Ngày 13/6/1956 có rất nhiều xe hơi chạy đến làng nhà văn Peredelkino ở ngoại ô Moskva: xe cấp cứu, xe cảnh sát, xe KGB. Alexander Fadeev, cựu tổng thư ký Hội nhà văn Liên Xô, tác giả các tiểu thuyết "Đội cận vệ thanh niên" và "Chiến bại", đã tự sát bằng súng. Cáo phó của BCHTƯ ĐCSLX đăng trên tất cả báo chí trong nước có đoạn viết: "Trong nhiều năm qua Fadeev bị mắc chứng nghiện rượu… Trong một lần u uất do lên cơn như thường lệ, Fadeev đã tự sát". "Điều đó không đúng sự thật" - Mikhail, con trai nhà văn, nói với chúng tôi.
Tất cả những câu chuyện nói rằng bố tôi là kẻ nghiện ngập từ lâu và về nhà phải có người dìu đều là sự phóng đại. Đôi khi, vào những lúc sáng tác khó khăn và lương tâm giằng xé, ông có uống đôi chút. Nhưng tôi không bao giờ thấy ông bị say. Khi ông mất, việc khám nghiệm cho thấy không hề có chuyện xơ gan, mà ngay cả trong máu ông cũng không có dấu vết của rượu. Ba tháng trước khi chết, ông không uống một giọt nào.
Alexander Tvardovsky [1] không đến đưa tang bạn mình. Một năm sau mới thấy ông xuất hiện ở nghĩa trang. Ông uống say, khóc nức nở, ôm lấy bia mộ và kết tội thủ phạm gây ra cái chết của Fadeev là bà vợ Angelina Stepanova.
Bố tôi được nhiều người phụ nữ yêu, và ông cũng đáp lại tình cảm của họ, nhưng tôi sẽ không bao giờ buộc tội một ai trong số họ, nhất lại là mẹ mình, đã không giữ gìn ông. Mẹ tôi thực sự là một người vợ nhà văn khác thường. Bà là diễn viên chính của MXAT (Nhà hát hàn lâm nghệ thuật Moskva) và không chỉ sống vì gia đình, mà còn vì cả công việc.
Stepanova và Fadeev gặp nhau tại Paris năm 1937. Khi đó Fadeyev sau khi ly dị với người vợ đầu là Valeria Gerasimova (chị họ của Sergei Gerasimonov) đã gặp nữ diễn viên Tamara Adelgeim. Từ Paris ông đã trao đổi thư từ với bà bàn định cuộc sống chung của hai người. Nhưng đột nhiên thư từ bị gián đoạn - và Fadeev gặp được tình yêu mới.
Sau khi từ Paris về họ đã sống cùng nhau, và cuộc sống này thực sự không đơn giản. Mẹ tôi dồn hết mình cho nhà hát và điều đó lẽ tự nhiên là đã ảnh hưởng đến quan hệ gia đình. Bố tôi thiếu đi sự chăm sóc cần thiết. Ông hiểu rõ là không bao giờ có thể phản bội người phụ nữ mình đã yêu, nên đành chấp nhận "khuyết điểm" này của bà. Đến lượt mình bà cũng phải nhân nhượng với thói "tình tang" của ông.
Với vợ của Mikhail Bulgakov [2] thì Fadeev làm quen khi lần đầu tiên đến thăm nhà văn bị ốm nặng - ngày 11/11/1939. Sau lần đó, các cuộc đến thăm trở nên khá thường xuyên.
Elena Bulgakova là một phụ nữ khác lạ, bà thật sự đã có một thiên tình ái với bố tôi, nhưng cuộc tình của hai người kéo dài không lâu. Ngoài Bulgakova, bố tôi còn có cuộc tình với Margarita Aliger
[3] , người yêu ông cuồng nhiệt và đã sinh cho ông cô con gái Masa. Tôi biết Masa sau khi bố mất. Chị ấy là một người tốt, nhưng rất cô độc, như chính Fadeev vậy, nên cũng đã tự sát. Tôi không biết bố mẹ đã dàn hòa với nhau thế nào, nhưng một năm sau khi sinh Masa (1944), thì tôi có mặt trên đời. Sau đó ít lâu hai người đi đăng ký kết hôn. Mẹ tôi đã tha thứ cho Fadeev tội phản bội và không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa.
Đao phủ hay nạn nhân?
Vợ của Fadeev không bao giờ phán xét công việc của ông. Nhưng các đồng nghiệp đã lên án ông về việc ông đã cùng với Marsak [4] và Olesa [5] tán thành bản án tử hình dành cho những người bị buộc tội trong vụ "trung tâm trotskist phản xô viết". Về việc ông đã gọi Akhmatova [6] và Pasternak [7] là "đồ cặn bã của văn học xô viết" và bôi nhọ họ tại tất cả các cuộc họp của Hội nhà văn. Người ta kể rằng phần lớn những nhà văn trở về sau đợt phục hồi năm 1956 đã coi Fadeev là kẻ có tội trong các vụ đàn áp và đã rút lại sự tôn kính của mình đối với ông. Nghe nói một người trong số đó khi xuống tàu đã đi thẳng đến biệt thự của Fadeev nhổ vào mặt ông rồi quay về nhà treo cổ tự tử.
Tất cả những chuyện này đều được soạn ra sau khi bố tôi mất. Nhà văn mà người ta buộc Fadeev chịu tội cái chết của ông ta thì thực ra không phải là treo cổ, mà là chích mạch máu. Và không phải vào năm 1956, mà là năm 1958, hai năm sau vụ tự sát của bố tôi. Những chuyện đồn thổi như thế về Fadeev đến nay có rất nhiều. Về tính cặn bã trong thơ của Akhmatova thì bố tôi phải viết vì là ông phải đấu tranh với thứ "nghệ thuật phản nhân dân" và phải buộc mình tin rằng chân lý ở về phía đảng. Mặt khác, ông lại đã giúp cho Akhmatova cứu được người con trai ra khỏi nhà tù, không phải lấy danh nghĩa tổng thư ký, mà với tư cách một con người. Còn về các bài viết và thư từ thì tất cả đều ký vào - từ Tynianov đến Babel.
[8] Vì thế tôi nghĩ một nét bút của Fadeev trong danh sách rất nhiều chữ ký không giải quyết được gì hết.
Vài giờ trước khi chết Fadeev có nói chuyện với người chị. Ông nói: "Họ nghĩ em có thể làm được việc gì đấy, nhưng em không thể làm được gì cả".
Ông chỉ có thể giúp đỡ được trong những trường hợp rất hãn hữu, bởi vì cũng như tất cả mọi người, ông là một con người bị ép buộc, một viên gạch trong trò chơi của kẻ khác. Tất nhiên, cũng như tất cả mọi người, ông phải nói rằng ông yêu Stalin vô hạn, rằng ông dâng hiến đời mình cho lãnh tụ. Cũng như tất cả mọi người, ông lo sợ cho cuộc sống của gia đình mình. Tôi được kể lần đầu tiên bố tôi sợ hết hồn như thế nào. Khi đó ông là tổng biên tập tạp chí "Tin đỏ" và cho đăng vào số thường kỳ truyện vừa "Của để dành" của Platonov
[9] . Khi đọc bản thảo ông đã gạch đậm vào những dòng có thể gây nên sự phê phán và do đó phải cắt bỏ đi. Nhưng ban biên tập lại nghĩ khác, họ cho đó là Fadeev quyết định nhấn mạnh tư tưởng ở đoạn văn ấy, và thế là họ cho in đậm. Stalin đọc hết cái truyện đó và ghi vào bên chỗ in đậm: "Đồ súc sinh". Ông ta cho gọi bố tôi lên gặp và mắng mỏ hết lời. Bố tôi từ chỗ lãnh tụ quay về mặt mày thất sắc. Tôi không nghĩ bố tôi đã hân hoan vui mừng khi được Stalin ra lệnh viết lại cuốn tiểu thuyết yêu quý của ông - "Đội cận vệ thanh niên". Vị lãnh tụ của nhân dân thoạt đầu không đọc hết cuốn sách, nhưng dầu sao vẫn trao cho tác giả của nó giải thưởng Stalin. Một năm sau ông ta xem bộ phim "Đội cận vệ thanh niên" của Gerasimov mới sửng sốt vì không thấy ở đó có vai trò lãnh đạo của đảng. Từ một cuốn tiểu thuyết tốt bố tôi đã đã bị buộc phải sửa thành một cuốn sách tồi. Chỉ gia đình ông mới biết được ông đã phải đau khổ thế nào khi làm việc đó.
Sau cái chết của Stalin và việc bóc trần tệ sùng bái cá nhân, bố tôi lâm vào cảnh cô độc hoàn toàn. Mọi người đều xa lánh ông. Đấy không còn phải là một Fadeev thành kính tin tưởng vào đường lối đúng đắn của đảng nữa. Có một người đã nhận xét rất đúng tình cảnh của ông khi đó: "Người ta đặt ông làm lính gác, nhưng chỉ về sau ông mới biết là ở cạnh ban phân loại".
Bố tôi muốn sửa chữa những sai lầm đã phạm phải và dân chủ hóa Hội nhà văn, tránh cho nó khỏi "những kẻ bất tài, nhỏ mọn, hiềm thù". Nhưng sau khi Fadeev mất, có trời mới biết được người ta đã đưa ai vào Hội.
Đầu thu 1953 ông có lần lượt gửi cho G. Malenkov [10] và N. Khrushchev [11] ba bản báo cáo về tình hình Hội nhà văn. Khrushchev đọc xong chúng thì hoàn toàn bác bỏ sự phê phán đường lối văn nghệ của đảng, và khuyên Fadeev nên đi chữa bệnh, vì chỉ "cơ thể bệnh tật" mới sinh ra những ý nghĩ như vậy. Từ lúc đó Alexander Fadeev đã bị đẩy ra khỏi ban lãnh đạo Hội nhà văn.
Phát súng
Chẳng hiểu sao không người thân nào nhận thấy những thay đổi ở bố. Ngày 13/5/1956 là một ngày hoàn toàn bình thường đối với chúng tôi, và bố vẫn như mọi khi. Tôi ngủ với bố ở tầng hai, sáng ra tôi dậy trước đi xuống dưới nhà ăn sáng. Bên bàn ăn đã có mặt bà giúp việc, ông cậu ngoại Petia, và Evgenia Knipovits. Bố cũng đã xuống và bảo tôi đi dạo - chắc ông muốn tôi ra khỏi nhà. Thấy trời mưa nên tôi không chịu. Khi đó bố quay lên gác - và lúc sau thì một tiếng nổ vang lên. Không một ai để ý đến âm thanh khó hiểu ấy. Một lúc sau tôi chạy lên gác gọi bố xuống ăn sáng, mở cửa phòng ngủ thì thấy bố đã nằm chết trên giường, ngực có vết máu loang, còn trong bàn tay buông thõng là khẩu súng lục. Ông đã tự bắn vào tim. Mẹ tôi khi đó đang theo nhà hát lưu diễn ở nước ngoài. Khi quay về, trông mẹ tôi rất đáng sợ.
Alexander Fadeev có để lại một bức thư tuyệt mệnh. Nó được cất kín trong kho lưu trữ của BCHTW và không ai được phép đọc nó. Có tin đồn rằng BCHTW đã ra lệnh hủy bức thư. Chỉ đến năm 1990 nó mới được in ra trên tạp chí "Công khai" của đảng:
"Gửi BCHTƯ ĐCSLX
13 tháng Năm 1956
Peredelkino
Tôi không thấy khả năng sống tiếp được nữa, bởi vì nền nghệ thuật mà tôi dâng hiến cả đời mình đã bị giết chết bởi sự lãnh đạo tự tín dốt nát của đảng và và bây giờ không thể nào sửa chữa được. Các cán bộ văn học ưu tú nhất - thuộc số những người mà các phó vương của Sa hoàng có nằm mơ cũng không thể thấy - đã bị nhục hình hoặc bị bức chết nhờ sự dung túng độc ác của giới cầm quyền, những người làm văn học xuất sắc nhất đã bị chết quá sớm; số còn lại ít nhiều có khả năng sáng tạo được những giá trị chân chính, cũng đã chết khi chưa đến tuổi 40-50… Văn học đã bị giao phó cho quyền lực của những kẻ bất tài, nhỏ mọn và hiềm thù. Những người duy nhất còn giữ được trong tâm hồn ngọn lửa thiêng thì đang bị lâm cảnh cùng cực và xét về tuổi tác thì đang sắp chết. Và không có một động lực nào trong tâm hồn để sáng tạo…
Cuộc đời tôi, với tư cách một nhà văn, đã mất hết mọi ý nghĩa, và tôi sẽ đi khỏi cuộc sống này sung sướng như được giải thoát khỏi một kiếp tồn tại xấu xa, nơi sự ti tiện, dối trá, vu khống cứ trút lên người anh.
Hy vọng cuối cùng là được trình bày với những người đang lãnh đạo quốc gia, nhưng suốt ba năm nay mặc dù tôi yêu cầu nhiều lần, thậm chí họ cũng không thể tiếp tôi.
Xin chôn tôi bên cạnh mẹ tôi.
Al. Fadeev"
Bố tôi là một con người tài năng, nhưng những tấm vải ý hệ bịt mắt đã ngăn ông trở thành một nhà văn lớn. Hôm nay người ta hầu như đã quên ông, tác phẩm của Fadeev không được đưa vào sách giáo khoa. Có lẽ để hiểu được tầm vóc nhân cách và tài năng của ông cần phải có thêm nhiều năm tháng nữa.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga
Báo "Argumenty i facty" số 20 (14/5/2003)
© 2003 talawas
Alexander Alexandrovich Fadeev (1901 - 1956) là nhân vật quan trọng chủ chốt của nền văn học Liên Xô trước đây. Ông vào gia Đảng Cộng sản năm 1918, sau đó gia nhập Hồng quân. Năm 1937 ông đã tới thăm Tây Ban Nha trong thời kỳ nội chiến ở nước này. Trong cuộc Chiến tranh Xô - Đức (1941 - 1945) ông làm phóng viên mặt trận cho hai từ báo
Pravda (Sự Thật) và
Izvestiya (Tin Tức). Sau chiến tranh ông trở lại hoạt động chính trị, thăm Anh (1947), Iceland và Ba Lan (1949), Tiệp Khắc và Áo (1951). Ông đã được hai huân chương Lênin, là một trong những người lãnh đạo của Hội nhà văn vô sản Nga. Năm 1934 ông được bầu vào Đoàn chủ tich Hội Nhà văn xô viết và là Tổng thư ký tổ chức này từ 1946 đến 1954. Năm 1939 ông được bầu vào BCHTƯ Đảng. Tác phẩm chính của ông gốm các tiểu thuyết:
Chiến bại (1927), Đội cận vệ thanh niên (1945), Người cuối cùng của bộ lạc Udege (viết dở)
, Luyện kim đen (viết dở).
[1]Alexander Tvardovsky (1910 - 1971): nhà thơ Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Vassily Terkin" (trường ca).
[2]Mikhail Bulgakov (1891 - 1940): nhà văn Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Nghệ nhân và Margarita" (tiểu thuyết).
[3]Margarita Aliger (1895 - 1912): nhà thơ Nga.
[4]Samuel Marsak (1887 - 1964): nhà thơ Nga.
[5]Yuri Olesha (1899 - 1960): nhà văn Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Ganh tị" (tiểu thuyết).
[6]Anna Akhmatova (1889 - 1966): nhà thơ Nga nổi tiếng.
[7]Boris Pasternak (1890 - 1960): nhà văn Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Bác sĩ Zivago" (tiểu thuyết), giải Nobel văn học năm 1958.
[8]Isaak Babel (1894 - 1940): nhà văn Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Kỵ binh đỏ" (tập truyện).
[9]Andrei Platonov (1899 - 1951): nhà văn Nga, tác phẩm nổi tiếng: "Hố móng" (tiểu thuyết).
[10]Georgi Malenkov (1902-1988); nhà lãnh đạo Liên Xô thời Stalin.
[11]NikitaKhrushchev (1894-1971): người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô thời hậu Stalin.