© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
Loạt bài: Thảm hoạ sóng thần Nam Á
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
7.1.2005
David B. Hart
Những chấn động của hồ nghi
Lê Trần Huy Phú dịch và chú thích
 
Ngày 1 tháng 11 năm 1755, một trận động đất lớn ngoài khơi Lisbon. Chỉ riêng thành phố này, vào khoảng 60.000 người đã chết. Đầu tiên là do những chấn động, rồi đến cơn sóng thần khổng lồ ập đến sau nửa giờ. Lửa thiêu rụi hầu hết những gì còn lại của thành phố. Những cơn sóng thần cũng trải dài chết chóc dọc bờ biển Iberia và Bắc Phi.

Poëme sur le désastre de Lisbonne [1] của Voltaire viết vào năm sau là một chỉ trích độc địa – dù nghiêm chỉnh – tấn công vào biện thần luận [2] thịnh hành vào thời của ông. Đối với những người lập luận rằng “mọi thứ đều tốt”, “mọi thứ đều cần thiết”, rằng vũ trụ này là một sự hài hòa tinh tế giữa nỗi đau và niềm vui, rằng đó là cái tốt nhất cho mọi thế giới khả dĩ tồn tại; Voltaire thể hiện một sự khinh miệt vô hạn: bằng những tính toán gì về sự an lành vũ trụ mà người ta có thể tìm ra giá trị nơi “những đứa bé (đói khát) nhai nát bầu vú mẹ”, nơi sự chết lặng của “những cư dân buồn bã tại các vùng biển tan hoang”, nơi chỉ toàn là “những hỗn loạn chí tử của những con người cùng cực”?

Có lẽ lý lẽ khuấy động nhất chống lại sự phục tùng “ý chí của Chúa” trong những khổ đau con người – đặc biệt khổ đau của trẻ em – đã được đặt vào miệng Ivan Karamazov của Dostoyevsky. Nhưng những cái ác Ivan liệt kê ra toàn là những hành động tàn bạo của con người. Thiên tai thường dường như là một thách thức lớn đối với đức tin vào một Thượng đế công bằng và từ tâm, hơn là thách thức từ những khổ đau xui khiến bởi tội lỗi con người.

Dù vậy, xem xét một cách bình thản, con người là một phần của trật tự tự nhiên, và thiên hướng hiểm độc của họ không ít hơn một scandal đối với lương tâm của người lạc quan siêu hình, so với những chấn động hung tợn nhất của thế giới vật lý. Câu hỏi đã cổ xưa nhưng lại đúng lúc với những kinh hoàng của lịch sử và tự nhiên: do đâu mà tai ương lại đến? Và như Voltaire đã để lửng một cách lịch sự, thật vô dụng để viện dẫn sự cân bằng của một chuỗi tồn tại to tát, vì chuỗi đó được bàn tay Thượng đế nắm giữ, nhưng Người không xâu nó lại.

Là người Thiên chúa giáo, tôi không thể hình dung ra bất kỳ lời đáp nào cho câu hỏi về tai ương có thể thỏa mãn những người không đức tin. Dù vậy, tôi có thể lưu ý rằng, với tất cả tính cấp bách của nó, cách nhìn của Voltaire về vấn đề này không phải là chính xác trong ý nghĩa “thần học”. Thượng đế trong thơ của Voltaire là một loại Thượng đế “hữu thần” cụ thể, người định dạng và lập trật tự thế giới như thế giới đó hiện là, phù hợp với những ý định chính xác của Ngài, và là người chủ trì mọi tình huống khổ hạnh trước sự thăng bằng chính xác giữa hạnh phúc và đạo đức. Không phải mọi người Thiên chúa giáo đều thường nói như vậy, nhưng đó (thật ra) không phải là Thượng đế Thiên chúa giáo.

Nhận thức Thiên chúa giáo (đích thực) về tai ương thường triệt để và khác thường hơn bất kỳ nhà hữu thần luận nào, vì nó phủ nhận ngay từ đầu bất kỳ ý nghĩa tối thượng nào ở khổ đau, cái chết và tai ương. Có lẽ không học thuyết nào thần thoại đến mức không thể chịu được đối với những người ngoại đạo hơn là cái khẳng định rằng chúng ta sống trong sự sầu muộn dài lâu, hệ quả của tai biến ban sơ, rằng đó là một thế giới đổ vỡ và thương tổn, rằng thời khắc vũ trụ là hình bóng của thời gian thật, và rằng vũ trụ tiều tụy trong trạng thái nô lệ trước những “quyền lực” và “lãnh địa” – tâm linh và trần thế – xa lạ đối với Thượng đế. Đặc biệt, trong Phúc âm của John [3] , Thượng đế nhục thể bước vào thế giới cùng lúc của riêng Ngài và thù nghịch với Ngài – “Ngài đã ở trong thế giới, thế giới được Ngài tạo nên, và thế giới đã không biết Ngài” – và hiện diện của Ngài trong “vũ trụ này” là hành động phán xét, và cả cứu rỗi của cái đẹp tạo tác khỏi những đau khổ của thiên nhiên tàn tạ.

Mọi thứ mà người ta làm nên câu chuyện này, nó không phải là sự lạc quan vũ trụ nhạt nhẽo. Vâng, tại tâm điểm của phúc âm là một khúc khải hoàn không thể tẩy trừ, một niềm tin chiến thắng trên tai ương, điều ác và cái chết; nhưng nó cũng là một chiến thắng còn phải đi tới. Như Paul nói, mọi tạo vật rên rỉ trong dè chừng khổ đau về ngày mà hào quang của Chúa sẽ làm thay đổi mọi thứ. Vì hiện chúng ta sống giữa nơi xung đột của bóng tối và ánh sáng.

Khi phải đối mặt với sự khắc nghiệt mênh mông của khổ đau khắp thế giới – khi chúng ta thấy toàn bộ vành đai duyên hải Ấn Độ Dương rải hàng chục ngàn xác người mà một phần ba là trẻ em – không một người Thiên chúa giáo nào được phép thốt ra những lời đáng tởm về những chỉ bảo bí hiểm của Thượng đế, hay những ý kiến bổ báng rằng tất cả sự thần bí này phụng sự cho những mục đích tốt đẹp của Chúa [4] . Chúng ta chỉ được cho phép căm giận sự chết chóc, tàn phá, và những lực may rủi ngu độn đã phá hủy những linh hồn sống, để tin rằng tạo vật sống trong cơn đau cực độ nơi những xiềng xích của nó, để thấy rằng thế giới như được phân chia giữa hai vương quốc – sự hiểu biết rằng ở mọi thời đại, chỉ lòng nhân từ là có thể giúp ta chống lại “định mệnh”, và rằng chúng ta phải làm điều đó, cho đến ngày tận thế.

David B. Hart, nhà thần học Chính thống giáo Đông Âu, là tác giả của Cái đẹp của thực thể Vô hạn (The Beauty of the Infinite).


© 2005 talawas



[1]Tạm dịch: Thơ về thảm họa của Lisbon.
[2]Biện thần luận: nhánh thần học bảo vệ cho cái thiện và sự công bằng của Chúa trước vấn đề về sự tồn tại cái ác và những tai ương.
[3]Ý nói Giáo hoàng John Paul II.
[4]Đọc những dòng này tôi liên hệ đến một mẩu tin: một giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu tại Arab Saudi, Sheik Fawzan Al-Fawzan, mới đây vừa tuyên bố rằng thảm họa tại Nam Á vừa rồi, cho dù trong đó có vùng người Hồi giáo phải gánh chịu, là do sự trừng phạt của Allah đối với những nước này vì đã cho phép đối với… gay! Năm rồi, một vị lãnh đạo tại một nước Châu Á cũng nhận định rằng AIDS là sự trừng phạt của Chúa đối với… đồng tính luyến ái! Những phát ngôn như vậy khiến người ta vừa buồn cười vì sự thiếu hiểu biết đến không thể tưởng tượng, nhưng cũng giật mình kinh hãi mà nhận ra rằng định kiến kết hợp với niềm tin mù quáng khiến con người ta tàn độc đến mức nào, khi mà trong những thời khắc đại nạn, đại dịch của nhân loại họ vẫn bình thản thốt ra những lời phi nhân như vậy, cốt chỉ để tròng vào cổ đối tượng định kiến của mình một “đại tội”.

Nguồn: http://www.opinionjournal.com/taste/?id=110006097