trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
20.8.2008
Bùi Văn Phú
Từ Mỹ, kể chuyện buồn vui Olympic
 
Thứ Sáu 08.08.08 là thời điểm đang trong kì nghỉ hè ở Mỹ, tôi đi chơi, ghé Oakland ăn phở.

Thành phố với non nửa triệu cư dân này, đa phần là người da mầu, đông nhất là da đen, trong quá khứ đã kết nghĩa với những thành phố của nhiều quốc gia trên khắp mọi châu lục, từ Cuba, Jamaica, Trung Quốc đến Nga Sô, Nhật Bản, Ghana. Năm 2005 Oakland đã chọn phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam làm chị em. Một phần tư thế kỉ trước, khi phố Tầu San Francisco không còn đất, người Hoa đổ về đây, cùng với làn sóng người Việt tị nạn đến định cư, đã gầy dựng nên những phố Á đông ở downtown và mạn đông thành phố. Từ đó con đường huyết mạch E.14th đã được đổi tên thành International Blvd là khu thương mại của nhiều sắc dân sinh sống ở đây.

Nếu hôm đó có là thứ Sáu 13, một ngày có những người Mỹ tin là xui, thì với tôi sự việc cũng thế thôi. Vui chơi ngày hè cho thư giãn chứ chẳng nghĩ đến chuyện hên xui. Tôi không tin vào chuyện tử vi, tướng số, ngày lành tháng tốt như nhiều người Á đông, hay như cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà Nancy Reagan, người thường đi coi bói, chọn ngày giờ cho nhiều chuyến công du, nhiều cuộc gặp cao cấp của Tổng thống Ronald Reagan.

Mọi sự đều do Thượng đế an bài cả. Mẹ tôi thường bảo vậy.


1. Những con số 8

Ngày giờ đã được chọn để khai mạc Olympic Bắc Kinh chắc phải là con số sẽ đem lại may mắn và sự phát đạt cho Trung Quốc, theo niềm tin truyền thống của người Hoa.

Nhưng từ đầu năm nay, khi Đuốc Thế vận đi qua những thành phố lớn như London, Paris và San Francisco đã gặp làn sóng biểu tình chống Trung Quốc. Hôm đuốc đến San Francisco, cả rừng khẩu hiệu đã được giương cao trong đoàn biểu tình nhiều chục nghìn người: “Free Tibet”, “Save Darfur”, “Hands off Myanmar”. Biểu tượng của những con số 8 đã biến thành hình ảnh những chiếc còng để công an Trung Quốc bắt giam những người bất đồng chính kiến.

Nghe nhiều về sự kiện Trung Quốc chọn những con số 8 nên mấy tuần trước ghé nhà bà ngoại của các cháu, tôi đã tìm lịch Á đông xem ngày khai mạc Thế vận hội có gì đặc biệt.

Tờ lịch Á đông của ngày 08.08.2008
08.08.2008 là ngày Canh Thìn, tức ngày 8 tháng Bảy năm Mậu Tý. Giờ tốt là các giờ Thìn, Tỵ, Thân, Dậu. Nên: khai trương, về nhà mới, cầu tài, cầu phúc, cưới hỏi. Cữ: kiện cáo, giao tài vật, mai táng, xây mộ.

Ăn phở xong tôi đi dạo downtown Oakland, nơi góc phố Tầu có những tên đường được viết cả bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và ở vài ngã tư, trong chương trình làm đẹp thành phố mới đây, lòng đường dành cho khách đi bộ đã được lát hoa văn cổ Trung Hoa mầu đỏ vàng. Đến góc đường số 8 và Webster, nơi tháng Mười mỗi năm đều có cờ, có biểu ngữ giăng ngang mừng quốc khánh, Trung Quốc 1.10 treo trước, rồi đến Đài Loan 10.10. Ghé một cửa tiệm cạnh xa lộ 880 nối vào 80, mua một tấm vé số cạo Big Spin và một vé Mega Millions. Cạo ngay. Chẳng trúng. Như cả trăm lần đã thử thời vận. Xem ra tấm vé số của tôi đã có nhiều liên hệ với số 8, nhưng chưa đủ hên chăng? Thôi thì chờ cơ hội Mega Millions sẽ xổ chiều nay.


2. Thông tin về Olympic

Thông tin về Olympic trên trang nhất các báo tiếng Hoa vùng Vịnh San Francisco

Hãng Coca-Cola của Mỹ tung ra thị trường những mẫu hàng đặc biệt về Thế vận hội Bắc Kinh 2008
Trên đường lái xe về nhà, nghe tin đầu giờ các đài phát thanh đều đưa tin Olympic XXIX đã khai mạc một cách hoành tráng, ngoạn mục, chan hoà nét văn hoá của một đất nước với hơn 5 nghìn năm lịch sử.

Phần tin điạ phương liên quan đến Olympic là buổi lễ thượng kỳ Myanmar trước Toà Thị chính Berkeley vào đúng 8 giờ 8 phút sáng nay, một nghi thức bày tỏ sự phản đối Trung Quốc ủng hộ chính quyền quân phiệt Myanmar đàn áp những nhà dân chủ.

Sáng thứ Tư vừa qua ở San Francisco có biểu tình lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền, đàn áp dân Tibet. Đoàn biểu tình khởi hành từ Toà Thị chính rồi kéo đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, ở đó có sự cố một người biểu tình dùng dây leo lên nóc toà nhà và một nhân viên lãnh sự quán đã cắt dây, người biểu tình rớt xuống lan can tầng hai, may chỉ bị thương và bị cảnh sát bắt. Ngày hôm sau hai người đã leo lên nóc nhà bị buộc tội xâm nhập cơ sở ngoại giao nước ngoài và chờ ngày ra toà.

Mấy hôm trước xem tin tức truyền hình, có một số vận động viên đến sân bay Bắc Kinh mà mang khẩu trang, như thời kì bệnh SARS lan tràn ở châu Á cách đây mấy năm. Đây có phải là việc phòng tránh ô nhiễm hay là một biểu kiến phản đối sự thiếu tự do phát biểu ở Trung Quốc? Trong khi đó vận động viên Hoa Kỳ Joey Cheek, huy chương vàng môn trượt băng, vừa bị chính quyền Trung Quốc rút lại visa vì những hoạt động của Team Darfur do anh sáng lập, với mục đích lên tiếng yêu cầu Trung Quốc dùng ảnh hưởng, can thiệp giúp chấm dứt thảm nạn đã giết chết hàng trăm nghìn người ở vùng đất châu Phi này.

Thông tin mấy ngày qua cũng đưa tin đoàn thể thao Hoa Kỳ đã bầu chọn người cầm cờ cho buổi diễn hành khai mạc sẽ là một vận động viên da đen, Lopez Lomong, 23 tuổi, trước đây là một trong những đứa bé được mệnh danh “Lost Boys” đã được cứu sống từ những cuộc thảm sát ở Sudan và nay là vận động viên môn chạy đua 1.500 mét. Sự chọn lựa của vận động viên Hoa Kỳ là một thông điệp chính trị gửi cho Trung Quốc. Trong khi đó Diêu Minh (Yao Ming), cao 2 mét 29 phân, sau nhiều năm đầu quân cho đội bóng rổ Rockets ở bang Texas, lại trở về cầm cờ cho đoàn lực sĩ của cố hương.

Đài địa phương thường nhắc nhở thính giả là trong số 600 vận động viên Mỹ đi dự Olympic, có 100 người từ vùng Vịnh San Francisco. Họ từng là học sinh trong vùng hay sinh viên từ hai trường đại học danh tiếng Stanford và U.C. Berkeley và có nhiều hy vọng đoạt huy chương trong các môn chơi, như bơi lội với Natalie Coughlin và Ben Wildman-Tobriner, đánh kiếm với Gerek Mainhardt, bóng chuyền trên cát với Kerri Walsh và Nicole Branagh. Năm nay trong đoàn Hoa Kỳ có Howard Bach, gốc Việt-Hoa, trong đội cầu lông đã một thời sống ở San Francisco, nay là cư dân Quận Cam.


3. Lễ khai mạc

Kênh NBC-3 là hệ thống truyền thông Hoa Kỳ đã trả 894 triệu Mỹ kim để được độc quyền phát hình Olympic XXIX từ khai mạc đến kết thúc. Trung Quốc, nước thứ ba ở Đông Á - sau Nhật (1964) và Nam Hàn (1988) - đã chi ra trên 40 tỉ Mỹ kim để xây dựng cấu trúc chuẩn bị cho Thế vận hội, từ sân bay, cầu đường, các vận động trường đến trung tâm thông tin quốc tế, hệ thống xe điện. Thật là một số tiền đầu tư khổng lồ.

Chương trình bắt đầu lúc 7 giờ 30 chiều, ôn lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung với những trận bóng bàn giao hữu dẫn đến chuyến đi Hoa lục lịch sử của Tổng thống Richard Nixon năm 1972, mở đầu cho kỉ nguyên giao thương hai nước. Rồi sự kiện bảy năm trước đây Ủy ban Thế vận quyết định chọn Bắc Kinh cho Olympic 2008 để thành phố này ngày nay có một bộ mặt đổi mới với cầu đường, sân bay, hệ thống xe điện, cơ sở thể thao hiện đại nhất.

Sự thiếu vắng tự do thông tin được nhắc đến qua chuyện rước Đuốc Thế vận vòng quanh thế giới bị biểu tình phản đối ở nhiều nơi nhưng truyền thông Trung Quốc im lặng.

Người dẫn chương trình của NBC là Matt Lauer nhấn mạnh đến khẩu hiệu trong các cuộc thi đua thể thao: “It’s not the triumph, but the struggle” - Đó không phải là vinh quang, mà là những phấn đấu. Một lời nhắn nhủ không chỉ cho các vận động viên tham dự mà còn dành cho đất nước Trung Quốc đương đại.

Ít phút sau Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Thế vận Jacques Rogge bước 8 bậc để vào vị trí trên khán đài. Trên góc màn hình có chữ “LIVE”, nghĩa là trực tuyến, nhưng thực không phải vậy cho những người có hiểu biết về điạ lí thế giới. Sự kiện trên màn hình đã diễn ra cách đây 15 giờ đồng hồ rồi. Dù chiếu lại, buổi lễ cũng đã được khai mạc đúng 8 giờ 8 phút giờ California, với nghi thức chào quốc kì Trung Quốc được tiến hành bởi 8 người lính.

Phô diễn văn hoá Trung Quốc là nét chính của lễ khai mạc. Với tôi văn hoá cổ của người Hoa không mấy hấp dẫn, nhưng đạo diễn Trương Nghệ Mưu, qua nhiều bộ phim tuyệt vời chiếu ở Hoa Kỳ vào những năm đầu thập niên 1990, đã cho tôi nhiều cảm hứng để tìm hiểu lịch sử cận đại Trung Quốc qua những câu chuyện đã được đưa lên màn ảnh, với tài diễn xuất của Củng Lợi: Cao lương đỏ (Red Sorghum), Cúc Đậu (Ju Dou), Đèn lồng đỏ treo cao (Raise the Red Lantern), Phải sống (To Live) và đặc biệt là Thu Cúc đi kiện (Story of Qiu Ju), là câu chuyện về một phụ nữ dân oan đã không quản ngại khó khăn, quyết đi khiếu kiện từ làng xã, lên đến huyện, tỉnh để đòi cho được công lí. Những câu chuyện như thế nay đang xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.

Sàn sân vận động quốc gia Tổ Chim, trị giá 420 triệu Mỹ kim, mới hoàn thành đã được đạo diễn họ Trương biến thành những cuộn sử xanh dài như 5 nghìn năm của đất nước với 1 tỉ 300 triệu dân này. Trên sàn sân khấu, con số 2.008 diễn viên của từng màn trình diễn khác nhau, biểu tượng của những khoảnh khắc lịch sử Trung Hoa với phát minh về giấy, thuốc pháo, la bàn. Từ thời Khổng Tử làm thầy đến những phi hành gia bay lên không gian. Từ những bức tranh thủy mạc êm đềm, tiếng trống cổ của nghìn năm xưa, đến bầu trời ầm vang tiếng pháo hoa nổ sáng rực sắc mầu. Những trò chơi kĩ thuật được sử dụng ở mức độ hiện đại nhất, xoay quanh tinh thần “Hài hoà” và triết lí “Tứ hải giai huynh đệ” của Đức Khổng Tử là dấu nhấn, là quyết tâm và là câu trả lời của Trung Quốc với thế giới.

Khi Lí Ninh (Li Ning), người sau cùng trong số 8 vận động viên chuyển lửa thế vận, chạy một vòng địa cầu, tượng trưng cho cuộc rước Đuốc Thế vận dài hơn 18 nghìn dặm đường qua các thành phố lớn của thế giới. Nhưng Trung Quốc đã che giấu tất cả những phản đối mà Đuốc Thế vận Bắc Kinh đã gặp. Cũng như chính quyền của đất nước này chưa bao giờ nhận có biến cố Thiên An Môn vào năm 1989.

Tham dự lễ khai mạc có nhiều lãnh đạo quốc gia như Nga Sô, Nhật Bản, Pháp, Nam Hàn, Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ và phu nhân đã có mặt. Trước khi đến Bắc Kinh và trong thời gian bốn ngày ở đó, Tổng thống George W. Bush đặt vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Trung Quốc và tái xác định điều đó nhiều lần. Nhưng ông vẫn tin vào hiệu quả của chính sách “engagement” hơn là lớn tiếng chỉ trích, trừng phạt gây cách biệt giữa hai quốc gia.

Đã có những yêu cầu lãnh đạo Mỹ không nên dự lễ khai mạc, nhưng Tổng thống Bush nói ông quyết định tham dự để tỏ lòng kính trọng đối với nhân dân Trung Quốc. Ông bà Bush không đi một mình mà còn kéo theo cả gia đình gồm con gái, anh chị em và thân phụ là cựu Tổng thống George H. W. Bush cùng đi. Sự kiện này chứng tỏ Hoa Kỳ luôn luôn muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Ngay cả thời Bush cha làm tổng thống, khi có cuộc thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, chỉ hai tuần sau ông đã bí mật gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scrowcroft đến Bắc Kinh để bảo đảm quan hệ với Trung Quốc tiếp tục được phát triển, dù biến cố đó đã làm căng thẳng quan hệ giữa hai nước.

Sau phần trình diễn văn hoá, khi đoàn lực sĩ của 204 quốc gia và các vùng lãnh thổ tiến vào sân vận động, thật là khó biết đoàn nào sẽ vào trước, vào sau vì cách xếp thứ tự của người Hoa hoàn toàn khác với thứ tự ABC. Hy Lạp đi đầu và Trung Quốc, quốc gia chủ nhà, đi sau cùng là qui định đã có từ lâu. Còn lại 202 đoàn không đi theo tên quốc gia mà theo thứ tự số nét bút tên quốc gia đó viết theo tiếng Hoa. Vì thế người xướng tên vừa giới thiệu đoàn Virgin Island xong, đến đoàn America Samoa, rồi đến Zimbabwe. Việt Nam lại đi trước Botswana.

Khi đến đoàn Việt Nam với 21 vận động viên, Matt Lauer có đưa ra lời bình luận đại ý như sau: một quốc gia đã chiếm được 150 huy chương trong các kì thi toán quốc tế, mọi thanh niên Việt đều thuộc lòng định lí Pythagoras. Nhưng họ không giành được huy chương nào trong Thế vận hội lần trước.

Xem lực sĩ diễn hành là một bài học về lịch sử và thời trang quốc gia. Mấy ai biết Cộng hoà Nauru là một nước chỉ có 14 nghìn dân và một diện tích 8 dặm vuông. Đoàn Đài Loan tham dự, nhưng không được mang cờ Trung Hoa Dân quốc. Hy vọng thống nhất ở bán đảo Triều Tiên như mờ đi vì Nam và Bắc Triều Tiên năm nay không còn diễn hành chung như trong những Thế vận hội trước mà tách ra hai đoàn. So sánh những sắc mầu của trang phục thì những nước châu Phi, như đoàn Cameroun có trang phục truyền thống lộng lẫy nhất. Đoàn Hungari mặc áo quần trắng điểm đầy hoa đỏ. Gần 600 lực sĩ Mỹ mặc đồng phục xanh biển và trắng, toàn hàng hiệu Ralph Lauren. Đông nhất là đoàn Trung Quốc với 638 vận động viên. Ít nhất là Đông Timor và vài nước châu Phi, chỉ vỏn vẹn có 2.

So sánh với những lễ khai mạc Olympic ở Hoa Kỳ, Úc, Hy Lạp thì sự đồng bộ là tính chất Trung Quốc, hay nói chung là của những dân tộc Á đông, như hôm nay hay trong phô diễn văn hoá Hàn Quốc tại Olympic Seoul 1988. Sự nhịp nhàng, nhất cử nhất động của vài nghìn, có khi cả chục nghìn diễn viên một lúc nói lên tính đồng nhất, chứ không đa dạng như trong nét văn hoá phương Tây. Lễ khai mạc quả thật là một nét son thắm của Trung Quốc đương đại. Người Hoa, bằng tài năng trí óc và con số 15 nghìn diễn viên trong đêm khai mạc, đã giới thiệu đất nước của mình cho 4 tỉ người trên thế giới biết đến một cách ngoạn mục và hiện đại nhất, dù phải tốn 300 triệu Mỹ kim.

Chương trình chấm dứt vào lúc quá nửa đêm. Tôi nói với bà xã rằng nếu sáng mai trúng số độc đắc Mega Millions, vợ chồng sẽ bay qua Bắc Kinh xem lễ bế mạc để thấy văn hoá Trung Hoa và văn hoá Anh hoà quyện vào nhau vì Thế vận hội 2012 sẽ diễn ra ở London, Anh Quốc.


4. Buồn vui sau lễ khai mạc

Sáng thứ Bảy có tin gây chấn động. Một cặp vợ chồng người Mỹ bị tấn công khi tham quan một tụ điểm du lịch nổi tiếng là Tháp Trống nằm cách sân Tổ Chim không bao xa. Người chồng bị đâm chết, vợ bị thương nặng, còn kẻ tấn công là một đàn ông người Hoa đã nhảy tháp tự tử. Đây là bố mẹ vợ của một vận động viên Hoa Kỳ.

Rồi những tin về lễ khai mạc chiếu trên màn hình có cảnh không thực lúc xảy ra, như khi 29 trạm pháo bông trải dài khắp thủ đô Bắc Kinh toé lên bầu trời đánh dấu Olympic XXIX là những đoạn phim quay trước. Tin chấn động về sự giả tạo của đêm khai mạc là về em bé gái áo đỏ, tóc kết bím tên Lâm Diệu Khả (Lin Miaoke) biểu diễn “Bài ca đất Mẹ” là hát nhép. Giọng hát thực là của em Dương Bái Nghi (Yang Peiyi). Nhưng chỉ vì em này có tóc búp bê và hàm răng không đều nên mấy ngày trước đó quan chức văn hoá Trung Quốc đã ra lệnh phải thay Bái Nghi bằng Diệu Khả xinh đẹp hơn.

Suốt tuần qua, bên trong những sân thi đấu có khán giả đến xem. Bên ngoài, những tụ điểm đã được nhà nước định chỗ với màn hình to, nhưng chẳng có mấy người đến xem nên nhiều chỗ màn hình đã được gỡ đi. Không biết 17 triệu cư dân thủ đô cùng với cả chục triệu người đã sống trôi nổi ở đây những tháng năm trước, họ làm gì trong hai tuần của Thế vận hội mà ít thấy ra đường? Xem ra không khí lễ hội ở Bắc Kinh mùa Thế vận không có mà là nỗi lo sợ mất an ninh, lo sợ biểu tình vì đã vài lần có người giương biểu ngữ ủng hộ Tibet giữa lòng Bắc Kinh và đã bị an ninh bắt giam ngay.

Sau một tuần thi đấu, theo số liệu của yahoo.com thì Hoa Kỳ đang dẫn đầu với 46 huy chương. Trung Quốc theo sau với 41. Nhưng về huy chương vàng Trung Quốc đã đoạt 26, Hoa Kỳ 14. Michael Phelps là siêu sao bơi lội kì này, đã giành 6 huy chương vàng và hy vọng sẽ phá kỉ lục 7 huy chương vàng Olympic Munich 1972 của Mark Spitz.

Trung Quốc đang có quyết tâm qua mặt Mỹ về số huy chương đạt được tại Olympic năm nay.

Đối với người Việt, tin vận động viên Hoàng Anh Tuấn đoạt huy chương bạc môn cử tạ hạng 56 kí đã là một niềm vui.


5. Tương lai quan hệ Mỹ - Trung

Đủ loại mặt hàng từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Hoa Kỳ, nhất là quần áo may gia công.
Mức phát triển cao của Trung Quốc trong hơn hai thập niên qua đã là nguyên do khiến cho dân và một số chính trị gia Mỹ quan ngại đất nước đông dân nhất thế giới này có thể qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế và cả quân sự trong thời gian không xa.

Nhân Thế vận hội được tổ chức tại Bắc Kinh lần đầu tiên, tuần qua trên những nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đã có nhiều bình luận về tương lai Trung Quốc. John Pomfret, cựu trưởng phòng Bắc Kinh của nhật báo Washington Post, không nghĩ Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc qua mặt được Hoa Kỳ vì cách quản lí, với nhiều con số không thực, với sự thiếu hụt năng lượng, tài nguyên, nguồn nước sạch và với cơ chế chính trị hiện hành chính là những mũi cản không cho đất nước này tiến nhanh.

Khó trở thành đối thủ kinh tế, nhưng cũng không nên ép đẩy Trung Quốc vào thế đối nghịch với Hoa Kỳ bằng lớn tiếng chỉ trích, trừng phạt vi phạm nhân quyền trong quan hệ song phương. Đó là nhận định của hai học giả từ Viện Nghiên cứu Brookings là Jeffrey A. Bader và Richard C. Bush III. Sau khi phân tích những chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc qua nhiều thời tổng thống Mỹ và hệ quả của nó, hai nhà nghiên cứu đề nghị ứng viên Tổng thống Barack Obama và John McCain không nên có chính sách lên án Trung Quốc. Trái lại nên kết thân, vì đem Trung Quốc đến trong tình bạn sẽ giúp Hoa Kỳ giải quyết được nhiều xung đột hiện tại của thế giới.

Xem ra dân Trung Quốc sẽ còn tiếp tục bị chà đạp nhân quyền và phải lao động, sản xuất hàng để phục vụ dân Mỹ dài dài.

Viết từ vùng Vịnh San Francisco, 15.8.2008

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas