© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Thảm hoạ sóng thần Nam Á
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
8.1.2005
Akash Kapur
Thư viết từ Kalapet: Sóng thần
Bùi Văn Phú dịch
 
Không ai trong những người vừa thoát chết từ trận sóng thần ập vào miền nam Ấn Ðộ hôm 26 tháng 12 mô tả đó là một cơn sóng. Dân chài, dân làng sống dọc bờ biển và những nạn nhân mà nhà cửa, cuộc sống của họ đã bị cuốn trôi đi, gọi đó là một "tường nước". Không báo trước, bức tường sừng sững ùa tới, dâng cao hơn 15 mét rồi cuốn đi xe cộ, tủ lạnh, gia súc và nữ trang, gây ra số tử vong thách đố tri thức với số người chết ngày một tăng cao trong tuần. Tính đến tối thứ Năm, hơn mười nghìn người đã mất mạng ở miền nam Ấn Ðộ, hơn một trăm ngàn người chết ở khắp châu Á, là một trong những thiên tai kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Sau đó mới là cơn sóng. Đó là làn sóng người chậm chạp tiến vào nội địa với con trẻ, thúng đội đầu, gồng gánh trên vai, tìm đến những vùng đất cao hơn. Những người tản cư dừng chân trong các lều trại được dựng tạm trên một dải đất giữa bờ biển lụt lội và vùng đất sâu trong nội địa. Tuy nhiên ở một nơi cách biển chừng vài cây số, cuộc sống dường như vẫn bình thản trôi. Buổi sáng khi sóng thần đổ vào, tôi đang ở nhà, tại thành phố Auroville, nơi tôi sinh trưởng, ở đó là một cộng đồng quốc tế như thiên đường, ở ngoại ô của thành phố ven biển Pondicherry với những nét cổ xưa như vùng thuộc địa Pháp. Tôi biết tin sóng thần qua mạng internet. Hôm đó ở thị xã này dân vẫn ra ngoài ăn tối, vẫn đánh cầu, đá bóng. Cũng như những thị dân Tokyo hay Nữu Ước, chúng tôi xem tin về thảm họa đang xảy ra như là một tin nóng được truyền thông đưa về từ phương xa. Vài giờ sau khi sóng thần đổ xuống, hơn chục thực khách, quần áo xịn nhất dành cho ngày Chủ nhật vẫn tiếp tục bữa ăn trưa.

Những ngày tới, khi nỗi lo về hậu chấn động và sóng thần tái phát đã giảm đi, sự bình thường đã bắt đầu lan rộng, len lỏi trở lại phía biển. Một làn sóng người hồi cư diễn ra, dân ở ven biển tìm đường trở về những ngôi làng đã bị tàn phá, gom nhặt những gì còn lại, để được chính phủ giúp đỡ. Ðường phố giờ lại đông người, đàn ông đàn bà tay chân băng bó, mặc quần áo là đồ cứu trợ, nhiều người tay cầm chặt những tờ bìa cứng là hồ sơ y tế của bản thân. Trong một trại tạm cư ở một nơi an toàn xa bờ biển, lều trại được xếp lại, những nhà bếp mới tạm thời dựng nên nay đang được gỡ xuống. Thảm họa tuy chưa thực sự xóa nhoà, nhưng ít nhất cũng đã được cách ly, chỉ đọng lại ở những nơi nguyên thủy.

Vào ngày thứ Tư, ba hôm sau khi những kinh hoàng đổ xuống, một số cư dân đã trở về làng đánh cá Kalapet, ở gần Pondicherry, miền nam Ấn Ðộ. Ba người đàn ông ngồi trên những mảnh ván thuyền còn sót lại, một người lơ đãng bắt chí trên đầu cho đứa con trong lòng, mắt thẫn thờ nhìn những tàn phá. Vài ngày trước đây bãi biển ngổn ngang xác người: ít nhất có 20 dân làng đã thiệt mạng, 50 người khác từ những làng chung quanh; một số còn mất tích. Xác người đã được chuyển vào nhà xác. Bãi biển giờ hỗn độn những lưới cá, ti-vi và tủ gỗ bể tung. Lá tranh rải rác trên bãi cát đã khô ráo hơn, ít nhất là ở gần bờ biển, được chất gọn thành những đống. Thuyền máy bị sóng ném vào những thân dừa nay lăn lóc trên mặt đất, đầu máy văng ra cách đó vài mét.

Karunakaran, một trong ba người đàn ông đang ngồi trên mảnh gỗ mạn thuyền, nói rằng làng này vắng tanh ngay sau cơn sóng thần, nhưng bây giờ dân đang hồi cư. Một số chức sắc quyền thế đến từ Pondicherry, từ New Delhi, có ghé thăm và hứa hẹn nhiều thứ. Nhà cửa sẽ được xây dựng lại, ai bị thương sẽ được đền bù. Gia đình có người thiệt mạng sẽ nhận được một trăm nghìn rupees (2.300 đô la), một số tiền lớn ở vùng đất này. Ðể nhận tiền tử vong, gia đình phải có xác người thân - nhưng nhiều xác chết đã bị sóng cuốn trôi ra biển.

Không có mấy dấu hiệu ở vùng biển Kalapet về một cuộc cứu trợ rộng lớn được truyền thông tường thuật. Vài phu khuân vác đang chất lên xe tải những bó tranh lợp nhà; một nhà truyền giáo ở địa phương, nơi cơ sở đã mất hai người tu hành, đang dõi mắt nhìn về phía biển, ánh mắt trống vắng như những người đàn ông. Không thấy một tổ chức quốc tế nào đến giúp - chẳng thấy Liên Hiệp Quốc, Chữ Thập Ðỏ hay Oxfam.

Dọc theo con đường có một trường trung học công lập với khu nhà đúc bê tông cao một và hai tầng bao quanh một sân chơi, ở đó những nỗ lực cứu trợ có vẻ đang được tiến hành mạnh hơn. Hơn một nghìn người tản cư, phần lớn là trẻ em, nhưng cũng có thân nhân lớn tuổi, chen chúc trong những phòng học, trên tường phơi đầy quần áo. Nhà tiểu đã quá tải. Trong trường rải rác thấy phân người, bao nhựa và những nắm cơm rữa trên mặt đất. Một người làm vệ sinh đang rắc lên những đống phế thải một nhúm bột tẩy.

Nơi sân trường, giữa những đám bột tẩy màu trắng, trẻ con đang nô đùa. Ðứa thổi kèn kazoo, đứa khác thổi ha-mo-ni-ca. Ông hiệu trưởng rảo mắt nhìn kỹ chung quanh rồi nói: "Nhiều thức ăn quá. Chúng tôi buộc lòng phải vất đi." Ông nói cứ khoảng một tiếng đồng hồ thì chính phủ lại chở cơm đến. Nhưng hầu hết nhiều làng khác trong tầm tàn phá của sóng thần đã không may mắn như ở Kalapet. Nhiều nơi trên đảo Andaman và Nicobar, hay ở Indonesia với số người chết cao hơn nhiều nhưng không có nhân viên cứu trợ đến giúp vào cuối tuần qua.

UNICEF, cơ quan cứu trợ nhi đồng LHQ, ước định ít nhất một phần ba số người thiệt mạng ở châu Á là trẻ em. Hầu như mỗi học sinh Kalapet đều có bạn thiệt mạng. Một giáo viên được gọi trở lại trường làm việc trong kỳ nghỉ tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy đám trẻ cứ nhởn nhơ nô đùa. Ðiều đó là thực: sân trường đã biến thành trại tạm cư thì đó như là một sân chơi. Ðám trẻ bu quanh một bồn nước di động, nói năng líu lo, đập nhẹ vào ống khi nước được chuyển vào những bồn chứa của trường. Con trai con gái giờ được tự do vì không còn cha mẹ giám sát, ánh mắt rung động trao nhau, khúc khích những nụ cười.

Từ bao lơn tầng hai ngó xuống sân trường, vài đứa con trai đang gặm mía với điệu bộ như tài tử diễn tuồng trong phim tamil. Một cậu leo qua lan can cao chừng dăm mét rồi nhảy xuống đất. "Làm cái trò gì thế?" Mấy cô bé la lên. "Gãy chân cho mà xem."

"Người ta còn mất mạng thì mình lo gì gãy chân", cậu con trai đáp lại rồi lững thững bỏ đi, đong đưa cái mông và miệng hát một bài trong một phim quen thuộc.

Hôm trước tại trường, giới chức địa phương đã chủ trì một buổi nói chuyện về y tế. Ông hiệu trưởng cho biết công tác cứu trợ đang tiến hành tốt và chẳng bao lâu nữa sẽ cho lập sổ hộ khẩu để xem bao nhiêu người đã thiệt mạng. Phía sau trường, hai nhân viên bộ giáo dục đang xem lại sổ điểm danh để tìm cách lập một danh sách sơ khởi những học sinh mất tích.

Chiều thứ Năm, một làn sóng người đổ vào nội địa lại xảy ra. Chính phủ Ấn Ðộ vừa đưa ra cảnh báo về một đợt sóng thần nữa đang tiến vào. Cảnh di tản mấy ngày trước giờ lại tái diễn: cả nhà, bố mẹ, ông bà, con cháu, va li trên tay đang tìm đường tiến sâu vào trong đất liền dưới cơn nắng chiều gay gắt. Nhiều xe máy phóng lên từ phía biển, chở bốn, có khi đến năm người trên một xe.

Những viên chức cảnh sát địa phương nói đợt sóng thần mới với tốc độ 500 cây số giờ sẽ đổ vào bờ trong vòng một, hai tiếng đồng hồ nữa. Tin đồn truyền tai nhau là sóng đã vào Sri Lanka và những vùng khác của Ấn Ðộ.

Ðến xế chiều thì dân chúng biết những lời đồn đãi đó không đúng, có lẽ là phản ứng quá độ của một chính phủ biết lo vì đã bị chỉ trích không đưa ra những cảnh báo về đợt sóng đầu tiên. Phiá bờ biển, một thợ sửa xe đang chữa chiếc hộp số cho biết ông không có dự định tản cư. Nhưng hàng nghìn người khác đã bỏ lên những vùng đất cao hơn. Trên đường, một trại tạm cư được lệnh di tản vào buổi sáng thì giờ dân chúng đang kéo nhau về lại đó.

Bên đường East Coast Road, phiá ngoài ngôi trường trung học, bây giờ thấy ít xe cứu thương nhưng nhiều xe cứu trợ của chính phủ hơn những ngày qua. Một người cảnh sát đang phát kẹo cho một đứa bé trai, có giọng người đàn ông la lớn vào ống điện thoại công cộng cho người bên đầu giây kia biết là em ông hiện ở trong nhà thương, mất hết tất cả, nên phải hoãn lại cuộc hẹn.

Hầu hết cửa tiệm đều đóng cửa. Nhưng ở một tiệm sửa đồ điện thì công việc làm ăn phấn chấn. Trước cửa tiệm la liệt những ti-vi, đầu máy vi-đi-ô. Một cặp vợ chồng đứng xem ông thợ đang tháo rời một đầu máy DVD, diã còn kẹt bên trong và những cơ phận bị bùn đóng kín.

Ông chủ tiệm nói với cặp vợ chồng: "Về đi. Tôi sẽ điện cho anh chị nếu chúng tôi sửa được."

"Về đâu bây giờ?" Người phụ nữ mỉm cười đáp lại. "Tôi không có nhà."



© 2005 talawas
Nguồn: The New Yorker, 04.1.2005 http://www.newyorker.com/talk/content/?050110ta_talk_kapur