trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
1.11.2007
Nguyễn Quang Hồng
Hoài niệm về anh Cao Xuân Hạo
 
Tôi hay tin giáo sư Cao Xuân Hạo từ trần ngay sau giờ phút anh lâm chung, qua điện thoại của một bạn trẻ. Đã từ mấy tháng nay, anh em trong giới ngữ học chúng tôi đều biết Giáo sư lâm bệnh nặng, tuổi cao sức kiệt, khó lòng qua khỏi. Nhưng vào giờ phút ấy, khi biết rằng trên đời này sẽ chẳng bao giờ còn có thể trò chuyện cùng Anh được nữa, lòng tôi bỗng trĩu nặng, ngậm ngùi…

Mãi đến năm 1965, tôi mới có dịp quen biết anh Cao Xuân Hạo. Khi ấy, tôi vừa chân ướt chân ráo từ Đại học Bắc Kinh trở về, đang lao vào tìm hiểu tiếng Việt, thì may mắn được làm quen với các thầy và các bậc đàn anh ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tại khu sơ tán Đại Từ, Thái Nguyên. Nhưng lần đầu tiên tôi gặp anh Cao Xuân Hạo là tại Hà Nội, ngay nơi căn phòng Anh ở. Tôi biết khi ấy anh Cao Xuân Hạo đã thành danh, và đang sống những ngày khó khăn. Anh đã dành trọn một buổi chiều (một buổi chiều mùa Thu như chiều Thu hôm nay) để giảng cho tôi nghe về lý thuyết âm tiết tiếng Việt của Anh. Nhìn vào đôi mắt chăm chú theo dõi của tôi, một đồng nghiệp trẻ mới toanh đang hăm hở cầu học, anh Hạo như thấy yên tâm để giải trình một cách chi tiết những ý tưởng của mình. Và quả thật là hấp dẫn, tất cả những gì mà anh “nung nấu” và dàn dựng là một lý thuyết hoàn toàn mới mẻ về ngữ âm tiếng Việt, mà trước đó tôi chưa từng được tiếp xúc. Về sau, anh đã công bố một cách vắn tắt lý thuyết này trong bài “Le problème du phonème en vietnamien” (Vấn đề âm vị trong tiếng Việt) in trong tập Essais linguistiquesÉtudes Vietnamiennes N.40, 1975. Cho mãi đến năm 1985 Anh mới có dịp công bố tại Paris toàn bộ lý thuyết ngữ âm của mình trong một tác phẩm chính Anh viết bằng tiếng Pháp Phonologie et linéarité (Âm vị học và tuyến tính), mà bản thảo sách này Anh đã viết xong vào năm 1979 (đến năm 2001 bản tiếng Việt mới được in ở Hà Nội). Trong công trình này, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã thảo luận cặn kẽ về nhiều vấn đề cơ bản trong ngữ âm học và âm vị học đại cương, cũng như đề xuất một chủ thuyết mới cho việc phân tích và xác lập đơn vị ngữ âm cơ bản của tiếng Việt.

Để bạn đọc có thể phần nào lĩnh hội được lý thuyết về âm tiết tiếng Việt của Giáo sư Cao Xuân Hạo, tôi xin được trình bày đôi dòng sơ lược như sau. Với ngữ âm tiếng Việt, các học giả thuở ban đầu (như M. B. Emeneau, Lê Văn Lý, v.v.) thường bê nguyên xi cách phân tích và xác lập hệ thống ngữ âm theo hệ “âm vị nguyên âm – âm vị phụ âm” trong âm vị học phương Tây, nghĩa là cũng như các ngôn ngữ châu Âu, hệ thống ngữ âm Việt sẽ phải gồm bao nhiêu âm vị phụ âm, bao nhiêu âm vị nguyên âm, phụ âm có thể đứng đầu hoặc đứng cuối từ (âm tiết), v.v. Sau này khi tôi được sang Nga học, mới biết rằng cái cách miêu tả ấy từ những năm 30 của thế kỷ XX đã bị E. D. Polivanov nghi ngờ, và ông đề nghị một mô hình gồm 4 thành tố kế tiếp nhau để miểu tả âm tiết tiếng Hán (gần như đồng thời với Polivanov, Đường Vực ở Trung Quốc cũng hình dung âm tiết tối đa gồm có 4 thành tố như vậy). M. V. Gordina là người đầu tiên áp dụng mô hình đó cho tiếng Việt. Ở Việt Nam, cách miêu tả ngữ âm tiếng Việt theo mô hình gồm 4 đối hệ “âm đầu – âm đệm – âm chính – âm cuối” như thế đã được trình bày một cách rất sáng sủa trong giáo trình của anh Đoàn Thiện Thuật. Điều khiến mọi người dễ “cảm tình” với mô hình này là ở chỗ nó phần nào thoát khỏi cái hình ảnh châu Âu về hệ nguyên âm và hệ phụ âm, đồng thời theo từng “đối hệ”, người ta có thể tìm mối liên hệ với chữ cái của chữ Quốc ngữ (lại chính là bộ chữ ABC có được từ sự phân tích ngữ âm châu Âu). Bởi vậy, cho đến nay, và có lẽ còn về lâu về dài, mọi người vẫn dễ dàng chấp nhận nó để đưa vào dạy ở nhà trường, và nghĩ rằng đó chính là hình ảnh lý tưởng của ngữ âm tiếng Việt được mô tả một cách khoa học nhất đã được lựa chọn. Trong khi đó thì Cao Xuân Hạo, ngay từ những ngày cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra, đã bắt đầu trăn trở về một cách miêu tả ngữ âm tiếng Việt sao cho đúng với bản chất âm thanh và chức năng của nó. Theo Anh, âm tiết tiếng Việt là một chỉnh thể mà về mặt chất liệu âm thanh cũng như về mặt chức năng không có một căn cứ gì để có thế “cắt khúc” nó ra thành 4 thành tố kế tiếp như vậy. Cũng như trong hệ thống ngữ pháp tiếng Việt, âm tiết là đơn vị ngữ âm cơ bản tối thiểu không chịu sự chia cắt ra thành những cái gì “ngắn” hơn được nữa. Và do đó, không làm gì có được những âm vị mang tính “khúc đoạn” ở đây, và Anh đề xuất quan điểm “phi đoạn về âm vị và cấu trúc âm tiết Việt Nam”. Theo Anh, “trong tiếng Việt, người bản ngữ nghe các âm tố như những quá trình âm vị học động, kết quả của những động tác cấu âm, nghĩa là nghe âm tiết đúng như thực trạng của nó. Trong các thứ tiếng châu Âu, do nhu cầu phân biệt trật tự của các âm tố ở bên trong âm tiết, các âm tố được tri giác như những trạng thái tĩnh”. Quan điểm của anh mới lạ và gây sửng sốt cho nhiều người, trong nước thì đã đành, ở nước ngoài cũng vậy. Đến nỗi, có một vị từ một nước Đông Âu đến Thành phố Hồ Chí Minh dự một cuộc hội thảo, sau khi biết qua quan điểm “âm vị phi đoạn” của anh Cao Xuân Hạo, liền hỏi nhỏ người ngồi bên cạnh: “Ông Hạo đã học qua giáo trình nào về âm vị học chưa?” (!). Thực ra, giá như vị này có biết chút ít về D. E. Polivanov (Nga) hay Ch. F. Hockett (Mỹ) thì sẽ có thể bình tĩnh hơn, vì từ những tác giả như thế, ta đã thấy một dự báo về khả năng không chia cắt âm tiết tiếng Hán ra thành các âm vị “đoạn tính” là nguyên âm hay phụ âm như trong các ngôn ngữ châu Âu. Kể ra, nếu như bên trời Nam chúng ta có Cao Xuân Hạo một mình gây dựng bếp núc cho một lý thuyết “âm vị học phi đoạn” (tức là “phi tuyến tính”) vào những thập niên 60, thì cũng trong khoảng thời gian ấy, ở bên trời Tây cũng xuất hiện một vài tác giả nói đến “âm vị học phi tuyến tính” (như Prince Mc-Carthy, Selkirt, v.v.). Bản thân tôi chỉ vừa mới biết chuyện này gần đây qua một vài tài liệu gián tiếp từ các học giả Trung Quốc, mà bên Trung Quốc người ta cũng chỉ mới biết đến Prince Mc-Carthy, Selkirt vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX. Trong công trình của Cao Xuân Hạo không thấy tên những tác giả phương Tây này. Như vậy, hiển nhiên là lý thuyết “âm vị phi đoạn” của Cao Xuân Hạo được hình thành một cách độc lập trên tư liệu các ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính mà tiêu biểu là tiếng Việt, chứ không hề được gợi ý từ các tác giả của thuyết “âm vị học phi tuyến tính” bên Tây vốn bắt nguồn từ tư liệu các ngôn ngữ vùng Trung Đông.

Bây giờ, nếu ai chịu khó đọc qua tác phẩm Âm vị học và tuyến tính của Anh, sẽ vô cùng kinh ngạc về vốn tri thức sâu rộng của tác giả, không chỉ về những vấn đề cơ bản của lý thuyết ngôn ngữ, lý thuyết ngữ âm, thực nghiệm ngữ âm mà cả về đặc điểm loại hình của hàng loạt các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Hãy nhường lời đánh giá công trình của Anh cho các học giả danh tiếng ở Pháp. Không phải chờ đến tác phẩm đồ sộ Âm vị học và tuyến tính, mà ngay sau khi đọc bài “Vấn đề âm vị trong tiếng Việt” nói ở trên, nhà ngữ học J. P. Chambon đã nêu bật những “hệ quả trọng đại” đối với ngôn ngữ học mà bài báo có nhan đề khiêm tốn kia đã dẫn tới: Một là, “nhà ngữ học Việt Nam đã nhắc đúng lúc cho ta nhớ rằng trong ngôn ngữ học, chủ nghĩa duy vật rất xa với chủ nghĩa chất liệu”. Hai là, “âm vị học cổ điển” thoát thai từ các ngôn ngữ châu Âu “nay đã bị bắt quả tang về tội dĩ Âu vi trung và buộc phải từ bỏ mọi tham vọng tự cho mình là có giá trị phổ quát”. Ba là, “các nhà âm vị học hiện đại chẳng qua là những người thợ chuyên làm chữ viết ABC cho tất cả các ngôn ngữ của nhân loại”. Bốn là, [...], v.v. Sau khi công trình dày dặn của Cao Xuân Hạo được in ra tại Paris, liền có bài của hai nhà ngữ học Pháp A. G. Haudricourt và C. Hagège, nhận xét rằng một trong những điều có thể tiếp thu được qua cuốn sách này là “phải chi những người bản ngữ của các thứ tiếng đơn âm tiết xây dựng nên nền âm vị học hiện đại, thì họ chắc chắn sẽ lấy âm tiết làm đơn vị cơ bản, chứ không phải âm vị”. G. S. Nathan viết trên tạp chí Language rằng có lẽ thú vị hơn cả là “cách phân loại hình ngôn ngữ của Cao theo tiêu chuẩn kích thước của âm vị là những nhân tố mà ông lấy làm cơ sở đầu tiên để nêu rõ sự dị biệt giữa hai loại hình ngôn ngữ. Cái ưu thế mà chữ viết ABC có được ở phương Tây không phải chỉ đơn thuần là do một chủ nghĩa đế quốc văn hoá, mà chính là kết quả của những đặc trưng làm thành bản chất của hai loại hình ngôn ngữ hữu quan”. Có thể không phải mọi điều trong lý thuyết của Cao Xuân Hạo đều đã thuyết phục được hết các nhà ngữ học trong nước và quốc tế, song với những ghi nhận như trên cũng đủ cho thấy giá trị nhận thức luận và phương pháp luận rất sâu sắc trong công trình về ngữ âm của Anh. Từ Việt Nam, Anh đã cất lên một tiếng nói đầy ấn tượng giữa biển cả bao la những công trình về ngôn ngữ học trên thế giới. Chúng ta tự hào vì có được một tiếng nói như vậy trên diễn đàn ngôn ngữ học quốc tế.

Có nhiều người hiểu lầm “không phân đoạn” là “không phân lập”, vì vậy mà cũng không thật sự hiểu lý thuyết của anh Hạo. Cao Xuân Hạo chỉ nói “không phân đoạn” đối với âm tiết tiếng Việt, chứ chưa bao giờ nói “không phân lập”, bởi vì làm gì có thứ âm vị học mà “không phân lập”. Các thành tố ngữ âm trong âm tiết, dù phân đoạn (như trong các ngôn ngữ châu Âu) hay không phân đoạn (như trong các ngôn ngữ Việt, Hán) đều được phân lập trong quá trình tri nhận âm tiết (dù là tri nhận tĩnh hay tri nhận động). Anh Hạo viết trong sách của mình: “Tính không kế tiếp, hay tính không quan yếu của trật tự trước sau của một tổ hợp đơn vị ngôn ngữ học không có nghĩa là các đơn vị ấy không phân lập. Chừng nào ta có thể phân tích một đơn vị của ngôn ngữ hay của lời nói thành những thành tố của nó, những thành tố ấy tất phải phân lập”. Như vậy hoàn toàn có thể nói đến “phân lập đoạn tính” và “phân lập phi đoạn tính” trong âm tiết. Với anh Cao Xuân Hạo thì trong âm tiết tiếng Việt không có chuyện “phân lập đoạn tính” (không thể “cắt khúc” âm tiết ra được), mà chỉ có thể là “phân lập phi đoạn tính” thôi. Thanh điệu cũng như các âm tố nguyên âm hay phụ âm trong âm tiết đều là “phi đoạn” (tức là phi tuyến tính) như nhau hết. Anh Hạo đã hoàn toàn nhất quán trong cách tiếp cận của mình, và trong khoa học, đẩy lý thuyết đi đến tận cùng tuyệt nhiên không phải là một thái độ “cực đoan” buộc phải né tránh. Chính đây là chỗ anh Hạo khác biệt một cách triệt để với tất cả các tác giả khác còn lại khi nói về âm tiết tiếng Việt. Sau này, khi tôi chứng minh rằng cái gọi là “âm đệm” thực ra không hề chiếm vị trí thứ hai trong sơ đồ 4 thành tố kế tiếp, cũng không phụ thuộc hẳn vào “âm đầu” hay “vần cái” (tính chất “nước đôi” này của “âm đệm” phần nào đã được M. V. Gordina nói tới), mà phải dứt khoát coi nó là đặc trưng chung của toàn bộ âm tiết, như là thanh điệu, và phân lập với tất cả các yếu tố còn lại, thì có người nhăn mũi bảo là “kỳ quặc”. Còn anh Hạo thì nhiệt liệt hoan nghênh, cho là một bước đột phá quan trọng trong cách nhìn nhận các thành tố trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt. Có điều, tôi vẫn nói đến khả năng phân lập đoạn tính ít nhiều có thể thấy được giữa hai thành tố “âm đầu” và “vần cái” luôn được định vị “trước – sau” (do đó không đối lập nhau về trật tự tuyến tính) kế tiếp nhau trong lòng âm tiết tiếng Việt (cũng như tiếng Hán). Anh Hạo thắc mắc tại sao tôi lại còn nói đến “đoạn tính” của “âm đầu” và “vần cái” làm gì nữa, mà không coi tất cả đều là “phi đoạn” có phải nhất quán hơn không. Theo Anh (và phù hợp với kiến giải của nhà ngữ học Hoa Kỳ G. Gleason), cái ấn tượng về “đoạn tính” sở dĩ có được là dựa vào khả năng chuyển đổi vị trí trước sau giữa các đơn vị ngữ âm, nghĩa là các đơn vị này có tham gia vào sự đối lập về trật tự (như act so với cat trong tiếng Anh). Tôi nghĩ, cái căn cứ phân đoạn của anh Hạo cũng như của G. Gleason đưa ra là hoàn toàn đúng, song không phải là duy nhất. Tôi không thể làm ngơ trước một thực tế hiển nhiên là người bản ngữ tiếng Việt cũng như tiếng Hán đã tạo ra không ít các từ láy âm và các loại ngôn từ đặc biệt như nói lái trong tiếng Việt hay phản ngữ trong tiếng Hán chẳng hạn (với sự chuyển đổi “âm đầu” và “vần cái” trong một tổ hợp song tiết). Không phải ngẫu nhiên mà âm vận học truyền thống Trung Hoa, thực chất là lý thuyết âm vị học về âm tiết được xây dựng (trước khi có sự can thiệp của âm vị học cổ điển châu Âu) trên tư liệu Hán ngữ vốn cùng loại hình với Việt ngữ, từ lâu vẫn ghi nhận sự phân lập cái trước cái sau giữa “thanh mẫu” (âm đầu) và “vận mẫu” (vần cái), song lại không ghi nhận điều đó đối với thanh điệu và cả “âm đệm”. Tuy nhiên, nếu thừa nhận khả năng “phân lập đoạn tính” giữa âm đầu và vần cái theo những cứ liệu đó, thì điều này cũng không làm sứt mẻ gì quan niệm “phi tuyến tính” của anh Hạo đối với tất cả các thành tố trong âm tiết tiếng Việt. Bởi vì, phân lập đoạn tính của âm đầu và vần cái chỉ có ý nghĩa khi ta nói đến chức năng “tạo lập tín hiệu ngôn ngữ” (đối với tiếng Việt là ngữ tố đơn tiết) của các đơn vị ngữ âm, còn nếu chỉ quan tâm đến chức năng “khu biệt tín hiệu ngôn ngữ” thì với âm tiết tiếng Việt không đòi hỏi phải phân lập đoạn tính, như chúng tôi đã có dịp chứng minh. Có lẽ vì vậy mà mặc dù coi âm tiết tiếng Việt là một chỉnh thể “không cắt khúc” được, anh Hạo vẫn có quyền tách hẳn phần “vận mẫu” của âm tiết ra để nghiên cứu riêng, và cũng từ đây anh là người đầu tiên gọi đúng tên về sự đối lập “dài”/ngắn” của nguyên âm đỉnh vần: Đây không phải chỉ là chuyện giữa các âm đỉnh vần với nhau, mà là chuyện chung giữa các vần có “tiếp hợp chặt” và các vần có “tiếp hợp lỏng” với nhau. Tôi hoàn toàn đồng tình với cách giải thuyết này của anh Hạo, và ứng dụng chúng trong các công trình nghiên cứu của mình về hệ thống vần cái tiếng Việt (tiếng Việt toàn dân và cả tiếng Việt địa phương). Bao trùm lên tất cả ở chúng tôi là một tinh thần chung cùng nhau tìm cách miêu tả ngôn ngữ “từ bên trong bản thân nó” (như Baudouin de Courtenay đã nhắc nhở từ đầu thế kỷ XX), cố gắng thoát ra khỏi những giáo điều có sẵn từ bên ngoài, từ cách miêu tả vốn chỉ thích hợp với các ngôn ngữ biến hình ở phương Tây, nhưng lại là một sự áp đặt thô bạo đối với các ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính như tiếng Việt. Trên tinh thần này, ở chừng mực nào đó, chúng tôi cũng tìm thấy tiếng nói chung với một số nhà ngữ học khác, như anh Đoàn Thiện Thuật chẳng hạn. Tất cả chúng tôi đều không ai dại gì mà bỏ qua âm tiết để đi thẳng đến các âm vị nguyên âm và phụ âm như trong âm vị học châu Âu. Bản thân tôi đồng cảm sâu sắc với anh Cao Xuân Hạo, cũng tức là thấm thía với nhận định của GS Vương Lực, nhà ngôn ngữ học kiệt xuất của Trung Quốc, rằng: “Bây giờ chúng ta ngày nào cũng nói đến đặc điểm của tiếng Hán, nhưng ngày nào cũng vẫn chỉ quẩn quanh trong cái vòng vây của của ngữ pháp Âu Tây. Cần phải thoát ra khỏi bàn tay của Phật Như Lai, rồi sau mới mong khỏi bị đè bẹp dưới núi Ngũ Hành Sơn” (Tạp chí Trung Quốc ngữ văn, 1956).

Cũng chính trên tinh thần đó, nhà ngữ học và nhà giáo Cao Xuân Hạo bước vào lĩnh vực nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Và ở trận địa này, Anh lại tiếp tục “chiến đấu” với những giáo điều sẵn có từ Âu Tây mang đến. Lý thuyết âm tiết không phân đoạn của Cao Xuân Hạo dẫu sao vẫn nặng về học thuật trong lĩnh vực ngữ âm – âm vị học, ít người hỏi đến, và hiện vẫn chưa tìm thấy sự ứng dụng nó vào thực tiễn cuộc sống, mặc dù theo tôi nghĩ, nó sẽ là chỗ dựa tốt nhất cho công việc phân tích và tổng hợp lời nói tiếng Việt, một công việc thiết yếu trong khoa học hình sự. Trong khi đó thì ngữ pháp lại là câu chuyện mà bất cứ ai từng cắp sách đến trường đều phải biết tới, và từ lâu họ đã cùng nhau đúc kết và lưu truyền một câu tục ngữ xứng đáng: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Những “cơn bão” đầu tiền dồn dập đến chưa phải là nhằm vào cú pháp tiếng Việt, mà nhằm vào từ pháp tiếng Việt. Tiếp theo sau GS Nguyễn Tài Cẩn, anh Cao Xuân Hạo là người hăng hái bảo vệ “cương vị ngôn ngữ học của tiếng trong tiếng Việt”. Nếu như trong các thứ tiếng châu Âu, âm tiết chỉ là đơn vị phát âm và hầu như không đóng vai trò gì trong hệ thống ngôn ngữ, thì trong các ngôn ngữ như tiếng Việt, âm tiết là một đơn vị cơ bản của hệ thống ngôn ngữ trên tất cả các tầng bậc cấu trúc. Đây là một cách nhìn tất yếu phải được ủng hộ, theo nguyên tắc chung “miêu tả ngôn ngữ từ bên trong bản thân nó”, và cách nhìn này cũng phù hợp với truyền thống ngữ văn học Trung Hoa và Việt Nam. Vậy mà nó vẫn chịu đựng không ít bão táp từ phía những ai quen sử dụng bộ máy khái niệm của ngôn ngữ học Âu Tây mà tưởng rằng đó là bộ máy phổ quát, là những tín điều “đại cương” cần phải triệt để tuân thủ. Ở Việt Nam như thế mà ở Trung Quốc cũng vậy.

Trong lĩnh vực cú pháp, nếu như các tiếng châu Âu khá thích hợp với cách phân tích câu theo sơ đồ “Chủ ngữ - Vị ngữ”, thì phần lớn các câu rất tự nhiên trong tiếng Việt như Chó treo, mèo đậy lại kiên quyết từ chối cách phân tích này. Anh Hạo giải thích rằng câu trong các ngôn ngữ như tiếng Việt có một cấu trúc khác hẳn: nó gồm hai phần, trong đó phần thứ nhất nêu lên một cái Đề (đề tài) còn phần thứ hai nói một điều gì đấy liên quan đến cái đề ấy, gọi là phần Thuyết. Đề có thể bất cứ là đóng vai gì, bất cứ có quan hệ gì với Thuyết, miễn sao thành một nhận định có ý nghĩa, có nội dung thông báo nào đấy, cho nên các kiểu câu trong các thứ tiếng như tiếng Việt đa dạng gấp mấy mươi lần các kiểu câu của tiếng châu Âu. Với cách phân tích Đề - Thuyết như vậy, hầu hết những câu mà ngữ pháp “Chủ - Vị” không kham nổi, người ta đành liệt chúng vào hạng “bất bình thường” (khốn nỗi những câu “cứng đầu” như thế lại chiếm một phân lượng quá lớn trong tiếng Việt!), trong ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo đều trở nên hết sức bình thường. Cội nguồn của ngữ pháp “Đề - Thuyết” (tức là “ngữ pháp chức năng”) đã có từ trường phái ngữ học Praha. Song những phản ứng lại với ngữ pháp châu Âu thì từ lâu trước đó đã có trong tác phẩm của các nhà Đông phương học Nga (như A. D. Polivanov và A. A. Dragunov) với lý thuyết “âm tiết - hình vị” (slogomorphema) mà người kế thừa xuất sắc và phát triển nó trên ngữ liệu tiếng Việt là GS Nguyễn Tài Cẩn. Như vậy, so với ngữ âm thì ở lĩnh vực ngữ pháp các nhà ngữ học châu Âu có vẻ ít chủ quan hơn và sự “phản tỉnh” của họ có phần kịp thời hơn, để có thể sớm đưa ra lý thuyết về ngữ pháp chức năng, một lý thuyết ngữ pháp có nhiều khả năng thích dụng cho các ngôn ngữ thuộc nhiều loại hình khác nhau. Nếu tôi không nhầm thì ở Việt Nam, người đầu tiên gặt hái thành quả đáng kể trong việc ứng dụng lý thuyết ngữ pháp chức năng vào tiếng Việt, chính là GS Cao Xuân Hạo với cuốn Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991). Cuốn sách được in ra, ngay lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc trong học giới và giáo giới, và không chỉ một lần, người ta tụ họp nhau để “hội thảo” về những gì mới mẻ được đề cập đến trong cuốn sách này. Vượt lên trên tất cả những ý kiến ngược xuôi khác nhau, một điều không thể phủ nhận được là cuốn ngữ pháp của anh Hạo thực sự mang đến một bầu không khí mới cho ngữ pháp tiếng Việt, mà xuất phát điểm vẫn là cái tinh thần vốn thường trực ở Anh: cố gắng thoát ra khỏi những bế tắc do rập khuôn ngữ pháp Âu Tây đưa lại, tiến tới nhìn nhận tiếng Việt sao cho sát đúng hơn với bản thể và linh hồn của nó. Theo sự theo dõi của tôi thì gần đây ở Trung Quốc người ta cũng đã thực sự quan tâm đến ngữ pháp chức năng, cũng tức là thứ ngữ pháp không dựa vào những dấu hiệu hình thức, mà đi sâu vào các mối quan hệ ngữ nghĩa trong câu nói.

Tôi thật sự vui mừng là anh Hạo đã đi vào nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt và đã đạt tới kết quả đáng kể như vậy. Tự anh đã ý thức được và xác định được con đường khoa học để dấn thân. Tôi vẫn nhớ là năm 1985, khi tôi đến chào từ giã GS Yu. V. Rozhdestvensky, thầy cố vấn khoa học của tôi ở Moskva, ông khuyên tôi là sau ngữ âm, nên đi sâu vào ngữ pháp tiếng Việt, vì ở đó thể hiện rõ nhất linh hồn và tư duy dân tộc. Song duyên phận của cuộc đời và cũng do sở học của mình, đã dẫn dắt tôi sang lĩnh vực ngữ văn Hán Nôm, chủ yếu đi sâu nghiên cứu về chữ Nôm, và ở đây tuy không có gì đáng gọi là bão táp, nhưng cũng có ít nhiều sóng gió, đủ để thử thách bản lĩnh con người, và cũng đủ đất cho những ai muốn tìm về bản sắc dân tộc Việt Nam.

Cùng với hai công trình vạm vỡ kể trên về ngữ âm và ngữ pháp, Cao Xuân Hạo còn viết một loạt các bài nghiên cứu khác, hầu hết được tập hợp in lại trong cuốn Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa (1998). Đây là những vấn đề cụ thể, anh viết ra để tiếp tục thảo luận và trình bày những khía cạnh của lý luận cũng như của thực tế ngữ liệu tiếng Việt. Qua đây, ta càng thấy học vấn uyên bác và tầm nhìn sâu rộng của Anh về nhiều lĩnh vực ngôn ngữ học trong nước và thế giới. Anh Hạo cũng đầy nhiệt huyết trong việc truyền thụ những kiến thức hữu ích vào bộ môn Ngữ vănTiếng Việt trong nhà trường, tập trung thể hiện qua các tập sách do Anh chủ trì và viết chung với các nhà giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đông đảo độc giả không chuyên ngôn ngữ học cũng biết đến Cao Xuân Hạo qua giọng văn đầy chất trí tuệ, lại thường pha chút châm biếm mỉa mai và hài hước dí dỏm, trong nhiều bài Anh viết trên các báo, mà hầu hết đã kịp in lại trong tập Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt (2001). Đương nhiên, làm khoa học không phải là làm văn, song khi cần đến với đông đảo công chúng, thì “chất xám” cũng phải được “phủ xanh” it nhiều thì mới dễ coi. Có lẽ không phải học giả nào cũng có tài “phủ xanh” lên “chất xám” của mình như Cao Xuân Hạo. Trước khi đến với mọi người với tư cách học giả, Cao Xuân Hạo từ lâu đã là một dịch giả được công chúng yêu mến qua những bản dịch các tác phẩm văn học Nga và văn học Pháp. Anh đã dịch bằng một thứ tiếng Việt mà Anh thực sự nắm được linh hồn của nó. Anh Hạo là người đa tài, mà tài nào cũng thực là tài. Nói đến tiếng Nga, không phải chỉ lũ chúng tôi, những người Việt “ăn bánh mì đến mòn răng” từ Nga về, bái phục Anh sát đất, mà chính những người Nga cũng thán phục khả năng nói tiếng Nga lưu loát của Anh, ngay cả khi họ chưa hề biết rằng Anh chỉ tự học tiếng Nga qua Đài Tiếng nói Việt Nam. GS V. M. Sonlcev mỗi lần sang làm việc với Viện Ngôn ngữ học, đều hầu như chỉ yêu cầu anh Hạo dịch giùm. Và bao giờ GS V. M. Sonlcev cũng giúi vào tay Anh mấy bao thuốc lá, là thứ mà Anh nghiện, để làm quà. Tiếng Pháp tiếng Anh (và cả tiếng Latinh) thì chẳng phải nói, Anh đã thông thạo từ thời niên thiếu. Như ta đã biết, chính Anh đã viết trực tiếp bằng tiếng Pháp tác phẩm của mình. Riêng tôi rất cảm ơn Anh vì đã có lần được Anh dịch giúp cho một bài nghiên cứu của tôi về các ngữ tố cùng gốc giữa tiếng Việt và tiếng Choang sang tiếng Anh. Còn chữ Nho thì chắc hẳn Anh cũng chẳng chịu bỏ qua, khi thân sinh Anh là GS Cao Xuân Huy, nhà Hán học và triết gia lỗi lạc của nước ta, là người luôn theo dõi con đường học thuật của Anh. Tôi không dám chắc là anh Hạo có nói được tiếng Trung Quốc hay không, nhưng qua những gì mà anh viết có đả động đến tiếng Hán chữ Hán, tôi có thể biết chắc Anh rất am tường về lịch sử tiếng Hán cũng như về đặc trưng của tiếng Hán và chữ Hán, một vốn tri thức Hán học rất đáng nể mà chưa chắc ai cũng dễ dàng có được.

Trước khi tôi ngồi viết những dòng này với nỗi hoài niệm về một người anh lớn trong học giới đã mãi mãi ra đi, bạn tôi bên văn học là anh Trần Đình Sử có gọi điện chia sẻ cùng tôi về nỗi hoài niệm tiếc thương này. Anh Sử bỗng nhắc tới hồi còn là một thiếu sinh ở miền Trung, trong kháng chiến chống Pháp và cả khi hoà bình mới lập lại, anh và các bạn anh vẫn thường hát một bài ca khá phổ biến trong giới học sinh thời bấy giờ mà giai điệu và lời ca chứa chan niềm tin vào Cách mạng, vào nền Dân chủ Cộng hoà của chúng ta. Tác giả khúc ca đầy nhiệt huyết đó là anh Cao Xuân Hạo. Được biết Anh còn sáng tác một số ca khúc trữ tình khác nữa. Và cả những lời ca Anh dịch cho nhiều bài hát Nga nổi tiếng từ lâu đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam, mà hôm nay đây vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng ta, đẹp đẽ và dịu dàng: “Miền đồng quê phì nhiêu… Có nhiều cô đẹp như tiếng ca ban chiều”. Song có lẽ cái tầm vóc cao lớn của Anh trong tư cách là một học giả uyên bác và có chủ thuyết, là một dịch giả văn học tài ba nữa, đã che khuất đi ở anh một con người nghệ sĩ yêu đời ở tuổi thanh niên sôi nổi.

Anh đã ra đi thanh thản, nhẹ nhàng, sau khi đã kịp để lại cho chúng ta trên cõi đời này một tài sản tinh thần vô giá, đó là tất cả trí tuệ và tấm lòng của Anh dành cho tiếng Việt, chữ Việt và văn Việt, dành cho con người và đất nước Việt Nam.

Hà Nội, cuối Thu, ngày 30-10-2007

© 2007 talawas