trả lại tiệm sách và vân vân. Ông nghe lời, trả passport Mỹ, xin hồi hương lập nghiệp. Lần chót gặp ông trong một tiệc cưới, hỏi thăm việc đòi hiệu sách tiến hành ra sao, ông cười nhẹ buồn bã: “Họ hứa tới hứa lui, đâu có trả...” Ông mất tại Sài Gòn gần đây trong âm thầm. Như những “kẻ trao thân lầm tướng cướp” khác...

Ấn bản này cùng ấn bản đầu tiên đều bị tuyệt bản do lệnh “đốt sách nhốt nhà văn” do Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành năm 1975. Ở hải ngoại, còn có thể kiếm ấn bản in lần thứ ba của nhà Xuân Thu và ấn bản điện tử trên talawas.


Tại trường sư phạm bồi dưỡng

“Bồi dưỡng” nghĩa thông thường là ăn thêm một cái gì ngoài khẩu phần thường lệ, sư phạm bồi dưỡng là cho các nhà giáo học thêm, bổ túc. Các khóa bồi dưỡng về quốc văn và lịch sử, gọi là Văn Sử, được tổ chức tại trường Colette, nhất là nhà chơi có mái của trường này vì khóa sinh đông quá, tới 600 người một khóa. Mục đích là huấn luyện cho nhà giáo Sài Gòn biết từ nay phải giảng dạy hai môn Văn và Sử cấp trung học như thế nào. Kéo dài trong 6 tháng, sáng học chiều thảo luận. So với các cán bộ đủ loại gặp thường ngày, thành phần giảng dạy có học hơn và do đó bớt “đỏ” hơn.

Chính nhờ thành phần này, tôi được biết rõ chính sách mới của Đảng Cộng sản đối với Công giáo, không còn coi là “thuốc phiện của quần chúng”, cần phải triệt tiêu như đã làm tại miền Bắc trước đây nữa. Theo lời giảng mới: Nước còn nghèo nên nhân dân còn thiếu thốn nhiều, do đó họ còn hướng về tôn giáo. Đảng chấp nhận như vậy trong khi chờ đợi ngày tiến lên chủ nghĩa xã hội “của cải tuôn trào như nước, vàng chỉ dùng làm vòi nước trong buồng tắm” (Lenin). Do các nhà thờ được tôn trọng, các buổi lễ thuần túy tông giáo vẫn do các linh mục cử hành như thường lệ, cho đến khi những dòng chữ này được viết ra, chỉ tỉa bớt của cải quá lớn thu nhập trong nhiều thế kỷ và xía vô việc đào tạo và bổ nhiệm tăng lữ. Theo thỏa hiệp sống chung hòa bình (không văn bản) giữa Tòa Thánh Vatican và các Đảng Cộng sản, chấm dứt sự đối đầu tiêu diệt nhau như thời Giáo hoàng Piô XII và chiến tranh lạnh. Dĩ nhiên thỏa hiệp này làm mất quyền lợi ít hay nhiều của một số Công giáo “diều hâu” trước đây, biểu lộ trên một số báo chợ hải ngoại. Còn xét về đường dài, từ 2000 năm nay, Giáo hội Công giáo La Mã và không-La Mã thường tìm cách thỏa hiệp với giới cầm quyền để cùng cai trị dân và hưởng lợi từ dân, dù là vua chúa hay Đảng Cộng sản, theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Vợ tôi xin được làm công nhân cho một công ty mỹ thuật đang biến Dinh Gia Long thành một nơi trưng bầy mọi thánh tích và thành tích của “cách mạng”, lương tạm đủ nuôi chồng con rau dưa qua ngày trong khi đợi một ngày mai tươi sáng hơn. Mỗi ngày vào giờ nghỉ trưa, vợ tôi đạp xe từ Dinh Gia Long sang trường, mang theo một lon gô cơm. Hai đứa ngồi đầu bậc thềm dẫn vào lớp, mở lon cơm, cứ chồng một muỗng vợ một muỗng, đồ uống đã có thùng trà miễn phí do nhà trường cung cấp. Hai đứa cùng vui vì lại có nhau sau năm tháng xa cách, mặc dù tôi mơ hồ cảm thấy đang sống trên một núi lửa sắp phun.

Tôi được biết theo một vài nguồn tin khác nhau, cấp lãnh đạo thành phần hardliner, đa số gốc “quê Bác”, cho rằng những bản án vài ba năm cải tạo tập trung cho những nhà văn miền Nam đi theo diện quân đội, là quá nhẹ. Thí dụ như tôi đi theo cấp bậc trung úy chỉ quanh quẩn ở những trại dễ (những “tầng đầu dịa ngục”), trong khi đáng lẽ là nhà văn phải ở những trại khó ngoài Trung ngoài Bắc... Vậy phải cho “chúng nó” đi cải tạo bổ túc dăm bẩy năm nữa mới là “đạt chỉ tiêu”, bởi thế nhiều nhà văn được về sớm vì cấp bậc nhỏ như tôi, phải đi cải tạo lần thứ hai với các lý do bá vơ, viển vông.

Phần tôi dĩ nhiên không đồng ý với quí vị lãnh đạo Đảng, nhưng làm sao tránh được ông “thiên lôi đỏ” bây giờ? Theo lời bàn (với nhau) của các cán bộ là phải có ô dù mới khá được, và chẳng may cán gẫy dù long, đời sẽ không khá nổi. Nhưng phiền một nỗi bố tôi là con độc đinh của một dòng họ Cát nào đó ở tít Vân Đình, Hà Đông, không có anh em chú bác cô dì nào đi theo Đảng cả, tôi lấy đâu ra ô dù mà tránh thiên lôi đỏ rất khó tính, hơi một chút là búa liền, theo nguyên tắc búa dư còn hơn bỏ sót. Thí dụ như lãnh gói thuốc nhỏ tương trợ, cứu đói thì đúng hơn của Văn bút Hải ngoại, là bị bắt lần thứ hai liền, vì tội lãnh nhuận bút của CIA để viết bài gửi ra hải ngoại “chống phá cách mạng”. Sau chuyến bị bắt lần hai, đa số đủ sức khỏe để trở về, nhưng cũng có người không, như các nhà văn Dương Hùng Cường, Nguyễn Hoạt...

Ta không có ô dù thì tìm cách tạo ra ô dù vậy, bằng cách sử dụng uy tín nhà văn trước đây vậy. Ai muốn chê bai nói nọ kia kệ họ, đi cải tạo tập trung một lần cho biết mùi vị cái đói trên cõi rừng xanh núi xám thì cũng OK, đi hai lần thì hơi nhiều cho một cuộc đời... Tôi lại tòa sạn Tin Sáng của Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung... và gặp Cung Tích Biền ở đó, được đưa lên gặp dân biểu đỏ nằm vùng Hồ Ngọc Nhuận. Vị này trao tôi mục “Điểm sách”, hai tuần hay một tháng một lần không nhớ rõ, tôi thản nhiên nhận lời vì đã biết cách phê bình xã hội chủ nghĩa từ hồi đi cải tạo – tôi ham đọc sách, sách xanh bị cấm thì đọc sách đỏ, ít nhất cũng để biết địch đã làm như thế nào để thắng ta ngon lành. Điều hơi phiền là tôi không được dùng bút hiệu Thế Uyên nữa, cũng chẳng sao, tôi dùng tên thực cũng được – tôi vẫn là thằng tôi có sao đâu... Tiền nhuận bút mỗi kỳ tương đương với hai tô phở và dĩ nhiên lãnh nhuận bút lần đầu, tôi mời bà vợ đi ăn phở Tàu Bay, ngon như và hơn cũ, thỉnh thoảng tôi lại thò đũa sang tô của vợ chĩa một miếng thịt nhiều mỡ, ăn chay hơi lâu rồi mà. Cứ thế hai đứa “đói no có thiếp có chàng...” (ca dao) cà rịch cà tang đi vào chủ nghĩa xã hội.

Còn tờ báo thứ hai của chế độ cũ còn được Đảng cho phép tồn tại tạm thời là nguyệt san Đứng Dậy, chiếc gạch nối giữa Công giáo hòa giải các dân tộc và Đảng Cộng sản, của linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan với nhà thơ Nguyễn Quốc Thái tổng thư ký – ghi cho rõ vì vị này sẽ xuất hiện nhiều sau này trong đời tôi. Cả ba đều là bạn cũ nên việc tôi muốn viết lại mặc dù có lệnh cấm hẳn hoi, không là vấn đề Nguyễn Ngọc Lan cười nói: “Ông cứ viết đi, tôi cứ đăng, bao giờ có lệnh cấm mới, chúng ta tính sau.” Vụ này làm tôi ý thức rõ có sự chia cắt giữa những người của Măt trận Nguyễn Hữu Thọ và dân Bắc kỳ 75 đã và đang ùn ùn theo chân bộ đội vào Nam, một sự chia cắt, dị biệt có thể nói là may mắn cho dân tộc Việt vì những đảng viên cựu thành viên Mặt trận là những người đề xướng ra chính sách Đổi mới mười năm sau, một chính sách làm thay đổi diện mạo Việt Nam.

Cần nói thêm là viết cho Đứng Dậy, tiền nhuận bút cao gấp rưỡi Tia Sáng: mỗi bài viết được ba tô phở. Thực tế không ai được ăn phở nữa vì tiền đó bị bà vợ tôi “kiểm kê”, sung vào quĩ mua gạo ăn cho cả gia đình - chế độ mẫu hệ chuyên chính bắt đầu ngay từ đó...

Cái cảnh nàng mang đồ ăn trưa đến trường ăn với chàng, như trong phim Love Story mới được vài tuần thì cơn bão đỏ xẩy ra bất ngờ. Buổi sáng tôi đến lớp học như thường lệ, hiệu phó đến tận chỗ ngồi, nói nhỏ: “Hết hai tiết đầu, anh lên phòng giáo sư nhé.” Tuân theo lời dặn, tôi tới phòng giáo sư, phỏng đoán chắc là vì vụ tôi “trốn phỏng vấn” của nhật báo Sài Gòn Giải phóng vừa qua. Cũng hiệu phó báo tin và giờ hẹn nhưng đến giờ, tôi linh lỉnh chuồn ra cổng đi uống cà phê gần trường. Tôi ớn phỏng vấn vì báo chí cộng sản có lệ chỉ cần một tấm hình để đăng lên báo, còn bài phỏng vấn đã được viết sẵn theo “bài bổn” đã định, thí dụ như nếu du khách là cựu chiến binh Mỹ thì bao giờ cũng có màn “chàng Mỹ” khóc sướt mướt ôm lấy anh bộ đội, tạ lỗi là lỡ bắn con nít, lỡ hiếp phụ nữ Việt Nam trước đây. Anh bộ đội bây giờ là ông cha giải tội, nhân danh Bác, Đảng và nhân dân Việt Nam tha lỗi cho anh cựu chiến binh Mỹ, rồi hai người ôm nhau thắm thiết. Xong! Hồi mới được tha về tôi có được Tin Sáng mời đến dự một buổi họp mặt người cầm bút “các tỉnh phía Bắc” và “phía Nam” (chữ “ngụy” được tạm cất đi, vì nếu dùng, phe miền Nam sẽ không tới), tôi có được mời phát biểu và ăn trưa một bữa lẩu mắm khá ngon. Nhưng hôm sau đọc báo thấy tức anh ách vì tôi có tuyên bố như vậy đâu. Thắc mắc mà tôi nêu lên: “Sao cán bộ Đảng không ai biết cười...” và câu trả lời của một cán bộ có mặt: “Những người biết cười dễ tham nhũng…” đều bị bỏ hết. Phải ráng chịu thôi vì báo của Đảng “bao giờ cũng đúng”, có bao giờ đính chính đâu...

Tôi mải ra cuối sân trường đi tiểu - kinh nghiệm cho thấy như vậy là khôn ngoan nhất. Ai biết buổi họp chấm dứt lúc nào – nên vào phòng giáo sư sau cùng, chủ và khách đã an vị đầy đủ chung quanh chiếc bàn bầu dục lớn. Đương nhiên tôi ngồi vào ghế trống còn lại, chỉ kịp nhận ra một người quen bên tay mặt là nhà giáo, nhà văn Nguyễn Nhật Duật, và một vài nhà văn nữa, trong đó có Huỳnh Phan Anh thì phải. Tôi nhớ lơ mơ vậy vì chưa chi đã bị phe “quan tòa” của buổi tạm gọi là “tố khổ văn chương” “nổ” cho tối tăm mặt mũi. Một cán bộ Bắc kỳ (dĩ nhiên) đứng dậy khai hỏa, tay cầm cuốn Tiền đồn, tự giới thiệu là Phan Đắc Lập (chức vị tôi không nhớ), dằn giọng hỏi: “Riêng một cuốn Tiền đồn này thôi, hỏi anh Thế Uyên có bao nhiêu cái đầu để đủ tạ tội với cách mạng?”… Tôi im lặng chưa kịp trả lời, một cán bộ thứ hai đã đứng dậy, tự giới thiệu là Chương hay Phương thuộc trường Sư phạm, cầm cuốn Đoạn đường chiến binh (mới in lại trên báo điện tử talawas) ném ra mặt bàn, đàn hặc tôi: “Ở ngoài đó chúng tôi nghe ‘đài’ (đài phát thanh) kêu gọi Thế Uyên trở về với nhân dân, không phải nhiều lần mà hai mươi lần, chúng tôi nghĩ tay này hẳn viết văn hay lắm. Bây giờ mới được đọc, anh lấy tay xoay cuốn sách một vòng trên bàn, thấy anh thật có tài, viết hay thật, nhưng toàn thể 12 bài không bài nào không phản động...”

Cái vụ kêu gọi trên đài phát thanh của Hà Nội và Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ tôi có nghe biết nhưng không khi nào đón nghe, vì chán ngán những lời tuyên truyền một chiều, ngoan cố và sắt máu. Những chương trình nổi tiếng của đài Sài Gòn như “Tao đàn”, chỉ có ông bố tôi tôi ưa thích, chương trình “Dạ lan” nhằm đối tượng người lính, tôi nghe ké của lính tiền đồn vài đoạn, cũng không “vô”. Tôi chỉ chăm chú nghe đài Sài Gòn khi nào có binh biến, đảo chính...

Ông bạn cán bộ đang “tố khổ” tôi chắc là cường điệu, phóng đại. Làm gì mà kêu gọi tới 20 lần, và giả sử con số đó là có thật, thì chắc đa số dùng để sỉ vả, chứ không để kêu gọi ai hết. Bằng chứng là khi vào được Sài Gòn, đáng lẽ tìm tôi bắt tay thân hữu một cái, thì họ lừa hốt tôi vào trại cải tạo cùng các sĩ quan khác (bà vợ tôi thường bảo thế là may, chứ họ kiếm tôi mời hợp tác thì tôi trở thành tối đa là Lý Chánh Trung, Phan Lạc Tuyên, Nguyễn Trọng Văn..., những mẫu người không hợp với tôi). Trong các trại cải tạo, tôi đã từng bị sỉ nhục từ nặng tới... nặng hơn, và giờ đây trong phòng giáo sư do người Pháp xây dựng, họ đang đòi lấy đầu tôi, không phải một mà nhiều lần.

Theo phản ứng cố cựu có tính bướng và liều, tôi ngồi lì tại chỗ trả lời, vì các quan văn nghệ đỏ đã đứng lên mà kết án, xỉa xói thì đúng hơn, thì bị cáo tôi ngồi mà trả lời, cho nó khác... Tôi trả lời đại khái: “Tôi chỉ có một cái đầu mang đi cải tạo tập trung và đã ‘lao động tốt, học tập tốt’ nên được cách mạng tha cho về, mang đầu ngồi đây. Nay lại hỏi tôi có mấy đầu, tôi không biết trả lời sao...” Nguyễn Nhật Duật ngồi cạnh tôi nói nhỏ: “Họ đâu có quyền nói ông như vậy...” Với câu trả lời lơ mơ và chọc quê của tôi, không khí có vẻ khét lên (tôi đoán vậy), hai vị (sau này ở lâu với Đảng Cộng sản, tôi mới biết hai vị đó là, hay đóng vai trò, “chó ngao văn nghệ” cho chế độ) chưa kịp đàn hặc tiếp, một vị “Nam kỳ Khởi nghĩa” tóc bạc ngồi phía ban lãnh đạo trường đã đứng lên tự giới thiệu là Hai Khuynh, Phó ban Tuyên huấn Thành uỷ, hướng về tôi nói những lời hòa dịu, rằng buổi họp hôm nay chỉ có mục đich giúp những nhà văn, nhà giáo những “tỉnh phía Nam” tiến bộ hơn nữa bằng cách kiểm điểm những gì đã làm. Ngay chúng tôi lâu lâu cũng phải kiểm điểm như thế...” Và để không ai có thể nói thêm, ông đọc một bản phân công, nhà văn nào hướng dẫn làm bản kiểm điểm bởi ai... Riêng tôi thì chính Phó ban Tuyên huấn Thành phố Hồ Chí Minh Hai Khuynh đảm trách. Sau khi giải tán phiên họp, ông già này lại gần tôi nói: “Phần cậu là phê phán kiểm điểm cuốn Tiền đồn thôi.” Tôi gật đầu vâng ạ, vì biết nói gì hơn. Về sau khi cơn sóng gió đã qua, tôi vẫn giữ cảm tình với ông già miền Nam này. Nếu không có ông, hẳn hôm đó tôi đã bị hai chó ngao văn nghệ sủa, cắn cho một trận tơi tả và sau cùng dám bị đề nghị đuổi khỏi thành phố (chính quyền đia phương luôn luôn nhắc nhở chỗ ở mới của tôi là vùng kinh tế mới Tân Biên, Rạch Giá, nơi đỉa có mật độ cao miền Hậu Giang).

Chế độ cộng sản thường bắt nhà văn chế độ khác phải kiểm điểm công khai và viết bản kiểm điểm, nói cho đúng hơn là bản nhận tội và phủ nhận, kết án tất cả các tác phẩm đã viết trước, sau cùng là xin Bác và Đảng khoan hồng tha thứ cho người viết (còn tác phẩm phải bị đốt, xay thành bột giấy). Sau đó có thể viết cái mới xã hội chủ nghĩa, hoặc sống tiếp ăn đói đi cày với vợ con, sống như cỏ mọn hoa hèn, con sâu cái kiến. Tôi đã được đọc bản kiểm điểm của nhà thơ / văn Thế Lữ trong cuốn sách khá dầy của Nghiêm Kế Tổ xuất bản trước 1954, hình như tên là Việt Nam máu lửa thì phải. Bản kiểm điểm khá thảm. Dù vậy, nhà văn / thơ này vẫn chỉ được tham gia một đoàn kịch lưu động và ngồi dịch một số kịch cổ điển của Anh. Thế thôi. Sau 1975, xin vào Sài Gòn ở, lãnh một huy chương văn hóa hạng 4 và chết tại đây, trong một câm nín.

Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến biệt thự to khỏe của Hai Khuynh để bắt đầu làm kiểm điểm. Tưởng làm theo khuôn mẫu Thế Lữ, Xuân Diệu hay như trong các trại cải tạo tập trung trước đây, thì dễ thôi, tôi làm quen rồi. Cứ lựa tội nào “dễ thương” một chút nhận bừa đi dể có thể “qua cầu đắng cay”. Đằng nào toàn bộ tác phẩm của tôi cũng đã bị đốt lâu rồi. Viết cho xong đi, để thời giờ rảnh còn đi uống cà phê bít tất bắp rang với bạn bè hay vợ, bàn chuyện tào lao như tại sao “trăng Liên Xô lại tròn hơn trăng Trung Quốc, đồng hồ Trung Quốc lại tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”.

Sau một chầu trà nước, nói chuyện cũ mới, Hai Khuynh ra đề cho tôi một cách giản dị như không: Anh hãy cắt nghĩa tại sao lại viết Tiền đồn như một cuộc nội chiến? Ra đề xong, ông già này chuyển sang một chuyện khác liền, hỏi về các hoạt động của Mai Thảo trước đây. Tôi hỏi ngược lại: Mai Thảo đã vượt biên sang Mỹ, cho kẹo cũng không dám trở về Việt Nam, anh còn hỏi làm chi chuyện cũ. Ông già nói: “Vẫn cần biết chứ, để ‘nắm’... Tại sao Mai Thảo lại bỏ không làm tiếp tờ Sáng Tạo, quay sang viết toàn truyện tình đăng báo hàng ngày? Lệnh của CIA hả?”

Trong những năm đầu sau 1975, các cán bộ đảng viên vả dân miền Bắc nói chung tin rằng quân lực Mỹ đổ bộ chiếm đóng miền Nam ngay sau khi quân đội Pháp rút đi và CIA trực tiếp cai trị về phương diện dân sự. Do đó nền văn hóa văn nghệ miền Nam là do Mỹ tạo dựng bằng người và tiền của cơ quan tình báo này để truyền bá tư tưởng nô lệ Mỹ, và với sự tiếp tay của ngụy quyền, reo rắc nếp sống đồi trụy. Do đó “cách mạng” vào, là phải tịch thu tất cả sách vở đem đốt và xay thành bột giấy, một số người xin giữ lại các từ điển cũng không nổi vì gọi cơ quan sinh dục nam nữ là lồn, buồi... là “đồi trụy”, phải gọi là dương vật, âm hộ (đa số nhà văn miền Bắc vẫn còn tuân theo lệ này). Bởi có những chuyện như thế nên Hai Khuynh mởi hỏi rắc rối về Mai Thảo. Tôi trả lời: “Làm gì có việc CIA xía vô văn hóa văn nghệ Việt Nam hay bất cứ nước nào. Đó là công việc của tùy viên văn hóa tòa đại sứ, và vị này, ngoài thông tin, giáo dục, thư viện..., còn có thể cấp ra những ngân khoản nhất định gọi là grant cho những cá nhân chọn lựa để dịch sách hay xuất bản tập san, thí dụ như tờ Sáng Tạo. Sau một thời gian, tờ này đình bản, một phần vì bài vở cao quá cho đại chúng, một phần vì nhóm chủ trương đa số “văn hóa Pháp”, tòa đại sứ Mỹ cắt trợ cấp nhóm này, dự tính chuyển sang những nhà văn nhiều tình tự dân tộc hơn, như hai anh em Duy Lam - Thế Uyên. Nhưng hai vị này tinh thần tự lực cao, đã từ chối. Mai Thảo vốn là nhà văn chuyên nghiệp (hiểu theo nghĩa sống bằng ngòi bút), nay không còn trợ cấp của tòa đại sứ hoặc chính quyền, phải quay sang viết feuilleton cho các báo hàng ngày để kiếm sống và độc giả trang trong các nhật báo thường ưa truyện tình cảm ướt át, hay truyện nhiều sex một chút. Sự thực “cái khó nó bó cái khôn”, vậy thôi. Không do lệnh của CIA, CIB nào cả... mà Mai Thảo đổi hướng viết.”


Tôi viết tự kiểm như thế nào

Nếu tôi cứ ngoan ngoãn thuộc bài và trả bài như thời kỳ còn ở các trại trên rừng núi, thì bài tự kiểm viết xong ngay. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó chán nói dối là chính, tôi viết sự thực như đã được biết. Làm gì có những chuyện như Đảng tuyên truyền ở miền Bắc, như: Quân Mỹ đổ bộ chiếm miền Nam ngay sau khi quân Pháp rút, cai trị hà khắc bóc lột đến nỗi dân chết đói nằm đầy các vỉa hè, tất cả phụ nữ trẻ của Sài Gòn phải đi làm điếm cho Mỹ hết (theo Đảng thống kê, Sài Gòn không thôi đã có 70 vạn gái điếm trên 4 triệu dân)... Bởi thế Đảng phải mang quân vào “giải phóng” miền Nam khỏi cảnh khốn cùng như thế...

Tôi gạt bỏ hết những tuyên truyền dối trá và bịa đặt ấy, cứ lịch sử diễn ra sao trước mắt, viết như thế. Tôi kể rõ từ năm 1954 đến 1960, miền Nam được sống trong hòa bình và no đủ (miền Nam vẫn sản xuất đủ lương thực cho cả nước, nay còn thêm viện trợ Mỹ), quân đội miền Nam vẫn có đó, ít ỏi vì không có địch để đánh nhau. Mãi đến tháng 12.1960, Đảng Cộng sản mới quyết tâm đánh chiếm miền Nam bằng bạo lực võ trang, chính quyền miền Nam mới đáp lễ bằng lệnh tổng động viên để tự vệ. Cuộc nội chiến Nam Bắc chỉ bắt đầu từ đó, còn quân Mỹ vẫn cứ ở bên Mỹ, chỉ biệt phái cho quân đội miền Nam vài trăm cố vấn.

Tôi bị động viên đang khi dạy học năm 1962 và sau khi tốt nghiệp Võ bị Thủ Đức, tôi phục vụ ở các đơn vị bộ binh phòng vệ cũng như tác chiến trong hai năm đầu. Địch của tôi là người Việt và vài tù binh bị bắt cũng thế. Dĩ nhiên những quân sĩ tử trận của cả hai bên đều là người Việt. Vậy không gọi chiến tranh đó chính danh là nội chiến, thì gọi là gì? Quân đội miền Nam kém huấn luyện, tinh thần chiến đấu thấp, dần dần thua và đến 1965 người Mỹ thấy không đổ quân vào đánh giúp, chắc quốc gia Việt Nam Cộng hoà bị xóa tên đến nơi.

Mỹ đổ tới ½ triệu quân, Mỹ hóa chiến tranh, ném bom xuống miền Bắc, cũng không làm cho Đảng Cộng sản chịu rút quân ra khỏi miền Nam. Lãnh đạo Mỹ gặp phong trào phản chiến quá mạnh ở nội địa Mỹ, chán nản rút quân về. Kể từ 1972, chỉ còn quân đội miền Nam chiến đấu một mình như thời 1961 với quân viện Mỹ mỗi năm một bị cắt giảm, chiến tranh Việt Nam lại trở thành nội chiến thuần túy, người Việt đánh người Việt bằng vũ khí Nga, Tầu và Mỹ. Đến năm 1975, quốc hội Mỹ ngưng hết viện trợ cho miền Nam, quân đội miền này cạn kiệt mọi khả năng, mất hết ý chí chiến đấu, phài bỏ chạy rồi đầu hàng quân đội miền Bắc.

Trong ba tháng liền tôi cứ tà tà viết kiểu như thế. Khi xong, tôi đưa cho một người bạn thân và am hiểu chế độ đọc và cho ý kiến. Vị này la tôi: “Ông viết sử chứ đâu phải viết tự kiểm... Coi chừng ông bị hốt đi cải tạo lần nữa vì chưa thuộc bàn bổn của Đảng...” Tôi, may thay lại biết nghe lời khuyên phải, không chịu nộp bản tự kiểm, mặc dù nhiều áp lực khác nhau. Có lần Đảng gửi cả tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước đến nhà, ngỏ ý muốn coi tại chỗ một chút... tôi cũng để cơn gàn bướng nổi lên, lắc đầu từ chối. Bởi thế tôi bị đích danh cấm viết văn trở lại và theo thông lệ chế độ cộng sản, những ai từ chối làm bản tự kiểm, sẽ bị cấm viết văn suốt cuộc đời còn lại. Nếu sau này có nhà biên khảo nào sao lục tài liệu văn học thời kỳ này, sẽ chỉ họa chăng tìm thấy bản tự kiểm của Huỳnh Phan Anh mà thôi.

Seattle tháng 2. 2008

© 2008 talawas