trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.1.2007
Nguyễn Đình Chính
Một nền văn học nghệ thuật giả - Thư trả lời nhà văn Nhật Tiến
 
Kính gửi nhà văn Nhật Tiến,

Mong được bỏ qua mấy dòng đầu thư giao đãi và khách sáo. Tôi xin tiếp tục cuộc trao đổi này.

1. Cuối lá thư vừa rồi, anh hỏi tôi là có khi nào xẩy ra hiện tượng này không: Những nhà văn cán bộ trung kiên của Ðảng cộng sản, ở một xó xỉnh nào đó đang lầm lũi cúi đầu nuốt dần những giọt đắng của lương tâm tra vấn hắn. Tôi xin trả lời là. Bởi vì sao? Thưa anh, cứ điểm danh thì thấy rõ hầu như những thủ lĩnh khởi xướng, lãnh đạo và chiến đấu với nhau một mất một còn cho đến tận cùng trong hai vụ Nhân văn-Giai phẩm 1956 và văn nghệ đổi mới 1990 đều là những nhà văn cán bộ văn nghệ trung kiên, nếu không nói là những người đang giữ những vị trí lãnh đạo then chốt trong bộ máy văn nghệ của Ðảng. Toàn những bí thư Ðảng đoàn, uỷ viên thường vụ... Họ đều là đồng chí cùng lí tưởng và cũng là bạn văn chương với nhau. Và trước hết họ đều là những con người. Và không ai có thể chạy trốn khỏi lương tâm của mình. Tôi không tin là chỉ vì cái sự thắng bại, được thua mà giờ đây hai tình cảm cao quý đó đã hoàn toàn chết hẳn trong tâm hồn họ. Tôi tin rằng dù có thoả mãn, đắc chí đến đâu (những kẻ thắng) và dù có căm thù, uất hận đến đâu (những kẻ bại) thì những tình cảm đó của họ dành cho nhau vẫn chưa chết hẳn. Tôi tin vào sự thức tỉnh của lương tâm. Cũng như tôi tin là không thể có một sự nguỵ biện tinh xảo của một hệ tư tưởng và lý thuyết nào có thể ngăn cản những văn nghệ sĩ cán bộ đó có một ngày bước tới toà án bí mật của tâm hồn, chịu sự tra vấn của chính lương tâm họ. Sự tự tra vấn này tôi tìm thấy trong di cảo của Nguyễn Đình Thi và ngay cả trong vở kịch Rừng trúc của ông, khi ông loay hoay đi tìm câu trả lời: Sự nghiệp lí tưởng thì thật là lớn. Nhưng cái tình giữa người với người có lớn thua kém gì không? Thú thực, đây là một cảm phục thứ hai tôi dành cho Nguyễn Đình Thi.

Tất nhiên, có thể hiện nay trong cái làng văn nghệ chúng tôi ở trong nước còn có một vài người thuộc diện ngoại lệ. Họ vẫn đang mộng tưởng hoang đường làm thủ lĩnh văn nghệ, tập hợp đám đông quần chúng văn nghệ sĩ để phất cao ngọn cờ đổi mới, tự do sáng tác. (Với người nghệ sĩ thì không có thế lực, cường quyền nào tước đoạt được tự do và đổi mới trong sáng tạo của họ, ngoại trừ chính họ). Thưa nhà văn Nhật Tiến, hơn nữa, có một thực tế tàn nhẫn này mà chúng ta không nên lẩn tránh: đó là, mặt bằng tác phẩm chung của nền văn học viết bằng thứ chữ Việt Nam của chúng ta đang dùng hiện nay còn thô sơ. Hầu như chưa có cái gì đáng và cũng chưa có đủ đẳng cấp để bàn đến mấy chữ Tự doÐổi mới trong nghệ thuật.

Nhắc đến cái cụm từ "đám đông quần chúng văn nghệ sĩ", tôi hơi lợm giọng. Cái gọi là đám đông quần chúng văn nghệ sĩ ấy đã từng ùa theo ào ạt tung hô, ủng hộ các thủ lĩnh đòi tự do sáng tác, đổi mới, thì cũng chính nó, cái đám đông ấy, trong các buổi kiểm điểm trên hội trường và trên mặt báo lại quay ngoắt, lại ào ạt đấu tố những thủ lĩnh vừa dắt dẫn họ. Chả thế mà các cụ nhà ta đã phải kêu lên "Bạc như dân... Bất nhân như..." Bài học quả đắng này Nguyễn Đình Thi là người đầu tiên lĩnh đủ trong một hội trường đấu tố, phê bình thơ không vần ở Việt Bắc năm 1948. Sau này, ông Thi vẫn hay cười hì hì kể cho tôi nghe: "Lúc đó tao (ông Thi hay xưng tao với tôi) ngoái lại, đứng đằng sau ủng hộ tao chỉ còn trơ ra mỗi một mình cụ Nguyên Hồng và cô Tâm Chung". Quả đắng này chắc chắn không chỉ dành riêng cho Nguyễn Đình Thi.


2. Trách nhiệm với các thế hệ mai sau

Trong cả hai lá thư gửi cho tôi, anh có nói tới sự mấp mí trong vấn đề vụ Nhân văn-Giai phẩm 1956 và vụ văn nghệ đổi mới 1990. Tôi xin trao đổi lại một lần nữa với anh những thiển ý của tôi như sau:

Hai vụ này thực chất chỉ là hai vụ tranh giành quyền lực lãnh đạo trong văn nghệ của những ông nhà văn cán bộ có quyền có chức trong bộ máy văn nghệ. Và phải công nhận cả hai phe đã không từ một thủ đoạn, một âm mưu ghê gớm, thô bạo, man trá và vô đạo đức nào để mà kéo bè kéo cánh choảng nhau. Tôi dứt khoát tin rằng rồi một ngày mai, các thế hệ sau sẽ tìm ra sự thật về hai vụ này, mặc dù nó đang bị chôn giấu dưới bao nhiêu điều dối trá hoa mỹ hèn hạ. (Nhưng không biết lũ con cháu chúng ta có đủ hứng thú để mà sục hai cái đống rác này lên không, hay chỉ mải đi tìm kiếm những cơ hội để nổi tiếng, để kiếm tiền và chơi games?)

Anh viết cho tôi: "Anh cũng như tôi đã có nhiều dịp tham dự vào đời sống xã hội, mà nay nhìn lại thành quả của những giai đoạn ấy thì chia ly, chết chóc, đau thương, tủi hờn... đã nhiều hơn là thanh bình, yên ấm, hạnh phúc. Nhận chân được điều đó, tại sao anh lại tính phủi tay khi nói ‘Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng’".

Tôi đồng ý với những dòng chữ trên của anh. Nhưng tôi và anh đang nói về một đời sống văn nghệ đã qua (không chỉ hai vụ Nhân văn-Giai phẩm và văn nghệ đổi mới) mà tôi muốn nói cả về toàn bộ những tài sản văn học nghệ thuật mấy chục năm qua mà thế hệ chúng ta đã để lại cho các thế hệ sau. Tôi xin vẫn kiên định giữ vững lập trường đối với cả một đống những gì chúng ta đã tương ra đó thì, "Chúng ta chỉ có quyền xấu hổ và tủi nhục trong im lặng".

Thưa nhà văn Nhật Tiến, mặc dù dư âm, di chứng của hai vụ Nhân văn-Giai phẩm và văn nghệ đổi mới vẫn còn làm tổn hại tinh thần của văn nghệ Việt Nam và làm vẩn đục dư luận xã hội, nhưng đó chỉ là những đám bọt nổi lên trên dòng chảy văn nghệ Việt Nam hôm nay. Tận bên kia đại dương xa xăm, anh có cảm nhận được những cơn sóng ngầm dữ dội ở bên dưới dòng chảy mà anh em văn nghệ sĩ trong nước đang phải vật lộn, chống đỡ không? Chúng tôi không phải chỉ chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở bên ngoài môi trường văn nghệ mà, còn phải chống đỡ những cơn sóng dữ dội đó ở ngay bên trong tâm hồn mỗi một cá thể chúng tôi. Những cơn sóng này đang tàn phá nền văn học Việt Nam và đang chầm chậm dẫn đến một sự tàn sát tập thể. Nó như một bệnh dịch ác độc chưa tìm ra thuốc chữa. Làn sóng dữ dội đó, bệnh dịch tàn ác đó có tên là một nền văn học nghệ thuật giả. Làn sống dữ dội này, căn bệnh dịch tàn ác này đang tràn từ ngoài biên giới vào và thật cay đắng, nó cũng nổi lên từ ngay bên trong cái thân thể văn nghệ Việt Nam hôm nay. Nếu nói tới trách nhiệm với các thế hệ mai sau, tôi nghĩ anh có thể lưu ý tới vấn đề này. Và nếu anh cho phép, thì, bằng những kinh nghiệm kiêu ngạo và ranh ma của tuổi già, chúng ta sẽ làm hai ông thầy bói hùng hổ ngoa ngôn mà đoán già đoán non, mổ xẻ tuốt tuột những nguyên nhân gây nên thảm cảnh tàn sát tập thể này.

Anh hãy tin là tôi đang mời anh "đánh một quả" lương thiện, tử tế hơn cái trò bới rác. Ðể tôi kể anh nghe cho vui một tí. Năm 2002 chủ tịch Uỷ ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Đình Thi có chính thức tiếp nhà thơ trẻ Văn Cầm Hải tại văn phòng của ông tại Hà Nội. Sau đây là lược trích một đoạn trong cuộc trò chuyện dài hơn 3 tiếng đồng hồ giữa hai người:

Văn Cầm Hải: Thưa nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông có thấy một thực tế là hiện nay có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc loại hàng nhái, hàng giả hay không?
Nguyễn Ðình Thi: Có đấy.
Văn Cầm Hải: Nhiều đến mức có thể chiếm tới một nửa, tức là năm mươi phần trăm.
Nguyễn Ðình Thi: (Cười, không trả lời)
Văn Cầm Hải: Sáu mươi phần trăm.
Nguyễn Ðình Thi: (Im lặng)
Văn Cầm Hải: Bẩy mươi. Thậm chí tám mươi phần trăm.
Nguyễn Ðình Thi: Tôi vẫn đang đợi anh cho ra một con số nữa.
Văn Cầm Hải: Thưa chủ tịch, chín mươi lăm phần trăm có được không?
Nguyễn Ðình Thi: (Thong thả): Theo ý kiến của riêng tôi thì khoảng chín mươi phần trăm.

Thưa nhà văn Nhật Tiến, anh có thể kiểm tra thông tin này, nếu anh muốn.


3. Khung cửa hẹp

Ngay sau khi đọc xong phần thứ hai ("Khung cửa hẹp") trong thư anh vừa gửi, thú thực là tôi rất ân hận vì đã phạm một sai lầm vượt xa cả phép lịch sự, lễ phép tối thiểu khi trao đổi thư từ với một nhà văn đã cầm bút trước mình và còn hơn mình hàng chục tuổi đời. Tôi coi những dòng chữ nhắc anh hãy chạy thoát ra khỏi cái luận điểm văn nghệ là bất phục tùng, là bất phản kháng của André Gide là một cử chỉ thiếu văn hoá của tôi, nếu không muốn nói là xấc xược. Thưa nhà văn Nhật Tiến, tôi chân thành công khai xin lỗi anh. Và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh là "chúng ta cũng chẳng nên bàn cãi làm gì kẻo lại sa đà vào những cuộc tranh luận đã có từ thế kỉ trước".

Ðúng lúc này đây, đang ngồi viết thư cho anh thì một người bạn thơ rất trẻ từ Sài Gòn điện thoại ra đề nghị chúng ta hãy trao đổi về cái vấn đề văn học giả. Một lần nữa xin anh lưu tâm tới nó, vấn đề một nền văn học nghệ thuật giả mà tôi vừa nêu ở trên. Nếu anh không mệt và còn hứng thú thì mong anh hãy tiếp tục cuộc trao đổi rất thú vị này.

Trân trọng kính chào anh,

Nguyễn Ðình Chính

© 2007 talawas