© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
25.4.2007
 
Đất mới tập I - Chuyện sinh viên
 1   2   3 
 
Mục lục


Lời của nhà xuất bản

Để góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn nghệ Toàn quốc, để phát huy và đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm Trăm hoa đua nở, để đẩy mạnh tự do tư tưởng trong phong trào sinh viên, chúng tôi xuất bản vào loại sách “Đất mới” tập “Chuyện sinh viên” này, gồm những bài nghị luận và sáng tác của một số sinh viên. Mỗi tác giả chỉ chịu trách nhiệm riêng về bài viết của mình. Trên tinh thần ấy, nhà xuất bản thiết tha mong các bạn trong giới sinh viên và học sinh cộng tác đông đảo trong những tập sau của loại sách “Đất mới”.

Nhà xuất bản Minh Đức




Q. Ngọc và T. Hồng
Phê bình lãnh đạo sinh viên

Trong niên học năm 1955-56, Hồ Chủ tịch đến thăm các trường Đại học có nói: “Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng”.

Lời nói đó đã làm cho tất cả thanh niên sinh viên đều phấn khởi và tin tưởng. Phấn khởi và tin tưởng ở tương lai mình, ở tài năng mình có thể phục vụ cho nhân dân góp phần vào công cuộc xây dựng cho tiền đồ đất nước. Lòng tin tưởng đó vô cùng mãnh liệt, luôn hướng về sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Trung ương Đảng.

Nhưng trong sự phấn khởi và lòng tin đó, người thanh niên sinh viên đã và đang còn vấp phải những trở ngại tất yếu của những sức bảo thủ hay lạc hậu trong xã hội tuy có mâu thuẫn với nhau, nhưng đều có tương quan mật thiết với nhau. Quan niệm về lịch sử gắn liền với quan niệm về vật chất của xã hội, cho nên muốn giải quyết những mâu thuẫn trong lịch sử xã hội tất yếu phải xét đến mối tương quan giữa những hiện tượng có mâu thuẫn – mâu thuẫn thống nhất.

Trong hai yếu tố làm thành phương thức sản xuất thì lực lượng sản xuất là một yếu tố linh động, cách mạng luôn luôn phát triển, luôn luôn tiến bộ vì công cụ mỗi ngày càng được cải tiến, tinh xảo hơn, con người sản xuất mỗi ngày càng trưởng thành, có ý thức hơn. Nhưng trái lại, quan hệ sản xuất thì có tính cách bảo thủ làm trì nãi lực lượng sản xuất đang phát triển. Trong xã hội có phân chia giai cấp, có người bóc lột người thì lực lượng sản xuất bị kìm hãm muốn tiến lên tất yếu phải phá vỡ quan hệ sản xuất cũ, tạo nên quan hệ sản xuất mới tương ứng với lực lượng sản xuất đã lên một trình độ cao hơn.

Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX khi đưa những quan niệm sai lầm của Stalin ra trước ánh sáng toàn thế giới cũng như phê bình những khuyết điểm nghiêm trọng của Stalin cho chúng ta thấy rằng quan hệ sản xuất ở Liên Xô trên con đường tiến tới chủ nghĩa cộng sản không thể còn nằm trong tinh trạng cũ. Trên mọi con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản những quan hệ sản xuất ở Liên Xô và bộ máy chính trị ở những nước tiến bộ cũ, ngày nay không thể tiến bộ toàn bộ được. Đồng chí Ra-cô-xi ở Hung-ga-ri hay đồng chí Xéc-vanh-cốp ở Bun-ga-ri trước đây từ chức cũng như mới đây đồng chí Gô-mun-ka ở Ba Lan lên giữ chức bí thư thứ nhất đều không phải một sự bình thường. Đồng chí Ra-cô-xi và đồng chí Xéc-vanh-cốp đã nhận rõ vai trò lịch sử của mình: quá khứ và hiện tại phải có những cái khác nhau.

Xã hội Việt Nam từ 1945 – Cách mạng tháng Tám – qua 1953 – phát động phong trào đấu tranh nông dân - đến ngày nay không thể còn là một nội dung duy nhất. Lực lượng sản xuất của nó đã phát triển và đang đòi phát triển mãnh liệt trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Cho nên, muốn cho chế độ dân chủ nhân dân mau tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu trong mối tương quan giữa những lực lượng sản xuất đang phát triển và tình hình tổ chức hiện tại. Chúng ta cần tẩy rửa, đào thải những phần tử nào, những nhân tố nào hiện đang làm trì nãi, ngăn bước tiến của xã hội.

Câu nói của Hồ Chủ tịch làm cho sức sống của người thanh niên sinh viên bừng lên, vươn mạnh, hướng cho họ vào lẽ sống chân chính của cuộc đời, đem lại cho họ lòng tự tin ở sức sáng tạo của tuổi trẻ gan dạ và hăng hái.

Nhưng không phải tự nhiên mà sức sống đó bột phát. Nó phải trải qua một quá trì âm ỉ để đến ngày nay Chính phủ và Đảng phải mạnh dạn phát động phong trào quần chúng phê bình mọi tổ chức và lãnh đạo, nói lên tiếng nói của nó, tiếng nói chân thành và tha thiết.

Phải phá tan “đám mây” cho “mặt trời rọi ánh sáng”; chỉ rõ tên những kẻ nịnh hót, cúi luồn, những kẻ hống hách hẹp hòi ngăn cản không cho Đảng nhìn rõ quần chúng, không cho quần chúng được Đảng. Chính những kẻ đó đã thần thánh hoá Đảng, thần thánh hoá lãnh tụ - tất nhiên có hại cho Đảng và lãnh tụ.

Con người trong cuộc sống mặc dầu có những xu hướng tư tưởng có những cảm nghĩ khác nhau, nhưng phải cùng có một sự cảm thông và đoàn kết chân thành mới có thể cùng nhau nhất trí xây dựng đất nước. Phải “bỏ thái độ quan lớn quý tộc lối tư sản đối với những người công tác học thuật mác–xít trẻ tuổi, áp chế họ; bỏ thái độ một số đảng viên vỗ ngực với “quyền uy”, không cho người khác phê bình mình, không tự phê bình” (Lục Định Nhất).

Đảng dạy cho người thanh niên trở nên những người giàu sang không quyến rũ nổi, nghèo khó không thay đổi lòng, uy quyền không khuất phục được.

Nhưng nhiều sứ giả của Đảng đã làm cho người thanh niên thất vọng. Dưới đây, chỉ nói riêng về giới sinh viên.


Một hiện tượng của chủ nghĩa bè phái

Nói đến quá trình phát triển của nền đại học Việt Nam từ kháng chiến đến nay không thể lãng quên mấy niên khoá dự bị đại học trong những năm 1952-54. Thời kỳ đó đã thuộc về dĩ vãng, nhưng đó là thời kì Stalin trên toàn thế giới cũng như thời kỳ Trần Văn Giầu trong trường dự bị đại học. Giáo sư Trần Văn Giầu kiêm giám đốc của trường không những độc đoán, đàn áp trên mặt giảng dạy mà còn độc đoán, đàn áp trên cả cuộc sống thường ngày của sinh viên [1] . Dưới bàn tay của giáo sư là những Thành, những Khái, những Phiên, những Thông, những Nhâm v.v… đều dựa vào một quyền uy tuyệt đối, chia bè kéo cánh với nhau.

Sau đây là những sự việc:

Trong hoàn cảnh gieo neo của kháng chiến, Chính phủ vẫn hằng nghĩ tới đời sống, nghĩ tới việc học tập của sinh viên, Chính phủ đã trích ra một số tiền nhỏ cấp học bổng cho những người thiếu thốn, nghèo túng. Nhưng cái ý nghĩa cao quý đó đã bị kẻ thừa hành chà đạp. Nước mắt, mồ hôi của nhân dân đem phát cho một bọn thừa ăn, thừa mặc; tất cả đảng viên đều được học bổng, trong đó có người gia đình ở vùng Pháp kiểm soát được tiếp tế vàng luôn. Những sinh viên nghèo túng khổ sở được 18 lô gạo, theo lệnh giáo sư kiêm giám đốc Trần Văn Giầu bớt xuống còn 9 lô (một số ít đặc biệt vẫn được 18 lô) và những hiệu đoàn trưởng, phó, trưởng ban tuyên huấn, bí thư… gì gì đó nữa, theo giáo sư Trần Văn Giầu, thì họ công tác (?!) mệt nhọc đều được riêng mỗi người 30 lô. Giáo sư làm như vậy thật đúng “lập trường cách mạng” vì những người gọi là cán bộ con nhà giàu kia – trên vài chục mẫu ruộng – đã dùng số tiền quý báu và thiêng liêng xài phí vào các khoản thuốc lá, kẹo lạc v.v… Trong lúc ấy, những bạn nghèo của họ, chạy ngược chạy xuôi từ xóm này qua làng khác xa gần chục cây số làm gia sư để kiếm cơm ăn. Anh Đoài, một quân nhân,một cán bộ văn nghệ từ Liên khu 5 ra, có thời gian phải nhịn ăn mỗi ngày một bữa mới đủ tiền đóng góp với anh em. Các anh Tùng, Hồi, Ngoạn cũng là những quân nhân trở về học tập, miếng cơm manh áo đã giày vò họ. Nhất là anh Nghĩa – xin lỗi anh – có lẽ hồi ấy anh thuộc lòng những căn nhà đồng bào ở cầu Kè, Toán Ty, Dốc Đu hơn là những bài học về duy vật lịch sử. Còn nhiều nữa kể sao cho hết được. Cũng vì manh áo, bát cơm mà học hành và đi họp có đôi phần trễ nải. Những “ông lớn” ngồi trên thừa mồm gào thét nào là “tự do vô kỷ luật” nào là “thiếu tinh thần tập thể”, “thiếu năng lực công-tác”, “học hành không tập trung”…

Những sự việc bè phái, thiên vị đó đã làm cho người sinh viên dự bị đại học phân vân trước cuộc sống, không biết mình có thể sống qua ngày để tiếp tục học hay không.

Những người bạn “vô duyên” của chúng tôi, một số đi dạy xi xằng để bám lấy ý nguyện của mình, một số đi công trường hay làm lao tác lặt vặt (đẩy xe ba gác v.v…) để sống qua ngày. Có người cán bộ phụ trách nghe câu chuyện trên, thản nhiên nói: “Như thế cũng tốt thôi”. Vâng, chúng tôi cũng nhận rằng lao động là vinh quang, lao động là sáng tạo. Không có nghề gì xấu, chỉ có con người có thể xấu mà thôi. Chính Goór–ki đã sống qua những cảnh cơ cực, đói rách, chung đụng với đồng bào lao động mới có thể trở thành đại văn hào nước Nga. Một câu hỏi ám ảnh ông: tại sao ông và đồng bào ông khổ sở như vậy? Câu trả lời sẽ là: “Vì chế độ Nga hoàng cấu kết với tư bản ngoại quốc, bóc lột áp bức”. Người sinh viên, khi rời khỏi mái trường thân yêu, rút bỏ cái sở nguyện tha thiết của tuổi trẻ để cầm cái xà beng trên công trường hay cầm hai càng xe ba gác trong tay không khỏi tự hỏi vì sao mình lại phải làm cái nghề không định trước này? Đã có một vài bạn buồn rầu nghĩ rằng: Vì chế độ này hắt hủi, vô tình với những con người như mình. Câu trả lời có lệch lạc, không nhìn thấy bản chất của chế độ, nhưng đã cho chúng ta biết rằng trong xã hội hiện nay có những cấp bộ lãnh đạo thi hành không tốt những chính sách chủ trương đúng đắn của Chính phủ và của Đảng. Không xuất phát từ một nguồn gốc thực tế, bè phái, hẹp hòi nào đó thì con người không thể có những thái độ nông nổi như vậy được.

Bệnh bè phái, thiên vị nhau còn cho ta thấy sự bất công trong thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp dự bị đại học khoá I 1953, nhiều “đảng viên” đã được tốt nghiệp một cách rất thần thánh: Đào Văn Nhâm không thi mà đỗ, Nguyễn Thao Lược được vớt trên 10 điểm. Trong khi đó, anh Hà Huy Bình, một sinh viên quần chúng, bữa đói bữa no cố sống đi học chỉ thiếu có một điểm cũng không được vớt…


Cuộc sống tập thể

Dưới chế độ chúng ta, cuộc sống tập thể thường được ca tụng. Đúng! Có gì đẹp hơn những con người từ tứ phương quây quần với nhau trong một tổ chức để rồi yêu thương nhau như anh em? Người bộ đội về phép thăm nhà thường nhớ tới đơn vị của mình, vì ở đó, họ thấy con người họ lớn lên. Người sinh viên khi bước chân vào tập thể cũng tin tưởng như vậy. Nhưng sự thực khác với lòng mong ước của họ. Ở đây, lề lối quản trị và người lãnh đạo đã làm cho con người họ bé lại, tình cảm, tư tưởng bị hạn chế. Không ai dám cười tiếng cười thật, nói tiếng nói thật của lòng mình. Sống như phải tự tạo lấy cho mình một hình thức giả dối, có thủ đoạn mới có thể sống được! Thậm chí sáng tác văn nghệ cũng gặp nhiều khó khăn vì nội quy sinh hoạt.

Cho nên “tập thể” từ một ý nghĩa tốt đẹp, dưới bàn tay của kẻ “quyền uy độc đoán” đã trở thành một mớ xiềng xích, một mớ khung đủ kiểu gò ép, uốn nắn hẳn lại nếp sống của người thanh niên sinh viên.

Năm 1952, trong cuộc chỉnh huấn của sinh viên dự bị đại học, sinh viên được phát huy tự do tư tưởng, cởi mở để ra nhiều thắc mắc thành thực. Giáo sư Trần Văn Giầu đã giải đáp: “Sau những thắc mắc của anh em, thấy lấp ló cái mặt của thằng địa chủ”. Thế là hết. Một câu nói đấm họng rồi. Giáo sư lại thường nói công khai với sinh viên hồi kháng chiến cũng như gần đây: “Trong trường ta không có phản động mới là chuyện lạ, có phản động là chuyện thường, đúng quy luật.” [2]

Câu nói ấy – ám chỉ một số sinh viên có gia đình vào Nam – gây ra nhiều tác hại. Vì câu nói ấy một số sinh viên ăn ý chơi thân với nhau bị nghi ngờ, theo dõi. Đối với họ, kẻ thừa hành lệnh trên, cán bộ lãnh đạo tập thể đã làm nhiều điều trái với hiến pháp của chế độ, trái với cương lệnh của Mặt trận. Những người này đã dựa vào quyền uy để thi hành mọi điều trái mắt, hẹp hòi, bè phái, dưới sự đỡ đầu của một giáo sư giám đốc độc đoán… Họ đã lũng đoạn cuộc sống của người sinh viên: anh Đạt bị quản chế một thời gian, anh Phẫu bị theo rõi, anh T. bị nghi là gián điệp, anh Thúc Hà bị lục soát ba-lô khi vắng mặt v.v…

Vì câu nói ấy, giữa sinh viên mất đoàn kết với nhau. Người ta “cảnh giác” từ lời nói, dáng đi, ăn mặc… Một bạn vừa có bộ quần áo mới bị “tập thể” dồn ngay: May ở đâu? Bao nhiêu tiền? Ai cho?... Vì thế một số sinh viên phải thu mình lại, rút vào vỏ cá nhân, nghi ngờ trước cái nhìn “tập thể” của một nhóm người lãnh đạo.

Vì câu nói ấy nếu có địch thì chúng sẽ có dịp đề phòng và chia rẽ trong hàng ngũ ta. Nhưng xét cho cùng, câu nói bất lợi trên kia cũng có một cái lợi lớn cho một hạng người nào đó. Nó là một thứ mũ, sẵn sàng chụp vào đầu ai còn có chút bản lĩnh, còn giữ được cá tính của người thanh niên, người sinh viên chân chính. Có bạn thẳng thắn xây dựng cấp trên bị truy là phản ứng, có tư tưởng tư sản, đế quốc, là tự do vô kỷ luật v.v… Vì thế, có người sống trong tập thể, mất của không dám kêu (anh Đạt); sợ bị nghi ngờ phản động, “tung dư luận phá hoại tổ chức”.

Trong cuộc sống đã muốn bịt mồm người ta lại như thế, nhưng tối nào cũng yêu cầu tự tu với hội tu. Sinh viên sẽ nói gì trong những cuộc “tu” ban đêm ấy. Chúng tôi không biết những người tu kín đáo của đạo Gia-tô khắc khổ thế nào, chứ chúng tôi - giữa cuộc đời hoa mộng – đã sống những ngày lay lắt, mất hẳn bản sắc con người.

Động một tí là đưa ra tập thể; đưa số đông ra áp đảo tinh thần anh em.

Đấy, giữa mảnh đất tập thể khô cằn ấy, làm sao tình yêu và thơ ca có thể nẩy nở được?

Chúng tôi có hai người bạn cùng lớp: anh N. và chị L. Hai người rất yêu nhau và thông cảm nhau từng nếp cảm nếp nghĩ… Nếu chỉ có thế thôi, và thiết tưởng như thế đã đủ cho hai người đi tới hạnh phúc lứa đôi. Thế nhưng “sự đời lắm nỗi éo le”; chị là một đảng viên dự bị, anh chỉ là một quần chúng sinh viên, thứ sinh viện bị nhóm lãnh đạo thành kiến là “tự do, vô kỷ luật”. Ngày xưa, cái tệ “môn đăng hộ đối” đã làm tan rã bao cuộc tình duyên và tạo nên bao khúc tình ca ai oán. Bây giờ những ông “Nguyệt lão” mới dáng “đánh mười cẳng tay” không ngần ngại gì mà không cắt đứt sợi “xích thẳng” tự nhiên thắt chặt hai người yêu nhau thế nào được: một đảng viên với một quần chúng “tự do vô kỷ luật”. Người ta ngang nhiên giẫm nát lên mối tình đang đẹp ấy, rồi phê bình kiểm thảo, lập trường này nọ. Người ta có biết đâu nước mắt đã chảy nhiều, và con người có thể cải biến do những tình yêu chân thật. Đã đánh thì phải xoa, đã cắt thì phải nối, các ông “Nguyệt lão” ấy cũng khá biết thương người, ít lâu sau họ “xây dựng cho chị L. một người khác, một đảng viên – mà họ đã “bao vây” từ trước (cho anh chàng này về ở cùng tổ, học cùng nhóm). Thế là đúng lập trường và “môn đăng hộ đối”! Không biết ngày mai đây cặp người ấy sống với nhau thế nào? – Vì nhiệm vụ cưỡng bách hay vì tình duyên tự giác! Nhắc lại anh N, sau mấy năm công tác, gặp chúng tôi một hôm giữa thủ đô Hà Nội. Câu nói đầu tiên của anh: “Trước đây sống với bọn ‘hắn’, nhiều khi mình cứ tưởng chẳng bao giờ gần được Đảng. Hai năm qua đi Cải cách ruộng đất mình thấy mình đã đứng trước ngưỡng của của Đảng. Hiện giờ mình là đội phó của một đội Cải cách ruộng đất, có thành tích vì chấp hành đúng chính sách”. Anh lại vui vẻ mời chúng tôi dự lễ cưới của anh gần được tổ chức.

Trên đây là câu chuyện hồi kháng chiến. Dưới đây là câu chuyện trong hoà bình, nóng hổi vừa xảy ra: Anh B. là sinh viên năm thứ 2, chị C. là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Hai người yêu nhau từ lâu gần cưới. Nhưng gần đây, chị C đối với anh B. mỗi ngày mỗi lạnh nhạt, những dây tình nghĩa xưa kia càng ngày càng đứt dần. Rồi hôm hôm chị C. tuyên bố cắt đứt. Chị đã yêu một người bạn khác, học cùng lớp – anh Đ. - một đảng viên, vì chính anh Đ. cũng yêu chị C., tuy biết rằng đó là người yêu của bạn mình. Ở đây chúng tôi không phủ nhận quyền tự do luyến ái, tự mình định đoạt mộng đẹp của đời mình, nhưng chúng tôi hỏi tại sao giữa cái tập thể có lãnh đạo, có tổ chức, có chi bộ, có đảng viên - những con người lúc nào cũng tuyên bố chiến đấu cho hạnh phúc và tình yêu chân chính - lại có thể xảy ra một chuyện tình đáng phàn nàn như vậy? Tại sao chi bộ Đảng của sinh viên lại dung thứ cho một đảng viên phá hoại tình cảm của người ta như vậy?

Nhắc tới anh Đ., có bạn đã phải nói: “con người đảng viên ấy cướp vợ bạn!” Còn chị C., cô nữ sinh viên có quả tim hỗn loại chắc đã nói với các đồng chí thanh niên lao động về lòng chung thuỷ và tình yêu rồi. Tiếc thay lời nói của họ không hề đi đôi với việc làm. [3]

Càng suy nghĩ kỹ về những con người kia, chúng tôi thấy họ ít đáng khinh hơn là đáng thương; họ cũng đáng thương như tất cả chúng ta mà thôi. Họ là nạn nhân của một chế độ, chế độ “đảng trị” khe khắt. Chế độ đó đẻ ra tác phong tôn sùng và thần thành hoá đảng viên, cấp lãnh đạo. Chế độ đó đã tạo ra bầu không khí nặng nề bao trùm lên mọi tâm hồn: đến nỗi khi nói tới người lãnh đạo là mọi người nghĩ tới đảng viên; nói tới người gương mẫu, mọi người nghĩ tới đảng viên; nói tới người xuất dương, mọi người nghĩ tới đảng viên; nói tới người được học bổng, mọi người nghĩ tới đảng viên; nói tới người đi ăn tiệc, mọi người nghĩ tới đảng viên… và người đảng viên cũng tự nghĩ mình là người có quyền như vậy, nên lúc nào bầu đi làm một cái gì thì trước hết họ tự bầu lấy nhau đã. Chị C. khi mơ tới người chồng tương lai, không ngoài ý nghĩ “phi đảng viên bất thành phu phụ”. Ngoài đảng viên, không ai còn giá trị nữa! Một sinh viên thanh niên Cứu quốc lúc nghe tin mình không chuyển Đoàn qua Lao động đã ngất đi. Anh đã xót xa vì tội lỗi hay vì giấc mộng “công hầu”. Anh ngất đi vì anh đã để đánh rơi mất cái “sinh mệnh chính trị” vậy thôi.

Ở đây cần nhắc lại một lần nữa để tránh sự hiểu lầm: Chúng tôi rất tha thiết với sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng để cho quần chúng sùng bái cá nhân cấp trên, thần thánh hoá đảng viên thì nhất định chúng tôi không tán thành, vì nó sẽ dẫn đến những kết quả không có lợi gì cho cách mạng cho Đảng cả.

Sùng bái cấp trên, thần thánh hoá đảng viên hầu như đã trở thành một nề nếp tư tưởng. Óc sáng tạo bị kìm hãm, óc phê phán bị tiêu ma. Khi cấp trên nói đúng là cả loạt ồ lên đúng, khi cấp trên nói sai là cả loạt ồ lên sai. Thật là thảm hại!

Trong cuộc đấu tranh chính trị năm 1952 ở Thanh Hoá, người ta bắt từng loạt người, rồi đánh đập, kìm kẹp, treo lên không, dìm xuống nước. Người ta bảo làm thế là đúng (!). Không một ai dám nói ngược lại. Sinh viên cũng bị bắt buộc tham gia phong trào. Có bạn xông xáo đánh đập - rất “lập trường” – Không biết rằng con người đang bị mình vùi dập kia có tội tình gì cụ thể! Chúng tôi còn nhớ một hôm tất cả sinh viên “bị nhét” vào cầu đinh khá rộng để được vinh dự tham gia đấu tranh. Chúng tôi nói bị nhốt là vì rất nhiều bạn không muốn thấy cảnh đánh đập ấy [4] đã bỏ ra về mà không được về. Về là thiếu lập trường đấu tranh, là theo địch mà lại! Xong đấu, cấp trên lại bắt chúng tôi tự kiểm điểm xem thái độ của mình, lập trường của mình thế nào. Chúng tôi chỉ nhìn nhau và đồng thanh nói là rất “căm thù” mà cũng không hiểu căm thù ai: bạn hay thù?

Chúng tôi yêu tổ quốc, yêu đồng bào, chúng tôi phải ghét phản động, nhưng chúng tôi không thể nhìn nhận được một cuộc tra tấn vô căn cứ như vậy! (Liên hệ lại những sai lầm Cải cách ruộng đất đợt 5 vừa rồi) có chị sinh viên, bao nhiêu tháng qua, khi nhắm mắt ngủ, lại thấy hình ảnh con người bị treo ngược lủng lẳng trong con mắt của mình.

Trong thâm tâm khủng khiếp như vậy, nhưng bề ngoài vẫn phải nói “như thế là phải”.

Chế độ đảng trị khắt khe và hậu quả tai hại của nó đã vẹt một nếp đen lớn trong những bộ óc trong sạch của sinh viên. Thái độ “thế sự trầm quân mạc vấn” rất phổ biến. Ngay giờ đây, khi phong trào tự do tư tưởng sôi nổi như vậy mà có những sinh viên, tuổi mới quá hai mươi, tâm hồn đã mềm như bún. Không bao giờ biết giận ai, không bao giờ biết thắc mắc một điều gì, từ những “lương gia tử đệ” ấy phát sinh những người đầu cơ, lợi dụng, những người phất cờ theo hướng gió. Cách mạng không cần loại người như thế. Cách mạng muốn có những người biết yêu, hờn, giận, ghét… thực sự, muốn có những người dũng cảm vươn tới chân lý.

Nhiệm vụ cách mạng đó chưa được làm tròn. Lề lối quản trị của một số đảng viên lãnh đạo đã hạn chế tự do tư tưởng, hạn chế tình cảm của tuổi thanh niên. Nếu giờ đây còn có một sinh viên nào giữa lòng thủ đô tự do của chế độ Dân chủ Cộng hoà tự do này oán giận không dám hé răng, vui mừng không dám cười nói, thì chắc chắn đó là điều đau xót cho Đảng, cho ngay cả một đảng viên chân chính.

Chúng tôi mong được phục vụ nhân dân dưới sự lãnh đạo theo đúng đường lối chính sách của Đảng.

Giữa phong trào đấu tranh sôi sục của anh em sinh viên trường Đại học SPVK từ năm thứ 3 tới năm thứ nhất, từ ban Văn đến ban Sử vừa rồi (tháng 8 và tháng 9–1956), có nhiều đảng viên lãnh đạo đã nói rằng: “Đó là phản ứng của quần chúng xấu!” Chúng tôi không hiểu rằng thứ đảng viên nửa người thì ở trong Đảng, nửa người còn bị chôn chặt dưới bệ rồng trung cổ ấy, có nhiều trong Đảng ta hay không. Nhưng những lời nói đó làm sao ngăn nổi một phong trào anh dũng; chiến đấu cho lẽ phải, cho chế độ, cho con người được. Toàn thể sinh viên lấy làm sung sướng, cởi mở, thấy mình đã sống. Anh em đang chờ mong cấp trên có thái độ. Nhưng phải chăng cấp trên đã thực sự nhìn thấy chân lý của vấn đề hay vẫn dựa theo những “báo cáo” nào đó để chụp cho anh em những cái mũ là bất mãn, là huỷ hoại tổ chức, là v.v… mà lại còn tìm vớt vát, che chở cho những đảng viên sai lầm đã bị quần chúng vạch mặt: Đào Văn Nhâm, Nguyễn Duy Bình vẫn “tồn tại” ở đại học một cách vô lý.

Chúng tôi yêu cầu Bộ giải quyết cấp bách “vai trò” của những người này. Sau mấy ngày phát động tư tưởng, đại diện Bộ Giáo dục đã xuống triệu tập sinh viên trường Đại học Sư phạm Văn khoa để nói chuyện. Anh em vui mừng chắc được nghe những lời khen ngợi của Bộ. Nhưng anh em đã thất vọng hoàn toàn. Nắm một vài lệch lạc của phong trào, qua vài báo cáo của một số người vô trách nhiệm, Bộ không nhìn thấy mục đích tốt đẹp của nó, nội dung cách mạng của anh em sinh viên. Vị đại diện của Bộ nói là “xuống không phải để phản kích anh em” (?) nhưng qua câu chuyện anh em thấy Bộ đã hiểu lầm anh em và có ý cho những buổi đấu tranh phê bình lãnh đạo và đảng viên của anh em như là những sự khủng bố của Pháp thời trước. Như vậy, Bộ vẫn cho rằng những đảng viên sai lầm là tốt (?) thì những người sai lầm nhỏ ở các cơ quan, sai lầm lớn ở đợt 5 Cải cách ruộng đất cũng nên tha thứ hay sao? Bộ đã quan niệm rằng những sự thẳng thắn và thành khẩn phê bình xây dựng đảng viên và cán bộ của anh em đều có tính cách như là chống lại Đảng, chống lại lãnh đạo. Chúng tôi thấy như vậy là Bộ đã quan niệm tính vấn đề, không nắm vững thực tế và Bộ đã quên rằng nói chung xã hội trong chế độ Dân chủ Cộng hoà ngày nay khác hẳn với nội dung xã hội hồi Pháp thuộc.

Ở đây chúng tôi không nhắc lại sự biết ơn vô cùng rộng lớn của chúng tôi đối với Đảng từ trước đến nay và những sự hy sinh cao quý, dũng cảm của các lãnh tụ Đảng cũng như các đồng chí đảng viên; nhưng chúng tôi nhắc lại rằng phong trào đấu tranh tư tưởng hiện nay không phải là một phong trào đơn thuần như một số người vẫn lầm tưởng là của một “lũ bất mãn, ảnh hưởng tư tưởng tư sản v.v… mà là một vấn đề lớn trong quy luật phát triển của xã hội. Nó là vấn đề mâu thuẫn để đi đến thống nhất giữa hai yếu tố là lực lượng sản xuất và những tàn tích rơi rớt của chế độ cũ.

Nhưng anh em vẫn tin tưởng, vẫn chờ ở một cấp cao hơn, ở Chính phủ, ở Trung ương Đảng, một thái độ, một cách giải quyết đối với các yêu cầu chính đáng của sinh viên.

Đến lúc lại phải nói một lần nữa: tiếng nói của gần 500 con người, gần 500 sinh viên, gần 500 cán bộ tương lai có lẽ còn bé quá chăng; hay là vì đi qua nhiều lớp trung gian, tiếng nói của nó đã mất phần hiệu lực? Hiện nay vẫn chưa thấy một điều gì thay đổi, mà trái lại trên Bộ còn giữ thái độ khuyến khích, che chở cho những người sai lầm là khác nữa.


Những bí thư chi bộ Đảng

Khi bí thư chi bộ nhà trường còn là một ông quan toà, là ông “Nguyệt lão” có thẩm quyền thu xếp tương lai và định đoạt tình duyên của sinh viên của sinh viên thì sinh viên phải còn là những người nô lệ.

Làm thế nào mà nói thật được khi: một lối giải quyết, một lời nói, một cái nhìn, một nụ cười, một bước đi, một cái vẫy tay của một người lại làm cho mọi người quan tâm, phục tòng. Thay mặt Đảng truyền những chính sách cho sinh viên, cải tạo, giáo dục sinh viên, bí thư chi bộ thật vô cùng quan trọng! Vì thế, tuy cũng là sinh viên, sống giữa sinh viên nhưng anh bí thư chi bộ là một ông thần. Đó là Nam tào Bắc đẩu của trường đại học. Ngài ban ân cho ai thì kẻ ấy được nhờ, ngài tác oán cho ai thì kẻ ấy chịu hạn.

Chúng tôi chống đối lại hoàn toàn lối báo cáo riêng tư, thiên vị, độc đoán, lối báo cáo “thành kiến” của một số đảng viên lãnh đạo, về quần chúng với cấp trên. Lối báo cáo này rất tai hại vì những kẻ luồn cúi, nịnh hót, bỏ hẳn giá trị con người mình “nô lệ” cho cấp trên thì được khen này nọ, trái lại những người thấy cấp lãnh đạo làm sai phê bình lại, hoặc có phản ứng thì bị ghi vào “sổ đen”. Tình trạng đó xẩy ra ở trường đại học thì sinh viên có phản ứng không còn là con người nữa. Họ trở thành những người “người xấu nhất xã hội” và được đội đủ thứ mũ. Dẫn chứng: xin xem lý lịch của sinh viên văn khoa và sư phạm văn vừa tốt nghiệp (7-1956) được phê phán.

Chúng tôi đề nghị lật ngược lại lối báo cáo ấy, và đã làm việc dựa trên tập thể thì phê phán lý lịch cũng phải có ý kiến tập thể, không thể một người nào đó phê phán được.

Vấn đề bình bầu cũng vậy. Trải qua hai năm học, bị lừa dối bất công trong vấn đề bình bầu của nhà trường, chúng tôi đề nghị: bỏ bình bầu cuối năm.

Bình bầu dựa trên 3 tiêu chuẩn: tư tưởng đạo đức, công tác và học tập. Mà đã là sinh viên thì học tập là chính. Thế nhưng lúc bình bầu học tập chỉ là một tiêu chuẩn phụ. Hai tiêu chuẩn kia được đề cao và tất nhiên là chỉ có đảng viên và bí thư là có, vì mọi công tác trong trường họ đều nắm, hơn nữa họ là đảng viên thì tư tưởng đạo đức phải “cao” (xin xem tập ghi những buổi phát động tư tưởng của sinh viên ba năm I, II và III hồi tháng 8 và tháng 9-1956).

Trong vấn đề báo cáo riêng và vấn đề bình bầu người bí thư chi bộ quyết định tất cả. Vì vậy khi bình sinh viên gương mẫu thì phi ngài bí thư ra không ai vào đấy nữa (Nguyễn Duy Bình tự bầu mình là gương mẫu cùng với đảng viên, thật tình là ở tổ và toán quần chúng không có ai bầu anh ta cả). Nhưng quần chúng không chịu cái thứ làm tấm gương cho quần chúng soi vào. Quần chúng bèn hạ bệ ngài xuống chỉ cho ngài thấy: ngài ghẻ lở và bệnh tật quá nhiều (xin xem bản kiểm thảo), cần phải sửa chữa đi, đừng hách dịch nữa, đừng doạ nạt nữa, đừng khinh quần chúng nữa, đừng xa quần chúng nữa… Cái ông “ngài” đó trong trường Đại học Sư phạm Văn khoa vừa rồi là Nguyễn Duy Bình, bí thư chi bộ (dưới sự lãnh đạo của giáo sư Trần Văn Giầu).

Làm thế nào Đảng hiểu được quần chúng qua những tay trung gian như thế, hiểu được phong trào qua các cuộc bình bầu và báo cáo vô nghĩa như thế.

Trong học đường người sinh viên gương mẫu phải là người trước hết cố gắng học tập, có công trình nghiên cứu, sáng tạo, biết giúp đỡ và học hỏi bạn bè thành khẩn. Đó là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá sinh viên, đó là sự thể hiện đạo đức, tư cách của họ, biểu hiện tinh thần trách nhiệm của họ đối với Đảng, với cách mạng.

Những sinh viên có chút ít bản sắc đều bị thành kiến xấu, còn những sinh viên đảng viên lại được coi như là gương mẫu… Đó là những điều sai lầm mà chúng ta đã mắc phải. Nhiều khi chúng tôi tiêu cực nghĩ rằng bình bầu cuối năm làm gì nữa, sao không bầu đi từ đầu năm có được không.


Chính sách đối với người thanh niên tri thức

Người sinh viên khi ở trường thì như thế, khi ra khỏi trường được đối xử như thế nào?

Ai cũng biết, năm nay có hơn 100 sinh viên hai trường sư phạm văn khoa và khoa học tốt nghiệp (tính cả Đại học Văn khoa). Hầu hết đều đi dạy. Chính sách đối với thầy giáo của Thủ tướng Phủ cũng đã làm họ phấn khởi phần nào! Nhưng tiếc thay, một chính sách quan trọng như thế mà được cán bộ các cơ quan, nhân dân các nơi ít ai biết đến, ít ai được học tập. Chính sách đối với thầy giáo lại trở về với thầy giáo! Nhưng nếu Thủ tướng Phủ hay Bộ Giáo dục có đưa chính sách đối với thầy giáo gì nữa thì đó cũng chỉ là tiếng vang hình thức mà chưa có nội dung đúng mức.

Sau 3 năm học ở trường đại học, người sinh viên tốt nghiệp chỉ được xếp vào bậc 8 kỹ thuật! Bậc đó thấp quá đối với một cán bộ chuyên môn tốt nghiệp đại học. Chúng tôi cho rằng dạy mới là thực chất của cách đối xử, thực chất của quan niệm về nghề thầy giáo. (Nói đề cao, đề cao cái gì?) Chúng tôi không muốn nghe mãi những tiếng “quang vinh”, vì bất cứ nghề gì xây dựng Tổ quốc mà không quang vinh

Nhân đây chúng tôi có một thắc mắc về chính sách đối với người thanh niên trí thức:

Trong kỳ thi tuyển lựa sinh viên vào đại học niên khoá 1956–1957, sự chiếu cố rộng rãi của Chính phủ và Bộ Giáo dục đối với một số anh chị em cán bộ cũng như bộ đội chuyển ngành được về đại học đã làm cho chúng tôi vô cùng phấn khởi. Nhưng giữa tiếng cười chan hoà, vui vẻ của người sinh viên mới vào trường, ai cũng thắc mắc vì sao anh Phùng Quán không được chiếu cố thu nhận vào Văn khoa?

Đó là một thắc mắc chung của tất cả chúng tôi. Nếu có những sự chiếu cố, ưu tiên thì anh Phùng Quán chắc cũng phải là người nằm trong phạm vi một sự chiếu cố, ưu tiên nào đó.

Trước hết chúng tôi đặt vấn đề số điểm kỳ thi: 66 điểm thì đỗ. Anh Phùng Quán được 64 điểm. Hội đồng Giám khảo đã đồng ý với anh. Nhưng Vụ Đại học (hay Bộ Giáo dục?) đã bất chấp ý kiến của Hội đồng Giám khảo và gạt tên anh Quán trong số những người được vớt.

Chúng tôi thấy rằng sự gạt bỏ anh Phùng Quán là hẹp hòi: 1) Anh Quán đã được Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng ý và giới thiệu cho anh đi học với sự đài thọ của bộ đội và toàn thể anh em bộ đội đều hy vọng và tin tưởng ở khả năng anh Quán sau này ra phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội lại; 2) Anh Quán là một cán bộ văn nghệ đã có tác phẩm giá trị, đặc biệt là cuốn Vượt Côn Đảo và đã đóng góp ít nhiều trong sự nghiệp xây dựng văn học nước nhà; 3) Anh Quán là một thanh niên quân nhân cách mạng từ kháng chiến về, đã qua sự giáo huấn rèn luyện của Đảng và của bộ đội, cho nên sự thu nhận anh Quán vào đại học là một điều rất hợp lý, nhân dân không ai phản đối mà quần chúng sinh viên càng thêm vui mừng đón người bạn thân mến của họ.

Nếu anh Phùng Quán trong kỳ thi quá kém điểm thì không thành vấn đề, đây anh chỉ thiếu 2 điểm và đã được Hội đồng Giám khảo đồng ý. Tại sao lại có một sự hẹp hòi, khe khắt như vậy?

Chúng tôi tha thiết trình bày lên Vụ Đại học và Bộ Giáo dục, trình bày lên Thủ tướng Phủ là không nên vì thành kiến vô lý của một số người mà lấy trách nhiệm của Bộ Giáo dục che đậy một việc bất công, gạt anh Quán ra ngoài con đường học tập mà anh đang cố gắng vươn lên để phục vụ nhân dân đắc lực hơn. Vừa rồi đây trong mọi ngành đại học, Bộ đã vớt hàng trăm người thi hỏng (193 học sinh tú tài thi hỏng v.v…)

Nếu quả thật Chính phủ muốn những người con ưu tú của dân tộc thì chúng tôi đề nghị xét lại vấn đề anh Phùng Quán.

Nếu quả thật Chính phủ có chiếu cố đến những người công dân có công với cách mạng, với dân tộc thì anh Phùng Quán là một trong những người trước nhất được chiếu cố.

Nếu quả thật Chính phủ biết ơn những người quân nhân đã hy sinh, chịu đựng gian khổ, chiến đấu anh dũng cho nền độc lập nước nhà thì chúng tôi mong anh Phùng Quán được thu nhận vào đại học.

Sự thu nhận anh Quán vào đại học càng chứng tỏ thái độ nhiệt tình và rộng rãi của Chính phủ đối với những người thanh niên trí thức.

Trên đây mới chỉ là một phần sự thật. Thực tế còn phong phú hơn nhiều.

Người thanh niên trí thức mới nhớn lên rất phấn khởi trước chủ trương rộng rãi của Chính phủ và Đảng, phát động phong trào tư tưởng cho nói hết nỗi thắc mắc, tiếng thì thầm của mình. Chúng tôi mong rằng trên đường tiến triển của xã hội, từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội, sự việc quan trọng nhất là phải nhìn vào thực tế xã hội mà nhận định mọi phong trào - mỗi giai đoạn một khác cứ không nên dựa vào một số ý kiến chủ quan hay thiển cận nào đó mà chỉ nhìn, hay cố ý nhìn, một cách hời hợt “mặt trên” của phong trào. Mọi hiện tượng xuất hiện trong xã hội đều có mâu thuẫn với nhau, đấu tranh với nhau để đi đến sự thống nhất. Chúng ta phải dũng cảm nhìn thẳng tới trước, đem tri thức và khả năng của mình chinh phục chế độ, đấu tranh cho cách mạng, làm cho những tổ chức mới phù hợp, tiến song song với đà phát triển mạnh mẽ của những lực lượng sản xuất vừa được giải phóng.

Muốn thế, không có gì hơn là Chính phủ nhìn sâu vào nhân dân, Trung ương để cho quần chúng lên tiếng, nói hết ý nghĩ của mình. Không nên nhận định phong trào đấu tranh tư tưởng hiện nay qua vài “ý kiến cảm tình” của một số người nào đó. Nhận định phong trào phải thực sự nắm được nội dung phong trào, đó mới là người mác–xít chân chính. Chúng tôi xây dựng một số cán bộ lãnh đạo trực tiếp chúng tôi là với ý nghĩa chân thành và tha thiết đó. Chúng tôi, lúc này hơn lúc nào hết, vô cùng biết ơn Đảng đã giải phóng con người chúng tôi, mở đường cho xã hội ta tiến tới. Chúng tôi nguyện thi hành đúng chủ trương, chính sách của Chính phủ và của Đảng, một lòng tin tưởng gang thép vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cho nên chúng tôi đã phấn khởi và mạnh dạn nói hết tất cả thắc mắc của chúng tôi. Câu nói sau đây của Mao Chủ tịch cũng là một lời khuyến khích chúng tôi: “Đã biết thì phải nói, đã nói phải nói cho hết lời. Người nói không có lỗi, người nghe lấy đó răn mình”.

Hà Nội 10–1958


*


Dương Viết Á
Những bóng mây đen đã bay qua
Chúng ta hãy giữ lấy ánh sáng mới

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” đó là một câu tục ngữ của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Hôm nay, chúng ta sống thoải mái và dễ chịu hơn. Chúng ta đã dám nói lên những tình cảm sâu sắc và chân thành của con người nhưng ta hãy nhớ lại, cách đây không xa lắm; chỉ mấy tháng thôi, đó là một thời nếu không phải là đen tối thì cũng u ám, nghẹt thở tôi chỉ muốn nói riêng trong phạm vi sinh viên.

Đó là một thời mà sự lãnh đạo độc đoán đã biến con người thành những que gỗ khô cằn, những lời đe doạ đã làm cho mọi người phấp phỏng lo âu, bệnh hẹp hòi đã hạn chế tài năng, óc sùng bái cá nhân làm cho một số người mất cả nhân cách.

Thời ấy không xa đây lắm. Đó là niên khoá vừa qua (55–56).

Đó là thời mà nam nữ chuyện trò với nhau thì người ta bảo là lãng mạn, chải đầu cho thẳng, bận quần áo lịch sự bị coi là tư sản hoá!

Đó là một thời tình bạn bị chia rẽ, tình yêu bị ngăn cấm. Có những đôi bạn thiết cốt, chí thân thì người ta gán cho là: họp nhau để phá hoại tổ chức. Thế rồi họ bị chia ra ở hai tổ, phân công ra ở hai phòng. Thậm chí có lúc đau ốm cũng không được săn sóc hỏi han. Có những đôi trẻ yêu nhau tha thiết, gần đến ngày cưới mà còn có những bàn tay len vào phá phách mối tình duyên đang nồng cháy.

Đó là một thời mà học phải định giờ như một chiếc máy, nghiên cứu ngoài giáo trình thì bị coi là thừa, không tuân thủ tổ chức.

Trong niên khoá vừa qua, những trò giả dối trong kỳ cải tạo 51, 52 là những đầu đề vui cười của chúng tôi, nhưng cũng ngay trong niên khoá vừa qua không thiếu gì những nhân vật đóng kịch khá lố bịch.

Niên khoá vừa qua, đó là một tấn bi hài kịch.

Bi kịch vì có biết bao nhiêu bạn đã uất ức, chán nản, buồn rầu. Có người đã phẫn chí và viết thư tuyệt mệnh chuẩn bị tự vẫn. Có người chán nản thực tế chua xót đó đã đi tìm nguồn vui ở phố xá, ở sinh hoạt, nhân dân hay ở những tà áo. Có những buổi tối, sau bữa cơm chiều, họ đi lang thang hằng cây số để tìm lấy nguồn vui. Cũng có bạn vùi đầu vào sách vở nghiên cứu, và họ tin vào sức đóng góp của họ mai sau, khi ra khỏi trường.

Hài kịch, vì có những con người cầu cạnh qụy lụy, giống đúc như những vai nịnh thần trong các pho sách cổ. Vì có bạn ăn 300 bạc xôi và được quy là tư sản.

Hài kịch vì nhà trường, chi hội không phải là giáo đường ấy thế mà có ông “cố đạo’’ bắt con chiên chưa hề đi lễ bao giờ phải xưng tội trong phòng kín. [5]

Nhưng thời ấy đã qua rồi. Luồng gió tự do đã đánh bạt những bóng mây đen tối và cuốn tung những rác rưởi.

Từ lâu chúng tôi đã chờ đợi ngày mà chúng tôi mệnh danh là ngày lịch sử đó – ngày phát huy tự do tư tưởng: chờ hơn cả con mong mẹ về chợ, hơn cả lúa bị hạn mong mưa.

Có bạn đã nói đây là ngày phát động dân cày. Nói vậy cũng hơi quá, nhưng cũng có phần đúng. Chúng tôi không có ruộng nhưng ruộng của chúng tôi là những trang sách, chúng tôi không có cày nhưng cày chúng tôi là ngòi bút, chúng tôi không bị địa chủ bóc lột nhưng bị những người chèn ép tài tình, áp bức về mặt tinh thần và óc sáng tạo.

Mấy hôm phát huy tự do tư tưởng là những ngày Tết của chúng tôi.

Tết đến, chúng tôi mới chỉ có những niềm vui hời hợt bên ngoài. Hôm ấy, tâm hồn chúng tôi mới thật được cởi mở.

Cùng bữa cơm hàng ngày nhưng chúng tôi ăn ngon miệng và đậm đà hơn. Cũng bầu trời ấy nhưng không khí sao mà khoan khoái nhẹ nhàng đến thế! Cũng những người bạn sinh viên cùng lớp cùng trường ấy nhưng chúng tôi cảm thấy hiểu nhau và thân mật hơn. Chúng tôi cảm thấy yêu đời và tin tưởng vào tương lai nhiều hơn.

Chúng tôi thấy mình lớn lên và tất cả cũng đang lớn lên. Chưa ra đời những chúng tôi cũng đã có một phần nào lịch lãm về cuộc đời.

Phong trào tự do tư tưởng như một ngọn gió lốc xua tan những bóng mây hắc ám đè trĩu lên mọi người. Cơn gió lốc đó đang cuồn cuộn trên khắp thế giới từ Đông sang Tây, từ Âu đến Á.

Có những bóng đen đang lăm le quay lại, có những rác rưởi còn ẩn náu dưới chân những dãy tràng thành. Chúng ta hãy cùng nhau góp sức, kẻ có mũ, người có sách, anh có cặp, chị có nón, hãy quạt lên cho gió lốc thêm mạnh, giúp cho gió lốc đổi chiều thổi tan những bóng đen và rác rưởi.

Một tay chúng ta quạt cho gió lớn lên, một tay, chúng ta cúi xuống, đỡ lấy những cành hoa tươi tốt mới nở. Chúng ta hãy xua tan những ngày hắc ám và giữ lấy những ánh sáng mới huy hoàng.


*


Nguyễn Bao
Chỉ một mà thôi!

Người yêu có trăm ngàn ánh mắt
Ngày đêm nhìn vào cuộc đời.
Người yêu có trăm ngàn nụ cười
Hoà cùng bạn trai, bạn gái…

Có một đêm cầm tay em anh nói:
“Tất cả trăm ngàn là của riêng anh!”
“Không!”
Anh muốn người yêu chỉ phải để dành
Một ánh mắt
Một nụ cười.
Không phải trăm ngàn
Chỉ một mà thôi !

Nhưng với anh trăm ngàn lần quý giá
Không thể nào còn tìm thấy ở một ai!
Và anh cấm em anh lầm lỡ
Đem của anh gửi một người ngoài!

Người yêu có trăm ngàn ánh mắt
Ngày đêm nhìn vào cuộc đời.
Người yêu có trăm ngàn nụ cười
Hoà cùng bạn trai, bạn gái.

“Em nhớ rồi!”
“Nhưng mà anh nhắc lại:
Chỉ phải dành cho anh một mà thôi!”

3–56


*


Nguyễn Bao
Đôi ta

Đôi ta:
Hai dòng suối nhỏ
Thật trong
Trôi sát bên nhau
Ngân nga trong nắng rừng sâu,
Róc rách, thầm thì to nhỏ.

Nhưng không chỉ lượn quanh khe đá
Âm thầm
quãng vắng rừng dầy!
Chúng ta nắm chặt lấy tay
Ào ào chảy ra Cuộc Sống!

Đời là dòng sông lớn rộng
Len vào hai ngọn suối trong
Ta đem cả tấm lòng
Hoà vào cuộc đời đang hát!

Ra giữa bể khơi rào rạt
Đôi ta vẫn chảy một dòng
Góp vào cuộc đời tươi đẹp
Ta cùng một tiếng hát trong!



[1]Theo buổi kiểm thảo đấu tranh xây dựng của sinh viên S.P.V.K. III vừa tốt nghiệp, ngày 18-8-1955 ở Khu III
[2]Theo buổi kiểm thảo đấu tranh của sinh viên III, như đã chú thích
[3]Có những việc đồi bại khác, những việc lơi dụng khác chúng tôi không nói lên ở đây. Tìm xem biên bản đấu tranh của sinh viên hồi tháng 8 tháng 9 thì rõ.
[4]Hồi đó ông Hoàng Văn Hoan đại diện Chính phủ vào khu Bốn kiểm tra trong những buổi nói chuyện với đồng bào, cũng phản đối kịch liệt những vụ tra tấn ấy.
[5]Những sự việc trên đều đã được nói lên phần nào trong tập này.
Nguồn: Đất má»›i, Tập I, Chuyện sinh viên, Minh Đức xuất bản. In tại nhà in Hiến Nam Hà Ná»™i – Minh Đức. In bìa số 420, số X. BKSĐ: 52. Hoàn thành 10–11–1956. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.