trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.11.2007
Nguyễn Minh Tường
Về bài “Xin chớ làm bẩn chữ Quốc ngữ” của Nguyễn Như Phong
 
Lời toà soạn tạp chí Xưa & Nay: Trên báo An ninh thế giới số thứ Bảy, ngày 6 tháng 10 năm 2007 có đăng bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Như Phong về "Thư pháp chữ Việt", dưới nhan đề “Xin chớ làm bẩn chữ Quốc ngữ” do Mai Quốc Ân thực hiện. Để tránh cho bạn đọc những điều ngộ nhận, PGS TS Nguyễn Minh Tường đã có đôi lời nói lại như sau.
Trước tiên, tôi phải nói ngay rằng: tôi cũng thuộc số người phản đối cái gọi là “thư pháp chữ Quốc ngữ”. Chữ Quốc ngữ xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, do các giáo sĩ phương Tây cộng tác với người Việt Nam sáng chế. Từ cuối thế kỷ XIX, đến thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ dần dần được sử dụng rộng rãi và cuối cùng trở thành hệ thống chữ viết của Việt Nam. Ai cũng biết từ khi chữ Quốc ngữ sinh ra cho đến gần đây, chưa từng thấy cha ông ta nói đến cái gọi là "thư pháp chữ Quốc ngữ”! Vì chữ Quốc ngữ cũng thuộc loại chữ viết ghi âm, dùng hệ chữ cái Latinh như chữ Pháp chẳng hạn, nếu người Việt Nam sáng tạo được "thư pháp chữ Quốc ngữ", thì chắc rằng người Pháp đã đẻ ra "Thư pháp chữ Pháp" từ lâu rồi!

Trong khi đọc bài viết trên, trước mặt tôi là năm người bạn, tuổi đều từ 60 trở lên. Tôi có hỏi họ đã đọc bài “Xin chớ làm bẩn chữ Quốc ngữ” này chưa? Họ trả lời: "Đọc cả rồi". Tôi hỏi tiếp: "Ý kiến của các ông về bài viết của nhà văn Nguyễn Như Phong là thế nào?". Các bạn đều trả lời: "Bài viết có tính thuyết phục cao!"

Với tư cách là người nghiên cứu Hán học và văn hóa cổ Trung Hoa, tôi chỉ cho các bạn một số chỗ sai sót trong bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Như Phong. Nghe xong, các bạn đều nói: "Nếu không phải là người biết chữ Hán và nghiên cứu về lịch sử văn hóa Trung Quốc, thì làm sao phát hiện được các chỗ sai ấy! Ông nên viết ra để mọi người cùng hiểu!"

Vì thế, tôi viết bài này góp ý kiến với nhà văn Nguyễn Như Phong về một vài sai sót trong bài phỏng vấn của ông nói trên.

Ở phần đầu, Nguyễn Như Phong viết: "Chữ Hán là chữ tượng hình với mỗi nét đều mang ý nghĩa nên mới có khái niệm ‘thư trung hữu họa’ chứ chữ tượng thanh thì làm sao lại ‘họa’ được!".

Câu này mắc hai lỗi, khá nghiêm trọng. Trước tiên chữ Hán không phải là chữ tượng hình như nhiều người xưa nay vẫn tưởng. Tượng hình chỉ là một trong 6 cách cấu tạo chữ Hán, thuật ngữ văn tự học gọi là "Lục thư”, do Hứa Thận đề xuất trong bộ từ điển Thuyết văn giải tự ra đời vào năm 100, dưới thời Đông Hán (25 - 220). Lục thư gồm có: 1. Tượng hình, có nghĩa chép hình ảnh thực, như các chữ sơn (山), xuyên (川), hỏa (火); 2. Chỉ sự; 3. Hội ý; 4. Giả tá; 5. Chuyển chú; 6. Hình thanh. Chữ Hán tới ngày nay đã có khoảng gần 80.000 chữ, trong đó loại chữ tượng hình, chỉ chiếm chừng 1.000 - 2.000 chữ, còn loại chữ hình thanh, chiếm tới trên 85% số chữ. Liệu có thể gọi chữ Hán là chữ tượng hình, khi loại chữ này chỉ chiếm trên 2% trong tổng số chữ? Tôi hiểu Nguyễn Như Phong muốn nói chữ Hán là thuộc loại chữ hình khối, ở đây là khối vuông.

Nói chữ Hán là chữ tượng hình thì cũng chưa sai lắm, nhưng khi Nguyễn Như Phong viết khái niệm thư trung hữu họa”, thì điều sai sót này mới gây nên nỗi buồn cho những ai nghiên cứu Hán học và nghiên cứu thư pháp! Thực ra không có khái niệm Thư trung hữu họa trong nền văn hóa cổ điển Trung Hoa! Đây là khái niệm, do không am hiểu chữ Hán và thư pháp chữ Hán mà nhà văn Nguyễn Như Phong đã tự đặt ra! Những người có một chút kiến thức về thư pháp chữ Hán đều biết người Trung Quốc, từ xưa đã coi "Thư họa đồng môn” (書畫同門), có nghĩa Thư pháp và hội họa là một dòng! Người Trung Quốc còn yêu thích và đánh giá thư pháp cao hơn hội họa. Nếu chịu khó đọc văn hóa Trung Hoa cổ điển, sẽ nhận thấy hầu hết các nhà thư pháp đều là họa sĩ và các họa gia cũng đều là thư pháp gia. Trường hợp Trịnh Bản Kiểu - một trong "Dương Châu bát quái", sống dưới triều Thanh là một thí dụ điển hình. Ông này có tài xuất chúng ở cả ba môn: Thư - Thi - Họa nên được người đời ngợi ca là Tam tuyệt.

Thực ra, tôi biết nhà văn Nguyễn Như Phong nói "thư trung hữu họa" là "nghe lầm" từ khái niệm "Thi trung hữu họa" (中有畫), có nghĩa là “trong thơ có họa”. Câu này là một điển cố, xuất xứ từ lời nhận xét của Tô Đông Pha (1037-1101) đời Bắc Tống đối với thơ và họa của Vương Duy (701-761) đời Sơ Đường. Sách Từ nguyên viết: "Thi trung hữu họa: Đông Pha, Chí Lâm: Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa, quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi” [Trong thơ có họa: xuất từ bài Chí Lâm của Tô Đông Pha, viết: "Thưởng thức thơ của Ma Cật, thấy trong thơ có họa. Chiêm ngưỡng họa của Ma Cật, thấy trong họa có thơ]. [1] (Từ nguyên, bộ Ngôn, tr. 1379).

Ở đoạn dưới, nhà văn Nguyễn Như Phong viết:

“Có lần tôi thấy nhà nọ treo hoành phi “Ẩm thủy tư nguyên" (飲水思源) và được giải thích đơn giản là “uống nước nhớ nguồn”. Xét ra nó đúng nghĩa theo kiểu… học vẹt, dịch vẹt. Chẳng lẽ uống nước... cống mà nhớ nguồn được ư? (sic). Phải là “Ẩm hà tư nguyên" (飲河思源) mới đúng. Nước sông thì mới có nguồn... Mà bức này đâu phải nơi nào cũng treo được. Phải treo nơi nhà thờ họ và do chính con trưởng, tự tay treo mới xong chứ đâu đơn giản...".

Đọc đến đây tôi thật sự rất buồn! Theo như trang cuối cùng của tờ An ninh thế giới, thì nhà văn Nguyễn Như Phong là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung của tờ báo khá tiếng tăm và số phát hành vào loại nhiều nhất nước!

Đọc câu trên ở báo An ninh thế giới, tôi biết kiến thức về chữ Hán của nhà văn Nguyễn Như Phong không thật vững chãi! Ông mới hiểu “thủy" là... nước! Giá như ông chịu khó giở bộ Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì ở mục chữ Thủy, có đến 4 nghĩa “thủy": 1. Nước; 2. Sông, ngòi, khe, suối, phàm cái gì bởi nước mà thành ra đều gọi là thủy cả; 3. Sao Thủy, một ngôi sao ở gần mặt trời nhất; 4. Bạc đúc có thứ tốt thứ kém, gia giảm cho nó đều gọi là thân thủy, thiếp thấy v.v...

Nếu nhà văn Nguyễn Như Phong có thời giờ quan tâm một chút tới tình hình xuất bản sách mấy năm gần đây thì ông sẽ biết Nxb Thuận Hóa phối hợp với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã in bộ Thủy kinh chú (水涇註) của Lịch Đạo Nguyên (? - 527) đời Bắc Ngụy [2] . Thủy kinh chú là một bộ sách địa lý, tác giả chú thích cuốn Thủy kinh của Tang Khâm đời Hán (có thuyết nói là của Quách Phác đời Tấn). Kể cả sách của Tang Khâm lẫn sách của Lịch Đạo Nguyên đều là trình bày rõ tình hình về các con sông của Trung Quốc và một vài nước lân cận. Nếu như nhà văn Nguyễn Như Phong biên tập bộ sách trên của Lịch Đạo Nguyên chắc sẽ sửa là Hà kinh chú!

Còn nếu treo bức hoành Ẩm thủy tư nguyên, mà bị mắng là... “học vẹt, dịch vẹt” thì oan quá! Thực ra, nhà văn Nguyễn Như Phong không thể hiểu được câu ấy cũng là một điển cố Hán học! Sách Từ nguyên viết: "Ẩm thủy tư nguyên: dụ bất vong bản dã. Dĩu Tín, Vi điệu khúc: Ẩm kỳ thủy giả, hoài kỳ nguyên" [Uống nước nhớ nguồn, là ẩn dụ của việc không quên nguồn gốc vậy. Trong bài Vi điệu khúc của Dĩu Tín viết: Uống nước dòng sông, thì nhớ nguồn của nó) (Từ nguyên, bộ Thực, tr. 1641).

Vì sao Dĩu Tín (513-581) lại nói câu: “Ẩm kỳ thủy giả hoài kỳ nguyên" ở trên? Nguyên do là Dĩu Tín, vốn là sứ thần của Nam triều, bị giữ lại ở miền Bắc. Năm 555, Dĩu Tín phụng mệnh đi sứ Tây Nguỵ tới Trường An. Chính lúc đó quân đội Tây Ngụy vây hãm Giang Lăng, bắt giết Lương Nguyên đế Tiêu Dịch. Từ đó, Dĩu Tín ở lại làm quan với Bắc triều - từ Tây Ngụy, Bắc Chu cho đến đời Tùy Văn đế -, việc đó đối với ông không phải chỉ là xa lìa quê hương mà còn là một hành vi "thất lễ", khiến lòng ông cảm thấy vô cùng nhục nhã, đau khổ, không thể nào quên được nguồn gốc trước đây của mình...

Qua đó, ta thấy nếu ai đó có treo bức hoành “Ẩm thủy tư nguyên" là việc học và dịch có chứng cứ hẳn hơi trong kinh sử, chứ đâu phải "học vẹt, dịch vẹt”! Còn nếu như người nào lại thích câu “Ẩm hà tư nguyên" thì đó là vì... họ không biết điển cố trên mà thôi.

Các bạn thấy câu ”Ẩm thủy tư nguyên" được sử dụng để nói về việc không quên nguồn gốc thì bức hoành ghi 4 chữ này, ai treo ở nhà mình mà chẳng được? Cứ gì là "Phải treo nơi nhà thờ họ và do chính con trưởng tự tay treo mới xong..." như nhà văn Nguyễn Như Phong quan niệm!

Viết đến đây, tôi càng thấu hiểu việc trang bị kiến thức chữ Hán cho học sinh, sinh viên và người cầm bút hiện nay là vô cùng cần thiết. Thử hỏi: một người có tay nghề, có thâm niên cầm bút như nhà văn Nguyễn Như Phong mà còn sai sót như trên, thì số người cầm bút trẻ hơn thì thế nào? Đúng như nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã từng nhận xét: việc dùng chữ Quốc ngữ thay cho Hán tự trong giáo dục là một tiến bộ lớn, đẩy nhanh quá trình xóa nạn mù chữ và hiện đại hóa tiếng Việt, nhưng đồng thời cũng đem lại một nguy cơ là cắt đứt với văn hóa truyền thống, khiến nhiều thế hệ ngày nay không còn biết ông cha ta đã viết những gì.

Từ cách đây 2.500 năm, Khổng Tử đã dạy:"Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã" (Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, ấy là người biết). Lời dạy ấy vẫn còn có ý nghĩa thời sự và vẫn còn nguyên giá trị của nó! Còn riêng tôi, luôn luôn tự răn mình, chớ nên "Cao đàm khoát luận" về một vấn đề nào mà mình không nắm thật vững hoặc thậm chí mù tịt!



[1]Ma Cật là tên tự của Vương Duy.
[2]Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ; Nguyễn Bá Mão dịch. Trung tâm Ngôn ngữ Văn hoá Đông Tây và Nxb. Thuận Hóa, 2005.
Nguồn: Mục “ThÆ° bạn đọc”, tạp chí XÆ°a & Nay số 295, tháng 11/2007, tr. 28-29