trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
9.5.2007
Phong Uyên
Từ bộ môn khoa học chính trị Mác- Lênin đến những môn học của nhà giáo liệt sĩ Ngô Kha
 
Theo VietNamNet: Các đại biểu dự hội nghị bàn về bộ môn khoa học chính trị Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh sáng ngày 23-3 đều thống nhất ý kiến là phải giảm thời gian giảng dạy và số lượng các môn này hiện vẫn chiếm 11% tổng lượng chương trình xuống còn chừng 7% (thật ra là 30% trong chương trình đại cương nếu kể cả giáo dục quốc phòng), cũng như phải thay đổi cách giảng dạy nó. Tùy theo việc những ý kiến đó có vượt qua được những chống đối và rào cản của Ban Tư tưởng Văn hóa và Khoa giáo Trung ương và nội dung những môn học đó được thay đổi tới một mức độ nào, tôi có thể cho đó là một sự biến quan trọng trong sự giải thoát tư tưởng, ngang tầm với quyết định giải toả nhà nước ra khỏi vòng kiềm tỏa của bộ máy "Đảng lãnh đạo" sau Hội nghị Trung ương 4.

Thử phân tích nội dung những đề xuất gần như là đã được sự nhất trí trong buổi Hội thảo:

Đề xuất của TS Phạm Ngọc Anh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là nên cấu trúc 5 bộ môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh thành 3 môn:
  1. Cơ bản chủ nghĩa Mác-Lê
  2. Sự vận dụng và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê ở Việt Nam
  3. Giáo dục đạo đức và cơ sở pháp luật
Ông Ngọc Anh đã đi rất xa khi không nói gì về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Để tránh phạm húy ông Ngọc Anh nên chêm Tư tưởng Hồ Chí Minh vào môn thứ 2 để thành môn Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự vận dụng và sáng tạo CN Mác-Lê ở Việt Nam. Như vậy, ngoài việc tạo cho cái khái niệm rất mơ hồ nhưng vẫn phải đề cao là "Tư tưởng Hồ Chí Minh" một dung lượng, còn có thể một ngày kia coi môn Cơ bản chủ nghĩa Mác-Lê chỉ là phần dẫn đầu của môt môn học duy nhất là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời gian được giảm thiểu cũng có thể được dùng để học những tư tưởng khác của nhân loại. Một sáng kiến của ông Ngọc Anh mà tôi cho là rất đáng khen ngợi là môn học mới "Giáo dục đạo đức và cơ sở pháp luật". Cũng có thể gọi môn này là môn "Giáo dục công dân" gồm 2 phần là "Nghĩa vụ người dân đối với xã hội" và "Quyền người dân trước pháp luật".

Còn đề xuất "10 giảm 6 tăng" của TS Phạm văn Sinh (Phó chủ nhiệm khoa Mác-Lênin Đại học kinh tế quốc dân): "Giảm lượng câu hỏi tự luận... giảm tính hàn lâm... giảm lý thuyết", „Tăng tính thực tiễn, tăng sáng tạo, đối thoại, thời gian tự học..." theo tôi, chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng như những khẩu hiệu ta vẫn thường nghe trong thời bao cấp. Làm sao giảm được những cái đã nằm trong cốt lõi của những môn học chính trị đặc biệt này cũng như làm sao tăng được những cái chưa từng có. Chính bản thân thầy cũng không có sáng tạo, phải trung thành với từng dấu chấm phẩy trong sách giáo khoa để nhái lại cho học trò, thì đòi trò "đối thoại" với ai.

Thứ trưởng bộ Giáo dục–Đào tạo Bành Tiến Long tuyên bố là phải "lập ban chỉ đạo gồm các nhà khoa học toàn ngành, các chuyên gia quốc tế ... viết lại toàn bộ sách giáo khoa các môn lí luận chính trị đảm bảo tính hiện đại, tính quốc tế, tính dân tộc..."

Những từ nghe đã quá nhàm tai trở thành vô nghĩa:

Các nhà "khoa học": Chỉ ở Việt Nam mới còn sót lại các vị "khoa học" toàn ngành về bộ môn khoa học chính trị Mác-Lênin. Ngay ở Bắc Triều Tiên cũng chỉ còn môn độc nhất phải học là "Ju che" (Tự chủ?) của Kim Nhật Thành. Nên dù có đi khắp các đại học trên toàn thế giới cũng sẽ như "đáy biển mò kim", khó mà mò được một ông "chuyên gia quốc tế" về ngành học này.

Lập "Ban chỉ đạo" để viết sách giáo khoa cho một bộ môn ở cấp bậc đại học! Ở những nước khác, ngay từ bậc trung học thầy đã không cần "chỉ đạo", tự thảo "cua" để giảng dạy và nhất là để thảo luận, đối thoại với trò. Sách giáo khoa do thầy tự chọn lựa chỉ được dùng thêm để bổ túc những điều thầy giảng. Lẽ tất nhiên là trên đại học chỉ có những sách chuyên môn, những tài liệu, những luận án để sinh viên tham khảo thêm sau khi nghe thuyết trình của giáo sư. Sách giáo khoa bộ môn chính trị của Ban chỉ đạo sẽ chỉ là sách giáo lý chính trị như sách Giáo lý (catéchisme) của Giáo hội công giáo được thảo dưới chỉ đạo của Hội nghị giám mục Vatican 2 cho con nít 7-8 tuổi. Phải lên đến bậc đại học mới học giáo lý thì đã quá trễ rồi.

Tóm lại chỉ những đề xuất của ông Ngọc Anh là cụ thể. Nhưng cái khó là phải được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Có những dấu hiệu chứng tỏ mọi đề xuất chỉ là "đầu voi đuôi chuột":

1. Lấy cớ là còn thiếu 50% cán bộ giảng dạy các môn chính trị toàn ngành, nhiều người còn đòi tăng cường gấp đôi đội ngũ 2300 giảng viên các môn này! Ông bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phải khẳng định là không có khả năng tăng kinh phí để có thể tăng số giáo viên. Giảm thiểu thời lượng các bộ môn chính trị có lẽ chỉ có mục đích để tránh cái đòi hỏi đó. Nhưng trong kết luận ngày 20-4 mới đây, ông bộ trưởng đã quên cái khẳng định đó "... ngoài ra sẽ tăng kinh phí đầu tư cho việc giảng dạy học tập các môn khoa học Mác-Lênin Tư tưởng Hồ Chí Minh".

2. Tuy đã được sự nhất trí của mọi đại biểu trong cuộc hội thảo ngày 23-3 là tích hợp có mục đích duy nhất là để giảm thiểu cả thời lẫn lượng những môn học chính trị, nhưng theo ViệtNamNet, phải đợi tới ngày 20-4, tức đúng 4 tuần sau, ông Nguyễn Thiện Nhân mới đưa ra một kết luận chỉ giới hạn về tích hợp là "sẽ xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ đạo xây dựng đề án đổi mới kết cấu nội dung chương trình, giáo trình... tích hợp 5 bộ môn thành 3 môn học mới gồm":
  • Những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin
  • Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Đường lối phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Có thể nói, rút cục chỉ là một tích hợp về hình thức vì nội dung của cả 5 môn cũ vẫn được giữ y nguyên trong cái gọi là 3 môn học mới: Hai bộ môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, vẫn được giữ nguyên trong bộ môn mới Những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hai môn Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn được giữ nguyên tên. Còn bộ môn thứ 5 là Chủ nghĩa cộng sản khoa học được mang một tên mới không ăn nhập gì với tên cũ là môn Đường lối phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Nếu cho sự đổi tên môn này có một ý nghĩa thì đây là dấu hiệu tích cực duy nhất.

3. Ở bất cứ nước nào, thay đổi cách thức dạy những môn gọi là khoa học, là thuộc thẩm quyền của ông bộ trưởng nếu không nói là của ông hiệu trưởng, viện trưởng mỗi trường đại học. Theo lịch trình của ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Trước hết phải xin ý kiến của BBT TW Đảng để "thành lập ban chỉ đạo xây dựng đề án". Sau khi được phép, "dự kiến năm 2008 sẽ hoàn thành đề án". Và khi đề án được chấp thuận, phải đợi "đến năm 2010 sẽ biên soạn xong chương trình, giáo trình theo kết cấu mới". Chỉ tích hợp các bộ môn đã mất 4 năm xin chỉ thị. Còn muốn thực hiện, phải có diều kiện để tăng kinh phí đầu tư, nghiã là không biết đến bao giờ. Ông Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra một quyết định siêu thực nữa là "sẽ tổ chức các đoàn khảo sát các nước như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức... để học hỏi kinh nghiệm", làm như là ở những nước này có học những bộ môn chính trị như ở Việt Nam. Tôi xin nhắc lại là không cần phải đi nhiều nước như thế. Chỉ cần đi Bắc Triều Tiên nếu vẫn muốn duy trì các môn chính trị "kiểu cũ" và đi một nước như Pháp mà tôi xin nói thêm trong phần sau này, nếu muốn đổi mới các môn học chính trị theo đúng nghĩa của nó. Thật ra chỉ một đề nghị tích hợp tên gọi các môn học chính trị cũng đã phải chờ 4 năm. Muốn được phép đụng tới nội dung những môn học này chắc phải chờ "lịch trình Hi Lạp" (calendes grecques) của Ban Bí thư tương lai sau Đại hội thứ 11! Nghĩa là cho tới ngày tận thế!

Tuy vậy không thể không đặt câu hỏi là trong tương lai có thể tiếp tục duy trì các bộ môn Mác-Lênin trên đại học không?

Theo đúng lẽ tất nhiên là không:

Ai cũng biết là nền đại học Việt Nam mỗi ngày một suy thoái so với các nước trong khu vực. Thiếu giáo sư có khả năng, thiếu phương tiện, thiếu ý niệm về những môn học mới, đại học Việt Nam không thể thích ứng với hội nhập và đáp ứng được những đòi hỏi của kinh tế thị trường. Duy trì một đội ngũ 2300 cán bộ để giảng dạy các bộ môn đã lỗi thời này là lấy chỗ, lấy phương tiện đào tạo 2300 giảng viên các bộ môn cần học ở bất cứ một đại học nào trên thế giới. Ngoài ra còn kìm hãm kiến thức, làm phí phạm thì giờ học hỏi khiến người sinh viên Việt bị thua thiệt so với sinh viên các nước khác.

Tất nhiên là muốn cứu vãn nền đại học Việt Nam chỉ có cách thay đổi nội dung các môn học chính trị này và đem nó ra khỏi đại học càng sớm càng hay. Muốn vậy phải thoát khỏi cái "lịch trình Hi Lạp" của những người trong "hệ thống". Những người nằm trong hệ thống này vẫn muốn duy trì nó vì:

Coi mình là công an tư tưởng: Trong thời bao cấp, bộ môn chính trị là công cụ hữu hiệu nhất để xác định những thành phần nào được lên học đại học và cũng để áp đảo, loại trừ những phần tử lừng khừng hay bị nghi ngờ. Đồng thời người ta có thể kìm hãm tư tưởng, giới hạn trí thức sinh viên, nếu chỉ dạy các môn gọi là Mác-Lênin và ngăn cấm các lý thuyết, các tư tưởng khác. Lẽ tất nhiên là ở thời internet cái công cụ đó đã trở thành vô dụng, nhưng khó mà vứt bỏ được vì dù sao nó vẫn là một nguồn lợi tức lớn lao.

Quyền lợi: Các cán bộ nắm những bộ môn chính trị trên đại học tuy phần nhiều chỉ là tiến sĩ, thạc sĩ hàm nhưng về chức danh thì ngang với các tiến sĩ "thật" những bộ môn khoa học khác. Còn về chức vị thì hơn hẳn vì đa số các vị cán bộ giảng dạy này nắm những chức vị Đảng hoặc chức vụ hành chánh. Trong một bài viết, GS Vũ Cao Đàm đã nói rất rõ: "Tất cả các viện trưởng, hiệu trưởng, khoa trưởng đều đặt dưới sự lãnh đạo của một bí thư đảng ở cấp tương ứng... Các vị giáo sư tự thấy không đủ tư cách khoa học ở chính đơn vị mình thì tìm cách có được những chức vụ đảng hoặc chức vụ hành chánh, lấy đó làm đệm để lên chức vụ cao hơn" . Tất nhiên là có quyền là có lợi.

Mô hình nào có thể phỏng theo nếu một ngày kia có thể tháo gỡ cái hệ thống chức vụ "nhất Đảng nhì hành chánh thứ ba mới là giáo sư" để giải toả đại học ra khỏi vòng kiềm toả của các môn chính trị và đem các môn này xuống trung học?

Theo tôi, có thể phỏng theo những môn đã được dạy ở bậc trung học miền Nam thời "liệt sĩ" Ngô Kha:

Đọc về cuộc đời của "liệt sĩ" giáo viên Ngô Kha thủ khoa Đại học Sư phạm Huế dưới chế độ "Mỹ ngụy" trong Khúc bi tráng một thời của Hoàng Nguyên Vũ và trong ý kiến ngắn của Nguyễn Ước, người bạn đồng khóa với Ngô Kha, tôi muốn tìm hiểu cái gì trong chế độ đó đã tạo ra một con người như Ngô Kha. Tôi thấy chính là những môn học được dạy ở miền Nam khi trước đã tạo ra những con người đó. Đó là những môn về đạo đức, về cách suy luận, về ý thức công dân, về tư duy tư tưởng:

Môn "Đạo đức" có nghĩa là môn học "đạo làm người" được dạy ngay từ bậc tiểu học dưới thời Pháp thuộc gọi là Luân lý (Morale). Mục đích của môn này là dạy cho con nít những đức tính đã nằm trong truyền thống của dân tộc như nhân lễ nghĩa trí tín. Không thể cho những đức tính này là "phong kiến", "lỗi thời". Muốn cho nó có hương vị "cách mạng" chỉ cần gài thêm những câu nói của Bác Hồ. Như vậy là có cả mới lẫn cũ và đưa Bác ngang hàng với các bậc thánh hiền.

Ở bậc trung học có môn "Công dân giáo dục" (Instruction civique). Chủ đích của môn học này là dạy cho người công dân tương lai phải có bổn phận đối với cộng đồng xã hội đồng thời cũng biết những quyền của mình mà xã hội phải bảo đảm. Trong đề xuất của ông Ngọc Anh, môn "Giáo dục đạo đức và cơ sở pháp luật" nếu được chấp thuận, sẽ chỉ là một "tái sinh" của môn này.

Bộ môn Triết dạy ở lớp Đệ Nhất (lớp 12) gồm những môn đạo đức, tâm lý, luận lý, siêu hình tương tự như những môn triết trong chương trình tú tài Pháp. Hầu hết các nước châu Âu, kể cả những nước Đông Âu cũ (trừ Nga), vẫn duy trì các môn triết này ở bậc trung học. Trong bộ môn Triết có 2 môn rất cần phải học: Luận lý và Siêu hình. Luận lý dạy cho con người biết quan sát, phân tích, suy luận (khác với lí luận), chứng minh (không phải là thuyết minh). Trong môn này có 2 danh nhân cần phải học là nhà hiền triết Aristote thời cổ Hi Lạp và nhà triết học kiêm toán học Descartes thời Phục hưng Pháp. Khoa học Tây phương tiến bộ là nhờ Aristote và Descartes. Môn học siêu hình không có nghĩa là học về thần thánh mà học về tư tưởng các triết gia từ cổ chí kim. Từ Aristote, Platon cho tới Kant, Hegel, Marx, Heidegger, Sartre... Học những tư tưởng Đông Tây kể cả tư tưởng Hồ Chí Minh là tập cho con người biết suy nghĩ. Không thể tự xưng mình là nhà lí luận mác-xít nếu không biết gì về biện chứng luận có từ thời Platon qua Aristote tới Kant trước khi tới biện chứng của Hegel (không phải Engels) mà Marx đã có công cóp lại.

Cấu trúc lại 5 môn chính trị Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh thành 2 môn như đề xuất của ông Ngọc Anh là thích hợp nhất để dạy nó ở lớp 12 trong cái khuôn của 2 môn luận lý và siêu hình thời Ngô Kha khi trước. Chỉ cần lồng biện chứng Marx vào môn Luận lý và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào môn "Tư tưởng nhân loại" nếu không muốn giữ tên cũ là môn siêu hình. Còn môn mới "giáo dục đạo đức và cơ sở pháp luật" của ông Ngọc Anh sẽ hoàn toàn đúng chỗ của nó ở bậc trung học để thay môn "công dân giáo dục" thời liệt sĩ Ngô Kha.

Tháo bỏ được những môn chính trị Mác-Lênin ra khỏi đại học sẽ cho đại học có cơ hội, có phương tiện để tạo lập một phân khoa chính trị theo đúng nghĩa của nó, dành cho sinh viên muốn chuyên về ngành này. Các học viện chính trị cũng có thể lấy mô hình các trường Đại học Chính trị Pháp, đặc biệt là Học viện Chính trị Paris (Institut d'Etudes Politiques de Paris). Ở trường này, môn học chính trị được hiểu theo nghĩa rộng là học về mọi chủ nghĩa, mọi chế độ từ cổ chí kim. Ngoài ra còn phải học nhiều môn khác về xã hội, quản trị kinh tế, bang giao quốc tế v.v. Trong mọi cơ cấu chính trị, hành chính, ngoại giao cũng như quản trị kinh tế của Pháp, kể cả trong những xí nghiệp tư nhân lớn, đều có mặt những nhân vật xuất thân từ trường này. Nước Pháp từ thời Phục hưng đã có truyền thống trung ương tập quyền nên những nước như Nga và Trung Quốc có một quá khứ tập quyền trong chế độ cộng sản đều muốn phỏng theo Pháp lập những trường dạy về hành chánh chính trị như những trường kể trên.

Tôi có thể kết luận: Theo đúng "lôgic", giảm thiểu thời lượng bộ môn chính trị Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trên đại học chỉ có thể có ý nghĩa nếu nó là bước đầu trước khi đi đến sự tháo gỡ toàn bộ các môn này ra khỏi đại học. Nhưng các nhà lí luận trong Ban Tư tưởng và Khoa - Giáo có lí luận theo lôgíc không? Đó là cả một vấn đề. Những người lạc quan sẽ nói: Mọi sự sẽ "tuần tự như tiến". Những người hoài nghi sẽ nói ngược lại: Mọi sự cũng sẽ vẫn "tuần tự như cũ". Những người hoài nghi có vẻ thắng thế vì chỉ trong vòng 4 tuần, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra kết luận ngược lại những đề xuất đã được sự nhất trí của buổi hội thảo. Sự đổi giọng đó có liên quan gì với tình hình trong nước từ khoảng một tháng nay không? Có những sự kiện mới xẩy ra khiến mọi người phải đặt dấu hỏi: Sự kiện đàn áp thẳng tay những người mở miệng đòi hỏi dân chủ, sự kiện số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ còn vỏn vẹn ở số 30. Cái hi vọng có một Quốc hội thứ 12 dân chủ hơn cũng đã tiêu tan trước khi thành hình.

© 2007 talawas