trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
3.12.2007
Michael Skapinker
Tiếng nói của ai?
Nguyễn Tiến Văn dịch
 
Chung Dong-young, nguyên là một điều phối viên truyền hình và ứng viên tổng thống Nam Hàn, có thể thua sút trong những điều tra về dân ý nhưng một trong những điểm cam kết trong chương trình tranh cử của ông rất bắt mắt. Ông hứa rằng nếu đắc cử sẽ thực hiện một cuộc gia tăng lớn lao trong việc dạy tiếng Anh để cho giới trẻ Hàn Quốc không phải đi ra nước ngoài để học ngoại ngữ này. Đất nước Đại Hàn cần phải “giải quyết vấn đề những gia đình cách biệt nhau vì việc học tiếng Anh”, tờ Hàn Quốc thời báo tường trình một phát biểu của ông như thế.

Ở Trung Quốc, Du Mẫn Hồng (Yu Minhong) đã biến công ti Tân Đông phương (New Oriental) do ông sáng lập, thành cơ sở cung ứng giáo dục tư thục lớn nhất nước, với hơn một triệu học viên trong tài khoá vừa qua, mà tuyệt đại đa số là học tiếng Anh. Ở Chile, chính phủ nói rằng muốn cho dân chúng trở thành song ngữ gồm cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trong vòng một thế hệ.

Không ai biết chắc có bao nhiêu người đang học tiếng Anh. Mười năm trước, Hội đồng Anh (The British Council) nghĩ rằng con số đó khoảng một tỉ người. Một báo cáo mang tên Tiếng Anh kế tiếp (English Next) do Hội đồng Anh xuất bản năm ngoái, tiên đoán là số người học tiếng Anh sẽ lên đến tột đỉnh khoảng 2 tỉ người trong vòng 10–15 năm.

Có bao nhiêu người nói tiếng Anh? David Crystal, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tiếng Anh và là tác giả của hơn 100 cuốn sách về đề tài này, phỏng định là 1 tỉ rưỡi người – tức khoảng 1 phần 4 dân số toàn cầu – có thể truyền thông khá tốt bằng tiếng Anh.

Biểu đồ tiếng Anh.
Nguồn: David Graddol, English Next (Tiếng Anh kế tiếp), British Council

Latin từng có thời là ngôn ngữ được lưu thông lưu trên mặt địa bàn rộng lớn, nhưng đó là chỉ ở châu Âu và Bắc Phi. Trong lịch sử không hề có một ngôn ngữ nào từng được sử dụng rộng khắp như tiếng Anh ngày nay. Lí do hàng bao triệu người đang học tiếng Anh rất đơn giản: đó là ngôn ngữ kinh doanh quốc tế và vì thế là chìa khoá của sự thịnh vượng. Không phải chỉ Microsoft, Google, và Vodafone tiến hành công việc bằng tiếng Anh; nó cũng là ngôn ngữ để người Trung Quốc nói với người Brasil, và người Đức nói với người Indonesia.

David Graddol, tác giả bản báo cáo Tiếng Anh kế tiếp, bảo rằng đối với những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ ở Bắc Mĩ, ở Anh và Úc thật là thèm xem câu chuyện tiếng Anh như một chiến thắng – nhưng đó sẽ là sai. Tiếng Anh toàn cầu (global English) đã bước vào một giai đoạn phức hợp hơn, thay đổi trong những cung cách mà những nước nói tiếng Anh xưa hơn không thể kiểm soát và có thể cũng không ưa.

Những người bình luận về tiếng Anh toàn cầu hỏi ba câu hỏi chính. Một là, tiếng Anh có cơ bị thách thức bằng những ngôn ngữ đang phát triển mau lẹ khác không, chẳng hạn như tiếng Quan thoại (Bắc Kinh), tiếng Tây Ban Nha, hoặc tiếng Ảrập? Hai là, khi tiếng Anh lan truyền và chịu ảnh hưởng của các ngôn ngữ địa phương, có thể nào nó sẽ phân mảng như tiếng Latin thành tiếng Ý và tiếng Pháp – hoặc nó có thể tồn tại nhưng sẽ sinh nở những ngôn ngữ mới như là tiếng Đức với tiếng Hoà Lan và tiếng Thuỵ Điển? Ba là, nếu tiếng Anh có giữ được tính cách tiêu chuẩn cho phép nó tiếp tục được hiểu ở khắp mọi nơi, thì tiêu chuẩn đó sẽ là của thế giới nói tiếng Anh xưa hay là một cái gì mới mẻ và khác đi?

Ông Graddol bảo rằng ý tưởng về tiếng Anh bị thế chỗ trong vị trí ngôn ngữ thế giới không phải là bốc đồng. Khoảng 50 năm về trước, tiếng Anh có nhiều người nói như tiếng mẹ đẻ hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác, ngoại trừ tiếng Quan thoại. Ngày nay cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hindi [ở Ấn Độ] – Urdu [ở Pakistan] cũng có nhiều người nói như tiếng mẹ đẻ bằng với tiếng Anh. Vào giữa thế kỉ 21 này, tiếng Anh có thể rớt xuống vị trí thứ 5 sau tiếng Ảrập về số người nói nó như ngôn ngữ thứ nhất.

Một số người tin rằng tiếng Anh sẽ tồn tại bởi nó có lợi thế tự nhiên: nó dễ học. Ngoại trừ chữ “s” phiền toái ở ngôi thứ ba thời hiện tại, động từ tiếng Anh không biến đổi với bất kì ai bạn đang nói tới. (Thí dụ với động từ “to run” là “chạy”: I run, you run, they run [cho thời hiện tại]; we ran, he ran, they ran [cho thời quá khứ]).

Loại từ xác định và bất định không bị ảnh hưởng bởi giống (diễn viên nam: the actor; diễn viên nữ: the actress; con bò đực: a bull; con bò cái: a cow). Người nói không cần phải nhớ cái bàn là giống đực hay giống cái.

Tuy nhiên có nhiều cái khó ở tiếng Anh. Hãy thử giải thích những câu động từ – chẳng hạn sự khác biệt giữa “I stood up to him” (Tôi đương đầu với hắn) và “I stood him up” (Tôi cho hắn leo cây). Ông Crystal đã loại trừ ý tưởng rằng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thế giới bởi nó dễ. Trong một luận văn xuất bản năm ngoái, ông nói rằng sự phức hợp ngữ pháp của tiếng Latin không cản trở sự lan rộng của nó. Ông viết: “Một ngôn ngữ trở thành một ngôn ngữ thế giới chỉ vì những lí do ngoại tại, và tất cả những lí do này liên quan tới quyền lực của những kẻ sử dụng nó”. Đế quốc Anh đã mang tiếng Anh tới tất cả những xứ sở trên đó mặt trời không bao giờ lặn; cường lực kinh tế và văn hoá của Hoa Kì bảo đảm cho sự thống trị của tiếng Anh sau khi đế quốc Anh đã tàn phai.

Vậy sự hưng khởi của Trung Quốc có thể sẽ kéo theo việc tiếng Quan thoại trở thành ngôn ngữ thế giới? Điều đó có thể xảy ra. Ông Crystal hỏi: Nghĩ ngược trở lại một ngàn năm, có ai lại tiên đoán sự thoái nhượng của tiếng Latin?” Nhưng ngay lúc này ít có dấu hiệu về điều đó. Người Trung Quốc đang đổ xô đi học tiếng Anh.

Ông Graddol đồng ý rằng chúng ta không có cơ nhìn thấy tiếng Anh bị thách thức trong đời mình. Một khi một thông ngữ (lingua franca) được thiết lập, phải một thời gian lâu dài mới có chuyển đổi. Latin có thể đang tiêu biến nhưng nó đã còn là ngôn ngữ của khoa học cho nhiều thế hệ và được giáo hội Công giáo La Mã sử dụng mãi trong thế kỉ 20.

Còn về việc phân mảnh tiếng Anh, ông Graddol lập luận rằng nó đã xảy ra rồi. Ông nói: “Có nhiều thứ tiếng Anh” (many Englishes) mà bạn và tôi chắc không hiểu nổi.” World Englishes (những thứ tiếng Anh trên thế giới) là tên một cuốn sách mới đây của tác giả Andy Kirkpatrick, giáo sư tại Viện Giáo dục Hương Cảng (The Hongkong Institute of Education) cho một vài thí dụ. Một tạp chí cho lứa tuổi đôi mươi có đề mục như sau: “Two rival groups are out to have fun... you know generally indulge in dhamal and passtime. So, what do they do? Pick on a bechaara bakra who has entered college”. (Hai nhóm đối địch đi chơi... bạn biết đó thường là nhảy nhót và tiêu khiển. Vậy, họ làm chi? Nhắm một dê con mới bước chân vào trường cao đẳng). Giáo sư Kirkpatrick cũng cung cấp một mẫu tiếng Anh lai căn (pidgin English) ở Nigeria như sau: “Monkey dey work, baboon dey chop” (Chúng làm như khỉ, ăn như bú dù).

Tuy nhiên không có lẽ nào mà sự phân mảnh này sẽ dẫn tới sự tiêu biến của tiếng Anh như một ngôn ngữ được thông hiểu toàn thế giới. Thông thường, người nói tiếng Anh sẽ đổi từ một dạng này sang một dạng khác cho phù hợp với công việc, nhà trường, hay truyền thông quốc tế. Ông Crystal nói rằng những phương tiện truyền thông hiện đại qua truyền hình, điện ảnh, và mạng lưới internet có nghĩa là thế giới sẽ bám chắc vào một thứ tiếng Anh được hiểu rộng khắp.

Đề xuất là: tiếng Anh sẽ là tiếng nói của ai? Những người nói tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ nhiều gấp ba lần số người nói nó như tiếng mẹ đẻ. Khi thêm hàng trăm triệu người học ngôn ngữ này, sự bất quân bình đó sẽ càng tăng. Ông Graddol bảo rằng đa số những cuộc gặp gỡ trong tiếng Anh ngày nay xảy ra giữa những người nói tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ. Ông nói thêm, thực vậy, nhiều cuộc hội ngộ kinh doanh bằng tiếng Anh dường như xuôi chèo mát mái hơn khi không có người bản ngữ là tiếng Anh có mặt.

Người bản ngữ tiếng Anh thường yếu kém trong việc bảo đảm rằng họ được thông hiểu trong những thảo luận quốc tế. Họ có khuynh hướng nghĩ rằng họ cần phải tránh những từ dài hơn, trong khi những vấn đề về thông hiểu thường bị gây ra do việc họ sử dụng tiếng Anh trong lối nói thông tục và lối nói ẩn dụ.

Barbara Seidlhofer, giáo sư Anh ngữ và ngữ học ứng dụng ở Đại học Wien, nói rằng sự thoải mái khi vắng mặt những người nói tiếng Anh bản ngữ là thông thường. Bà nói: “Khi chúng tôi nói chuyện với những người (thường là giới chuyên môn) về truyền thông quốc tế, nhận xét này rất thường có. Chúng tôi chưa làm nghiên cứu mang tính hệ thống về vấn đề này, vậy nên những gì tôi nói trong lúc hiện thời chỉ mang tính chuyện trò, nhưng xem ra có sự đồng ý rộng rãi về nó? Bà viện dẫn một người Áo trong ngành ngân hàng phát biểu rằng: “Tôi luôn luôn thấy dễ dàng hơn khi giao dịch làm ăn [bằng tiếng Anh] với những đối tác từ Hi Lạp hoặc Nga hoặc Đan Mạch. Nhưng khi người Ái Nhĩ Lan gọi, là phức tạp và phiền toái”.

Trong một trường hợp khác, trong một cuộc hội thảo sinh viên quốc tế ở Amsterdam [thủ đô Hoà Lan], diễn ra bằng tiếng Anh, đại biểu duy nhất của vương quốc Anh được yêu cầu “bớt tính Anh quốc” để những người khác có thể hiểu được cô ta.

Nữ giáo sư Seidlhofer cũng là giám đốc sáng lập của cơ quan Tổng thể Quốc tế Vienna – Oxford về Anh ngữ (The Vienna – Oxford International Corpus of English, gọi tắt bằng các mẫu tự đầu là VOICE), hiện đang công tác kí lục và kí âm các tương tác bằng tiếng Anh khẩu ngữ giữa những người nói tiếng Anh trên toàn thế giới. Bà nói rằng tất cả nhân viên của cơ quan bà đã ghi nhận là những người nói tiếng Anh không phải bản ngữ đang biến thiên ngữ pháp tiếng Anh tiêu chuẩn theo nhiều cách. Ngay cả những người am tường nhất cũng đôi khi loại bỏ âm “s” ra khỏi ngôi thứ ba số ít. Những người sử dụng không phải bản ngữ cũng thường dùng “which” cho người và “who” cho những thứ không phải là người (thí dụ: “things who” và “people which”).

Giáo sư Seidlhofer nói thêm rằng nhiều người không phải bản ngữ là tiếng Anh còn bỏ cả loại từ xác định và bất định khỏi những chỗ mà tiếng Anh tiêu chuẩn đòi hỏi hoặc cho vào những chỗ tiếng Anh tiêu chuẩn không dùng. Những thí dụ đó là “They have [a] respect for all” hoặc “He is [a] very good person”. Những danh từ đối với người sử dụng tiếng Anh như bản ngữ vốn không có số nhiều được những kẻ không thuộc bản ngữ dùng như số nhiều (thí dụ “informations” “knowledges”, “advices” – thông tin, tri thức, cố vấn). Những biến thiên khác gồm cả “make [a] discussion”, “discuss [about] something”, hoặc phone [to] somebody).

Nhiều người bản ngữ là tiếng Anh có sẵn một câu phản bác: đó không phải là những biến thiên, mà là mắc lỗi. “knowledges” và “phone to somebody” rõ rệt là sai. Nhiều người không phải tiếng Anh là bản ngữ nhưng giảng dạy tiếng Anh trên thế giới ắt hẳn sẽ đồng ý. Nhưng ngôn ngữ đổi thay luôn. Ông Crystal vạch ra rằng những từ số nhiều như “informations” đã từng có thời được xem là đúng phép và được [nhà văn danh tiếng kiêm soạn giả từ điển Anh thế kỉ 18] Samuel Johnson sử dụng.

Những người nhấn mạnh về ngữ pháp tiếng Anh tiêu chuẩn vẫn còn đang ở vị thế quyền uy. Những nhà khoa học và hàn lâm muốn được công bố tác phẩm trên các tạp chí quốc tế phải tuân thủ những quy luật ngữ pháp mà giới ưu tú dùng tiếng Anh như bản ngữ noi theo.

Nhưng tiếng Anh khẩu ngữ lại là chuyện khác. Vì sao mà những người nói tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ lại phải bận tâm về những gì người bản ngữ coi là đúng phép? Mục đích của họ, nói cho cùng, chỉ là để hiểu nhau. Như ông Graddol nói, và trong hầu hết các trường hợp, không có người bản ngữ nào có mặt.

Giáo sư Seidlhofer nói rằng tiếng Anh của những người không phải bản ngữ “là một ngôn ngữ tự nhiên, và với những ngôn ngữ tự nhiên thì khó mà kiểm soát bằng ‘pháp định’”.

“Tôi nghĩ rằng thay vì một tiêu chuẩn quốc tế mới, những gì chúng ta đang trông thấy là sự hiện xuất của một ‘thái độ quốc tế mới’, sự thừa nhận và ý thức rằng trong nhiều ngữ cảnh quốc tế, những kẻ đối thoại không cần nói như người bản ngữ, so sánh mình với họ và như vậy luôn luôn rút cuộc vẫn ‘kém hay’ – một tư thái có thể nói là tự xác định quốc tế mới”.

Khi những người bản ngữ làm việc trong một tổ chức quốc tế, có một số người báo cáo là ngôn ngữ của họ thay đổi. Ông Crystal viết: “Trong nhiều trường hợp, tôi đã gặp những nhà chính trị, ngoại giao, và công chức sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất và làm việc ở Brusselles [thủ đô của Bỉ và là trung tâm của Liên hiệp châu Âu] bình luận về cung cách họ cảm thấy tiếng Anh của chính họ bị lôi kéo về hướng của những dạng thức tiếng Anh như ngoại ngữ này... Những người này không hề ‘nói xuống’ với đồng nghiệp hoặc có ý thức nuôi dưỡng những cách diễn đạt giản dị hơn, bởi tiếng Anh của những người tương thông với họ cũng thành thạo chẳng kém gì họ. Đây chỉ là một tiến trình tự nhiên của việc tương thích, và dần dà có thể dẫn tới những hình thức tiêu chuẩn hoá mới”.

Có lẽ tiếng Anh trong văn viết rồi ra cũng sẽ thực hiện những sự thích nghi này luôn. Ngày nay, có một bài viết được đăng tải trên các tạp chí như The Harvard Business Review [Tạp chí Kinh thương Harvard] hoặc The British Medical Journal [Tạp chí Y học tại Anh Quốc] có thể tiêu biểu cho một thành tích chuyên nghiệp đáng kể cho một nhà khoa bảng về kinh thương ở Trung Quốc hoặc một người nghiên cứu về y khoa tại Thái Lan. Nhưng ta rất có thể tưởng tượng một thời nào đó khi một tờ tạp chí toàn châu Á chẳng hạn, trở thành ngang tầm, hoặc vượt trội hơn, về thanh danh và đặt định chính những tiêu chuẩn ngữ pháp có tính tiếng Anh toàn cầu (globish) lên các người viết, và ban biên tập tạp chí sẽ sửa câu “the patient feels” (bệnh nhân cảm thấy) thành “the patient feel”. Những kẻ bản ngữ là tiếng Anh sẽ nhăn mặt, nhưng sẽ thuộc thiểu số ngày càng teo lại.

Bản tiếng Việt © 2007 talawas
Nguồn: “Whose Languages?”, Financial Times [Thời báo Tài chính, 8.11.2007]