trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.7.2007
Tiêu Dao Bảo Cự
Nan đề nào? Nan đề cho ai?
 
Lời hận thù và lời yêu thương

Lời nào nói dễ hơn? Tiếc thay, trong nhiều trường hợp, thực tế cho thấy lời hận thù nói dễ hơn, đặc biệt trong vấn đề chính trị và tôn giáo, khi người ta khác biệt chính kiến.

Ai có điều kiện lướt mạng, vào các trang web chính trị, dễ dàng nhận ra điều đó. Ngoài việc tranh luận trong các bài chủ, ý kiến của bạn đọc từ các phía khác nhau, chống cộng và thân cộng, chống tôn giáo và ủng hộ tôn giáo này hay tôn giáo khác, công kích nhau kịch liệt bằng mọi thứ lời lẽ nặng nề cay nghiệt nhất có thể có được trong ngôn ngữ.

Mạ lỵ người khác không phải là điều khó khăn. Trái lại, càng ít học, càng thiếu văn hoá, càng nông cạn, càng sân hận, càng côn đồ, càng dễ chửi rủa. Ngôn ngữ để lăng mạ cũng không cần phải tốn công học hỏi. Ấy thế nhưng giữa người lăng mạ và người bị lăng mạ, ai bị sỉ nhục là điều cần phải xem xét. Có người nói, khi sỉ nhục người khác nhưng người ta không bị thương tổn thì chính mình bị sỉ nhục. Điều này rất đúng trong những trường hợp gọi là “chụp mũ chính trị” xảy ra ở rất nhiều nơi hiện nay, trong cũng như ngoài nước.

Trong bài viết “Một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do. Tại sao không?” tôi có nhắc đến trường hợp Nguyễn Ngọc Lan bị sỉ nhục. Hình như tôi đã viết không được rõ. Ý tôi muốn nói là Nguyễn Ngọc Lan bị người ta sỉ nhục, chứ ông có bị sỉ nhục hay không lại là chuyện khác. Hồi còn sinh tiền, ông là một cây bút luận chiến vô cùng sắc bén. Ngòi bút của ông nhọn như mũi thương. Thành thực mà nói, đôi lúc tôi cũng không thích lối châm biếm cay độc của ông, nhưng quả thực ông không hề nhường ai trong các cuộc bút chiến và đã làm cho nhiều kẻ phải khốn đốn với ngọn thương-bút trong tay mình. Tuy nhiên tranh luận với nhau khi còn sống khác với nói về người đã mất. Nhất là khi chưa hiểu tường tận về cuộc đời của người đó thì không thể khinh suất buông lời mạ lỵ.

Cuộc chiến về ngôn từ và tư tưởng giữa người Việt với nhau, không phải chỉ giữa những người chống và thân cộng, mà ở trong các thành phần khác, kể cả giữa những người gọi là đang đấu tranh cho dân chủ, có đang diễn ra không? Nhìn vào thực tế, tôi tin là có. Ngay trên các trang web có tiếng là trí tuệ, nghiêm túc và đứng đắn, điều đó cũng đã từng xảy ra không ít lần.

Dĩ nhiên tôi không đồng nhất phê phán với chửi rủa. Phê phán đúng sẽ làm sáng tỏ chân lý. Người thường không chấp nhận phê phán sẽ trở nên kiêu căng, người cầm quyền không chấp nhận phê phán sẽ đi vào sai lầm. Tôi cũng không cho rằng tất cả các cuộc tranh luận đều là “cuộc chiến”, dù lời lẽ có thể gay gắt ở mức độ nào đó. Vấn đề là mục đích và thái độ của những nguời tham gia tranh luận. Khi mục đích là tiêu diệt, hạ nhục đối phương, thái độ là khinh bỉ, phương thức là bất chấp thủ đoạn, ngôn từ là lời lăng nhục, làm sao có thể gọi là tranh luận. Ở mức độ nhẹ hơn, có người nói đó là những cuộc “đấu võ đài” hay cuộc “đối thoại giữa những người điếc”.

Người Việt chúng ta đã chứng kiến quá đủ những “cuộc chiến” kiểu này trong cuộc chiến lớn hơn mà đến nay những dư vang và ngôn từ của nó còn làm cho người ta kinh hãi và buồn nôn. Trải qua một giai đoạn lịch sử đầy máu lửa và bi kịch, giữa những kẻ cựu thù, ít người có đủ sự tỉnh táo để nhìn nhận lại quá khứ, nên về một khía cạnh, cuộc chiến đó vẫn còn tiếp tục. Những vấn đề đại loại như bên nào có chính nghĩa, chế độ Việt Nam Cộng hoà ưu việt hay thối nát, vai trò của thành phần thứ ba (trước 1975), tội ác của các phe trong chiến tranh… sẽ khó đi đến đồng thuận. Tiếp tục tranh luận sẽ là vô ích vì không ai chịu ai và càng gây thêm chia rẽ. Nhiều người đã đi đến kết luận là cuộc chiến đó không phải nhân dân là người chiến thắng mà thực ra, bên nào thắng thì nhân dân cũng là người chiến bại.

Đã khá lâu, có lần tôi đọc thấy trên một trang web, một bạn đọc tự xưng là trẻ, đã nói về cuộc tranh luận giữa những người quốc-cộng, đại khái thế này: Tôi cầu mong cho các ông chết sớm đi để khỏi lải nhải mãi những chuyện đó. Tôi và thế hệ tôi không muốn nghe những chuyện đó nữa. Chúng tôi có nhiều việc khác cần làm hơn. Lời nói như thế nghe thật đau lòng. Nhưng đó là một thực tế buộc chúng ta phải suy nghĩ và xét lại thái độ của mình khi tranh cãi về quá khứ.

Trường hợp thiền sư Nhất Hạnh về nước tổ chức đàn tràng giải oan đã làm dấy lên rất nhiều cuộc tranh luận. Nếu bỏ qua một bên những cách nhìn nhận theo quan điểm chính trị và phê phán cá nhân, có một thực tế là nơi nào thiền sư thuyết pháp cũng có hàng ngàn hàng vạn người nghe. Lý giải điều này như thế nào? Rõ ràng là vì ông chỉ nói ra những “ái ngữ”, những lời để người ta yêu thương, tha thứ và biết sống hạnh phúc thay vì kích động hận thù. Phải chăng đây là một kinh nghiệm, một kiểm nghiệm của thực tiễn về nhu cầu đích thực của nhân dân Việt Nam.


Đất nước này của ai? Dân tộc Việt nam có thể hoà giải hoà hợp?

Việt Nam đã thống nhất hơn 30 năm nhưng vẫn còn là một đất nước nghèo đói, lạc hậu và thiếu dân chủ so với thế giới. Phát triển kinh tế và dân chủ hoá xã hội là những vấn đế lớn đang được đặt ra cho mọi người nhưng cách tiếp cận, lý giải và giải quyết vấn đề lại khác nhau nên gây ra rất nhiều chia rẽ.

Đất nước này của ai? Câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê hay đã có câu trả lời hiển nhiên, thực ra lại không đơn giản chút nào khi đi tìm lời đáp. Thực tế là những người cộng sản đang độc quyền cai trị đất nước. Hơn 3 triệu người Việt đang ở nước ngoài mà phần lớn là do chạy trốn chế độ cộng sản sau cuộc chiến và đa số vẫn còn chống đối hay bất hợp tác với chính quyền trong nước. Người Việt ở hai miền Nam Bắc đã có thể đi lại, làm ăn sinh sống và số lượng người miền Bắc vào phía Nam có tính áp đảo. Điều này do chủ trương của nhà nước và phần khác là xu hướng tự nhiên của người miền Bắc, vốn dân đông, đất hẹp đi tìm đất sống sau khi đất nước thống nhất.

Có người viết: Thành phố Đà Lạt này của tôi, anh ở đâu đến chiếm. Dù viết (của tôi) và (chiếm) trong ngoặc đơn thì ý nghĩa nó vẫn thế. Tôi còn nghe được câu chuyện giữa hai người quen, cả hai đều là người gốc Hà Nội. Một người là Việt kiều về thăm quê, đi du lịch một vòng đất nước và rút ra nhận xét rằng thành phố Đà Lạt đẹp nhất nước, đẹp hơn cả Hà Nội. Người kia bảo, tôi không buồn đâu, vì dân số Đà Lạt hiện nay một nửa là người Hà Nội.

Chao ôi, Đà Lạt này của ai, của anh ư? Nếu nói “của”, thì Đà Lạt phải là của” bộ tộc Lạch gốc bản địa chứ nào phải “của” người Kinh, miền Trung là của người Chiêm Thành, miền Nam là của người Chân Lạp. Và đối với bá quyền Đại Hán thì toàn bộ Đông Nam Á, Tây Tạng, Mông Cổ đều là của Trung Hoa, có thời họ đã vẽ bản đồ xác định đất nước bao gồm cả những vùng đất này. Vậy thì có nên mở cuộc chiến tranh để chiếm lại những vùng đã mất?

Nhớ lại chuyện cũ, khi bị lên án “miền Bắc xâm lược miền Nam”, người ta đã trả đũa rằng người Việt Nam có quyền đánh Mỹ bất cứ nơi đâu, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn chính ngay trên đất Mỹ. (Ở đây tôi phải cẩn thận mở ngay ngoặc đơn để nói rằng tôi chỉ đơn thuần lý giải về chuyện địa lý, chứ không bàn về chuyện phát động chiến tranh có chính nghĩa và cần thiết hay không, vì điều này tôi đã xác định là không muốn tranh cãi về chuyện quá khứ bất đồng.) Còn ở miền Nam cũng đã có người hô hào “Bắc tiến”. “Bắc tiến” cũng có lý chứ. Nếu người miền Nam cho rằng chống cộng để cứu lấy quê hương thì tại sao lại không nghĩ đến chuyện giải phóng đồng bào miền Bắc của mình thoát khỏi ách cộng sản. Chỉ vì miền Nam không đủ sức tự vệ, nói gì chuyện tấn công miền Bắc. Có đúng như vậy không?

Nếu anh và tôi đều đã có thời ở trên vùng đất Đà Lạt xinh đẹp, anh và tôi có thể nói về những kỷ niệm, những tình cảm riêng liên quan đến xứ sở ngàn thông, ngàn hoa, sương mù thơ mộng này. Anh và tôi tự nhiên có những liên đới tuy rất mơ hồ nhưng cũng có thể là khởi đầu cho một mối giao tình đẹp. Tiếc thay, lời yêu thương vẫn khó hơn lời thù hận. Mặc dù trong thẳm sâu của tâm hồn mỗi người, tôi vẫn cho là ai cũng khao khát yêu thương và hận thù chỉ là điều bất đắc dĩ, kể cả trường hợp người đã nói “anh ở đâu đến chiếm Đà Lạt của tôi”.

Vậy thì dù thế nào đi nữa, trên nguyên tắc, đất nước này ngày hôm nay là của toàn thể người Việt Nam, không phân biệt ở nơi đâu, trong hay ngoài nước, đã từng chiến thắng hay chiến bại, cộng sản hay chống cộng. Vấn đề là không ai được độc quyền yêu nước và tìm ra phương thức nào xây dựng đất nước hoàn hảo nhất. Khi tiềm lực đã bị suy yếu vì chiến tranh và chia rẽ, vấn đề cơ bản được đặt ra để vực dậy đất nước là phải có sự hoà giải hoà hợp dân tộc.

Hoà giải hoà hợp dân tộc không phải là chuyện độc quyền của nhà nước cộng sản khi họ đề ra chủ trương này. Thời gian gần đây, ai nói đến hoà giải hoà hợp thường bị những người chống cộng quy ngay là tay sai cộng sản, ủng hộ cộng sản. Thế thì cộng sản đã chiếm thế thượng phong vì tự nhiên họ được thêm rất nhiều đồng minh trong khi người chống cộng lại thêm thù bớt bạn.

Khi tôi gợi ý về một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do (không phải là “tiểu Diên Hồng”, từ này tôi chỉ nhắc lại một đề nghị của Hoàng Minh Chính), có người nói biết đâu tổ chức “tiểu Diên Hồng” là để “cầu cho bạo chúa sống lâu”. Đoàn Giao Thuỷ ghi lại ý kiến của Hà Sĩ Phu về ba điều bất cập trong phong trào dân chủ, có người nghi ngờ là mượn lời Hà Sĩ Phu để tuyên truyền cho cộng sản. Một số người ở hải ngoại từ trước nổi tiếng chống cộng hay không dính líu gì đến cộng sản nhưng khi chỉ có một lời nói hay hành động gì đó không tỏ ra chống cộng cũng bị quy ngay là tay sai cộng sản và bị tẩy chay.

Về phía nhà cầm quyền cộng sản, sự chụp mũ cũng đã trở thành chính sách. Tất cả mọi người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đều bị quy là “tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia” và phạt tù bằng luật hình sự. Hà Sĩ Phu trước đây khá lâu, khi mới đưa ra mấy bài chính luận nổi tiếng, từng bị coi là kẻ thù về tư tưởng số một của chủ nghĩa xã hội. Mới đây, năm 2005, trong tài liệu có tên “Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch” của Ban Tư tưởng–Văn hoá Trung ương, một tác giả nghiên cứu đã xếp “nhóm Đà Lạt” cùng với “Câu lạc bộ dân chủ” ở Hà Nội, “Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ” ở Thành phố Hồ Chí Minh là đã “tập hợp những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị nhằm tạo dựng ngọn cờ thành lập lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam” dù viết tên người trong nhóm này cũng không chính xác. Cách chụp mũ này đã đẩy không ít những người yêu nước, có tâm huyết và thiện chí về phía đối lập với chính quyền.

Trong giai đoạn lịch sử vừa qua, phải thừa nhận người cộng sản Việt Nam là bậc thầy trong vận động quần chúng và đấu tranh cách mạng. Họ đã giành được thắng lợi bằng nhiều cách, khi dựa được vào nhân dân và phát huy sức mạnh của quần chúng. Nhưng họ không mãi mãi là vô địch. Khi đã phạm sai lầm và mất lòng dân thì tài nghệ, thủ đoạn cao siêu đến mấy cũng sẽ đến lúc thất bại.

Khi đã nói hoà giải hoà hợp dân tộc, nghĩa là vấn đề được đặt ra giữa mọi thành phần dân tộc. Không thể nói đến vấn đề này nếu không chấp nhận thế đứng của 3 triệu người Việt ở nước ngoài cũng như 3 triệu đảng viên cộng sản.

Vấn đề gây trở ngại lâu nay là sự khác biệt trong quan điểm có chấp nhận hoà giải hoà hợp hay không, hoà giải hoà hợp với ai, như thế nào?

Nếu có người đã kinh qua cuộc chiến, bây giờ vẫn chống cộng đến cùng, ở nước ngoài nói rằng không chấp nhận hoà giải hoà hợp với người cộng sản trong mọi trường hợp, chỉ về nước sau khi đã quét sạch những người cộng sản cuối cùng thì e rằng những người đó suốt đời sẽ phải sống ly hương.

Nếu chính quyền cộng sản chỉ hoà giải hoà hợp trên thế mạnh, vì họ đang cầm quyền, buộc các thành phần khác phải chấp nhận mọi điều kiện của mình thì đó không phải là hoà giải hoà hợp, không có kết quả tốt và dĩ nhiên không tạo được sức mạnh dân tộc cần có.

Nhà cầm quyền có thế mạnh nhưng không phải là mạnh nhất và vĩnh viễn. Dân tộc đoàn kết mới là thế lực mạnh nhất và trường tồn. Như thế chỉ khi đại khối dân tộc có được hoà giải hoà hợp, tạo ra sức mạnh áp đảo thì nhà cầm quyền không còn ở trên thế mạnh nữa, lúc đó sẽ có hoà hợp hoà giải thực sự.


Nan đề nào? Nan đề cho ai?

Hoà giải hoà hợp cũng như dân chủ hoá đất nước là một cuộc đấu tranh. Cuộc đấu tranh này đang gặp nhiều khó khăn, một phần do trở lực từ nhà cầm quyền, phần khác do sự bất đồng, chia rẽ từ phía những người đấu tranh cho dân chủ và sự thờ ơ của quần chúng. Đấu tranh tất có thương tổn, hi sinh, nhưng làm thế nào để đấu tranh thắng lợi với càng ít tổn thất càng tốt vì dân tộc Việt Nam đã mất mát quá nhiều. Đây chính là một nan đề.

Tôi đã từng xót thương khi đứng trong trại giam nhìn qua khe cửa sổ thấy một cô gái xinh đẹp, gót chân trắng hồng, áo dài tha thướt đi vào làm việc trong sở Mỹ năm xưa, lẽ nào ngày hôm nay tôi không đau xót khi Lê Thị Công Nhân và những người đấu tranh cho dân chủ khác bước vào nhà tù. Tôi quý trọng sự trong sáng nhiệt tình của Lê Thị Công Nhân đối với lý tưởng dân chủ hoá đất nước, kính phục sự kiên cường khi cô đối đầu với thử thách nhưng tôi không tán thành cách cô dấn thân khi gia nhập và nhận làm phát ngôn viên của một đảng chính trị mà cô chỉ biết những người tổ chức đảng đó qua mạng Internet, như chính cô đã tự nói ra. Biết sao khi cô còn rất trẻ. Thuở 20, tôi và nhiều bạn bè cùng thế hệ cũng đã làm nhiều chuyện “động trời” không kém gì cô.

“Nhóm Đà Lạt” có quan hệ hoặc quen biết với rất nhiều người có cùng lý tưởng dân chủ hoá đất nước, trong đó có những mối quan hệ thân thiết, thậm chí cả ân tình. Chúng tôi kính trọng tâm huyết và sự can trường của họ nhưng, đối với một số người, chúng tôi không chia sẻ phương thức đấu tranh của họ. Chúng tôi không cho rằng những tuyên bố đao to búa lớn, những lời chửi rủa, những quan hệ và hành xử vô nguyên tắc, những cuộc đấu đá lẫn nhau, những kế hoạch duy ý chí, thoát ly thực tiễn… có thể mang lại kết quả tốt, nếu không nói là đôi khi có hại cho công cuộc chung dù những người đấu tranh đã chịu nhiều tổn thất. Dù thế, chúng tôi tránh công khai phê phán hoặc chỉ góp ý trong phạm vi hẹp để khỏi làm tác động xấu đến tình hình chung. Chúng tôi không phải là những người hành động nhưng chúng tôi là những người cầm bút tự do, thực hiện quyền tự do tư tưởng của mình và tự thấy trách nhiệm của mình trước những vấn đề chung của đất nước. Trong trách nhiệm đó, có thể việc gia nhập hay tổ chức các chính đảng đối với một số người nào đó là cần thiết nhưng không phải là phương thức duy nhất để tham gia cuộc đấu tranh.

Cho đến nay tình hình đã cho phép và cần thiết nói ra những điều đó để có thể tìm được sự đồng thuận hữu hiệu hơn. Dĩ nhiên cuộc đấu tranh chống độc tài áp bức dưới hình thức nào, kể cả khi thất bại, cũng có những mặt kết quả tích cực. Tuy nhiên rõ ràng tính hiệu quả và hạn chế mức độ tổn thất là điều cần phải đặt lên hàng đầu. Mới đây, Hà Sĩ Phu đã đưa ra nhận định về ba điều bất cập (hay mất cân bằng) của phong trào dân chủ. Đó là sự mất cân bằng giữa ảo và thực (hay Internet và thực tiễn), giữa trong và ngoài (quốc nội và hải ngoại), giữa đạo và đời (tôn giáo và thế tục). (Trong bài “Nói chuyện với Hà Sĩ Phu: Ba điều bất cập trong ‘phong trào dân chủ’ hiện nay” của Đoàn Giao Thuỷ, Diễn Đàn Forum ngày 10-7-07). Nhận định này có lẽ cũng đáng cho mọi người suy nghĩ và trao đổi dù nó có thể gây sốc hay phản ứng mạnh ở một số người lâu nay chỉ nhìn nhận vấn đề từ một phía. Dù sao tranh luận thẳng thắn với tinh thần cầu thị vẫn tốt hơn là mang kính màu để nhìn sự việc hay tự ru ngủ mình trong ảo tưởng.

Ai là người có thể đưa cuộc đấu tranh cho dân chủ đến thành công? Rõ ràng không phải chỉ là những cá nhân và tổ chức đang hoạt động ở hải ngoại và những “nhà dân chủ” hiện nay trong nước mà còn phải có sự đóng góp của rất nhiều thành phần khác: Những “dân oan” đang khiếu kiện, những công nhân đang đình công để đòi quyền lợi chính đáng của mình (người cộng sản rất hiểu điều này mà họ gọi là từ dân sinh đến dân chủ, từ tự phát đến tự giác). Những trí thức, văn nghệ sĩ bất bình vì thiếu tự do tư tưởng, tự do sáng tạo. Những nhà báo ức chế vì bị siết chặt trong vòng kiểm duyệt. Những công chức có lương tâm trong guồng máy nặng nề kém hiệu quả. Những doanh nhân năng động nhưng bị cơ chế ràng buộc, gây khó khăn. Những đảng viên còn lý tưởng phục vụ nhân dân, kể cả những người ở trong cấp cao của guồng máy. Sau cùng là tuyệt đại đa số nhân dân đang thất vọng trưóc sự tham nhũng vô phương cứu chữa của guồng máy và sự xuống dốc của toàn xã hội trên lãnh vực văn hoá và đạo đức. Chỉ đến khi tất cả những thành phần dân tộc này đều ý thức và tham dự ở một mức độ nào đó, cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước mới có thể thành công.

Sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ, các cá nhân trong chính giới của nhiều nước đối với đòi hỏi dân chủ và nhân quyền của nhân dân Việt Nam là những đóng góp quý giá, quan trọng nhưng không có vai trò quyết định hay thay thế được nhân dân Việt Nam đứng lên làm chủ.

Thực tế không thể phủ nhận là chính quyền Việt Nam hiện nay, dù có nhiều nhược điểm và sai lầm, vẫn có vị thế độc lập và tự chủ khá nhất so với các chính quyền trước đây ở cả hai miền Nam Bắc. Miền Bắc đối với Liên Xô, Trung Quốc, miền Nam đối với Mỹ trước đây rõ ràng chỉ là thân phận “chư hầu”. Ngày nay chính quyền Việt Nam tuy vẫn phải đi dây giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng trừ việc “nhượng đất, nhượng biển” cho Trung Quốc, họ không dễ dàng nhượng bộ trong các cuộc thương lượng với các cường quốc như các sự kiện gần đây cho thấy.

Khác với những người cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, người cộng sản Việt Nam (và Trung Quốc) có biệt tài thích nghi để tồn tại. Vẫn hô hào chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng thực chất cộng sản không còn mấy. Họ sẵn sàng thay đổi để tiếp tục giữ quyền thống trị và cho đến nay họ vẫn còn giữ được. Họ cũng đề cao dân chủ và lớn tiếng tôn trọng nhân quyền. Nhưng thực tế xã hội Việt Nam hôm nay như thế nào?

Khi người dân còn có cảm giác lo sợ khi đối diện với công an, kể cả lúc công an đang làm việc sai trái như đòi tiền mãi lộ, lúc đó chưa có dân chủ. Khi người dân còn khúm núm trước một nhân viên chính quyền hách dịch, lúc đó chưa có dân chủ. Khi văn nghệ sĩ còn tự kiểm duyệt mình trong sáng tác, lúc đó chưa có dân chủ. Khi công chức nhà nước còn im lặng trước sự lộng hành độc đoán của thủ trưởng cơ quan, dù đó chỉ là một anh thủ trưởng bé tí, lúc đó chưa có dân chủ. Khi cử tri còn nhìn trước nhìn sau, không dám bỏ phiếu theo ý mình, dù là đang trong phòng phiếu kín, lúc đó chưa có dân chủ. Khi vẫn là “Đảng cử, dân bầu”, lúc đó chưa có dân chủ. Khi các “ông độc quyền” như ông điện, ông nước, ông hàng không còn tự ý làm mọi việc bất chấp quyền lợi chính đáng của khách hàng không cần giải thích, xin lỗi hay đền bù, lúc đó chưa có dân chủ… Có thể kể ra hàng trăm ví dụ như thế. Những tuyên ngôn, tuyên bố rất hay nhưng đằng sau không có một lực lượng quần chúng đông đảo có ý thức và ý muốn hành động tán thành và ủng hộ, sẽ chóng chìm trong quên lãng và bộn bề sôi động của cuộc sống đời thường.

Bài “Tản mạn về một đề nghị ‘tiểu Diên Hồng’” của Hồ Phú Bông đăng trên talawas, liên quan đến bài “Một cuộc đại hội thảo…” chỉ là những “tản mạn”, không tập trung góp ý vào chủ đề trong bài viết của tôi nhưng ở phần cuối có một ý nói về “nan đề” đã gợi ý cho bài viết này.

Nan đề này không phải của “kẻ xâm chiếm” vì bây giờ không còn ai xâm chiếm cả. “Nội xâm” chỉ là một cách nói. Thực tế là dân tộc Việt Nam đang sống dưới chế độ độc tài toàn trị của một thiểu số và nhân dân có khát vọng và trách nhiệm chuyển hoá nó sang một chế độ dân chủ. Đây là nan đề của toàn dân tộc mà trước hết là những người đấu tranh cho dân chủ và cũng là của nhà cầm quyền nếu nhà cầm quyền còn muốn tồn tại trong vai trò lãnh đạo đất nước.

Theo tôi, một trong những cách đi tìm lời giải cho nan đề này có thể bắt đầu từ “một cuộc đại hội thảo và những cuộc gặp gỡ văn nghệ tự do.” Những việc này hoàn toàn không có gì vi phạm pháp luật. Thực ra, như có người nhận xét, những hội thảo và gặp gỡ như thế đã có từ lâu nhưng quy mô, số lượng còn nhỏ và phân tán. Hi vọng với sự phát triển theo chiều rộng và có chiều sâu, những hoạt động này sẽ là những làn gió và trận mưa mát lành trên vùng đất khô cằn nứt nẻ sau tai ương.

Trung tuần tháng 7-2007


Ghi chú: Tôi viết bài này xong mới được đọc bài góp ý của Nguyễn Trọng Văn trên talawas. Nguyễn Trọng Văn là giáo sư triết, một cây bút chính luận sắc bén và cấp tiến ở miền Nam trước 1975. Ông nổi tiếng với bài viết gây chấn động “Phạm Duy đã chết như thế nào?” và tiểu luận “Trí thức khuynh tả”. Mấy năm gần đây nghe nói ông đau yếu nhiều và có thể vì thế ít có điều kiện theo dõi đầy đủ thông tin như ông đã nói trong bài góp ý. Rất mừng thấy ông trở lại diễn đàn.

Ở đây, tôi bày tỏ lời cám ơn về hai bài góp ý của Hồ Phú Bông và Nguyễn Trọng Văn. Dù quan điểm có thể khác nhau nhưng với sự thẳng thắn và thái độ tương kính, việc tranh luận bao giờ cũng mang lại kết quả hữu ích. Hi vọng bài viết này có thể lý giải phần nào một số vấn nạn và thắc mắc trong bài viết của hai tác giả trên dù rất nhiều vấn đề không thể có ngay lời kết luận cuối cùng.

© 2007 talawas