trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
27.11.2007
Johnny Erling
Chân dung của nạn nhân và thủ phạm
Trần Kh. dịch
 
Thân nhân và bạn bè của cô giáo Biện Trọng Vân (Bian Zhongyun) đã đặt hoa tưởng niệm trước bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ chân dung bà. Nữ giáo viên này là nhà trí thức đầu tiên của thành phố Bắc Kinh bị đám Hồng vệ Binh cuồng tín đánh chết ngay tại ngôi trường cấp hai của mình vào ngày mồng 5 tháng 8 năm 1966. Nhiều bó hoa cũng đã được đặt trước chân dung của Trương Chí Tân (Zhang Zhixin) [1] , một nữ viên chức không chịu khuất phục và đã dám lên tiếng phê phán cuộc Cách mạng Văn hoá điên rồ của Mao. Sau nhiều năm bị tra tấn mà vẫn không chịu rút lại những lời chỉ trích của mình, ngày 4 tháng 4 năm 1975 bà đã bị xử bắn vì tội danh phản cách mạng.


Zhang Zhixin
"Chân dung Trương Chí Tân" của Từ Duy Tân [2]
Người ta cũng thấy những đoá hoa cúc tươi tắn nằm trước những bức tranh sơn dầu vẽ trên bố khổ 2 m x 2,5 m khác, chẳng hạn như trước chân dung của nhà văn Bắc Kinh Lão Xá (Lao She), ông bị đẩy vào vòng cùng quẫn đến độ đã tự vẫn vào năm 1966. Cạnh đấy là một số bức chân dung khác chẳng thấy ai đặt hoa tưởng niệm, đấy là chân dung của các thủ phạm và những kẻ xu thời, của những kẻ đã bị làm mù quáng và bị lợi dụng: một chiếc kính vạn hoa chứa đựng nhiều khuôn mặt quen thuộc từ thời mồ ma Cách mạng Văn hoá Trung Quốc. Chính Mao cũng có mặt trong số những chân dung ấy, cùng với nhóm "tứ nhân bang" và vị thủ lĩnh công an chìm Khang Sinh (Kang Sheng) của ông. Nhưng cũng có tranh vẽ nhà sử học Ngô Hàm (Wu Han) và nhiều chân dung bi thảm khác của những anh hùng lao động và nông dân, những người mà một thời tên tuổi của họ được tất cả người lớn và trẻ em tại Trung Quốc biết đến.


Mao Trạch Đông
"Chân dung Mao Trạch Đông" của Từ Duy Tân [3]
Giang Thanh
"Chân dung Giang Thanh" của Từ Duy Tân [4]
Trong số những người đến tham dự buổi khai mạc cuộc triển lãm tranh mang tên "Nhân vật lịch sử Trung Quốc 1966-1976", diễn ra vào ngày chủ nhật vừa rồi (18.11.2007) tại phòng triển lãm của viện bảo tàng "Today Art Museum" [5] , có vài nhân vật đã nhận ra diện mạo của mình trong số 63 bức chân dung được trưng bày tại đấy. Bà lão 86 tuổi Nhiếp Nguyên Tử (Ni Yuanzi) đến bằng xe lăn. Năm 1966, vị nữ giảng viên triết học này đã lên tiếng phê bình ban lãnh đạo trường Đại học Bắc Kinh bằng hình thức "báo tường" và qua đó đã tạo cho Mao Trạch Đông một cái cớ thuận tiện để ông làm bùng lên cuộc Cách mạng Văn hoá của mình. Mao đã biến Nhiếp Nguyên Tử thành một phương tiện tuyên truyền. Sau khi Mao mất, bà đã bị xử án 16 năm tù.

Trong buổi khai mạc, có cả sự hiện diện của "nữ Hồng vệ Binh đầu tiên của Trung Quốc: Bành Tiểu Mãnh (Peng Xiaomeng)", người từng là tấm gương cho hàng triệu thanh niên Trung Quốc. Chẳng ai nhận ra bà lúc bà đi ngang qua trước mặt những vị giáo sư đại học già, những người một thời đã bị đám Hồng vệ Binh đánh đập và đàn áp.

Đấy là những giây phút mở đầu cực kỳ bất thường của một cuộc triển lãm xem ra còn bất thường hơn về đề tài "Cách mạng Văn hoá", một chủ đề còn cấm kỵ tại Trung Quốc. Viện bảo tàng "Today Art Museum" - bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên được nhà nước công nhận - dự định trưng bày những bức chân dung này đến ngày 2 tháng 12.

Phó giám đốc của viện bảo tàng tiền phong được thành lập vào năm 2002 này, bà Lí Hiểu Khiêm (Li Xiaoqian), đã tuyên bố đầy lạc quan và hy vọng: "Với cuộc triển lãm này, chúng tôi muốn tạo một diễn đàn cho sự soi rọi và tranh luận về quá khứ của Trung Quốc". Hoạ sĩ nổi tiếng Từ Duy Tân (Xu Weixin) [6] đã cần hai năm để hoàn thành những bức tranh này. Duy Tân vẽ theo "trường phái hiện thực đen-trắng" [7] , ông đã chọn để đưa lên khung bố những khuôn mặt mà ông cho rằng đấy là những nhân vật đã từng có vai trò quan trọng trong quãng lịch sử vừa qua. Thuộc số những người này có nữ ca sĩ cách mạng Lưu Xương Ngọc (Liu Changyu), diễn viên kinh kịch Bắc Kinh, cũng như nữ diễn viên điện ảnh Dương Lệ Khôn (Yang Likun), người bị đàn áp vì "tội tư sản" và rốt cuộc đã rơi vào tình trạng tâm thần điên loạn.

Hoạ sĩ Xu Weixin
Hoạ sĩ Từ Duy Tân trong phòng vẽ [8]
"Công cuộc 'khắc phục quá khứ' [9] của người Đức là những cú hích đầu tiên. Cách người Đức ứng xử với quá khứ của họ đã đánh thức trong tôi mối quan tâm về câu hỏi: chúng tôi phải xử sự như thế nào với quá khứ của đất nước mình. Tôi đã suy gẫm nhiều về điều này từ năm 2000." Từ Duy Tân vẽ những nhân vật của mình trên những khung bố khổ lớn. Ông đã diễn tả được nét tiêu biểu của mỗi khuôn mặt và các bức chân dung được treo trên tường không để ta dễ dàng nhận ra một mối liên hệ trực tiếp nào giữa chúng với nhau. Cạnh mỗi bức chân dung là bảng ghi tiểu sử của nhân vật được vẽ, cố ý viết bằng chữ nhỏ, chúng buộc người xem tranh phải để mắt đến. "Thực sự thì đấy không phải là 63 bức chân dung đơn lẻ, mà là một 'tác phẩm nghệ thuật tổng hợp' (Gesamtkunstwerk)."

Những khách tham dự buổi khai mạc hôm qua bảo rằng việc xem những bức chân dung này đã khiến họ bị sốc. Dịch giả 71 tuổi chuyên dịch Kafka và đồng thời cũng là một chuyên gia văn học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Diệp Đình Phương (Ye Tingfang), nói về việc người xem đã bị rúng động khi nhận thức được rằng "khi phải sống trong một thời đại bất thường, thì ngay cả những con người bình thường cũng đã biến thành những con người bất bình thường như thế nào". "Today Art Museum" cũng đã mời hơn mươi nhà phê bình nghệ thuật và văn học trao đổi ý kiến. Ông Ngũ Lương (Wu Liang) thuộc Hội Nhà văn Thượng Hải bảo rằng, đối với người xem triển lãm, phòng triển lãm tranh này đã trở thành một kiểu bảo tàng về Cách mạng Văn hoá. Đấy là điều mà nhà văn Trung Quốc nổi tiếng thế giới Ba Kim (Ba Jin) đã suốt đời đòi hỏi. Những tác phẩm của Từ Duy Tân "đã đánh thức trong chúng ta những ký ức tập thể bị vùi lấp", những thứ đã bị che khuất từ nhiều thập niên nay vì lối tư duy thương mại, chuyên gia lịch sử nghệ thuật Lí Công Minh (Li Gongming) của Học viện Hội hoạ Nam Kinh đã phát biểu như thế.

Trong cuộc trao đổi ý kiến, công cuộc "khắc phục quá khứ" của người Đức được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như là một tấm gương cho Trung Quốc, rằng việc thương mại hoá những biểu tượng của Cách mạng Văn hoá và hình ảnh của Mao diễn ra hiện nay trong ngành quảng cáo, thời trang, trong hội hoạ hoặc tại các nhà hàng là điều lố bịch phi lý đáng xấu hổ, những thứ này không được phép thay thế cho một cuộc soi rọi quá khứ đúng đắn.

Nhà phê bình nghệ thuật của thành phố Bắc Kinh Ân Song Hỷ (Yin Shuangxi) cho rằng Trung Quốc không thể tiếp tục làm như thể một sự kiện như cuộc Cách mạng Văn hoá chưa từng diễn ra trong lịch sử của đất nước. Ông nhắc lại rằng trong quãng thời gian từ 1976 đến 1985, nghệ thuật và văn học Trung Quốc đã từng có những thử nghiệm trong chiều hướng muốn khắc phục quá khứ. Nhưng những thử nghiệm ấy đã bị cấm cản: "Giờ thì thời gian đã chín muồi để những mảng tối của lịch sử lại được soi rọi."

Ngày hôm qua, "Today Art Museum" cũng đã khai trương một cuộc "triển lãm nhìn lại" (Retrospective) lần đầu tiên cho nhóm Tinh Tinh (Xingxing, Stars Group) - một nhóm nghệ sĩ avant-garde ra đời ở Bắc Kinh năm 1980 [10] - như là một trong những sáng kiến mới mà qua đó nghệ thuật lại giữ vai trò tiên phong trong công cuộc khai minh xã hội. Dưới tiêu đề "Origin Point" [11] , khoảng 100 tác phẩm của 17 nghệ sĩ như Vương Khắc Bình (Wang Keping), Mã Đức Sinh (Ma Desheng) hoặc Hoàng Duệ (Huang Rui) [12] được trưng bày cho đến ngày 28 tháng 11. Một số nghệ sĩ của nhóm này sẽ tham gia các buổi đọc tác phẩm và trao đổi ý kiến. Nhiều nghệ sĩ của nhóm từng phải sống lưu vong, nhưng trong thời gian qua họ đã được phép quay trở lại Trung Quốc. Một số tác phẩm trưng bày dịp này cũng được đem về từ nước ngoài.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1] Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Zhang_Zhixin (Tất cả chú thích đều của người dịch)
[2] Nguồn: http://artist.artron.net/artistfront_new/index.php?aid=A0000002
[3] Nguồn: http://artist.artron.net/artistfront_new/index.php?aid=A0000002
[4] Nguồn: http://artist.artron.net/artistfront_new/index.php?aid=A0000002
[5] Xem: http://www.todayartmuseum.com/TodayGallery/EN/TodayGalleryEN.aspx
[6] Xem: http://roseafineart.com/XuWeiXin.html
[7] Xem: http://www.todayartmuseum.com/TodayGallery/EPhotoLis.aspx?
ChannelId=267&ID=2354&Type=1&State=1

[8] Nguồn: http://www.artnow.com.cn/Subject/xuweixin/index.html
[9] Về cụm từ tiếng Đức "Vergangenheitsbewältigung" (Khắc phục quá khứ), có thể xem thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Vergangenheitsbew%C3%A4ltigung
[10] Chính xác là năm 1979. Xem: http://www.zeestone.com/article.php?articleID=16
[11] Xem: http://www.todayartmuseum.com/TodayGallery/EN/ExhibitENDetail.aspx
?ActionType=1&Exhit=1&ChannelID=460&ExhibitID=2290

[12] Xem: http://www.todayartmuseum.com/TodayGallery/EPhotoLis.aspx
?ChannelId=267&ID=2241&Type=1&State=1