trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
23.10.2008
Amin Maalouf
Mang danh bản sắc: Bạo lực và nhu cầu gắn bó
Lê Hải dịch và chú thích
 
[1]

Tôi không còn nhớ đã bao nhiêu lần từ sau ngày rời Lebanon năm 1976 [2] để sang Pháp sống, người ta cứ hỏi tôi, theo cái trào lưu trên thế giới, rằng tôi cảm thấy mình “là người Pháp nhiều hơn” hay “là người Li-băng nhiều hơn”. Và tôi luôn trả lời giống nhau: “Cả hai”! Tôi nói như vậy không phải vì muốn công bằng hay trung lập, mà vì tất cả những cách trả lời khác đều là giả dối. Điều khiến tôi là chính tôi chứ không phải là bất kỳ ai khác đó là việc tôi qua lại giữa hai quốc gia, giữa hai hay ba thứ tiếng, và một vài truyền thống văn hóa. Đó chính xác là những gì định nghĩa bản sắc của tôi. Liệu tôi có thể tồn tại một cách nguyên bản hơn nữa nếu cắt bớt một phần của bản thân tôi?

Với những ai đặt câu hỏi, tôi đều kiên nhẫn giải thích là tôi sinh ra ở Lebanon và sống ở đó cho tới năm 27 tuổi; rằng ngôn ngữ Ả-rập là tiếng mẹ đẻ; và tôi đọc các tác phẩm của Dumas và Dickens và Gulliver Du ký qua bản dịch tiếng Ả-rập đầu tiên; và là cũng ở quê tôi, ở ngôi làng của tổ tiên tôi, mà tôi đã trải nghiệm tuổi thơ tuyệt diệu và nghe những câu chuyện mà sau này đã góp phần tạo nên ý tưởng cho các quyển tiểu thuyết của tôi. Làm sao tôi có thể quên tất cả chuyện đó được? Làm sao tôi có thể cắt bỏ nó ra? Từ phía khác thì tôi cũng đã sống 22 năm trên đất Pháp; uống nước và rượu vang Pháp; hàng ngày chạm tay vào những viên đá cổ của mảnh đất này; viết sách [3] bằng tiếng Pháp; và nước mẹ Pháp [4] sẽ không bao giờ là nước ngoài đối với tôi.

Vậy phải chăng tôi một nửa là người Pháp và một nửa là người Li-băng? Tất nhiên là không. Bản sắc không thể phân chia ra được. Quí vị không thể chia nó ra làm đôi, làm ba, hay bất kỳ cách chia nào khác. Tôi không có một vài bản sắc: tôi chỉ có duy nhất một bản sắc, được tạo thành từ rất nhiều bộ phận trong một khối hỗn hợp đặc trưng của riêng tôi, cũng giống như bản sắc của những người khác cũng riêng biệt đối với từng người [5] .

Một số lần, sau khi tôi đã cung cấp đầy đủ mọi thông tin chính xác giải thích tại sao tôi liệt kê hết tất cả mọi mối dây lệ thuộc, có người tiến lại gần, vỗ vai, và nói “Tất nhiên, tất nhiên, nhưng cảm giác thực sự của anh là gì, ở sâu bên trong?”

Suốt một thời gian dài tôi cảm thấy thú vị với câu hỏi này, nhưng nay thì nó chả còn khiến tôi buồn cười nữa. Dường như nó thể hiện một quan niệm nhân văn mà theo tôi, dù khá bao quát, chưa đựng một mối nguy. Nó đặt tiền đề cho rằng “cái sâu bên trong” mỗi người chính là cái mối liên hệ thực sự đáng quan tâm, một dạng “sự thật mang tính bản chất” về mỗi con người, một “tính chất” đã được giao phó chỉ một lần và tất cả ngay khi sinh ra, sau đó không bao giờ thay đổi. Còn sau đó, tất cả những gì sau đó – con đường mà một người phải đi theo thời gian trong vai trò một điểm (agent) tự do, những lòng tin mà anh ta thu nhận trong chuyến đi đó; những sở thích riêng của anh ta, cảm giác, và quan hệ gia đình; nói ngắn gọn là chính là cuộc sống của anh ta – đều không có giá trị gì cả. Và khi, như ngày nay rất thường xảy ra, những người đương thời đang hô hào “khẳng định bản sắc” thì cũng có nghĩa là họ muốn tìm bên trong mình những bổn phận được coi như là cơ bản, thường là tôn giáo, dân tộc, sắc tộc hay chủng tộc, và đặt chúng vào vị trí cần phải tự hào trước mặt những người khác.

Bất kỳ ai khai báo một bản sắc hỗn hợp đều bị đẩy ra ngoài rìa. Nhưng một thanh niên đẻ trên đất Pháp trong một gia đình người Algeria rõ ràng đem theo mình hai bổn phận hay “di sản” khác nhau, và anh ta cần phải được phép sử dụng cả hai. Để lập luận, tôi nhắc tới hai “di sản” nhưng trên thực tế nhân cách của một thanh niên được tạo thành từ nhiều thành phần hơn vậy. Bên trong anh ta, các ảnh hưởng Pháp, châu Âu và các loại phương Tây khác trộn lẫn với Ả-rập, Berber, Phi châu, Hồi giáo và các nguồn khác nữa, từ trong ngôn ngữ, lòng tin, quan hệ gia đình cho đến sở thích trong ăn uống và gu nghệ thuật. Điều này có thể trở thành một thí nghiệm rất đầy đủ và hữu dụng nếu người thanh niên nọ cảm thấy được tự do sống với tất cả khả năng – nếu anh ta được khuyến khích chấp nhận tất cả những sự đa dạng đó. Nhưng câu chuyện có thể trở nên bi kịch nếu khi anh ta nhận là người Pháp mà những người khác lại coi anh ta là kẻ phản bội hay đào ngũ, còn mỗi lần anh ta nhấn mạnh tới mối quan hệ với Algeria và lịch sử, văn hóa và tôn giáo ở đó thì sẽ lại bị người ta hiểu sai, không tin hoặc thậm chí phản ứng bạo lực.

Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nếu lấy bối cảnh bên kia sông Rhine. Tôi đang nghĩ đến trường hợp của một người Thổ Nhĩ Kỳ, sinh ra cách đây 30 năm, ở một nơi gần Frankfurt, và suốt đời sống ở Đức. Anh ta nói và viết tiếng Đức giỏi hơn ngôn ngữ của tổ tiên mình. Thế nhưng với xã hội của quốc gia đã thu nhận thì anh ta không phải là người Đức, trong khi với nguyên quán thì anh ta không còn hoàn toàn là người Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Nếu theo suy nghĩ bình thường thì anh ta phải có quyền nhận cả hai bổn phận. Nhưng hiện tại cả luật pháp lẫn dư luận đều không cho phép anh ta hòa trộn bản sắc một cách bình yên như vậy.

Tôi vừa trình bày các dẫn chứng chợt xuất hiện trong đầu, nhưng còn có thể kể ra thêm nhiều nữa. Ví dụ như một người sinh ra ở Belgrade, trong một gia đình mẹ là người Serbia còn cha là người Croatia. Rồi chuyện một phụ nữ Hutu lấy chồng người Tutsi, hoặc ngược lại. Hay là chuyện một người Mỹ có cha da đen còn mẹ là Do Thái.

Có ý kiến cho rằng đó chỉ là những trường hợp cụ thể. Tôi không đồng ý. Những ví dụ tôi nêu không phải là những người duy nhất có bản sắc hỗn hợp. Mỗi con người đều là nơi gặp gỡ của nhiều bổn phận khác nhau, và có lúc các lòng trung thành mâu thuẫn với nhau và buộc người dung chứa chúng phải đi đến sự lựa chọn khó khăn. Trong một số trường hợp có thể dễ dàng nhìn ra ngay vấn đề, còn một số trường hợp khác thì cần phải phân tích kỹ hơn mới thấy.

Ngày hôm nay ở châu Âu có công dân nào lại không cảm nhận được không khí giống như là chiến tranh bên trong mình, một mâu thuẫn gia tăng giữa một bên là mối liên hệ của anh ta đối với các nước cũ như Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch hay Anh, còn bên kia là bổn phận của anh ta đối với toàn châu Âu trong một quá trình tạo dựng? Đồng thời cũng có nhiều “người châu Âu”, từ xứ Basque cho đến Scotland, cùng lúc cũng cảm thấy sự dính liền rất mạnh và cơ bản đối với vùng đất đó, cùng với con người ở đó, lịch sử và ngôn ngữ của nó. Có ai ở Hoa Kỳ ngày hôm nay có thể đánh giá vị trí của anh ta trong xã hội mà không nhắc tới những mối quan hệ trước kia, vốn từng là người châu Phi, Tây Ban Nha, Ireland, Do Thái, Ý, Ba Lan hay nào khác?

Tức là, tôi sẵn sàng công nhận các ví dụ tôi đưa ra đầu tiên thuộc về một nhóm đặc biệt nào đó được mở rộng. Tất cả những ai trong nhóm đó đều là một đấu trường cho các bổn phận đang trong mối quan hệ mâu thuẫn với nhau: họ sống tại một nơi có thể coi như là chiến tuyến qua lại giữa sắc tộc, tôn giáo hay các lằn ranh nhầm lẫn nào khác. Nhưng với toàn cảnh của tình thế này – bị vướng vào hơn là được hưởng – họ có vai trò quan trọng để trở thành đường dẫn, giúp loại trừ những sai lầm trong hiểu biết, giúp một số bên suy nghĩ hợp lý hơn và bên kia bớt hiếu chiến, làm nhẹ bớt các khó khăn, tìm kiếm thỏa thuận. Vai trò của họ là trở thành cầu nối, thành người đi giữa hai bên, người trung gian giữa các cộng đồng và văn hóa khác nhau. Đây chính là lý do khiến tình huống tiến thoái lưỡng nan của họ lại rất quan trọng: nếu chính họ không thể chống đỡ nổi trước nhiều bổn phận của mình, nếu họ tiếp tục bị các bên gây áp lực hoặc buộc phải ở lại bên trong bộ tộc của mình, thì tất cả chúng ta sẽ có lý do để lo lắng trước những thay đổi trên thế giới.

Tôi nhắc đến chuyện họ bị “áp lực và bắt buộc” – nhưng do ai? Không phải từ những người cuồng tín, các nhóm bài ngoại hay tương tự, mà từ chính quí vị và tôi, từ từng người và từ tất cả chúng ta. Và chúng ta làm như vậy bởi vì thói quen suy nghĩ và thể hiện ẩn sâu trong tất cả chúng ta; vì quan niệm chật hẹp, tách rời, hẹp hòi, đơn giản đã giản hóa bản sắc với tất cả mọi góc cạnh của nó xuống thành duy nhất một mối dây liên hệ, cũng chính là khởi điểm cho sự tức giận.

Tôi cảm thấy muốn hét to lên, cảnh báo sự nguy hiểm chết người từ lối suy nghĩ như vậy – toa thuốc cho tàn sát! Điều này có vẻ cực đoan, nhưng tôi sẽ cố gắng giải thích quan điểm của tôi trong những trang tiếp theo [6] .


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Đây là bản dịch phần dẫn nhập trong bản tiếng Anh do Barbara Bray dịch, In the Name of Identity: Violence and the Need to Belong, Arcade Publishing xuất bản năm 2001. Trước đó nguyên bản tiếng Pháp Les Identités meurtrières được xuất bản từ năm 1998 và từng được NXB Harvill Panther dịch và xuất bản năm 2000 với tựa đề On Identity. Tất cả các chú thích trong bài này là của người dịch.
[2]Amin Maalouf sinh năm 1949 ở Beirut, trong một gia đình Thiên Chúa giáo, có ông từng lập nghiệp ở Cuba và Mỹ, về nước mở trường, cha làm chủ một tờ báo và chuyên bình luận về hoạt động của quốc hội Lebanon. Từ nhỏ Maalouf được gửi vào trường của các giáo sĩ dòng Tên và sau theo khoa Xã hội học của Đại học Pháp ở Beirut, lấy bằng thạc sĩ. Năm 22 tuổi anh bắt đầu theo nghề báo và từng phỏng vấn Indira Gandhi, tường thuật cuộc đảo chính của phe Mác-xít ở Ethiopia năm 1974 và có mặt ở Sài Gòn trong những ngày kết thúc cuộc chiến 1975. Đó cũng là thời điểm bùng nổ cuộc nội chiến ở Lebanon và năm 1976 Amin Maalouf sang tị nạn ở Paris, bắt đầu chuyển sang viết báo bằng tiếng Pháp và một đoạn đời mới.
[3]Sự nghiệp báo chí tiếng Pháp của Amin Maalouf ở Paris tiếp tục thăng tiến với chức vụ giám đốc tờ tuần báo An-Nahar giai đoạn 1979-82, tổng biên tập tờ Jeune Afrique giai đoạn 1982-85, nhưng rồi ông đã bỏ ngang và dành hết thời gian cho văn học, xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tay Léon l”Africain năm 1986 và tiếp theo sau là các tác phẩm thuộc hàng bán chạy ở Pháp, đặc biệt đầu sách thứ năm Le Rocher de Tanios đem lại cho tác giả giải thưởng cao quí Prix Goncourt năm 1993. Amin Maalouf được Đại học Mỹ ở Beirut phong danh hiệu Tiến sĩ danh dự năm 2003. Maalouf cũng từng sáng tác các libretto cho ba vở opera của đạo diễn Phần Lan Kajia Saariaho, lưu diễn nhiều nước trên thế giới.
[4]Tác giả dùng ngôi thứ ba số ít, giống cái – her lặp lại nhiều lần, người dịch thay bằng các chữ Pháp, mảnh đất này và nước mẹ Pháp để diễn tả gần đúng.
[5]Phần một trong quyển sách của Maalouf có tựa là My identity – my allegiances, bao gồm 5 chương được tác giả dùng để mô tả lần lượt các bước hình thành bản sắc trong tâm lý của một con người. Đầu tiên, bản sắc – identity là một phạm trù rất phức tạp đến nỗi có nhiều trường hợp người ta hiểu nhầm. Bản sắc có lúc được dùng để huy động một tập thể được cho là giống nhau, nhưng thực tế “bản sắc của tôi là cái ngăn tôi không giống hệt bất kỳ ai khác” (trang 10). Mỗi một con người trong đường đời của mình sẽ thu nhận thêm nhiều mối dây liên hệ mới – affiliation mà kèm theo đó là những bổn phận – allegiance, tức là những thành phần xây dựng nên bản sắc. Maalouf lập luận rằng khi giản lượt hóa bản sắc xuống chỉ còn một bổn phận tức là đã tạo ra nguy cơ “khuyến khích người ta có thái độ một phía, giáo phái, không dung thứ, ức hiếp và có lúc dám tự sát, thậm chí thường biến người ta thành kẻ sát nhân hoặc người ủng hộ kẻ giết người. Thêm vào đó bản thân tác giả còn tự nhận mình có mối dây liên hệ của một dân nhập cư hay còn có thể hiểu là trạng thái của những người thiểu số, không chỉ xảy ra khi rời xa quê quán mà ngay cả trong trường hợp không theo kịp những thay đổi ngay trên mảnh đất mà mình đang sống suốt từ khi sinh ra.
[6]Trong các giải thích sau này của Maalouf như trong chương trình HardTalk với BBC 31.3.2006 thì nguyên nhân khiến thế giới xung đột trong thế kỷ 21 này chính là chính trị dùng chiêu bài bản sắc, vì không thể đem bàn sắc ra bàn cãi giống như người ta đã từng làm với hệ tư tưởng. Giải pháp được đưa ra là mỗi con người phải tự hòa hợp với các bổn phận xung đột lẫn nhau trong bản sắc của mình, sau đó trở thành “cầu nối, người đi giữa, người trung gian cho các cộng đồng và nền văn hóa khác nhau” (trang 6).
Nguồn: In the Name of Identity: Violence and the Need to Belong, Phần dẫn nhập. Barbara Bray dịch, Arcade Publishing 2001