trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
9.2.2005
Phan Bình Minh
Dùng công luận giả chống lại công luận thật
 
Định nghĩa tóm tắt:

  1. Công luận là những quan điểm công khai hướng đến công chúng được truyền đạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (như sách, báo chí, truyền thanh, truyền hình, cũng như các hình thức khác) mà về nguyên tắc ai cũng có thể tiếp cận được. Công luận bao gồm cả quan điểm chính thống của nhà nước cũng như những luồng quan điểm khác. Giống như dư luận, công luận có tính ảnh hưởng.

  2. Quan điểm của một cá nhân tuyên bố với tư cách cá nhân, dù được tuyên bố công khai nhưng không nhằm thuyết phục người khác (một cách có ý thức) thì không thể gọi là công luận được.

  3. Dư luận là những quan điểm (vì điều kiện này hay khác) không được thể hiện công khai. Dư luận cũng hướng đến chỗ tác động lên đại chúng, nhưng bằng con đường không công khai. Một dư luận ra đời vì nhiều lý do: để chống lại những quan điểm chính thống mang tính áp đặt, cũng có thể là do một lực lượng nào đó chủ động tạo ra để tác động đến công luận (về trường hợp thứ hai xem bài "Hội thảo "ảo" tạo ra "dư luận ảo" của Phan Bình Minh trên talawas ngày 29/01/2005).


Một vài nhận xét:

  1. Không thể đồng nhất công luận và dư luận với quan điểm của đa số. Ngay bản thân khái niệm công luận và dư luận không nhất thiết phải thống nhất theo một hướng, có thể tồn tại nhiều luồng dư luận, cũng như có sự chia rẽ của công luận xung quanh một vấn đề.

  2. Mặc dù người lãnh đạo nào cũng cần có được sự ủng hộ của đa số, nhưng việc lấy quan điểm của đa số làm chuẩn không phải lúc nào cũng đúng. Trong nhiều xã hội, sự độc tài dựa trên sự khuất phục và im lặng của đa số, vì thể các xã hội dân chủ rất chú ý đến tác dụng tiêu cực của đa số, khi đưa ra cách gọi "bạo chúa của số đông". Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thường nhắc nhở người lãnh đạo trước tật xấu chạy "theo đuôi quần chúng".

  3. Trong đoạn phát biểu rất ngắn dưới đây, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã dùng đến 6 lần từ “xã hội". Xã hội theo như cách dùng của ông Phạm Gia Khiêm là một thực thể biết suy nghĩ, có quan điểm. Từ “xã hội" ở đây rẩt gần với “công luận xã hội", được coi như một thực thể đồng nhất, có một quan điểm gần như là duy nhất về một vấn đề. Cách hiểu về xã hội như một thực thể đồng nhất, có một quan điểm thống nhất này đã bị các thành tựu khoa học xã hội vượt qua từ lâu, bởi nhược điểm rất lớn của nó là qui tất cả các quan điểm khác nhau vào trong một quan điểm duy nhất. Không những thế, lại còn trùm một quan điểm duy nhất lên trên tất cả.

  4. Đồng nhất một số khó khăn của các cá nhân gặp phải trong quá trình học hỏi cách thi trắc nghiệm (thực chất là các quan điểm cá nhân) với sự tồn tại cả một luồng dư luận phản đối lại việc thi trắc nghiệm là một hành động, nếu không phải cố ý, thì ít nhất cũng là sự thiếu hụt vốn kiến thức cơ bản. Tuyệt đối hoá luồng dư luận này thành tiếng nói của đa số, trong khi rõ ràng tồn tại mạnh mẽ tiếng nói của một công luận (xem chú thích 6) yêu cầu phải áp dụng một cách sớm sủa và có hiệu quả hình thức thi trắc nghiệm, là sự mạo danh một dư luận ("dư luận ảo" và dư luận thật) hòng lẩn tránh một công luận đích thực. [1]


Vai trò của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm

Sự việc Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm [2] bám riết vào quan niệm dư luận lên án sự thay đổi phương thức thi cử để chủ trì một Hội nghị biện minh cho sự trì hoãn các cải cách (cụ thể là việc bỏ kỳ thi trắc nghiệm trong đợt thi tuyển năm nay) [3] , một lần nữa lại thể hiện rõ một biện pháp ngày càng trở nên tiêu biểu của những người muốn dùng dư luận được coi là của số đông để che chắn cho những ý đồ của mình đối với những vấn đề liên quan đến quyền lợi của hàng triệu con người, đến đà tiến bộ chung của toàn xã hội.

"Thi cử là vấn đề nhạy cảm, mọi thay đổi đó không chỉ tác động đến học sinh, sinh viên, mà tác động đến cả xã hội, nên mọi sự thay đổi đều phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng. Nói như vậy không phải là chúng ta được bảo thủ, cái gì đáng thay đổi thì chúng ta thay đổi. Những gì không đáng phải thay đổi, mà ta cũng cứ thay đổi, đừng có nhất thiết mỗi năm thay đổi một lần. Xã hội lên án chúng ta rất nhiều về chuyện đó, nhất dạ sinh bá kế. Năm nay thay một cái, sang năm thay một cái, có những cái thay không cần thiết, có những cái làm (…) rất vội vã, không được kiểm nghiệm của xã hội. Khi xã hội thuần thục quen đó, thì ta bắt đầu ta làm. Cái đó không thể nào được sự đồng tình của nhân dân được. Làm gì chúng ta cũng thế, phải có dự lệnh, động lệnh rồi chúng ta mới hành động, bụp một cái ta làm luôn thì làm sao người ta chấp nhận được. Khi thay đổi một tập quán, thay đổi một suy nghĩ, chúng ta phải, không chỉ vấn đề kỹ thuật mà quyết định được, đó là mang tính chất tâm lý, tính chất thành thục của xã hội. Những gì chúng ta thấy quá bất hợp lý mới thay đổi, để tập trung sức lực, để nghiên cứu. Cho nên tôi nghĩ, trong cả tiến trình chúng ta phải rất chú ý đến yếu tố này, đừng có chúng ta nghĩ một cái, thấy lợi một cái, chưa được kiểm chứng, mà chúng ta làm ngay. Điều đó chắc chắn vấp phải sự phản ứng của xã hội ngay. Cái đó không cần thiết, tôi thấy hai tinh thần đó phải được quán triệt, trong suy nghĩ (???) của chúng ta." [4]

Ông Phạm Gia Khiêm là Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp về mảng văn hoá giáo dục, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quốc gia, hẳn ông thừa biết rằng để cấp dưới trực tiếp của mình tạo ra một tình trạng thế này thì ông ắt không thể là người vô can. Không một lời xin lỗi nào về việc Bộ GD-ĐT đã đưa ra một quyết định, mà sau đó vì không thực sự tích cực trong công tác tổ chức chuẩn bị, dẫn đến việc phải đưa ra quyết định mới để huỷ bỏ nó. Vẫn tiếp tục dòng độc thoại đầy tự tôn trong một lối ăn nói đã trở thành khuôn sáo: cấp trên (Phó Thủ tướng) đưa chỉ thị, cấp dưới (Bộ trưởng) [5] vâng dạ, vừa tiếp thu chỉ thị cấp trên, vừa tỏ ra lưu ý đầy đủ đến quan điểm của công luận trước khi đưa ra một cách hết sức mềm mại một quyết định. Thêm vào đó, hai cú hoả mù được tung ra đã che lấp đi dòng độc thoại tự tôn khuôn sáo này. Đó là việc cho điểm sàn trước kỳ thi, về bản chất nếu tiếp tục được áp dụng sẽ là một hành động mất trí vì tiếp tục gây ra khủng hoảng cho việc tuyển sinh ở các trường ngoài công lập, và việc buộc các trường Cao đẳng không được tổ chức thi, về cơ bản, sẽ bị chán ghét đến tột cùng vì tính chất độc đoán hồ đồ của nó.

"Dự kiến hủy một đợt thi CĐ thực ra là làm đại trà một chủ trương đã có từ khi bắt đầu phương thức tuyển sinh "ba chung", năm 2002. Khi đó, đã có quy định: các trường CĐ trên địa bàn Hà Nội và TP HCM không tổ chức thi mà xét tuyển. Hết một năm "thử nghiệm", lập tức, các trường CĐ "lớn" (vì lượng thí sinh đăng ký đông, chỉ tiêu nhiều) nhất quyết đòi "ra riêng" dù biết là phạm quy. Giả sử, năm nay Bộ có chủ trương không thi CĐ, thể nào cũng lại mất công mở ngoặc "trừ một số trường hợp đặc biệt" để giải quyết các trường hợp nhất quyết đòi "ra riêng".

Đến điểm sàn! Năm 2004, điểm sàn thực sự "có cũng như không" với phần lớn các trường ĐH. Nhưng là sự sống còn với thiểu số các trường ĐH ngoài công lập. Mà, thiểu số này thì đã được cẩn thận mở ngoặc "Trừ một số trường hợp đặc biệt được Bộ trưởng xem xét".
(theo Hạ Anh, bài đã dẫn)

Đặt hai dự định hết sức phi lý và đã được chỉ ra như là những yếu tố đặc quyền đặc lợi mà Bộ GD-ĐT cố tình níu kéo này bên cạnh việc thi trắc nghiệm là một sự sắp xếp tinh vi và khôn ngoan của những người chủ trì, cố tình dẫn dắt những cán bộ phụ trách các trường đại học và cao đẳng vào một cuộc mặc cả kỳ lạ. Những người phản đối hai dự định này (chắc chắn là tuyệt đại đa số) có thể ra về và phần nào cảm thấy hài lòng vì tiếng nói của mình đã được lãnh đạo Bộ và Chính phủ lắng nghe và chấp thuận. Trong khi họ dường như không biết rằng ông Bộ trưởng chắc chắn không dám thông qua hai quyết định ấy. Trong khi rất nhiều vấn đề khác thực sự cần được tiếp tục tranh luận cho ra nhẽ đã bị gác lại và để cho các bộ phận chuyên môn của Bộ tiếp tục giải quyết.

Việc PTT Phạm Gia Khiêm thay mặt Chính phủ trong cuộc họp toàn quốc ngày hôm qua đưa ra những nhận xét nước đôi, pha trộn thêm một ít lời đao to búa lớn, hăng hái một cách nửa vời, pha lẫn quan điểm của cá nhân ông, quan điểm của Chính phủ và quan điểm của dư luận - mà ông là một trong những người chủ động tham gia dựng nên,… để mớm lời cho ông Bộ trưởng nhằm biện minh cho quyết định trì hoãn quá trình đổi mới kể trên rõ ràng là một hành động cực kỳ tương phản với lời phát biểu của ông Tổng Bí thư, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, trong đó có đoạn nhắc nhở một cách thích đáng về trách nhiệm của Đảng, tức là của người cầm quyền trong việc thành thực nhận ra những khuyết điểm của mình và triệt để sửa chữa [6] .

"Năm 2005 (…) tôi có suy nghĩ rằng, chúng ta nên suy nghĩ (…) mà thấy những gì quá bất hợp lý thì mới thay đổi, nếu không thì cơ bản giữ như 2004, (cao giọng) để tập trung sức lực, để nghiên cứu, đến năm 2008, 2009, chúng ta tiến tới mục tiêu Đại học, thi phổ thông vào một kỳ thi, còn nếu thay đổi đó không lớn lắm, không làm gì ảnh hưởng gì, ảnh hưởng lớn đến chiến lược, thì chúng ta cứ giữ như 2004, sức lực của chúng ta tập trung (nhấn giọng) nhiều hơn cho cuộc đại cải cách, là tiến tới kỳ thi, một lần thi. Hôm nay tôi thấy rất là, phân vân là,… cái này thì chúng ta đề ra, cái dự thảo của Bộ Giáo dục đã trình Chính phủ, đã đưa ra cái phương hướng này, sau khi tham khảo một loạt ý kiến, tham khảo một số nước, để rút ngắn cái, cái, cái phức tạp kỳ thi căng thẳng đi thì, Bộ Giáo dục đã tiến tới một đề án thi sẽ hội tụ thi Phổ thông trung học và Đại học, hội tụ vào một, vào thời điểm thích hợp, hồi đó tôi nhớ đồng chí Nguyễn Minh Hiển nói là vào khoảng thời điểm, khoảng năm 2008, 2009 gì đó. Nhưng hôm nay, cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề là phải nghiên cứu lại, có nên như thế hay không, đây cũng là cái tôi nghĩ là, là, là, chúng ta cũng phải nên có cái hội thảo. Tôi, tôi cho rằng (…) cái tụ hội là đúng, theo cái chủ quan của tôi, cái đó là đúng, nhưng việc để có cơ sở khoa học vững chắc hơn, Bộ GD-ĐH nên có một nghiên cứu đầy đủ, để chứng minh cho cái đó. Nếu chúng ta chấp nhận phương hướng đó, thì từ nay đến đó, sức lực của chúng ta trong ba bốn năm còn lại, chúng ta tập trung vào, trí tuệ của cả Bộ chúng ta tập trung hoàn thiện cái kỳ thi hợp nhất lại, chúng ta, tôi cho là ba năm là một thời gian rất ngắn, chứ không phải dài gì đâu, không chủ quan được đâu. (…) Thứ nhất tôi đề nghị, năm 2005, cái này Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐH quyết định, nhưng nếu không gì, nó ảnh hưởng lớn đến, tôi nghĩ là, chúng ta, cái sự thay đối, không nhất thiết là cần thiết…, đấy là điều tôi suy nghĩ." (xem băng video)

Sự nhận xét chung chung và định hướng lờ mờ không rõ ràng ấy (kiểu như "năm 2008-2009 gì đó") cùng với những lời đao to búa lớn (kiểu như "Đại cải cách thi cử") đã tạo ra bức màn chắn khá hiệu quả, đỡ cho cấp dưới, là ông Bộ trưởng, khỏi phải trực tiếp đối mặt với công luận đang sôi sục đòi Bộ GD-ĐT phải công khai nhận trách nhiệm vì việc đã để cho trạng thái "nói mà không làm" kéo dài, giúp cho ông Bộ trưởng tiếp tục yên tâm triển khai những lời phát biểu xuê xoa, không hề mang lại thông tin gì mới mẻ và có giá trị, ngoài việc hợp lý hoá những cái được coi như là việc đã rồi. Cấp trên đã không nghiêm túc trong việc buộc cấp dưới phải nhận thấy khuyết điểm của mình trước công luận, thì cấp dưới ta đây cũng chẳng có gì phải sợ. Lối ăn nói mập mờ của cấp trên đã tạo điều kiện rất tốt cho việc cấp dưới có chỗ mà ẩn náu và lẩn tránh trước những phê phán và lên án nghiêm khắc của công luận [7] . Chẳng những không chỉ ra cho cấp dưới thấy rõ và nhận trách nhiệm đã có quyết định mà không dám thực hiện đến cùng, hơn thế nữa, ông Phó Thủ tướng còn khuyến khích một thái độ lập lừng, kiểu như chỉ thay đổi những gì "quá bất hợp lý", "hồi đó tôi nhớ đồng chí Nguyễn Minh Hiển nói là vào khoảng thời điểm, khoảng năm 2008, 2009 gì đó", "tập trung sức lực để nghiên cứu", "nên nghiên cứu đầy đủ để chứng minh cho cái đó",… Những lối nói nước đôi kiểu như vậy có khác nào: "Cứ trì hoãn đi, càng lâu càng tốt".

Để có một cái nhìn toàn thể về hiện tượng dùng "dư luận" hòng lẩn tránh và chia rẽ "công luận", dùng công luận giả để chống lại công luận thật xin xem sơ đồ tóm tắt dưới đây:

Công luận Công luận giả
được hợp lý hoá bằng quyết định "miệng" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong hội nghị về Tuyển sinh 2/2/2005
  Công luận thật
mong muốn cải cách thi cử và áp dụng thi trắc nghiệm sớm
Các
kênh truyền
dư luận
và các đòi hỏi của
thực
tế
Một số bài báo, một số ý kiến trên diễn đàn Edu.net phản đối trực diện việc thi trắc nghiệm và các cái cách thi cử khác Dư luận "ảo" đã hình thành công khai (từ ngày 18/01/05) từ một số người trong Ban Chỉ đạo Tuyển sinh, từ diễn đàn Edu.net và được tiếp sức bởi một số bài báo Bài phát biểu của ông Phó Thủ tướng hợp lý hoá các luồng dư luận phản đối và quan điểm cá nhân của ông   Rất nhiều bài báo, bài viết trên diễn đàn (đặc biệt là diễn đàn Edu.net),… Ý kiến công khai của các nhà khoa học Ý kiến công khai của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý
Dư luận
Thực tế đời sống
+ Các luồng dư luận và các quan điểm
của những người chưa chấp nhận cải cách
+ Sự níu kéo của "thói quen" của một bộ phận nhân dân và mưu đồ bảo vệ đặc quyền đặc lợi của một số quan chức
 , + Các dư luận mong muốn cải cách

+ Đòi hỏi bức thiết phải đổi mới đến từ sự
phát triển toàn cầu hiện nay mà Việt Nam
đang cố gắng trở thành một thành viên " đầy đủ"


Chúng tôi sử dụng cụm từ «công luận giả» để chỉ ra một hiện tượng đặc thù, tồn tại sau khi có quyết định của Bộ trưởng GD-ĐH về việc bỏ thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm nay. Đó là việc những người lãnh đạo Bộ GD-ĐH đã sử dụng uy quyền chính thức của Nhà nước giao phó mà hợp lý hoá một luồng dư luận thật và "ảo", đã được tung ra nhằm bảo vệ cho lập trường của mình. Quyết định của ông Bộ trưởng đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một công luận mới, bên cạnh một công luận sẵn có, đang kiên quyết đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách trong thi cử. Công luận này chống lại việc thi trắc nghiệm ngoại ngữ cũng như các hình thức thi trắc nghiệm khác, nếu không được Bộ tán đồng để áp dụng rộng rãi. Công luận này mở đường cho việc xét lại các chủ trương của Dự thảo đổi mới thi tuyển mà Bộ GD-ĐT đã trình trước Chính phủ. Tuy nhiên, về bản chất công luận này là một công luận giả, bởi nó không hề là một tiếng nói rộng rãi, công khai của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các học sinh, sinh viên và cha mẹ của họ. Nó đã được dựng lên một cách hết sức vội vã [8] và sơ sài dựa trên một số bài báo phản đối, một luồng dư luận "ảo" tung ra từ một thành viên của Ban chỉ đạo tuyển sinh (được tiếp sức bởi tác giả Việt Anh - Vnexpress và người phụ trách diễn đàn Edu.net) và cuối cùng được "chỉ đạo" một cách công khai bởi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Rất mừng là nhiều báo và phóng viên chuyên về lĩnh vực giáo dục đã sớm nhận rõ sự không đàng hoàng của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong việc tổ chức Hội nghị tuyển sinh này và đã tích cực tiến hành làm sáng tỏ thực chất vấn đề. Đáng tiếc là bên cạnh một, hai trường hợp cố tình tiếp tay cho cách làm sai trái này, một số ít phóng viên khác, mà phần lớn vì không có được một hiểu biết đích thực về biến cố phức tạp và vẫn còn chứa nhiều uẩn khúc này, đã vô tình gián tiếp ủng hộ cho việc truyền bá luồng dư luận "ảo" kể trên, cũng như tham gia vào việc quảng bá cho quyết định rất đáng phê phán của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo. Tất nhiên, hoàn toàn không thể đồng nhất họ với những người chỉ làm nhiệm vụ cung cấp cho bạn đọc một cách khách quan các tin tức thời sự [9] , hay những người đã có những cảm nhận rõ tính chất phi lý của Hội nghị này, đã nêu ra một cách trung thành và công bằng những điều căn bản xảy ra trong Hội nghị, nhưng chưa có điều kiện rút ra những nhận xét tổng quát [10] . Trong cuộc đấu tranh để xây dựng một cái nhìn đúng cho công luận trong một thực tại đang ở giai đoạn tranh tối tranh sáng như thế này, ranh giới giữa cái thật, cái giả không phải lúc nào cũng dễ được nhận ra, và việc xác định các chuẩn mực mới trong việc xây dựng một cái nhìn có chiều sâu về các hiện tượng xã hội rất phức tạp đương diễn ra đòi hỏi chúng ta rất nhiều nỗ lực.


Nội tình lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo

Thực chất bộ phận chủ chốt của ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã hoàn toàn không hề sẵn sàng cho việc tiến hành cuộc thi trắc nghiệm. Một khâu mấu chốt nằm ở chỗ họ đã không có mối liên hệ chính thức với Đại học Quốc gia TP HCM để bàn về chuyện chuyển giao đề thi [11] . Mà chỉ có trường Đại học này mới là địa chỉ có thể cung cấp do họ đã có kinh nghiệm nhiều năm về chuyện này. Điều "tế nhị" ở đây là tất nhiên không ai dám bảo đảm 100% thành công cho cuộc thi trắc nghiệm lần đầu tiên ở qui mô toàn quốc, cả Cục Kiểm thí cũng như Trung tâm Kiểm thí. Mọi đổi mới đều là những bước đi vừa làm vừa điều chỉnh. Một cuộc cải cách trong phạm vi thi tuyển ở cấp quốc gia đòi hỏi phải có sự hỗ trợ phối hợp của tất cả các bên, nhất là trong việc huy động sự nhất trí của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Phương diện kỹ thuật chỉ một mình thôi sẽ không bảo đảm thành công, đúng như ông Phó Thủ tướng đã nhận xét, trong khi đó sự phản ứng của một số đông (dù không phải là đa số) cũng có thể đưa thực nghiệm mới đến chỗ thất bại. Những người phụ trách kỹ thuật của cuộc thi trắc nghiệm thừa hiểu chuyện này nên, một khi đã có nguy cơ bị chọc gậy bánh xe, họ đã chấp nhận nhường bước cho cỗ máy kìm hãm cải cách của bộ phận quan chức bảo thủ và cơ hội trong Bộ GD-ĐT lấn tới. Bởi họ cũng có phần e ngại bộ phận này có thể lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng mà khuấy lên một luồng dư luận phản đối và gây ra một sự phản kháng "không cần thiết" (đúng như ông Phó Thủ tướng đã báo trước) đúng vào lúc việc chuẩn bị đang bước vào giai đoạn then chốt. Sự thận trọng này, hiển nhiên, hoàn toàn không phải là không có căn cứ.

Cỗ máy này bao gồm những người, lúc này, sẵn sàng dựa vào một tiếng nói hết sức thiểu số độc đoán của cấp trên, lúc khác, lại dựa vào sức ì hay sự im lặng của một số đông "quần chúng" để khiến cho các quan điểm của mình dễ được chấp nhận. Đằng sau ông Nguyễn Minh Hiển là ai, PTT Phạm Gia Khiêm và những "quan chức" cấp cao nào, những người đang cố tình duy trì càng nguyên trạng càng tốt một chế độ "quan lại" trong ngành giáo dục, cố bám lấy được lâu chừng nào hay chừng ấy những đặc quyền đặc lợi còn lại. Lựa đi lựa lại giữa việc co cụm trong một bộ phận thiểu số của bộ máy lãnh đạo và những "quần chúng" vẫn còn chưa thoát khỏi tâm lý "sùng bái lãnh đạo", tâm lý chờ đợi cấp trên, chờ đợi sự chuyển biến bên ngoài trong việc lựa chọn con đường đi của mình, khả năng lựa chọn của bộ phận bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa trong số những người đứng đầu Bộ GD-ĐT hiện nay ngày càng hẹp hơn, họ càng ngày càng trở nên cô lập hơn trước sự lớn mạnh của xã hội công dân. Họ buộc phải đứng trước một sự lựa chọn, hoặc tham gia tích cực và ủng hộ thật tình xu thế cải cách để dẫn dắt nền giáo dục nước nhà đi tới và phát triển một cách vượt bậc trong thời gian tới với toàn bộ năng lực của mình, hoặc lần khân cố tình tiếp tục "đá bóng câu giờ", trong một trận câu phần thua gần như chắc, nhằm trì hoãn tối đa tốc độ của quá trình đổi mới, để duy trì được phần nào vị thế độc quyền tương đối của mình. Thực tế cho thấy họ đang lựa chọn giải pháp "đèn cù" [12] .

Ông Bành Tiến Long, phải chăng đã "liều mình cứu chúa" (cứu Bộ trưởng), tức là xoá đi việc Bộ trưởng đã không dám có quyết định kịp thời, bằng cách đứng làm tấm đệm thay trạng thái lúng túng của Bộ trưởng, bằng cách liều lĩnh đưa ra một quyết định mà bản thân biết trước là các thủ trưởng của mình có thể sẽ không thực hiện, hay là ông đã tranh thủ lấy cơ hội đầy kịch tính này để tỏ ra là mình có đủ sức thay quyền bộ trưởng một khi cần? Hay là thông minh hơn, ông đã làm luôn cả hai việc này cùng một lúc, để xứng đáng là người kế nghiệp một cách xuất sắc Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, về khả năng thay đổi chính kiến một cách mau lẹ, dựa trên năng lực quên đi rất nhanh những lời mình nói và việc mình làm, sử dụng "dư luận" để uốn nắn "công luận", rồi sử dụng "công luận" để hợp lý hoá quan điểm cá nhân của mình. Ông Bành Tiến Long, ông ở đâu, sao không thấy ông trả lời chuyện này?

Lại nhớ lại vào thời điểm cuối năm 2004, trước kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT đã rất lúng túng trong việc đưa ra một quyết định riêng, và chỉ nhất mực chờ đợi tiếng nói của các cấp trên.

"Sau rất nhiều cuộc Hội thảo, đóng góp ý kiến ở nhiều địa phương trên, nhiều cấp khác nhau, 21/09, ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 22 (20/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, buộc phải thừa nhận ''cánh cửa'' đại học chật hẹp, đúng như các ý kiến đóng góp của rất nhiều trí thức và công dân, là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu cực trong giáo dục, dựa trên Báo cáo về tình hình giáo dục của Chính phủ mà bản thân ông được phân công phụ trách, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đưa ra chủ trương đào tạo ''hình tháp'', lỏng đầu vào, chặt đầu ra; không làm ''hình ống'' như hiện nay (có nghĩa là vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu). Nhưng ông vẫn còn lưỡng lự chủ trương này ''chưa dám làm vì còn chờ Quốc hội cho ý kiến''. Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã hơn một lần “cắt ngang” khi nghe báo cáo này. Ông hỏi: “Tại sao chúng ta không mở rộng đầu vào ở bậc đại học?”. Bộ trưởng Hiển: “Muốn mở rộng đầu vào thì phải quản lý chặt chẽ đầu ra, không như kiểu hình ống hiện nay vào bao nhiêu ra bấy nhiêu. Đây là chủ trương lớn, Chính phủ đã bàn từ lâu, nay trình QH cho ý kiến vì nếu không có sự đồng thuận, khả năng sẽ bị phản ứng gay gắt”.

Cảnh tượng một ông "quan lớn", tỏ ra "rất thiện chí", nhưng không dám tự mình đề xuất được một sáng kiến gì, cứ nhất nhất chờ đợi ý kiến của những người có uy lực, luôn đứng sau lưng của đa số và đã có lần thốt lên hồi nào trong một buổi chất vấn tại Quốc hội kỳ 5 khoá XI: "tôi nhận lỗi như thế đã đủ chưa?" làm người chứng kiến câu chuyện cảm thấy phải bật cười, thương hại…, hơn là tức giận. Dù sao, một hình ảnh đã trở nên khá phố biến như vậy dường như là một minh chứng hùng hồn cho quan điểm: cán bộ phải là "người đầy tớ trung thành của nhân dân". Oái oăm thay, mang cái dáng vẻ đầy tớ thì được rồi, nhưng trung thành với nhân dân thì chắc chính ông cũng biết là khó hơn nhiều?!" [13]

Thực tế ngày càng cho thấy Bộ GD-ĐT chỉ còn là một cơ quan quản lý mang tính chất trung gian để thi hành các quyết định của các cấp cao hơn, nhất là của Chính phủ, và là nơi đón nhận các đòi hỏi của công luận. Nó không còn có thể là thành trì của những kẻ quan liêu, sẵn sàng độc đoán đưa ra các quyết định bất chấp công luận như trước. Sự bất lực của ông Bộ trưởng trong các kỳ họp quốc hội cũng như trước các vấn đề mâu thuẫn của kỳ tuyển sinh lần này không còn là chuyện đáng ngạc nhiên đối với những người quan tâm [14] . Sự xáo trộn có vẻ bất bình thường mà chúng ta đang chứng kiến, có thể gây ra khó chịu và khó khăn cho nhiều người trong cuộc, thật ra lại là một điều rất bình thường trong bất cứ một xã hội dân chủ và phát triển đang trong thời kỳ chuyển đổi nào. Khi mà có các quan điểm khác nhau, thì tất nhiên có sự xung đột và sự thay đổi của các quan điểm. Đó cũng là lúc mà một xã hội đang sống thực sự với chính mình. Cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề hoãn thi trắc nghiệm thực chất là một biểu hiện cho thấy rằng xã hội Việt Nam đang dần dần đi tới chỗ sống thực với chính mình. Các cơ quan quyền lực của nhà nước ngày càng, chủ động cũng như buộc phải, tiếp cận sát hơn với đời sống người dân. Tiếng nói của người dân được đưa thẳng vào công luận ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt là sự bộc lộ các mâu thuẫn công khai về quan điểm cho thấy các lực lượng lãnh đạo tiến bộ thật sự trưởng thành đang chủ động nắm lấy ngọn cờ của đổi mới, trong khi những người bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa đang thường cố gắng trì hoãn quá trình chuyển mình của cả dân tộc bằng cách nhân danh và đứng núp đằng sau những cái gọi là "thói quen", "dư luận", "tâm lý ổn định",...


Chúng ta chờ đợi?

Việc thi tuyển trắc nghiệm bị hoãn lại một năm nữa, đối với những người tha thiết với cải cách chúng ta là một bước lùi. Tuy nhiên, thực tế của quá trình tổ chức cuộc Hội nghị vừa qua cũng cho thấy, những người lãnh đạo bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa trong ngành Giáo dục - Đào tạo đã phải lùi bước trước công luận. Ngay cả việc họ phải mượn đến "xảo thuật" dùng dư luận để lẩn tránh công luận, dùng dư luận ảo để dựng nên công luận giả, cũng đã là điều chứng tỏ họ không còn có thể bịt tai, nhắm mắt trước sự bất bình của nhân dân như trước, khi họ còn toàn quyền trị vì trong lãnh địa của mình một cách an toàn. Giờ đây họ đã phải bắt đầu giả vờ nói bằng tiếng nói của công luận, tiếng nói bất bình và đòi hỏi phải đối mới, cũng như các tiếng nói rụt rè ngần ngại khác, để hòng che khuất những mưu đồ tiếp tục thống trị của mình. Nhưng mặt khác, họ vẫn còn cố gắng bịt tai, nhắm mắt chừng nào có thể được, còn cố "chịu đấm" để giữ lại phần xôi đặc quyền đặc lợi còn lại. Nhưng nếu công luận đồng lòng tiếp tục lên tiếng, liệu họ còn có thể bịt tai, nhắm mắt và giả đò như thế được đến bao giờ?

Thưa ông Phó Thủ tướng, vấn đề bây giờ không phải là lựa chọn giữa việc giữ nguyên trạng hay tiếp tục cải cách, mà là chúng ta sẽ lựa chọn cải cách theo hướng nào. Trong xã hội của chúng ta ngày hôm nay, cải cách là công việc thường xuyên, không ngừng. Dừng lại để thoả mãn tâm lý của một số đông nào đó cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại quá trình tiến bộ! Nếu ông không đề xuất được một dự án cải cách nào, ông không thể làm người lãnh đạo chúng tôi được.

Hành động bày đặt ra một dư luận "ảo" để chuẩn bị cho việc tạo ra một "phản" quyết định (để bác bỏ quyết định đã có), mở đường cho sự ra đời của một công luận giả, kháng cự lại một công luận thật - yêu cầu đổi mới mạnh mẽ thể chế thi cử, là một bước đi mạo hiểm, hết sức liều lĩnh, bất chấp lương tri, coi thường tất cả, thách thức công luận (từ người dân có học vấn bình thường đến người trí thức) của bộ phận bảo thủ và cơ hội trong Ban lãnh đạo Bộ GD- ĐT và cấp trên của họ.

Nhưng một khi đã đưa ra một quyết định như vậy, các ông hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Sự mâu thuẫn của quyết định này với quyết định trước cần phải được giải trình một cách sáng tỏ trước các cơ quan có thẩm quyền và trước toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của ông Bộ trưởng và cấp trên trực tiếp của ông, trong việc duy trì một trạng thái quan liêu, mờ ám kéo dài trong hàng ngũ của Bộ (Thứ trưởng ra quyết định mà Bộ trưởng không hề biết hoặc coi như không hề biết...), đặt uy quyền của Bộ trưởng lên trên quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của đông đảo công dân (đưa ra quyết định sửa đổi mà không hề luận chứng một cách hợp lý và rõ ràng những lý do cho phép sự sửa đổi ấy), cũng như việc để bao nhiêu người phụ thuộc quá lâu vào sự chần chừ của lãnh đạo Bộ…

Thoái thác trách nhiệm này chắc chắn các ông sẽ bị công luận lên án.

Còn chúng ta phải chăng đã đến lúc cùng nhau kiên quyết tuyên bố "cơ chế cũ không còn thích hợp" [15] ?

© 2005 talawas



[1]Hãy xem đoạn trích lời phát biểu của PTT Phạm Gia Khiêm ghi lại từ video để thấy được quá trình "mạo danh" này đã được đã triển khai như thế nào.
"Liên quan đến vấn đề này là vấn đề thi trắc nghiệm, riêng tôi, tôi rất ủng hộ nhiều ý kiến sáng nay, qua các ý kiến của các đồng chí khác, đồng chí ở Thanh Hoá, đồng chí Giáo sư… (có người phía sau nhắc Võ Tòng Xuân) Võ Tòng Xuân ở Cần Thơ, tôi nghĩ chúng ta rất phải đáng chú ý. Thi tốt trắc nghiệm phải có hai chủ thể cơ, một là người ra đề thi phải chuẩn bị rất tốt, thứ hai là người thí sinh cũng phải chuẩn bị ở mức tương ứng, tôi cho rằng yếu tố thứ hai. Yếu tố đầu tôi chưa có điều kiện kiểm tra được, yếu tố thứ hai, nghe dư luận xã hội và kiểm tra nhiều nơi, tôi thấy chưa chín mùi, tôi cũng xin nói thực là như vậy. Thế còn thời điểm nào chín mùi hơn thì các đồng chí tham khảo thêm, nhưng riêng 2005 tôi thấy chưa chín mùi, tôi xin xác nhận thế. Học sinh chúng ta chưa quen với chuyện này, chưa thuần thục, nói thành thục là theo cái bình thường là tương đối tiếp cận được, (…) hiện nay, tôi nếu nói chủ quan chỉ có 20% học sinh phổ thông ở các thành phố lớn mới làm được, còn 80% tôi chắc cái đó vẫn còn xa lạ, cái đó chúng ta phải cân nhắc."
http://www.edu.net.vn/hnts2005_arch005%20_1.htm
Có nhiều thủ pháp ông Phạm Gia Khiêm đã sử dụng để làm tăng cường tính thuyết phục cho quan điểm của ông, tôi chỉ xin đơn cử việc ông đối lập một cách tuyệt đối giữa khả năng làm trắc nghiệm của học sinh ở các thành phố lớn và nông thôn, để che đi việc phương pháp trắc nghiệm thực tế phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của Bộ GD- ĐT trong việc tuyên truyền và triển khai hoạt động này một cách thực sự. Thực tế cho thấy, dù nông thôn hay thành phố, nếu có sự hướng dẫn chu đáo, học sinh đều có thể học làm trắc nghiệm tốt (ví dụ được ông Nguyễn Cam nêu ra, xem chú thích 4).
[2]Nghe bài phát biểu của PTT Phạm Gia Khiêm trên trang web chú thích 1.
[3]Xem bài Thi tuyển "Ba không" của Hạ Anh ngày 02/02/2005, http://www.vnn.vn/giaoduc/tuyensinh/2005/02/372564/
[4]Trích trong bài phát biểu của PTT Phạm Gia Khiêm. Để đối chiếu với ý kiến này, chúng tôi xin dẫn đoạn phóng viên Báo Người Lao động TP HCM phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Cam, Trưởng Khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
"Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này Bộ GD-ĐT vẫn chưa thực hiện thi trắc nghiệm, ông có cho là quá chậm?
- TS Nguyễn Cam: Ngành GD-ĐT đã đặt vấn đề này từ năm 1999. Năm 2001, ĐH Quốc gia TP HCM cũng đã thử nghiệm hình thức thi này và trước đó ĐH Đà Lạt cũng đã tổ chức thi trắc nghiệm. Ở các nước có nền giáo dục phát triển đã thực hiện thi trắc nghiệm cách đây hơn nửa thế kỷ. Nói như vậy để thấy đây là hình thức thi có nhiều ưu điểm, chúng ta cần thực hiện càng sớm càng tốt. Có thể nói, cho đến thời điểm này hình thức thi trắc nghiệm chưa được thực hiện là quá chậm".
Xem "Thi trắc nghiệm: Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị kỹ!" Huy Lân http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/110592.asp
[5]Video bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển http://www.edu.net.vn/hnts2005_arch005%20_2.htm
[6]Nhận định của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: "Sự lớn lao của Đảng không chỉ thể hiện ở những cống hiến có tính lịch sử trong suốt 75 năm qua mà còn ở chỗ Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, trân trọng, lắng nghe sự phê bình, góp ý của nhân dân, kiên quyết sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên" http://www.vnn.vn/chinhtri/doinoi/2005/02/372243/
[7]"Thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ở đâu?" của Nhựt Quang http://www.thanhnien.com.vn/TinTuc/GiaoDuc/2005/1/24/40713/
"Bộ GD-ĐT chuẩn bị quá sơ sài, chậm chạp..." ngày 27/1/2005 của PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và ĐGCLĐT trường ĐH Quốc gia TP HCM http://www.sggp.org.vn/giaoduc/nam2005/thang1/34325/
Phóng sự của "Bài 1: Tuyển sinh “đèn cù” - bao giờ chấm dứt?" trong loạt bài "Tuyển sinh Cao đẳng đại học của Mai-Thao-An http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/nam2005/thang2/35168/
"Thi trắc nghiệm: Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị kỹ!" ngày 1/2/ 2005 của Huy Lân, xem chú thích 4, phỏng vấn ông Nguyễn Cam.
"Không nên ngưng hẳn thi trắc nghiệm" của Tiến sĩ giáo dục Dương Thiệu Tống
http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/47756.asp
và nhiều bài khác ….
[8]Lợi dụng lúc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 11 (khoá IX) đang họp (17/01 đến 25/01/2005), lợi dụng không khí nghỉ ngơi trước Tết, và một số biến cố khác…
[9]Bài "Lùi thời gian triển khai thi trắc nghiệm" của Hạ Anh http://www.vnn.vn/giaoduc/tuyensinh/2005/01/367345/
[10]Bài "Thi và tuyển sinh năm 2005: Phá sản các dự định mới" của Hạnh Ngân, Lao động số 33 ngày 03/02/2005, bản điện tử.
[11]"Vì sao hoãn thi trắc nghiệm? Câu hỏi đã có lời đáp, CụC Khảo thí không mua được đề thi!" 27/01/2005, http://www.nld.com.vn/tintuc/giao-duc/110448.asp
Bộ nên chủ động đề xuất phương thức chuyển nhượng ngân hàng đề thi! Phỏng vấn ông Nguyễn Hội Nghĩa
28/01/2005 11:51:16 PM GMT +7 http://www.nld.com.vn/tintuc/chu-diem/110540.asp
Và xem thêm bài của ông Nguyễn Hội Nghĩa đề nghị Báo Người Lao động cải chính trên Edu.net
http://forum.edu.net.vn/ShowPost.aspx?PostID=28845#28845
[12]Xem bài Tuyển sinh đèn cù bao giờ chấm dứt, chú thích 7.
[13]Đặng Mầm Sáng, Thư ngỏ số 2 gửi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khoá XI, talawas, 13.11.2004.
[14]Xem thêm phần 3 "Thi trắc nghiệm ngoại ngữ năm 2005 mới là chủ trương hay đã là quyết định" trong bài Hội thảo "ảo" và "dư luận ảo" c ủa Phan Binh Minh, talawas 29.01.2005.
[15]"Bài 2: Cơ chế cũ không còn thích hợp" của Mai-Thao-Am trong loạt bài "Tuyển sinh đại học-cao đẳng 2005" của báo Sài Gòn giải phóng điện tử http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/nam2005/thang2/35370/