trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
29.7.2008
Ngô Đức Thọ
Chí sĩ Ngô Đức Kế
(Kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế 1878 - 2008)
 1   2 
 
Hội kiến với Lương Văn Can và nhân sĩ Bắc Hà

Về chuyến Ngô Đức Kế đi Hà Nội năm 1903, đúng 100 năm sau, nhà văn Sơn Tùng kể lại trên báo điện tử của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: mùa đông năm 1948 anh thanh niên Sơn Tùng đến làng Sen thăm bác Nguyễn Sinh Khiêm, cũng vừa lúc gặp cụ Võ Liêm Sơn đi dự Hội nghị văn hoá kháng chiến toàn quốc về lên làng Sen tìm thăm cụ để chuyển thư của Hồ chủ tịch gửi về. Chuyển thư xong, hai cụ cầm rượu hàn huyên vui vẻ. Cụ Khiêm kể:

“Hiền huynh ạ, sau ngày bác Phan Bội Châu lập hội kín, cha tôi cùng các cụ Nghè Ngô (Ngô Đức Kế), cụ Bảng Đặng (Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn) và cụ Cử Vương (cử nhân Vương Thúc Quí, thầy học của anh em Bác Hồ và là thông gia với Phan Bội Châu) đi ra Bắc Kỳ tìm bạn đồng tâm. Tôi cùng với em Nguyễn Tất Thành được đi theo hầu cha của chuyến đi này. Khi ra làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, các cụ đàm đạo tại nhà cụ Cử Hồ Sĩ Tư. Hồ Sĩ Tư đỗ khoa Tự Đức (Nhâm Ngọ - 1882). Cụ là cháu nội quan Đốc học Hồ Sĩ Trinh. Các vị thế gia khoa bảng hội kiến khá đông, như cụ Hồ Thúc Linh cử nhân khoa Thành Thái Đinh Dậu (1897). Ông là con của danh thần Hồ Bá Ôn, đỗ Phó bảng khoa Tự Đức ất Hợi (1875), án sát tỉnh Nam Định và tử tiết trong trận chiến đấu giữ thành, ông được phong tặng Quang lộc tự Khanh. Từ đất Đăng Cao, Phủ Diễn Châu, cụ tú mền Trần Anh, con Tiến sĩ Trần Hữu Dực, đỗ khoa Tự Đức, Canh Tuất (1850). Cụ cử Hồ Phi Thống đỗ khoa Thành Thái Canh Ngọ (1900). Cụ Cử Hồ Phi Thống là con quan tri huyện Hồ Phi Tự, Cử nhân khoa Tự Đức Canh Ngọ (1870)... Lâu ngày tôi không còn nhớ đủ các cụ hội kiến ở Quỳnh Đôi. Các cụ gặp nhau để mưu sự cứu nước, rửa cái nhục mất nước, mà bác Phan Bội Châu phải kêu lên thống thiết:

Giang sơn tử hĩ sinh đồ chuế,
Thần thánh liêu nhiên tụng diệc si!
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi [1] .

Non sông đã chết, còn thêm nhục
Thần thánh còn đâu, đọc cũng hoài!
Muốn vượt bể Đông theo gió chạy,
Ngàn trùng sóng bạc thảy cùng bay.


(Tôn Quang Phiệt dịch) [2]

Cụ Võ Liêm Sơn tâm sự:

"Ông ngoại tôi là quan Toản tu quốc sử quán - Quang Lộc tự thiếu khanh Ngô Phùng. Mẹ tôi là em gái quan Tham tri Bộ lễ Ngô Huệ Liên. Ông Nghè Ngô Đức Kế là con quan Tham tri Ngô Huệ Liên. Tôi được theo phụ thân về quê ông ngoại dự lễ anh Ngô Đức Kế vinh qui bái tổ. Năm đó (1901) tôi còn nhỏ tuổi được dự nghe ông Nghè (Tiến sĩ) Ngô Đức Kế, vị đại khoa của khóa thi đầu tiên của thế kỷ 20, nói với phụ thân tôi: "Dượng biết rõ đó, ông nội cháu, quan Toản tu Sử quán - Quang Lộc tự Thiếu Khanh, cha cháu, quan Tham tri Bộ lễ. Phần cháu thì... cháu sẽ không bao giờ ra làm quan. Nước mất!..."

Bác Cả Khiêm nói sau một tiếng thở dài:

"Hội kiến xong, một số cụ trở về bản quán, một số cụ đi ra Bắc. Chú Nguyễn Tất Thành được ‘hầu tráp’ theo cha ra Bắc Kỳ. Tôi bị cảm mạo không thể đi đường trường dài ngày được, ở lại Quỳnh Đôi với quan Đốc Đặng (đốc học Đặng Nguyên Cẩn) tại nhà cụ Cử Hồ Phi Thống." [3]

Chuyến ra Bắc của các cụ Nguyễn Sinh Huy, Ngô Đức Kế, Hoàng Xuân Hành v.v… còn được bà Nguyễn Thị Thanh, chị cả của Sinh Khiêm và Tất Thành kể lại tỉ mỉvới nhà văn Sơn Tùng. Bà cho biết: Chuyến đi này của các cụ do mẹ nuôi của bà – bà gọi là Mẹ Lụa - dẫn đường. Tên thật mẹ Lụa là Trần Thị Trâm [4] , con gái Tiến sĩ Trần Hữu Dực [5] . Bà Trâm hướng dẫn các cụ ra Nam Định vào yết kiến quan Đốc học Đặng Xuân Bảng ở tư thất.Từ tỉnh thành Nam Định các sĩ phu xứ Nghệ xuống làng Trình Phố huyện Trực Ninh phủ Kiến Xương [6] thăm nhà chí sĩ Ngô Quang Đoan (con cả của lãnh tụ nghĩa quân Cần vương Ngô Quang Bích). Nghỉ ở nhà Ngô Quang Đoan ít hôm rồi Ngô Quang Đoan dẫn các cụ lên làng Châu Cầu huyện Kim Bảng (nay là thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thăm Tiến sĩ Bùi Văn Thức (cũng gọi Bùi Thức, cha Bùi Kỷ). Từ Châu Cầu các cụ lên Hà Nội. Trước khi vào thành phố, Ngô Quang Đoan đưa các cụ ghé vào làng Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì) thăm cụ Võ Hoành. Mọi người nghỉ lại tại nhà cụ Võ Hoành, còn Ngô Quang Đoan một mình lên phố Hàng Đào đón cụ Lương Văn Can và cụ Hoàng Đạo Phương (anh cụ Hoàng Đạo Thuý) về Thịnh Liệt hội kiến với đoàn các sĩ phu trong Nghệ Tĩnh ra. Hai con trai của cụ cử Can là Lương Trúc Đàm và Lương Ngọc Quyến cũng đi theo hầu cha xuống Thịnh Liệt. Cụ Ngô Quang Đoan lại đi vội sang Bắc Ninh đón cụ Hoàng Tích Phụng và ông ấm Hoàng Tăng Bí (lúc ấy chưa đỗ cử nhân) cùng sang Thịnh Liệt hội kiến với các cụ đang nghỉ ở nhà cụ Võ Hoành.

Có lẽ các cụ quên ngày tháng, nhưng trí nhớ của hai cụ là chị gái và anh trai Bác Hồ thật vô cùng trân quý (cũng trân quý luôn cả ghi chép vô giá của nhà văn Sơn Tùng nữa) đã cho chúng ta biết khá tỉ mỉ về cuộc gặp gỡ đáng coi là một cuộc tiếp xúc có ý nghĩa lịch sử giữa các sĩ phu yêu nước Nghệ Tĩnh và Bắc Kỳ để bàn thảo đại sự cứu quốc. Liệt kê danh tính các vị ấy như sau:

Nhóm sĩ phu Nghệ Tĩnh có 6 người:
  • Cụ Nguyễn Sinh Huy (con trai là Nguyễn Tất Thành tháp tùng. Lúc lên đường có cả anh trai Tất Thành là Nguyễn Sinh Khiêm cùng đi, nhưng do bị cảm nên phải nghỉ lại ở nhà cụ cử Hồ Phi Thống ở Quỳnh Đôi. Cụ Đặng Nguyên Cẩn định đi chuyến này, nhưng vì sức khoẻ không bảo đảm nên cũng nghỉ tại nhà cụ cử Thống, không đi tiếp được.)
  • Cụ Hoàng Xuân Hành (Hội viên Duy Tân hội, em cụ tú Hoàng Xuân Đường - ông ngoại chị em bà Thanh)
  • Cụ Bùi Xuân Phong (người làng Kim Luỹ)
  • Cụ Ngô Đức Kế (có em họ cùng đi)
Nhóm sĩ phu Bắc Kỳ có 10 người:
  • Cụ Lương Văn Can (hai con là cử nhân Lương Trúc Đàm và Lương Ngọc Quyến tháp tùng)
  • Cụ Võ Hoành
  • Cụ Ngô Quang Đoan
  • Cụ Bùi Thức (con trai là Bùi Kỷ tháp tùng)
  • Cụ Hoàng Đạo Phương
  • Cụ Hoàng Tích Phụng
  • Ông ấm Hoàng Tăng Bí (cháu nội cụ Hoàng Tướng Hiệp)
Người dẫn đường cho đoàn sĩ phu Nghệ Tĩnh là bà Trần Thị Trâm (tức Mẹ Lụa trong lời kể của cụ Nguyễn Thị Thanh) là người của Duy Tân hội, tức “hội kín” do Phan Bội Châu thành lập đầu tháng 4-1903.

Như vậy cuộc gặp lịch sử lần ấy nhóm sĩ phu Nghệ Tĩnh có 6 người, nhóm sĩ phu Bắc Kỳ 10 người. (Trong lời kể của cụ Khiêm và cụ Thanh còn thấp thoáng một người nữa là Phan Kế Toại, con quan tuần phủ tỉnh Phúc Yên Phan Kế Tiến, việc này phải hỏi lại nhà văn Sơn Tùng mới biết được).

Các cụ không ra thông cáo hay tuyên bố gì chính thức. Gặp gỡ trao đổi ý kiến cho rõ những vấn đề quan trọng, rồi ai nấy cứ trông nhau mà làm. Trong hồi ký, Phan Bội Châu kể khá kỹ về cuộc họp mà cụ gọi là hội nghị liên tịch bí mật – nhà sử học Tôn Quang Phiệt gọi đó là cuộc Hội nghị toàn quốc - tại trại Nam Thịnh của cụ Tiểu La Nguyễn Hàm ở Quảng Nam (4-1903). Hơn hai chục vị dự họp lần ấy là sáng lập viên của Hội. Hội bí mật này do hoàng thân Cường Để làm hội chủ, nhưng cũng chưa đặt rõ tên gì, đến 1905 sau khi Phan Bội Châu sang Nhật mới đặt tên là Duy Tân hội. Phan Bội Châu - trong hồi ký - tuỳ người tuỳ việc mà ghi, cũng không nói rõ là hội viên hay không là hội viên.

Một điều đặc biệt nữa là cuộc gặp lần ấy thể hiện sự trao truyền kế thừa rất rõ: phần lớn các cụ đều đem cả con em đi cùng, theo vai lứa thì những người trai trẻ này đi “xách tráp hầu cha”, nhưng tinh thần cách mạng sớm được vun đắp sẽ là nhân tố rất quyết định để về sau tất cả những vị đó đều trở thành những nhà cách mạng có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc ta – Người lỗi lạc nhất trong số đó là cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành vài chục năm sau sẽ trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam.

Vẫn lời kể của cụ Cả Khiêm do Sơn Tùng ghi lại: “Sau chuyến đi ấy trở về, chú Thành nói chú ấy được chiêm mộ các cụ nghè cụ cử danh tiếng, trong các cuộc hội kiến có cả các vị quan to đang tại vị cũng tham dự”

Về chuyến đi lịch sử này, Ngô Đức Kế còn lưu lại được một bài thơ. Đoàn các cụ từ nhà cụ Hồ Phi Thống ra đi, phần nhiều các cụ từ nhỏ học hành ở quê nhà, rồi vào Huế đi học hoặc đi làm, chưa ai có dịp ra các tỉnh phiá bắc, cho nên khi qua Khe Nước Lạnh sang đất Thanh Hoá, một vài cụ có làm thơ cảm tác hoặc xướng hoạ với nhau. Bài cảm tác của Ngô Đức Kế như sau:

清化道中
當路壅嵯峨
問道出清華
此州固多石
其如倉生何
(Nhà báo NGÔ ĐỨC MẬU sưu tầm, ghi chép)

Phiên âm:

Thanh Hoá đạo trung
Ðương lộ ủng tha nga,
Vấn đạo xuất Thanh Hoa.
Thử châu cố đa thạch,
Kỳ như thương sinh hà?

Dịch nghĩa:

Trên đường Thanh Hoá
Núi đá lởm chởm chắn ngang,
Hỏi thăm đường ra Thanh Hoá.
Tỉnh này vốn nhiều đá,
Dân chúng cũng cứng đầu thế chăng?

Dịch thơ:

Lởm chởm núi chạy qua
Hỏi đường ra Thanh Hoá
Xứ này vốn nhiều đá
Đầu dân cũng cứng ha!

(Ngạn Xuyên)

Khi đoàn đông sĩ phu Nghệ Tĩnh và Bắc Kỳ gặp nhau thì nhân vật trung tâm của cách mạng hồi này là Phan Bội Châu đang mượn cớ vào học trường Giám để liên kết với các nhân sĩ Nam-Ngãi và Nam Kỳ, rồi gấp rút thực hiện kế hoạch xuất dương sang Nhật Bản. Mồng một tết Ất Tị (1905) cụ Phan lên đường. Ra đến Vinh, cụ bí mật gặp cụ Đặng Nguyên Cẩn lúc ấy đang làm Đốc học Nghệ An. Cụ Đặng nói với cụ Phan: “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước là mở mang dân trí và bồi dưỡng nhân tài thì tôi với ông Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) đảm nhận” [7] . Đó là lời cụ Đặng thay mặt các bạn đồng tâm đồng chí cam kết với Phan Bội Châu trước khi cụ Phan xuất dương tìm phương cứu nước.


Triêu Dương thương quán – Cơ sở yểm trợ Đông Du

Cụ Phan đi lần ấy sang Nhật mới được mấy tháng, khoảng đầu tháng 7-1905 đã quay về ngay. Lúc này thực dân Pháp và Nam triều đã có lệnh truy nã, vì thế từ Hải Phòng, Phan Bội Châu phải đi tàu thuỷ sang Nam Định, rồi từ Nam Định đi tàu hoả vào Vinh, nhưng đến Thanh Hoá cụ xuống tàu, đi bộ về Hà Tĩnh, ghé nghỉ ở nhà cụ cử Đặng Văn Bá ở làng Phù Việt. Cụ Ngư Hải can cụ Phan không nên vào kinh nên cụ phải quay ra ngay. Đến Vinh Phan Bội Châu bí mật hẹn gặp cụ Đặng trên một chiếc thuyền trên sông Lam. Các việc cần làm, cụ Đặng bàn với cụ Phan: “Chúng ta nên nhân cơ hội này tổ chức các hội Nông, Thương, Học làm cho người trong nước biết có đến đoàn thể thì công việc vận động mới dễ, việc này nên bàn với ông Tập Xuyên”. Cụ Phan cũng nói rõ thêm về chủ trương nay: “Tôi cũng tán thành ý ấy. Sau này việc sáng lập ra Triêu Dương thương quán và các học đường, nông hội, đều là theo tôn chỉ này”. [8] Gặp Đặng Nguyên Cẩn xong, Phan Bội Châu ngồi thuyền đi luôn vào Nghèn gặp Ngô Đức Kế. Hai nguời bàn bạc một đêm về việc mở một hiệu buôn ở Vinh, không chỉ để tuyên truyền mà con làm cơ sở để vận động tiền quyên góp của người Nghệ Tĩnh giúp cho công cuộc Đông du. Cũng vì mục đích ấy cụ Phan còn bí mật đi mấy nơi khác nữa ở Nghệ Tĩnh (trong hồi ký cụ nói phải bí mật ở lại để họp bàn với các đảng viên). Sau khi gặp Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế cũng đi ngay ra Vinh gặp Đặng Nguyên Cẩn để trù liệu việc mở hiệu buôn.


Thời gian ở Vinh, Ngô Đức Kế ở nhà bố vợ là cụ án Nguyễn Văn [9] (ở xóm Bến Đền làng Trung Mỹ tổng Yên Trường – nay thuộc thành phố Vinh).Giúp các việc cho cửa hiệu còn có em trai Ngô Đức Kế là ông Ngô Đức Thiệu và cháu bên vợ là ông Nguyễn Ngạn (sau thường gọi là ông Hàn Ngạn), sau ít lâu có cụ Lê Văn Huân ở Trung Lễ ra tham gia công việc nữa. Cửa hiệu treo biển Triêu Dương thương quán ở phố Cầu Rầm, khai trương trong khoảng tháng 11-1905. Lúc đầu bán mây tre luồng nứa, sau bán cả chiếu, nuớc mắm, dầu mật v.v… đều là nhũng thứ hàng lâm thổ sản sẵn có ở địa phương do dân từ Hương Sơn, Hương Khê bên Hà Tĩnh hay từ Đô Lương, Thanh Chương chở thuyền xuống bán. Các cụ làm buôn bán thật chứ không chỉ làm danh nghĩa. Việc kinh doanh dần dần phát đạt, lời lãi đều dồn cả để chờ phái viên của cụ Phan về nhận chuyển đi.

Sau đây là những tin tức về Triêu Dương thương quán có trong Hồ sơ bản án Ngô Đức Kế lưu ở CAOM (Centre dés Archives d’Outre Mer/ Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence, CH Pháp) do bà Lê Thị Kinh cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh sưu tầm công bố. Chúng tôi đặc biệt tán thưởng công trình của bà. Ngày xưa cụ Phan Chu Trinh đã làm hết sức để kêu gọi ân xá cho các bạn bù trong đó có Ngô Đức Kế, nay chúng tôi cám ơn nhờ bà mà chúng tôi có thể trích dẫn được các tư liệu liên quan đến Ngô Đức Kế:
  • Vào tháng 7 năm (Thành Thái) thứ 17 (1905) Phan Bội Châu đã gửi một bức thư cho người An Nam…, và cùng lúc ông ta gửi thư riêng cho từng người, trong số đó có tên sau: Phan Châu Trinh, Hoàng Hanh, Ấm Hàm ở Quảng Nam,… Đặng Nguyên Cẩn ở Nghệ An (nguyên đốc học ở Hà Tĩnh, nay ở Phan Thiết), Ngô Đức Kế ở Hà Tĩnh.
  • Vào tháng 4 năm thứ 18 (1906) Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế bắt đầu vận động góp vốn để mở hiệu buôn, nhưng đó chỉ nhằm để che dấu động cơ chính: gửi tiền sang Nhật. Ở Nghệ An các khoản đóng góp do Đặng Nguyên Cẩn nhận, ở Hà Tĩnh do Ngô Đức Kế. Một tiệm buôn được mở ở Vinh, một tiệm khác được mở ở chợ Trổ (Hà Tĩnh) do thủ khoa Huân chủ trì. Các khoản thu được đều gửi cho Lương Tam Kỳ và ông này chuyển sang Nhật.
  • Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế định gửi tiền thêm vào tháng 5 và tháng 6 năm đó (1906), nhưng Cẩn đã bị chuyển vào Phan Thiết, Khi đi y phó thác việc lãnh đạo cho Ngô Đức Kế, nhưng ông này không xoay ra tiền và ít lâu sau ông ta bị bắt.
(Tóm tắt nội dung thẩm vấn tên Tắc lãnh Lê Văn Hạ do công sứ Hà Tĩnh Doucet thực hiện. CAOM-Spce 373/6bis) [10]
  • Năm ngoái [1907] Tiến sĩ Ngô Đức Kế và Giải Nguyên Lê Huân đã gửi những lời cổ võ đến các nhà giàu ở trong nước nói rằng hiện Phan Bội Châu đang ở Nhật Bản, trong thời gian ngắn người ta sẽ nhận được tin tốt lành, nên góp tiền dưới danh nghĩa lập một hội buôn để đáp ứng những nhu cầu trong tương lai… Người ta đã trích ra một món để lập hội Triêu Dương (một cửa hàng ở Hà Nội và một ở Nghệ An), các chủ hiệu được đặt dưới quyền của Ngô Đức Kế, nhằm mục đích tạo sự dễ dàng cho việc thông báo tin tức…
(Hồ sơ Bản án số 144 về Ngô Đức Kế: Báo cáo mật ngày 15-08-1908 của Phó tổng XXX) [11]
  • Có tin đồn rằng Tiến sĩ Ngô Đức Kế, Giải nguyên Phan Bội Châu, Lê Văn Huân, ấm sinh Lê Võ và Tú tài Phạn Văn Ngôn đã làm những việc sau:

    1. Họ đã dựng những nhà hàng, lập một hội buôn làm kế thu thập tiền bạc. Sự đóng góp tuỳ theo khả năng của mọi người, không ép buộc. Họ đã kích động… Họ cử một quản lý, một phó quản lý để nhận tiền góp. Tiền lời hàng năm của việc buôn bán giành để trợ giúp cho những ai sẵn sàng đi ra nước ngoài để học kỹ nghệ. Số dư thừa được nhập vào quỹ dự trữ…
    2. Tiền thu được sẽ qua người trung gian là Ấm Võ chuyển cho một người Hoa, Sào Nam Tư (sic?) ở Hà Nội, hay cho Phan Châu Trinh ở Quảng Nam để gửi cho Phan Bội Châu ở Nhật Bản…
(Hồ sơ Bản án số 144 về Ngô Đức Kế: Tin tức do cựu Phó quản xxxx cung cấp, 15-7-1908)
  • Tôi được biết Ngô Đức Kế và Lê Hoan (sic/ đúng là Huân chứ không phải Hoan - NĐT), đã lập các hãng buôn ở Nghệ An và họ đã gửi tiền lời cho Phan Bội Châu đang học tập ở Nhật Bản…
(Hồ sơ Bản án số 144 về Ngô Đức Kế: Tin tức do cựu Bang biện xxxx cung cấp)

… Tôi cũng còn được biết rằng Phan Bội Châu giao cho những người đồng hội với mình, chỉ định Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế là chánh phó Hội thương để nhận tiền quyên góp… Đặng Văn Bô (sic/ Bô, đúng ra là Bá. - NĐT) giỏi thuật phong thuỷ và tử vi đã đi khắp nam bắc để diễn thuyết về hiện tình của dân chúng, thu gom tin tức về phong trào Đề Thám và tập hợp những đồng hội tận tuỵ và sẵn lòng đóng góp tiền nhằm trao cho Ngô Đức Kế.

(Hồ sơ Bản án số 144 về Ngô Đức Kế: Tin tức do Bát phẩm XXXX cung cấp)

Qua bản khai của 5 “nhân chứng” của mật thám Pháp trên đây, có thể thấy các cụ ở Triêu Dương thương quán có rất ít kinh nghiệm hoạt động bí mật, cho nên công việc quá lộ, con số tay sai do thám cho Pháp chắc chắn không chỉ 5 người có bản khai đã dẫn trên. Tình hình đó đại thể Phan Bội Châu cũng có biết: “Tôi nghe nói trong thương điếm thường công khai thảo luận việc cách mạng, tôi rất lấy làm lo, vì tình thế khó khăn không thể trong một địa điểm, trong một thời gian vừa nói vừa làm mà lại thu được kết quả bao giờ”. Trong lần về nước lần thứ hai, đầu năm 1907 về Hà Nội, gặp lúc Ngô Đức Kế ở Nghệ ra, Phan Bội Châu cũng nhắc Ngô Đức Kế về việc ấy, nhưng bây giờ công việc của thương quán cũng đã quá lộ. "Tôi có dặn bảo ông Tập Xuyên, nhưng đã quá muộn rồi." -Phan Bội Châu viết như vậy.

Những đoạn văn văn trích trong hồ sơ mật thám Pháp trên đây cho chúng ta thấy khá rõ thời gian thành lập Triêu Dương thương quán và những người phụ trách ở thương quán ấy. Quan trọng hơn, nó khẳng định mục đích buôn bán của Triêu Dương thương quán là thu góp lời lãi để lấy tiền tài trợ cho hoạt động Đông Du, đồng thời thương quán cũng là địa điểm để nhân sĩ Nghệ Tĩnh lui tới bàn bạc trao chuyển các khoản tiền quyên góp được để chuyển sang Nhật cho cụ Phan Bội Châu.

Chúng tôi theo lời kể của ông Ngô Đức Đệ (con ông Ngô Đức Thiệu có tên đã nói trên) đã biết mục đích này của Triêu Dương thương quán, hồi cuối năm ngoái đã cung cấp vài thông tin cho anh Nguyễn Văn Hoàn (chồng chị Đặng Thanh Lê cháu nội cụ Đặng Nguyên Cẩn), sau đó mới tìm được cuốn sách quý của bà Phan Thị Kinh, có được các cứ liệu rõ ràng như trên về Triêu Dương thương quán. Điều này cũng có nghĩa là cách đây chưa lâu các nhà nghiên cứu lịch sử về giai đoạn này, khi viết về phong trào Duy Tân nói chung thì cũng có nhắc đến Triêu Dương thương quán, nhưng ghi tự nhiên như đó là kết quả của việc vận động thành lập các Hội Nông, Thương, Học chung chung, mà chưa một tài liệu nào khẳng định và nói rõ thương quán ấy chính là một cơ sở của Duy Tân hội có mục đích tự kiếm và quyên góp tiền để tài trợ kinh phí cho công cuộc Đông Du. Tôi nhớ trước đây có tác giả cũng có đề cập đến Triêu Dương thương quán ở Vinh, nhưng đặt nó trong mục đích xem xét tính giai cấp của thương quán. Lúc ấy tư tưởng vô sản thì chưa có, và ý tác giả muốn xếp Triêu Dương thương quán vào xu hướng phát triển của giai cấp tư sản Việt Nam mà không thấy nói gì đến mục đích của thương quán Triêu Dương mở ra là để phục vụ cuộc vận động yêu nước chống Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Các cụ có biết tư sản vô sản gì đâu, chỉ biết kiếm tiền, quyên góp tiền để chuyển sang Nhật cho cụ Phan nuôi học trò Đông Du và chi dùng vào các hoạt động tuyên truyền vận động chống Pháp giành độc lập cho dân tộc mà thôi.

Mật vụ Pháp đã dò biết đích xác hoạt động mà chúng cho là nguy hiểm của Triêu Dương thương quán, chúng tìm cách ngăn chặn ngay. Trước hết là “xứ lý” đối với Đặng Nguyên Cẩn. Sở mật thám biết hành tung của nhà yêu nước này rồi, vẫn để yên để theo dõi cụ ở chức Đốc học Nghệ An, nhưng đến đầu năm 1907 thì quyết định điều chuyển ngay Đặng Nguyên Cấn đi làm đốc học tận Phan Thiết (để cắt đứt liên hệ với nhóm Triêu Dương). Và như lời khai của Phó tổng Nguyễn Huân, Pháp cũng biết sau khi Đặng Nguyên Cẩn đi hoạt động của Triêu Dương thương quán do Ngô Đức Kế điều khiển. Thêm một chi tiết mới, qua lời khai của tắc lãnh Lê Văn Hạ, chúng ta biết ngoài cửa hiệu ở Vinh do Ngô Đức Kế chủ trì, còn có một hiệu buôn ở Chợ Trổ (Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) do Thủ khoa Lê Văn Huân chủ trì. Cửa hiệu này gần làng quê Trung Lễ của Lê Văn Huân. Trước chúng ta cũng biết Lê Văn Huân cộng tác với Ngô Đức Kế trong công việc của Triêu Dương thương quán, nhưng qua lời khai của Lê Văn Hạ chúng ta biết có cửa hiệu ở chộ Trổ do Lê Văn Huân chủ trì. Nhưng cửa hiệu này không hoạt động độc lập, và chúng ta cũng không nghe nói một thương quán nào khác của phong trào Đông Du ở Nghệ Tĩnh, có nghĩa là của hiệu ở chợ Trổ là một chi nhánh của Triêu Dương thương quán chứ không phải một tổ chức riêng. Lời khai của Phó tổng Nguyễn Huân cũng có điểm đáng chú ý là Triêu Dương thương quán ngoài cửa hàng ở Vinh còn có một cửa hàng ở Hà Nội. Điều này cũng khá hợp lý vì Triêu Dương cũng có thể chở hàng ra bán ở Hà Nội và mua hàng Hà Nội về bán ở Vinh. Điều này cần được tìm hiểu thêm vì dù sao, ngoài lời khai này, trước nay chưa thấy có tác giả nào cung cấp thông tin gì về cửa hàng thứ hai này của Triêu Dương (nếu có) tại Hà Nội. Còn điều tên Lê Văn Hạ khai sau khi Đặng Nguyên Cẩn chuyển đi, Ngô Đức Kế “không xoay ra tiền” cho Đông Du thì không có cơ sở, vì y không được xem sổ sách các đợt tiền từ Triêu Dương thương quán gửi đi thì lời của y chỉ là đoán chừng đoán mò mà thôi.

Thời gian này, Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam mới đậu Hội nguyên Tiến sĩ khoa 1904, đỗ xong, cũng như Ngô Đức Kế khoa trước - không ra làm quan. Cụ Phan Chu Trinh vào bộ Lễ nhận chức Thừa biện, nhựng chưa đầy năm đã cáo quan về. Cụ Nguyễn Sinh Huy xin lưu dưỡng ở quê, rồi ra Bắc vào Nam kết giao nhiều danh sĩ, không may vợ là bà Hoàng Thị Loan mất sớm, các con còn nhỏ, gia cảnh khó khăn, nên đầu 1905 lại phải vào kinh nhận chức Thừa biện. Nhưng các cụ đối với nhau có tình cảm tương kính hoà ái mẫu mực,xuất xử tuỳ theo gia cảnh, chỉ một niềm đồng tâm đồng chí mưu tính việc cứu quốc là đặt lên trên hết.

Cụ Phan Chu Trinh thôi việc xong là đi ngay ra Bắc. Chủ trương chính trị của Phan Chu Trinh bấy giờ cũng đã hình thành khá rõ. Sau khi nhận được thư Phan Bội Châu từ Nhật gửi về, cuối năm 1905 Phan Chu Trinh cũng quyết phải đi Nhật một chuyến.

Tài liệu của bà Phan Thị Kinh viết: “Trong khi chuẩn bị đi Nhật đầu năm 1906 Phan Chu Trinh đã dựa vào những nhân sĩ quen biết thời kỳ ở Huế như Ngô Đức Kế, Đào Nguyên Phổ v.v… và qua họ được giới thiệu với giới sĩ phu Bắc Hà.” [12]

Tài liệu của Nguyễn Văn Xuân cho biết rõ hơn: “Từ Quảng Nam Phan Chu Trinh ra thẳng Hà Nội gặp Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành… để bàn kế duy tân. Sau đó lại lộn vào Nghệ Tĩnh để gặp Tập Xuyên Ngô Đức Kế vốn là bạn của ông từ trước để cùng với các sĩ phu duy tân ở đây bàn chương trình hành động” [13] .

Theo lời kể của ông Ngô Đức Đệ thì hai cụ đã có thư hẹn nhau từ trước. Cụ Ngô sợ lộ không muốn tiếp cụ Phan ở hiệu buôn, dặn ông Đệ đúng giờ tầu khách về ra đón cụ Phan tại ga Vinh rồi thuê xe kéo đưa cụ Phan về Nghèn. Hai cụ chuyện trò với nhau suốt ngày hôm ấy. Phan Chu Trinh và Ngô Đức Kế một người đỗ xong không ra làm quan, một người có ra nhưng ngồi chưa nóng chỗ đã “cáo” về luôn. Chủ đề chế độ quan trường hủ bại không phải là chuyện hai ông nêu lên lần đầu, nhưng lần này – sau khi Phan Chu Trinh đã bỏ quan về, lại sau khi Phan gặp cụ cử Lương Văn Can và các sĩ phu Bắc Hà, gấp rút chuyến đi Nhật, cho nên Phan Chu Trinh bàn với Ngô Đức Kế để mở ngay một phong trào duy tân mạnh mẽ, kêu gọi quốc dân đồng bào chấn hưng dân khí, mở mang dân trí. Ngô Đức Kế rất nhất trí với Phan Chu Trinh về việc này và khởi sự công việc để làm ngay (là việc viết hai bức thư - sẽ nói tiếp sau vài đoạn). Cụ Chu Trinh rất sốt ruột về chuyến đi Nhật vì cụ biết tin cụ Bội Châu đã đón Cường Để sang Nhật rồi. Vì vậy chủ đích của cụ Chu Trinh rất rõ ràng: một là gặp mặt thảo luận với cụ Bội Châu về chuyện quân chủ hay dân chủ, hai là để xem cho biết nước Nhật như thế nào rồi về ngay chứ không có ý định ở lại lâu ngày trên đất Nhật. Cả trong chuyến đi và trên đất Nhật, hai cụ Bội Châu và Chu Trinh đã chuyện trò trao đổi với nhau rất thẳng thắn.

Đại thể ý của cụ Chu Trinh là: “Trình độ quốc dân người ta như thế, trình độ quốc dân mình như thế kia, không làm nô lệ sao được?”, “không cần hô hào đánh Pháp, chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác”, “trước hết đánh đổ ngay quân chủ để làm cơ sở xây dựng nhân quyền”.

Đại thể cụ Bội Châu cũng thừa nhận phải nâng cao dân trí chống ngu dân hủ bại, nhưng cái chính là vẫn tiếp tục lợi dụng quân chủ để hô hào đánh đuổi ngay giặc Pháp, đợi khi độc lập rồi sẽ mưu tính đến việc khác, còn như bây giờ để giặc ngoại xâm đó, “dân không còn nữa, mà chủ với ai?” [14] .

Hai cụ rất kính trọng nhau, quý nhau ở tinh thần cứu quốc tối thượng, nhưng chủ trương biện pháp thì trái ngược nhau như vậy [15] . Cụ Chu Trinh chỉ ở Nhật trong mười ngày rồi về ngay. Cụ Bội Châu tiễn cụ Chu Trinh về đến Hương Cảng. Khi chia tay cụ Bội Châu nhờ cụ Chu Trinh nói với các ông Thạnh Bình (tức Huỳnh Thúc Kháng), Thai Sơn (Đặng Nguyên Cẩn), Tập Xuyên (Ngô Đức Kế) nên hết sức mở mang dân trí, gắn chặt tình đoàn kết để có nhiều người làm hậu thuẫn cho tân đảng.

“Gắn chặt tình đoàn kết” có lẽ là lời nhắn nhủ về nước rất quan trọng của Phan Bội Châu lúc này. Sau cả thế kỷ đọc lại các trang sử về đoạn này của các cụ thấy quả thật có một sự khó xử nào đó đối với các sĩ phu trong nước. Cả hai cụ Phan đều bậc lãnh tụ yêu nước hàng đầu, nhưng quân chủ độc lập trước hay dân chủ trước? Chủ trương nào cũng có mặt rất đúng, nhưng đọc các sử liệu còn lại có thể nghĩ các sĩ phu trong nước có lẽ thấy ý kiến của hai cụ đã đủ rõ rồi cho nên không bận tâm vào việc tranh biện chủ thuyết mà dồn vào hành động cụ thể cần kíp lúc này.

Bấy giờ là giữa tháng 5-1906, Ngô Đức Kế vẫn tiếp tục cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân điều hành công việc ở Triêu Dương thương quán. Các hội viên bí mật của Duy Tân hội hoạt động ráo riết để vận động các thân hào cùng những nhà giàu hảo tâm yêu nước quyên góp tiền nuôi phong trào Đông du. Các món tiền quyên góp ấy phần nhiều chuyển cho ấm sinh Lê Võ để Lê Võ giao cho một người Hoa ở Hà Nội, người ấy lo chuyển sang Nhật cho Phan Bội Châu; cũng có khi Lê Võ [16] chuyển vào Quảng Nam cho Phan Chu Trinh để cụ Chu Trinh chuyển cho cụ Bội Châu ở Nhật. Ở điểm này chúng ta cũng có thể thấy một điều rất đáng quý: hai cụ tuy chủ trương trái nhau, nhưng tình cảm quan hệ cá nhân thì rất gắn bó ủng hộ nhau, một tình bạn cao quý như thế người tầm thường không thể có được.


Thư kiến nghị sửa đổi phép học phép thi (1907)

Việc quan trọng thứ hai trong năm này (1906) của Ngô Đức Kế là: Sau khi đi Nhật về, cụ Phan Chu Trinh lại ghé Vinh gặp Ngô Đức Kế. Cụ Phan cho Ngô Đức Kế biết các cuộc tiếp xúc của cụ ở Nhật. Không rõ lúc này cụ Chu Trinh đã viết xong Bức thư ngỏ gửi Toàn quyền Đông Dương hay chưa, nhưng đúng dịp này - để phối hợp với Phan Chu Trinh - Ngô Đức Kế đã viết một bức thư dài gửi Thượng thư bộ Học kiến nghị về việc sửa đổi phép học phép thi.

Việc học tập thi cử trước vẫn là thuộc bộ Lễ, từ năm Thành Thái 1907 triều đình bắt đầu lập riêng bộ Học thăng Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục làm Thuợng thư bộ này. Cụ Cao đối với Ngô Đức Kế không chỉ là đồng hương mà còn thân tình như bậc cha chú, cho nên việc Ngô Đức Kế gửi thư cho bộ Học để kiến nghị về phép học phép thi cũng là một thuận lợi để Ngô Đức Kế trình bày thẳng thắn ý kiến của mình.

Nguyên văn bức thư được chép tay trong một cuốn sách của Thư viện Long (tức Thư viện riêng của Cao Xuân Dục). Đó là cuốn Văn minh tân học sách, ký hiệu A.566 ở Thư viện KHXH (VĐBC cũ, nay thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Cuốn sách này chép nhiều tài liệu liên quan đến Đông kinh Nghĩa thục và phong trào Duy Tân, trong đó có các bài: “Văn minh tân học sách”, “Cáo hủ lậu văn”, “Nghĩ ngã quốc kim nhật nghi cải giáo pháp thí pháp luận”, “Dữ kinh trung chư hữu thư” v.v… Bài thứ bảy là bài “Bẩm vị thỉnh tương thí pháp lược hành cải định dĩ cổ sĩ phong nhi hợp thời nghi sự” (Tờ bẩm xin sửa đổi phép học phép thi để cổ vũ sĩ phong và hợp với thời thế). Bài này nguyên văn là bức thư, không có đầu đề, theo thông lệ cách viết thư ngày trước ngay câu đầu đã phải nêu lên nội dung mục đích viết thư, như kiểu các câu trích yếu nội dung trong các công văn ngày nay. Câu đầu văn bản ấy chính là nội dung mục đích bức thư. Tư liệu quý này do học giả Trần Văn Giáp phát hiện, đã ghi trong cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (1972).

Tôi làm biên tập sách ấy của cụ Thúc Ngọc, tất nhiên là ngay trong năm ấy tôi đã sao chép bản văn quý này của ông tôi và cũng đã tự dịch ngay để làm tư liệu. Hồi ấy chưa có photocopy, phải chép tay, may là bức thư cũng không quá dài. Tôi đem cả bản chép và bản dịch khoe với cụ Đào và nhờ cụ đọc duyệt cho. Cụ Đào có ý mừng, nói: “Mình cũng đã có ý tìm nhưng lâu nay chưa thấy”. Cụ Đặng Thai Mai sau đó cũng bảo tôi: “Bức thư cụ Ngô đòi cải cách khoa cử là tư liệu rất quý vì vấn đề cải cách khoa cử của ta chưa ai nghiên cứu mấy”. Tiếc là từ đó dến nay chưa có dịp nào thích hợp để giới thiệu bức thư này của Ngô Đức Kế.

Nay tôi xin công bố cả nguyên văn và bản dịch Bức thư kiến nghị sửa đổi phép học phép thi của Ngô Đức Kế gửi Thượng thư bộ Học năm 1907. Tuy nhiên, vì bài viết này của tôi đến đây cũng đã dài, vậy xin tách bức thư thành một phụ lục để quý độc giả xem tiếp thêm.

Bức thư mở đầu đặt vấn đề rất nhanh: Nhà nước mở các khoa thi chọn người tài là phép tắc rất tốt đẹp. Nhưng thời thế thay đổi thì các phép tắc cũng phải thay đổi theo, “cùng tắc biến”, có thế các phép tắc tốt đẹp mới có thể tồn tại được. Tiếp đó Ngô Đức Kế thẳng thắn nêu nhận xét: Khoa cử do người Trung Quốc đặt ra, nhưng gần đây họ đã bãi bỏ để xây dựng nền học mới, thi cử kén chọn nhân tài theo kiểu mới. Nhờ đó mà biết chính trị học thuật của thế giới. Trong khi đó sĩ phu nước nhà “như say như tỉnh, như mộng như thức”, “Sự tích Hán tổ Đường Tông thuộc làu trong bụng, nhưng bàn bạc thời cục thì mịt mù chẳng hay”, “Trông ra thế giới thì người ta mỗi ngày một tiến như kia, nhìn đến đất nước ta thì người mình mỗi ngày một lùi như thế”. Nguyên nhân, bức thư viết tiếp: “Xa tìm nguồn gốc, gần tìm nguyên nhân, thì thấy học thuật của ta chưa tốt là do phép học phép thi bị ràng buộc.”

Xét lợi hại các mặt thì thấy:

Từ thời Trần, Lê đến bản triều (Nguyễn) vẫn dùng một phép học phép thi mà văn giáo nhờ đó được duy trì, cũng có nhân tài xuất hiện. Đó là do ở những thời ấy thuỷ bộ chưa thông, người nước ta cho rằng văn trị vũ công không đâu bằng Trung Quốc.

Ngày nay “thời” đã thay, “thế” cũng đã đổi: cục diện chính trị xã hội khoa học kỹ nghệ, tài chính công thương v.v… đã đổi mới cả rồi, “tất cả đều chưa từng có trong các sách vở cũ”.

Thế mà ta cứ bám lấy các sách vở cũ ấy mà học mà thi. Sách vở cũ chỉ nói về một nước Trung Quốc bảo thủ, bế quan toả cảng ngày xưa, chứ không phải là một nước Trung Hoa thông đạt bốn phương tám hướng như ngày nay!

Khoa học công nghệ của các nước trên hoàn cầu phát triển mau chóng,“quỷ thần cũng không lường được cái công dụng của nó”, quyết không thể đem cái học dùi mài từ chương mà điều khiển nó được, tư tưởng phát đạt mới lạ hàng tháng hàng ngày, quyết không thể dùng những cách thức buông nắm viễn vông nghìn năm cũ rích mà hạn chế nó được.

Sĩ phu không phải không biết “thời văn” là vô dụng, nhưng vì triều đình dùng thời văn để thi cử chọn người, sĩ phu nếu bỏ thời văn tất không có đường tiến thân.

Ngày nay thế giới cạnh tranh kịch liệt, sự thế đã trở nên rất cấp bách. Nếu sĩ phu nước ta thường ngày vẫn tự xưng là nhà khoa mục, nhưng so với cái người ta biết thì mình không biết, cái người ta làm được mình không làm được, liệu người ta coi mình là hạng người gì?

Vấn đề ngày nay là: Nếu phép học phép thi không thay đổi thì tân học không hưng thịnh, tân học không hưng thịnh thì trí tuệ không mở mang, trí tuệ không mở mang thì công nghệ không tấn tới, mỏ than mỏ sắt không biết khai thác, nông hội thương hội không biết hợp đoàn v.v…

Suy tính các khó khăn việc cải cách khoa cử phải chia ra từng bước, tác giả bức thư kiến nghị một lộ trình tối thiểu cụ thể:

Nếu triều đình cho là chưa thể thi hành ngay được thì cũng cần phải biến thông chút ít: Bỏ các môn chế nghĩa, thi phú, chiếu biểu, chỉ chuyên thi sách, luận. Hỏi những câu về các ý nghĩa lớn trong kinh truyện, những sự kiện lớn trong vài bộ sử (sử Việt Nam, sử Trung Quốc, sử Thái Tây), cùng là những điều thực học chính trị, công thương, cách trí”. Một mặt “cho mua nhiều tân thư, cho phiên dịch ra, rồi in mà phát hành rộng rãi”, “khiến cho sĩ phu nước ta ra khỏi nơi tăm tối mà trông thấy ánh sáng rạng soi, thoát khỏi ràng buộc mà theo đòi tự do”… Tri thức được mở mang thì tài nghệ tự tiến bộ. Ứng dụng vào việc trị dân thì lòng yêu nước thương nòi bồng bột nảy sinh, ứng dụng vào việc lý tài thì việc chung sức gom vốn ùn ùn nổi dậy. Lúc bấy giờ con mắt người nước ngoài nhìn ta mà không nâng lên một bực thì chưa hề có thể như thế!

Lời tâm huyết cuối thư, Ngô Đức Kế viết:

Chúng tôi từng do khoa cử xuất thân, không phải không nghĩ câu “Vác giáo vào nhà”, “Qua sông phá cầu”. Nhưng thời thế bức bách, chúng tôi những nóng ruột, nhức đầu, bẽ mặt, tủi hổ…Kính mong đại nhân (Thượng thư bộ Học) đừng thoái thác khó khăn, đem kiến nghị của tại hạ ra xét duyệt mà thi hành, khiến cho cái học hư văn ngày một bớt, nền thực học ngày một tăng, rồi sau đó sẽ tuỳ theo thời thế mà biến thông cho đến mức thật tốt. Đuợc như thế thì sĩ phu may mắn lắm, thiên hạ may mắn lắm!

Sắc tứ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Ngô Huệ Kế túc

敕 賜 弟 三 甲 同 進 士 出 身 吳 惠 繼 肅

(Người được vua ban Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân là Ngô Huệ Kế kính thư).

Cụ Thúc Ngọc có ghi là: “Đáng lẽ là chữ “đức” viết lối cổ, nhưng người chép viết sai là “Huệ”. Tôi và mấy người quen biết thì cũng muốn thêm một lý do có lẽ đơn giản là do người chép sách nhầm tên lót của con với tên lót của cha (Huệ Liên).


Ngô Đức Kế và Đông kinh Nghĩa thục

Ước mong đất nước có một nền tân học để có thể sánh ngang “liệt quốc” [17] là khát vọng của cả tầng lớp sĩ phu yêu nước bấy giờ. Khiếu Năng Tĩnh, Cao Xuân Dục, Hồ Đắc Trung, Đào Nguyên Phổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Sinh Huy, Huỳnh Thúc Kháng v.v… Ngô Đức Kế là nhà khoa bảng trẻ tuổi nhất từ hồi ở Huế đã hăng hái góp phần làm nên làn sóng đòi hỏi tân học đó. Việc Ngô Đức Kế đỗ cao mà không ra làm quan phần nào cũng cho thấy cụ đã chán ngán tình trạng hủ bại của cả chế độ quan lại và chế độ khoa cử lỗi thời. Thực trạng thì kể cả các cụ đang giữ các chức vụ cao tại triều như Cao Xuân Dục, Hồ Đắc Trung, có thể nói ai cũng đều biết thế cả. Nhưng làm mạnh thì cũng phải kể sự việc “Ba ông xứ Quảng” (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) mạo chung một cái danh Đào Mộng Giác làm bài phú “Lương ngọc danh sơn” và bài thơ “Chí thành thông thánh” bài bác khoa cử ngay trong một cuộc thi khảo hạch của tỉnh Bình Định:

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thụy mộng trung.

Ngoảnh lại giang sơn luống lẩng lơ,
Anh hùng rầu rĩ khóc người sơ.
Muôn dân tôi tớ phường quyền mạnh,
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ.

(Trần Quý Cáp dịch)

Dư luận một dạo đã xôn xao. Cách ít lâu lại đến Bức thư xin sửa bỏ phép thi của Ngô Đức Kế, trong Nam ngoài Bắc sĩ phu phần nhiều đều chép truyền tay nhau đọc.

Hồi này ở Bắc các nhân sĩ yêu nước đều biết tiếng cụ cử Lương Văn Can. Cụ Cử đã cho hai con trai là Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh sang Nhật với Phan Bội Châu, sau khi Phan Chu Trinh về Hà Nội gặp cụ bàn các việc, cụ trù liệu ngay việc mở trường mang tên Đông kinh Nghĩa thục. Nhà cụ ở số 32 Hàng Ngang, thuận tiện gặp gỡ các danh sĩ Nam Bắc, từ chuyến đi 1903 và các năm sau Ngô Đức Kế nhiều lần đến cùng bàn việc với cụ Cử Can ở đó. Đông kinh Nghĩa thục khai trương, không chỉ thiếu niên mà nhiều người lớn tuổi cũng đăng tên xin học. Một nền tân học – đang rất sơ khai –nhưng đã xuất hiện ngay tại Hà Thành chứ không phải trong ước vọng xa xôi. Là người nhiệt tâm kêu gọi tân học như lời lẽ bức thiết đã thể hiện trong Bức thư kiến nghị sửa đổi phép thi, lại có liên hệ thường xuyên với cụ cử Can, dễ hiểu Ngô Đức Kế là nhân vật tán trợ chủ trương, ủng hộ tích cực công việc của Đông kinh Nghĩa thục. Tham gia giảng dạy hàng ngày thì cụ không có điều kiện vì từ đầu năm 1907 Đặng Nguyên Cẩn đã bị điều đi Phan Thiết, chỉ còn Ngô Đức Kế lo công việc của Triêu Dương thương quán ở Nghệ An. Trước đây các tài liệu đều nói Ngô Đức Kế có tham gia Đông kinh Nghĩa thục, nhưng gần đây, kể cả trong dịp kỷ niệm 100 năm Đông kinh Nghĩa thục không rõ các nhà căn cứ vào hồ sơ hay tiêu chuẩn gì nhưng không thấy nhắc đến Ngô Đức Kế. Âu cũng vì ngày trước các cụ do yêu nước mà hoạt động việc này việc nọ nhưng lại quên không xin các giấy tờ chứng nhận nên ngày nay có ghi hay không ghi cũng tuỳ quyền từng người. Tuy nhiên vẫn có những ghi nhận đúng sự thực như bài của Giáo sư Nguyễn Đình Chú ở ĐHSP Hà Nội:

Tiêu biểu cho tập thể giảng viên của Đông kinh Nghĩa thục là vị Thục trưởng Lương Văn Can (1854-1924), thứ đến là vị giám học Nguyễn Quyền (1869-1941). Còn đội ngũ thì gồm: Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Phan Lãng, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Cầu, Bùi Liêm, Nguyễn Quang Đoan (con Nguyễn Quang Bích), Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn... Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế tuy không là thành viên trực tiếp nhưng cũng từng lui tới giảng bài, đặc biệt là Phan Châu Trinh. Tập thể ấy đã có mặt với lịch sử dân tộc không chỉ với tư cách những nhà giáo mà cao hơn còn là những nhà tư tưởng, những nhà văn hóa, những nhà cách mạng hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cứu nước.

(GS Nguyễn Đình Chú, “Thấy gì từ trường Đông kinh Nghĩa thục”, tạp chí Tia sáng)

Nguyễn Đình Chú cũng dẫn Cách mạng cận đại Tập III ghi nhận Ngô Đức Kế có chân trong Ban Trước tác của Đông kinh Nghĩa thục. “Một học viên cũ của trường cho biết: Khi nhà trường sắp bị giải tán thì Ngô Đức Kế có dịp tới trường để góp phần củng cố và khích lệ tinh thần của học viên”.

Hoặc cũng xin lưu ý rõ nhất đến một nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thanh Bình ở Trường ĐHKHXHNV TP Hồ Chí Minh:

Về tổ chức, trường có 4 ban lớn.

Trước hết là Ban Giáo dục: Giảng viên Hán học gồm các vị Nguyễn Quyền, Vũ Trác, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Đào Nguyên Phổ… Ban Việt văn và Pháp văn có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá, Nguyễn Bá Học đảm trách và có thêm hai nữ giáo viên dạy quốc ngữ cùng Pháp ngữ cho nữ sinh. Ban sử địa, toán do Trần Đình Đức, Phan Đình Đối chủ trì.

Thứ hai là Ban Tu thư (Trước tác): Gồm hai bộ phận là biên soạn và dịch thuật có nhiệm vụ biên soạn các giáo trình, tư liệu giảng dạy, học tập cho các thầy trò. Lực lượng nòng cốt là Lương Văn Can, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Đại. Chính 2 chí sĩ Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế cũng tham gia, nhất là cụ Ngô Đức Kế rất tích cực trong Ban này. Các ấn phẩm chính là Quốc dân độc bản (được in và tái bản nhiều lần tới hàng vạn bản mới đủ cho nhu cầu), Văn minh tân học sách, Nam quốc địa dư, Nam quốc giai sự, Luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư. Nguồn sách dịch chủ yếu là Tân văn, Tân thư của Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, các tác phẩm của nhiều danh sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền đều được dùng làm tài liệu giảng dạy. Trường có thư viện lớn, có cả Hộp thư góp ý cho việc giảng dạy.

Thứ ba là Ban Tài chính phụ trách chi, thu của trường; tổ chức quyên góp quỹ từ nguồn các nhà hảo tâm, gia đình phụ huynh học sinh ủng hộ và đóng góp của hội viên sáng lập trường.

Thứ tư là Ban cổ động chuyên tổ chức các buổi diễn thuyết, bình văn, hội họp để gây ảnh hưởng rộng lớn, tiến vang, nâng uy tín, vai trò cho Đông kinh Nghĩa thục. Trường còn biết dùng hai tờ báo có tiếng lúc đó - tờ Đăng cổ tùng báoĐại Việt tân báo làm cơ quan ngôn luận cho mình.

(PGS. TS Nguyễn Thanh Bình, “Tiếng trống cải cách giáo dục điểm từ phong trào Đông kinh Nghĩa thục còn vang vọng”, Bản tin Đại học Quốc gia)

Có thể thấy Ngô Đức Kế tham gia Đông kinh Nghĩa thục với trách nhiệm ở Ban tu thư. Hơn nữa là một người rất tích cực như tác giả Nguyễn Thanh Bình đã ghi nhận, và Ngô Đức Kế tuy không là thành viên trực tiếp nhưng cũng từng lui tới giảng bài, như GS Nguyễn Đình Chú đã viết. Có một số chuyên đề như tiểu sử Hoa Thịnh Đốn (Washington), Đạt Nhĩ Văn (Darwin), tiểu sử Bồi Côn (Bacon), Địch Tạp Nhi (Descartes) Ngô Đức Kế đọc được qua tân thư Trung Quốc có thể đã được Ngô Đức Kế lấy làm đề tài diễn giảng (nói chuyện) ở Đông kinh Nghĩa thục, và sau khi đi Côn Lôn về ông chỉnh lý và viết ra bằng quốc ngữ để xuất bản trong hai tập Đông Tây vĩ nhân. Có thể hồi trước tài liệu sưu tập chưa đủ, trót bỏ sót một lần ở đâu đó rồi sau cứ theo đó mà bỏ sót luôn. Tạm thời cũng chưa thể xác định được chuyên đề nào ông trình bày ở Đông kinh Nghĩa thục.

Đông kinh Nghĩa thục chỉ tồn tại được từ tháng 3 cho đến tháng 11-1907 thì bị thực dân Pháp bắt đóng cửa giải tán. Nhưng Lương Văn Can và những cộng sự chủ chốt chưa bị bắt ngay, chúng còn để theo dõi thêm. Nhưng Ngô Đức Kế và nhóm Triêu Dương ở Vinh thì bị bắt ngay gần như đồng thời trong cùng tháng 11-1907: Mật thám ụp ập đến đóng cửa Triêu Dương thương quán, bắt giam Ngô Đức Kế, Ngô Đức Thiệu, Lê Văn Huân và nhiều người khác. Đặng Nguyên Cẩn đang ở Phan Thiết cũng bị bắt giải luôn về Hà Tĩnh để điều tra xét xử cùng với nhóm Triêu Dương.

Một trận khủng bố trắng của thực dân đã bắt đầu. Nó sẽ thủ tiêu thời kỳ sôi động nhất của phong trào Duy Tân với hàng trăm bản án tử hình và tù đày Côn Đảo. Trong những năm tháng bi tráng ấy, Ngô Đức Kế có mặt trong lớp đông đảo các chí sĩ yêu nước, bất chấp cảnh lao tù, lấy Côn Lôn làm một trường học thiên nhiên – dù ngay từ lúc đầu các cụ không thể nghĩ còn có ngày được trở về quê hương bản quán.

12. 2007

© 2008 talawas




[1]Bài thơ này trên báo điện tử có mấy chữ phiên nhầm (do đánh máy sai), các câu dịch cũng có vài thay đổi không đúng bản nguyên dịch. Tôi đã đối chiếu với bản chữ Hán và nguyên văn bản dịch của cụ Tôn Quang Phiệt để hiệu chỉnh lại. Nhuế: đúng phải là chuế (thừa); thần thánh chứ không phải hiền thánh; dực: đúng phải là diệc (cũng); lạch lãng: đúng chữ là bạch lãng (sóng bạc).
[2]Xem: Tôn Quang Phiệt, Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1958. tr. 28.
[3]Sơn Tùng, “Những chuyện Bác Hồ cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. http://www.cpv.org.vn/ Cập nhật lúc 10h 42' Ngày 15/6/2003.
[4]Bà Trâm lấy chồng là Hồ Bá Trị, con trai của án sát Hồ Trọng Toàn (cử nhân khoa Minh Mạng Mậu tí (1828). Bà sinh hai con là Hồ Xuân Kiên và Hồ Học Lãm. Chồng chết trong trận chiến bảo vệ làng Quỳnh (1865, bà Trâm ở goá nuôi con và tham gia các hoạt động cách mạng bí mật. (Sơn Tùng, tài liệu đã dẫn).
[5]Trần Hữu Dực (1821- ?), người xã Đăng Cao huyện Yên Thành, nay là xã Quỳnh Giang huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. 31 tuổi đậu khoa Bác học hoành tài, đỗ Đệ tam giáp đồng cát sĩ xuất thân Chế khoa Cát sĩ năm Tự Đức 4 (1851).Nguyên Tri phủ Vĩnh Tường, trên đường chiêu mộ binh sĩ để đánh Pháp thì bị bệnh qua đời. Xem Các nhà khoa bảng Việt Nam, tr. 722.
[6]Nay là xã An Bình huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.
[7]Xem hồi ký của Phan Bội Châu: Tự phán , Tôn Quang Phiệt dịch, Ban Văn Sử Địa xuất bản, Hà Nội, 1955, tr. 57.
[8]Hồi ký của Phan Bội Châu: Tự phê phán, Sđd, tr. 69.
[9]Cụ Nguyễn Văn: cử nhân khoa Kỷ Mão (1879), trước làm Lang trung ở bộ rồi bổ đi án sát Khánh Hoà. Ông nội của ông Nguyễn Xiển, ông bác của ông Nguyễn Ngân.
[10]Xem: Phan Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng, 2001. Tr. 208. Trong nguyên văn có tên người và địa chỉ, ở đây chúng tôi tạm lược bỏ. Mấy trường hợp ở dưới cũng thế.
[11]Phan Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua… Sđd, tr. 216-219.
[12]Phan Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua…. Sdd, tr.129.
[13]Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân.
[14]Thư Phan Bội Châu gửi Phan Chu Trinh. Xem Đặng Thái Mai: Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb. Văn Hoá, 1968. Phan Thị Kinh, Sđd. tr. 128.
[15]Xem Hồi ký của Phan Bội Châu, Sđd, tr. 82.
[16]Lê Võ, về sau là rể cụ Phan Chu Trinh, cha Lê Khâm (tức nhà văn Phan Tứ)
[17]Liệt quốc là các nước, “liệt cường” là các cường quốc, thời các cụ quen cách nói ấy - và có lẽ mãi đến những năm 50 của thế kỷ trước vẫn quen cách nói ấy.