trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
22.4.2008
Lê Huy Oanh
Hồi chuông báo tử
Tập truyện
 1   2   3 
 
Con chim họa mi

Gian phòng đầy vẻ ấp áp thân mật dưới những ánh đèn mờ ảo. Tân khách khá đông, có đến ba bốn chục người đủ hạng tuổi. Ban nhạc bắt đầu tung ra một bản nhạc kích động. Từng cặp, từng cặp dẫn nhau ra sân đưa những đường Be-bop. Những bước chân chuyển rào rào, những cánh tay hất lên cao và thân thể mềm mại của những kiều nữ quay nhanh thoăn thoắt. Rồi nhạc đột ngột chuyển sang boston. Ave Maria. Tất cả mọ cử động bất thần chậm hẳn lại. Đào kép xáp vào nhau, ôm lấy nhau, dạo những bước nhịp nhàng. Cái vẻ vui nhộn của Be-bop biến thành vẻ thân mật của boston. Người ta đi chơi tung tăng trong Be-bop, người ta gặp nhau trong boston rồi người ta tỏ tình trong boléro. Một chuyến bay đêm. Boléro. Ba bước, nghỉ một nhịp rồi tiếp tục ba bước khác. Chỉ có thế thôi nhưng đó quả là ba bước huyền diệu, ba bước phù thủy, ba bước thuốc mê, cháo lú, ba bước bắc cầu để trai và gái truyền cho nhau những rung động của da thịt, những tiếng đập của trái tim, những nhịp tiết của mạch máu, những xao xuyến của tâm hồn. Boléro.

Trâm và một cô bạn nữa đến khá trễ. Thân hình nàng uyển chuyển mơ hồ trong chiếc áo dài trắng hai vạt có thổi màu nhạt ở trên và càng xuống càng thẫm hơn. Thịnh đang ngồi một mình hút thuốc lá, đôi mắt lơ mơ lạnh lẽo hướng vào những cặp trai gái đang ôm nhau nhún nhẩy. Trâm ngồi phía bên kia gần như đối diện với chàng. Nhà thi sĩ bừng tỉnh khỏi cơn mộng. Mắt chàng dần dần sáng lên. Thiếu nữ ngồi đó gần giống với người đàn bà lý tưởng trong những giấc mơ của chàng. Hình như Trâm không biết nhảy nên nàng ngồi thu mình vào và Thịnh thấy có tới hai lần nàng ngẩng đầu lên vừa tươi cười vừa bẽn lẽn từ chối những người mời nàng nhảy. Đàn bà tinh lắm. Chỉ sau mấy phút, Trâm đã biết có một gã đưng âm thầm say mê ngó mình. Thỉnh thoảng, nàng đưa mắt rất nhanh nhìn Thịnh. Nàng có vẻ hài lòng, nói cho đúng hơn, có vẻ không ngầm phản đối gã thanh niên đang nhìn nàng đắm say đến thế. Vẻ mặt gã lạnh lẽo nhưng chỉ là cái vẻ lạnh lẽo bề ngoài một hỏa diệm sơn khi chưa phun lửa. Thịnh cũng nhận thấy thiện cảm của Trâm. Có lẽ nàng không biết nhảy, nhưng vẻ thiện cảm ấy khiến Thịnh hy vọng một cách mơ hồ là chàng sẽ có thể dìu nàng ra piste. Hai người vẫn để ý tới nhau. Trâm vui vẻ. Nàng nói chuyện huyên thuyên với cô bạn, và trong cử chỉ của nàng có một vẻ gì như là hơi mất bình tĩnh. Còn Thịnh kiên nhẫn chờ đợi. Cho tới lúc ban nhạc chơi một bài slow, rất chậm, rất êm, rất mơn trớn. Thịnh dụi điếu thuốc lá, thong thả đứng dậy. Nhạc slow. Tim chàng đập thình thịch. Chàng cố trấn tĩnh lại, đi ngang qua sàn nhảy tới trước mặt Trâm.

"Rất hân hạnh được mời cô bài này!"

Mặt Trâm hơi đỏ lên. Nàng ngả sát vào cô bạn, nói hơi lúng túng nhưng bằng giọng rất êm và rõ ràng:

"Xin lỗi, tôi không biết…"

Thịnh đã trù tính trước câu trả lời này của Trâm. Tuy nhiên chàng cũng thấy mình bối rối ghê lắm. Chàng ngụy biện:

"Điệu nhạc này dành cho những người không biết nhảy. Slow mà, cô đừng ngại… Tôi hy vọng…"
Chàng ngập ngừng lúng túng vì không biết nói sao nữa. Nhưng may quá. Trâm đã đứng dậy. Thân thể Thịnh như sắp lâm vào trạng thái tê liệt bỗng linh hoạt hẳn lên. Chàng ân cần đỡ lấy cánh tay Trâm vừa rụt rè đưa ra và dìu nàng tới một đầu piste. Chàng có cảm tưởng như Trâm không đến nỗi không biết chút nào. Thịnh đỡ lấy lưng nàng và lúc đầu, chàng giữ một tư thế hơi xa nàng, tư thế rất lịch sự. Chàng gợi chuyện, Trâm vui vẻ đối đáp. Toàn những chuyện vẩn vơ, nhưng giọng hai người mỗi lúc một thêm cảm động. Tối hôm đó, họ nhảy với nhau tới bốn bài slow, chỉ hai người với nhau thôi và chỉ nhảy slow thôi. Điệu nhạc định mệnh của Thịnh. Thỉnh thoảng Trâm ngước đôi mắt huyền ảo lên nhìn chàng. Thịnh muốn được chết ngay trong đôi mắt ấy. Quạt máy quay tít trên trần nhà thổi tung mái tóc Trâm, mấy sợi tóc quất nhẹ vào má chàng, nhẹ, rất nhẹ, nhưng Thịnh cũng cảm thấy má mình tê buốt, một thứ tê buốt dễ chịu vô cùng. Một sợi tóc của nàng bay dính vào môi chàng, chàng thè lưỡi kéo nó vào miệng, cắn chặt lấy nó. Lê thê, mơn trớn, điệu slow tỏa ra thơm ngát hương vị ma quái của đam mê. Thịnh say sưa ngây ngất đến độ có thể tự sát được. Không bằng súng, không bằng lưỡi dao bào, không bằng dây thừng, không bằng nhân ngôn mà bằng điệu nhạc slow.

Tiếp đó là những cuộc viếng thăm. Luôn luôn là chàng đến thăm nàng, với hoa hồng đỏ thắm, với lay-ơn trắng tinh, với những món quà xinh xinh nho nhỏ, đôi khi có cả thơ, mà thơ đại khái có những câu như Thời gian ngủ quên trên mái tóc thơm tho – Tôi chết giấc trong cơ mê nồng ấm.

Thơ tự do mà. Đôi khi có cả thơ cổ truyền đủ vần, đủ vè, mà lại là lục bát nữa chứ: Nhẹ nhàng đôi cánh chiêm bao – Nữ thần Tình ái bay vào lòng ta…

Rồi đến những cuộc đi chơi. Dưới những bóng mát êm đềm trong Sở Thú. Bên những dòng sông mơ màng, những dòng sông nước chảy siết có những con tàu đang chờ ngày dời bến ra khơi. Trong những rạp chiếu bóng đầy người. Những phim tình cảm lãng mạn, những Trà hoa nữ, những Khói biếc mùa thu, những Tình trong thời loạn. Building Tax. Passage Eden. Crystal Palace. Chàng lựa cho nàng một màu áo, một hương phấn, một kiểu giày. La Pagode. Hoàng Gia. Quán Gió. Chiều Tím. Này kem, này bánh, này nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Đoàn Chuẩn, nhạc Đặng Thế Phong. Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa… Màu áo xanh là màu anh trót yêu. Thuyền ai lờ lững… Những cuộc đi chơi vui vẻ, nồng nàn. Ái tình của Thịnh cũng sang trọng lắm chứ.

Trong những buổi đi chơi với Thịnh, Trâm thường không thích đi bằng xe mà chỉ ưa đi bộ. Lúc nào thật mỏi chân rồi, họ mới lên taxi. Tình cờ, họ đi qua một biệt thự lớn, có sân rộng, có cây tỏa bóng mát và nhất là có một con chim họa mi được nhốt trong cái lồng nhỏ treo ngoài hiên. Mỗi lần khi hai người đang chậm chậm bước qua ngôi nhà ấy thì con họa mi cất tiếng hót. Tiếng hót trong và ấm, tuôn ra thành những chuỗi ngọc âm thanh. Trâm kéo Thịnh đứng lại; nàng nghe, rồi đôi mắt nàng sáng lên vì thích thú. Tiếng chim huyền ảo phong tỏa hồn nàng. Chưa bao giờ nàng tưởng tượng được có thứ chim hót hay đến thế. Trâm say sưa. Trâm ngây ngất. Từ buổi đó, mỗi lần đi chơi với Thịnh, Trâm đều bắt Thịnh đưa qua lối đó, để có dịp ngắm con chim và may ra lại có dịp nghe nó hát. May ra, bởi con chim kia rất ít hót hoặc hót vào lúc họ không có mặt ở đấy. Tiếng hót của nó dần dần thành ra một sự ám ảnh đối với Trâm. Đôi khi Thịnh đăm đăm ngó Trâm với sự ngạc nhiên, không hiểu tại sao Trâm có thể mê say con chim ấy đến thế. Nhưng chàng lặng lẽ không nói gì bởi chàng rất cưng chiều Trâm. Cưng chiều cũng có nghĩa là chịu đựng.

Trâm ưa nghe chim họa mi hót, hẳn nhiên nàng cũng ưa âm nhạc. Nàng hay đi dự những buổi hòa nhạc, rất thích nghe chương trình Golden Sound của băng tần FM đài Mỹ. Và từ lâu nàng ao ước sẽ được học kéo đàn vĩ cầm. Thế rồi, trong một buổi họp mặt ở nhà Liên, bạn Trâm. Trâm đã gặp một anh chàng tên là Tuyết Sơn, mới ở Pháp về sau khi tốt nghiệp một học viện âm nhạc ở Nantes. Tối hôm đó, theo lời yêu cầu của Liên, Tuyết Sơn đã độc tấu vĩ cầm một bản nhạc cổ điển của Brahms. Tiếng đàn ngọt ngào của Tuyết Sơn đã làm Trâm ngây ngất. Ngay tối đó, nàng đã làm quen với Tuyết Sơn, làm quen dễ dàng, bởi Trâm là người đẹp nhất ở đó.

Sau một vài lần gặp gỡ nữa, Tuyết Sơn nhận lời mời mỗi tuần tới nhà Trâm ba lần để dạy nàng chơi vĩ cầm. Mới đầu, hắn ta chỉ tới mỗi tuần ba lần nhưng rồi hắn tự nguyện tới mỗi ngày một lần. Có những Chủ nhật, Tuyết Sơn tới những hai lần sáng và chiều. Ít có giáo sư nào dạy học trò một cách chăm chỉ đến thế, mà lại dạy không lấy học phí.

Tuyết Sơn khoảng ba mươi tuổi và nếu hắn đúng ba mươi thì hắn hơn Thịnh ba tuổi và hơn Trâm mười tuổi. Hắn ăn nói hoạt bát, quần áo lúc nào cũng sang trọng bảnh bao.

Dĩ nhiên, anh chàng Thịnh thường ghen với gã giáo sư âm nhạc. Mới đầu chỉ ghen bóng ghen gió nhưng sau ghen ra mặt. Thịnh bảo Trâm:

"Coi bộ em có vẻ thân mật với Tuyết Sơn. Anh không ưa em cười giỡn với hắn như thế".

Trâm xịu mặt lại:

"Anh nói chi kỳ quá. Em có cười giỡn với anh ấy bao giờ đâu. Anh bảo em thân mật với Tuyết Sơn, thân mật là sao? Lần sau anh còn nói thế nữa, Trâm giận cho mà coi".

Chỉ còn năm ngày nữa tới sinh nhật của Trâm. Thịnh dự tính sẽ kiếm một món quà thật đặc biệt để tặng Trâm nhân dịp đó. Biết tặng gì đây? Thịnh suy nghĩ. Một bó hoa, dĩ nhiên phải có hoa, nhưng phải có thêm một tặng phẩm nữa. Tặng phẩm gì bây giờ? Phấn? Son? Xắc tay? Đồ chơi? Ồ, thường quá. Thịnh cố nghĩ xem Trâm ưa thích gì mà chưa có. Thịnh nghĩ ra rồi, Trâm vốn say mê con chim họa mi ở biệt thự nọ. Thịnh thầm nhủ: ước gì ta có con họa mi đó để tặng nàng, Trâm sẽ treo nơi ngay đầu giường nàng. Sớm sớm, chiều chiều nó sẽ hót cho nàng nghe và mỗi lần say mê thích thú với tiếng hót ấy, hẳn nàng sẽ nghĩ đến ta, để rồi sẽ không bao giờ quên được ta. Sinh nhật của Trâm, hẳn cái thằng giáo sư âm nhạc khả ố kia cũng sẽ tặng quà cho Trâm. Nó sẽ tặng gì? Nó tặng gì cũng kệ cha nó. Sẽ không có tặng vật nào quý hơn tặng vật của ta được. Quà tặng của ta hẳn sẽ là một món quà đặc biệt, một món quà bất ngờ. Chim họa mi ơi! Tiếng hót của mi đã từng làm xao xuyến tâm hồn người yêu của ta. Thật là tiếng hót tuyệt diệu, hay gấp trăm lần tiếng đàn của thằng Tuyết Sơn.

Thịnh tưởng tượng lúc chàng mang con họa mi tới tặng Trâm. Nàng sẽ reo lên vì ngạc nhiên vì sung sướng, sẽ thấy rõ sự chu đáo, sự tế nhị của chàng đối với nàng. Rồi hàng ngày nàng sẽ nghe nó hót mà tưởng như những tiếng hót của nó chính là những lời tỏ tình của chàng.

Nhưng làm sao ta có con họa mi đó để tặng nàng. Ta sẽ gặp chủ nhân biệt thự nọ, điều đình mua con chim ấy. Người đó hẳn giàu có, chắc sẽ không chịu bán chim. Nhưng ta sẽ năn nỉ, sẽ van lơn, nếu cần, để y bằng lòng. À, mà chim đó hẳn phải mắc giá lắm, tiền đâu mà mua? Cơ nghiệp của ta chỉ còn hai thứ đáng giá. Đó là cái xe Honda và bộ Bách khoa tự điển Larousse mười cuốn. Xe là vật để ngày ngày cưỡi kiếm cơm, dĩ nhiên không thể nào bán được. Còn bộ tự điển. Ta vốn yêu quý bộ sách này lắm, yêu lắm, quý lắm nhưng mà… (Thịnh nhún vai, tặc lưỡi) chắc chắn ta yêu quý Trâm hơn nó nhiều. Thôi đành đẩy nó cho hàng sách cũ nào đó lấy dăm ba xấp mua chim. (Thịnh đã phải dành dụm nhiều tháng mới đủ tiền mua sắm bộ tự điển ấy, bộ sách mà chàng ao ước suốt ba, bốn năm trời).

Chàng vội vã đưa Honda ra đường, phóng như bay tới tòa biệt thự, định bụng nếu chủ nhân bằng lòng bán chim cho chàng, chàng sẽ đẩy bộ tự điển đi ngay lập tức.

Buồn thay, chủ nhân, một ông mập mạp, tóc hoa râm, nhất định không chịu bán con chim họa mi dầu Thịnh đã cố sức năn nỉ. Anh chàng Thịnh vốn tự cao tự đại, coi đời bằng nửa con mắt kia chưa bao giờ lại phải hạ mình một cách nhục nhã đến thế để mà năn nỉ, để mà cầu khẩn một kẻ có lẽ là một tên trọc phú. Chàng đã nói đến khô hết cả nước bọt nhưng chủ nhân vẫn khăng khăng từ chối. Sau gần một nửa giờ thương thuyết vô ích, Thịnh buồn bã dắt xe ra khỏi biệt thự; đầu óc nặng trĩu, bước chân lảo đảo.

Sự từ chối của chủ nhân tòa biệt thự càng khiến Thịnh bồn chồn với ý định có con họa mi ấy để làm quà sinh nhật cho Trâm. Cho đến một buổi sáng kia, vào ngày áp sinh nhật của Trâm, Thịnh chợt nảy ra một ý định táo bạo: lẻn vào tòa biệt thự đánh cắp con họa mi.

Và suốt buổi sáng hôm đó, Thịnh đi lảng vảng trước cửa biệt thự để quan sát địa thế. Lúc bấy giờ khoảng mười một giờ khuya, trời lất phất mưa. Đường sá vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi mở đèn sáng rực chạy như tên bắn đường nhựa. Anh chàng Thịnh từ trong một khoảng bóng tối nhô ra; tiến rất nhanh đến sát tường rào tòa biệt thự. Cái thân hình gầy gò cao lêu nghêu của anh ta được ánh đèn trên cột điện rọi dài trên vỉa hè. Thường ngày Thịnh lừ đừ chậm chạp, vậy mà tối hôm đó anh chàng nhanh nhẹn lạ thường. Vụt một cái Thịnh đã trèo qua hàng rào sắt, núp đằng sau một gốc cây, nghe ngóng một lát, rồi lại nhô ra, tiến rất nhanh đến chỗ treo lồng chim. Một chiếc kìm bấm từ tay Thịnh đưa lên. Tách một cái, sợi thép đứt. Một tay đỡ lồng chim, một tay đút nhanh chiếc kìm vào túi, Thịnh chạy tới hàng rào, vội vàng leo ra. Leo vào thì dễ, leo ra thì khó, bởi Thịnh vướng cái lồng chim trong tay. Khi Thịnh leo tới lưng chừng hàng rào thì bỗng nhiên một bàn chân Thịnh bị tuột ra khỏi hàng rào. Bàn chân ấy chới với vài giây rồi chạm vào một chậu sứ có lẽ là chậu đựng cây cảnh. Trong lúc bối rối Thịnh dùng chậu cảnh ấy làm bàn đạp để leo lên cho dễ. Chậu đó được kê trên một bệ cao và không vững nên khi Thịnh đạp chân vào nó, nó chênh đi rồi rơi xuống tạo ra những tiếng động ầm ầm, Thịnh càng bối rối thêm – phải nói là hoảng hốt mới đúng – Anh chàng nắm một sợi dây thép có lẽ chắn ngang sân và một đầu được buộc vào hàng rào, để đu lên. Nhưng sợi thép không chịu nổi sức kéo của Thịnh nên đứt phựt ở một chỗ nào đó khiến Thịnh mất đà ngã phịch xuống sân; cái lồng bằng thép cũng rơi theo, lăn đi mấy vòng. Thịnh chồm theo chụp lấy nó rồi lại cố leo ra khỏi rào. Khi chàng lên tới gần đỉnh rào thì đèn trong nhà bật sáng. Có tiếng mở khóa lạch cạch rồi hai cánh cửa bật mở, hai ba người trong nhà, một người cầm trong tay một thanh gỗ, nhao nhao chạy ra hô hoán ầm ĩ. Người Thịnh và cái lồng chim đang lênh chênh trên đỉnh rào. Cùng kế, Thịnh liệng cái lồng chim xuống phía ngoài rồi nhảy theo. Tên cầm gậy tới sát hàng rào vào lúc Thịnh sắp nhảy xuống. Nó giơ cao gậy phang tới thật mạnh lên Thịnh, nhưng may thay, thân thể chàng vừa rời khỏi hàng rào. Đầu gậy quật vào hàng rào đúng chỗ Thịnh bám cách đó chỉ một giây đồng hồ. Khi hai chân chàng chạm tới mặt đất, Thịnh mất đà ngã sóng soài trên cỏ. Chàng cảm thấy một chân nào đó của chàng đau điếng. Mặc, Thịnh chồm dậy thật mau, vồ lấy cái lồng chim rồi cắm cổ chạy mất.

Phía sau chàng, vẫn những tiếng hô hoán, la hét và có cả tiếng những bước chân huỳnh huỵch đuổi theo. Một cảnh sát viên đứng gác ở đầu đường đã trông thấy chàng và thấy cả mấy người đang đuổi theo chàng. Viên đó cho còi lên miệng huýt mấy tiếng dài, vừa huýt vừa giơ hai tay chận lối chàng. Thịnh quýnh quá rồi nhưng may thay, chàng thấy bên kia đường có một ngõ hẻm. Chàng chạy băng qua lộ sang đường hẻm ấy. Cảnh sát viên rút súng đuổi theo, quát tháo ầm ĩ. Một vài tiếng súng nổ, đạn bay vèo vèo bên tai chàng. Mặc, chàng vẫn chạy và đã vào được ngõ hẻm, Thịnh quẹo lung tung vào những ngách nhỏ, không còn biết trời đâu đất đâu. Lát sau, những tiếng hò hét đằng sau chàng nhỏ dần rồi mất hẳn. Không còn ai đuổi theo chàng nữa. Thịnh đứng lại thở hổn hển. Chàng móc chiếc máy lửa bật lên soi vào trong lồng chim. Con họa mi vẫn còn đó và đôi cánh nó vẫn đang đập.

Cả đêm đó, Thịnh không sao ngủ được. Bàn chân trái chàng đau ê ẩm, có lẽ hơi bị sưng. Mặt mũi chân tay chàng bị vài chỗ xây xát. Chàng treo cái lồng chim ở đầu giường, bật đèn sáng choang, nằm ngửa mặt lên, quàng tấm chăn mỏng ngang bụng, vừa hút thuốc lá vừa ngắm con chim.

Chiếc đồng hồ để bàn chỉ bốn giờ rưỡi. Thịnh chờ đợi ánh sáng ban mai. Bình minh sẽ tới hay nói cho đúng hơn là sắp tới. Con chim hình như đã bắt đầu hoàn hồn, nằm co ro trên chiếc then ngang, lim dim ngủ. Thịnh ngắm nó hoài mà không chán mắt. Đôi khi chàng mỉm cười sung sướng quên khuấy mất bàn chân đau.

Mới bảy giờ sáng chàng đã ăn mặc chỉnh tề ngồ trước ly cà phê sữa bốc khói mà chàng đã tự tay làm lấy. Đài phát thanh Tiếng nói Quân đội đang truyền thanh những bản nhạc tình cảm, du dương. Giọng Hoàng Oanh thánh thót với Những đóm mắt hỏa châu, giọng Thanh Vũ với Đà Lạt mưa bay, rồi tới Lệ Thu với Ngậm ngùi. Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang… Thịnh huýt sáo miệng theo tiếng hát Lệ Thu. Chàng soi mặt vào gương một lần nữa. Mặt chàng hóp lại, tái xanh với hai vệt xước trên gò má trái và trên cằm. Mặc kệ, có hề gì đâu. Thịnh lấy chiếc khăn mỏng trắng tinh quấn quanh lồng chim, rồi ôm chiếc lồng đi xuống thang lầu giữa những cái nhìn tò mò của những người hàng xóm.

"Cậu Thịnh đi đâu sớm thế? Có cái gì mà ôm kè kè thế?"

"À, à, một ít vật dụng của tôi".

Thịnh trả lời mơ hồ như vậy cho qua chuyện, chàng đã ra tới đường. Một cái ngoắc tay. Một chiếc taxi ngừng lại. Thịnh nâng niu cái lồng chim, chui vào xe.

Thành phố náo nhiệt tưng bừng. Một ngày mới bắt đầu. Ánh nắng ban mai giải xuống những tàng cây hai bên lộ, chiếu vào những tường nhà cao. Các đường đầy xe cộ, đầy người. Lòng Thịnh vui phơi phới. Chàng yêu đời, yêu nhân loại. Tưởng nghĩ tới Trâm lòng chàng ấm áp quá chừng. Chàng sung sướng khi nhận thức là mình đang yêu và chắc hẳn đang được yêu. Ái tình huyền ảo dịu ngọt biết bao.

Xe ghé vào một tiệm bán hoa ở đường Nguyễn Huệ. Túi Thịnh còn khoảng năm trăm. Trừ tiền trả taxi, chàng còn đủ tiền để mua một chục bông hồng nhung. Ngồi trong xe, Thịnh nâng bó hoa lên, khẽ hôn những bông hồng tươi thắm. Chàng bỗng nhớ tới mấy câu thơ tình của Verlaine:

Voici des fruits, des fleurs, des feuilles et des branches,
Et puis voici mon coeur, qui ne bat que pour vous,
Ne le déchirez pas avec vos deux mains blanches.

Chưa bao giờ chàng thấy thơ Verlaine ngọt ngào đến thế, êm dịu đến thế, tha thiết, đắm say và huyền ảo đến thế.

Nous étions seul à seule et marchions en rêvant.
Elle et moi, les cheveux et la pensée au vent.

Thịnh đọc đi đọc lại mấy câu thơ ấy. Chàng nhắm mắt lại, hình ảnh Trâm nổi rõ trong tâm tưởng chàng. Dáng dấp ấy, mớ tóc ấy, đôi mắt, cặp môi, nụ cười, tiếng nói ấy. Người tình của chàng đó, thanh lịch biết bao, yểu điệu biết bao, rực rỡ biết bao. Đôi mắt vẫn nhắm lại, Thịnh gọi thầm: Trâm ơi! Trâm ơi! Chàng nghe thấy rất rõ tiếng mình gọi. Trâm! Trâm! Trâm! Máu trong cơ thể Thịnh chảy rần rần, tim chàng đập rộn ràng. Trâm ơi, anh yêu em! Ngay lập tức, mấy tiếng đó tự sinh thành cả ngàn tiếng khác tỏa ra khắp thành phố, tỏa ra khắp bầu trời, tỏa ra vô cùng tận. Óc chàng đầy Trâm, tim chàng đầy Trâm, các mạch máu chàng đầy Trâm, hơi thở chàng đầy Trâm. Không thể chịu đựng thêm được nữa, Thịnh mở mắt ra. Xe vẫn đang chạy giữa thành phố tưng bừng náo nhiệt, chàng đang sống giữa lòng cuộc đời. Chàng mở mắt ra, thấy bông hồng đỏ thắm và chiếc lồng thép bên trong có cả một con họa mi. Hôm nay, sinh nhật của nàng.

Xe dừng lại, Thịnh trang trọng ôm bó hoa và cái lồng chim chui ra khỏi xe. Trước cổng nhà Trâm, chàng đứng ngần ngừ một lát rồi quyết định không bấm chuông. Chàng muốn dành cho Trâm một thú vị bất ngờ.

Thịnh thò tay vào phía trong cổng kéo then lên rồi lách cổng len lén đi vào. Ngôi nhà Trâm, xinh xinh, đứng giữa một khu vườn nhỏ có những trái lành, những bông hoa tươi thắm, những cánh bướm chập chờn bay lượn. Bầu không khí trong vườn thơm tho, mát rượi.

Bây giờ chưa tới tám giờ hẳn Trâm đang ngồi trang điểm trong phòng nàng. Thịnh sẽ lén tới gần cửa sổ phòng nàng, nấp sau bức tường và giơ dần cái lồng chim lên trước cửa sổ. Trâm sẽ chạy đến bên cửa sổ ấy và lúc ấy chàng sẽ đứng dưới vườn dể chúc mừng sinh nhật của Trâm và tặng Trâm con chim họa mi. Thật thơ mộng biết mấy, có khác gì so với cuộc gặp mặt tuyệt diệu nhất của Roméo và Juliette, của Tristan với Iseult.

Qua một khúc quanh, và từ sau một thân cây lớn, Thịnh đã trông thấy cửa sổ phòng Trâm. Nhưng đột nhiên, cả thân thể chàng bủn rủn, cánh tay chàng rời rã khiến cho chiếc lồng chim tuột ra rơi phịch xuống đất. Trâm và Tuyết Sơn đang đứng ôm nhau ngay trước cửa sổ và hôn nhau say đắm.


Miếu Âm hồn

Ngọn miếu ngồi chênh vênh trên gò đất giữa những bụi cây rậm, bao quát mươi nấm mả rải rác chung quanh. Đó là một tòa miếu nhỏ hoang phế tục gọi miếu Âm hồn. Cơ sở ma quái này cũng có phong độ riêng: tường gạch, mái ngói và nền xi măng. Không biết miếu được dựng lên tự bao giờ; chỉ biết nó đã già cũ lắm rồi. Dăm vạch nứt nẻ bò loanh quanh trên dải tường phía trái. Rêu phong bẩn thỉu sùi ra từ đỉnh xuống chân nền. Vài hòn ngói buột rơi mất, để lại những lỗ hổng méo mó trên hai cánh mái thiếu thăng bằng. Cửa miếu không có gì che đậy, há hốc về phía một thân cây đa cổ thụ. Bên trong miếu, bóng tối quấn vào bóng sáng, tạo thành một màu nhợt nhạt, lạnh lẽo. Vẻ âm u toát ra, yểm vào cảnh sắc chung quanh cái cô tịch, ảo não của sự hoang tàn gần như phai lợt hết sinh khí.

Thực ra ngọn miếu vẫn còn sống. Mỗi khi gió lùa vào bên trong từ họng miếu phát ra những tiếng thở dài.

Tòa miếu cổ chỉ rên rỉ, thầm thĩ chứ không giãy giụa, không quằn quại. Nó nằm lịm trong sự tê liệt bất động, vầng trán nhăn nhúm hướng lên, chiếu mấy tròng mắt sâu hoắm vào những chùm đa lả lay. Cỏ dại mọc leo lên bờ nền, ngả những thân gầy tong teo vào mặt vữa loang lổ. Thứ cỏ ở đây hút không đủ nước bởi lẽ mặt gò quá khô khan, lại thiếu ánh mặt trời vì bị chòm đa rậm án ngữ. Màu cỏ chỗ xanh chỗ lợt. Sắc cỏ hòa thuận với sắc rêu, vì chúng cùng một dáng dấp đau yếu, cùng một vẻ lầm lì lười biếng. Chúng chỉ là loài xú thảo hành khất: rêu bẩn ăn bám vách miếu, cỏ xơ nằm dài trên mặt đất mốc.

Cửa miếu thấp lè tè đối thẳng với bệ gạch bên trong. Không bao giờ có hương khói nhưng vẫn có chiếc bát đàn sứt mẻ chỏng chơ trên bệ. Lòng bát chứa đầy cáu bẩn với một bộ xương lá đa. Chiếc lá rớt khỏi cành tự mùa nảo mùa nao và chắc có trận cuồng vũ vô tình đã cuốn xác nó tới bệ miếu, quấn nó vào lòng bát hương. Cả ruột miếu toát ra hơi ẩm nhớp nháp. Xú khí phảng phất đầu độc những lớp khí trời từ ngoài chuyển vào. Đây là quê hương của lũ nhện câm lặng nhưng tinh quái. Tơ nhện chằng chịt khắp ngả. Hệ thống cạm bẫy này chắc đã sát hại nhiều giống côn trùng khác. Chả thế mà lũ nhện trông con nào cũng mập mạp, thoải mái. Bọn mắt đen ăn thịt uống máu đó lúc nào dáng điệu cũng vô tư, chỉ ăn ngủ rồi đua nhau đặt thêm những ổ sát sinh.

Bốn mặt tường phía trong khô ráo rắn chắc hơn phía ngoài. Tự bao giờ có những bàn tay nào đó tô lên lớp da dẻ chốc lở ấy những vạch than đen sì hoặc những nét gạch đỏ úa. Đấy là những dòng chữ to nhỏ ngoằn ngoèo, những hình ảnh thô kệch; nhưng đám ký hiệu giả dáng ngờ nghệch ấy có một ý nghĩa sâu sắc vì chúng phô bày những dục vọng cần được thỏa mãn của một loài động vật. Ở mặt tường bên trái, nét than uốn thành những hình ảnh dâm ô, khêu gợi.

Vào những ngày nắng ráo, yên tĩnh, ngọn miếu bệnh tật già cả hình như bớt được đôi phần đau đớn. Nó cù rù lặng thinh, để mặc những chùm cây xao xao đú đởn trên đầu. Vài tia mặt trời tò mò cố luồn qua khe lá xanh, chọc xuống đám ngói khấp khểnh. Vào những lúc hoàng hôn, màu đỏ khè của cả vùng trời phía tây đổ loang vào vạn vật một sắc tím sẫm pha lẫn ánh vàng lợt, khiến cho bộ diện tòa miếu cổ trở nên âm thầm hơn. Vốn đã già nua nó càng già nua thêm. Nó nằm chình ình như một kẻ quá chán chường đến không biết gì là chua xót đắng cay nữa. Có lẽ nó không chờ đợi mơ ước chi hết. Cái vẻ bình thản nhẫn nại ấy đã vô tỉnh chửi rủa, khinh khi những hoạt động chung quanh. Màu trời trở mặt, chuyển từ vùng ảnh hưởng vào cõi tối tăm. Các loài thảo mộc thầm thì run rẩy. Từng cánh chim hôm bay sải trong không gian, tiếng kêu buồn bã xoáy vào lòng gió yếu. Riêng tòa miếu lãnh đạm vẫn trầm mặc như một đạo sĩ đang mải mê suy tư về những điều bí mật nào. Sự tàn tạ của ngày tháng không làm nó động lòng. Vào những lúc xấu trời, dải miếu có vẻ đau đớn hơn. Từng đợt gió hung hăng chở nước mưa lao vào nền gạch ẩm mục, đập xuống hai tấm mái ẽo ợt hay quẩn trong lòng miếu. Đống gạch ngói xiêu vẹo nhầy nhua vừa rùng mình vừa thở hào hển hoặc khẽ hú lên rầu rĩ. Hơi thở lúc dài lúc ngắn, tiếng hú khi nổi khi chìm, nhưng những cử chỉ ấy hoàn toàn miễn cưỡng và thất thường. Tựa như ngọn miếu bị gió mưa ép uổng bắt phải nức nở than van.

Ở bên miếu, trong một khoảng đất thấp hơn rộng chừng hai mẫu, mươi nấm mộ nằm ngổn ngang. Bãi tha ma bé nhỏ này được dành riêng cho những xác chết vô thừa nhận. Dăm ba đứa hành khất chết ở góc đường, một người đàn bà không căn cước đến trầm mình ở vực nước gần đấy. Chỉ có thể biết mong manh như vậy thôi vì có những nấm mộ cũ kỹ không biết được đắp lên tự lúc nào. Mặt chúng bị mưa gió cào liếm tới gần sát mặt đất. Không một ngôi mộ nào có bia, bởi chưng ai thèm khắc tên khắc tuổi cho những kẻ khốn nạn không bà con thân thích ấy. Đặt bia cắm nọc để làm gì mới được chứ! Ở cái bãi tha ma heo hút này, chẳng bao giờ có hương vị của một cái lễ thanh minh. Những kẻ chết đường chết chợ được người đồng chủng đem xác mình vùi nông cho một nấm giữa đám thảo mộc hoang dại như vậy là may rồi. Mong gì có những nào đến nhỏ vài giọt nước mắt hay ngồi vuốt ve vào đống đất bên trên lỗ huyệt của mình.

Tại cái bãi hoang khuất nẻo này thường hay có những cơn gió quẩn. Đôi khi từ trên thinh không, gió đột ngột nhào xuống xoáy quyện vào các đống chôn người làm bốc lên những mảnh lá khô úa lẫn trong đám bụi mờ đục. Cái thứ gió vũ phu giận dữ ấy như muốn khiêu khích nạt nộ trước cử chỉ bất động của đám mồ mả. Vào những dịp mưa phùn rỉ rả, trên mặt tha ma thường khi phảng phất những làn hơi mờ loãng. Có thể bảo rằng tử khí bốc lên được chăng? Cũng có nhiều cặp mắt mê tín coi đó như oan hồn những kẻ bất hạnh kết lại thành khí thể. Những lớp khói lơ mơ ấy chỉ lởn vởn một chỗ mà không bay đi xa. Nếu có đợt nào thoát ra khỏi sào huyệt, tất nó sẽ tan biến ngay trong khi trời ẩm ướt. Cũng có khi, sau những trận mưa xối xả, bãi tha ma xâm xấp nước. Từ một vài lỗ nẻ trên mặt những ngôi mả chưa cũ lắm, bong bóng trắng sùi lên làm phát ra những tiếng lép bép kỳ dị.

Bên tòa miếu Âm hồn và quanh bãi tha ma có nhiều bụi cây hoang dại. Phần lớn chỉ là những giống thảo mộc thấp bé. Trừ ngọn đa bên miếu, ở khu vực này không có mấy thân gỗ đáng kể là cao lớn đồ sộ. Những đám màu xanh chỗ thẫm chỗ nhạt chỉ lan rộng trên mặt đất chứ không chịu vươn lên nhiều. Thường thường ở những bụi lá đó vẫn có hoa nở. Thứ hoa ở mộ địa nở ít nhưng đẹp và bền. Từ những cái thối rữa, mục nát vốn vẫn hay nảy ra những tinh thể óng muốt. Giống hoa mọc bên thân người chết có đôi ba loại kỳ lạ. Có thứ xuất hiện vào mùa đông, lúc đất trời đang độ tê buốt hơn cả. Từng đợt cánh trắng muốt rập rờn trước gió lạnh. Cử chỉ lửng lơ õng ẹo trông đầy vẻ ngạo mạn, ý chừng giống hoa ấy ra đời cốt để trêu cợt thời tiết. Còn có một vài thứ khác không bao giờ chịu mọc trong những khu vườn được bàn tay người sống vun quén. Phải kể tới một thứ hoa tím nhạt có những cánh mỏng nổi và uốn cong queo, thường nở vào đầu mùa thu. Giống này trông nhỏ nhoi yếu ớt nhưng gan lì. Vào lúc tàn, nó cứ héo quắt đi chứ nhất định không chịu rụng ngay. Đến khi rớt xuống đất nó chỉ còn là vỏ đã khô hết nhựa sống. Còn phải kể đến một giống hoa khác cũng mọc vào tiết thu. Mỗi chiếc chỉ có ba, bốn cánh dày xòe ra đỡ lấy chút nhị vàng. Cuống hoa to và cứng cáp. Mùi hoa là một thứ hương thơm dịu dàng dễ làm say mê khứu giác. Nhưng xin đừng hái thứ này, vì một khi bị ngắt đứt lúc còn non yểu, cuống hoa sẽ nhỉ ra một giọt nhựa màu nâu nhạt tanh tanh, mùi hoa dễ thương bao nhiêu thì nhựa cuống hoa khiến mũi khó chịu bao nhiêu.

Bưa kia, có một con rắn lục cườm từ trong bụi ruối gần đấy ngoi ra và mệt mỏi trườn lên phía miếu. Con rắn đi qua bãi tha ma. Nó không bò trong các ngách mộ nhưng leo tắt qua các nấm long lở. Cái thân thể dài đườn ấy quằn quài trên mặt người chết, lớp da xanh bóng chuyển màu dưới ánh hoàng hôn; đôi mạng bạnh ra, thoi thóp đẩy phụt qua ống miệng đỏ khé những tiếng phì phì giận dữ. Sự cáu kỉnh của loài rắn toát ra một sắc thái dã man, độc ác vô chừng.

Con vật bò sát lết một vòng quanh miếu rồi luồn vào bên trong. Nó không dùng lối cửa chính, nhưng ngóc đầu vuột mạnh thân thể lên mái rồi lao qua lỗ ngói vỡ. Mấy khúc thịt nhũn gieo bịch xuống nền xi măng. Mẩu đuôi hung hãn vuốt qua mặt bệ. Chiếc bát đàn lăn đi một vòng rơi xoảng xuống đất. Bộ xương lá đa văng ra ngoài, gãy giập thành nhiều mảnh.

Bên ngoài bóng tối bắt đầu xua đuổi vài đợt ánh sáng cuối cùng khỏi đường ranh giới phía tây giữa mặt đất với chân trời. Ánh hoàng hôn chỉ còn thoi thóp rồi vụt tan biến trong màu đêm. Sau lúc giao hợp, dương tách biệt khỏi âm, với cái thái độ chia ly nhạt nhẽo và thầm lặng. Trong suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ, không lúc nào đất trời bẩn thỉu nhơm nhếch bằng lúc ngày và đêm đứt đoạn giữa hoàng hôn. Cảnh vật bị liệm sống trong những lúc màu đen nhờ nhờ đầy vẻ lừa lọc phản bội. Ở dãy núi xa xa, từng ngọn đá nhập vào một khối rồi mất dạng. Các bụi cây quanh tha ma co rút lại với dáng dấp bí ẩn vật vờ. Tiếng dế rên rỉ đẫm giọng đau buồn chán nản toát ra từ những chân cỏ.

Trong ruột miếu, con rắn lục cườm quật mình dữ dội; những vòng thịt nhèo nhẽo vật lên vật xuống trong đám mạng nhện chằng chịt. Trăm ngàn sợi tơ mỏng mảnh đứt tung khiến cho cả một làng nhện hoảng hồn chạy tới tấp. Chưa bao giờ có sự tàn phá ghê gớm phũ phàng đến như thế. Cái sào huyệt trù phú lợi hại của chúng đột nhiên bị đảo lộn tan hoang. Con rắn rít lên và giãy đành đạch, mẩu đuôi vụt xé vào không khí nhiễm độc. Hơi thở hộc khỏi miệng nó, pha đặc thêm mùi tanh tưởi hôi hám bao bọc chung quanh. Những tiếng khè khè hình như chọc thủng cổ họng con vật bò sát để vuột ra ngoài. Bao tiếng thất thanh đứt đoạn ấy liễm kết một cái gì đau đớn, tê nhức vô chừng. Mà con lục cườm đang lúc đau đớn thật vì nó đến đây tối hôm nay để đẻ con. Sự sinh nở của giống động vật dài đườn này hiện hình trong sự vất vả, hung bạo. Cả một khối sống phồng lên ở thân thể nó đang chuyển động tìm lối ra. Đống bào thai húc vào tạng phủ mẹ để tìm sự giải thoát khỏi ô ngục lầy nhầy tăm tối. Trạng thái đau đẻ của giống rắn có vẻ mãnh liệt, tàn khốc hơn tất cả mọi sinh vật khác chăng? Có thế thì con rắn cái mới vật vã, mới lồng lộn dữ dội đến như vậy. Rồi trong màu đêm, một búi rắn lục cườm con ra đời. Giống rắn lục thuộc loại noãn thai sinh, nên cái màng trứng đã nở toác ngay từ trong bụng mẹ. Bầy trẻ sơ sinh thoát khỏi hầm tối này lại sa vào hầm tối khác. Có chăng ở đây rộng rãi, khoáng đãng hơn nhiều, nên những chiếc đầu nhỏ bé có thể tự do nhoi ra khỏi búi. Một khi rời khỏi bụng mẹ, chúng nó phải từ bỏ nhau ngay. Mỗi đứa hài nhi nhoai về một ngả. Phút chốc cả sàn miếu vụt biến thành nơi chia tay của bầy trẻ nít không có một chút óc hợp quần nào. Sẽ không bao giờ chúng biết bọn chúng là con cùng mẹ. Và mẹ chúng cũng vô tình lắm. Rất có thể mụ rắn cái tàn nhẫn không thèm biết y vừa sinh hạ được một đàn con. Nếu biết sao mụ đành lòng để mặc lũ trẻ nhỏ nhít dấn thân vào những nơi xa lạ hiểm nghèo. Cơn đau đẻ đã qua, mụ không chuyển mình nữa, cuốn khúc nằm im trong xó miếu. Đầu mụ ghệch lên một mảnh bát hương. Thóp cổ phập phồng những hơi thở yếu ớt. Tự mấy vết xây xát trên cái dây thịt mệt nhão ấy máu tím ứa ra. Vô phước thay, cái loài rắn lục cườm: mang nặng đẻ đau đến thế để rồi không biết hưởng chút hạnh phúc nào của tình mẫu tử. Cái nòi giống độc địa này ắt hẳn không thể có tình mẹ con. Nếu chúng thương xót nhau chắc nọc chúng không ghê gớm như vậy. Cho nên bà mẹ mệt thản nhiên nằm ngủ để lấy lại sức. Lũ con bắt đầu tung tăng kiếp sống lưu lạc. Vừa được đẻ ra đã dám tự lập rồi. Chỉ có loài máu lạnh ngang tàng bạo ngược này mới dám liều lĩnh can trường đến thế.

Khoảng quá nửa đêm con lục cườm cái chợt tỉnh thức, rồi uể oải rời bỏ miếu Âm hồn. Nó vào bằng lỗ ngói vỡ nhưng ra bằng cửa chính. Đất trời không còn tăm tối nữa vì một vầng trăng gầy úng bủng beo vừa nhú lên khỏi rặng tre xa tắp tít. Con rắn mệt mỏi trườn đi dưới ánh trăng bềnh bệch màu vàng bệnh hoạn. Nó vẫn có vẻ tức tối hậm hực thế nào, đôi mang cănh bạnh phì rớt rãi trên lối đi. Lúc tối nó hoảng hốt điên dại vì đau đẻ, nhưng bây giờ nói bực bõ vì cô độc chăng? Kể ra mụ này cô độc thật: mụ rắn đến miếu một mình rồi lủi thủi ra đi một mình. Nếu trong loài rắn giống đực và giống cái sống với nhau thành từng đôi thì đây đích thực một ả rắn chửa hoang.

Con lục cườm chỉ tới miếu một lần rồi không bao giờ trở lại nữa. Nhưng có hai sinh vật loại bốn cẵng thường hay lai vãng bên miếu. Chúng là đôi chó hoang, một đực một cái. Buổi đầu tiên con cái đến một mình. Không biết nó tự nơi nào tới, chạy quanh quất trong bãi tha ma rồi đi ngược lên đỉnh gò đất. Sự đói khát hiện hình trên khóm thân thể xương xẩu. Khung bụng hóp vào quá đỗi làm nổi bật cần xương sống lởm chởm như lưỡi răng cưa cùn. Vài đám lông bẩn thỉu, thưa thớt, phờ phạc mọc lan trên lớp da lợt. Nhiều khoảng rụng hết lông trở thành xám ngoét. Nếu lấy gai chọc vào những đám thịt trần trụi ấy, chắc sẽ không thấy máu đỏ ứa ra. Ắt hẳn chẳng còn mấy tí huyết tươi luân chuyển trong cơ thể mỏng mảnh, tàn lụi này. Con vật gầy gò đang cố tìm chút gì có thể nhấm nháp cho đỡ đói lòng. Ống mõm vêu vao sục vào các hốc cây và các hõm, khe quanh miếu; dưới vành mu nhăn nhíu, đôi tròng mắt trắng đã lờ đờ nằm im gần như không buồn chuyển động.

Sau một hồi nhọc công vô ích, con chó cái tuyệt vọng đứng ngơ ngẩn bên nách miếu, cái đầu khẽ lắc lư, nghiêng nghé. Cái đói đã khiến nó có những cử chỉ khắc khoải bồn chồn. Ánh mặt trời ban mai đổ ngang qua đỉnh gò kéo bóng nó ra xa. Và nó lững thững xuống gò. Dáng đi tuy ọp ẹp, lảo đảo nhưng vẫn có vẻ kiên nhẫn bền bĩ lắm. Chịu đựng được khổ nhọc hơn cả, là loài chó đi hoang. Nó cắm cúi tiến về phía làng mạc lờ mờ bên kia những cánh đồng. Ở đấy mới có thức ăn…

Mấy hôm sau, con chó cái lại tới miếu Âm hồn. Trông thân thể, hình thù nó có vẻ thiểu não xác xơ hơn. Tại những nơi có người, thức ăn dễ tìm kiếm nhưng không có tình thương. Ai thèm ái ngại đến con vật bẩn thỉu, rúm ró ấy. Người ta đánh đập, người ta chửi rủa, người ta liệng gạch đá. Cho nên nó phải trở lại miếu Âm hồn để hưởng sự yên tĩnh. Khi nào đói quá lén về các làng mạc kiếm miếng để sống rồi lại đi rong. Những chỗ dung thân là những nơi hiu quạnh thanh vắng.

Lần này ả chó cái không tới miếu Âm hồn một mình mà có một gã chó đực đi theo. Chàng định tán tỉnh ve vãn nàng nhưng xem chừng thời cơ chưa thuận tiện nên chàng vẫn còn lảng vảng gần bên chứ chưa dám có thái độ sấn sổ. Thật ra, khi mới gặp cô ả, thằng ấy định dở ngón ngay nhưng đã bị gái tặng cho một bài học đích đáng. Bài học ấy là vết răng nanh hằn trên cổ gã. Chó đực dành đấu dịu chờ cho con bé bớt cơn ngúng nguẩy. Trong loài chó đi hoang, con cái thường vẫn có uy thế đối với con đực. Cô độc thật đấy, thiếu thốn thật đấy, nhưng bao giờ cử chỉ, thái độ con cái cũng có vẻ nghiêm nghị hách dịch. Khác hẳn với loại chó nhà.

Tới bên miếu, con chó cái đứng lại, vẻ mặt vẫn lầm lì, khắc khổ, cau có. Nó không thèm ngó con chó đực trong khi thằng đa tình khẽ nhảy cỡn chung quanh và phe phẩy đuôi để lấy cảm tình. Trông chàng cũng chẳng béo tốt gì hơn nàng cả. Rồi gã đánh liều tiến sát bên cô ả để bày tỏ nhiều cử chỉ âu yếm lẳng lơ. Con cái nhe răng dọa nạt nhưng gã mặc kệ. Thằng ấy phong trần già dặn trong tình trường lắm rồi nên gã am hiểu tính tình dớ dẩn của bọn chó cái. Có hung hăng, kiêu kỳ đến đâu thì cũng chỉ đợp nhau một miếng là cùng, rồi đâu sẽ vào đấy cả. Lúc nãy cô ả cắn vào cổ gã để tự nâng cao giá trị. Nhưng tất rồi cô ả sẽ bằng lòng dần.

Quả nhiên, con chó cái giờ đây bớt hẳn vẻ hung dữ, chỉ còn khẽ gào gừ trong cuống họng hoặc sủa gần một đôi tiếng. Giọng gào gừ thui chột và xanh lét. Tiếng sủa nghe gượng gạo, sần sượng thế nào. Rồi cuối cùng nàng im lặng hẳn tỏ dấu thuận tình. Trong loài chó hoang, những pha ân ái bao giờ cũng mở đầu bằng cử chỉ, ngôn ngữ thù hằn của con cái. Và hai con chó đói dẫu gầy đói đến trơ xương như vậy nhưng vẫn cứ phải yêu nhau.

Từ đấy trở đi, cuộc tình duyên khiến anh này chỉ bớt được đôi phần chua xót. Anh chị không chung tình với nhau nhưng thỉnh thoảng gặp nhau trên đường lang thang lại đưa nhau tới thẩn thơ trên gò miếu.

Đôi chó này, dầu là đi hoang, cũng vẫn còn có cái lối ầm ả của loài chó. Con cái thường giữ điệu bộ thầm lặng nhưng con đực vốn dĩ hay làm ồn. Những khi hứng chí nó vừa sủa rỡn vừa nhảy quẫng chung quanh tình nương; theo tập quán, lúc thấy bạn động tình như vậy, con cái cũng gừ đôi ba tiếng hiền lành để trả lời. Và những tiếng yêu đương ấy thường làm giật mình một gã cò trắng đậu trong vũng đầm dưới chân gò. Gã đứng co ro suốt ngày, đôi mắt lim dim như buồn ngủ. Chỉ có kẻ nào chán đời mới có những cử chỉ dáng dấp thiểu não như vậy thôi. Gã dầm đôi cẳng khẳng khiu dài lêu đêu xuống làn nước. Bộ cánh trắng hơi xõa ra và ngọn cổ khòm xuống. Đứng từ xa, trông gã như một anh nghiện đói thuốc: cổ rụt, vai so, dáng đi đứng khoeo khư, co quắp. Đôi lúc cặp giò gầy yếu khẽ rung rẩy như muốn khuỵu. Những anh nghiện thiếu thuốc hút thường khi chân tay vẫn lẩy bẩy như thế. Đứng gần, trông gã lại như một nhà khổ tu đang trầm ngâm suy tính lối vào cõi cực lạc. Gã này ắt sẽ đạt được chánh quả để nhập nát bàn vì mặt gã lạnh lẽo, dửng dưng, dường như lông gã không còn chút dục vọng nào hết. Mà gã chẳng thiết gì thật: không vợ con, không bầu bạn, chỉ sống heo hút đơn độc thế thôi. Gã cũng chẳng bao giờ đi đâu xa, chỉ hết quanh quẩn bên bờ đầm lại vào bụi cây gần đấy ngủ. Đôi cánh vô ích quá; giá có nhổ hết lông cánh đi chắc gã cũng chẳng tiếc hận gì. Hay gã quên mất là mình thuộc loại biết bay? Chẳng có lẽ nào. Đồng ruộng bao la thế, bầu trời lồng lộng thế mà chẳng thể quyến rũ nổi con chim thiếu máu giang hồ này. Cánh vẫn còn nguyên vẹn, lông vẫn mọc dài, nhưng nhu cầu bay nhảy không thấy phát hiện. Tại sao thế, hỡi con quái điểu câm lặng kia?

Cuộc đời bã bí mật thật nhỉ. Gã từ đâu đến? Gã suy tính chuyện gì? Gã mong muốn gì? Đố ai hiểu nổi.

Mùa đông nhường chỗ cho mùa xuân, rồi mùa xuân tàn lụi khi những tia nắng hạ đầu tiên vụt lóe. Đôi ba mùa đã qua đi, thời gian thêm tuổi, nhưng gã cò vẫn chỉ sống lảng vảng bên miếu Âm hồn. Càng ngày gã càng già yếu, đôi chân chùng xuống, cần cổ hạ dần; loài cò có thể mau cằn cỗi đến thế hay sao? Gã nghiêng mặt, đăm đắm nhìn bóng gã in trên mặt nước phẳng lặng, thỉnh thoảng khẽ lao ngọn mỏ dài vào lòng chất lỏng. Ý chừng gã chỉ mổ vu vơ chứ không phải bắt mồi; vì nếu thường kiếm được mồi, cớ sao gã lại đến nỗi bệ rạc, xác xơ như vậy.

Cho đến một ngày kia, có một cơn biến động ghê gớm đã xảy ra. Đất trời oi bức như lò lửa. Ánh nắng gay gắt lan tràn trên bãi tha ma khiến cho các ngôi mả đất nứt nẻ thêm. Từ đám mộ địa ấy bốc lên một thứ hơi lanh tanh, nhạt nhạt. Tòa miếu Âm hồn nằm im như vừa tắt thở. Rồi đột nhiên gió nổi dậy, mới đầu chỉ khẽ hắt hiu nhưng mạnh dần, đẩy những đám mây đen đặc sệt từ chân trời lên đỉnh trời. Vầng thái dương bị nuốt trửng. Tòa miếu Âm hồn dần dần hồi sinh lại và cứ thở nấc mãi lên. Giông tố bắt đầu nổi dậy khi mưa đột ngột nhào xuống và những đợt cuồng phong lồng lộn, gào thét trong không gian. Trận bão tàn khốc tung hoành suốt nửa ngày một đêm. Chớp loằng ngoằng đâm chém những đám mây dày đặc khiến cho cả bầu trời vang động những tiếng kêu la hốt hoảng. Một tiếng sét vụt nổ trên bãi tha ma, ánh điện quang khét lẹt chặt khuyết một góc mả. Cây đa cổ thụ ngả nghiêng, oằn oại. Gió tàn ác giật đứt rời một cành đa lớn và khối gỗ đầy lông lá rùng rùng lao xuống nện mạnh vào nóc miếu.

Sáng hôm sau, giông tố rút đi hết. Dưới chòm đa xác xơ, tòa miếu Âm hồn bị tử thương nằm gục đầu xuống đất. Một bên mái vỡ tan tành và nửa mảnh tường bên trái dập nát thành từng mảnh vụn. Những lớp mây đến đêm qua đã đi mất để lộ hẳn cả một dải trời xanh biếc. Đầm nước đục ngầu im lặng như tờ. Gã cò áo trắng gầy còm không còn đấy nữa. Gã đã biến đâu mất dạng để không bao giờ trở lại.

1960
Nguồn: Hồi chuông báo tá»­. Tập truyện Lê Huy Oanh. Mẫu bìa của Duy Thanh. Nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của cÆ¡ sở Văn, xong ngày 10-1-1971. Biên lai chính thức số 317/BTT/NBC, ngày 18-3-1970. Chủ nhiệm – chủ bút: ô. Nguyá»…n Đình Vượng. Báo quán: số 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Quản lý: cô Nguyá»…n Thị Tuấn. Giá nhất định: 70Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.