trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtÂm nhạc
1.4.2008
Bùi Văn Phú
Trịnh Công Sơn qua cái nhìn của một chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà
 1   2 
 
Trịnh Công Sơn mất ngày 01.4.2001. Mấy trăm người đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa trang Gò Dưa, Bình Dương. Khi những cành hoa, nắm đất được ném xuống mộ phần, đoàn người tiễn ông vào lòng đất mẹ đã cất tiếng đồng ca:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
để một mai vươn hình hài lớn dậy

ôi cát bụi phận này
vết mực nào xoá bỏ không hay

Từ đó, mỗi năm đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn trong và ngoài nước đều có sinh hoạt tưởng niệm.

Trước đây những sinh hoạt này diễn ra tốt đẹp. Năm nay có nhiều thông tin phổ biến kêu gọi biểu tình phản đối và tẩy chay những chương trình như thế.

Chương trình “Phúc âm buồn” với nhạc Trịnh Công Sơn ở San Jose

Ở Texas ngày 23.3 đã có chương trình “Như cánh vạc bay” do Đài phát thanh V.O.V.N. - Tiếng nói Việt Nam tại Houston (1110 AM) tổ chức với 1.400 khán giả đến nghe Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Trần Thu Hà, Quang Tuấn hát nhạc Trịnh, dù nhiều hội đoàn cựu quân nhân người Việt đã ra thông báo phản đối.

Nam California có nhóm The Friends đã mấy lần tổ chức văn nghệ giỗ Trịnh Công Sơn ở hai miền nam bắc California với những tiếng hát gắn liền với nhạc Trịnh là Khánh Ly, Cẩm Vân cùng những giọng ca trẻ sau này. Năm nay nhóm thực hiện chương trình “Đoá hoa vô thường” vào tối ngày 29.3 ở Thành phố Garden Grove, Nam California. Hơn trăm người đã biểu tình trước cửa thính đường.

Tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tối ngày 1.4 dự định cũng có một chương trình do Nhóm Hướng Dương thực hiện với chủ đề: “Ngồi lại với nhau: Trịnh Công Sơn và tây ban cầm” với tiếng đàn Nguyễn Xuân Thao. Tuy nhiên ban tổ chức vừa ra thông báo rời chương trình đến một thời điểm khác chưa định.


Những tiếng nói phản đối việc tổ chức trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn

Một thông báo phổ biến ngày 21.3.2008 của Cộng đồng Việt Nam - Nam California và Ủy ban Bảo vệ & Phát huy Chánh nghĩa Quốc gia kêu gọi đồng hương tham gia biểu tình: “là một sự phản kháng mạnh mẽ của tập thể người Việt tị nạn cộng sản đối với những âm mưu vinh danh Trịnh Công Sơn, một tên cộng sản nằm vùng tiếp tay với cộng sản Hà Nội và phản bội công cuộc tranh đấu của đồng bào miền Nam Việt Nam”.

Bản thông báo nhấn mạnh: “Trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn là tiếp tay thực thi Nghị quyết 36 của cộng sản Việt Nam trong mặt trận giao lưu văn hóa một chiều, phản lại anh linh của hằng trăm ngàn dân quân cán chính đã hy sinh để bảo vệ miền Nam Việt Nam và đồng bào bỏ mình trên biển cả trên đường tìm tự do, là nhắc lại những uất hận trong các trại tù cải tạo và những đau thương triền miên của dân tộc Việt Nam đến ngày hôm nay dưới sự thống trị của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Từ Houston, bang Texas, ngày 22.03 Tổng hội cựu Chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hoà trong một thông báo đã đưa ra những nhận định sau:
  • Trịnh Công Sơn là văn nô của cộng sản Việt Nam;
  • Trịnh Công Sơn đã cộng tác và được chế độ cộng sản Việt Nam ưu đãi;
  • Trình diễn ca nhạc Trịnh Công Sơn là tiếp tay cho Nghị quyết 36 của cộng sản Việt Nam dưới chiêu bài tuyên vận, ru ngủ tinh thần đấu tranh của Cộng đồng Người Việt Quốc gia tị nạn cộng sản tại hải ngoại.
Cũng từ bang Texas, tuyên cáo của Ủy ban Phát huy Chính nghĩa Quốc gia vùng Dallas có những nhận xét như sau về nhạc sĩ họ Trịnh:
  • Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trịnh Công Sơn công khai lên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi các nghệ sĩ ca nhạc hát bài "Nối vòng tay lớn" để mừng chiến thắng của cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam.
  • Sau năm 1975, Trịnh Công Sơn đã được chính quyền cộng sản Việt Nam đề cao, nâng đỡ, cung cấp nhà cửa và cho xuất ngoại qua Nga Sô, viết nhạc "Ánh sáng Mạc Tư Khoa" để ca ngợi Lenin và xã hội chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
  • Trịnh Công Sơn công khai viết trên tờ Sài Gòn Giải phóng tiết lộ đã vào mật khu Việt cộng để tiếp xúc công tác với Mặt trận Giải phóng miền Nam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

*


Đã có nhiều bài viết, nhưng con người chính trị của Trịnh Công Sơn vẫn khó hiểu và gây tranh cãi
Tôi đã viết nhiều bài về nhạc Trịnh Công Sơn, mà tôi gọi là những bài hát cho hoà bình Việt Nam. Một số độc giả gửi thư phản bác với luận cứ như những thông báo, tuyên cáo dẫn trên, ngoại trừ việc nhắc đến Nghị quyết 36 vì thời điểm 15, 20 năm trước chưa có nghị quyết này.

Tôi không bênh vực cho Trịnh Công Sơn là cộng sản hay không cộng sản, nhất là vào thời điểm trước năm 1975 khi tôi chưa đến tuổi đôi mươi, không biết nhiều về chính sách trí vận hay văn hoá vận của những bên can dự trong cuộc chiến tranh trên quê hương mình.

Sự xuất hiện của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trong giai đoạn của cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã được giới truyền thông nước ngoài ví như đôi danh ca Bob Dylan và Joan Baez ở Mỹ với những ca khúc kêu gọi chấm dứt chiến tranh làm rung động bao triệu trái tim người Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên, là những người sẽ phải đối diện với chiến tranh, với cái chết hơn ai hết. Tôi cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác mê nhạc Trịnh, thuộc nhạc Trịnh vì lời ca ông viết ra là những con chữ đã xoáy xoay vào tâm thức tuổi trẻ chúng tôi trong giai đoạn đất nước có nhiều nghịch lí. Nhạc Trịnh đến với chúng tôi nhờ vào những phương tiện truyền thông đại chúng, từ sân trường học, trong quán cà phê và nhất là nhờ có một chính sách văn hoá thông tin không bị kiểm duyệt khắt khe ở miền Nam Việt Nam vào thời bấy giờ.

Theo tôi nghĩ, nếu Trịnh Công Sơn có quan hệ và hoạt động cho cộng sản thì cũng đã bị bắt giam như Huỳnh Tấn Mẫm, Ngô Kha, như Dương Văn Đầy, Nguyễn Công Khế hay phải vào bưng biền như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo. Ngược lại, dù trốn lính, Trịnh Công Sơn đã được nhiều quan chức trong giới lãnh đạo miền Nam che chở, như đại tá không quân Lưu Kim Cương, mà khi ông tử trận trong một cuộc giao tranh vào tháng 5 năm Mậu Thân ở vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, Trịnh Công Sơn đã viết lên những lời ca bất tử:

Anh nằm xuống
sau một lần đã đến đây
đã vui chơi trong cuộc đời nầy
đã bay cao trong vòm trời đầy
rồi nằm xuống

không bạn bè không có ai
không có ai từng ngày

không có ai đời đời
ru anh ngủ vùi mùa mưa tới

trong nghĩa trang này có loài chim thôi

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
đất ôm anh đưa vào cội nguồn
rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
nơi đây một lần nhìn anh đến

những xót xa đành nói cùng hư không

Bạn bè còn đó anh biết không anh
người tình còn đây anh nhớ không anh
vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.

Vùng trời nào đó anh đã bay qua
chỉ còn lại đây những sáng bao la
người tình rồi quên, bạn bè rồi xa
ôi tháng năm những dấu chân người cũng bụi mờ

Anh nằm xuống

như một lần vào viễn du
đứa con xưa đã tìm về nhà
đất hoang vu khép lại hẹn hò
người thành phố

trong một ngày đã nhắc tên
những sớm mai lửa đạn
những máu xương chập chùng
xin cho một người vừa nằm xuống
thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang.


Năm ngoái, phim Đất khổ, thực hiện năm 1973 dưới thời Việt Nam Cộng hoà đã được phát hành, trong đó Trịnh Công Sơn diễn vai chính là một nhạc sĩ, Trịnh Quân, phản ánh khá thực con người của ông về hoàn cảnh sống và những sáng tác cho hoà bình Việt Nam: “Tôi sẽ đi thăm”, cho những goá phụ của cuộc chiến: “Em đi qua chiều” và mong ước xây dựng quê hương đổ nát sau chiến tranh: “Dựng lại người, dựng lại nhà”. Trong phim, người nhạc sĩ họ Trịnh còn là một con người Việt Nam có tình thân ái và lòng quí mến người Mỹ, dù là một anh Mỹ lính đào ngũ sa cơ thất thế. Nếu Trịnh Công Sơn là con người cộng sản, ông đã không nhận đóng phim này. Sau này Trịnh Công Sơn có những cơ hội đến Mỹ nói chuyện âm nhạc nhưng ông không đi, ngay cả khi gần cuối đời có nhiều người quí mến muốn đưa ông đến Hoa Kỳ chữa bệnh, nhưng ông một mực từ chối. Tại sao thế?

Đã có nhiều bài viết về con người chính trị của Trịnh Công Sơn, nhưng tựu chung vẫn còn là những điều khó hiểu.

Bà Đặng Tuyết Mai, nguyên là phu nhân của cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Cao Kỳ, vài năm trước đã phát biểu là Trịnh Công Sơn không theo cộng sản.

Mới đây, trong hồi kí nhan đề N. D.B. [1] , ông Nguyễn Mâu, cựu đại tá cảnh sát, là cấp chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà từ 1968 đến 1972, có đưa ra những sự việc nhưng không dẫn đến kết luận vững vàng cho thấy Trịnh Công Sơn có hay không hoạt động cho cộng sản.

Ông Mâu kể chuyện vào năm 1969 Trịnh Công Sơn bị một đơn vị cảnh sát bắt giao cho Ngành Đặc biệt và chính ông đã nói chuyện với Trịnh Công Sơn. Qua buổi nói chuyện đầu tiên, ông Mâu có cảm tưởng Sơn không phải là người cộng sản. Khi hỏi thẳng Sơn có hoạt động trí vận, có viết nhạc theo chỉ thị, có hoạt động cho hội văn nghệ sĩ yêu nước, thì câu trả lời của Sơn là không.

Ông kể cho Sơn nghe về những tài liệu ông có được cho thấy chính Bộ Chính trị miền Bắc mới lo sợ bộ đội cộng sản nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và chính phía chính quyền miền Nam đã cho phát thanh những bài nhạc này, với tiếng hát Khánh Ly, từ máy bay xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh để cho bộ đội nghe, cụ thể là bài “Gia tài của Mẹ”. Kể xong ông Mâu hỏi Sơn nghĩ sao về chuyện này? Người nhạc sĩ không trả lời, nhưng trên nét mặt “sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ anh giả vờ vui để tỏ ý chống cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gắm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm”. (N. D.B. tr. 222)

Tác giả Nguyễn Mâu ghi lại lời Trịnh Công Sơn nói với ông:

“Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu hồi, nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài ‘Lại cần với nhau’ với lời nhạc ‘… đừng bỏ tôi… đừng bỏ tôi… đi hai mươi năm qua… còn gì cho anh… còn gì cho tôi… không còn gì… không còn gì… còn lại chiến tranh… hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên…’ Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi… mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đầy thống khổ như bài ‘Nối vòng tay lớn’ với câu kết luận ‘Vượt thác cheo leo… hay ta vượt đèo… từ quê nghèo lên phố lớn… nắm tay nối liền biển xanh sông gấm… nối vòng tay lớn…’ Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ trưởng Chiêu hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lĩnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia”. (sđd, tr. 223)

Tiếp xúc trực tiếp nhiều lần với Trịnh Công Sơn, tác giả Nguyễn Mâu có nhận xét: “Anh Sơn rất vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo cộng sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận cộng sản”. (sđd, tr. 224)

Theo tác giả, người nhạc sĩ này “là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy”. (sđd, tr. 215)

Rồi ông Mâu nhắc đến Nguyễn Thanh Ty là tác giả của tập sách Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn là một người gần gũi với Sơn ở trường sư phạm Qui Nhơn. Ông Ty nhận xét trong những năm chung sống với nhau không có dấu chỉ nào cho thấy Trịnh Công Sơn là Việt cộng. Nhưng những liên lạc, gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong giai đoạn này, 1965-1969, còn là một dấu hỏi lớn và có thể đó là những thất bại của tình báo Việt Nam Cộng hoà mà ông Nguyễn Mâu có một phần trách nhiệm.

Tác giả Nguyễn Mâu đã tỏ ra ngạc nhiên khi nghe bài ca “Nối vòng tay lớn” đã được những “bọn chạy hiệu Ba mươi tháng Tư” diễn giải theo một nghĩa khác, không như ý của Trịnh Công Sơn trước đó ít năm.

*


Năm 1979, trước sự việc hằng trăm ngàn người Việt phải đi tù cải tạo sau chiến tranh, ca sĩ Joan Baez cùng với một trăm người khác đã kí tên trong một thư ngỏ, đăng trên các báo lớn ở Mỹ vào tháng 5.1979, kêu gọi Hà Nội tôn trọng nhân quyền. Khi đó phản ứng từ phía Việt Nam đưa ra những bài viết của Nguyễn Khắc Viện (“A Letter to Some American Friends”, Vietnam Courier, 7.79) và Lưu Quý Kỳ (“Ai đạo diễn cho nữ nghệ sĩ Gio-an Ba-ye”, Đại Đoàn Kết, 7.7.1979) để phản bác ca sĩ Baez đã thay đổi lập trường, phản bội lại nhân dân Việt Nam và việc làm của bà đang bị CIA lợi dụng. Trên báo của Việt kiều yêu nước xuất bản ở Canada, Trịnh Công Sơn cũng đã lên tiếng về bức thư ngỏ của Joan Baez như là một việc làm “tiếp tay cho tư bản thọc sâu lưỡi dao vào vết thương của dân tộc Việt Nam chưa được hàn gắn” (Đất Việt, 14.10.1979). Đó cũng là thời gian Trịnh Công Sơn ở Huế và sinh hoạt trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Ngày đó tôi có đặt dấu hỏi rằng tại sao một nhạc sĩ tài ba, rất bén nhậy trước nỗi đau, trước những chia lìa của con người đã viết nhiều ca khúc nói lên nỗi thống khổ của quê hương, vậy mà sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất mà con người Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục kinh qua đau khổ, mất mát nhưng ông lại không viết lên được một lời ca nào. Chuyện học tập cải tạo, chuyện vượt biên, vượt biển, những cái chết vì bom mìn mà thanh niên Việt phải tiếp tục hi sinh để làm nghĩa vụ quốc tế ở đất nước láng giềng không làm rung động được con tim của ông như thời chiến tranh nữa sao?

Đầu thập niên 1980, một tình ca mới của Trịnh Công Sơn được truyền ra hải ngoại, bài “Em còn nhớ hay em đã quên” nhưng dưới bút danh Hồng Ngọc. Bài nhạc có sức thu hút ngay vì ai xa quê hương mà lòng không day dứt nhớ về chốn cũ.

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh

Em còn nhớ hay em đã quên
bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
có hai mùa vẫn đi về
có con đường nằm nghe nắng mưa

Em ra đi nơi này vẫn thế
lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
vườn xưa vẫn có tiếng Mẹ ru
có tiếng em thơ
có chút nắng trong tiếng gà trưa

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ đường dài qua cầu lại nối
nhớ những con kênh nối hai dòng sông
nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng
nỗi xôn xao hàng quán đêm đêm

Em còn nhớ hay em đã quên
trong lòng phố mưa đêm trói chân
dưới hiên nhà nước dâng tràn
phố bỗng là dòng sông uốn quanh

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn những chiều ngợp gió
lá hát như mưa suốt con đường đi
có mặt đường vàng hoa như gấm
có không gian màu áo bay lên

Em còn nhớ hay em đã quên
khi chiều xuống bên sông nước lên
én nô đùa giữa phố nhà
có nắng vàng lạc trên lối đi

Em ra đi nơi này vẫn thế
vẫn có em trong tim của mẹ
thành phố vẫn có những ước mơ
vẫn sống thiết tha
vẫn lấp lánh hoa trên đường đi

Em còn nhớ hay em đã quên
nhớ Sài Gòn những chiều gặp gỡ
nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
phố em qua gạch ngói quen tên

Em còn nhớ hay em đã quên
quê nhà đó bao năm có em
có bóng dừa có câu hò
có con đò chở mưa nắng đi


Sau đó là bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
chọn những bông hoa và những nụ cười
tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
để mắt em cười tựa lá bay

Mỗi ngày tôi chọn đường mình đi
đường đến anh em đường đến bạn bè
tôi đợi em về bàn chân quen quá
thảm lá me vàng lại bước qua

Và như thế tôi sống vui từng ngày
và như thế tôi đến trong cuộc đời
đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
cùng với anh em tìm đến mọi người
tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
để thấy tiếng cười rộn rã bay

Mỗi ngày tôi chọn một lần thôi
chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Và như thế tôi sống vui từng ngày
và như thế tôi đến trong cuộc đời
đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi

Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
vì đất nước cần một trái tim


*


Trong di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, ca từ trong bài “Gia tài của Mẹ” có lẽ vẫn còn tiếp tục làm rung động con tim người Việt với hệ lụy chiến tranh và tương lai đất nước.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căn
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.


Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
Một trăm năm đô hộ giậc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn

Dậy cho con tiếng nói thật thà
Mẹ mong con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa

Mẹ mong con mau bước về nhà
Mẹ mong con lũ con đường xa
Ôi lũ con cùng cha quên hận thù

Lời ca này và nhiều ca khúc khác có trong một viết “Cuộc hành trình làm người Việt Nam qua Trịnh Công Sơn” của Thế Uyên in trong tập đoản văn Đoạn đường chiến binh (tr. 101-117) xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, trong nước đăng lại bài này trong tuyển tập “Trịnh Công Sơn: cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng” (tr. 193-200) nhưng cắt bỏ những câu đầu của bài hát, chỉ giữ 6 câu cuối, vì lãnh đạo Việt Nam không chấp nhận cuộc chiến đã qua là nội chiến, như Trịnh Công Sơn đã nhìn thế.

Nhiều đoạn văn của Thế Uyên nhắc đến sự can dự cuả ngoại bang Nga-Mỹ-Tầu và bản chất phi lí của cuộc chiến cùng một số ca từ khác của Trịnh Công Sơn trong bản gốc cũng đã bị cắt bỏ, như “Ngày dài trên quê hương”, “Tình ca người mất trí”.

*


Bàn về con người chính trị của Trịnh Công Sơn là một đề tài gây nhiều tranh cãi.

Bìa băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam 2 trên báo xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975
Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra nhận xét là nếu Trịnh Công Sơn không sống ở miền Nam thì những “Kinh Việt Nam”, “Ca khúc da vàng”, “Ta phải thấy mặt trời”, “Thần thoại quê hương – tình yêu và thân phận” và những băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam với tiếng hát Khánh Ly đã không được ra đời và tài năng của Trịnh Công Sơn nếu rơi vào chế độ miền Bắc thì cũng chung số phận như Văn Cao, như Trần Dần.

Trong những năm cuối đời, Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Tiến thoái lưỡng nan” mà theo nhiều người thân với ông kể lại đó là phản ánh đúng con người chính trị của Trịnh Công Sơn nhất, là phải chịu đau thương giữa hai lằn đạn.

Gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại, nhất là những bài ca cho hoà bình Việt Nam là những ca khúc đã làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn, chứ không phải những tình ca, đáng lí ra phải được tiếp tục hát lên, tiếp tục vinh danh vì nhờ có một xã hội tương đối tự do và có nhân bản mà những ca từ đó đã được khai sinh.

Ngày nay trong nước vẫn còn cấm phổ biến nhiều ca khúc vì hoà bình, trong khi hải ngoại phản đối tổ chức hát nhạc Trịnh, cả hai việc đều không thể hiện lí tưởng tự do nhân bản mà con người Việt Nam đã hằng ấp ủ và theo đuổi.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas


[1]Nguyễn Mâu, N. D.B. Ngành đặc biệt (Special Branch) Tập I, tác giả tự xuất bản, San Jose 2007