trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
7.10.2008
Phạm Hoàng Quân
“Vãng Tân nhật ký” của Nguyễn Thuật và sự gán ghép của ông Nguyễn Q. Thắng về tác giả “Vãng sứ Thiên Tân nhật ký” trong sách “Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm”
 
Gần đây, chúng tôi được đọc ấn phẩm Nguyễn Thuật - Vãng Tân nhật ký do Trần Kinh Hòa biên chú, xuất bản ở Hương Cảng (Trung văn). Nhân thấy ông Nguyễn Q. Thắng đã cho in hai quyển sách về Nguyễn Thuật, chúng tôi cũng tìm đọc để tìm hiểu thêm về một danh nhân văn hóa nước nhà. Khi xem đến bản dịch Vãng sứ Thiên Tân nhật ký [Nhật ký đi sứ Thiên Tân] in chung trong Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm thì thấy đây là nhật ký của Phạm Thận Duật, vốn đã được giới thiệu, dịch toàn văn và công bố nhiều năm trước.

Bài viết này phân làm 2 nội dung:
  1. Minh định về Vãng sứ Thiên Tân nhật ký hiện đang rơi vào trường hợp một tác phẩm mà được ghi nhận là của hai tác giả và đã được dịch, in trong hai sách.
  2. Lược điểm về sách Nguyễn Thuật - Vãng Tân nhật ký [Nhật ký đến Thiên Tân – Nguyễn Thuật] do Trần Kinh Hòa biên chú.

1. Sự gán ghép của ông Nguyễn Q. Thắng về tác giả Vãng sứ Thiên Tân nhật ký

Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu tập 3, trang 533 ghi nhận:

Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật soạn, một bản viết, 112 trang, 30x20, A.1471

Nhật ký của đoàn sứ bộ Việt Nam do Phạm Thận Duật làm chánh sứ (Nguyễn Thuật làm phó sứ), sang Thiên Tân, Trung Quốc năm 1882”. (Từ đây sẽ viết tên sách này theo ký hiệu A.1471).

Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu tập 2, trang 49 ghi nhận:

Kiến Phúc nguyên niên như Thanh nhật trình, Phạm Thận Duật biên soạn năm Kiến Phúc thứ nhất, 1 bản viết, 125 trang, 30x22, có bản đồ, A.929” (Sẽ viết tắt là A.929).

Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 1, ghi nhận Phạm Thận Duật là tác giả Kiến Phúc nguyên niên như Thanh nhật trình, tức bản mà học giả Trần Văn Giáp khảo sát là bản có ký hiệu A.929 đã nêu trên.

Qua sự khảo sát của tiến sĩ Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) thì hai bản A.1471 và A.929 là “hai bản chữ Hán có cùng một nội dung, đều là bản sao nhưng có khác nhau đôi chút về chi tiết”. Ông Phạm Văn Thắm đã lấy bản A.1471 làm bản đáy để dịch toàn văn (có đối chiếu với A.929) và dùng tên Vãng sứ Thiên Tân nhật ký. Bản dịch A.1471 in chung trong Phạm Thận Duật toàn tập (Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – NXB Văn hóa Thông tin – Hà Nội – 2000), và trước đó cũng đã được in trong Phạm Thận Duật – cuộc đời và tác phẩm (Nguyễn Văn Huyền – NXB Khoa học Xã hội – Hà Nội - 1989).

Như vậy, về mặt công bố bản A.1471 – qua sự kiểm chứng của các nhà Hán học, sử học, văn học sử - thì tác giả của tác phẩm này là Phạm Thận Duật, thư mục ghi nhận sớm từ năm 1970 (Trần Văn Giáp), bản dịch toàn văn xuất bản năm 1989, 2000 (Nguyễn Văn Huyền, Phạm Văn Thắm).

Cùng năm 2005, NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm do Nguyễn Q. Thắng giới thiệu, biên dịch; NXB Đà Nẵng xuất bản Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm do Nguyễn Q. Thắng giới thiệu & biên dịch. Trong phần “Hà Đình Nguyễn Thuật với các tác phẩm của ông”, mục A. phần “Sáng tác riêng” (cùng trang 40 ở cả hai sách của hai nhà xuất bản nêu trên), Nguyễn Q. Thắng ghi nhận:

Vãng sứ Thiên Tân nhựt ký, khắc in cùng năm, ký hiệu A.1471/2 và A.1471/3.

Đây là tập nhựt ký của sứ đoàn Việt Nam do Thượng thư Phạm Thận Duật (1825 - 1885) làm chánh sứ, Nguyễn Thuật làm phó sứ sang Thiên Tân (Trung Quốc) thương thảo với Trung Hoa về việc Pháp xâm lược Việt Nam (do Nguyễn Thuật ghi chép), nhưng việc không thành…”.

Như vậy, khác với Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyền, Phạm Văn Thắm…, Nguyễn Q. Thắng khẳng định Nguyễn Thuật là tác giả bản A.1471. Riêng về mặt văn bản, ông Nguyễn Q. Thắng ghi nhận “khắc in cùng năm”, chúng tôi không rõ đã khắc in hay chưa, và cùng năm là năm nào? Chúng tôi không tìm được chi tiết nào thể hiện sự căn cứ của ông Nguyễn Q. Thắng về việc khẳng định “mới” này qua phần khảo cứu của ông trong Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm.

Để vấn đề được nêu mang tính trung thực, chúng tôi tiến hành khảo sát bản dịch A.1471 của ông Phạm Văn Thắm, đối chiếu bản Hán văn A.1471 trong sách Phạm Thận Duật toàn tập; đồng thời khảo sát bản phiên âm và bản dịch A.1471 trong Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm của ông Nguyễn Q. Thắng (NXB Tổng hợp TPHCM - 2005). Việc khảo sát và đối chiếu nội dung văn bản này nhằm mục đích tìm xem trong các chi tiết hành văn hoặc ngữ cảnh, khả dĩ có điều thể hiện rằng bản A.1471 là do Nguyễn Thuật viết hay không.

Trang đầu tiên của cả hai bản dịch là đoạn viết về ngày 21 tháng 12 năm Tự Đức thứ 35 (1882) trích nguyên văn như sau:

“Ngày hôm ấy, bọn thần Phạm Thận Duật và Nguyễn Pha đến bái mệnh ở điện Văn Minh (còn Nguyễn Thuật vào ngày 10 tháng ấy đã sang Quảng Đông để đệ trình quốc thư và đợi sẵn ở đó).” - Phạm Văn Thắm dịch

“Ngày hôm ấy, chúng thần Phạm Thận Duật và Nguyễn Phiên đã lạy ở điện Văn Minh để ra đi, còn Nguyễn Thuật thì đã đến Quảng Đông hôm mùng 10 tháng Chạp để lo trình quốc thư với triều đình [Trung Quốc].” - Nguyễn Q. Thắng dịch

Điều đáng lưu ý của đoạn văn trên là Phạm Thận Duật bái mệnh rời Kinh ngày 21 tháng 12 và Nguyễn Thuật đã ra đi từ ngày 10 tháng 12. Chắc hẳn nội dung đoạn nhật ký này phải do Phạm Thận Duật viết.

Một đoạn khác thuộc ngày 13 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 36 (1883), chánh sứ Phạm Thận Duật gặp và trao sắc phong Phó sứ cho Nguyễn Thuật tại Quảng Đông, Phạm Thận Duật viết:

“Bề tôi Phạm Thận Duật mang một đạo sắc giao cho Nguyễn Thuật. Nguyễn Thuật làm lễ vái đón nhận, cung kính mở ra đọc xem.” - Phạm Văn Thắm dịch

“Thần là Phạm Thận Duật kính cẩn đem sắc vua một lá rồi trao cho Nguyễn Thuật, cung kính xá xuống nhận lãnh mà đọc.” - Nguyễn Q. Thắng dịch

Đoạn cuối của nhật ký, ngày 29 tháng 12 năm 1883, viết:

“Thần Phạm Thận Duật cùng với tùy viên có mặt tại kinh đô. Từ tỉnh Bình Định đến kinh đô, dọc đường đi dân sống yên ổn, mưa gió thuận hòa, mùa màng hoa lợi đều xanh tươi, màu mỡ.” - Phạm Văn Thắm dịch
“Thần là Phạm Thận Duật cùng mấy người tùy thuộc hiện diện sẽ từ Bình Định đến kinh.
Trên đường đi, thấy nhơn dân bình yên, thoải mái, gió mưa thuận hòa, lúa nếp đều nặng hạt, thu hoạch vụ mùa tốt đẹp.” - Nguyễn Q. Thắng dịch

[Chú: Sứ đoàn đi trên một tàu buôn của người Anh, từ Hương Cảng về cảng Thị Nại (Bình Định), sau đó theo đường bộ về kinh. - P.H.Q].

Bản dịch của Phạm Văn Thắm dừng lại vào ngày 29 tháng 12 vừa nêu như trên. Tuy nhiên, trong nguyên tác Hán văn kèm theo còn có thêm các ghi chép trở ngược lại các ngày từ 17 đến 29, đây có lẽ là do người sao chép hoặc người khâu sách làm lẫn lộn nguyên tác và ông Phạm Văn Thắm đã sơ ý bỏ hẳn không dịch (đoạn này có trong bản dịch của Nguyễn Q. Thắng).

Tóm lại, sau khi đọc bản A.1471 trên tinh thần tìm thông tin từ nội dung văn bản để xác định tác giả (chưa xét đến chất lượng bản dịch), chúng tôi không bị chi phối bởi tên tuổi danh nhân Phạm Thận Duật – hiện là tên một giải thưởng sử học – và sự xác định của các học giả đã trực tiếp khai thác, công bố trước ông Nguyễn Q. Thắng 38 năm, 16 năm và 5 năm đối với bản A.1471. Qua những điểm đáng lưu ý đã trích dẫn nguyên văn, chúng tôi đi đến kết luận rằng: Phạm Thận Duật là tác giả Vãng sứ Thiên Tân nhật ký (bản A.1471). Nhóm tác giả Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu đã sơ suất khi xác định bản A.1471 là do “Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật soạn”; ông Nguyễn Q. Thắng đã sai khi khẳng định bản A.1471 là tác phẩm riêng của Nguyễn Thuật. Nếu như chủ trương của ông Nguyễn Q. Thắng có cơ sở hoặc được dựa trên kết quả nghiên cứu nào, mong ông sớm có ý kiến để độc giả của hai sách Phạm Thận Duật toàn tập Hà Đình Nguyễn Thuật tác phẩm khỏi phải phân vân.


2. Lược điểm Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật

A. Mục lục

Nguyễn Thuật - Vãng Tân nhật ký, Trần Kinh Hòa biên chú, Hương Cảng Trung văn Đại học Trung Quốc Văn hóa Nghiên cứu sở Sử liệu Tùng san (tập 1) – Trung Văn Đại học Xuất bản xã – Hương Cảng 1980 (bản in lần thứ nhất), sách dày 104 trang gồm các phần như sau:

1. Lời tựa của Trần Kinh Hòa viết năm 1979

Avant – propos (bản dịch Pháp văn phần “lời tựa” do Francois Jullien)

2. Giải thuyết của Trần Kinh Hòa
  • Tổng quan về bối cảnh chính trị Việt – Pháp – Trung vào thời điểm sứ bộ Việt Nam (trong đó có Nguyễn Thuật) sang Thiên Tân
  • Giới thiệu về thân thế và hoạt động ngoại giao của Nguyễn Thuật.
3. Nguyễn Thuật Vãng Tân nhật ký (phần chính)
  1. Nguyễn Hà Đình tiên sinh Vãng Tân nhật ký tự - Vi Dã lão nhân [lời tựa tập Vãng Tân nhật ký do Tuy Lý Vương Miên Trinh hiệu Vi Dão lão nhân viết vào cuối mùa hạ năm Đồng Khánh Đinh hợi - 1887].
  2. Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật
  3. Vãng Tân nhật ký chú thích của Trần Kinh Hòa
  4. Bút đàm tùy lục [Trung triều định chế…] của Nguyễn Thuật
  5. Trích lục liên cú [một số câu đối] của Nguyễn Thuật
4. Nguyễn Hà Đình Vãng Tân nhật ký sao bản bạt – Nhiêu Tông Di [lời bạt của Nhiêu Tông Di viết năm 1979].


B. Xuất xứ

Theo lời tựa của Trần Kinh Hòa và lời bạt của Nhiêu Tông Di thì bản Vãng Tân nhật ký là một bản sách chép tay thuộc sở hữu của một học giả người Pháp, P. Demiéville (Hán âm Đái Mật Vi). Năm 1966, Demiéville đã tặng bản sách này cho Nhiêu Tông Di. Năm 1976, ông Nhiêu Tông Di công bố bài khảo luận về Vãng Tân nhật ký (qua bản dịch Pháp văn của P. Demiéville) trên tập san Viễn Đông học báo [BEFEO, Tome LXIII, p.465, Travanx de Jao Tsung-yi, 1976]. Năm 1977, trong kỳ Hội nghị lần thứ 7 các nhà sử học Á châu tại Bangkok, ông Nhiêu Tông Di báo cáo bản luận văn được phát triển trên cơ sở bài khảo luận về Vãng Tân nhật ký (Anh văn), và sau đó ông đã trao bản sách chép tay Vãng Tân nhật ký cùng khảo luận của mình cho ông Trần Kinh Hòa – một chuyên gia về lịch sử Việt Nam – đề nghị thực hiện phần chú thích và khảo chứng. Năm 1980, Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật được xuất bản. Chúng tôi chưa có thêm thông tin gì về lý do cảo bản Vãng Tân nhật ký thuộc tủ sách cá nhân của học giả P. Demiéville.

Do kiến văn còn hạn hẹp, chúng tôi cũng chưa rõ cảo bản và bản in Nguyễn Thuật Vãng Tân nhật ký này đã được học giới Việt Nam trong/ ngoài nước từng tham khảo, trích lục hoặc giới thiệu qua hay chưa, nên xin giới thiệu sơ lược.


C. Nội dung

Chúng tôi không điểm từng nội dung theo mục lục đã nêu, chỉ tập trung ở phần chính, tức Vãng Tân nhật ký Vãng Tân nhật ký chú thích.

1. Vãng Tân nhật ký được Nguyễn Thuật khởi chép từ ngày mùng 8 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ - Tự Đức thứ 35 (nhằm 16-1-1883), dừng bút vào ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mùi – Tự Đức thứ 36 – Kiến Phúc nguyên niên (nhằm 26-1-1884).

Thể thức biên chép như nhan đề đã nêu, tức theo trình tự thời gian, ghi việc hàng ngày. So với nhật ký của Phạm Thận Duật, nhật ký của Nguyễn Thuật mang nhiều dấu ấn cá nhân. Ngoài những việc công của sứ đoàn, được ghi chép tương tự như nhật ký của Phạm Thận Duật, các sự việc thuộc sinh hoạt xã hội, hoặc suy nghĩ riêng tư của Nguyễn Thuật được ghi lại khá cụ thể và sinh động. Ngoài giá trị văn chương, nhật ký này còn có giá trị cao về mặt tư liệu, những ghi chép về các nhân vật trong chính giới hoặc học giới Thanh triều mà Nguyễn Thuật có quan hệ trong công vụ hoặc cá nhân có thể góp được nhiều chi tiết hay trong việc nghiên cứu cận đại sử. Ở góc độ cá nhân, chúng tôi đặc biệt lưu ý các chi tiết liên quan đến thư tịch, nhật ký cho thấy Nguyễn Thuật nhiều lần đến các nhà sách lớn như Văn Dũ Đường ở Hương Cảng, Tảo Diệp Thư Cục ở Thượng Hải… để tìm mua sách. Trong lúc giao thiệp, Nguyễn Thuật thường đưa tặng các văn nhân Trung Quốc Vi Dã thi tập Diệu Liên thi tập và cũng được tặng lại nhiều thi tập khác. Nguyễn Thuật được Vương Thao (hiệu Tử Thuyên), chủ bút Tuần hoàn Nhật báo ở Hương Cảng tặng nhiều sách, trong đó có bộ Hỏa khí lược thuyết [Nói sơ về súng đạn]. Trong lúc giao thiệp với Tăng Căn Tuấn Hổ (Sone Toshitora), chính trị gia, văn gia Nhật Bản, Nguyễn Thuật nhận nhuận chính bản thảo Pháp Việt giao binh kỷ lược, bản thảo này do Sone Toshitora biên soạn trên cơ sở tổng hợp các thông tin báo chí Trung Quốc đương thời về tình hình chiến sự Pháp – Việt [theo ghi chép của Nguyễn Thuật, nội dung sách sai lạc hơn nửa phần]. Thông tin từ phần chú thích của ông Trần Kinh Hòa cho biết, sách này đã được xuất bản ở Nhật với nhan đề Pháp Việt giao binh ký, và Trung Quốc in lại trong Cận đại Trung Quốc sử liệu tùng san, tập 62, Văn Hải Xuất bản xã xuất bản.

Mở rộng: Pháp Việt giao binh ký, Tăng Căn Tiêu Vân tập trứ, Vương Thao san soạn, Nguyễn Thuật Hà Đình hiệu duyệt, (5 quyển) – Minh Trị thập cửu niên – 1886 – Đông Kinh báo hãng xã xuất bản. [Chú: Tiêu Vân là bút hiệu của Tăng Căn Tuấn Hổ.]

Những điều lưu ý hoặc lược điểm về Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật mà chúng tôi nêu trên phần lớn không thấy ghi nhận trong Vãng sứ Thiên Tân nhật ký của Phạm Thận Duật, vì vậy, hai quyển nhật ký này sẽ cùng tăng giá trị khi được phối độc, các tình tiết liên quan sẽ bổ sung cho nhau giúp gợi mở vấn hoặc hiệu chỉnh qua lại.

2.Vãng Tân nhật ký chú thích được ông Trần Kinh Hòa thực hiện trong khoảng những năm 1977 – 1979. Ngoài việc kê cứu cẩn thận, các sự kiện và ngày tháng trong nhật ký của Nguyễn Thuật được đối chiếu với một nhật ký cùng thời khác là Thỉnh Anh nhật ký [nhật ký tòng quân] của Đường Cảnh Tùng – một võ quan Thanh triều nhiều lần trực tiếp quan hệ công vụ với Nguyễn Thuật. Phần chú thích cung cấp các thông tin liên quan rất hữu ích trong việc khảo cứu, không gian ghi chép của Nguyễn Thuật như được mở rộng hơn, dễ hiểu hơn, do nhiều chi tiết được bổ sung. Ông Trần Kinh Hòa đã tỏ ra rất công phu trong việc truy tầm các tài liệu lịch sử có liên quan từ nhiều nước Trung, Pháp, Nhật, Việt, nhất là tài liệu thuộc lĩnh vực ngoại giao, do vậy, các chú giải của ông rất hấp dẫn, bổ ích cho những người muốn tìm hiểu về giai đoạn lịch sử phức tạp này.

Mở rộng: Ông Trần Kinh Hòa từng là chuyên viên Viện Yên Kinh – Đại học Harvard, năm 1959, Viện Yên Kinh tài trợ Viện Đại học Huế thành lập Ủy ban Phiên dịch Sử liệu và cử ông Trần làm Tổng thư ký. Ngoài việc chủ trì thống kê Châu bản triều Nguyễn (tháng 7-1959 đến tháng 12-1959), Trần Kinh Hòa cộng tác với nhiều tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam như: Đại Học (Huế), Sử Địa, Văn hóa nguyệt san… Các nghiên cứu Việt văn tiêu biểu của ông Trần Kinh Hòa:
  • Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí lược in trong An Nam Chí lược – Huế - 1961;
  • Bài khảo cứu Hải ngoại ký sự in trong Hải ngoại kỷ sự - Huế - 1963;
  • Dịch và chú thích Thành trì chí trong Gia Định thành thông chí – tập san Đại Học – Huế.
Các nghiên cứu về Việt Nam (Trung văn) tiêu biểu:
  • Ngũ đại Tống sơ chi Việt Nam – Trung Việt văn hóa luận tập – tập 2 – Đài Bắc – 1956
  • Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, kỳ nhân kỳ sự [lời tựa Cấn Trai thi tập] – Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san – tập 1- Hương Cảng – 1962
  • Thừa Thiên Minh Hương xã Trần Thị chánh phả [gia phả Trần Tiễn Thành] – Đông Nam Á nghiên cứu chuyên san – tập 4 – Hương Cảng – 1964, [bản gia phả này đã được ông Võ Văn Sổ dịch sang Việt văn, bản thảo đánh máy – 2002, chưa xuất bản.]
  • Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả chú thích – Quốc lập Đài Loan Đại học – Văn sử triết học báo - số 7 – 1956
  • Thập bát thế kỷ Hội An nhân Đường nhai cập kỳ thương nghiệp [phố và nền thương nghiệp của người Hoa ở Hội An thế kỷ 18] – Tân Á học báo- quyển 3 – số 1 – Hương Cảng – 1960
  • Quốc sử di biên đích biên giả dữ nội dung [khảo về tác giả và nội dung sách Quốc sử di biên] in trong Quốc sử di biên Phan Thúc Trực tập – Hương Cảng Trung văn Đại học Tân Á nghiên cứu sở - 1965. [Đã được dịch sang Việt văn bởi Hồng Liên Lê Xuân Giáo – Sài Gòn – 1973.]
  • Historical Notes on Hội An – Center for Vietnamese Studies – Southern Ilinois University, Monograph Series IX, 1973

D. Lưu ý về văn bản

Bản sách chép tay Vãng Tân nhật ký từ thư viện tư gia của P. Demiéville, sau khi chuyển cho Nhiêu Tông Di khảo cứu và Trần Kinh Hòa chú thích, khi xuất bản (tức bản chúng tôi khảo sát) đã được chuyển sang dạng văn bản chữ in, đây có thể cần thiết trong việc tạo sự tiện lợi cho độc giả, tuy nhiên, ở góc độ khảo cứu điều quan trọng là cần phải có văn bản gốc. Hiện thời chúng tôi chỉ có bản in năm 1980 như đã lược điểm. Trong khi chờ đợi một bản sao từ cảo bản Vãng Tân nhật ký, trước mắt, vì sự hấp dẫn của Vãng Tân nhật ký và những tư liệu phong phú ở phần chú thích, chúng tôi chuyển ngữ sang Việt văn các phần này và lần lược gửi đến bạn đọc trong các kỳ sau để cùng tham khảo.

TP. Hồ Chí Minh – ngày 3-10-2008

© 2008 talawas