© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
7.10.2003
Võ Phiến
Bùi Giáng
 
Mở đầu một bài báo được đăng trên tạp chí Giao Điểm cuối năm 1992, ông Phạm Xuân Đài viết: "Hiện nay có lẽ không có một người nào trong giới văn nghệ truớc đây ở miền Nam, và có lẽ cả nuớc, được yêu mến như Bùi Giáng."

Tôi bất giác kêu thầm: "Đúng quá!"
Kêu xong, tôi bẽn lẽn. Ông Phạm không nói đến một cuộc trưng cầu dân ý, cuộc thăm dò, cuộc điều tra nào; mà tôi cũng không hề có lấy một chút căn cứ, biết đâu là đúng là sai. Vậy mà tôi vẫn không rời được ý kiến của ông Phạm.

Ai cũng biết mấy năm gần đây ngành xuất bản gặp khó khăn: Sách không bán được mấy nữa. Và trong các loại sách, khó bán nhất là thơ. Thậm chí nhiều hiệu sách dứt khoát từ chối, không nhận bán thi phẩm. Trong tình cảnh ấy lắm thi sĩ trong nước cũng như ngoài nước sinh ngán ngẩm, chính thơ mình viết ra cũng không dám nghĩ tới việc tìm được cơ hội cho nó chào đời. Vậy mà năm 1990, một nhà xuất bản ở Gia-nã-đại cứ cho ấn hành một tập thơ Bùi Giáng dày cộm, tung sách ra trong một buổi ra mắt quy tụ bao nhiêu là khuôn mặt quan trọng của văn giới hải ngoại.

Ai cũng biết việc mang văn hoá phẩm từ nước ta ra nước ngoài không tự do. Nhất là tác phẩm của những văn thi sĩ Miền Nam nổi danh trước 1975. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có những bà con khi thoát nước ra đi, cố cất giấu trong người, trong hành lí, hoặc dăm ba bài thơ, hoặc mấy câu thủ bút của Bùi Giáng. Thứ quốc cấm ấy lọt ra ngoài, gặp ngay sự đón tiếp nồng hậu. Báo này báo nọ đăng lên, in cả thủ bút thân yêu. Bà con Việt kiều bắt được, hoặc trong lúc thưởng thức miếng chocolat, hoặc đang nhâm nhi tách cà-phê, hứng chí mừng rỡ: "Đích thị Bùi Bàng Giúi chính cống rồi. Vẫn y nguyên giọng thơ trung niên ấy. Thích thật!" Và cười ha hả.

Thích thế nào? Đố biết. Cũng ông Phạm Xuân Đài bảo: "Có điều lạ là trong những người yêu mến và kính phục Bùi Giáng ấy không ít người chưa từng đọc thơ hoặc bất cứ thứ gì anh viết, hoặc đã đọc nhưng vị tất đã hiểu. Không cần."

Không đọc, không hiểu, tại sao lại yêu lại mến? Yêu qua loa nhất thời hay yêu mãi nghìn năm, yêu vượt thời gian? Khó quá. Ai mà trả lời nổi. Chuyện xa vời không biết được. Chỉ biết người ta đã yêu Bùi Giáng suốt cuộc chiến tranh, yêu giữa những tháng năm tan tác vì bom đạn. Rồi lại yêu Bùi Giáng trong cảnh lưu lạc tha hương. Có gì trong Bùi Giáng liên hệ đến những hoàn cảnh ấy chăng? Hoặc giả có gì trong Bùi Giáng liên hệ đến những nét cố hữu nào đó trong tâm hồn chúng ta chăng?

Chưa ai biết về những cái ấy. Chỉ biết cái yêu này là có, là thật, và rất hồn nhiên. Bùi Giáng không bè không cánh, không quảng cáo quảng kiếc, không khéo léo tranh thủ ai, cũng không thủ đoạn lôi kéo ai. Chẳng những không "khéo", thường khi ông còn gây lúng túng cho kẻ khác: như những mẫu thân này mẫu thân nọ, những nhan sắc được ông mến mộ hẳn không khỏi có lúc bối rối về sự tung hô lớn tiếng của ông. - Mặc kệ. Ai nấy cứ yêu Bùi Giáng.

Rất có thể những cái kì cục của ông là một hiện tượng bệnh lí. Rất có thể cái yêu Bùi Giáng, mê Bùi Giáng, là hiện tượng tâm lí quần chúng, tâm lí xã hội, trong một hoàn cảnh nào đó; chứ không phải là sự kiện liên hệ đến văn chương nghệ thuật? - Mặc kệ. Vẫn nên suy nghĩ về Bùi Giáng, trong một tác phẩm nói về thơ.

*

Riêng tôi, tôi chịu cái lối ông phê bình thơ.
Ông đã phê bình nhiều thi sĩ, thi sĩ tiền bối trước chúng ta nhiều thế kỉ cũng như thi sĩ cùng thời, đang sống với chúng ta. Hãy xin cử ra trường hợp ông Bùi nói về tiền bối Nguyễn Du. Ông chọn một câu Kiều ai nấy đều biết ("phong lưu rất mực hồng quần"); từ câu ấy ông lại chọn khen cái chữ "hồng quần". Ông đem "hồng quần" so với "quần hồng", rồi so với đàn bà; ông đùa với chữ này, bỡn với chữ kia, cợt nhả với chữ nọ. Xong rồi, ông lôi bản dịch của Crayssac ra mà chế giễu đã đời. Ấy là chuyện Ngao du ngày tháng (1971) của ông Bùi.

Khi khác, Đi vào cõi thơ (1969) của các thi sĩ cùng thời với mình, Bùi Giáng càng tỏ ra tinh quái quá lắm. Chẳng hạn về trường hợp một thi sĩ nọ -đồng hương với ông- ông nói qua nói lại một hồi, rồi ông bảo trót đánh mất tập thơ của bạn nên không trích được bài nào. Sau này, có dịp cầm chính tập thơ nọ trong tay, tôi loanh quanh tìm mãi không thấy có bài nào trích được! Vậy Bùi Giáng có mất sách thực chăng? Và không tìm ra cuốn sách nào khác của bạn thực chăng? Lẽ nào ba muơi năm trước ở Việt nam thơ ấy khó tìm hơn ba muơi năm sau ở Mĩ?

Vả lại, không chỉ có trường hợp người bạn vừa kể. Chuyện như thế xảy ra đều đều. Nói về một thi sĩ khác, ông bảo khỏi cần trích thơ, chỉ cần nên ra các tên bài cũng đủ. Và ông liệt kê một loạt tên bài tùm lum; chỉ có tên bài thôi. Có nhiều thi sĩ, ông "đi vào cõi thơ" của người ta một hồi mà không thấy ông chọn được bài nào, thậm chí một ý hay một câu hay, một chữ đẹp cũng không! Như thể bận tâm chứng minh là một bận tâm nhỏ mọn quá, ti tiểu quá, không đáng lí đến.

*

Đi vào bất cứ cõi thơ cõi văn nào của bạn bè quen biết xa gần là cái khó. Năm khi mười họa, gặp cõi đắc ý khen ầm lên, bốc nhau tận mây xanh, thì nhất. Còn như lâm vào cái thế phải nói về hết bạn này đến bồ kia, thì lắm lúc kẹt muốn chết. Thế mà ông Bùi cứ khơi khơi, tỉnh bơ, cười cười, "vui thôi", tránh thoát mọi rắc rối phiền hà dễ như chơi. Gặp người tài tình như vậy mà ta cứ nhanh nhẩu xông vào đòi bình thơ của người ấy thì là một việc làm vô duyên và không thích hợp chút nào. Thích hợp nhất là nghe chính Bùi Giáng bình thơ Bùi Giáng.

Có việc ấy chăng? - Có đấy. Bùi Giáng từng làm việc ấy cách tuyệt vời. Hãy nghe:

"Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông (Bùi Giáng tự gọi mình như thế) quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiếu mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu sân, quả thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn. (Đi vào cõi thơ, Ca Dao, 1969, trang 93)

Thế là phong cách thơ Bùi Giáng đã được xác định rõ ràng. Nhưng cũng có người thắc mắc: "Thơ chuồn chuồn châu chấu" là thơ gì? - Về chỗ thắc mắc ấy, Bùi Giáng cũng đã có lời giải thích. Giải thích rất mực bay bướm. Người đời tha hồ đọc đi đọc lại nghĩ tới nghĩ lui hết ngày này qua ngày khác, càng nghĩ càng thấm. Xin lược chép dăm ba câu:

"Bay lơ lửng loanh quanh, ấy là con chuồn chuồn. Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn. Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn. Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn. Xa vắng thơ ngây hơn cả mây hay hạc lánh, ấy là con chuồn chuồn.(...) Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng a tăng kì kiếp về trong mỗi sát-na, ấy là con chuồn chuồn. Muời phương quốc độ đi vào một lỗ chân lông, ấy là con chuồn chuồn. (...) Làm thơ hay hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Chẳng còn biết sao gọi là hay, sao gọi là dở, ấy là con chuồn chuồn. Dờ tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn. Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất-hữu-đích-hữu, vô thị phi-vôđích-vô, ấy là con chuồn chuồn. Có tức là không, không tức là có, có tức là có-chẳng-có, không tức là không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn. Ăn nói tục tĩu, ấy là con chuồn chuồn. Vì tục mà nên tiên, vì tiên mà nên tục, ấy là con chuồn chuồn. Tối-huyễn cố tối-chân, tối-chân cố tối-huyễn, tối-huyễn thị bất-tối-huyễn, tối-chân thị phi-tối-chân-đích-tối-chân, ấy là con chuôn chuồn..." (Ngày tháng ngao du, trang 81, 82)

*

Đến đây, tưởng Bùi Giáng trình bày về thơ ông đã rõ ràng đầy đủ.

Về việc chọn trích thơ ông, tôi cũng theo sát sự hướng dẫn của ông, tức chọn hai bài thí dụ về thơ chuồn chuồn châu chấu: bài "Giữa phố" và bài "Bóng dương buồn ngủ". Ngoài ra, xin thêm mấy bài nữa. Cũng là thơ chuồn chuồn châu chấu, cố nhiên, nhưng tần mần ngắm nghía hồi lâu, xem chừng có tướng mạo đại bàng cũng nên.

3.1993
Nguồn: Võ Phiến: Văn học miền Nam- ThÆ¡,
Nxb Văn Nghệ, California 1999, tr. 2818-2821