trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
5.10.2008
Việt Hải

Thưa ông Trương Công Khanh,

1. Tôi đồ rằng tiền nhân xưa chắc phải ôm bụng mà cười khi biết hậu thế cho rằng họ đua chen nhau vì một thể chế chính trị chân độc tài nào đó. Bởi đơn giản thời đó ở ta chưa ai phân biệt thế nào là độc tài hay dân chủ. Cách mà tôi nôm na gọi chân – ngụy là muốn chỉ ra phần nào sự khác biệt chỉ về mặt ngôn từ giữa phong kiến xưa và cộng sản nay ở Việt Nam cũng như lý do sự tồn tại được xem là chính đáng của một triều đại phong kiến. Với cộng sản, chính họ cũng không thừa nhận lý do này đối với họ.
 
Xin khẳng định thêm một lần nữa, niềm tin về Thiên mệnh trong thể chế chính trị quân chủ là cái quy tụ con người giúp vua trị nước, chứ không phải là một cái độc tài xa lạ nào đó đối với người xưa, dù rằng lúc này có người xem chúng là một.

Tôi cảm ơn ông Trương đã bổ sung thêm cho lập luận của tôi khi đề cập thêm về nhân luân và chữ trung. Theo tôi, nhân luân và  trung đạo ở đây cũng thuộc nội hàm Thiên mệnh. Thiên-Nhân trong Do Thái giáo và Ki-tô giáo là mối tương quan giữa hai ngã vị. Trong các Thánh vịnh, Chủ thể và đối thể là Ngươi – Ta nếu được thay bằng Em - Tôi thì đối đáp, tự sự của họ có khi là những lời yêu đương lã lướt, nỉ non hay có khi là ghen hờn, trách cứ của hai người đang yêu. Lời kinh nguyện của Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su là tiếng lòng nàng trinh nữ với đấng Tình Quân của mình. Dù không hoàn toàn giống thế, trong tâm thức người Việt chúng ta vẫn hiện hữu một ông Trời là đứng quan phòng (có khi như là hiện thân qua) những quy luật tự nhiên như: nắng, mưa, gió, bão hoac quy luật nhân sinh nhân sinh như “ở hiền( ắt) gặp lành”,  hay là một vị Thần giàu đức hiếu sinh không phụ lòng người. Do vậy, một vị vua được giao phó cho Thiên mệnh “chăn dân” dĩ nhiên không phải để vô cớ muốn… “thịt dân” là “thịt”. Điều này chắc hẳn là nhân luân mà ông Trương muốn nhắn tới. Một vị vua không còn nhân luân thì được tin là Thiên mệnh ắt cũng không còn. Xưa kia, gặp những lúc tai ương gieo rắc trong vương quốc, các vị quân vương (ngoại trừ hôn quân, bạo chúa) thường lo lắng, kinh sợ, phải gẫm lại mình xem đã gây nên lầm lỗi gì khiến cho đất trời nổi giận... Hay những điềm lành, bốn bể thái hòa được xem như là dấu chỉ hài lòng của Thiên Đế đối với những cố gắng của vịu quân vương cho bá tánh. Vậy, nên cùng đích lý tưởng của người xưa không chỉ là bình thiên hạ mà còn là thái hòa vũ trụ, đưa thiên hạ trở về một thời Nghiêu - Thuấn thuở nào. Vậy nên, trung đạo ngày xưa không chỉ là trung với vua mà là trung với lý tưởng mình phụng sự. Ông Trương có sự nhầm lẫn giữa chữ trung ngày xưa với chữ trung ngày nay chăng?  
 
2. Người ta có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng“. Sự thật chẳng phải lúc nào cũng dễ chịu, chẳng phải ai ai cũng thích. Nhưng không có sự thật (Chân) thì sao có tín thành? Không có tín thành sao an vui sống được với nhau? Xin thử lấy một thí dụ xem câu nhận định của tôi “chỉ cần thay thế Ngụy bằng Chân là mọi chuyện sẽ ổn” có đáng để ông Trương bỡn cợt hay không? Ai cũng biết nước Việt Nam có quốc hội Việt Nam. Người đại biểu Quốc hội đã được bầu bán ra làm sao, thành phần đại biểu Quốc hội gồm những ai chưa cần bàn đến. Chỉ xin một sự thật rất khiêm tốn nhưng thiêng liêng: mọi quyền hành của Quốc hội đã được Hiến định là thực quyền - không một ai được phép can thiệp vào quyền quốc hội, biến Quốc hội thành đám tuồng, con rối. Mọi điều khác ngăn trở quyền Hiến định của Quốc hội đều phải bị bãi bỏ. Để rồi xem đất nước mình có khá hơn không? Tham nhũng có bớt đi không? Người dân mình có vẻ vang, tự tin hơn không?

3. Tôi thành thật chia sẻ sự tâm đắc của mình với đề nghị của ông Trương Công Khanh về minh triết vô vi của Lão Tử.

Tôi cũng mong sao những nhà kinh bang tế thế để xã hội tự vận hành theo quy lật của nó. Hãy để như nước nước tự nhiên qua cầu, đừng ai can thiệp vào những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người chắc cũng không ngoài minh triết vô vi vậy. Những quyền căn bản, tối thiểu như được lên tiếng, được viết, được tự do trao đổi thông tin phải được bảo đảm còn hơn là một thứ ổn định ngục tù khi những thứ ấy bị tước đoạt. Nếu không thế chẳng lẽ Lão Tử viết đạo đức kinh với minh triết vô vi chỉ để dạy người ta cách nuôi heo sao?
 
Không đề cao “người hiền” khiến dân không tranh giành nhau quả có lý. Thậm chí, đề cao “người hiền” có khi còn làm hư họ. Tôi đồ rằng, người hiền cũng chẳng ham được đề cao, chỉ mong được cư xử một cách công bằng, đúng mực.
 
3. Một đặc điểm trong tranh biện mà tôi nhận ra nơi ông Trương là sự đánh đồng giữa so sánh định lượng và định tính. Một bên người ta đang bàn về mức độ biểu hiện của một tính chất thì ông Trương thường lấp liếm bằng cách chỉ nêu lên những đối tượng có tính chất ấy. Theo ông Trương thì Việt Nam và Mỹ đều có tham nhũng, đều có dối trá, đều có triệu phú nên chẳng có vấn đề gì phải bàn nữa. Điều đó chẳng khác gì trong khi người khác đang quan ngại cho một cơ thể bị kiệt quệ vì nhiễm giun sán đầy bụng, thì mình lại lấp liếm rằng: giun sán thì cơ thể nào cũng có.

Qua việc lấy sự bất ổn tạm thời của Thái Lan để so sánh với Việt Nam tôi đồ rằng ông Trương biết không nhiều về hiện tình đất nước. Khác với ông Trương, dân vùng quê tôi ngay thời điểm này nhiều người không chê Thái. Hôm trước liên lạc về quê, nghe người nhà than rằng vật giá leo thang, cái gì cũng đắt. Tôi có nói rằng, dù sao nguồn lợi hải sản dồi dào,  con nục, con trích ở nhà mình còn rẻ, người lao động còn có thể chi trả được. Người thân của tôi nói lại, không biết được bao lâu như thế nữa. Bây giờ, giá dầu quá đắt, nhiều người xếp ngư cụ, bỏ biển, qua Thái, Lào kiếm sống nhiều quá đi.
 
Nhân bài viết của ông Nguyễn Mai Sơn, tôi xin góp thêm vài nhận định:
 
1. Cá nhân tôi nhận thấy chính quyền nhà nước bằng thủ đoạn truyền thông xuyên tạc, chụp mũ hòng lên án, triệt hạ uy tín Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội ít nhiều đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của nó đôi khi ta cần phải tính đến. Vấn đề kiểm soát xuất nhập cảnh giữa các quốc gia phần nào nói lên vị thế tương quan giữa họ. Nó là một vấn đề ngoại giao khá tế nhị của chính quyền nhà nước. Khi tin tức về sự kiện Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt bị chính quyền Việt Nam cảnh cáo, bị “công luận” lên án “phỉ báng dân tộc”, được cơ quan truyền thông quốc tế lan truyền cùng với nguồn cơn của nó có thể là dịp  khiến nhiều người phải suy nghĩ. Nó có thể gợi lại cho người ta: bao người trong các đoàn cán bộ, nhân viên người Việt Nam đã “quên lối về” trong một dịp công tác ở nước ngoài nào đó. Bao vị khách du lịch người Việt tỏ ra phong lưu, trưởng giả sang nước họ thế mà cũng trở thành “bóng chim, tắm cá”? Đến mức, có những anh tài thể thao Việt Nam được chọn ra nước ngoài thi đấu, một khi có cơ hội khả dĩ là “mất tích” khỏi đoàn. Với những sự thể như vậy, nếu nhân viên kiểm soát nước ngoài có soi xét gắt gao từng người Việt nhập cảnh vô nước họ âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cảm giác của người bị soi xét ra sao chắc không ai giống ai, còn tùy thuộc vào thái độ chân thành và lòng tự trọng của họ nữa.

Tôi nghĩ, những phát biểu trong cuộc họp riêng với chính quyền Hà Nội của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt là thể hiện thành thật nỗi lòng của ngài với các vị đứng đầu chính quyền. Sự kiện ngài trở nên nổi tiếng chẳng qua là một tai nạn không hề mong muốn đối cá nhân ngài. Kẻ “lăng xê” ngài lên nay lại đổ thừa trách nhiệm cho ngài quả là không công bằng tý nào. Các vị tu sĩ ghi hình trong cuộc họp với chính quyền chắc không phải để giữ làm kỉ niệm, nhưng thể hiện một sự cảnh giác cần thiết theo kinh nghiệm đã dạy họ. Và điều đó quả không thừa. Với những gì đã xảy ra, tôi nghĩ những người có quyền lợi trách nhiệm nơi giáo xứ Thái Hà cần phải cảnh giác cao độ hơn nữa. Nếu họ đã nhận được 4 văn bản pháp lý có cùng một nội dung từ cơ quan chuyên trách nhà nước thì có thể ít nhất 3 trong 4 giấy tờ kia là ngụy tạo, đáng chú ý nhất là tờ văn bản được soạn trong thập niên 60 của thế kỷ trước bằng font chữ Microsoft Word. Thiếu cẩn thận biết đâu họ còn phải lãnh trách nhiệm không chịu giao nộp bằng chứng tội phạm.

2. Thật nực cười, ngay khi vừa nổ ra tranh chấp tôi từng nghĩ: biết đâu nhờ dịp này phía đảng còn là vị thế người cầm quyền, có đủ bản lĩnh sẽ  thành tâm ngồi lại với các tổ chức, đoàn thể cùng nhau khắc phục di sản một thời của cộng sản để lại. Bởi, vấn đề này, cũng như ở nhiều nước khác, trước hay sau gì cũng phải giải quyết mà thôi. Về phía Giáo hội Công giáo, theo tôi, đòi hỏi của họ cũng không có gì thái quá. Rất nhiều cơ sở của họ đã bị tịch thu dùng cho mục đích chung thì họ đâu đòi hỏi. Chỉ những nơi của họ đã bị bỏ hoang và họ cho rằng nhà nước không có tài liệu pháp lý đủ mạnh để vô hiệu lực được các bằng chứng sở hữu tài sản của họ, lại hay tin sắp bị tư nhân hóa thì họ phải lên tiếng thôi. Nay do áp lực, không tư nhân hóa được thì ta quốc hữu hóa.

3. Về phê phán truyền thông Công giáo một cách chung chung cho vụ việc Thái Hà, Tòa Khâm sứ của ông Nguyễn Mai Sơn theo tôi là không thỏa đáng. Ông Sơn nên biết rằng: khác với truyền thông quốc nội chịu sự quản lý một cách chặt chẽ của nhà nước, truyền thông Công giáo ở hải ngoại không hề chịu bất kỳ sự quản lý của ai ngoài chính họ, nên một vấn đề có thể được họ nhìn nhận qua nhiều lăng kính khác nhau mà không nhất thiết phản ánh quan điểm của những người có trách nhiệm với sự vụ.