© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Thảm hoạ sóng thần Nam Á
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
10.1.2005
Đinh Linh
Chống Mỹ cứu Mỹ
 
Trong bài Từ Iraq đến Sri Lanka, nhân loại vẫn cần có nhau, Trần Trung Ðạo có nhắc đến tôi trong một số nhận định. Tôi xin lấy cơ hội này để trao đổi với anh Ðạo.

Anh Ðạo viết về lời khen của Jan Egeland, đại diện Liên hiệp quốc, về sự đáp ứng của thế giới trước thảm họa sóng thần tại Á Châu, nhưng anh không nhắc đến lời trách của Egeland về sự bủn xỉn của những nước giàu Tây phương, trong đó nước Mỹ đứng đầu. Khi sóng thần xảy ra ngày 26 tháng 12, tất cả lãnh tụ thế giới đều lập tức bày tỏ sự quan tâm, đau buồn và cam kết giúp đỡ, nhưng Bush thì không tuyên bố gì vì ông đang nghỉ ngơi ở Texas. Bốn ngày sau, ngày 30 tháng 12, tờ New York Times, nhật báo uy tín nhất của nước Mỹ, bình luận:

“Rốt cuộc tổng thống Bush đã tự đánh thức mình hôm qua [...] để điện thoại chia buồn với các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ, Sri Lanka, Thái Lan và Nam Dương [...] Bush cũng lên tiếng cự lại lời tuyên bố của Jan Egeland, người phụ trách phối hợp cứu trợ của Liên hiệp quốc, về sự bủn xỉn của những nước giàu Tây phương. ‘Người phát ngôn này rất lầm lạc và thiếu thông tin’, Bush nói. Chúng tôi không đồng ý. Ông Egeland hoàn toàn đúng. Chúng tôi hy vọng bộ trưởng Colin Powell đã xấu hổ khi, 2 ngày sau khi tai họa ụp xuống 12 nước nghèo trên thế giới, một việc mà cần nhiều tỉ Mỹ Kim để đối phó, ông ấy họp báo để tuyên bố rằng nước Mỹ, nước giàu nhất trên thế giới, sẽ đóng góp 15 triệu. Ðó không bằng một nửa số tiền mà Đảng Cộng hòa sẽ chi cho lễ nhậm chức của Bush [ngày 20 tháng 1, 2005].”

Chính vì lời chỉ trích của Egeland mà chính phủ Mỹ mới nhích tiền viện trợ lên 35 triệu, rồi 350 triệu. Ðể so sánh, ta nên nhớ là Úc hứa sẽ đóng góp 810 triệu, Ðức 680 triệu và Nhật 500 triệu. Những con số này đều khổng lồ, và tôi không muốn dùng những con số để so lòng người, nhưng vì anh Ðạo đã dùng số nên tôi cũng phải dùng số.

Anh Ðạo viết là chính phủ Mỹ đóng góp 44% trong tổng số viện trợ nhân đạo hàng năm, nhưng ai lãnh viện trợ Mỹ? Israel, một nước luôn bị tố cáo về vi phạm nhân quyền, đứng đầu danh sách, với 3 tỉ mỗi năm. (Một nguyên do của sự xích mích giữa Mỹ và các nước Hồi giáo là sự yểm trợ này.) Trên nguyên tắc, Iraq cũng được nhiều viện trợ, nhưng đây chỉ là tiền Mỹ đút vào túi Mỹ, hay đúng hơn, tiền công dân Mỹ đút vào túi công ty Mỹ. Những hợp đồng khổng lồ để xây dựng lại Iraq đều được trao cho những công ty có quan hệ với Bush và Đảng Cộng hòa, như Halliburton và Bechtel, và không thông qua đấu thầu. Ðây chỉ là một loại tham nhũng hợp pháp kiểu Mỹ. Ta cũng nên nhớ số tiền Mỹ dùng để chiếm đóng Iraq đã lên đến 150 tỉ Mỹ kim, và sẽ lên mãi, vì mục tiêu duy nhất khiến Mỹ xâm lăng vào Iraq là để chiếm mỏ dầu, chứ không phải để giải phóng ai cả. Trước khi khai chiến, Bush viện cớ rằng Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt lớn và có quan hệ với Al Qaeda. Hai năm sau, Bush không còn nói đến vũ khí hủy diệt nữa mà chỉ luôn nhắc nhở dân chúng Mỹ về sự đe dọa khủng bố. Trong kỳ tranh cử vừa rồi, Bush thường tuyên bố: “Thà đánh khủng bố ở bên đó, chứ không đánh khủng bố ở bên này.” Nhưng chính nước Mỹ đã đem khủng bố vào Iraq. Nếu không có lính Mỹ thì bom sẽ không nổ mỗi ngày ở khắp Iraq. Hơn nữa, quân đội Mỹ là một quân đội có vũ khí hủy diệt lớn, là một quân đội khủng bố. Tóm lại, dân Mỹ chỉ ủng hộ cuộc chiến tranh của Bush vì sợ khủng bố, chứ không phải để giải phóng dân Iraq khỏi ách Saddam Hussein. Vì có nhân đạo đến đâu, hiếm ai sẽ sẵn sàng hy sinh tính mạng mình hay tính mạng của người thân để giải phóng một dân tộc ngoại quốc, nhất là một dân tộc Hồi giáo mà người Mỹ thật sự không có mấy cảm tình.

Cho đến nay, 1.361 lính Mỹ đã thiệt mạng, hơn 10.000 bị thương, còn con số chết và bị thương của Iraq thì không ai biết, nhưng có lẽ đã quá 100.000. Như tướng Tommy Franks đã nói, “Chúng tôi không đếm xác.” Khó có thể vừa giải phóng vừa đếm xác, nhất là những xác dân mà ta vừa giải phóng. Anh Ðạo trích lời bác sĩ Kuwait Hamad Al Shatti nói về Ali Ismaeel Abbas, em trai 13 tuổi đã bị mất hai tay và 13 thân nhân vì bom Mỹ: “Ali sẽ là người mang thông điệp hòa bình và can đảm thay mặt cho những thiếu nhi cùng cảnh ngộ như em.” Nhìn em Ali, tôi không bao giờ nghĩ đến chữ “hòa bình” hay “thông điệp hòa bình.” Tôi cũng chắc rằng em Ali không muốn làm “thông điệp hòa bình” theo kiểu này.

Hơn nữa, chính nước Mỹ đã dựng lên Saddam Hussein và là đồng minh của hắn qua bao nhiêu thập niên và tội ác. Nước Mỹ cũng đã đào tạo nhóm Taliban trong thập niên 80 để chống Liên Xô trước đây. Vì quyền lợi riêng, vì tiền, nước Mỹ sẵn sàng quan hệ và ủng hộ những chế độ độc tài, phi nhân quyền. Người ta cũng chỉ thường đánh giặc vì tiền thôi, anh Ðạo ạ, chứ không phải vì từ bi. Anh cũng thừa biết về những vụ đánh tư sản ở nước ta? Và người ta ham đánh giặc nhất khi không phải trực tiếp đánh giặc, khi có người khác đánh giùm. Vì ở Mỹ không có quân dịch nên, nói chung, chỉ người nghèo mới vô lính. Trong 535 dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, chỉ có một người có con đi lính ở Iraq.

Về việc lính Mỹ tra tấn tù nhân Iraq, anh Ðạo viết: “Không phải đợi đến khi ông Ðinh Linh phân phối truyền đơn nhắc nhở, công dân Mỹ công khai bày tỏ thái độ bất bình trước những cảnh hành hạ tù nhân và đòi hỏi những kẻ vi phạm quyền con người phải bị trừng trị thích đáng với tội lỗi mà họ gây ra.” Ðồng ý là có nhiều người Mỹ bất bình, nhưng phần đông vẫn bào chữa hay lờ đi vụ này. Rush Limbaugh, người điều khiển chương trình đàm thoại nổi tiếng trên radio, còn ví những hành động tra tấn của lính Mỹ như những trò đùa, một nhu cầu “xả hơi”: “I'm talking about people having a good time. These people — you ever heard of emotional release? You ever heard of needing to blow some steam off?” Sau cơn shock đầu tiên, khi cả thế giới đều sửng sốt, chuyện này đã được ếm đi, trong khi Mỹ vẫn tra tấn tù binh ở Iraq và Guantanamo, và bộ trưởng bộ quốc phòng Ronald Rumsfeld vẫn tiếp tục nắm chức. Trong hội nghị của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ trong kỳ tranh cử vừa rồi, Abu Ghraib không đuợc nhắc đến. Ðây không phải là những tội ác lẻ tẻ, ngoại lệ, mà là phương pháp đối xử với tù nhân của chính phủ Mỹ đương thời. Bất chấp lời phản đối của Hội Hồng Thập tự và những cơ quan bảo vệ nhân quyền như Amnesty International và Human Rights Watch, chính phủ Mỹ đã tuyên bố họ không cần phải tuân theo hiệp định Geneva về cách đối xử với tù binh. Chính phủ Mỹ cũng bất chấp hiến pháp của chính nước Mỹ. Hai điều căn bản trong hiến pháp Mỹ là quyền được xét xử công khai và nhanh chóng khi bị truy tố, nhưng chính phủ Mỹ vẫn đang nhốt rất nhiều tù binh ở Guantanamo mà không truy tố họ, vì không đủ bằng chứng. Chính phủ Mỹ còn ngụy biện một cách ngoạn mục rằng những tù nhân này không được luật Mỹ bảo vệ vì họ đang bị giam ở Cuba! Chính phủ Mỹ cũng không chịu công bố danh sách những người mà họ đang giam giữ.

Khi Mỹ tấn công Iraq, một người bạn ở Sài Gòn hớn hở email tôi: “Tôi hy vọng Mỹ sẽ giải phóng luôn Việt Nam!” Trước hết, Việt Nam không có nhiều dầu hỏa, nên đừng mong sớm được giải phóng. Hơn nữa, hình như Mỹ đã thử giải phóng Việt Nam một lần rồi thì phải? Anh bạn tôi cũng không nhận ra những hành động phi nhân quyền của Mỹ chỉ làm những chính phủ phi nhân quyền khác mạnh lên, vì nước Mỹ đã mất hết thẩm quyền để chỉ trích ai. Mỗi lần bắt bớ hay đàn áp, những chính phủ độc tài, chuyên chế khắp thế giới cũng có thể biện hộ: “Chúng tôi đang đánh khủng bố.”

Ở một nước tự do, ta có quyền chỉ trích chính quyền và chỉ trích lẫn nhau. Ta cũng có quyền xuống đường để phản đối. Bất cứ hội đoàn hay cá nhân nào cũng có thể biểu tình. Những vụ biểu tình lại càng thường xuyên hơn từ khi Bush lên ngôi. Những người biểu tình ở một nước tự do không “suốt bốn mùa gào thét khẩu hiểu ‘chống Mỹ cứu nước’ như đang mang trong người một thứ tâm bịnh kinh niên khó chữa,” theo lời của anh Ðạo. Những người biểu tình không chống nước Mỹ, mà chống một chính sách nhất định của nước Mỹ, để cứu nước Mỹ. Thật sự thì “chống Mỹ cứu nước”, một khẩu hiệu từ chiến tranh Việt Nam, không hạp với bối cảnh Mỹ chút nào. Chỉ những ai đang mang trong người một thứ tâm bịnh kinh niên khó chữa mới còn bị ám ảnh bởi khẩu hiệu này khi đang sống ở Mỹ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình ở Mỹ, kể cả những cuộc biểu tình ngày 30 tháng 4 hàng năm, nhưng tôi chưa từng thấy ai gào lên “chống Mỹ cứu nước”, và tôi cũng chưa từng gặp một Việt Cộng hay một Việt Cộng nằm vùng nào. Chẳng lẽ anh Ðạo lại chụp mũ tôi? (Ðầu tôi rất to, size large.) Bàn về hành động đọc thơ ngoài đường của tôi, anh Nguyễn Cảnh Nguyên viết: “Vẫn biết là ở một đất nước mà quyền tự do ngôn luận của công dân được tôn trọng như ở nước Mỹ thì việc làm của anh chẳng có gì đáng gọi là khó khăn, nguy hiểm. Ðiều mà người ta quan tâm là anh đã sử dụng cái quyền ấy như thế nào [...]”. Như các trẻ em quyên tiền cho nạn nhân sóng thần ở Boston, tôi và những bạn thơ của tôi cũng chỉ là những giọt nước trong biển mà thôi.

Trở lại việc sóng thần. Viết về những nỗ lực cứu giúp của những công dân Mỹ cho nạn nhân, anh Ðạo kết luận: “Người Mỹ có trái tim và tấm lòng từ ái giống như mọi người trên trái đất chứ không phải là ‘bọn đười ươi, mặc những chiếc áo phông thật là vô nghĩa, chen quầy tính tiền ở những tiệm rẻ tiền’ như nhà thơ Ðinh Linh đã viết trong bài thơ Hành tinh đười ươi ”. Anh Ðạo đã không đọc kỹ bài thơ của tôi rồi. Tôi viết “Hành tinh đười ươi” chứ không phải “Quốc gia đười ươi.” Ðọc lại bài này, anh sẽ thấy từ “đười ươi” ám chỉ rất nhiều người, từ những dân tộc ngoài nước Mỹ, cho đến lính Mỹ, cho đến những người nghèo ở nước Mỹ, trong đó có tôi. Khi đọc bài này, tôi đã treo bảng quanh cổ để tự tôn mình là “Ape Laureate”, Đười ươi Công huân [1] .



© 2005 talawas



[1]Chơi chữ: “Poet Laureate”, Thi sĩ Công huân, nguyên là chức danh chính thức của triều đình Anh phong cho một nhà thơ. Với chức danh này, Poet Laureate được hưởng lương của nhà nước, suốt đời là thành viên triều đình và có nhiệm vụ viết thơ nhân những dịp lễ lạt và việc lớn của nhà nước. Poet Laureate đầu tiên được King James I phong năm 1616 là Ben Jonson. Trong khi truyền thống này ở Anh hầu như không được tiếp nối thì ở Mỹ, một chức danh tương tự, chức danh Poet Laureate Consultant, gọi tắt là Poet Laureate, bắt đầu có từ năm 1937 và phát triển mạnh. Ngoài thi sĩ công huân của riêng các bang, từ năm 1985, Quốc hội Mỹ chính thức giao cho Thư viện Quốc hội việc chọn phong Poet Laureate Consultant của toàn nuớc Mỹ. (Chú thích của talawas)