© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
Loạt bài: Đồ gốm cổ Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
4.7.2006
Bùi Ngọc Tuấn
Bình và ấm Việt Nam
 
Hai lầm lẫn ghê gớm nhất về dân tộc Việt Nam chúng ta là, thứ nhất: Người Việt Nam có nguồn gốc từ một giống dân thuộc Nam Trung Hoa. Thứ hai: Văn hóa Việt Nam mang nặng ảnh hưởng Trung Hoa. Hai sai lầm này vẫn còn tiếp tục được truyền bá cả ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Càng nhìn vào đồ gốm cổ truyền Việt Nam, ta càng thấy rõ sự độc lập, sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa. Người Việt có hoàn toàn học kỹ thuật làm đồ gốm từ người Tàu không? Chắc chắn là không, dù rằng sau này ta có trau dồi thêm các kỹ thuật và nguyên liệu theo cách của người Trung Hoa. Các di tích đồ gốm tìm được ở Hòa Bình cho thấy cách đây mười nghìn năm (vào khoảng 8000BC), người Việt đã làm những món đồ gốm màu nâu đậm hay nâu bạc bằng đất sét pha cát và bột vỏ sò. Vào thời điểm này, ở phía Bắc chúng ta, chắc cũng đã có nhiều nền văn hoá khác nhau, của nhiều sắc người sống rải rác, thưa thớt và hoàn toàn độc lập với nhau, chứ chưa phải là nước Tàu của nhà Thương (1776BC-1122BC), nhà Chu (1122BC-256BC) sau này. Vậy thì làm gì có chuyện ảnh hưởng Trung Hoa trong khi chính văn hóa Trung Hoa cũng chưa hiện hữu. Nước Tàu chỉ mới trở thành một thứ hợp chủng quốc từ đời Tần Thủy Hoàng (221-206BC), còn trước đó chỉ là một tập hợp của những xã hội khác nhau, với các nền văn hóa khác nhau. Sự kiện người Tàu có nhiều tiếng nói và phong tục khác nhau ấy, đã khiến cho người nói tiếng Quảng Tây không thể hiểu người nói tiếng Triều Châu… (mà dù nay đã có tiếng Quan Thoại, vấn đề tiếng nói vẫn không giải quyết được hẳn).

Các vật tích cổ Việt Nam tìm được đã quy vào một nền văn hoá biệt lập ở vùng sông Hồng, sông Ðà, sông Mã. Hãy duyệt lại thời điểm của các vật tích tìm được ở những vùng này và lịch sử Trung Hoa:

Văn hóa Hòa Bình – qua các vật tích tìm được – đã hiện hữu ở Việt Nam từ khoảng 8000BC, văn hóa Bắc Sơn từ 6000BC. Trong khi đó, các ông vua huyền thoại của người Tàu - nếu có thực - cũng chỉ mới có từ năm 4480BC-4365BC (Phục Hi) 3220BC-3080BC (Thần Nông).

Ðồ gốm tìm được trên vùng đảo Cát Bà (vào khoảng đầu các đời vua Hùng 2789BC-258BC) cho thấy những bước tiến rất dài về kỹ thuật, trải qua ba thời kỳ rõ rệt. Thời kỳ đầu làm bằng tay, thời kỳ thứ hai dùng bàn xoay, và thời kỳ thứ ba có thêm nhiều trang trí hồi văn (hình qủa trám, chuỗi vòng tròn nhỏ, chấm trứng cá, hình chữ S, những đường gẫy…). Vào thời này nước Trung Hoa còn nhỏ lắm, và chỉ ở quanh quẩn vùng phía Tây Bắc Trung Hoa bây giờ. Ðây là thời kỳ của Hoàng Ðế (2700BC-2359BC), Nghiêu (2359BC–2259BC), Thuấn (2259BC-2208BC), các nhân vật huyền thoại, được tạo ra sau này để chỉ về một quá khứ huy hoàng trong mơ ước của người Trung Hoa.

Sử Tàu chép: “Năm Mậu Thân thứ năm đời Ðường Nghiêu sứ giả Việt Thường qua hai lần sứ dịch sang dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến hơn nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có dấu văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau, vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch” (Thông Chí của Trịnh Tiều).

Sử Ký cũng chép: “Năm Tân Mão 1109BC đời vua Chu Thành Vương, sứ giả nước Việt Thường sang cống chim bạch Trĩ, phải qua ba lần thông ngôn, rồi dùng xe chỉ nam để về nước”. Phải thông dịch qua ba thứ tiếng mới hiểu nhau, thì làm sao mà có chuyện ảnh hưởng văn hóa cho được.

Tóm lại, do tinh thần trọng Hán văn, các nhà chép sử thời trước đã vô tình làm cho chúng ta tưởng rằng văn hóa Việt bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa hay chịu ảnh hưởng nặng của văn hóa Trung Hoa. Văn hóa Việt, khảo theo các sinh hoạt dân gian, cho thấy một sự thực khác hẳn. Trong phần này chúng tôi chỉ xin giới hạn vào nét đặc biệt của văn hóa Việt qua các bình ấm cổ truyền Việt Nam, kể từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, qua các đời Lý, Trần cho đến gần đây, ở các điểm: Hình dạng, quai cầm, nước men và thứ loại.

Hình dạng: Những bình ấm của thời Ðông Sơn (thế kỷ thứ năm trước Tây Lịch) thường có hình hũ, làm bằng đất sét nung, không tráng men, trang trí bằng các hình kỷ hà, hay bằng dấu khuôn giỏ. Có những bình mình tròn, phình to, cổ nhỏ, miệng rất nhỏ, dường như để chất lỏng (rượu?) khỏi bay hơi mau. Rồi từ từ trở nên tròn trĩnh hơn, bắt đầu có những lớp men mỏng, có quai cầm, vòi thường có hình đầu gà. Sang đến những năm Bắc thuộc, kỹ thuật cũng dần thay đổi, bình ấm bắt đầu nhỏ lại. Trong khi đồ gốm Trung Hoa thường có men xanh, thì bình ấm Việt có mầu trắng ngà hay nâu vàng, điểm thêm một đôi giọt men xanh chảy loang. Qua đời Lý trở đi, số lượng bình ấm còn tìm được khá nhiều, cho thấy bình và ấm có kích thước tương tự các bình ấm chúng ta dùng hiện nay. Một số bình tròn, trong khi đó một số lớn khác lại có các hình quả dưa, quả bầu, hình con nghê, hình con tôm càng cưỡi trên lưng con cá chép. Sang đến thời Chu Ðậu (thế kỷ 15-17), ngoài các loại bình ấm thường thấy, lại xuất hiện thêm một loại bình mà người ta thường gọi là bình Tỳ Bà (vì có hình dạng thuôn dài như hình cây đàn tỳ bà dựng đứng). [1] Thời Chu Ðậu còn để lại những bình và hũ với nước men óng ả, hoa văn linh động, sắc xảo (hình dạng không khác gì những bình cắm hoa, hay bình trưng bày thời nay) mà một số lớn được lưu giữ trong các bảo tàng viện ở New York, Honolulu và Âu Châu.

Quai cầm: Quai cầm là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa đồ gốm Trung Hoa và đồ gốm Việt Nam. Trong khi các bình Tàu luôn luôn có quai cầm, thì bình ấm Việt Nam hầu hết chỉ có một điểm trang trí ở chỗ quai cầm,thường là hình một con rùa, hình một bông hoa, hay hình con chuồn chuồn, con tôm, con cá bống, con chim vẹt..., có tính cách trang trí và để cho cân với vòi rót phía bên kia. Vòi rót thời cổ thường có hình đầu gà, rồi đầu thú nửa rồng nửa rắn, hoăc hình thú tương tự như naga hay makara của văn hóa Ấn Ðộ. Thảng hoặc, ta gặp một bình trông như có quai cầm, nhưng đến khi coi kỹ lại thì mới thấy là quai cầm rất mỏng manh, không đủ sức giữ được bình, cũng chỉ để trang trí mà thôi. Vả lại, nắp bình chỉ để hờ hững bên trên, nếu không dùng tay giữ khi rót, thì cũng sẽ rơi mất. Ngay cả ấm con nghê cũng không có quai, khi rót ta phải cầm ngang cổ ấm (con nghê) để rót. Nếu ta chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa thì tại sao ông cha ta vẫn khăng khăng giữ cái nét riêng (độc đáo nhưng bất tiện) ấy?

Nước men: Cũng như các thứ đồ gốm Việt khác, bình ấm có chung loại nước men của thời kỳ chế tạo. Thời Ðông Sơn trở về trước, đồ gốm chỉ trơ đất mộc, không tráng men; rồi từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất, nước men mỏng màu nâu vàng, trắng ngà được dùng; trong thời kỳ Bắc Thuộc thì men xanh hay men nâu vàng điểm giọt men xanh trở nên phổ thông. Qua đời Lý, Trần trở đi, những món đồ gốm men trắng, men nâu, men nâu đen, men xanh lục được làm rất nhiều. Các bình ấm với những nước men này tràn ngập thị trường và hiện nay còn lại rất nhiều trong các viện bảo tàng, trong các bộ sưu tập của tư nhân. Ðến thời Chu Ðậu (thế kỷ XV-XVI), nước men dày, màu trắng với hoa văn màu xanh chàm cùng các món đĩa, tô, chén cùng một nước men, cùng một loại hoa văn, óng ả và tinh xảo trở nên thông dụng. Ðiểm khác biệt chính giữa nước men trên các bình ấm này so với đồ gốm Tàu vẫn là: Nước men trên đồ gốm Tàu trơn láng, đều đặn, trong khi đó men trên bình ấm Việt nam thường được tráng một cách tự nhiên. Người thợ Việt đổ men lên cho chảy loang lổ, chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ dày chỗ mỏng. Trên những bình men nâu chẳng hạn, người ta tráng lên bình một lớp men nâu nhạt, rồi sau đó tưới lên một lớp men nâu đậm, để cho lớp men nâu đậm này chảy tự nhiên, tạo ra những hình không ảnh, những giọt to giọt nhỏ không đều. Có nhiều bình, sau khi tráng men ướt lên rồi, người ta tạt nước, hay phun nước lên để cố tình cho men nhòe đi cho thêm phần đặc sắc. Các hoa văn trên bình ấm Việt Nam cũng chỉ là những cây lá, thú vật, côn trùng thân thuộc hàng ngày. Người Tàu vẽ rồng, vẽ lân, người Việt trang trí bằng hình ảnh cây rau muống, cành rong, cây chuối, cây bèo, con cá bống, con chuồn chuồn, con chim chích chòe.

Thứ loại: Gọi là bình và ấm, là tạm gọi một cách vắn tắt. Trong các món này, chúng ta thấy có những bình miệng rộng, không vòi (chắc để chứa ngũ cốc) bình lớn, miệng rộng có vòi (chắc để chứa nước uống), bình có vòi nhỏ, miệng nhỏ (chắc để đựng rượu) và bình tròn, có vòi nhỏ như cái bình tích chè tươi thời gần đây (chắc cũng để đựng rượu). Ngoài ra có các thủy trì, tức bình nhỏ bằng quả quýt bé, có vòi, không có nắp; có những thủy trì hình con cóc, con rùa… (Thủy trì là bình nhỏ đựng nước để rót vào nghiên khi pha mực của các nhà nho). Rồi khi xem đến các bình tỳ bà, thì ta thấy rõ ràng là không có nắp, cổ cao mà nhỏ, miệng loe, hoa văn thường là lá chuối, chim chích choè, chim sẻ, hoa cúc, sóng biển, cây rau muống. [2]

Ðể tạm kết luận, ta thấy rằng qua các món đồ gốm bình và ấm Việt Nam, nét đặc biệt của văn hóa Việt hiện rõ: Bình ấm không có quai cầm thực dụng, nước men tự nhiên, không đều, trang trí bằng các chim thú, cây lá của đời sống thường ngày, bình ấm thường có hình quả bầu, quả dưa. Ta cũng thấy thêm rằng, cho dù ông cha ta có học người T àu một đôi điều về kỹ thuật đồ gốm, nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt. Cái gọi là ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa rất mờ nhạt, đến độ như không có. Những điều này lại còn thấy rõ trong các đĩa, chén gốm cổ Việt Nam, mà chúng tôi sẽ xin nói đến trong một dịp khác.

Ấm men trắng với quai cầm hình cá bống (đời Lý)
Ấm men nâu chân chim (đời Lý)
Ấm men lục (đời Lý)
Ấm men trắng hình quả dưa (đời Lý)
Thủy trì với quai cầm hình con rùa men nâu (đời Lý)
Bình rượu hình tôm cưỡi cá (đời Lý)
Ấm men nâu nhoè (đời Lý)
Ấm men nâu nhoè (đời Lý)
Ấm tròn, men nâu đen (đời Lý)
Ấm men lục hoa văn nhành rong (đời Lý)
Ấm men trắng xanh hình quả bầu (đời Lý)
Bình đầu gà (thời Hán thuộc)
Bình miệng nhỏ (thời Hán thuộc)
Bình miệng lớn, vòi nhỏ (thời Hán thuộc)


(Ảnh trong bài chụp từ bộ sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn: đồ gốm đời Lý, thế kỷ XI-XII và thời Hán thuộc, thế kỷ 1BC)


© 2006 talawas


[1]Ðây là thời kỳ mà sự xuất cảng sang các nước Trung Ðông, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân phát triển rất mạnh mẽ. Những bình này không thấy được lưu lại trong các sinh hoạt của người Việt, phải chăng các bình này được làm ra để thỏa mãn thị trường ngoại quốc?
[2]Trong sinh hoạt của người Việt không có dấu vết sử dụng các bình này, vậy thì những món này người Ả Rập đặt làm riêng cho họ chăng? Tại sao lại trang trí bằng những thứ không có ở vùng Ả Rập?