trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữDịch thuật
15.12.2003
Trịnh Hữu Tuệ
Mượn Thường Quán nói chuyện ngôn ngữ học
 
Cuộc tranh luận bắt nguồn từ hai bản dịch của Thường Quán vẫn tiếp tục. Trong bài này tôi xin đóng góp thêm một vài ý kiến vào khía cạnh ngôn ngữ học của cuộc tranh luận. Câu hỏi: Thường Quán có tội với tiếng Việt hay không? Chúng ta hãy xác định cho chính xác ý nghĩa của khái niệm "tiếng Việt". Nói rằng một cá nhân nào đấy, My chẳng hạn, biết tiếng Việt có nghĩa là nói rằng My biết một số những quy tắc nhất định, ví dụ "tính từ đứng sau danh từ". Quy tắc này giúp My biết cô gái đẹp là đúng còn đẹp cô gái là sai. Còn có những quy tắc mà My biết nhưng không biết mình biết, tức là biết một cách vô thức, ví dụ như nếu My đang ngồi trong máy bay thì My sẽ biết là không thể nói tôi nhìn thấy cái máy bay được, trừ phi My nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay và thấy một tấm gương phản chiếu hình cái máy bay trong đó My đang ngồi.

Tập hợp những quy tắc này ta gọi là ngữ pháp tiếng Việt. Câu hỏi tiếp theo là: thế nào là một quy tắc ngữ pháp. Quy tắc ngữ pháp có phải là những quy ước xã hội kiểu như luật giao thông không? Không, bởi vì luật giao thông được một số người viết ra trên giấy trắng mực đen để rồi tất cả mọi người cùng tuân theo, và nếu như ai vi phạm chúng thì sẽ có những luật khác cho biết hậu quả ra sao. Còn quy tắc ngữ pháp không hề tồn tại trong một văn bản được mọi người công nhận. Hơn nữa, ai cũng có thể kể ra luật giao thông một cách hiển ngôn và có ý thức, còn quy tắc ngữ pháp thì phần lớn là được biết một cách vô ý thức.

Thay vì coi ngữ pháp là một quy ước xã hội mà My tuân theo, chúng ta sẽ coi ngữ pháp, hay ngôn ngữ, của My là một chương trình tâm lý, một cấu trúc dữ liệu nằm trong óc của My, được My sử dụng một cách gần như vô thức trong việc mã hoá những ý tưởng My có thành lời nói và giải mã những lời nói My nghe được thành ý tưởng. Nói rằng My biết tiếng Việt có nghĩa là nói rằng não của My, và chỉ của My mà thôi, có một tính chất nhất định, tương tự như nói rằng cái máy tính này có Microsoft Word. Ngữ pháp, hay ngôn ngữ, hiện hữu nội tại trong từng cá nhân. Cách nhìn ngôn ngữ kiểu này hợp lý, bởi xét cho cùng thì không ai nói giống ai, tức là ai cũng có một ngôn ngữ riêng của mình. Ông nội tôi chẳng hạn nói mặt giời chứ không phải mặt trời, còn GS. Cao Xuân Hạo dùng từ yếu điểm với một ý nghĩa khác so với một số người khác...Vậy thì tại sao chúng ta lại trao đổi được thông tin với nhau? Bởi vì tuy rằng mỗi người có một ngữ pháp trong đầu, nhưng những ngữ pháp đó đủ giống nhau để chúng ta đoán được ý nhau (tuy không phải lúc nào chúng ta cũng thành công.)

Chính bởi vì các hệ thống ngữ pháp cá nhân rất giống nhau nên chúng ta hay tưởng lầm rằng ngữ pháp là một thực thể mang tính xã hội và ngoài cá nhân, tương tự như luật hôn nhân hay luật hình sự. Chính bởi sự tưởng lầm này mà những lời phê bình nhau về ngôn ngữ hay văn phạm rất hay ngả sang chiều hướng các bài giảng đạo đức. Ai theo dõi cuộc tranh luận nói trên cũng có thể thấy rằng Lê Đình Khoa đã mắc phải cái lỗi này, khi ông trách Thường Quán "đã không chịu thấy cái sai" và đã "khiến người Việt phải xấu hổ". Dũng Vũ thì không trách Thường Quán về mặt đạo đức, nhưng cũng đã coi cái nguyên tắc "right attributed" như là một thứ luật lệ cộng đồng nào đó của người Việt mà Thường Quán đã vi phạm khi sử dụng từ "mãnh cọp". Dũng Vũ quên, hay không biết rằng khi Chomsky nói một ngữ pháp nào đấy có một quy tắc nào đấy như NP=N^AP, tức là tính từ đi sau danh từ, ông thực sự nói rằng có một cá nhân nào đấy có một ngữ pháp trong đầu với một quy tắc như thế. Nhưng nhiều cá nhân có thể có nhiều ngữ pháp khác nhau, và một cá nhân cũng có thể có nhiều ngữ pháp khác nhau. Theo một cách hiểu nào đấy thì chúng ta luôn dùng hai ngữ pháp khác nhau để hiểu người đẹpmỹ nhân, khoẻ khônghow are you, vả lại nếu chúng ta nói được hổ to, tại sao chúng ta không nói được mãnh cọp? Có thể thấy sự tình không chỉ đơn giản nằm ở chỗ tính từ đi trước hay sau danh từ, mà còn nằm ở cách chúng ta xếp loại từ cọp, hổ, và mãnh. Tôi tin rằng não của Dũng Vũ, Lê Đình Khoa, Thường Quán và tôi đủ giống nhau để chúng ta cùng công nhận rằng mãnh cọp nghe thuận tai hơn cọp mãnh, và hổ to nghe hay hơn to hổ, và cọp to nghe chẳng hơn gì hổ to. Nhưng những câu hỏi này sẽ dẫn chúng ta đi quá xa.

Với cách nhìn kiến thức ngữ pháp như một tính chất nội tại của một cá nhân, chúng ta thấy rằng việc chỉ trích nhau viết sai quy tắc này nọ của tiếng Việt là một việc vô nghĩa, vì không làm gì có cái gì là tiếng Việt cả. Chỉ có hàng triệu cái óc chứa hàng triệu những cấu trúc thần kinh đủ giống nhau để hàng triệu cá nhân sống được qua ngày một cách ổn thoả, thế thôi.

Vậy thì việc viết ra một quyển sách dạy ngữ pháp để dùng trong trường phổ thông cũng như trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là vô ích ư? Tất nhiên là không! Nếu như ngoài những gì có trong đầu, chúng ta còn nạp thêm được cái thông tin là trong những truờng hợp như thế ta có thể nói như thế và biết chắc là những người cũng đã học như thế cũng sẽ hiểu như thế, đời chúng ta sẽ tươi hơn. Nhưng đấy không có nghĩa là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vì không làm gì có tiếng Việt, mà đơn thuần chỉ mang tính chất thực dụng, tương tự như việc một nhóm người nào đó quyết định dùng chung một loại tiền mà thôi.

Tôi nghĩ là nếu chúng ta nhìn ngôn ngữ theo cách nói trên, chúng ta sẽ không phải bận tâm đến những vấn đề không đi đến đâu kiểu như tiếng Việt đang bị diệt vong hay bài viết này kia là một mối hiểm hoạ cho tiếng Việt. Đọc xong bản dịch về Eminem của Thường Quán tôi chẳng thấy tiếng Việt của mình bị ảnh hưởng chút nào, và tôi nghĩ điều này đúng cho tất cả mọi người khác. Mối hiểm hoạ duy nhất của bản dịch này là nó có thể làm người đọc cười tắc thở mà chết. Dịch được one of the world's greatest poets thành một trong những tài thơ đã được chứng thực là tầm vóc thượng hạng của thế giới méo tròn con người ta chen chúc thì quả là vĩ đại, và nó buồn cười hơn Molière rất nhiều bởi ta biết là tác giả không đùa.

© 2003 talawas