trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.8.2008
Lê Phú Khải
Đó là Sơn Nam
 
Nhà văn Sơn Nam (11.12.1926 - 13.8.2008), kí hoạ của Lê Quang
Sơn Nam kể với tôi: Hồi mới lên Sài Gòn kiếm sống, một lần bà già tao từ quê lên hỏI, "Mầy lên đây làm gì để sống?” – “Viết văn!” Bà già hỏi lại, “Viết văn là làm gì?” Tao biểu bả, “Viết văn là có nói thành không, không nói thành có.” Bả nổi giận mắng, “Mày là thằng đốn mạt.” Tao không cãi, chỉ làm thinh! Sau dường như thương con quá, bả lại hỏi, “Thế viết văn có sống được không?” Tao bảo, “Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày!”

Bả thấy vậy không hỏi gì nữa rồi lặng lẽ ra về.

Sơn Nam đã viết văn từ đó đến nay, 50 năm có lẻ. Tập truyện nổi tiếng nhất của ông là Hương rừng Cà Mau đã tái bản nhiều lần. Ông được độc giả tấn phong là nhà “Nam Bộ học” với hàng loạt tác phẩm khảo cứu: Lịch sử khẩn hoang miền Nam; Ðồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn, Cá tính miền Nam, Bến Nghé xưa... Ông rành về phong tục, lễ nghi, ẩm thực của dân Nam Bộ. Mỗi buổi sáng, ông thường uống cà phê ở quán sân Nhà Truyền thống quận Gò Vấp đường Nguyễn Văn Nghi... Ai có việc gì cần hỏi về “đất nước con người Nam bộ” thường ghé tìm ông ở đó. Kể cả mời ông đi tế lễ ở đình chùa! Có người làm ăn khá giả tìm ông để biếu... ít tiền uống cà phê.

Dạo Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập, có mời ông với tư cách là cộng tác viên ruột lên phát biểu trong lễ kỷ niệm long trọng đó. Ông nói ngắn gọn: "Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Ðức thì đã đi đá banh rồi! Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín từ lúc còn trẻ! Vừa ốm yếu lại vừa xấu trai nên đành đi viết văn vậy. Bây giờ Nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, các anh chị có cơm ăn, tôi cũng có chút cháo!..." Mọi người tức cười.

... Dạo TP. HCM kỷ niệm 300 năm, Sơn Nam có theo một đoàn làm phim ra Quảng Bình dự lễ tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, người Quảng Bình có công khai phá đất Nam bộ. Khi làm lễ, Sơn Nam giở gói đồ khăn đóng áo dài của mình đem từ Sài Gòn ra, mặc vô và lễ tế rất đúng bài bản. Các cụ Quảng Bình khen nức nở: Trong Nam người ta có lễ hơn cả mình ngoài này! Sơn Nam nói: Trong Nam cũng nhiều thằng lưu manh lắm, nhưng cử người đi xa phải cử thằng có lễ chớ! Các cụ Quảng Bình... thất vọng!

Trong giới các nhà văn, Sơn Nam là tác giả được một nhà xuất bản lớn ở TP. HCM mua bản quyền toàn bộ tác phẩm. Khi tôi hỏi nhà văn: "Giá bao nhiêu?" Ông lắc đầu: "Bí mật."

Những lần trà dư tửu hậu với Sơn Nam như thế, tôi thường mời ông ăn trưa, vì biết ông đi bộ đến quán café rồi ở đó đến tối mới về. Vào quán, bao giờ ông cũng kêu: cho cái món gì rẻ nhất, ngon nhất, và ngồi được lâu nhất.

Sơn Nam để lại cho đời một sự nghiệp sáng tạo thật đồ sộ, bao gồm nhiều đầu sách khảo cứu, truyện ngắn, tiểu thuyết. Ðọc Sơn Nam người ta kinh ngạc về sự độc đáo của văn phong. Ông viết như nói, như một ông già Nam bộ kể chuyện đời trong quán café. Nhưng sức nặng của thông tin và cảm xúc của người viết khiến lời văn biến hoá khôn lường. Ðừng có ai đi tìm thể loại hay bố cục trong một truyện ngắn, hay một cuốn sách của Sơn Nam. Nhưng đã cầm đến nó là phải đọc đến trang cuối. Vì càng đọc càng thấy yêu nhân vật của ông. Càng thấy yêu mảnh đất Nam bộ, miền cực nam của đất nước. Ông đã “viết mọi thể loại, trừ thể loại nhàm chán” như có nhà lý luận đã tuyên bố! Có lần tôi nhờ ông viết một bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Mấy ngày sau, cũng tại quán café ở Gò Vấp, ông đưa tôi bài: “Nhớ ngày Cách mạng tháng Tám ở U Minh”, đánh máy bằng cái máy chữ, chữ nhỏ li ti như con kiến. Ðài phát xong tôi thấy “tiếc” quá! Vì chữ nghĩa phát lên trời rồi gió bay đi... Tôi bèn gửi bài đó cho báo Cà Mau. Khi bài báo đó được in trên giấy trắng mực đen ở Cà Mau thì bạn đọc, cán bộ, đồng bào và các nhà nghiên cứu của vùng đất này đều kinh ngạc về trí nhớ của Sơn Nam. Bài báo đó là một tư liệu lịch sử sống động về Cách mạng tháng Tám ở U Minh, chưa từng được ai ghi chép lại sinh động như thế. Thư gửi về toà soạn tới tấp... Xin trích đăng lại đoạn cuối của bài báo đó:

Tại dinh chủ quận trước kia, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Từ những thôn xóm hẻo lánh, đồng bào đến dự ngày lịch sử trọng đại. Ðã có ban trật tự sắp xếp chỗ đậu xuồng ghe. Ðồng bào người Khmer cũng đến dự với các sãi áo vàng. Xuồng ghe đậu dài hàng kilômét. Nhiều người trung niên “quần bao áo bố” cõng con trên vai để nó trông lên khán đài. Tiếng loa phát ra vang vang, báo tin đại diện của tỉnh bộ Việt Minh đã đến. Có múa lân. Vài ông lão tụ tập lại, dạy võ thuật cho thanh niên. Loa lại vang lên, khuyên đồng bào yên tâm, cứ chịu đói buổi sáng, sau đó sẽ có phân phát bánh tét, ăn thay cơm. Trời chuyển mưa. Ðồng bào vẫn đứng chịu mưa tại chỗ.

Riêng tôi, có những kỷ niệm với Nam Sơn không dễ quên. Hồi chưa giải phóng miền Nam, từ Hà Nội, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông, do làm ở Ban miền Nam ccó đường dây chuyển sách báo từ miền Nam ra cho cán bộ nghiên cứu. Ðọc rồi mê luôn. Vì thế ngày cuối năm 1975, lần đầu tiên được vô Nam, trước khi đi còn phải đổi tiền như đi nước ngoài, tới TP. HCM, việc đầu tiên là tôi đi tìm Sơn Nam để biếu ông một chai rượu nếp Bắc. Tìm mãi, vô đến 4 con hẻm, 4 cái sur ở đường Lạc Long Quân mới tìm được tệ xá của nhà văn. Nhưng ông đi vắng. Tôi đành gửi lại chai rượu cho vợ nhà văn. Bà hỏi tôi: "Chú là thế nào với ông Sơn Nam?" Tôi thưa: "Là độc giả hâm mộ Sơn Nam, từ Hà Nội vô, phải ra ngay nên gửi lời hỏi thăm sức khỏe nhà văn."

Mười năm sau, lần đầu tiên được gặp Sơn Nam cũng tại quán café ở Gò Vấp, tôi kể lại chuyện chai rượu 10 năm trước, Sơn Nam vẫn nhớ rành rọt: "Tao không ngờ ở ngoài Bắc chúng mày cũng đọc tao kỹ như vậy." Nghĩ một lúc ông lại nói: "Dân Nam bộ ưa chiếu bóng, xem cải lương, nghe vọng cổ..., dân Bắc kỳ chúng mày thích văn chương; chính trước đây ở Sài Gòn, mấy thằng Bắc kỳ Năm Tư (54) nó ‘bốc’ tao lên từ cái quyển Hương rừng Cà Mau nên tao nổi tiếng từ đó..."

Nói cho thực công bằng, những truyện ngắn như “Trao thân con khỉ mốc” của Phi Vân trong tập Ðồng quê (giải nhất văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ 1943) và “Tình nghĩa giáo khoa thư” trong Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam là những kiệt tác đáng được đưa vào sách giáo khoa như “Lão Hạc”, “Chí Phèo” của Nam Cao mà chúng ta đã từng làm.

Lần cuối cùng tôi gặp Sơn Nam là cách đây vài tháng, tại nhà riêng của ông ở một con hẻm đường Ðinh Tiên Hoàng. Hôm đó tôi đem một cái nhuận bút của báo Cà Mau về cho ông. Không ngồi dậy được, ông phải nằm tiếp khách. Bất ngờ ông hỏi tôi: "Một tỷ là bao nhiêu tiền hở mày?" Câu này ông đã hỏi tôi một lần, nghĩ là ông nói dỡn nên lần đó tôi không trả lời. Nay ông hỏi lại nên tôi thưa: "Là một nghìn triệu bố ạ!" Ông trợn mắt: "Dữ vậy?" Tôi nói: "Không tin bố hỏi con gái bố kia kìa."

Khi biết rõ một tỷ là một nghìn triệu, nét mặt nhà văn nặng trĩu ưu tư... Có lẽ ông đang nghĩ đến những vụ tham ô, lãng phí cả trăm tỷ, nghìn tỷ... mà ông đọc được trong những xấp báo đang để quanh người ông kia.

Nếu ai hỏi tôi về Sơn Nam, tôi sẽ trả lời: Sơn Nam là một nhà văn rất vui tính... đã chết vì quá buồn!

Ngày 14/8/2008

© 2008 talawas