trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
18.3.2008
Lê Chí Dũng
Một dòng văn học francophone không hiện hữu trong con sông văn học Việt Nam thế kỷ XX
 
Theo các nhà nghiên cứu tiếng Việt ở trong nước và nước ngoài, từ khoảng đầu công nguyên cho đến thế kỷ X - thế kỷ XII, tiếng Việt đã trải qua một sự biến đổi lớn. Trước công nguyên, tiếng Việt gắn với tiếng Mon-Khmer, Nam Á, là thứ tiếng đa âm tiết và không thanh điệu; thứ tiếng này không thể sinh thành thể thơ lục bát, thể thơ song thất lục bát hay thể thơ Hàn luật (thơ tiếng Việt, ký tự bằng chữ Nôm, theo Đường luật). Quá trình đơn tiết hoá và thanh điệu hoá ở tiếng Việt diễn ra trong khoảng từ thế kỷ I đến thế kỷ VI; quá trình đó được tiếp tục và cơ bản hoàn thành vào thế kỷ XII. Trong quá trình lâu dài ấy, tiếng Hán du nhập ngày càng nhiều vào tiếng Việt, tạo thành lớp từ Hán - Việt chiếm khoảng 60% vốn từ vựng tiếng Việt. Những từ Hán - Việt trong vốn từ vựng tiếng Việt chủ yếu được đọc theo âm đời Đường của Trung Quốc. Những từ Hán - Việt như thế và những từ thuần Việt trải qua quá trình lâu dài đơn tiết hoá và thanh điệu hoá - nhưng ngữ pháp vần lưng - là cơ sở để người Việt sáng tạo các thể thơ lục bát, song thất lục bát và tiếp nhận thể thơ Đường luật của Trung Hoa để làm thơ Nôm - thứ thơ được gọi là thơ Hàn luật. [1]

Ở tiếng Việt hiện diện 6 thanh điệu, nhiều hơn 2 thanh điệu so với tiếng Hán. Có thể nói rằng, như thế là ở tiếng Việt tiềm tàng khả năng tạo ngữ pháp vần chân như thực tế gieo vần trong thơ Trung Hoa. Phải chăng việc các nhà nho - thi nhân nước Đại Việt sử dụng phổ biến thể thơ Đường luật để sáng tác thơ bằng chữ Hán và làm thơ quốc âm bằng chữ Nôm thì đã thúc đẩy, khiến cho khả năng ấy biến thành hiện thực: xuất hiện các thể thơ thuần dân tộc (lục bát, song thất lục bát, hát nói) vừa có vần lưng, vừa có vần chân?

Nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn lịch sử phồn vinh của văn chương Việt Nam được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ Nôm.

Tuy nhiên, văn chương thành văn Việt Nam được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ Nôm từ trước cho đến lúc đó hầu như không tiếp cận với vấn đề yêu nước, chống xâm lược.

Nửa cuối thế kỷ XIX là giai đoạn lịch sử trong đó văn chương thành văn Việt Nam được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ Nôm cùng với văn chương Việt Nam được viết bằng chữ Hán trực tiếp tham gia vào sự nghiệp chống Pháp, cứu nước.

Đến đây, văn chương nước nhà được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký từ bằng chữ Nôm đã được thử thách, rèn luyện trong muôn mặt của sự biểu hiện tình, cảnh, sự trong không gian, thời gian sống, hoạt động của nhân dân ta.

Việt Nam là "một nước thơ" ("thi ca chi bang", lời của Ngô Thì Nhậm). Điều này trùng khít với dòng văn chương nước ta được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ Nôm: trong dòng văn chương này không tồn tại văn xuôi (văn xuôi chỉ hiện diện ở dòng văn học của nước Đại Việt được thể hiện bằng ngôn ngữ Hán - Việt, ký tự bằng chữ Hán).

Từ những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam bước vào con đường hiện đại hoá. Trong quá trình hiện đại hoá đó, ngôn ngữ và văn tự của văn học Việt Nam đứng trước khả năng: vừa kiến tạo dòng văn học Việt Nam được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ quốc ngữ, vừa xây dựng dòng văn học Việt Nam được viết bằng tiếng Pháp (français).

Khả năng xây dựng dòng văn học được viết bằng tiếng Pháp có thể trở thành hiện thực trong quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam?


1. Trong văn học thành văn trung đại Việt Nam từng tồn tại hai dòng văn học: dòng văn học được thể hiện bằng ngôn ngữ Hán - Việt, ký tự bằng chữ Hán và dòng văn học được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ Nôm.

Trong những điều kiện lịch sử - xã hội khác trước, trong văn học Việt Nam, dòng văn học được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ quốc ngữ và dòng văn học được viết bằng tiếng Pháp có thể song song tồn tại và phát triển?


2. Năm 1904, sau hơn nửa thế kỷ đặt chân lên Việt Nam, Pháp chính thức xây dựng nhà trường Pháp - Việt ở nước ta. Nhà trường đó đào tạo những trí thức Tây học - về một phương diện, là chủ thể sáng tạo của quá trình hiện đại hoá văn học.

Nhà trường là "cỗ máy của ý thức hệ nhà nước" (L. Althusser), là "kinh nghiệm xã hội có tính sơ khởi" (Bourdieu) [2] , có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên "vốn văn hoá" (capital culturel) của con người.

Ở đây cần chú ý điều này: quá trình xây dựng giáo dục ở thuộc địa phụ thuộc vào quan điểm về giáo dục của các nhóm thực dân khác nhau:
  1. quan điểm giữ nguyên tổng thể giáo dục bản xứ của nhóm thực dân hoặc ngưỡng mộ văn hoá phương Đông, hoặc theo quan điểm thực dụng về khai thác thuộc địa;
  2. nhóm thực dân có quan điểm đồng hoá (assimilation) thực thi chính sách đồng hoá (politique d'assimilation), nghĩa là du nhập hệ thống giáo dục Pháp vào thuộc địa và đồng hoá người bản xứ (indigène) thành người Pháp (câu Nos ancêtres sont Gaulois" xuất hiện trên sách giáo khoa của các học sinh trường Pháp - Việt là lúc mà quan điểm giáo dục của nhóm thực dân này thắng thế?);
  3. nhóm thực dân chủ trương sự thích nghi (adaptation) với văn hoá bản xứ trong xây dựng giáo dục ở thuộc địa.
Từ sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, quan điểm giáo dục của nhóm thực dân thứ ba thắng thế trong việc xây dựng giáo dục ở thuộc địa, tương hợp với Pháp từ chính sách đồng hoá (politique d'assimilation) chuyển sang chính sách liên kết (politique d'association), tránh đụng độ trực tiếp với sức mạnh của nhân dân Việt Nam, cố gắng tạo ra "lỗ thoát hơi cần thiết" (soupape nécessaire), như lan truyền những luận điệu "Pháp - Việt đề huề", "Pháp - Việt hợp tác", như mở trường cao đẳng, đại học, để cho một số tri thức bản xứ soạn sách giáo khoa về văn hoá Việt Nam, đưa những viên chức văn hoá ăn lương Pháp đứng ra cổ xuý cho một "chủ nghĩa quốc gia về ngôn ngữ, về văn hoá", nới rộng quyền kinh doanh công nghiệp, thương nghiệp, giao thông - vận tải đối với tư sản bản xứ mà không có hại cho kinh tế của chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa, v.v…

Nhìn chung, quá trình Pháp xây dựng giáo dục ở Việt Nam là quá trình, trong mức độ này hay mức độ khác, thực thi một sự thoả hiệp (compromis) với văn hoá nước ta. Bởi vậy, dù có sự chênh lệch về thời lượng giảng dạy giữa môn Pháp văn và môn Việt văn trong nhà trường Pháp - Việt, nhưng môn Việt văn đã được duy trì từ bậc tiểu học (enseignement primaire) đến hết bậc trung học (enseignement sécondaire). Nhà trường này không chỉ giảng dạy và giúp người Việt Nam làm quen với văn học Pháp và văn học phương Tây với cái nhìn thế giới (vision du monde) mới, mà còn có những đóng góp nhất định trong việc làm cho người Việt Nam dưới chế độ thuộc địa - nửa phong kiến lúc bấy giờ không xa lạ với những di sản văn hoá, văn học của dân tộc mình. Hơn nữa, trong những giờ Việt văn của hệ thống giáo dục mở về kiến thức và phương pháp giảng dạy, những thầy giáo người Việt có tinh thần dân tộc và yêu nước đã gieo vào tâm trí học sinh lòng yêu lịch sử dân tộc, văn hoá và văn học dân tộc, lòng yêu tiếng Việt. (Và, ngay cả trong những giờ Pháp văn của hệ thống giáo dục ấy cũng có những thầy giáo sống và làm việc theo lương tri, theo sự thật và lẽ phải, đã truyền cho học sinh cảm hứng: "Platon là bạn tôi, nhưng chân lý quý hơn!").


3. Phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX là một cuộc vận động dân tộc, dân chủ về phương diện chính trị - xã hội, là một cuộc vận động khai sáng (khải mông) về mặt tư tưởng. Công việc đầu tiên và có ý nghĩa, giá trị hàng đầu là tuyên truyền, giáo dục nhân dân đông đảo những tư tưởng mới. Cần phải trình bày, giải thích những tư tưởng đó, nhưng trong truyền thống văn học dân tộc, văn xuôi bằng tiếng mẹ đẻ chưa xuất hiện, ngôn ngữ thiếu chính xác, minh bạch, nghệ thuật biện giải chưa thành nề nếp chặt chẽ, khúc chiết. Cần phải quảng bá những tư tưởng mới cho đông đảo quần chúng nhân dân nghe, hiểu, để làm, nhưng đại đa số nhân dân không biết chữ Hán và chữ Nôm. Muốn công cuộc duy tân đất nước và cứu nước đi tới thắng lợi, không thể không giải quyết trước hết vấn đề cải cách văn tự, cải cách ngôn ngữ, cách tân nghệ thuật biện giải văn chương. Chính Đông Kinh nghĩa thục (1907-1908) đã bắt tay vào giải quyết những vấn đề như vậy, chủ trương dùng chữ quốc ngữ và viết văn xuôi.

Trước hết phải học ngay quốc ngữ,
Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau.
Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài.
Sẵn cơ sở để khai dân trí…

Chữ quốc ngữ,
Chữ nước ta,
Con cái nhà
Đều phải học.

Đông Kinh nghĩa thục đã chính thức trước bạ chữ quốc ngữ vào đời sống của dân tộc Việt Nam, vào văn học dân tộc Việt Nam.

Thế là chữ cái latin vốn là thứ các nhà truyền giáo Pháp và phương Tây dùng để ghi âm tiếng Việt, lúc đầu tồn tại trong nhà thờ Thiên chúa giáo, dần dần lan ra trên báo chí, văn chương và trong cuộc sống - xã hội từ những năm cuối thế kỷ XIX, đến Đông Kinh nghĩa thục, hệ thống chữ cái latin đó được coi là văn tự Việt Nam - chữ quốc ngữ, hệ thống ký hiệu ghi âm tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam. Với sự trợ giúp đắc lực của tiếng mẹ đẻ được ký tự bằng chữ quốc ngữ, Đông Kinh nghĩa thục trở thành một phong trào duy tân và yêu nước rộng sâu, "khuấy động cả rất nhiều vùng nông thôn hẻo lánh chưa có mầm mống gì của kinh tế và xã hội tư sản" [3] , khiến thực dân Pháp sợ hãi, phải đóng cửa trường này.


4. Thực thi sách lược "lỗ thoát hơi cần thiết" (soupape nécessaire) về mặt văn hoá, văn học, chính phủ thực dân Pháp ở nước Việt Nam thuộc địa - nửa phong kiến cho những viên chức văn hoá, văn học của mình cổ xuý một thứ "chủ nghĩa quốc gia về ngôn ngữ, về văn hoá". Điều này rất đậm nét trên Đông dương tạp chí, đặc biệt đậm nét trên Nam phong tạp chí [4] .

"Vấn đề quan trọng bậc nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ" [5] , "chữ quốc ngữ ấy chính là cái bè từ để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy" [6] , hoặc "[…] tiếng nói còn, nước không thể mất được, tiếng nói đã mất, nước cũng khó lòng còn" [7] . Rồi, trong phong trào sùng bái Truyện Kiều, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam phong tạp chí lớn tiếng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn." Trước đó, cũng chính trên Nam phong tạp chí xuất hiện những lời nhấn vào lòng tham danh vọng và sự mệt mỏi, chán nản, khiếp nhược của con người trước những thất bại liên tiếp của các phong trào yêu nước: "Các nước Âu Mỹ trọng các nhà văn sĩ hơn các bậc đế vương vì cái công nghiệp tinh thần còn có giá trị quý báu và ảnh hưởng sâu xa hơn là những sự nghiệp nhất thời về đường chính trị" [8] .

Những lời như vậy đánh trúng tâm lý và vừa tầm với đông đảo những trí thức, thanh niên thời bấy giờ [9] .

Ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam phong tạp chí lại hô hào: "Tôi tin rằng hậu vận nước Nam ta hay hay dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ […] Tôi quyết rằng vận mệnh chữ quốc ngữ với vận mệnh tiếng An nam ta từ nay là liền hẳn với nhau" [10] .

Những lời này nhận được sự đồng tình của Nguyễn Văn Vĩnh, thì chẳng có gì lạ, vì từ 1907, khi đề tựa cuốn sách dịch của Phan Kế Bính Tam quốc chí, ông đã viết: "Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng nhờ ở chữ quốc ngữ"; nhận được sự đồng tình của cả nhà cựu học, nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng…

Đông Kinh nghĩa thục đã dọn đường cho vấn đề chữ quốc ngữ và văn chương quốc ngữ. Những viên chức văn hoá của chính quyền Pháp ở Việt Nam hướng thanh niên, trí thức đi trên con đường đó, nhưng bẻ theo hướng khác mà ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam phong tạp chí gọi là chủ nghĩa quốc gia về ngôn ngữ, về văn hoá". Lúc bấy giờ nhiều người đã chống lại cái "chủ nghĩa quốc gia" đó, song vì nó đánh trúng tâm lý và vừa tầm với đa số thanh niên, trí thức đương thời, nên có sức lan rộng, thấm sâu đáng kể. Những lời sau đây trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân: "Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỏ như cô phụ trên bến Tầm Dương, vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di dịch. Ngày nay, lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hoè phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó, ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác: một lòng tin đầy đủ.

Đó, cái bi kịch đương diễn ra ngấm ngầm, dưới những phù hiệu dễ dãi, trong hồn người thanh niên. Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng.

Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nẩy mầm hy vọng.

Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam phong: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn."

Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai… [11] cho thấy rõ điều này.

Như vậy, chính phủ thực dân Pháp ở nước ta lúc bấy giờ "bật đèn xanh" cho những viên chức văn hoá của mình cổ xúy việc xây dựng một nền văn chương Việt Nam bằng tiếng Việt, ký tự bằng chữ quốc ngữ. Công việc như thế phù hợp với thái độ của những viên chức văn hoá ấy, ở họ sự chấp nhận "le fait colonial" là hành động bất khả kháng và… thiết thực. [12]

Những viên chức văn hoá nói trên không được chính phủ Pháp ở thuộc địa cho phép cổ xúy trí thức Việt Nam lúc đó viết văn bằng tiếng Pháp: nếu cổ xúy việc viết văn bằng tiếng Pháp thì không có lợi cho sách lược "lỗ thoát hơi cần thiết" (soupape néceessaire); hơn nữa, và điều này mới có tính chất quyết định, không phải ngẫu nhiên, ngay ở góc phải của tờ bìa Nam phong tạp chí in câu nói của tổng thống Mỹ Roosevelt, nhưng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp: "Có đồng đẳng mới bình đẳng được." "Il n'y a que ceux qui sont des égaux qui sont égaux." Đó là sự "tế nhị" kiểu Pháp. Song độc giả Việt Nam đương thời đọc dòng chữ trên và hiểu rằng: trong đầu óc của những tên thực dân không có chỗ cho "sự đồng đẳng" giữa trí thức Việt và trí thức Pháp, giữa Việt Nam và Pháp. Đến lượt mình, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam phong tạp chí hiểu sâu sắc điều đó hơn ai hết: "Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận [...], không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác [...]". (Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932), Nhà xuất bản Tri thức & Trung tâm văn hoá Đông Tây ấn hành, 2007).


5. Một trong những hệ quả của việc áp đặt nói trên là trong thời Pháp thuộc, chất lượng nền giáo dục ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với chất lượng nền giáo dục ở Pháp. Trong nền giáo dục ở thuộc địa, đại bộ phận trí thức Tây học có trình độ học vấn cao đẳng tiểu học (enseignement primaire supérieur), số ít hơn có trình độ học vấn tú tài bản xứ (baccalauréat local) hoặc tú tài tây (baccalauréat métropolitain), thậm chí có nhà nghệ sĩ ngôn từ chỉ có trình độ học vấn tiểu học (enseignement primaire) hoặc sơ học (enseignement élémentaire).


6. Rất ít những trí thức Tây học sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp; phần lớn trong số rất ít này từng du học hoặc sống ở Pháp.

Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), đỗ tiến sĩ văn chương và tiến sĩ luật ở Pháp, nhưng mãi đến năm 1978 mới viết cuốn Une princesse née dans une chaumière (Nàng công chúa sinh ra trong túp lều tranh, chưa xuất bản), trong chuyến sang Pháp 1989-1990, cho in hồi ký Un Excommunié (Một người bị rút phép thông công).

Phạm Duy Khiêm, đỗ Ecole Normale Supérieure (Trường Cao đẳng Sư phạm) ở Pháp và là người Việt Nam đầu tiên lấy bằng thạc sĩ Pháp, đã viết những tác phẩm De Hanoï à Courtine (Từ Hà Nội đến Courtine), De Courtine à Vichy (Từ Courtine đến Vichy), Mélanges (Tạp văn), Légendes des terres sereines (Huyền truyện của những miền thanh lãng), La jeune femme de Nam Xương (Thiếu phụ Nam Xương), Nam et Sylvie (Nam và Sylvie), Ma mère (Mẹ tôi).

Phạm Văn Ký (1910-1992), viết văn xuôi và thơ bằng tiếng Pháp: Perdre la demeure (Mất nơi ăn ở, tiểu thuyết), Le défi vietnamien (Việt Nam thách thức, tập bút ký), Celui qui régnera (Người sẽ ngự trị, tiểu thuyết), Mémoire d'un eunuque (Hồi ký của một hoạn quan), Fleurs de jade (Hoa ngọc, tập thơ).

Cung Giũ Nguyên (1909), viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp: Le Fils de la Baleine (đã được Der Sohn das Walfischs dịch ra tiếng Việt với tựa đề Người con của Cá ông hay Kẻ thừa tự Ông Nam Hải, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999), Le domaine maudit (Đất dữ, Nxb. Fayard, Paris, 1961).

Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976), tác giả của những tác phẩm: Pages francaises (Những đoản văn Pháp, Nxb. Tân dân thư quán, Hà Nội, 1929); Indochine la douce (Đông Dương êm dịu, Nxb. Nam ký, Hà Nội, 1936); Mariage de la plume et du pinceau (Kết hợp bút văn và bút vẽ, Hà Nội, 1936); Les chansons annamites (Ca dao Annam, Hà Nội, 1937); Pétrus Trương Vĩnh Ký, lettré et apôtre franco-annamite (Pétrus Trương Vĩnh Ký, học giả và sứ đồ Pháp-Annam, Nxb. Bùi Huy Tín, Huế, 1937); Dans les forêts et dans les rizières (Trong rừng và trên ruộng, Nxb. Hương sơn, Hà Nội, 1939); La France que j'ai vue (Nước Pháp dưới mắt tôi, Nxb. Đắc lập, Huế, 1940); Les chemins de la révolte (Những nẻo đường nổi dậy, Nxb. Amiot Dumont, Paris, 1953); La colline des abricotiers (Mai lĩnh, Nxb. Rừng trúc - Présence de Asie, Paris, 1979); Euridyce (Tình xưa, Nxb. Đông Tây - Dương tự quán, Hà Nội, 1932; năm 1939 in lại trong Dans les forêts et dans les rizières).

Đặng Thai Mai (1902-1984) viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp, in trên các báo ở Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Phạm Quỳnh (1892-1945) viết nhiều tiểu luận bằng tiếng Pháp, được in năm 2007; Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hoá Đông Tây tổ chức dịch và ấn hành với nhan đề Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932), 2007.

Những sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp nói trên là một hiện tượng không liên tục, là một hiện tượng nhất thời, mặc dù trong số những người sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp, có người, như Phạm Duy Khiêm, ý thức rằng chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ văn chương nhằm "tạo ra uy danh cho Việt Nam trên thế giới".

Lại có những nhà văn, như Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), có khả năng viết văn bằng tiếng Pháp, nhưng suốt đời chỉ sáng tác văn chương bằng tiếng Việt.

Xây dựng nền văn học hiện đại Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ, ký tự bằng chữ quốc ngữ, là một áp lực lịch sử vô cùng mạnh mẽ.

Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1920 viết văn chính luận, truyện ngắn, ký và tiểu phẩm báo chí bằng tiếng Pháp, in trên các báo ở Paris. Những văn phẩm này của Nguyễn Ái Quốc theo các chuyến tàu từ Pháp về Việt Nam, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, và đến với các nước thuộc địa và phụ thuộc khác của chủ nghĩa thực dân. Những sáng tác văn chương ấy của Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho sự hiện đại hoá văn học Việt Nam theo hình ảnh của giai cấp vô sản và chắc chắn đã góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở các nước từng là thuộc địa và phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Viết văn bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc hướng sự tuyên truyền, vận động và tổ chức cách mạng vào quần chúng nhân dân đông đảo, nhưng thông qua cái cầu nối là những trí thức biết tiếng Pháp, thích văn học Pháp và tiếng Pháp trong sáng, tinh tế. Đó là chỗ khác biệt căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc và những người kể trên khi sử dụng tiếng Pháp để sáng tác văn chương.

Như thế, ở Việt Nam, việc viết văn bằng tiếng Pháp, dù với mục đích khác nhau, chỉ là một hiện tượng nhất thời, một hiện tượng có tính chất tình huống, không tạo ra được một dòng văn chương bằng tiếng Pháp bên cạnh dòng văn chương bằng tiếng Việt trong con sông văn học Việt Nam thế kỷ XX; trong con sông ấy không hiện hữu dòng văn học francophone.

© 2008 talawas



[1]Xem Trần Đình Sử, “Về bản sắc dân tộc trong văn học Việt Nam và con đường của thơ” trên Tạp chí Văn học số 11/1994.
[2]Dẫn theo Phạm Xuân Thạch, “Mối quan hệ giữa giáo dục và những nhu cầu phát triển văn chương đương đại: một kinh nghiệm của nền giáo dục Pháp - Việt giai đoạn 1900-1930” trong Hội thảo quốc tế: văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hoá khu vực và quốc tế (chưa xuất bản) do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội ngày 3 và 4 tháng 11/2006, tr. 129.
[3]Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam 1900-1930, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr. 89.
[4]Trả lời phỏng vấn của Đào Hùng, Phạm Quỳnh nói: “Sở dĩ tôi nhận mở Nam phong là vì chính phủ [Pháp ở Đông Dương] tự lòng cho phép, không phải tôi yêu cầu” (báo Phụ nữ tân văn, ngày 18/6/1931).
[5]Phạm Quỳnh, “Văn quốc ngữ”, trên Nam phong tạp chí số 2, 8/1917.
[6]Phạm Quỳnh, “Văn quốc ngữ”, trên Nam phong tạp chí số 2, 8/1917.
[7]Phạm Quỳnh, “Chữ Pháp có dùng làm quốc văn Annam được không?”, trên Nam phong tạp chí số 22, 4/1919.
[8]Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều”, trên Nam phong tạp chí số 30, 12/1919.
[9]Xem những ý kiến của Hải Lượng (trên Văn học tạp chí, 15/10/1931), Trương Lập Tạo (trên Đuốc nhà Nam, 9/4/1932), Phan Khôi (trên Phụ nữ tân văn, 4/8/1932), Đông Hồ (trên Phụ nữ tân văn, 14/7/1932), Thuần Đức (trên Phụ nữ tân văn, 4/8/1932), Nguyễn Thị Chính (trên Phụ nữ tân văn, 4/8/1932), Bùi Thế Mỹ (trên Phụ nữ tân văn, 25/8/1932), Nguyễn Thượng Cát (trên Annam tạp chí, 1/9/1932), Bùi Quang Chiêu (trên Thực nghiệp dân báo, 23/7/1925), Dương Quảng Hàm (trên Nam phong tạp chí số 22, 4/1919), Lê Thăng (trên Nam phong tạp chí số 160, 3/1931), Nguyễn Đôn Phục (trên Nam phong tạp chí số 126, 2/1928 và số 195, 5/1934), Nguyễn Văn Kiêm (trên Nam phong tạp chí số 149, 4/1930), Hoài Thanh và Hoài Chân (trong sách Thi nhân Việt Nam, 1942), v.v...
[10]Phạm Quỳnh, “Khảo về quốc ngữ”, trên Nam phong tạp chí số 122, 10/1927.
[11]Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học tái bản, Hà Nội, 1988, tr. 46.
[12]“Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. [Việt Nam đã mất vào tay Pháp. Hiệp ước bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam đã được ký rồi. Hai sự kiện này cũng đã nằm im trong lịch sử]. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hy vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm” (Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932), Nxb. Tri thức & Trung tâm Văn hoá Đông Tây ấn hành, 2007).